Thực tập lạy nhau trước thềm năm mới

Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa đẹp và gia đình là nơi giữ gìn đầy đủ những nét văn hóa ấy. Cái đẹp ấy thể hiện cụ thể nhất trong cách ứng xử với nhau, đối đãi nhau. 

Tết nguyên đán hay Tết cổ truyền là ngày Tết đẹp nhất trong năm. Trong những ngày Tết cổ truyền, chúng ta có dịp được tắm mát và nuôi dưỡng mình trong nếp sinh hoạt đậm chất văn hóa của người Việt. 

Năm mới sắp đến, con ước muốn chia sẻ sự thực tập lạy nhau này đến ba mẹ, các anh chị và các em của con cũng như quý vị thân hữu gần xa để làm giàu thêm kho tàng thương yêu của giống nòi. 

Tương kính như tân

Kính nhau như khách quý, đó là lời dạy của các cụ ngày xưa cho đời sống vợ chồng. Các cụ đã có kinh nghiệm rằng nếu mình sống với nhau mà không biết nuôi dưỡng sự tương kính thì rất dễ làm khổ nhau. Ngày cưới, hai người đã thực tập nghi lễ lạy nhau trước bàn thờ gia tiên với sự có mặt của hai họ. Đó là một giây phút đẹp. Giây phút ấy chỉ xảy ra một lần trong đời của mỗi cặp vợ chồng và mình chỉ lạy người kia lần thứ hai khi người đó đã mất. Như thế thì tiếc quá! Một giây phút đẹp mà chỉ xảy ra một lần trong đời.

Với sự thực tập này, mình sẽ làm cho nét đẹp của giây phút ngày xưa sống lại trong giây phút hiện tại. Mục đích của sự thực tập lễ lạy này là để nuôi dưỡng sự tương kính, cái tình nghĩa giữa hai người khi chung sống với nhau. 

Cách thực tập:

Thời gian: Trước thềm năm mới sau khi đón giao thừa hoặc sáng ngày mùng một, cũng có thể thực tập vào một dịp kỷ niệm nào đó của hai vợ chồng. 

Địa điểm: Trước bàn thờ gia tiên hoặc trước bàn thờ Tam bảo, hoặc một nơi nào đó có đủ không gian và sự kính trọng. 

Tuần tự hai người đọc lời quán niệm cho nhau nghe và cuối cùng thì hướng về nhau lạy một lạy. 

Hai vợ chồng cũng có thể thực tập lạy nhau với sự có mặt của gia đình. Chắc chắn con cháu của các vị sẽ rất hạnh phúc khi thấy bố mẹ biết chăm sóc và vun bồi hạnh phúc cho gia đình. 

 

 

Dưới đây là hai lời quán niệm, với tinh thần là mỗi người nói lên cái phần của mình. Phần của người kia hãy để người kia nói. Đây là điều hết sức quan trọng. Đầu năm mới, mình không nên nói những cái không hay của người khác. Đó là sự kiêng cử, để mọi người ăn Tết cho ngon. 

Sự phát nguyện là một ý thức, một sự nhắc nhở cho mình, và cái đẹp nhất nằm ở giây phút mình phát nguyện chứ không phải là cái kết quả mình làm được bao nhiêu, mình chỉ cố gắng hết tấm lòng của mình thôi. 

Quán niệm trước khi lạy của người vợ:

Em cảm ơn anh đã đến với cuộc đời em. Anh là nơi nương tựa rất vững chắc cho em, cho các con, các cháu. Có chuyện gì xảy ra mà có anh ở nhà thì đều được giải quyết rất nhanh.

Em rất xin lỗi anh vì nhiều khi em đã không nhìn thấy được những cái đẹp trong anh; những lời nói chua cay khó nghe đã làm anh bực mình, làm anh muốn tránh xa em, vì những lúc ấy em không tươi mát. 

Nhiều lúc em quá bận lo cho con, cho cháu, cho những muộn phiền của em mà đã quên để ý đến sự có mặt của anh và chăm sóc anh. Không học cách hỏi thăm và có mặt cho anh mỗi khi anh cần. 

Trong năm mới, em nguyện sẽ học hạnh ái ngữ để em có thể nói một cách khéo léo hơn. Em cũng sẽ học hạnh kiên nhẫn để không nói khi lòng đang bực bội, sẽ trở về với hơi thở ý thức để làm dịu thân tâm mình và sẽ tìm cách nói cho anh hiểu khi mình có đủ không gian. 

Em cũng sẽ thực tập nhìn sâu để học nuôi dưỡng những cái đẹp, cái hay mà tổ tiên đã trao truyền nơi em, nơi anh và các con.

Xin anh tiếp tục làm nơi nương tựa vững chắc cho em trong năm mới. 

Quán niệm trước khi lạy của người chồng:

Anh cảm ơn tổ tiên và gia đình đã đưa em đến bên anh và thủy chung với anh cho đến ngày hôm nay. Trải qua bao nhiêu sóng gió mà mình vẫn còn bên nhau. Anh cảm thấy rất may mắn. 

Em đã chấp nhận con người anh, những thói quen không dễ thương của anh. Em đã thương yêu các con và làm cho gia đình luôn là nơi êm ấm.

Anh xin lỗi em vì nhiều lúc anh lo cho người khác, cho xã hội, công ty hay chính những dự án anh đang theo đuổi nên đã không thường xuyên có mặt cho em và gia đình. 

