Ra mắt Trung tâm y tế chánh niệm vì sức khỏe cộng đồng Thích Nhất Hạnh tại Trường y tế công cộng Chan T.H. Đại học Harvard

Vào ngày 26.04.2023, Trường y tế công cộng Chan T.H. của Đại học Harvard đã chính thức khai trương Trung tâm chánh niệm vì sức khỏe cộng đồng Thích Nhất Hạnh. 

 

Thich Nhat Hahn Center logo

 

Trung tâm được thành lập với 25 triệu đô la từ một nhà tài trợ ẩn danh, một trong những khoản quyên góp lớn nhất cho trường. Sứ mệnh của trung tâm là giúp cho mọi người trên thế giới sống có mục đích, chan hòa và vui tươi qua việc thực tập chánh niệm; theo đuổi các phương pháp dựa trên bằng chứng để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc thông qua chánh niệm, và giáo dục, rèn luyện quảng đại quần chúng trong chánh niệm. Hai lĩnh vực trọng tâm được nhấn mạnh là dinh dưỡng và môi trường.

“Chúng tôi rất vui mừng được thành lập trung tâm mang tính đột phá này tại Trường y tế công cộng Chan của Đại Học Harvard,” Michelle A. Williams, trưởng khoa cho biết “trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, chúng tôi làm việc ở quy mô đại chúng — chúng tôi mong muốn tiếp cận và nâng cao tinh thần cho toàn bộ cộng đồng. Trung tâm chánh niệm vì sức khỏe cộng đồng Thích Nhất Hạnh sẽ hoạt động trên tinh thần đó.”

Trung tâm chánh niệm trong sức khỏe cộng đồng được đặt tên Thích Nhất Hạnh để vinh danh Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022), người là một Thiền Sư, nhà lãnh đạo tinh thần toàn cầu, học giả và nhà hoạt động vì hòa bình được kính trọng trên khắp thế giới vì những lời dạy tiên phong của ông về chánh niệm, đạo đức toàn cầu và hòa bình.

Trong suốt chiến tranh Việt Nam, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã truyền bá một cách không mệt mỏi các nguyên tắc bất bạo động, từ bi và đoàn kết, làm việc cùng với các nhà hoạt động xã hội như Tiến sĩ Martin Luther King, Jr., người đã đề cử Thầy cho giải Nobel khi cuộc chiến đang hồi khốc liệt. Đồng thời trên chính quê hương Việt Nam, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã thực hiện các nguyên tắc của mình bằng cách thành lập một tổ chức cứu trợ thiện nguyện, được gọi là Trường thanh niên phụng sự xã hội. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã dành cả cuộc đời của mình để phụng sự cho hòa bình và công bằng xã hội, đào tạo thế hệ phật tử dấn thân tiếp nối và xây dựng các cộng đồng lành mạnh sống trong chánh niệm.

Chánh niệm là có mặt trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Đó là một cách tiếp cận cuộc sống cổ xưa của Phật giáo dạy chúng ta hiện diện ở đây và bây giờ – nhận thức được những gì đang diễn ra bên trong và xung quanh chúng ta từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, mà không phán xét. Nó có thể được sử dụng để giảm căng thẳng, nâng cao nhận thức về bản thân và chế tác sự chấp nhận và mang lại sự kiện khương.

Tính đến đầu năm 2023 đã có gần 25.000 nghiên cứu về chánh niệm trong các ấn phẩm được bình duyệt bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn khá non trẻ và các nhà nghiên cứu của trung tâm Thích Nhất Hạnh nhận thấy cần có thêm các công cụ khoa học để đánh giá tác động và trị liệu của các phương pháp chánh niệm đối với sức khỏe và thể chất.

Trung tâm đã lên kế hoạch cho một số sáng kiến nghiên cứu, bao gồm:

• “Chăm sóc tương lai của chính mình”(Minding Our Future): tập trung vào việc phát triển các chương trình liên ngành, dựa trên bằng chứng cụ thể để giúp mọi người sống lành mạnh khi có tuổi. Một hướng nghiên cứu sẽ xem xét cách thực hành chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm thiết kế có chánh niệm về không gian ăn uống, thực đơn và chia sẻ trải nghiệm về thực phẩm. Tất cả những điều này có thể góp phần giúp sống lâu, sống khỏe.

