Khóa tu xuất sĩ 2021 “Về đây tiếp nhận gia tài”

“Thầy nhớ cách đây chừng một tháng, Thầy có một giấc mơ rất bình thường nhưng rất đẹp. Thầy mơ thấy Thầy thức dậy ở một ngôi chùa hay một trung tâm thực tập nào đó mà cảm thấy không khí rất vui. Thầy hỏi một vị đang có mặt gần đấy: cái gì mà vui vậy hả con? Vị ấy trả lời: Bạch Thầy có mấy huynh đệ vừa về tới. Chúng con đang nấu một nồi cơm để ăn chung cho vui. Thầy ngồi dậy, bước ra sân chùa, đi thiền hành, nhận diện từng chậu lan, khóm trúc mà lòng vui như mở hội. Có gì đâu? Chỉ có vài huynh đệ mới về tới. Chỉ có một nồi cơm sắp chín để huynh đệ có dịp ngồi ăn với nhau. Chỉ có những chậu lan, khóm trúc ngoài sân chùa. Nhưng tại sao mà vui như thế? Tại vì chúng ta đang còn có nhau, tại vì chúng ta có tình huynh đệ. Một giấc mơ nhỏ, đơn sơ nhưng làm Thầy hạnh phúc trong bao nhiêu ngày. Nhưng đây đâu phải là một giấc mơ? Đây là sự thực mà. Thầy trò ta đang có nhau, huynh đệ ta đang có nhau. Dù có xảy ra chuyện gì đi nữa thì cái tình huynh đệ ấy vẫn không mất. Đó là thiên đường của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhìn cho kỹ người huynh đệ đang có mặt. Chúng ta chỉ cần nhìn kỹ chồi lan, khóm trúc, và đọc câu thần chú của thi hào Nguyễn Du: Bây giờ rõ mặt đôi ta. Ta thấy được mặt nhau một cách rõ ràng ngày hôm nay thì ngày hôm nay sẽ không bao giờ trở nên một giấc mơ nữa cả.” (Trích thư Thầy gửi cho đệ tử)

Để gìn giữ và nuôi dưỡng tình huynh đệ, tiếp nối gia tài tâm linh của Thầy và Bụt Tổ trao truyền, vừa qua chúng xuất sĩ Làng Mai đã tổ chức khóa tu xuất sĩ 8 ngày tại Xóm Thượng. Cùng Tu, học, chơi, và làm việc với nhau như một bầy ong, cùng đi với nhau như một dòng sông, với tình huynh đệ Tăng thân đã tạo ra nhiều hạnh phúc và trị liệu chuyển hóa trong mỗi anh chị em.

Triển lãm sách và thư pháp của Sư Ông Làng Mai tại Việt Nam (27/3 – 5/4/2021) – (14/4 – 26/4/2021)

 

 

Kính mời quý vị thân hữu và tăng thân khắp chốn cùng tham dự buổi triển lãm sách và thư pháp của Sư Ông Làng Mai với chủ đề “Hương Thơm Quê Mẹ – Thể hiện nếp sống tỉnh thức qua nghệ thuật thư pháp”. Triển lãm sẽ diễn ra tại các thành phố lớn của 2 miền Nam – Bắc và mở cửa cho khách thưởng lãm vào các giờ từ 09:00 – 21:00.

 

  • Thành phố Hồ Chí Minh từ 27/3 đến 5/4/2021 tại Nhà sách Hải An, 2B Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

  • Hà Nội từ  14/4 – 26/4/2021 tại Trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

Đây là cuộc triển lãm sách và thư pháp đầu tiên của Sư Ông Làng Mai tại Việt Nam sau những lần tổ chức thành công ở một số quốc gia khác như Mỹ, Đức, Pháp, Hồng Kông, Thái Lan…

Hãy cùng đến tận hưởng sự có mặt và lời dạy của Sư Ông trong mỗi bức thư pháp và qua những cuốn sách đã được xuất bản. Và để thấy được tình thương và tuệ giác của Người bằng trái tim và con mắt nghệ thuật của chính mình.

“Trong thư pháp của tôi, có mực, trà, hít thở, chánh niệm và tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định. Tôi viết các từ hoặc câu mà có thể nhắc nhở mọi người về thực hành chánh niệm. Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết. Khi bắt đầu vẽ một vòng tròn, tôi thở vào và vẽ nửa vòng tròn trong khi thở vào, rồi tôi thở ra và vẽ nửa vòng còn lại trong khi thở ra. Trong suốt thời gian vẽ vòng tròn, tôi cũng đồng thời ý thức rằng trong bàn tay này của tôi có bàn tay của cha, của mẹ, của ông bà tổ tiên. Vì vậy mà khi tôi vẽ vòng tròn này thì cha, mẹ, ông bà tổ tiên và cả các vị thầy tâm linh của tôi cũng đang vẽ cùng tôi. Và vì chúng tôi cùng nhau vẽ vòng tròn này nên không hề có một cái ngã riêng biệt. Do vậy, chỉ vẽ một vòng tròn thôi nhưng ta có thể có được tuệ giác về vô ngã (anatta)”.

(Sư Ông Làng Mai)

 

Xem thêm:

Đoạn phim toàn cảnhHình ảnh triển lãm sách tại thành phố Hồ Chí Minh

Lễ khai mạc triển lãm tại Hà Nội  và  Hình ảnh triển lãm tại Hà Nội

 

 

Khóa tu trực tuyến dành cho các nhà hoạt động xã hội- tháng 2/2021

Vừa qua, tại Làng đã diễn ra khóa tu trực tuyến dành cho các nhà hoạt động xã hội. Với sự tham gia của hơn 800 người đến từ hơn 65 quốc gia trên thế giới. 

Khóa tu đã đưa những nhà hoạt động xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau như môi trường, hòa bình, sắc tộc, bình đẳng giới,…đến gần với nhau như một đại gia đình tâm linh. Cùng đi với nhau như một dòng sông, khoảng cách về địa lý hay thời gian không làm trở ngại được những hạnh phúc và chuyển hóa thật sự trong nội tâm của những người tham gia. 