Trong năm mới, anh sẽ cố gắng học hạnh lắng nghe để có thể có mặt vững chãi cho em và các con. Anh sẽ học cách chia sẻ cái thấy của mình và mở lòng lắng nghe ý kiến của em và các con mà không áp đặt cái thấy của mình lên em và các con. Nếu cần anh sẽ học cách buông bỏ cái thấy của anh để hòa chung với cái thấy của gia đình. 

Anh cũng nguyện sẽ học cách chăm sóc bản thân và trân quý những điều kiện hạnh phúc mà gia đình đang có. Anh ý thức rằng, chính hạnh phúc của chúng ta là gia tài quý giá nhất cho các con. 

Năm mới mong em tiếp tục nuôi dưỡng niềm vui sống trong em, trong anh và gia đình. 

 

                                                                    

Qua mỗi năm thực tập, mình có thể tự làm lấy lời quán niệm cho mình để phù hợp với hoàn cảnh và ân tình của hai người. 

Sự thực tập này là một phẩm vật rất ý nghĩa để dâng lên Tổ tiên dịp đầu năm mới.

(Thầy Minh Hy)

 

Chương trình Lễ tiểu tường

Ở Việt Nam, Lễ Tiểu Tường (giỗ đầu) TS Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và 10/01/2023 (nhằm ngày 18 và 19 tháng 12 năm Nhâm Dần) tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế. Các sự kiện chính như ngồi thiền, tụng kinh, lễ tưởng niệm sẽ được truyền trực tiếp qua kênh youtube của Làng Mai cho những người con ở xa có cơ hội hướng lòng mình về chùa Tổ, cùng bày tỏ lòng biết ơn đến vị thầy tâm linh lỗi lạc-người đã đem chánh niệm vào đời.

Ngày thứ nhất – 9.01.2023 (nhằm ngày 18  tháng 12 năm Nhâm Dần)

5h00         Tụng Năm giới quý báu (tại Thiền đường Trăng Rằm)

7h00          Ăn sáng

8h30          Chấp tác

11h00         Ăn trưa yên lặng với Sư Ông (tại Thiền đường Trăng Rằm)

12h30         Nghỉ ngơi

14h00        Chấp tác

17h00         Ăn chiều

19h00        Lễ tưởng niệm (tại Thiền đường Trăng Rằm)

 

Ngày Thứ Hai – 10.01.2023 (nhằm ngày 19 tháng 12 năm Nhâm Dần)

5h00         Ngồi thiền – tụng kinh – sám pháp địa xúc (tại Thiền đường Trăng rằm)

6h00         Ăn sáng

7h30        Thiền hành

9h00        Cúng ngọ (tại Chánh điện)

10h00      Cung tiến Giác Linh (tại Thiền đường Trăng Rằm)

11h00       Thọ trai

15h00       Đảnh lễ Đài Trà Tỳ của Hòa thượng Trí Quang và Sư Ông tại Vườn Địa Đàng

Tâm tình ngày tiểu tường

Những ngày này ở Làng, trời mưa rả rích. Mưa trút xuống tình thương của đất trời. Mưa dường như cũng nói hộ lòng người. Thời điểm hiện tại, từ khắp nơi trên thế giới, con biết rằng mọi người đang hướng tình thương và niềm biết ơn của mình về Thầy. Các trung tâm của Làng Mai ở Thái Lan, Pháp, Hồng Kông, Mỹ,…đều gửi các vị xuất sĩ cũng như cư sĩ đại diện về tham dự lễ tiểu tường của Thầy ở Tổ đình Từ Hiếu, Việt Nam. Tăng thân khắp chốn sum họp một nhà. Niềm vui lan tỏa đến từng ngọn cây, chiếc lá trong chùa. 

 

 

Những người con tâm linh của Thầy đã cùng nhau chấp tác, cùng nhau tu tập trong không khí của tình huynh đệ. Ai trong chúng con cũng ý thức rằng thở những hơi thở chánh niệm, bước những bước chân an trú thảnh thơi, giữ sự hòa hợp trong tăng thân chính là cách thiết thực nhất để bày tỏ tình thương và niềm biết ơn của chúng con đến Thầy.

Con từng nghĩ rằng sinh ra trong thời hiện đại với đầy đủ tiện nghi vật chất là một sự thiếu may mắn của người tu. Mình không có nhiều cơ hội để sống đời thanh bần, ngày ngày cuốc đất trồng rau, tụng kinh, thiền tập như thế hệ tiền bối ngày xưa. Cho đến một ngày, khi ngồi nghe pháp thoại ở phòng học, con chợt nhận ra rằng thật mầu nhiệm biết bao khi chị em con đang ngồi chung một căn phòng nhưng mỗi người lại có thể nghe những bài pháp thoại khác nhau. 

Trong thời đại mà mạng lưới internet có mặt gần như khắp nơi, việc tiếp xúc với giáo pháp, kinh điển, phương pháp thực tập dễ dàng hơn rất nhiều qua sự có mặt của google, youtube, sách đọc, sách nói,…Ở thời điểm hiện tại cũng vậy, con thấy hạnh phúc khi sống trong thời đại công nghệ kĩ thuật phát triển. Ngồi ở Làng, nhấp chuột vài cái, truy cập vào youtube hay vào trang nhà của các trung tâm, con lắng nghe được những lời chia sẻ trong buổi lễ tưởng niệm ở Từ Hiếu, ở Lộc Uyển, được thưởng thức những khoảnh khắc đẹp của các anh chị em trong buổi lễ cúng ngọ cho Thầy ở EIAB,…

 

 

Trong những năm tháng giảng dạy giáo lý và pháp môn thực tập, Thầy đã biến những vật dụng bình thường của đời sống trở thành những “pháp khí” mới của thời đại. Thầy dùng hình ảnh ngọn lửa từ que diêm để nói về tính không sinh không diệt của vạn pháp, dùng hai mặt của đồng xu để nói về tính tương tức, dùng cây bắp và hạt bắp để chuyển tải thông điệp của sự tiếp nối. Thầy là một nhà cách mạng. 

