Truyền thông trong cộng đồng thế giới

Truyền thông với tâm yêu thương có tác dụng mạnh mẽ cho riêng mỗi người lại càng mạnh mẽ hơn khi sử dụng cho một cộng đồng. Hai danh từ communication community đều cùng có gốc Latin là communicare, có nghĩa là chia sẻ, là dùng làm của chung. Chúng ta phải hướng hòa giải và hiểu biết không chỉ với những người trong gia đình hay bạn bè mà với cả láng giềng, đồng nghiệp. Chúng ta phải xây dựng thương yêu và không kỳ thị để làm nền tảng cho sự giao lưu giữa ta với những người khác.

Một cộng đồng chú trọng chánh ngữ và lắng nghe sâu sẽ gia tăng hiệu năng cải tiến xã hội. Đây có thể là hai yếu tố của một nền đạo đức toàn cầu thích hợp cho bất cứ sắc dân nào, không phân biệt truyền thống văn hóa, tôn giáo trong việc giải tỏa xung đột và phục hồi truyền thông.

Cộng đồng tạo nên thay đổi

Chúng ta có thể xem ái ngữ và lắng nghe như là năng lượng bởi vì chánh niệm là một loại năng lượng. Khi chúng ta cùng phối hợp thì năng lượng sẽ gia tăng gấp bội. Tổng thể sẽ lớn hơn sự phối hợp của các đơn vị rất nhiều. Sự thay đổi toàn diện chỉ có thể thực hiện bởi năng lượng của cộng đồng. Nếu muốn cải tạo toàn cầu, nếu muốn thay đổi xã hội, ta phải cần đến một cộng đồng có sức mạnh. Kỹ thuật không đủ. Không có chánh niệm thì kỹ thuật sẽ tàn phá hơn là xây dựng. Khi nói tới việc tạo dựng một môi trường tồn tại lâu dài hay một xã hội công bằng, chúng ta thường nói tới tác dụng vật lý hay sự tiến bộ của kỹ thuật như là những phương tiện cần thiết. Nhưng chúng ta quên đi yếu tố liên kết của một cộng đồng. Nếu không có yếu tố đó thì chúng ta không thể làm gì được.

Thường thường, chúng ta xem những sinh hoạt cộng đồng như là những hoạt động cụ thể. Nhưng năng lượng của tập thể khi ngồi yên hay cùng chung tụng niệm cũng là một cách truyền thông và một hoạt động có sức mạnh. Tôi không xem rằng đây là một hình thức cầu nguyện hay lễ nghi tôn giáo mà là một hình thức truyền thông. Khi chúng ta cùng ngồi lại với nhau, cùng phối hợp định lực của một cộng đồng thì chúng ta sẽ tạo nên một năng lượng tập thể có thương yêu và hiểu biết. Cùng ngồi với nhau trong yên lặng là thực tập lắng nghe niềm đau nỗi khổ trong ta và của cả thế giới.

Năng lượng chánh niệm tập thể sẽ hỗ trợ cho sự thực tập của riêng từng người. Chúng ta noi gương những người có khả năng truyền thông với chính mình và với những người khác. Đôi khi, niềm đau nỗi khổ của chúng ta bị vùi sâu trong tâm thức khiến ta không thể nào hiểu thấu mặc dù chúng ta đã cố gắng tu tập. Trong trường hợp ấy, năng lượng chánh niệm của tập thể giúp ta ôm ấp, giải tỏa khổ đau mà chúng ta không thể giải quyết một mình. Nếu chúng ta mở lòng đón nhận thì năng lượng tập thể của cộng đồng sẽ có thể chiếu sâu vào niềm đau nỗi khổ sâu thẳm trong tâm thức chúng ta. Lắng nghe và ái ngữ trong chánh niệm sẽ giúp cho việc xây dựng một cộng đồng vững mạnh dễ dàng hơn.

Xây đắp tin cậyvà chia sẻ khổ đau

Vài người trong chúng ta cảm thấy khó mà tin tưởng người khác. Đối với những người đó, thật khó để họ chia sẻ tâm tình với một cộng đồng lớn. Họ lo sợ và nghi ngờ. Họ không thể cảm nhận thương yêu và hiểu biết mà cộng đồng muốn cống hiến cho họ. Chúng ta phải tìm cách giúp những người không có khả năng tiếp nhận thương yêu và hiểu biết. Đôi khi hiểu biết và thương yêu chân thật có đó nhưng những người ấy không còn tin tưởng nơi hiểu biết và thương yêu và họ không có khả năng tiếp nhận hiểu biết và thương yêu. Họ là những con ma đói. Trong giáo lý đạo Phật, ma đói có bụng rất to, rất đói khát, nhưng cổ họng rất nhỏ. Mặc dù thức ăn có đó nhưng không thể nuốt được, không ăn vào được gì. Cho nên mặc dù có được bao nhiêu tâm tình hiểu biết thương yêu hỗ trợ, những con ma đói vẫn không tiếp nhận được.

Một người đã chịu nhiều đau khổ sẽ không có khả năng tiếp nhận hiểu biết, thương yêu và giúp đỡ. Đối với những người ấy, ta phải rất mực kiên nhẫn. Thỉnh thoảng ta có thể gặp những con ma đói chung quanh ta và ta có thể nhận diện dễ dàng. Họ trông rất cô đơn, xa cách. Chúng ta phải kiên nhẫn và dành cho họ rất nhiều không gian, thời gian. Không nên quá nôn nóng vì muốn giúp đỡ. Nếu quá nôn nóng thì hậu quả sẽ ngược lại với điều mình dự định và người ấy sẽ phản ứng ngược lại.

Hãy giữ thái độ tươi mát, thương yêu, từ tốn. Đó là tất cả những gì mà ta có thể cống hiến cho người ấy lúc đó. Hãy quán chiếu sâu sắc để tìm ra một câu thần chú khéo léo để có thể khai thông cuống họng, tiếp nhận thức ăn. Với thời gian và sự kiên nhẫn ta có thể giúp họ cảm nhận được hiểu biết và thương yêu của ta. Cho nên muốn xây dựng cộng đồng phải cần nhiều thì giờ.

Cộng đồng xây đắp thương yêu

Các nhà khoa học khi nghiên cứu đời sống tập thể của các loài động vật như chim, cá đã khám phá ra rằng các loài ấy luôn có tính vị tha: Mỗi một thành phần của tập thể luôn luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống cho sự an toàn của tập thể.

Loài cá stickleback luôn bơi thành đàn cả ngàn con. Mỗi khi gặp bóng dáng của một con cá lớn săn mồi đe dọa đàn cá thì một vài chục con trong đàn tách rời đàn cá để bơi đi thám thính. Những con cá nhỏ biết rõ làm như thế là nguy hiểm nhưng chúng vẫn bơi về phía con cá lớn để dò xét. Nếu không có gì nguy hiểm, chúng sẽ quay về nhập lại với đàn cá. Nếu biết có nguy hiểm thật sự thì một số sẽ ở lại chịu cho cá lớn nuốt sống trong khi các con khác trở lại đàn cá để hướng dẫn đàn bơi về hướng khác. Loài kiến, loài ong, và một vài loài chim cũng có lối sống như thế. Đối với loài người, thỉnh thoảng cũng đã có những anh hùng hy sinh như thế.

Hành động hy sinh của một vài cá nhân trong cộng đồng nuôi dưỡng lòng quảng đại và tính vị tha trong chúng ta. Các nhà khoa học khi nghiên cứu loài cá stickleback khám phá ra rằng nếu cá luôn bơi với nhau thành đàn thì tính vị tha của chúng càng lớn mạnh. Nếu bầy cá tan rã thì tính vị tha sẽ bị tiêu hao rất nhanh.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu chúng ta có cơ hội chứng kiến hành động vị tha của một vài cá nhân trong cộng đồng thì hạt giống vị tha trong ta sẽ được tưới tẩm. Và nếu gặp hoàn cảnh cần hy sinh thì chúng ta cũng sẽ hành động như những người ấy, cũng hy sinh cho tập thể như họ.