 

Lá thư Làng Mai 44 – 2021

Bìa 1

Bìa 2

Bìa 3

Bìa 4

Bìa 5

Bìa 6

Bìa 7

Bìa 8

Nội dung

Lá Thư Làng Mai đến với quý vị như một món quà đầu năm mới, gói ghém chân tình của những người con Bụt ở Làng Mai. Thương chúc quý vị thân hữu một mùa xuân Tân Sửu thật nhiều sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Và cùng tận hưởng những giờ phút được ngồi thật bình yên, thảnh thơi trong khi lật từng trang viết của lá thư năm nay. Nguyện cùng nhau thắp sáng ý thức chánh niệm để trong từng hơi thở, bước chân, chất liệu tự tại, an nhiên sẽ tỏa sáng trong mỗi người.

Tải về:  LTLM44 - 2021 (cập nhật ngày 12.03.2021)

Bản LTLM để in xin liên lạc với BBT qua địa chỉ email banbientap@langmai.org)

Mục lục

 

 

Tĩnh lặng

 

Còn sống và bước đi trên mặt đất này là một phép lạ, nhưng hầu hết chúng ta lại chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó như thể là có một nơi tốt đẹp hơn để đến vậy. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được.

Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự tĩnh lặng. Nếu không có sự tĩnh lặng trong tự thân, nếu thân tâm ta đầy sự ồn ào, náo loạn thì ta không thể nghe được tiếng gọi của vẻ đẹp ấy.

Có một đài radio đang hoạt động trong đầu ta, đó là đài NST (Non Stop Thinking) – đài suy nghĩ liên tục không ngừng. Tâm ta đầy tiếng ồn) vì vậy ta không thể nghe được tiếng gọi của sự sống, tiếng gọi của tình thương. Trái tim ta đang gọi ta mà ta không nghe thấy. Ta không có thời gian để lắng nghe trái tim mình.

Chánh niệm là sự thực tập làm cho những tiếng ồn trong mình yên lắng lại. Không có chánh niệm, chúng ta có thể bị nhiều thứ lôi kéo, chẳng hạn như những tiếc nuối, buồn phiền trong quá khứ. Ta hồi tưởng lại những ký ức, hồi tưởng lại những gì đã trải qua, để khổ đi khổ lại, để đau đi đau lại những niềm đau mà ta đã đi qua. Chúng ta rất dễ bị kẹt vào ngục tù của quá khứ.

Chúng ta cũng có thể bị tương lai lôi kéo. Những người lo lắng, sợ hãi về tương lai cũng bị giam hãm trong tù ngục như những người bị quá khứ trói buộc. Sợ hãi, lo lắng, hoang mang ngăn cản ta, không cho ta nghe được tiếng gọi của hạnh phúc. Vì vậy, tương lai cũng trở thành ngục tù.

Dù ta cố gắng có mặt trong giây phút hiện tại thì tâm ta cũng tán loạn và thấy trống vắng như có một khoảng trống lớn trong ta vậy. Có thể ta chờ đợi, trông mong điều gì đó xảy ra cho cuộc sống của ta hào hứng hơn, sôi nổi hơn. Ta trông chờ điều gì đó có thể thay đổi hoàn cảnh của ta, vì cuộc sống hiện tại của ta quá chán nản, chẳng có gì đặc biệt và thú vị.

Chánh niệm thường được mô tả như một tiếng chuông nhắc nhở chúng ta dừng lại và im lặng lắng nghe. Chúng ta có thể sử dụng tiếng chuông hay bất kỳ một tín hiệu nào giúp ta nhớ để không bị kéo đi bởi những tiếng ồn chung quanh và tiếng ồn trong mình. Khi nghe chuông, ta dừng lại, theo dõi hơi thở vào ra và tạo không gian cho sự yên lặng. Ta có thể tự nói với mình: “Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào.” Thở vào, thở ra trong chánh niệm, chỉ chú ý vào hơi thở, ta có thể làm yên lắng tất cả những tiếng ồn trong mình, những tiếng độc thoại về quá khứ, tương lai hay những mong cầu về điều gì đó.

Chỉ cần thở chánh niệm trong vòng hai, ba giây thôi là ta đã thức tỉnh, rằng ta còn sống và ta đang thở vào. Ta có mặt đây, ta đang tồn tại. Tiếng ồn bên trong sẽ biến mất ngay lập tức, nhường chỗ cho một không gian bao la và sâu rộng. Rất hùng hồn và mạnh mẽ. Ta có thể đáp lại tiếng gọi của những vẻ đẹp chung quanh ta: “Tôi đang có mặt đây, tôi đang có tự do và đang nghe em đây.”

“Tôi đang có mặt đây” nghĩa là gì? Nghĩa là “Tôi đang sống. Tôi đang thật sự có mặt, bởi vì tôi không bị đánh mất mình trong quá khứ, trong tương lai, trong suy nghĩ, trong những tiếng ồn bên trong cũng như tiếng ồn bên ngoài.

Tôi đang có mặt.” Để thực sự có mặt, ta phải có tự do, vượt thoát những suy nghĩ, vượt thoát những lo lắng, vượt thoát những sợ hãi và mong cầu. “Tôi đang có tự do” là một lời tuyên bố rất hùng hồn, bởi vì sự thật là nhiều người trong chúng ta không có tự do. Ta không có tự do để nghe, để thấy và để có mặt.

Im lặng với nhau

Tại Làng Mai, một trung tâm tu học ở miền Nam nước Pháp, có thực tập Im Lặng Hùng Tráng. Phương pháp thực tập rất đơn giản. Khi cần nói thì nói. Nhưng khi làm những công việc khác như ăn cơm, đi lại hay làm việc thì ta chỉ làm những thứ ấy. Ta không vừa làm vừa nói. Ta làm những điều ấy trong sự im lặng hùng tráng, vui tươi. Như vậy, ta có tự do để nghe được tiếng gọi sâu sắc nhất từ trái tim mình.