Học theo Thầy, con sẽ biến mạng lưới internet, những trang mạng xã hội thành những phương tiện để mang giáo pháp và sự thực tập lan tỏa đến khắp nơi. Dù cho cách thức truyền tải có khác Bụt hay Thầy ngày xưa nhưng bản chất vẫn là mong ước làm vơi bớt khổ đau cho cuộc đời. Pháp khí của thời đại con, ngoài chiếc chuông vang lên tiếng gọi của sự tỉnh thức còn là chiếc máy tính đang cùng con chu du khắp nẻo đường xóm Hạ, xóm Thượng trong mùa làm báo Lá thư Làng Mai năm nay.     

 Thầy từng nhắc nhở chúng con rằng:”Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy.”(Trích pháp thoại ngày 26.11.2013 tại Nội viện Phương Khê). Trên tinh thần đó, con không chỉ tưởng niệm về Thầy trong dịp Lễ tiểu tường. Nếu con thật sự có mặt trong mỗi giây phút của đời sống, mỗi khoảnh khắc là một cơ hội cho con đặt Thầy vào lòng với tình thương và niềm biết ơn.

 Những lúc trong lòng buồn bực, không vui, nhớ về Thầy, con thở để ôm ấp và chăm sóc những cảm thọ không dễ chịu đó. Những lúc căng thẳng vì công việc, con thường tự hỏi: “Điều gì làm Thầy vui nhất?”. Nhờ đó, con buông đi được áp lực, trở về với hơi thở, bước chân, tiếp tục nuôi dưỡng sự bình an trong đời sống của mình. Con hiểu được niềm mong mỏi của Thầy. Điều quan trọng là cách thức con làm việc chứ không phải là khối lượng công việc con làm được.

 Có khoảnh khắc nhìn chiếc lá tre óng ánh sắc xanh tươi mát sau cơn mưa, nhớ về Thầy, con mỉm cười với những mầu nhiệm của sự sống đang biểu hiện xung quanh. Ở Làng, ít có “tương chao” để thấm, bù lại con được thấm vị trà, đượm chất thơ. Sống một hồi, cũng như huynh đệ mình, con biết thưởng thức vẻ đẹp của hoa cỏ, biết nâng niu một chồi non mới nhú hay dừng lại, ngắm mảnh trăng tròn treo lơ lửng giữa trời trên con đường đến thiền đường cho buổi công phu tối.

 

 

Nhìn lại cuộc đời Thầy, cho con động lực để đi tới. Thầy luôn thấy được ánh sáng của những vì sao giữa màn đêm u tối. Dù trải qua bao đau thương, giông tố, Thầy vẫn nhìn cuộc đời với đôi mắt sáng trong, gìn giữ được tâm hồn thiện lành và chọn nơi đây làm cõi Tịnh Độ của mình. Học theo Thầy, con lau đi những thương tích hằn lên đôi mắt để nhìn cuộc đời với tất cả niềm thương. Con hạnh phúc khi bước đi trên con đường Thầy đã dày công mở lối. Niềm hạnh phúc của con rất lớn bởi con đường đó không phải chỉ đem lại hạnh phúc cho riêng con.

          “Hạnh phúc chưa từng là hạnh phúc mình tôi

            Vì biết thương mình mà đã biết thương trần gian”  

( Tâm an, Sư cô Chân Giải Nghiêm)

Sau những ngày mưa nặng hạt, cây cối giờ đây thêm xanh tươi. Những nụ hoa ngậm đủ nước, ấp ủ tinh hoa trời đất đã sẵn sàng bung cánh, khoe sắc để mang mùa xuân về khắp chốn. Trong không khí vui tươi chuẩn bị cho Tết đến, con bất chợt thấy Thầy trong những bước chân vững chãi, thảnh thơi của các anh chị em. Con thấy phảng phất đâu đó bóng dáng của chú điệu Phùng Xuân ngày xưa qua cái xá chào hết mực cung kính của các bạn tập sự. Con thấy tình Thầy đọng lại nơi nụ cười dễ thương của một vị cư sĩ con gặp sáng nay.

 

 

Tựa như nụ hoa ngậm đủ nước sẽ bung cánh, ngấm đủ sự ấm áp của tình Thầy, đời sống tâm linh của con sẽ nở ra, khoe sắc và tỏa hương.

                                                          Con là cây nhỏ mọc ven đường

                                                          Chẳng cần chăm chút vẫn lớn mau

                                                           Một mai nắng dọi bừng hương sắc

                                                           Đền đáp ơn Thầy, thỏa ước mong.

     (Tâm Hiếu Thảo)

Câu đối Tết Quý Mão 2023

Nhân dịp Tết Quý Mão năm 2023, tăng thân Làng Mai xin được gửi đến quý vị thân hữu câu đối Tết Quý Mão như một món quà để thực tập cùng nhau trong năm mới.