Chúng ta thường sống đầy tập khí sâu dày. Chúng ta đi không ý thức, không biết thưởng thức từng bước chân đi. Chúng ta nói mà không biết mình nói gì, nói mà gây nên bao nhiêu khổ đau phiền lụy. Một cộng đồng chú trọng thực tập chánh niệm sẽ giúp các thành viên của cộng đồng học cách đi trong chánh niệm, nói trong chánh niệm. Cộng đồng hỗ trợ bạn trong việc thực tập và bạn sẽ tự mình thực tập.

Khi cùng thực tập chánh niệm trong một cộng đồng, chúng ta có cơ hội được một số đông hỗ trợ nhưng cũng có nhiều cơ hội gây nên bức xúc, buồn giận. Cho nên ái ngữ và lắng nghe sâu là cốt yếu, là chìa khóa cho việc xây dựng cộng đồng. Ta phải nói những lời không tạo nên đau khổ cho ta và cho cộng đồng. Nếu một cộng đồng mà không thực tập như thế thì không phải là một cộng đồng đích thực. Ngay cả khi đang bị đau khổ, buồn giận, ta phải thực tập nói năng làm sao để những người khác trong cộng đồng hiểu rõ những gì đã xảy đến cho ta, và như thế có thể thành công trong việc xây dựng cộng đồng.

Thế giới chúng ta có thể là một thế giới của chánh niệm thương yêu

Chúng ta phải tìm ra một phương cách truyền thông tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta thành công trong quan hệ cá nhân thì chúng ta cũng có thể thành công nơi sở làm và ngay cả trong một đoàn thể chính trị. Chúng ta phải biến đổi chính quyền thành một môi trường chánh niệm, thương yêu, lắng nghe sâu, và ái ngữ. Mỗi người phải đóng góp với tư cách là một công dân, một người con trong gia đình của nhân loại. Trong tiến trình xây dựng cộng đồng, chúng ta sẽ xây đắp chuyển hóa và chữa trị cần thiết cho sự chuyển hóa và chữa trị của toàn thế giới. Đây là một tiến trình đào luyện và học hỏi. Khi nói chúng ta nên nói trong tinh thần của tuệ giác tập thể nhân loại. Khi đi chúng ta không đi một cách đơn độc mà đi cho tổ tiên, cho cộng đồng. Khi thở, hãy thở cùng thế giới. Khi buồn giận, hãy để cho cộng đồng cùng chung giải tỏa, ôm ấp buồn giận của riêng ta. Nếu làm được như thế trong một ngày, thì đã có chuyển hóa cho riêng ta. Hãy là cộng đồng và hãy để cộng đồng là ta. Đây là một sự thực tập đích thực. Hãy như là một dòng sông nhập vào biển cả. Hãy như con ong, con chim bay thành đàn. Thấy mình trong tập thể và thấy tập thể trong mình. Đây là một tiến trình thay đổi tầm nhìn của bạn. Sự thay đổi ấy sẽ đưa đến sự thay đổi tập thể và bảo đảm hiệu lực của sự thay đổi ấy.

Sáu câu thần chú ái ngữ

Mỗi khi ta cảm thấy cô đơn, không được ai nâng đỡ thì hãy nhớ rằng đó chỉ là một ý niệm. Ý niệm ấy không đúng sự thật. Hãy nhìn hàng cây ngoài sân. Cây đang nuôi dưỡng ta bằng vẻ đẹp, tươi mát, và dưỡng khí. Sự có mặt nuôi dưỡng ấy cũng là một hình thức của yêu thương. Không khí mát ngoài trời, thảo mộc nuôi dưỡng, dòng nước chảy vào lòng bàn tay từ vòi nước, tất cả đều nâng đỡ, hỗ trợ ta.

Nhiều người khác đã hỗ trợ ta, thương yêu ta bằng nhiều cách mà không cần nói ra rằng, “Tôi thương yêu anh”. Có nhiều người không bao giờ nói với ta câu “Tôi thương yêu anh”, nhưng ta biết rằng họ thương yêu chúng ta. Khi còn là một sa di trẻ, tôi có một vị thầy mà tôi biết rất rõ là thầy tôi yêu thương tôi, nhưng không bao giờ nói với tôi câu “Thầy thương con”. Thói thường là như thế. Nếu nói ra câu thương yêu, lời thương yêu thì cơ hồ sẽ đánh mất đi một điều gì linh thiêng. Đôi khi, ta cảm thấy biết ơn một ai nhưng ta muốn tỏ lòng biết ơn không chỉ bằng câu “Xin cảm ơn”. Hãy để ý có những cách mà người khác đã bộc lộ thương yêu mà không nói lên lời thương yêu. Cũng như thân cây, họ đã nâng đỡ, thương yêu ta bằng nhiều cách khác.

Cũng như thế, người mà ta thương yêu không biết rằng ta thương yêu họ. Nhiều lúc chúng ta muốn nói cho một ai biết là chúng ta lo lắng, thương yêu họ nhưng chúng ta không biết nói lời thế nào để cho người kia hiểu thấu tâm tình của ta.

Sáu câu thần chú là sáu câu thể hiện ái ngữ, để chứng tỏ cho một ai đó là chúng ta biết người ấy có đó trước mắt ta, là chúng ta cảm thông và lo lắng cho người ấy. Trong đạo Bụt, chúng ta gọi sáu câu ấy là sáu câu thần chú, sáu câu làm nên phép lạ bởi vì chúng có thể làm cho hạnh phúc hiển hiện tức thì.

Cũng như các thực tập khác, bạn hãy bắt đầu bằng hơi thở chánh niệm để thực sự có mặt. Rồi bạn đến với người kia, hoàn toàn trong chánh niệm, quyết tâm truyền thông với tâm thương yêu. Bạn có thể thở vào thở ra ba lần trước khi nói lên câu thần chú. Thở vào thở ra ba hơi thở là cần thiết. Ba hơi thở sẽ làm cho bạn bình tĩnh và cũng làm cho người kia bình tĩnh. Cho nên bạn biết rằng khi đến với một ai, bạn phải tươi mát, bình an và cống hiến cho người đó sự tươi mát và bình an.

Muốn cho câu thần chú có hiệu quả thì trước hết phải thở hơi thở chánh niệm, phải tươi mát trước khi nói câu thần chú. Hãy nhìn vào mắt người kia và nói lên câu thần chú. Câu thần chú có thể rất ngắn, chỉ có năm ba chữ nhưng khi nói lên bạn thực sự có mặt với người thương của bạn.

Câu thần chú thứ nhất

Câu thần chú thứ nhất là: “Anh đang có mặt đây cho em”.

Đây là món quà quý nhất mà mình có thể dâng hiến cho người mình thương. Không có gì quý hơn là sự có mặt. Dù cho mua tặng người thương một món quà đắt tiền cũng không có món quà nào quý hơn sự có mặt. Sự có mặt của ta đem đến tươi mát, vững chãi, tự do và bình an. Món quà ấy sẽ tăng thêm hạnh phúc cho người ta thương và cho chính ta. “Anh đang có mặt đây cho em.”

Thương yêu một ai là có mặt đó cho người mình thương. Có mặt là một nghệ thuật. Bạn có mặt đó một trăm phần trăm cho người bạn thương hay không? Sử dụng hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm, đem tâm về với thân để phục hồi chính mình và có mặt thực sự trong hiện thực, bây giờ và ở đây. Được như thế, có mặt cho mình và người mình thương là một hành động thương yêu.

Bạn cũng có thể sử dụng câu thần chú ấy cho chính bạn. Khi tự nói lên câu “Anh đang có mặt đây cho em” có nghĩa là tôi đang có mặt cho tôi. Tâm tôi trở về với thân tôi và tôi ý thức là tôi có một cơ thể. Đây là một phép thực tập thương yêu chính mình. Nếu bạn có khả năng có mặt với chính bạn thì bạn có khả năng có mặt với người thương của bạn.

Đây là một thực tập rất dễ chịu. Thở vào thở ra để đem tâm về với thân là một hành động rất dễ chịu. Bạn thưởng thức hơi thở, bạn thưởng thức cơ thể bạn, tâm thức bạn và câu thần chú đó sẽ có ảnh hưởng đến những người chung quanh bạn.