• “Ăn uống, đi lại và sống chánh niệm,” một chương trình giảng dạy kết hợp các bài học về dinh dưỡng, hoạt động thể chất và chánh niệm để giúp người trẻ thiết lập các thói quen lành mạnh và chánh niệm, có lợi cho sức khỏe tự thân và sức khỏe của hành tinh.

• Một chương trình nghiên cứu và giáo dục về ăn uống có chánh niệm tại Harvard và bên ngoài Harvard. “Tôi rất vui vì trung tâm mới này sẽ có các nghiên cứu khoa học về chánh niệm trong bối cảnh sức khỏe cộng đồng.

Chúng tôi rất mong được có một trung tâm nghiên cứu nghiêm túc và hợp tác với các đồng nghiệp trên khắp thế giới để thúc đẩy khoa học về chánh niệm,” Walter Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng kiêm giám đốc trung tâm cho biết.

Lilian Cheung, giám đốc nghiên cứu và thực hành chánh niệm tại khoa dinh dưỡng, đã gặp Thiền Sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1997 tại một khóa tu chánh niệm và sau đó là đồng tác giả của cuốn sách với ông, “Hương vị: Ăn uống chánh niệm, cuộc sống chánh niệm.” (Savour)

Bà Cheung nói “Qua nhiều năm, tôi bắt đầu quan tâm sâu sắc đến việc tìm hiểu cách áp dụng sự thực tập chánh niệm vào lĩnh vực y tế công cộng, nhằm ngăn ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe ở quy mô toàn dân. Đó chính xác là những gì Trung tâm này sẽ làm.” Bà cũng cho biết thêm rằng bà hy vọng Trung tâm sẽ truyền cảm hứng cho mọi người trên toàn thế giới trong việc thực tập chánh niệm.

Có trụ sở tại khoa dinh dưỡng. Trung tâm sẽ thực hiện phương pháp hợp tác để thúc đẩy sứ mệnh của mình bằng cách làm việc với các đồng nghiệp trong các khoa khác, trong cả trường Đại học và các cộng đồng chánh niệm toàn cầu. Hiện trung tâm đang tuyển dụng thêm giảng viên.

Ông Harvey Fineberg, đồng chủ tịch hội đồng quản trị và chủ tịch của trung tâm, quỹ Gordon và Betty Moore, cho biết: “Trường Harvard Chan có truyền thống xuất sắc trong lĩnh vực khoa học sinh học, định lượng, chính sách và xã hội liên quan đến sức khỏe dân số. “Thật thú vị khi thấy cam kết mở rộng nghiên cứu và giáo dục về sự giao thoa giữa hạnh phúc cá nhân và sức khỏe cộng đồng. Việc thành lập trung tâm chánh niệm về sức khỏe cộng đồng Thích Nhất Hạnh phản ánh cách tiếp cận toàn diện của trường nhằm nâng cao sức khỏe, và tôi tin rằng nó sẽ có nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực này.”

Trung tâm sẽ tổ chức lễ ra mắt bằng một hội nghị chuyên đề khai mạc vào ngày 26 tháng 4. Sự kiện kéo dài một ngày sẽ quy tụ các học giả hàng đầu, những người thực hành chánh niệm và các vị đệ tử xuất sĩ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh để tôn vinh cuộc đời của Thiền Sư và khám phá bằng chứng khoa học ủng hộ giá trị của chánh niệm để cải thiện hạnh phúc.

 



Bốn trong 34 vị xuất sĩ Làng Mai từ các trung tâm khác nhau tham dự ngày khánh thành: Sư cô Chân Không , Thầy Pháp Ấn, Thầy Pháp Lưu và
Sư cô Hiến Nghiêm (Ảnh: đăng lại từ trang https://www.eventcreate.com/e/tnhcenteformindfulnessinpublichealth)

Nguồn thông tin: https://news.harvard.edu/gazette/story/2023/04/harvard-chan-school-opens-thich-nhat-hanh-center-for-mindfulness/