 

                                                             Tiếng Việt

                                              

                                           

 

                                                           Tiếng Anh

                                             

                                               

Lời chúc và câu đối Tết năm Quý Mão

Kính bạch Sư Ông!

Kính thưa quý vị thân hữu gần xa!

Tết nguyên đán đã gần về, Tăng thân Làng Mai xin được gửi đến quý vị thân hữu câu đối Tết Quý Mão như một món quà để thực tập cùng nhau trong năm mới:

 

Câu đối này được trích ra từ bài tụng Hướng về kính lạy:

“Mỗi bước chân sẽ đem về an lạc

Mỗi nụ cười sẽ tỏa chiếu thảnh thơi

Sống chánh niệm trong mỗi phút giây

Là chỉ dạy cho người thấy con đường thoát khổ”

 

Bài tụng này do Sư Ông Làng Mai trước tác. Trong Lễ đón giao thừa, quý vị có thể sử dụng để tụng trước khi đọc Lời khấn nguyện đầu năm mới. 

Thiền đi là một trong những phép thực tập rất đẹp mà Sư Ông đã hiến tặng cho thời đại chúng ta. Suốt cuộc đời mình, Sư Ông  đã để nhiều tâm huyết chỉ dạy và trao truyền cho chúng ta pháp môn này. Ta có thể tiếp nối Sư Ông bằng cách thực tập thiền đi trong đời sống hằng ngày. Bằng cách này, Sư Ông sẽ sống mãi trong ta, nuôi dưỡng và chở che cho ta.

Thực tập nụ cười cũng vậy. Nụ cười không đơn thuần là nụ cười để xã giao. Nhìn lên Bụt, chúng ta thấy Bụt mỉm cười rất đẹp. Một khi chúng ta đưa tâm trở về đoàn tụ với thân trong giây phút hiện tại, chúng ta có thể nở được nụ cười từ bi như Bụt. Ta cảm nhận được sự có mặt quý giá của thân thể này. Ta mỉm cười với chính ta, ta thương quý sự có mặt của ta. Thân thể này là bàn thờ tổ tiên và nụ cười chính là đóa hoa tươi thắm trên bàn thờ ấy. 

Với tuệ giác “con cháu ở đâu là ông bà ở đó”, ta nuôi dưỡng được cha mẹ và con cháu trong từng bước chân an lạc và nụ cười thảnh thơi ngay trong đời sống hiện tại. 

Nguyện cầu Tam Bảo, Tổ tiên và Sư Ông gia hộ cho tất cả chúng ta có thể thực hiện được những chí nguyện cao đẹp nhất trong đời sống này. 

Xin tải câu đối tại đây: Câu đối Tết Quý Mão 2023

Lễ tiểu tường của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ở Việt Nam, Lễ Tiểu Tường (giỗ đầu) TS Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và 10/01/2023 (nhằm ngày 18 và 19 tháng 12 năm Nhâm Dần) tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế. Các sự kiện chính như ngồi thiền, tụng kinh, lễ tưởng niệm sẽ được truyền trực tiếp qua kênh youtube của Làng Mai cho những người con ở xa có cơ hội hướng lòng mình về chùa Tổ, cùng bày tỏ lòng biết ơn đến vị thầy tâm linh lỗi lạc-người đã đem chánh niệm vào đời.

Ngày thứ nhất – 9.01.2023 (nhằm ngày 18  tháng 12 năm Nhâm Dần)

5h00         Tụng Năm giới quý báu (tại Thiền đường Trăng Rằm)

7h00          Ăn sáng

8h30          Chấp tác

11h00         Ăn trưa yên lặng với Sư Ông (tại Thiền đường Trăng Rằm)

12h30         Nghỉ ngơi

14h00        Chấp tác

17h00         Ăn chiều

19h00        Lễ tưởng niệm (tại Thiền đường Trăng Rằm)

 

Ngày Thứ Hai – 10.01.2023 (nhằm ngày 19 tháng 12 năm Nhâm Dần)

5h00         Ngồi thiền – tụng kinh – sám pháp địa xúc (tại Thiền đường Trăng rằm)

6h00         Ăn sáng

7h30        Thiền hành

9h00        Cúng ngọ (tại Chánh điện)

10h00      Cung tiến Giác Linh (tại Thiền đường Trăng Rằm)

11h00       Thọ trai

15h00       Đảnh lễ Đài Trà Tỳ của Hòa thượng Trí Quang và Sư Ông tại Vườn Địa Đàng

Sinh hoạt năm 2023

Tết chùa

Chỉ còn độ non một tháng nữa là đến Tết, mau thật.

Trời vẫn còn đang rét lắm. Nhưng hôm nay cái nắng đầu tiên sau những ngày mưa lạnh đã về. Cây hoa trinh nữ khẽ khàng mở từng chiếc lá nhỏ, ngơ ngác nhìn đoàn người đang đi từng bước thảnh thơi. Chắc do lâu quá không thấy đoàn người đông như vậy. Đại chúng hôm nay được dùng trưa ngoài trời, ai cũng chọn một góc có nắng để ngồi chơi và phơi mình cho “đỡ mốc”. Mọi người nói đùa với nhau như thế.