Bạn không cầu mong rằng sự thực tập của bạn sẽ được đáp ứng. Người kia không cần phải nói lại với bạn một điều gì cả. Khi nói lên câu thần chú, cả hai bên đều được lợi. Câu thần chú sẽ giúp bạn và người kia trở về với chính mình và về hiện tại với thời khắc mà bạn nói lên câu thần chú. Cho nên ảnh hưởng được tăng gấp đôi. Chúng ta thường nói thương yêu bắt nguồn từ hiểu biết, nhưng làm sao ta có thể hiểu nếu ta không có mặt? Tâm của ta phải có mặt bây giờ và ở đây trước khi nói lời yêu thương. Vậy thì định nghĩa thứ nhất của tình yêu là sự có mặt. Làm sao ta có thể thương yêu nếu ta không có đó? Thương yêu là có đó. Chòm cây ngoài cửa sổ đang có đó, hỗ trợ ta. Ta có đó cho ta và cho người ta thương như thân cây kia. Thực tập chánh niệm là nền tảng của tình yêu. Ta không thể yêu thương đúng nghĩa và sâu đậm nếu không có chánh niệm. Mặc dù khi ta nói câu “Anh đang có mặt đây cho em”, người kia không cần phải có mặt ở đó. Ta có thể sử dụng điện thoại. Cầm điện thoại trong tay, ta thở vào thở ra vài hơi thở để trở về với mình, với tâm bình an. Khi điện thoại reo, ta tiếp tục thở trong chánh niệm. Khi người kia bắt máy, ta sẽ hỏi người kia có rảnh một hai phút hay không. Rồi ta sẽ nói lên câu thần chú “Anh đang có mặt đây cho em”. Nếu ta có thực tập thì cách ta nói sẽ chứng tỏ cho người kia là ta đang bình tĩnh, và thực sự có mặt.

Câu thần chú thứ hai

Không nên sử dụng câu thần chú thứ hai này nếu chưa thực tập câu thần chú thứ nhất và thực sự có mặt. Vì chỉ khi đã thực sự có mặt bây giờ và ở đây thì ta mới có thể nhận diện sự có mặt của người kia. Câu thần chú thứ hai là: “Anh biết em có đó, anh rất hạnh phúc”. Ta muốn cho người thương của ta biết rằng sự có mặt của người ấy là rất quan trọng cho hạnh phúc của ta.

Câu thần chú thứ hai xác nhận rằng ta đã thực sự thấy người ấy. Đây là một điều tối quan trọng bởi vì nếu có một ai không ngó ngàng tới ta thì ta không thể nào cảm nhận được là người kia thương yêu ta. Ta có thể nghĩ rằng người thương của ta đang vì bận tâm tới một việc gì cho nên không thấy được ta. Người thương của ta có thể đang lái xe mà tâm lo nghĩ về những chuyện gì khác và không biết rằng có ta ngồi một bên trong xe. Ta không được người kia chú ý tới. Thương yêu có nghĩa là ý thức sự có mặt của người mình thương và ghi nhận rằng sự có mặt của người ấy là quý báu vô cùng. Ta sử dụng năng lượng của chánh niệm để ghi nhận và ôm ấp sự có mặt của người ta thương. Ôm ấp trong chánh niệm như thế sẽ làm cho người kia tỏa rạng như một bông hoa.

“Tôi biết em có đó và tôi rất hạnh phúc.” Câu thần chú này xác nhận lại một lần nữa rằng người kia là rất quan trọng cho ta. Câu thần chú thứ hai này, cũng như câu thần chú thứ nhất, chỉ có hiệu quả nếu ta theo dõi hơi thở có ý thức khi nói. Hãy tưởng tượng là người kia không có mặt lúc đó, người kia đã đi xa hay quá vãng. Ta có thể cảm thấy thiếu sót. Bây giờ người kia đang có đó trước mắt ta và ta rất hạnh phúc. Vì vậy mà ta phải thực tập câu thần chú thứ hai này để tự nhắc nhở rằng sự có mặt của người kia là một món quà rất quý báu cho ta.

Khi một ai nói với ta là người ấy thương yêu ta nhưng không đếm xỉa gì tới ta, không biết rằng ta có mặt tại đó thì ta không thể nào cảm nhận tình yêu của người ấy. Cho nên, nếu ta thương yêu ai thì phải ghi nhận rằng sự có mặt của người ấy là vô cùng quý giá cho ta. Câu thần chú thứ hai này cần được thực tập mỗi ngày, nhiều lần trong ngày. “Tôi biết em có đó và tôi rất hạnh phúc.”

Câu thần chú này, cũng như câu thần chú thứ nhất, có thể nói lên bất cứ lúc nào – trong sở làm, trong bữa ăn, hay qua điện thoại. Ta cũng có thể gửi qua email cho một người ở xa, hay lâu không gặp. Hai câu thần chú ấy nếu chưa quen nói thì khi nói ra lần đầu có vẻ “ngượng ngập”, nhưng khi thấy rõ hiệu quả thì dễ nói ra hơn. Với hai câu thần chú này, ta và người kia có thể cảm thấy hạnh phúc ngay lập tức, nhanh hơn cả ly “cà phê uống liền” (instant coffee). Nhưng ta phải nhớ một điều, một câu thần chú chỉ có hiệu quả khi ta biết thể hiện sự có mặt của mình và nói lên trong chánh niệm.

Câu thần chú thứ ba

Hai câu thần chú thứ nhất và thứ hai có thể nói lên bất cứ lúc nào, trái lại, với câu thần chú thứ ba, bạn chỉ nói lên khi cảm thấy người kia đang đau khổ. Câu thần chú thứ ba này có thể giúp người kia bớt đau khổ ngay. “Tôi biết em đang đau khổ, và vì vậy tôi đang có mặt cho em.”

Nhờ có chánh niệm mà ta có thể biết rằng có điều gì không hay, không tốt đã xảy ra cho người ta thương. Mỗi khi người ta thương đau khổ, ta có xu hướng muốn làm một việc gì để giúp người ấy. Nhưng ta không cần phải làm gì nhiều, ta chỉ cần có mặt đó cho người ta thương. Đây là tình yêu chân thật. Tình yêu chân thật cần có chánh niệm.

Khi ta đau khổ mà người ta thương không hề biết tới, ta sẽ đau khổ nhiều hơn. Trái lại, khi người kia biết là ta đang đau khổ và có mặt ở đó với ta thì ta sẽ bớt đau khổ tức thì. Không phải mất nhiều thì giờ. Vậy thì ta hãy sử dụng câu thần chú này để giúp người khác bớt đau khổ.

Câu thần chú thứ tư

Câu thần chú thứ tư là câu khó nhất cho những người nhiều tự ái. Ta sử dụng câu thần chú thứ tư này khi ta đau khổ và tin rằng người kia đã làm cho ta đau khổ. Điều này thỉnh thoảng có thể xảy ra. Nếu có một người mà ta không gần gũi gì mấy và không mấy để tâm đã nói ra một điều gì hay làm một việc gì trái chống thì ta sẽ không đau khổ gì lắm. Nhưng nếu người mà ta thương yêu nói lên lời chỉ trích, trách móc thì ta sẽ vô cùng đau khổ. Nếu vì đau khổ và không nhìn sâu vào nỗi khổ của mình, mở lòng thương mình và thương người ấy thì ta sẽ có ý trừng phạt người đã làm cho ta khổ. Khi ta đau khổ thì ta thường nghĩ rằng lỗi là do ở người kia bởi vì người ấy đã không hiểu rõ hay thương yêu ta đủ. Nhiều người trong chúng ta thường có xu hướng muốn trừng phạt người khác. Một lý do khiến ta muốn trừng phạt người khác là để chứng tỏ rằng ta có thể sống mà không cần đến người ấy.

Nhiều người đã phạm lỗi lầm ấy. Chính tôi cũng phạm lỗi lầm ấy. Nhưng mà chúng ta học được bài học. Chúng ta muốn chứng tỏ cho người kia biết rằng không có người ấy thì chúng ta vẫn sống còn như thường. Đó là một cách gián tiếp để nói rằng: “Tôi không cần anh”. Nhưng sự thật không phải là như thế. Sự thật là khi đau khổ chúng ta cần đến những người khác.

