Ai bảo đi tu là khổ

(Gia đình cây Mimosa)

Được chấp nhận vào tăng đoàn xuất gia là một niềm vui, hạnh phúc cho các giới tử như chúng con. Đặc biệt, lễ xuất gia của cây Mimosa được tổ chức vào tháng Một năm 2022 trước linh cữu của Sư Ông lại càng thiêng liêng vô cùng. Những người đệ tử vẫn tiếp tục được biểu hiện để nối tiếp sự nghiệp mà Sư Ông đã gầy dựng và trao truyền. Trải qua năm đầu tiên sinh hoạt và thực tập trong đại chúng, những người con ấy xin được chia sẻ một vài câu chuyện vui kính dâng lên Sư Ông, quý thầy, quý sư cô và đại chúng.

 

 

Bài hát của cây

Trong giờ ăn trưa ngày diễn ra lễ Trà tỳ, anh chị em trong cây có cơ hội ngồi ăn cơm chung với nhau. Sau đó, cả cây cùng hát cho nhau nghe, rồi lên ý tưởng tập hát chung một vài bài để hiến tặng đại chúng cho chương trình tối hôm ấy. Lúc tập hát thì rõ là hay và vui tươi. Thế rồi vào buổi tối, dàn đồng ca với sáu sư chú và hai mốt sư cô đắp y gọn gàng, đẹp đẽ từ từ đi ra sân khấu. Trông có vẻ hoành tráng lắm nhưng khi mic được truyền đến tay sư anh cả thì lại đùn đẩy cho sư chị cả. Vừa mới bắt nhịp thì bên dưới quý thầy, quý sư cô cứ tủm tỉm cười vì tưởng anh chị em chúng con hát bài của cây, ai dè hát bài Hiểu và Thương. Đã thế lại còn hát sai nhạc nữa chứ.

Chưa hết, đại chúng còn phải chịu trận thêm với bài Không đến, không đi. Trong khi đó, bộ phận quay trực tuyến cũng bị một phen hoảng hốt vì đang phát trực tiếp trên toàn thế giới. Thế là mỗi khi gặp nhau, anh em thường hát lên câu:

Anh em ta từ bốn phương trời
Chị em ta từ khắp năm châu.

Nghe đến đó thì ai cũng phì cười. Từ đó, bài hát của cây bất đắc dĩ được ra đời mà không cần tốn công viết lời, phổ nhạc. Chúng con tự nói với nhau rằng, nếu từ giờ đến ngày kỷ niệm thôi nôi của cây mà không có bài hát của cây chính thức thì có lẽ bài hát này sẽ được cất thêm một lần nữa, để đưa giai điệu huyền thoại này đi cùng năm tháng.

Ba má đến thăm, bánh quà đầy mâm

Được ba má đến thăm là niềm vui lớn của những ai sống xa nhà, đặc biệt là người tu sĩ. Vui vì được gặp trực tiếp, hàn huyên mọi chuyện, và ba má có cơ hội tiếp xúc với pháp môn. Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội để truyền thông, thấu hiểu, thông cảm và chấp nhận nhau. Một điều không kém phần quan trọng nữa là bánh quà đầy mâm, nào là bánh, là trái cây,v.v. Toàn là những món ngon ưa thích.

 

 

Trong những lần ngồi chơi với ba má và gia đình, anh em chúng con thường hát cho ba má nghe. Lần đầu ba má nghe còn chưa quen và chưa hiểu hết nhưng cũng cảm được tinh thần vui tươi, phấn khởi trong lòng mỗi chúng con. Có một bài hát mà chúng con không bao giờ bỏ qua, đó là bài Ai bảo đi tu là khổ. Bài hát như một thông điệp nhắn nhủ tới ba má và gia đình: “Chúng con đi tu vui lắm, ba má không có chi phải lo sợ, buồn rầu cả. Nhà mình cứ yên tâm ở chúng con ạ”. Đặc biệt, có một câu trong bài hát mà chúng con hát đi hát lại nhiều lần nhằm nhấn mạnh để ba má nhớ cho: “Cứ mỗi năm, ba má đến thăm, đem bánh quà đầy mâm”. Thế là cả nhà lại có một trận cười, phá tan niềm mong mỏi các con sẽ trở về nhà trong ba má.