 

 

Ở Huế mưa lạnh, độ ẩm lúc nào cũng trên 90%. Mọi thứ dường như đều có thể mốc được cả. Gói trà vừa mới mở hôm kia, hôm nay đã lên mốc rồi. Cái ghế trắng ngày hè, giờ như được sơn đen. Cả đến bức tường xi măng mà nước cũng rịn ra ẩm ướt. Thế nên tranh thủ hôm nay có nắng, mọi người đem tất cả ra phơi. Không khí thật rộn rã. Mọi người ai cũng hoan hỷ, tươi vui. Tết chưa đến nhưng ở chùa không khí tết đã về rồi. Đó đã là Tết rồi.

Tết chùa không xúm xít áo mới, giày mới, không sắm sửa trang hoàng, cho dù cũng gắng có được cây mai, cây lộc cho đồng sự cùng khí xuân. Áo quần cũng chỉ là những bộ vạt hò cả năm vẫn mặc, cũng chiếc áo nhật bình đã bạc màu. Thế nhưng lòng ai cũng mới, ai cũng lo dọn dẹp thân tâm để đón năm mới. Mà ở chùa thì ngày nào cũng mới, cũng tết cả.

Đến những buổi chấp tác toàn chúng như kéo cây, quét lá quanh hồ, chà rêu hay cắt cỏ… thì cũng y như tết thật, mọi người đang dọn dẹp nhà cửa để đón tết đấy. Chùa nhỏ nên đi đâu cũng thấy có sư cô đang làm việc một cách thảnh thơi. Như một đàn kiến chăm chỉ, ai cũng có phận sự và công việc của mình. Công việc không nhiều mà cái tình lại nhiều hơn.

Những ngày gió đông lạnh, nhóm lên chậu than hồng và chị em cùng ngồi quanh, hơ tay sưởi ấm, nướng khoai ăn. Dù ngoài trời gió rét nhưng trong lòng ai ai mùa xuân đều đã về rồi. Có hôm mấy bao gạo nếp bị mọt ăn, phải đem ra sàng sảy. Sư cô dạy gói bánh chưng đi. Thế là giữa mùa thu lá vàng rơi, trong chùa gói bánh chưng, bánh tét. Cũng người căng bạt, người rửa nồi, người vút nếp, người nhóm bếp, người nấu bánh, cũng thức khuya châm nồi nước đang sôi ùng ục và đón những cái bánh đầu tiên ra lò. Tết về giữa mùa thu! Các sư cô xa quê, mỗi người đến từ mỗi miền, cùng ngồi quanh bếp lửa kể chuyện tết quê mình. Trên gương mặt hây hây nở một nụ cười ấm áp.

 

 

Đêm giao thừa, đại chúng đắp y thong thả lên thiền đường, tiếng chuông trống Bát nhã trầm hùng vang vọng khắp cả núi đồi Dương Xuân. Từng tiếng chuông thúc giục, nhịp nhàng như gọi ai trở về. Về với chiếc bàn thờ tổ tiên cúng đêm giao thừa. Để con cháu được lạy tạ, được chúc tết, tưởng nhớ đến gốc rễ. Những lời tâm sự, phát nguyện sẽ được đốt lên theo hàng muôn ngọn lửa. Bay lên, bay lên mãi và ngọn lửa ấy sẽ đi suốt chặng đường của người con Bụt.

Ngày tết trong chùa, lúc nào trong bếp cũng có một nồi măng kho, một nồi cơm nóng. Ngày đầu năm không phải nấu ăn. Mọi người đi chúc tết quý sư cô, đi thăm tết từng phòng. Mặc dù cả năm ngày nào cũng gặp nhau nhưng ngày tết không khí lại khác hẳn. Có gì đó tươi vui, rạng rỡ nơi từng cái khăn, từng ly nước, từng góc nhỏ trong phòng.

Nhưng tết chùa thật sự vẫn là ngày lễ Tự tứ. Ngày tết này không rộn rã, không nô nức nhưng tươi vui và hoan hỷ – ngày quý thầy, quý sư cô được thêm một tuổi đạo sau chín mươi ngày công phu trong mùa an cư. Mọi người sẽ ngồi xuống, cùng uống chén trà, đốt nén trầm thơm và thưởng thức sự có mặt của nhau. Ngày ấy, dù có làm gì cũng thấy một niềm hân hoan mà thôi.

Bao nhiêu năm rồi, thời thế cũng đổi thay nhiều, nhưng nếp chùa vẫn vậy. Vẫn cái tết với lá chuối, dây lạt. Vẫn tết với lời chúc thân thương, thầy trò, huynh đệ chấp tác cùng nhau, và ngồi quanh bếp lửa hát cho nhau nghe, tiếng cười, tiếng nói, mang mùa xuân về một cõi. Tết mỗi ngày vẫn được nuôi trong tiếng chuông chùa sớm khuya. Áo chấp tác cũng như áo mặc đi chơi tết, cũng một màu nâu huyền dân dã. Cùng nhau về thưởng thức không khí tết chùa, ta sẽ cùng nghe những giản đơn thâm sâu trong lòng lên tiếng gọi.

 

Năm mới từ đâu tới?

(Trích từ sách “Con đã có đường đi” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Năm cũ đi đâu mất rồi?