Gần đây, có một buổi ăn cơm ngoài trời, cả xuất sĩ lẫn cư sĩ. Tất cả mọi người đi lấy thức ăn và ngồi xuống chung với nhau trên bãi cỏ. Chúng tôi ngồi thành những vòng tròn đồng tâm, vòng nhỏ bên trong rồi vòng lớn bên ngoài, nhiều vòng như vậy, rất yên lặng. Chúng tôi không nói gì cả.

Tôi là người đầu tiên ngồi xuống. Tôi ngồi xuống thở trong chánh niệm để thiết lập sự im   lặng trong mình. Tôi lắng nghe tiếng chim, tiếng gió và thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân. Tôi không đợi mọi người đến ngồi xuống để bắt đầu ăn cơm. Tôi chỉ ngồi yên buông thư, thưởng thức khung cảnh chung quanh khoảng 20 phút trong khi những người khác khất thực thức ăn và ngồi xuống.

Có một sự im lặng, nhưng sự im lặng này không sâu lắng như tôi từng trải nghiệm, có lẽ mọi người bị tán tâm trong khi đi qua đi lại lấy bát đĩa và thức ăn. Tôi ngồi im lặng và quán chiếu.

Tôi mang theo một cái chuông nhỏ, khi mọi người ngồi xuống, tôi thỉnh một tiếng chuông. Vì ai cũng thực tập nghe chuông và thở trong chánh niệm cả tuần rồi nên tất cả mọi người lắng nghe rất nghiêm túc. Ngay sau khi tiếng chuông chánh niệm đầu tiên được thỉnh lên thì sự im lặng đã hoàn toàn khác rồi. Một sự im lặng đích thực bởi vì mọi người đã dừng suy nghĩ, tập trung tâm ý vào hơi thở vào ra. Chúng tôi thở với nhau trong im lặng và sự im lặng tập thể tạo ra một vùng năng lượng hùng hậu. Im lặng như thế có thể được gọi là im lặng sấm sét, bởi vì nó rất hùng và mạnh. Trong sự im lặng này, tôi có thể nghe được tiếng gió, tiếng chim rõ ràng và sống động hơn. Trước đó, tôi cũng nghe được tiếng chim, tiếng gió nhưng không giống như vậy, bởi vì sự im lặng chưa đạt tới mức độ sâu lắng nhất.

Thực tập Im Lặng Hùng Tráng để làm tan đi những tiếng ồn trong mình thì không khó. Chỉ cần luyện tập một ít là ta có thể làm được. Thực tập Im Lặng Hùng Tráng ta có thể đi, có thể ngồi, có thể thưởng thức buổi ăn. Im lặng như thế ta có đủ tự do để sống vui và trân quý những mầu nhiệm của sự sống. Với sự im lặng này, ta có thêm khả năng để trị liệu cho thân tâm ta. Ta có khả năng sống, khả năng có mặt. Bởi vì ta thực sự tự do, vượt thoát được những nuối tiếc, khổ đau trong quá khứ, những sợ hãi, nghi ngờ về tương lai, vượt thoát tất cả những cuộc độc thoại trong đầu. Im lặng như thế một mình rất tốt, nhưng nếu ta im lặng chung với nhau sẽ tạo ra một nguồn năng lượng tập thể rất sinh động, có khả năng trị liệu rất lớn.

Âm thanh của vô thanh

Im lặng thường được mô tả là sự vắng mặt của âm thanh, tuy nhiên nó cũng là một âm thanh rất hùng hồn. Tôi nhớ mùa đông năm 2013 – 2014, ở Pháp không lạnh lắm, nhưng ở Bắc Mỹ thì rất lạnh. Năm ấy có nhiều cơn bão tuyết hơn mọi năm, và có khi nhiệt độ xuống âm 20 độ C. Tôi thấy hình ảnh của những thác nước Niagara khi trời lạnh nhất. Những thác nước đã đóng băng, nước không thể tràn xuống được. Thác nước ngưng bặt. Tôi thấy được hình ảnh đó và rất ấn tượng. Thác nước đã ngừng cùng với âm thanh.

Cách đây khoảng 40 năm, trong một khóa tu cho người trẻ ở Chiang Mai, miền Đông Bắc Thái Lan, tôi đang ở trong một cái cốc gần con suối và luôn luôn nghe được tiếng nước chảy. Tôi thưởng thức từng hơi thở của mình, giặt áo và nghỉ trưa trên những hòn đá lớn cạnh con suối ấy. Bất kỳ lúc nào có mặt, tôi cũng nghe được tiếng nước chảy. Ngày đêm tôi đều nghe được âm thanh giống nhau ấy. Tôi nhìn những lùm cây chung quanh và nghĩ: “Từ khi mới sinh ra, chúng đã nghe được âm thanh này. Giả sử âm thanh này ngưng lại, lần đầu tiên chúng nghe được âm vô thanh, âm thanh im lặng”. Nếu được, chúng ta hãy tưởng tượng về điều này. Bỗng nhiên nước ngưng chảy, tất cả những cây cối sinh ra từ dòng suối đã từng nghe tiếng thác đổ, nay không còn nghe gì nữa. Hãy tưởng tượng chúng ngạc nhiên đến mức nào khi lần đầu tiên trong đời chúng nghe được tiếng vô thanh.

Năm âm thanh đích thực

Bồ tát là một danh từ Phật học dùng để chỉ người nào có tình thương lớn, có từ bi lớn, dành trọn đời mình để cứu khổ cho chúng sanh. Đạo Bụt có nói đến Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát biết lắng nghe sâu. Quán Thế Âm nghĩa là người biết lắng nghe sâu tiếng kêu của muôn loài trên thế gian.

Theo truyền thống đạo Bụt, Bồ tát Quán Thế Âm có khả năng nghe được tất cả các loại âm thanh. Đồng thời Ngài cũng có khả năng phát ra được năm loại âm thanh khác nhau, có khả năng trị liệu cho thế gian. Nếu có khả năng lắng nghe sự im lặng trong tự thân, ta có thể nghe được năm loại âm thanh này.

Âm đầu tiên là Diệu Âm, âm thanh của những mầu nhiệm của sự sống đang gọi ta. Đó là tiếng chim, tiếng suối, tiếng mưa rơi, v.v.