Niềm vui lớn hơn nữa là kể từ chuyến thăm con, ba má đã biết ăn chay, đi chùa và nghe pháp thoại nhiều hơn. Từ đó, có sự chuyển hóa khổ đau, chấp nhận dễ dàng cho các con đi theo con đường hiểu và thương. Nhờ vậy, chúng con được nuôi dưỡng, hạnh phúc, yên tâm tu học và tinh tiến mỗi ngày.

Vun đắp tình huynh đệ

Ngồi chơi với anh chị em trong cây là một trong những niềm vui và hạnh phúc nữa của chúng con, nhất là lúc mới xuất gia. Gặp nhau là hân hoan, đùa vui nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên và tinh khôi. Chỉ cần có mặt với nhau thôi cũng đã toát lên sự trìu mến và gắn kết như một gia đình. Thỉnh thoảng, anh chị em trong cây gọi điện, tặng quà và viết thư cho nhau. Đó là cách để vun đắp tình huynh đệ, để niềm vui trong sự tu tập luôn được nhen nhóm, gìn giữ và không bao giờ tắt.

Những ngày mới xuất gia ở Tổ đình Từ Hiếu, sáu anh em sadi nam đã có những khoảnh khắc để đời bên nhau. Đó là được ngủ cùng phòng, ăn cùng nơi, cùng làm việc và đi chơi với nhau. Mỗi khi đi đâu, anh em “rồng rắn” nối nhau thành hàng. Khi đắp y, mang áo hậu thì rõ nóng, chỉnh tới chỉnh lui mà vẫn cảm thấy chưa ổn. Mỗi khi lạy xuống, đứng lên mà không khéo thì có thể xém té như chơi. Chuyện cạo tóc lại cũng không kém phần bối rối, nhưng rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó khi được anh em giúp đỡ và yểm trợ nhau. Giờ đây, ai cũng làm tốt rồi nhưng mỗi khi nghĩ lại, chúng con đều cảm thấy được nuôi dưỡng và hạnh phúc lắm lắm.

Rồi mình lại đi chơi

Mỗi dịp làm biếng, chúng con thường được đi chơi. Lúc thì leo núi, khi thì lội suối, tắm biển. Có hôm đi từ tờ mờ sáng để ngắm bình minh, mặt trời ló rạng trên biển hay đi lúc chiều tà, leo lên ngọn núi cao, ngồi chơi trên mỏm đá. Chuyền nhau ly trà nóng, cái bánh rồi cùng ngắm cảnh núi đồi, trời mây và trăng sao. Trong không gian thênh thang, hùng vĩ ấy mà có được giây phút lắng yên nữa thì không còn gì tuyệt vời hơn. Bao suy tư, buồn phiền dường như được gửi trao cho Mẹ thiên nhiên ôm ấp và chuyển hoá.

 

 

Chúng con nhận ra rằng, sự thực tập trong đời sống hằng ngày không chỉ là khi ngồi thiền, tụng kinh và làm việc, mà còn là những giây phút vui vẻ, thoải mái khi đi chơi cùng nhau.

Rồi mình lại đi chơi
Lên đồi khi sương sớm
Lên mỏm đá cao ngồi
Nhìn xa qua mấy núi
Chỉ thấy mây mù thôi.

Vui buồn như sương khói
Chốc đầy chốc lại vơi
Phút giây lòng thanh thản
Nhận ra tiếng ai cười.

Trích từ bài hát Đâu đó tiếng ai cười
thơ: Chân Pháp Dụng
nhạc: Chân Hoa Nghiêm