Khi đau khổ, ta phải nói cho người khác biết là ta đau khổ và cần được giúp đỡ. Thường thì chúng ta làm ngược lại. Ta không muốn tìm giúp đỡ nơi người khác. Vì vậy, ta cần đến câu thần chú thứ tư: “Tôi đang đau khổ, xin hãy giúp tôi!”.

Nếu ta không thực tập câu thần chú ấy thì ta sẽ đau khổ. Nếu có người nhận biết là ta đang đau khổ, muốn an ủi ta và hỏi ta: “Anh đang đau khổ phải không?” thì ta có xu hướng trả lời: “Đau khổ à? Tại sao tôi lại đau khổ?”. Ta biết rằng nói như thế là không thật. Ta đang khổ hết mức mà vẫn giả vờ là không khổ. Ta chối bỏ sự thật để trừng phạt người kia. Nếu người ấy đến đặt bàn tay lên vai ta thì ta hất tay người ấy đi. “Để tôi yên. Tôi có can chi đâu!”. Nhiều người trong chúng ta đã phạm lỗi lầm như thế. Nhưng chúng ta có thể học hỏi.

Khi thực tập câu thần chú thứ tư này, ta sẽ xử lý ngược lại. Ta phải thừa nhận đau khổ của ta. Câu thần chú này có thể nói dài hơn nếu cần: “Tôi đang đau khổ. Tôi muốn anh biết cho tôi điều đó. Tôi không hiểu tại sao anh lại nói như thế, làm như thế. Xin nói cho tôi biết và xin giúp tôi”. Đó là tình yêu đích thực. Câu “Tôi không đau khổ, tôi không cần ai giúp” không phải là ngôn ngữ của tình yêu đích thực. Mai đây, khi ta cho rằng ta đau khổ vì một ai đó thì hãy đọc lại câu thần chú thứ tư này để biết là ta phải xử lý như thế nào.

Theo thực tập tại Làng Mai, ta có quyền đau khổ hai mươi bốn giờ nhưng không được lâu hơn. Thời hạn chót là hai mươi bốn giờ và ta phải thực tập câu thần chú thứ tư này trước thời hạn đó. Ta có điện thoại. Ta có máy vi tính. Tôi tin chắc rằng mỗi khi ta quyết định nói ra hay viết vào máy niềm đau nỗi khổ của ta thì ta sẽ cảm thấy nhẹ bớt khổ đau tức khắc. Nếu ta không đủ bình tĩnh để thực tập câu thần chú thứ tư thì hãy viết lên giấy tâm tư đau khổ của mình và để lên bàn hay một nơi nào để người kia có thể thấy và đọc được.

Câu thần chú này có thể chia ra làm ba phần.

Phần thứ nhất của câu thần chú là “Tôi đang đau khổ và tôi muốn anh biết cho tôi điều đó”. Đó là chia sẻ tâm tình với người mình thương. Chia sẻ lúc hạnh phúc cũng như lúc đau khổ.

Phần thứ hai của câu thần chú là “Tôi sẽ cố gắng”. Nghĩa là “Tôi sẽ thực tập chánh niệm và khi tôi giận, tôi sẽ không nói lên điều gì có thể gây xúc chạm cho tôi và cho người kia. Tôi sẽ thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm và nhìn sâu vào niềm đau nỗi khổ của tôi để tìm ra cội nguồn của khổ đau. Tôi nghĩ rằng anh đã làm cho tôi đau khổ nhưng tôi biết rằng tôi không nên tin chắc là như thế. Tôi sẽ nhìn sâu để xem đau khổ của tôi có phải là do một ý niệm sai lầm hay không. Có thể anh đã không cố ý nói ra những lời lẽ như thế, anh không muốn hành động như thế. Tôi sẽ cố gắng thực tập nhìn sâu hết lòng để nhìn ra cơn giận của tôi và ôm ấp cơn giận của tôi với tất cả sự hiền dịu.”

Phần thứ hai của câu thần chú này cũng là “lời mời người kia cùng thực tập như mình”. Khi người kia nhận được bức thư thì người ấy có thể tự nhủ: “Trời ơi, tôi không biết là anh ta đã đau khổ như thế. Tôi không biết là tôi đã nói gì hay làm gì mà anh ta đã đau khổ như thế”. Đó là một lời mời mọc để người kia thực tập nhìn sâu. Nếu một trong hai người tìm ra được nguyên nhân thì người ấy phải tức thời đến với người kia để nhận lỗi và xin lỗi rằng mình đã không khéo léo và để cho người kia bớt khổ.

Vậy thì phần hai của câu thần chú này là nhằm khuyến khích cả hai bên thực tập nhìn sâu để biết việc gì đã xảy ra và tìm hiểu nguyên nhân chính xác đã gây nên đau khổ. Đây là một lời ghi nhận rằng người kia đang tỉnh thức và đang thực tập hết lòng, cũng như ta đang thực tập hết lòng.

Phần thứ ba của câu thần chú là “Xin giúp tôi”. Phần này có ý nghĩa là ta không thể tự mình tìm ra nguyên do. Cả hai bên cần giúp nhau. Đây có thể là phần khó nhất của câu thần chú.

Tóm lại, câu thần chú thứ tư là: “Tôi đang đau khổ. Tôi muốn anh biết cho tôi điều đó. Tôi cố gắng hết lòng. Xin hãy giúp tôi”.

Câu thần chú thứ năm

Câu thần chú thứ năm là “Đây là giây phút hạnh phúc”. Khi gần một người ta thương, ta có thể nói lên câu thần chú này. Đây không phải là tự kỷ ám thị hay là mơ ước bởi vì những điều kiện của hạnh phúc đang có đó. Nếu ta không chánh niệm thì ta không thể nhận ra. Câu thần chú này cũng nhắc nhở ta đã may mắn có được biết bao điều kiện hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta thở và cảm thấy rất dễ chịu. Chúng ta đang còn có nhau. Chúng ta có bầu trời xanh và quả địa cầu nuôi dưỡng. Cùng ngồi, cùng đi với người kia bạn có thể đọc lên câu thần chú này để cảm thấy là bạn hạnh phúc biết chừng nào.

Để biết được đây là một giây phút hạnh phúc đòi hỏi chúng ta phải có chánh niệm. Ta cũng như người thương của ta có thừa điều kiện để được hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Nhờ chánh niệm mà giây phút này đã trở thành giây phút mầu nhiệm. Chúng ta có thể thực tập để chế tác hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Tại sao chúng ta trông chờ để được hạnh phúc? Tại sao cứ mãi trông chờ? Với chánh niệm, ta có thể có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây.

Câu thần chú thứ sáu

Ta sử dụng câu thần chú này khi có một ai khen ngợi hay chỉ trích ta. Trong cả hai trường hợp đều có thể áp dụng như nhau.

Câu thần chú thứ sáu là “Anh có thể đúng một phần nào”.

Tôi có lẫn ưu điểm cũng như khuyết điểm. Nếu ai khen, tôi sẽ không quá tự hào mà quên những yếu kém của tôi. Nếu ai chỉ trích, tôi sẽ không bị ám ảnh mà không biết rằng tôi còn có những điểm tích cực.

Khi ta chỉ nhìn vào những gì tốt đẹp nơi một người khác, ta có xu hướng bỏ qua những gì không mấy tốt đẹp nơi người ấy. Là con người, chúng ta đều có ưu điểm và khuyết điểm. Cho nên, nếu có ai ca tụng ta quá lời, cho rằng ta là tuyệt hảo thì ta có thể nói: “Bạn có thể đúng một phần nào đấy thôi. Bạn cũng biết đấy, rằng tôi còn có những yếu kém”. Như thế, ta sẽ giữ được thái độ khiêm nhường. Ta sẽ không trở thành nạn nhân của ảo tưởng tự cao bởi vì ta biết là ta không hoàn hảo. Đây là một điểm quan trọng. Khi nói lên câu thần chú thứ sáu, ta tỏ thái độ khiêm nhường.