Chúa là một âm thanh,

Đấng sáng tạo ra vũ trụ là một âm thanh.

Mọi thứ đều bắt đầu bằng âm thanh.

Âm thứ hai là Quán Thế Âm, âm thanh của người biết quán sát cuộc đời. Đây là âm thanh của sự lắng nghe, âm thanh của sự im lặng.

Âm thứ ba là Phạm Âm. Đây là âm thanh siêu việt, có một lịch sử lâu đời trong nền tư tưởng tâm linh Ấn Độ, âm thanh đó là tiếng “om”. Theo nền tư tưởng này thì tiếng “om” có một sức mạnh bẩm sinh tạo ra thế giới. Vũ trụ được tạo ra bởi âm thanh này. Trong Phúc Âm, John, cũng có một ý niệm tương tự: “Khởi đầu, có một từ” (“In the beginning was the Word”) (John 1:1). Theo kinh điển Vệ Đà, văn bản xưa nhất của Ấn Độ Giáo, từ tạo ra thế giới là “om”. Trong truyền thống Vệ Đà Ấn Độ thì âm thanh này là thực tại tối hậu hay là Chúa.

Nhiều nhà thiên văn học hiện đại cũng có niềm tin tương tự như vậy. Họ đi tìm cái khởi nguyên, cái bắt đầu của vũ trụ, và họ đặt giả thiết rằng khởi đầu của vũ trụ là “Big Bang”.

Âm thanh thứ tư là Hải Triều Âm. Âm thanh này tượng trưng cho tiếng gọi của Bụt. Giáo pháp của Bụt có khả năng lấy đi sự hiểu lầm, làm tan biến phiền não và chuyển hóa mọi khổ đau. Rất thâm nhập và hiệu quả.

Âm thanh thứ năm là Thắng Bỉ Thế Gian Âm, là âm thanh vượt thoát những âm thanh của thế gian, vượt thoát mọi tiếng đời. Đây là âm thanh Vô thường, là một lời nhắc nhở chúng ta đừng để kẹt hoặc vướng mắc vào những âm thanh hay ngôn từ đặc biệt nào. Nhiều học giả đã làm cho giáo pháp của Bụt trở nên phức tạp và khó hiểu. Nhưng những gì Bụt dạy thì rất đơn giản và không kẹt vào ngôn từ. Vì vậy, nếu giáo pháp của Bụt mà quá phức tạp thì đó không phải là tiếng Bụt nói. Nếu những gì mình nghe quá lớn, quá ồn, quá chát thì đó không phải là tiếng gọi của Bụt. Bất kỳ ở đâu, ta cũng có thể nghe được loại âm thanh thứ năm này. Dù có ở trong tù, ta cũng có thể nghe được âm thanh vượt thoát tiếng đời.

Mối quan tâm sâu sắc nhất của ta

Khi nào ta có khả năng làm yên lắng những tiếng ồn trong đầu thì ta có thể thiết lập thân tâm trong sự im lặng, một sự im lặng sấm sét. Ta bắt đầu nghe được tiếng gọi sâu sắc nhất của ta. Trái tim ta đang kêu gọi ta nhưng ta không có khả năng nghe được bởi vì tâm ta đầy tiếng ồn. Đêm ngày ta luôn bị lôi kéo. Tâm ta suy nghĩ liên tục, đặc biệt là những suy nghĩ tiêu cực.

Trong đời sống hằng ngày, nhiều người trong chúng ta đã dành hầu hết thời gian của mình để đi tìm những tiện nghi sinh sống, như tiện nghi vật chất và tiện nghi tình cảm, những thứ mà ta gọi là những quan tâm hằng ngày của ta. Chúng ta bận rộn với những thứ ấy: làm thế nào để có đủ tiền, đủ thức ăn, nhà ở và những vật chất khác. Bên cạnh những quan tâm vật chất, ta cũng có những quan tâm tình cảm: có người nào đó đặc biệt thương ta không, công việc của ta có an toàn không. Có thể ta đi tìm một mối quan hệ dễ chịu, thoải mái, không quá khó khăn, để tồn tại. Chúng ta đi tìm một cái gì đó để dựa dẫm và nương tựa. Ta lo lắng suốt ngày vì những vấn đề này. Điều đó lấy hết thời gian của ta.

Có thể chúng ta để hết 99,9% thời gian của mình để lo lắng cho những quan tâm hằng ngày này: những tiện nghi vật chất, những tiện nghi tình cảm. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì chúng ta cần có những nhu cầu căn bản đáp ứng cho những cảm giác an toàn của chúng ta. Nhưng nhiều người trong chúng ta đã lo lắng quá xa, vượt ngoài những nhu yếu của mình. Cơ thể ta khỏe mạnh, ta có đủ cơm ăn, có nhà để ở, ấy vậy mà ta vẫn không hết lo lắng.

Trong khi đó, mối quan tâm sâu sắc nhất của ta thì có thể ta không nhận ra, ta không thể nghe được. Mỗi người trong chúng ta có những quan tâm tối hậu không dính líu đến những quan tâm vật chất và tình cảm. Ta làm gì với đời ta? Ta có mặt đây, nhưng tại sao ta lại có mặt đây? Ta là ai? Đây là những vấn đề tiêu biểu nhưng ta không có thời gian để trả lời.

Đây không phải là vấn đề triết học. Nếu không có khả năng trả lời được những câu hỏi này thì ta sẽ không có bình an, không có niềm vui sống, bởi vì nếu không có bình an thì cũng không có niềm vui. Nhiều người trong chúng ta có cảm tưởng là mình không bao giờ có thể trả lời được những câu hỏi này. Nhưng với chánh niệm, nếu ta có một ít im lặng bên trong, ta có thể nghe được câu trả lời. Ta có thể tìm ra được câu trả lời cho những vấn đề này và nghe được tiếng gọi sâu sắc nhất của trái tim ta.