Chỉ còn vài giờ nữa là sang năm mới, và đây là bài pháp thoại cuối cùng của tôi trong năm 2008. Quý vị có tin không, có tin là chỉ còn vài giờ nữa là hết năm 2008 không? Tôi thì không tin. Năm 2008 đang chạy trốn. Bây giờ chúng ta thử chạy theo để kéo năm 2008 về nhé. Nhưng kéo không nổi đâu, khó lắm. Bây giờ để tôi hỏi quý vị câu này: “Sau khi rời chúng ta, năm 2008 sẽ đi đâu?”. Cái năm vẫn đang ở cùng với chúng ta, trong vài giờ nữa nó sẽ rời chúng ta thôi, mọi người đều nghĩ vậy. Nhưng câu hỏi của tôi là “khi năm 2008 đi rồi thì nó đi đâu? Nó đi hướng nào, và chúng ta tìm nó ở đâu?”. Đây là câu mà tôi thường tự hỏi.

Và năm mới, năm 2009 tới từ đâu? Đó là một câu hỏi rất sâu, rất hấp dẫn. Thiền quán là chúng ta phải làm vậy, chứ không phải cứ ngồi lim dim hoài, thở vào thở ra. Mình phải nhìn sâu, phải đặt những câu hỏi rất sâu để có thể tìm ra những câu trả lời rất sâu. 

Năm 2008 đã đi về hướng nào? Và năm 2009 tới từ hướng nào? Chúng có thể tin là năm mới tới từ hướng Đông, tức là từ Việt Nam, Nhật Bản trước. Chỉ còn khoảng hai giờ nữa là năm mới đặt chân tới Việt Nam, sau đó sẽ đi thiền hành mất sáu tiếng nữa mới tới Pháp. Như vậy có nghĩa là năm mới nằm ở vùng Viễn Đông. Nhìn trên quả địa cầu, chúng ta đang ở Pháp thì Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan nằm ở phía Đông. Nhưng nếu chúng ta đang ở Việt Nam thì hướng Đông lại là ở bên Mỹ, bên Pháp. Thành ra khi nhìn kỹ thì ta không tin là năm mới tới từ hướng Đông. Bụt dạy, không đến, không đi, không sau, không trước.

 

 

Sự chết là một phần của sự sống

Hồi sáng, lúc đi thiền hành ở Xóm Thượng, tôi đi xuôi xuống chùa Sơn Hạ. Mỗi bước chân giúp tôi tiếp xúc với sự sống rất sâu sắc. Sự sống xung quanh tôi, sự sống ở ngay trong từng bước chân tôi, ngay nơi nào tôi đứng. Khi ở Cốc Ngồi Yên tại xóm Thượng, tôi đi theo con đường nhỏ đầy những lá sồi. Mùa thu rừng sồi trút lá. Tuyết rơi mấy bữa trước làm cho lá sồi ướt sũng, rồi từ từ rữa ra trở thành một loại đất rất màu mỡ.

Tôi đi rất chánh niệm và thấy rất rõ là những lá sồi này sẽ trở thành loại đất mịn, xốp, rất tốt và phì nhiêu để nuôi cây. Hiện giờ mắt thường chúng ta có thể thấy được những chiếc lá sồi đang hoại dần. Nhưng vài tháng nữa, ta sẽ không trông thấy hình dạng của lá nữa mà chỉ thấy đất thịt xốp mịn thôi vì chúng đã mủn thành đất hết rồi. Lúc ấy ta có thể cười và nói với những chiếc lá: “Này, đừng có tưởng thay hình đổi dạng mà tôi không nhận ra được em nhé, tôi biết là em đang nằm ở trong lòng đất ấy”.

Nhìn sâu ta sẽ thấy mỗi năm cây rụng lá để làm cho đất màu mỡ thêm, sang năm cây sẽ cho nhiều lá hơn năm trước, đẹp hơn và tốt hơn năm trước. Tới mùa hè, nó xanh mướt đầy nhựa sống, chất nhựa này nuôi cho cây to lớn. Tới mùa thu nó lại rụng lá, rồi tới mùa đông nó mủn trở lại thành đất, đất trở lại nuôi cây.

Khi thấy như vậy, tôi không sợ chết. Chết không là gì hết, chết chỉ là đổi thân, thay một chiếc thân mới mạnh khỏe hơn, đẹp đẽ hơn mà thôi. Vì vậy khi lá rụng khỏi cây, nó chết, nhưng nó không buồn rầu. Nó nói: “sướng quá, mình sắp được trở về đất, trở về nhà mình rồi”. Mình sẽ ở đó vài tháng rồi sẽ lại chui vào thân cây trở lại, và thân cây sẽ đưa ra những chiếc lá mạnh khỏe, bụ bẫm hơn. Vì vậy, dù đi trên mặt đất và không nhìn thấy những chiếc lá, nhưng ta biết chiếc lá đang có mặt trong lòng đất. Và ta nói: “Này, mấy cái lá của tôi ơi, tôi biết em còn đâu đó, và em sẽ lại trở thành những chiếc lá xanh, những chiếc lá rất đẹp trong mùa xuân, mùa hè, mùa thu”. Biết rõ như vậy thì khi rơi xuống đất lá chẳng sợ gì hết, nó vừa rơi vừa khiêu vũ múa ca, vừa thảnh thơi để làm một điệu vũ chót trước khi chạm xuống mặt đất, chuẩn bị một cuộc hành trình mới.

Cái chết và cái sống tưởng chừng chống đối nhau, là kẻ thù của nhau. Nhưng kỳ thực trong tuệ giác của đạo Bụt, cái sống và cái chết tương tức với nhau, nó dựa vào nhau để làm ra nhau. Không có cái chết thì không bao giờ có cái sống. Và không thể có cái sống nếu không có cái chết. Biết được điều đó chúng ta sẽ không sợ hãi nữa. Và chánh kiến mà ta đạt được làm cho ta không còn buồn đau, tủi hận, giận hờn, sợ hãi nữa.