Cũng vậy, nếu có ai chỉ trích ta, ta có thể trả lời rằng người ấy chỉ mới thấy được một phần của sự thật mà không thấy những ưu điểm của ta. “Bạn chỉ mới nói lên một phần sự thật mà thôi. Trong tôi còn có những ưu điểm nhưng bạn không thấy đấy thôi!”

Nếu có ai chỉ trích ta thì ta có thể trả lời: “Anh chỉ nói đúng một phần nào thôi. Tôi cũng có nhiều điểm tích cực”. Ta có thể trả lời như thế trong im lặng hay nói lên bằng lời nhã nhặn: “Anh chỉ thấy một phần của tôi thôi, không phải toàn phần của tôi. Trong tôi có nhiều điều tích cực hơn nhiều lắm”.

Câu thần chú thứ sáu là sự thật. Ta không nói dối và không khiêm nhường giả dối. Ta chỉ nói lên câu thần chú, nói cho người kia nghe hay nói thầm với mình. Trong ta có nhiều đức tính tốt đẹp mà cũng có nhiều thiếu kém. Ta chấp nhận cả hai. Nhưng chấp nhận như thế không cản trở ta phát triển những đức tính tốt hay ngăn ngừa những thiếu kém.

Chúng ta có thể sử dụng phương pháp ấy khi suy xét một người khác. Ta chấp nhận người khác cũng như ta chấp nhận chính ta. Ta biết rằng những gì người ấy biểu hiện chỉ là một phần của người ấy. Trước khi phán xét la mắng một người khác, ta phải nhìn sâu. Có người rất nhạy cảm. Chỉ một lời trách móc nhẹ cũng đủ làm cho người ấy khổ sở. Chúng ta chấp nhận chính mình với tất cả yếu kém và sẽ được bình an. Ta không phán xét ta. Ta chỉ chấp nhận. Tôi có những đức tính và những yếu kém, nhưng từ từ tôi sẽ cải thiện. Nếu nhìn vào ta như thế thì ta cũng sẽ nhìn người khác như thế, nghĩa là không phán xét. Mặc dù người kia có nhiều yếu kém nhưng người ấy cũng có nhiều tài năng, nhiều điểm tích cực. Không ai là không có những điểm tích cực. Cho nên nếu có ai phán xét ta một cách sai lầm thì ta phải nghĩ rằng người ấy chỉ nói đúng một phần nào mà thôi. Người ấy chỉ thấy một khía cạnh nào đó của ta chứ không phải toàn thể con người của ta. Và ta không vì thế mà đau khổ.

Chúng ta có thể sử dụng sáu câu thần chú này để thắt chặt mối quan hệ của chúng ta với người khác. Elizabeth, một người bạn của tôi, gần đây có chia sẻ với tôi rằng cô ấy đã sử dụng các câu thần chú ấy trong nhiều trường hợp. Cô có một người chị lớn hơn cô một tuổi. Hai người cùng lớn lên. Nhưng qua năm tháng, khi trưởng thành Elizabeth có tính hay “lên tiếng dạy dỗ” chị, khuyên bảo chị làm này nọ, khiến cho người chị lắm khi phản ứng mạnh.

Nhờ thực tập chánh niệm mà Elizabeth đã ý thức hơn về những điều mình sắp nói. Cô biết thay đổi thói quen là rất quan trọng. Khi đến thăm chị, Elizabeth thực tập câu thần chú thứ hai: “Em biết chị có đó và em rất hạnh phúc”.

Elizabeth cảm nhận sự có mặt của chị cô ấy, trong thâm tâm cô ấy trân quý sự có mặt của chị trong đời sống của mình, và biết rằng chị mình đã cố gắng hết lòng.

Elizabeth cũng đã áp dụng câu thần chú trong đời sống vợ chồng. Mới đầu, mỗi khi chồng nói một điều gì làm cô bực mình thì cô tức thì phản ứng với ý muốn trừng phạt. Bây giờ thì cô đã dịu dàng đến với chồng và sử dụng câu thần chú thứ tư: “Anh nói gì mà em không hiểu lắm. Anh nói lại cho em nghe đi!”. Chồng của Elizabeth sẽ trả lời và thường thường thì cô khám phá ra rằng lời chồng nói không liên quan gì mấy tới mình. Nhiều lúc chỉ là vì một chuyện gì khác. Câu thần chú này đã “mở cửa” để cô thấy việc gì đang xảy ra cho chồng.

Nhiều khi Elizabeth nói với chồng một điều gì khiến chồng phản ứng mạnh và cô đã phản ứng trở lại. Nhưng rồi cô thực tập câu thần chú thứ ba: “Em biết anh đang đau khổ và em có mặt đây cho anh”. Cô hỏi chồng: “Anh giận có phải là vì điều em nói hay không? Em thực sự muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Em xin lỗi. Em không có ý làm cho anh giận. Anh cho em biết để em hiểu vì sao điều em nói đã làm cho anh giận”.

Elizabeth cũng nói với tôi về một việc xảy ra khi cô ở Làng Mai. Tại vườn hoa trong làng, cô đã hái những cánh hoa hồng sắp rụng để nấu trà. Một bác làm vườn thấy thế đã nặng lời trách cô, đáng lẽ ra là để hoa cho tất cả mọi người cùng ngắm. Elizabeth trả lời rằng cô không hái những cánh hoa tươi mà chỉ hái những cánh hoa héo. Nhưng bác làm vườn vẫn không bằng lòng. Elizabeth đến tham vấn một sư cô trong làng. Sư cô cắt nghĩa rằng gần đây có người đã ngắt hoa hồng cho riêng mình và bác làm vườn rất bực mình. Sư cô nói, “Chỉ vì chị gặp lúc bác làm vườn đang bực mình”. Sau đó, Elizabeth đã tới gặp bác làm vườn và nói, “Tôi đã hiểu tình trạng đã xảy ra trước đây. Từ nay, nếu bác muốn, tôi sẽ không ngắt hoa nữa đâu!”. Bác làm vườn đang chuẩn bị một chuyến đi sang Đức. Elizabeth thực tập câu thần chú thứ nhất: “Tôi có mặt đây cho bác” và nói với bác làm vườn rằng trong thời gian ông vắng mặt, cô ấy tình nguyện tưới vườn và chăm sóc các cây hoa hồng.

Một thiền sinh khác của khóa tu chia sẻ rằng anh đã rất đau khổ trong khóa tu. Anh đã thực tập câu thần chú thứ tư: “Tôi đang đau khổ, xin giúp tôi” và nói với người bạn cùng phòng rằng anh không muốn nói chuyện nhiều mà chỉ muốn có không gian cho riêng mình. Điều này giúp những người bạn cùng phòng hiểu chuyện gì đã xảy ra, không lấy làm phiền lòng và chấp nhận rằng anh ta không muốn gần gũi thân mật với các bạn cùng phòng. Biết được ý muốn của anh bạn thiền sinh và nhu cầu được giúp đỡ của anh đã giúp ích rất nhiều.

Câu thần chú thứ sáu là một câu mà ai cũng có thể thực tập được trong gia đình. Trẻ em cũng thực tập được. Lắm lúc trẻ em cảm thấy bất lực trong gia đình. Với chánh niệm, chú tâm và thực tập câu thần chú thứ sáu, các em đó có phương cách xử lý. Nói lên câu thần chú thứ sáu với tất cả thương yêu và sự có mặt của mình, các em có thể thay đổi tình hình – có khi rất căng thẳng – tức khắc. Câu thần chú ấy cũng giúp cho cha mẹ nói lên những lời yêu thương thay vì nghiêm khắc khi nói chuyện, dạy dỗ con cái. Khi gia đình không có quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, cả hai bên đều đau khổ, câu thần chú thứ sáu là cơ hội thực tập ái ngữ, lắng nghe sâu và mở lối truyền thông. Nhờ đó mà có sự cảm thông, hiểu biết nhau và tình yêu sẽ là tình yêu chân thật vì đã được xây dựng bằng sự hiểu biết.