Khi đặt câu hỏi: “Ta là ai?”, nếu có đủ thời gian và định lực, ta sẽ có câu trả lời đáng kinh ngạc. Ta có thể thấy được ta là sự tiếp nối của tổ tiên. Cha mẹ và tổ tiên ta có mặt trọn vẹn trong mỗi tế bào cơ thể ta, ta là sự tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên. Ta không có một cái ngã riêng biệt. Nếu lấy cha mẹ và tổ tiên ra khỏi ta thì ta cũng không tồn tại.

Ta có thể thấy được ta được làm bằng nhiều yếu tố, như nước chẳng hạn. Nếu lấy yếu tố nước ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại được. Ta được làm bằng yếu tố đất. Nếu lấy yếu tố đất ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại. Ta được làm bằng yếu tố không khí (gió). Ta cần không khí vô cùng, không có không khí ta cũng không thể sống được. Vì vậy, nếu lấy yếu tố gió ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại. Và trong ta cũng có yếu tố lửa, yếu tố làm nên sức nóng và ánh sáng. Ta biết rằng ta cũng được làm bằng ánh sáng. Không có ánh sáng mặt trời thì không có gì có thể tồn tại trên trái đất này. Nếu tiếp tục quán chiếu, ta sẽ thấy rằng ta được làm bằng mặt trời, một trong những vì sao lớn nhất trong dãy ngân hà. Chúng ta cũng biết rằng, trái đất, cũng như chính chúng ta, được làm bằng các vì sao. Vì vậy, chúng ta là những vì sao. Ta không chỉ là hình hài nhỏ bé như ta thường nghĩ về bản thân mình. Vào những đêm trời trong, nhìn lên trời, ta có thể thấy được ta là những vì sao trên trời.

Không cần phải chạy

Chánh niệm cho ta một không gian và một sự yên tĩnh bên trong, cho phép ta nhìn sâu để tìm ra được ta là ai, ta muốn làm gì với đời ta. Ta không còn thấy cần thiết phải chạy theo những mưu cầu vô nghĩa nữa. Ta đã chạy quá nhiều để tìm kiếm một cái gì đó vì ta nghĩ rằng cái đó quan trọng cho hạnh phúc và bình an của ta. Ta tự ép mình đạt cho được cái này cái nọ để ta có hạnh phúc. Ta tin rằng bây giờ ta không đủ điều kiện để hạnh phúc, vì vậy, ta tạo ra một tập khí mà nhiều người vấp phải, đó là luôn chạy theo hết cái này đến cái khác. “Tôi không thể bình an bây giờ được, tôi không thể dừng lại để sống hạnh phúc được, bởi vì tôi cần thêm vài điều kiện nữa để có thể hạnh phúc.” Thực tế, ta đã dập tắt niềm vui sống, quyền thừa kế của ta. Tuy nhiên sự sống tràn đầy những mầu nhiệm, kể cả những âm thanh vi diệu. Nếu ta có khả năng có mặt, nếu ta có tự do, thì ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Ta không cần phải chạy nữa.

Thực tập chánh niệm rất đơn giản. Dừng lại, thở và làm cho tâm mình yên lại. Trở về ngôi nhà đích thực của ta để thưởng thức sự sống ngay bây giờ và ở đây trong từng giây từng phút.

Tất cả những mầu nhiệm của sự sống đã có mặt ở đây rồi. Chúng đang gọi ta. Nếu có khả năng lắng nghe chúng, ta sẽ có khả năng dừng lại. Cái ta cần là sự im lặng. Dừng lại những tiếng ồn trong tâm để ta có thể nghe được những âm thanh vi diệu của sự sống. Và ta có thể bắt đầu sống đời sống của ta một cách chân thành và sâu sắc.

 

 

Gieo trồng hạnh phúc

 

  1. Cách đây chừng 15 năm, khi tiễn một người bạn và cũng là đối tác là Giám đốc công ty LISTEM của Hàn Quốc chuyên sản xuất máy chụp X-quang cho ngành y tế về nước, chúng tôi đã ngồi bên nhau uống cà phê ở sân bay quốc tế Nội Bài, thủ đô Hà Nội. Anh bạn tôi khoe rằng đang đọc cuốn Anger của thầy Thích Nhất Hạnh. Anh như khoe ngầm với tôi rằng anh đang đọc sách quý của một nhà sư Việt Nam rất nổi tiếng để học cách chuyển hóa những cơn giận, để có thể làm tốt hơn công việc lãnh đạo doanh nghiệp của mình.

Anh bạn hỏi tôi về thầy Thích Nhất Hạnh. Tôi đã cố lục trong đầu ra tên của những nhà sư người Việt mà mình biết nhưng cuối cùng phải lắc đầu vì tôi chưa bao giờ nghe đến tên của thiền sư này. Trong não tôi vẫn nhớ như nguyên bìa của cuốn sách và bối cảnh khi đó, trước khi chia tay bạn. Bây giờ nghĩ lại thấy thật xấu hổ. Và chắc khi đó anh bạn tôi cũng ngạc nhiên lắm khi tôi không biết về một vị thầy người Việt, đồng hương của tôi, nổi tiếng khắp thế giới.

  1. Tôi rất thích thiền. Thấy ở đâu dạy thiền là tôi tìm đến ngay. Lớp thiền đầu tiên tôi đến học là ở một ngôi chùa. Thấy mọi người ngồi im phăng phắc, tôi xin vào thiền cùng. Tuy nhiên, với tính cách của một người ham học và thích biết rạch ròi, tôi hỏi nhà sư cách ngồi thiền. Thầy bảo, cứ ngồi và nhắm mắt lại. Tôi đã làm theo như vậy nhưng mắt cứ thỉnh thoảng lại mở ra xem những người quanh mình đang làm gì. Rời buổi thiền tôi vẫn không hiểu tại sao mọi người có thể ngồi im và nhắm mắt cả nửa tiếng đồng hồ.

Thế rồi tôi tình cờ biết đến thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 2005 khi thầy về Việt Nam lần đầu tiên. Khi đó, một cô bạn đồng nghiệp đã tặng tôi một đĩa pháp thoại của thầy. Tôi nghe xong và đã tìm ngay vào chùa Đình Quán, ngoại thành Hà Nội là nơi diễn ra buổi pháp thoại mà tôi không có duyên may có mặt để nghe trực tiếp. Vui mừng khôn xiết. Tôi mua được khá nhiều sách và đĩa pháp thoại. Về đọc và nghe say sưa. Ngày và đêm.