Nếu trân quý sự sống thì mình biết rằng sự chết là một phần của sự sống, là một nguyên tố để làm ra sự sống. Giống như cánh hoa phải chết đi để cho quả lớn lên. Cái vỏ cứng phải vỡ ra thì hạt mới nảy mầm. Chúng ta biết rằng trong cơ thể chúng ta có rất nhiều tế bào, các tế bào sinh diệt không ngừng. Ngày nào cũng có các tế bào cũ chết đi để các tế bào mới sinh ra. Lúc đó, mình thấy mình ôm hết cả cái chết và cái sống ở trong lòng. 

Ai cho ta sự sống?

Một khi có mặt hoàn toàn, sâu sắc, mình thấy sự sống có mặt trong mình và xung quanh mình rất mầu nhiệm. Chúng ta rất may mắn vì chúng ta đang có sự sống trong từng phút từng giây. Sự sống dàn trải xung quanh ta. 


 

Trong Kitô giáo, Do Thái giáo người ta tin rằng Thượng đế là người cho ta sự sống. Trong đạo Bụt chúng ta cũng nói không khác đâu, nhưng chúng ta dùng từ ngữ khác, cách trình bày khác. Khi bám vào chữ người cho và người nhận, thì mình nghĩ phải có người cho, người nhận và vật được cho, được nhận. Nhưng bây giờ chúng ta nhìn kỹ vào thân thể mình rồi hỏi: “Tấm thân này từ đâu tới? Ai cho mình hình hài này?” Cha mẹ mình chứ ai! Mình được sinh ra từ tinh cha huyết mẹ, thân thể này do cha mẹ sinh ra. Thân thể này là một món quà, là một vật nhận.

Vậy ai trao tặng? Nhìn vào là mình biết liền, cha mẹ trao cho mình chứ ai vào đây nữa. Học di truyền học mình thừa biết là cha mẹ tới với nhau tạo ra mình, cho nên mình mang cả di thể của cha và di thể của mẹ. Nhìn sâu vào cơ thể, mình sẽ thấy rất rõ cha mẹ dưới hình thức di thể trong thân và tâm của mình. Nghĩa là cha mẹ là người cho và mình là người nhận đồng thời cũng là vật được cho và nhận. Thành ra nếu nói Chúa là người trao cho mình sự sống thì Chúa nằm ở trong mình chứ đâu phải ở ngoài, Chúa nằm trong từng di thể của mình. Nếu muốn tìm Thượng đế thì phải tìm trong chính mình.

Khi có vấn đề với cha, mình muốn lấy ông già này ra khỏi mình, nhưng lấy được không? Có người giận bố quá nói: “Ông ấy hả? Tôi không dính dáng gì tới ông hết”. Giận mẹ quá, có người nói: “Tôi không phải là con bà, tôi không liên quan gì tới bà hết”. Nhiều người Tây phương nghĩ như vậy đó, rất vô lý. Anh không thể lấy cha mẹ ra khỏi anh được, chị không thể lấy cha mẹ ra khỏi chị được.

Khi nhìn vào bản thân, mình thấy mình là con của cha mẹ. Nhưng mình cũng chính là cha mẹ. Tại vì cha mẹ và tất cả tổ tiên cũng ở trong mình. Mình không thể lấy cha mẹ, tổ tiên ra khỏi mình được, không thể tách rời được. Đi đâu đứa con cũng mang cha mẹ tổ tiên đi theo. Vì vậy cho nên cha mẹ cho mình sự sống, nhưng kỳ thực cha mẹ đã trao bản thân của cha mẹ cho mình. Người cho, người nhận và vật được cho chỉ là một. Cái này ôm lấy cái kia. Không có cái này thì không có cái kia. Một người không có con thì không ai gọi người đó là mẹ được. Người đó chỉ có thể là mẹ khi người ấy có con thôi. Cho nên có con thì mới có mẹ và có mẹ thì chắc chắn phải có con. Nếu mình nghĩ con là con, mẹ là mẹ thì không đúng. Con và mẹ tương tức với nhau. Đạo Bụt gọi đó là “tam luân không tịch”. 

 

 

Thương tức là hiến tặng

Sự sống là một cái gì rất quý mà ta có thể hiến tặng cho chính mình, cho những người thương của mình, cho thế giới. Phải sống làm sao để mỗi phút, mỗi giây ta phải là người hiến tặng sự sống. Bụt đã dạy chúng ta rất rõ ràng cách để thương. Mỗi phút trong sự sống, chúng ta phải phát khởi niệm thương yêu. Khi ta có những tư duy đầy từ bi, tha thứ, đầy hiểu biết, ta đang hiến tặng sự sống. Khi đó người khác chưa được hưởng nhưng ta là người được hưởng trước. Nhờ có những tư tưởng từ bi, khoan dung mà thân tâm ta khỏe nhẹ, ta trở thành một khối thương yêu, ai tới gần cũng cảm thấy thoải mái.

Một tư tưởng đi về phía hướng suy nghĩ đẹp đẽ, đúng đắn, gọi là chánh tư duy. Nếu quý vị chế tác được rất nhiều chất liệu từ bi, tha thứ, quý vị có thể gọi điện thoại cho người mà mình gặp khó khăn để tha thứ cho người đó, để thương người đó. Khi đã tha thứ được cho người ấy, trong tâm mình được chữa lành, gia đình mình được chữa lành, xã hội được chữa lành và trái đất được chữa lành. Đó là cách tư duy của một đức Bụt.