Truyền thông với tâm thương yêu trong các quan hệ tình cảm

Sử dụng được sáu câu thần chú với người mình thương là xây đắp một mái ấm. Lắng nghe mình với tâm thương yêu là trở về với mái ấm. Sử dụng truyền thông với tâm thương yêu với người thương là mời người ấy trở về với mái ấm. Bởi vì người thương của ta cũng cần một mái ấm, một nơi để ẩn trú. Khi ta đã có một mái ấm để trở về thì ta sẽ có thể giúp người kia. Ta vững tin và giúp người ấy vững tin. Người ấy sẽ tìm về với ta như là một tổ ấm, nương tựa ta để xây đắp một mái ấm cho riêng mình.

Ta không cần một chiếc iPhone để làm việc đó. Ta cần đôi mắt để nhìn người ấy với thương yêu. Ta cần đôi tai để lắng nghe với thương yêu và cái miệng để nói lời ái ngữ. Khi người thương của ta có thể trở về với mình thì mối quan hệ của ta với người ấy là một quan hệ chân thật, bởi vì ta và người ấy đều cùng trở về với chính mình dưới một mái ấm. Đừng ngần ngại dành cho người kia một không gian riêng để họ có thể trở về lắng nghe mình. Khi ta cũng có không gian cho riêng ta thì ta có thể tìm thấy mái ấm trong ta và cả trong người kia. Đây là một mái ấm chung cho cả hai người cùng chia sẻ. Mái ấm là nền tảng của tất cả mọi quan hệ của ta. Nếu ta muốn giúp cộng đồng xã hội, hay quốc gia thì trước hết ta phải có một mái ấm để làm cứ địa. Khi ta đã có một mái ấm thực sự trong ta và trong mái ấm đó ta cảm thấy hạnh phúc, vững chãi, an ninh thì khi đó ta có đủ điều kiện để đi ra giúp đỡ và xây đắp một cộng đồng đầy từ bi, thương yêu.

Truyền thông với người khác

Khi ta truyền thông với chính ta thì ta bắt đầu truyền thông với người khác. Nếu không đi được bước đầu ấy thì không đi được bước kế tiếp. Không nên vì lơ là mà không dành thì giờ trong ngày để sống tĩnh lặng và truyền thông với chính mình.

Tất cả chúng ta vốn có nhiều nhận thức sai lầm và nhiều đau khổ. Khi truyền thông với người khác phải ý thức rằng đau khổ và nhận thức sai lầm vẫn còn trong ta. Nếu ta ý thức hơi thở vào, hơi thở ra thì ta sẽ nhớ rằng mục đích duy nhất của truyền thông với tâm thương yêu là giúp người khác bớt khổ. Nếu chúng ta nhớ như thế là chúng ta đã thành công, là chúng ta đã góp thêm niềm vui và làm vơi đi nỗi khổ cho đời.

Chào hỏi

Mỗi khi truyền thông với người khác thì nên nhớ rằng trong ta và người kia đều có một vị Bụt. “Bụt” chỉ là tên gọi của khả năng tối thượng hiểu biết và thương yêu trong mỗi chúng ta. Ta có thể gọi bằng một tên gọi gì khác cũng được, ví dụ như Tuệ giác hay Thượng đế. Chúng ta có thể thở, cười, đi như thế nào để vị Bụt trong ta có cơ hội hiển lộ.

Tại Làng Mai, mỗi khi gặp ai, chúng tôi chắp tay, cúi đầu chào kính cẩn vì chúng tôi biết rằng trong người ấy có một vị Bụt mặc dù phong thái hay cách nói năng của người ấy hoàn toàn không giống như một vị Bụt có khả năng hiểu và thương. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta chào một cách kính cẩn và tươi mát là chúng ta giúp cho vị Bụt trong người kia hiển lộ. Chắp tay và cúi đầu chào như thế không chỉ là một động tác theo nghi lễ. Đây là một thực tập tỉnh thức. Khi đưa hai bàn tay lên và chắp lại, hãy thở vào, ra trong chánh niệm. Hai bàn tay làm thành búp sen. Nếu bạn làm như thế một cách chân thành thì bạn có thể thấy những khả năng trong người kia. Trong khi bạn thở, bạn nói thầm:

“Búp sen xin tặng người

Một vị Bụt tương lai.”

Khi chắp tay, chúng ta phải chú tâm. Nếu không thì chỉ là động tác suông. Đóa sen trong hai bàn tay của bạn là một tặng phẩm cho người kia. Cúi đầu chào là ghi nhận nét đẹp nơi người kia.

Tại các nước Á châu, người ta không bắt tay khi gặp nhau. Chúng tôi chỉ chắp tay và vái chào. Cách đây khoảng 160 năm, người Pháp đến Việt Nam và họ dạy chúng tôi bắt tay. Ban đầu chúng tôi thấy bắt tay là buồn cười, nhưng chúng tôi học rất nhanh. Bây giờ thì ai cũng bắt tay, nhưng chúng tôi vẫn còn chắp tay vái chào, nhất là khi gặp nhau trong chùa hay đền thờ. Ngoài đời hay trong sở làm, chắp tay chào chắc không mấy hợp thời nhưng khi gặp một ai bạn có thể nhìn vào mắt người ấy. Dù cho bạn mỉm cười, nói lời chào hỏi, hay bắt tay, trong thâm tâm bạn vẫn đang hiến tặng cho người ấy một đóa sen, như để nhớ lại vị Bụt trong mỗi chúng ta.

Hai yếu tố căn bản của truyền thông với tâm thương yêu

Chúng ta truyền thông để hiểu người khác và để người khác hiểu ta. Nếu ta nói mà không ai nghe ta (hoặc là ta không nghe ta) thì ta không thực sự truyền thông. Có hai điều kiện căn bản để cho truyền thông có hiệu quả: thứ nhất là nghe sâu, thứ nhì là ái ngữ. Theo tôi, nghe sâu và ái ngữ là hai phương tiện tốt nhất để thiết lập và phục hồi truyền thông với những người khác và làm vơi bớt khổ đau.

Chúng ta ai cũng muốn được hiểu. Khi tạo lập quan hệ với người khác, đặc biệt là khi ta không ý thức cũng như không lắng nghe sâu niềm đau nỗi khổ của ta, ta chỉ lo làm sao người khác hiểu ta ngay. Ta muốn nói ra ngay điều mình muốn nói. Tuy nhiên, nói trước như thế không có hiệu quả. Trước hết phải lắng nghe sâu. Thực tập chánh niệm để ghi nhận khổ đau và ôm ấp khổ đau của ta và của người kia đưa đến cảm thông cần thiết cho sự truyền thông tốt đẹp.

Lắng nghe sâu là lắng nghe với ý muốn giúp người khác bớt khổ. Khi lắng nghe với tâm thương yêu thì ta không bị kẹt vì óc phán xét. Có thể là ta có phán xét nhưng ta không ôm giữ phán xét. Lắng nghe sâu có khả năng tạo ra niềm vui, tạo ra hạnh phúc và giúp ta xử lý tình huống gây ra đau khổ.

Đây là lúc chỉ để lắng nghe

Lắng nghe là một thực tập kỳ diệu. Nếu bạn lắng nghe ai trong khoảng 30 phút, bạn có thể giúp người ấy bớt đau khổ rất nhiều. Nếu không thực tập chánh niệm với tâm thương yêu, bạn không thể lắng nghe lâu được. Chánh niệm với tâm thương yêu nghĩa là lắng nghe với ý muốn giúp người kia bớt đau khổ. Có thể ý muốn của bạn là chân thành, nhưng nếu bạn không thực tập lắng nghe bạn trước nhất và không thực tập chánh niệm với tâm thương yêu thì không bao lâu bạn sẽ mất đi khả năng lắng nghe.

Người kia có thể nói những lời sai lầm, cay chua, buộc tội, trách móc. Nếu không có chánh niệm, những lời người ấy nói sẽ làm cho bạn bực mình, phán xét, tức giận và không còn khả năng lắng nghe với tâm thương yêu. Vì vậy mà bạn phải tu tập để có thể giữ mãi tâm thương yêu trong khi nghe. Nếu bạn có thể giữ mãi tâm thương yêu thì những hạt giống của giận dữ và phán xét sẽ không được tưới tẩm và trỗi dậy. Chúng ta phải rèn luyện trước để có được khả năng lắng nghe những người khác.