Sau đó, tôi đã tham gia gia đình tu tập tại chùa Đình Quán cùng với các bạn thiền sinh nước ngoài như anh Daisuke – Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, chị Siomarez – Phó Đại sứ Panama tại Việt Nam, anh Hank – tổ chức USAid, anh Kai – tập đoàn IBM, chị Trish,… để mỗi tuần chúng tôi bên nhau thiền tọa, thiền ăn, thiền buông thư, thiền ca, thiền hành,… trọn ngày chủ nhật. Tiếc thay, sau này anh Daisuke đã rời Việt Nam sang làm Đại sứ Nhật Bản tại Hồng Công, chị Siomarez hết nhiệm kỳ về nước, chị Trish cũng rời Việt Nam, anh Kai chuyển vào Sài Gòn nên nhóm không còn và tôi cũng mất đi ngôi nhà tu tập của mình.

Tận khi thiền sư Thích Nhất Hạnh vào Việt Nam lần thứ hai tôi mới có may mắn gặp thầy. Đến lúc này tôi đã đọc khá nhiều sách của thiền sư và có những thực tập ban đầu với những kết quả quý giá, hữu ích cho công việc của một người làm quản lý ở tập đoàn FPT. Phải công nhận rằng pháp môn tu tập do thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra rất phù hợp với doanh nhân, giới tri thức và thế hệ trẻ. Không chỉ có tôi mà nhiều nhà lãnh đạo, các vị giáo sư, tiến sỹ, giảng viên, kỹ sư, bác sỹ cũng thực tập và thấy có tác dụng ngay trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Vui lắm.

  1. Tôi viết những dòng chữ này khi vừa kết thúc khóa tu Wake Up Asia 2014 tại Pak Chong, Thái Lan với chủ đề “Be beautiful – Be yourself”. Khóa tu với sự tham dự của 450 thiền sinh đến từ khắp nơi trên thế giới và ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Riêng đoàn Việt Nam cũng có đến hơn 100 Phật tử, trong đó tôi dẫn đầu đoàn Thái Hà Books với 16 thành viên mà các em nhỏ nhất mới có tám, chín và mười tuổi. Tất cả cùng đến khóa thiền để tìm lại chính mình, để được trở về với ngôi nhà tâm linh của mình, để được hạnh phúc và bình an, đúng như ý nghĩa của khóa tu “Ta có là ta – Ta mới đẹp”. Mà đẹp thật. Chúng tôi bên nhau 5 ngày trọn vẹn (nếu tính cả 2 ngày đi và về là 7 ngày), với tràn ngập yêu thương và những nụ cười tươi mát. Tôi thấy rõ từng thành viên của đoàn tôi thay đổi mỗi ngày. Các bạn quốc tế cũng vậy. Vui vô cùng.

Và khi ngồi viết lời giới thiệu cho cuốn sách mới của thầy mà tôi đã đọc từ tháng trước, tôi lại nhớ đến khóa tu tháng Tư năm ngoái, cũng tại Pak Chong, khi chúng tôi được thiền sư Thích Nhất Hạnh trực tiếp hướng dẫn. Đoàn Thái Hà Books đã gặt hái được những kết quả bất ngờ, được thực sự đắm mình trong hạnh phúc. Nhiều bạn giật mình: Hạnh phúc giản đơn và dễ kiếm tìm vậy sao. Để rồi Tết Âm lịch vừa qua tôi lại cho một đoàn 5 lãnh đạo công ty tham gia khóa tu “Về nhà” cũng tại Thái Lan vô cùng ý nghĩa và hữu ích. Kết quả ở chỗ: những bạn lãnh đạo công ty được tham gia 5 ngày thiền vui vẻ hơn hẳn, bình an hơn nhiều, điều hành công việc tốt khác xa khi xưa.

Bạn biết không, chính tôi đã nhiều lần tìm cách liên lạc với tác giả Thích Nhất Hạnh và các trợ lý để mua bản quyền xuất bản sách của thầy nhiều năm qua mà không có kết quả. Ấy vậy mà, chắc do tôi đã gieo nhiều hạt giống từ chục năm trước và đã tưới tẩm suốt chục năm nay nên bản thảo cuốn sách tiếng Anh Happiness của thầy đã đến với hòm thư email của tôi. Tôi vô cùng biết ơn Tam Bảo đã gia hộ, độ trì để thiền sư đồng ý cho chúng tôi xuất bản cuốn sách đầu tiên. May thay hai dịch giả Chân Hội Nghiêm và Chân Duyệt Nghiêm đã giúp chúng tôi chuyển tải rất tuyệt vời tác phẩm này ra tiếng Việt. Tôi đọc đi đọc lại Gieo trồng hạnh phúc và thấy vui vô cùng. Không chỉ dịch đúng, dịch hay mà đọc xong ai cũng có thể ứng dụng rất dễ dàng vào cuộc sống và công việc.

Từ ngày biết đến thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi luôn nhắc mình nhớ hai từ “hơi thở” và “nụ cười”. Từ ngày được đọc sách và được thiền sư trực tiếp hướng dẫn cách đây gần chục năm, tôi không quên hai chữ “chánh niệm”. Và rồi sau này khi đọc lại kỹ bộ kinh Nykaya mới thấy thiền sư giỏi quá. Thầy đã rất khéo chuyển hóa những bộ kinh, những bài giảng của Đức Phật. Thầy đã đưa ra cách thực tập rất đơn giản. Tôi càng ngấm, càng hiểu rằng kinh Quán niệm hơi thở và kinh Tứ niệm xứ là hai bản kinh quan trọng nhất đối với tôi. Sau này tôi có tham gia nhiều khóa thiền Vipassana để tập trung vào thiền định và thiền tuệ thì cũng thấy không ngoài hai bản kinh này. Và tôi càng biết ơn thiền sư ngàn vạn lần đã tìm ra con đường dễ nhất, ngắn nhất cho chúng ta thực tập.