Điều này chúng ta phải làm liền tức thì, đừng chờ đợi! Nghĩ tới người đó và phát khởi lòng thương: “Tội nghiệp quá, một người như vậy thì đáng thương quá đi! Làm sao mà hạnh phúc được!”. Tư tưởng từ bi ấy là ý nghiệp. Có ý nghiệp rồi, chúng ta tiến tới dùng khẩu nghiệp. Ta điện thoại cho người ấy và nói những lời dễ thương, làm những hành động dễ thương (thân nghiệp). Thân, khẩu, ý đều dễ thương như vậy thì chúng ta đang là một vị Bụt.

Ăn mừng sự sống

Thường thường chúng ta hay chạy đi tìm những hạnh phúc đâu đâu trong tương lai xa xôi mà không thấy thỏa mãn trong giây phút hiện tại. Vì vậy chúng ta không có cơ hội để nhận diện những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Đức Thế Tôn dạy rằng chúng ta có thể sống hạnh phúc được ngay trong phút giây hiện tại mà không cần phải phóng tâm về tương lai tìm cầu một cái gì khác nữa. Giáo lý đó được gọi là giáo lý vô nguyện hay vô đắc. Vô đắc hay vô nguyện là không chạy theo một bóng dáng hạnh phúc ở tương lai hoặc ở nơi khác mà có thể sống hạnh phúc liền ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta nên quyết tâm học và sống cho được như vậy.

Hạnh phúc là những gì có được ngay bây giờ, và ngay ở đây. Trước hết là với hơi thở, với bước chân chánh niệm. Ta thấy được rằng sự sống đang có mặt với tất cả những cái mầu nhiệm của nó. Sự sống đang có mặt trong cơ thể mình, trong tâm hồn mình. Sự sống đang có mặt ở chung quanh ta và ta phải tiếp xúc với sự sống. Tiếp xúc sự sống bằng năng lượng chánh niệm của một người tỉnh thức. Không có chánh niệm thì ta không tiếp xúc được với sự sống và những mầu nhiệm của sự sống. Ta tự giam mình trong cái vỏ của sự buồn khổ, giận hờn, lo lắng, tuyệt vọng. Cho nên giáo pháp hiện pháp lạc trú của đạo Bụt rất hay và quan trọng.

Khi trở về được với giây phút hiện tại, chúng ta sẽ tiếp xúc được biết bao những điều kiện hạnh phúc mà ta đang có. Ví dụ như là chúng ta đang được thở, thở ra, thở vào dễ dàng, không có nguy hiểm như cái thời mới sinh nữa, đó là một điều kỳ diệu. Chúng ta có thể bước những bước chân bình an trên thảm cỏ xanh. Chúng ta có thể ngồi uống trà. Chúng ta có thể ngắm nhìn những đám mây trắng bay, thấy trái trăng vàng huyền diệu lơ lửng trên bầu trời. Chúng ta có thể mỉm cười nhìn nhau. Tất cả những cái đó là những cái ta đang có và ta có thể sử dụng được để đạt tới hạnh phúc. Ta đã sẵn có một kho tàng hạnh phúc trước mặt. Tuy rằng sức khoẻ của ta không tuyệt hảo (thật ra thì không có gì là tuyệt hảo hết), nhưng ta có dư điều kiện để có hạnh phúc trong giây phút hiện tại.

Mỗi bước chân thiền hành là ta đang ăn mừng sự sống. Mỗi hơi thở bình an là ta đang ăn mừng sự sống. Mỗi khi nâng ly nước lên uống là mình đang ăn mừng sự sống. Khi rửa bát, nấu cơm, đó đều là những hành động ăn mừng sự sống. Ăn mừng sự sống trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Sướng quá, mình đang có mặt, sự sống đang có trong mình và chung quanh mình.

 

 

Sống được như vậy thì tự nhiên đời sống hàng ngày của ta trở nên rất thiêng liêng. Ta không cần phải trở thành người khác, không cần phải thành Phật hay thành Tiên, không cần có bằng cấp, hay một địa vị nào cả. Chỉ cần tỉnh dậy, tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống thì tự nhiên ta có được cái mà ta đang mải miết rong ruổi kiếm tìm.

Phải sống như thế nào để mỗi phút giây trở thành phút giây của sự ăn mừng. Sống như thế nào để mỗi giây phút của đời sống đều trở thành một huyền thoại cho con cháu của mình. Để sau này mình tự tin nói với con cháu của mình rằng: “Đó, ông bà của các con ngày xưa sống như vậy đó. Giây phút nào cũng vui, giây phút nào cũng hạnh phúc”. Và điều này có thể làm được với giáo lý của đức Thế Tôn.

Ai cũng có khả năng sống hạnh phúc và khả năng sống hạnh phúc là cái đức hạnh, cái quý nhất nơi một con người. Người nào mà có khả năng sống hạnh phúc, người đó là người có giá trị cao nhất. Có những người rất giàu, có những người rất quyền thế, có những người nhan sắc rất mặn mà nhưng mà họ không có khả năng sống hạnh phúc thì tất cả những thứ đó: quyền hành, tiền bạc, nhan sắc cũng bằng không. Thành ra có khả năng sống hạnh phúc đó là cái quý giá nhất. Và cái đó chúng ta có thể làm được.