Cũng có khi chúng ta chưa sẵn sàng để lắng nghe thì cũng không sao. Nếu khả năng lắng nghe của ta chưa mấy vững thì tốt hơn là nên tạm dừng lại và tiếp tục vào một ngày khác. Không nên ép mình quá đáng. Hãy tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm cho đến khi cảm thấy đã sẵn sàng để thực sự lắng nghe người kia. Ta có thể nói: “Tôi muốn nghe anh (chị) nói khi tôi cảm thấy bình tĩnh, thoải mái nhất. Vậy chúng ta sẽ tiếp tục bàn chuyện vào ngày mai nhé!”.

Sau đó, khi đã sẵn sàng để lắng nghe sâu thì ta có thể lắng nghe mà không ngắt lời người kia. Nếu ngắt lời hay cải chính những gì người ấy nói thì ta sẽ biến buổi nói chuyện thành một cuộc tranh cãi và phá hỏng nó. Sau khi lắng nghe sâu và để cho người kia có cơ hội giãi bày hết tâm tư, ta sẽ có cơ hội nói cho người ấy biết một vài điều để giúp người ấy cởi bỏ nhận thức sai lầm. Nhưng không nên nói liền lúc đó. Bây giờ thì chỉ lắng nghe thôi, mặc dù người ấy có nói điều gì sai quấy. Chính nhờ thực tập với chánh niệm mà ta có thể tiếp tục lắng nghe sâu.

Ta phải để thì giờ tìm hiểu khổ đau của người ấy. Phải có sự chuẩn bị. Lắng nghe sâu chỉ có một mục đích là giúp người kia bớt khổ. Mặc dù người ấy nói điều sai quấy, ta phải tiếp tục lắng nghe với tâm thương yêu càng lâu càng tốt. Ta có thể tự nhắc nhở mình bằng cách nói thầm:

“Tôi đang lắng nghe người này chỉ với một mục đích giúp cho người ấy bớt đau khổ”.

Hãy luôn ghi nhớ mục đích của việc lắng nghe sâu. Chừng nào ta còn giữ được tâm thương yêu thì ta sẽ được an toàn. Mặc dù lời lẽ người ấy đầy nhận thức sai lầm, đầy chua chát, giận dữ, trách móc, buộc tội, ta vẫn được an toàn.

Hãy nhớ rằng những gì người ấy nói ra là do thành kiến và hiểu lầm. Bạn sẽ có dịp nói cho người ấy vài điều để giúp cho người ấy cởi bỏ nhận thức sai lầm nhưng không phải là ngay bây giờ. Bây giờ là lúc chỉ để lắng nghe. Nếu bạn có thể duy trì chánh niệm thương yêu trong khoảng ba mươi phút thì tâm bạn sẽ tràn đầy năng lượng yêu thương và bạn sẽ được an toàn. Chừng nào còn tâm thương yêu thì bạn còn có thể lắng nghe an nhiên tĩnh lặng.

Bạn biết rằng người kia đang đau khổ. Khi chúng ta không biết cách ứng xử với khổ đau trong ta thì ta sẽ mãi khổ đau và làm cho những người quanh ta khổ đau. Khi người kia không biết cách ứng xử với khổ đau thì người ấy sẽ là nạn nhân của khổ đau. Nếu bạn để cho những phán xét, sợ hãi, và giận dữ của người ấy xâm nhập thì bạn sẽ trở thành nạn nhân thứ hai. Nhưng nếu bạn biết lắng nghe sâu, biết rằng những điều người ấy nói là do đau khổ thì bạn sẽ được năng lượng thương yêu che chở.

Bạn chỉ muốn người ấy bớt đau khổ. Bạn không phán xét, trách móc gì người ấy nữa.

Thương yêu phát sinh từ hiểu biết

Lắng nghe sâu với tâm thương yêu, bạn sẽ hiểu người kia sâu sắc hơn và thương yêu sẽ được nuôi dưỡng. Nền tảng của thương yêu là hiểu biết, và hiểu biết trước hết là hiểu biết khổ đau. Tất cả chúng ta đều cần được thấu hiểu. Nếu chúng ta thương yêu ai và muốn cho người ấy được hạnh phúc thì chúng ta phải hiểu nỗi khổ niềm đau của người đó. Nhờ có hiểu biết mà tình yêu của bạn sẽ sâu đậm và trở thành Tình Yêu Chân Thật. Lắng nghe khổ đau là một yếu tố cần thiết để phát triển hiểu và thương.

Tôi định nghĩa hạnh phúc như là khả năng hiểu và thương, bởi vì không có hiểu không có thương thì không thể có hạnh phúc. Vì chúng ta không đủ hiểu và đủ thương cho nên chúng ta đau khổ. Vì vậy cho nên chúng ta đói hiểu và đói thương.

Thương yêu phát sinh từ hiểu biết. Không thể thương nếu không hiểu. Một người làm sao thương được đứa con mình nếu không hiểu khổ đau và khó khăn của con? Làm sao mà chúng ta có thể cho người mình thương hạnh phúc nếu không biết gì về khổ đau và khó khăn của người ấy?

Tôi đã hiểu rõ anh chưa?

Nếu muốn biết ta đã làm cho ai hạnh phúc thì nên hỏi, “Tôi đã hiểu rõ anh ấy chưa?”, “Tôi đã hiểu rõ chị ấy chưa?”. Nhiều người ngần ngại nói ra vì họ e rằng sẽ bị hiểu lầm. Có nhiều người đau khổ quá nhiều đến nỗi họ không có can đảm nói lên cho chúng ta nghe khổ đau trong lòng và chúng ta có cảm tưởng họ không có khó khăn gì cho đến một lúc thì quá trễ.

Chần chờ có nhiều hậu quả quan trọng. Nhiều người tự cách ly mình, họ có thể đột ngột cắt đứt quan hệ bạn bè, tình cảm và có thể đi đến tự sát. Họ có điều gì vương vấn trong lòng trong một thời gian dài nhưng họ cứ làm ngơ, coi như không có gì xảy ra, coi như mọi chuyện đều êm xuôi. Có thể sợ hãi hay tự ái là nguyên nhân. Nếu ta lắng nghe sâu hay quán sát kỹ, ta có thể khám phá niềm đau nỗi khổ sâu kín nơi người ấy. Ta có thể thấy rằng người ấy cực kỳ đau khổ và không biết xử lý đau khổ. Vì vậy, người ấy tiếp tục đau khổ và làm cho những người khác đau khổ. Mỗi khi thấy được như thế, ta không còn giận người ấy nữa. Ta phát sinh lòng từ bi. Ta phát sinh tuệ giác rằng người ấy đang đau khổ và cần được giúp đỡ mà không đáng trừng phạt.

Nếu cần, anh có thể xin giúp đỡ. Anh có thể nói, “Anh ơi. Tôi muốn hiểu anh hơn. Tôi muốn hiểu niềm đau nỗi khổ của anh. Tôi muốn hiểu anh vì tôi thương anh.” Nếu dành thì giờ để nhìn sâu, ta mới nhận ra được khối đau trong người đó. Có nhiều người “giả bộ” như là không đau khổ. Nhưng khi ta lắng nghe họ với tâm thương yêu thì họ sẽ có cơ hội nói ra nỗi khổ, niềm đau của họ.

Trong tất cả các mối liên hệ, ta nên tự hỏi mình đã hiểu rõ người kia chưa. Nếu một quan hệ mà hòa thuận, truyền thông được tốt đẹp thì hạnh phúc sẽ có mặt. Nếu một quan hệ hòa thuận, truyền thông tốt đẹp thì hiểu biết có mặt. Đừng chờ đến lúc người kia từ bỏ anh hay là nổi giận mới hỏi câu hỏi quan trọng, “Anh nghĩ rằng tôi đã hiểu rõ anh chưa?”. Người kia sẽ nói cho anh biết là anh đã hiểu mình chưa. Người ấy sẽ biết là anh có thể hiểu rõ mình với tâm thương yêu hay không. Anh có thể nói như thế này, “Hãy nói cho tôi nghe đi! Hãy giúp tôi. Bởi vì anh cũng biết rằng nếu tôi không hiểu rõ anh thì tôi sẽ gây ra lỗi”. Đó là ngôn ngữ của tình yêu.