Tôi không thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của mình khi được xuất bản cuốn sách Gieo trồng hạnh phúc của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây thật sự là cuốn cẩm nang cho những ai muốn khám phá chính mình, khám phá thế giới và vũ trụ. Cuốn sách không chỉ dành cho các nhà lãnh đạo, các doanh nhân, các bậc trí thức mà là món quà tặng riêng cho bất cứ ai muốn đi theo con đường của Đức Thế Tôn, để có từ bi và trí tuệ. Tôi nghĩ, duyên lành đã đến để chúng ta sẽ còn được đọc những cuốn sách tiếp theo của thầy. Bạn hãy chờ đợi và cùng chuẩn bị sẵn thân và tâm để đón nhận nhé.

Tôi cũng thành tâm biết ơn Công ty Quốc tế D&N và cá nhân chị Đặng Thị Hồng Thúy đã ủng hộ và hợp tác rất chân thành, nhiệt tâm để cuốn sách quý được ra đời. Nguyện hồi hướng công đức này đến cá nhân chị, gia đình và mọi thành viên trong Công ty Quốc tế D&N.

Cuối cùng, là một người đã thực tập thiền chục năm nay, tôi rất muốn chúng ta cùng bên nhau để hành thiền. Tăng thân là rất quan trọng. Chúng ta là những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức nên cần yểm trợ nhau cùng thực tập. Có như vậy kết quả mới thật sự tốt. Có như vậy mới bõ công đọc cuốn sách này (và những cuốn sách khác của thiền sư). Có như vậy mới không phụ lòng, phụ công của thầy và biết bao con người đã tận tâm để cho ra đời sách quý.

Thành tâm chúc mừng bạn đã có trên tay cuốn sách mới nhất của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Mỉm cười thật tươi lên đi bạn. Theo dõi hơi thở êm dịu và nhẹ nhàng đi bạn. Chúng ta đang bên nhau thật rồi. “Together – We are one” mà. “Cùng nhau chúng ta là một” mà.

 

Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Sách Thái Hà

 

 

Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới

 

“Một nguồn tài liệu tuyệt vời cho những ai đang tìm kiếm ý tưởng để mang chánh niệm vào đời sống của chính mình và trao truyền cho học sinh. Tiếng nói và kinh nghiệm thực tiễn của những nhà giáo được vang lên xuyên suốt trong bộ sách giàu có này.”

– Tiến sĩ Mark T. Greenberg, Penssylvania State University

 

 “Cuối cùng cũng đã có một bộ sách về thực tập chánh niệm cho các thầy cô giáo – và cũng là cho học sinh – trong đó chuyên chở được cả chiều sâu và tuệ giác của đạo Bụt, gốc rễ của phương pháp chánh niệm. Đây cũng là một bộ sách rất thực tiễn, đầy những gợi ý khéo léo và sáng tỏ mà những người trẻ đang chịu nhiều căng thẳng trong xã hội ngày nay sẽ phải vồ lấy. Tác phẩm này sẽ rất hữu ích.”

Tiến sĩ Guy Claxton, tác giả của What’s the Point of the school? (Mục đích của trường học là gì?) Building Learning Power (Xây dựng năng lực học tập)

 

 “Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Katherine Weare đã đóng góp rất nhiều cho lĩnh vực chánh niệm trong giáo dục. Với bộ sách quan trọng này, họ không chỉ hiến tặng chiều sâu kinh nghiệm của mình mà còn giúp chia sẻ kinh nghiệm của hàng trăm nhà giáo, với mong muốn giúp cho các đồng nghiệp và học sinh khắp mọi nơi có được hạnh phúc chân thật thông qua sự thực tập chánh niệm và từ bi trong giáo dục.”

Tiến sĩ Arthur Zajonc, PhD, tác giả của The Heart of higher Education (Trái tim của nền giáo dục đại học)

 

“Bộ sách này không chỉ mang lại niềm vui cho người đọc mà còn là một nguồn tài liệu thiết thực cho những giáo viên muốn trao truyền sự thực tập chánh niệm cho học trò của mình. Dựa trên nền tảng những nghiên cứu khoa học cùng với kinh nghiệm của các thầy cô giáo đã đi trên con đường này trước đó, bộ sách cho thấy được công năng chuyển hóa của chánh niệm, giúp đưa nền giáo dục trở lại trạng thái bình thường. Đây là một bộ sách không thể thiếu được đối với những nhà giáo luôn trăn trở với câu hỏi: có cách nào làm cho việc giảng dạy trở nên vui tươi và nhẹ nhàng hơn không?”

 Tiến sĩ Sarah Stewart-Brown,

Đại học Y khoa Warwick, Vương quốc Anh

 

 “Không chỉ giáo viên và các nhà giáo dục mà tất cả những ai quan tâm đến tương lai của thế hệ con trẻ cũng cần đọc bộ sách này. Những thực tập chánh niệm cụ thể, thiết thực có công năng nuôi dưỡng, giúp giáo viên và học sinh trở nên mạnh mẽ, hạnh phúc hơn và có nhiều tình thương hơn, từ đó có khả năng thay đổi thế giới.”

 Rony Berger, Tiến sĩ tâm lý học, Trung tâm giáo dục chánh niệm từ bi, đại học Tel Aviv; đại học Ben Gurion; Trung tâm nghiên cứu và giáo dục về từ bi và lòng vị tha thuộc đại học Stanford

 

“Một bộ sách thật giá trị làm sao! Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một vị thầy có ảnh hưởng trên toàn thế giới, luôn tận tâm với sự nghiệp mang chánh niệm, hạnh phúc và bình an đến với các nhà giáo dục, học sinh và cả xã hội. Người luôn cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ thế hệ trẻ… và đã dành cả cuộc đời mình để thực hiện sứ mệnh trao truyền những giá trị phổ quát vượt thời gian bằng những cách thức phù hợp với thực tiễn. Katherine Weare cũng là một nhà giáo dục có nhiều kinh nghiệm trong việc mang chánh niệm vào các trường phổ thông và đại học…

Có được hai nhân vật này cùng đồng tác giả của bộ sách là một món quà tuyệt diệu và đáng quý cho tất cả chúng ta.”

  Vidyamala Burch, tác giả của bộ sách

Mindfulness for Health (Chánh niệm đối với sức khỏe) và Mindfulness for Woman (Chánh niệm dành cho phụ nữ)

 

“Đối với các nhà giáo dục khắp nơi trên thế giới, những người đang tìm kiếm tuệ giác và bạn đồng hành trên con đường thiết kế, đào luyện những tâm hồn trẻ trong một thế giới ngày càng có nhiều đổ vỡ, xa cách thì bộ sách này là một người bạn đáng tin cậy và đầy trí tuệ… Đây là một bộ sách thiết yếu đối với những ai hiện quan tâm đến lĩnh vực chánh niệm trong giáo dục.”

 Tiến sĩ Robert W.Roeser, đồng biên soạn cuốn sách Handbook of Mindfulness in Education (Cẩm nang chánh niệm trong giáo dục)

 

“Trong bộ sách đặc biệt này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh với những lời dạy uyên thâm cùng những thực tập sâu sắc của Người đã cộng tác cùng giáo sư Katherine Weare – người có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực giáo dục cảm xúc, thúc đẩy sự phát triển của trẻ em và đem chánh niệm vào học đường. Sự cộng tác này đã làm nên một cuốn cẩm nang hướng dẫn chi tiết những thực tập chánh niệm có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày như thiền thở, thiền đi, thiền ăn… Với lối viết hay, gần gũi, chuyên chở nhiều kiến thức và mang tính thực tiễn cao, bộ sách này sẽ là một quà tặng vô giá cho thầy cô giáo cũng như cho những người còn đang ngồi trên ghế nhà trường.”

  Paul Gilbert, Tiến sĩ, được trao tặng Huân chương Hoàng gia Anh – OBE, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và giáo dục về Từ bi, Đại học Derby, tác giả của cuốn sách The Compassionate Mind (Tâm Từ Bi)

 

“Chánh niệm là một con đường mà không phải là một công cụ”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Katherine Weare và tăng thân Làng Mai đã làm sáng tỏ thêm con đường này một cách xác thực. Với những kinh nghiệm quý báu và đa dạng được thể hiện sinh động qua sự chia sẻ của những người đang giảng dạy trong các lớp học hay giảng đường trên khắp thế giới, bộ sách này là một tặng phẩm đặc biệt dành cho tất cả các thầy cô giáo và những học trò của họ.

 Tiến sĩ Christine Burke, Australian Catholic University

 

Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới là bộ cẩm nang vô cùng giá trị về sự thực tập chánh niệm dành cho những ai làm việc trong lĩnh vực giáo dục.”

 Richard Burnett,

Dự án Chánh niệm trong trường học, Vương quốc Anh

 

 “Ngập tràn trí tuệ và tình thương trong một thời đại mà các thầy cô giáo và học sinh của chúng ta cần những điều này hơn bao giờ hết, bộ sách này là một món quà cho tương lai của cộng đồng và toàn thể xã hội chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng cách hay nhất để gieo trồng hạnh phúc và chánh niệm nơi con trẻ là gieo trồng hạnh phúc và chánh niệm nơi những người lớn xung quanh chúng… Qua lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Katherine Weare, chúng ta có thể thấy rõ ràng và xác thực điều đó. Bằng cách tiếp cận khoa học và tâm linh để nuôi dưỡng hạt giống chánh niệm trong mỗi chúng ta và cả những thế hệ tương lai, chúng ta có thể làm thay đổi thế giới thật sự.”

 Tiến sĩ Christopher Willard, tác giả của Growing up Mindful

(Trưởng thành trong chánh niệm) Child’s Mind (Trí óc trẻ thơ)

 

“Khi tôi đọc bộ sách này lần đầu tiên, một từ duy nhất hiện lên trong đầu tôi là ‘Tuyệt vời’. Mục đích của bộ sách này; tiềm năng tạo nên sự thay đổi văn hóa học đường và có thể gây ảnh hưởng đến hướng đi của những người trẻ trong cuộc đời; sự kết hợp của tuệ giác từ ngàn xưa với thực tiễn của một nền giáo dục đương thời; cách viết sáng tỏ – Tuyệt vời! Tôi hy vọng bộ sách này sẽ trở thành tài liệu căn bản, quan trọng cho những nhà giáo dục trên thế giới để có thể hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập và cho hạnh phúc của những người trẻ cũng như những người đang mang trọng trách dạy dỗ các em.”

 Tiến sĩ Willem Kuyken, Trung tâm chánh niệm Oxford, Đại học Oxford

 

“Bộ sách tuyệt vời này đem đến cho chúng ta những cái nhìn sáng suốt và những phương thức rõ ràng để có thể đưa chánh niệm vào giáo dục, giúp thúc đẩy sự phát triển toàn vẹn của thầy cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh. Tác phẩm này giúp cho chúng ta có thể dạy một cách hay nhất những gì mà hầu hết chúng ta đều cần phải biết, đó là nghệ thuật sống.”

 Nimrod Sheinman,

Trung tâm chánh niệm trong Giáo dục của Israel, Trung tâm Y học Thân-Tâm và Trường học chánh niệm của Israel

 

 

Lá thư Làng Mai 41 – 2018

Bìa 1

Bìa 2

Bìa 3

Bìa 4

Nội dung

Xin trân trọng gởi đến quý thân hữu Lá Thư Làng Mai số 41 vừa ra đời để quý vị thưởng thức trong những ngày xuân Mậu Tuất. Mong rằng quý vị sẽ có cơ hội cùng thở nhịp thở của tăng thân cũng như nhìn lại sự hành trì và học hỏi của bản thân trong năm qua.

Tải về:  LTLM41-2018 (cập nhật ngày 21.2.2018)

Bản LTLM để in: xin liên lạc với BBT qua địa chỉ email banbientap@langmai.org

Mục lục