Câu hỏi “Tôi đã hiểu rõ anh chưa?” không chỉ dành riêng cho các quan hệ tình cảm mà còn dành cho quan hệ gia đình, bạn bè và bất cứ ai mà ta ưu tư, chăm sóc. Câu hỏi ấy cũng có thể có ích trong sở làm. Nếu anh sống với một người thân trong gia đình hay một người bạn đời, anh có thể nghĩ rằng anh đã gặp người ấy hằng ngày và anh có thể hiểu rõ người ấy. Điều đó không đúng. Anh chỉ biết rất ít về người ấy. Anh có thể sống với một người năm, mười, hay hai mươi năm nhưng anh đã không nhìn sâu người ấy để có thể hiểu rõ người ấy. Anh cũng có thể hành xử với bản thân anh như vậy. Anh sống với chính anh suốt đời. Anh nghĩ rằng anh đã biết rõ anh là ai. Nhưng thật ra nếu anh không lắng nghe anh, với tâm thương yêu, tò mò và không phán xét thì anh không thể biết rõ anh đâu!

Nếu anh chờ khi những người thân qua đời thì là quá trễ để có thể xin họ chia sẻ tâm tình với anh. Một em bé dù lớn dù nhỏ mà ngồi lại với cha mẹ và hỏi han cha mẹ về những kinh nghiệm, khổ đau, hạnh phúc của cha mẹ là một điều hay. Hãy chỉ ngồi và lắng nghe với hơi thở chánh niệm, đồng thời lắng nghe mình, chúng ta sẽ phát triển khả năng nghe sâu nhìn rõ và ta có thể có nhiều cơ hội truyền thông tốt đẹp hơn với cha mẹ và những người ta thương.

Mỗi khi anh thấy một người đang khổ, anh sẽ khởi lòng từ bi. Anh muốn giúp người ấy bớt khổ. Lắng nghe với tâm từ bi và ái ngữ là có thể giúp chuyển đổi tình trạng rất nhiều rồi. Sau đó anh có thể ngồi xuống với người ấy và cùng người ấy tìm ra những tuệ giác để có những hành động tích cực nếu cần để cải tiến tình trạng. Lắng nghe với tâm thương yêu không chỉ là điều mà anh có thể giúp người khác bớt khổ nhưng đó là luôn luôn bước đầu tiên.

Ái ngữ

Khi muốn báo một tin buồn cho ai, bạn khó mà nói ra sự thật. Nếu bạn không nói với chánh niệm thì người kia có thể nổi giận hay lo lắng khi nghe “sự thật” của bạn. Chúng ta phải tập nói thế nào để người kia, sau khi nghe, có thể chấp nhận lời mình nói.

Khi nói, nếu bạn cố gắng nói cho người kia sự thật về khổ đau của bạn và của họ, đó gọi là ái ngữ. Bạn nói thế nào để giúp người ấy ghi nhận được khổ đau của họ và của bạn. Phải khéo léo. Phải rất chánh niệm. Phải dùng lời nói sao cho người nghe không bị kẹt bởi nhận thức sai lầm. Và người nghe phải cẩn thận đừng để bị kẹt vì những danh từ và ý tưởng mà người kia nói với mình. Cả hai bên, người nói và người nghe, phải chánh niệm và khéo léo.

Bởi vì bạn được thực tập lắng nghe với tâm từ bi, bạn biết rằng những lời bạn nói có thể có đầy tuệ giác và hiểu biết. Nhờ có hiểu biết mà bạn có thể giúp người kia bớt khổ và sự truyền thông sẽ có hiệu quả hơn. Bạn sẽ nói bằng ngôn ngữ dịu dàng vì bạn muốn giúp đỡ. Cách ta nói năng cũng đủ để giúp người kia bớt khổ.

Những lời ta nói có tác dụng nuôi dưỡng. Chúng ta sử dụng lời nói để nuôi dưỡng ta và nuôi dưỡng người khác. Những lời ta nói ra, những gì ta viết xuống là chỉ để hiến tặng yêu thương và hiểu biết. Những lời ta nói có thể giúp người khác thêm tự tin và cởi mở. Bạn không phải mất tiền để ban bố tấm lòng rộng rãi. Trong truyền thống Phật giáo, ái ngữ còn được gọi là chánh ngữ. Trong cuộc sống hằng ngày, chánh ngữ sẽ nuôi dưỡng ta và nuôi dưỡng những người chung quanh ta.

Vọng ngữ

Ta gọi ái ngữ là “chánh ngữ” vì ta biết rằng vọng ngữ sẽ gây đau khổ. Những lời nói không dễ thương, giả dối và tàn ác có thể gây nên rất nhiều đau khổ. Vọng ngữ là ngôn ngữ thiếu cởi mở, không được xây đắp từ hiểu biết, thương yêu và hòa giải.

Khi ta gửi đi tin nhắn hay viết một bức thư, khi nói điện thoại, những gì ta viết, những lời ta nói phải là những lời ái ngữ hiến tặng tuệ giác, hiểu biết và thương yêu. Khi ta sử dụng chánh ngữ, ta cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, tươi mát và người nghe ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng, tươi mát. Sử dụng chánh ngữ, ngôn ngữ của thương yêu, bao dung, tha thứ là điều chúng ta có thể làm được mỗi ngày. Chúng ta không tốn kém gì cả và được nuôi dưỡng rất nhiều.

Bốn đặc tính của chánh ngữ

Lời yêu thương, chân thật đem lại vui tươi và bình an cho mọi người. Nhưng muốn nói lời ái ngữ cần phải thực tập bởi vì ta không mấy quen. Khi chúng ta nghe mãi những lời thèm khát, bất an, hờn giận, chúng ta quen đi. Chúng ta phải thực tập để nói lời yêu thương, lời chân thật.

Trong đạo Phật có phép thực tập gọi là Mười hạnh Bồ Tát. Trong mười hạnh ấy có bốn hạnh liên quan tới chánh ngữ. Bồ Tát là một người đã giác ngộ nhưng nguyện dành trọn cuộc đời để cứu khổ chúng sanh.

Giác ngộ là luôn luôn giác ngộ một cái gì. Nếu anh hiểu rõ tính chất và nguồn gốc khổ đau của anh thì đó là một giác ngộ và anh có thể vơi bớt khổ đau tức thì. Có nhiều người rất nghiêm khắc với chính mình. Đó là vì họ không hiểu rõ khổ đau của mình. Khi trở thành một vị Bồ Tát cho chính mình chúng ta không còn trách mình hay trách người khác.

Bồ Tát là người có thể nói lời dịu dàng và lắng nghe với tâm yêu thương. Ai cũng có thể trở thành một vị Bồ Tát nhờ thực tập tinh chuyên. Không cần phải thực tập mười năm để trở thành một vị Bồ Tát. Hãy để dành một ít thời gian mỗi ngày, có thể chỉ là năm, mười phút để ngồi yên, thực tập hơi thở chánh niệm và lắng nghe mình.

Sau đây là bốn hạnh Bồ Tát (trong mười hạnh) để thực tập chánh ngữ:

  1. Nói lời chân thật. Không nói dối.
  2. Không nói lời thêu dệt, vẽ vời.
  3. Không nói lời điên đảo, hai chiều.
  4. Không nói lời ác độc.

Nói lời chân thật

Đặc tính thứ nhất của chánh ngữ là nói lời chân thật. Không nói dối. Cố gắng đừng nói những gì không đúng sự thật. Nếu thấy rằng sự thật mà ta nói ra sẽ gây quá nhiều bức xúc thì hãy tìm cách khéo léo và từ bi mà nói. Có nhiều người nói ra những lời nặng nề, làm cho người khác đau khổ rồi nói: “Tôi chỉ nói sự thật”. Nhưng mà họ nói lên “sự thật” một cách bạo động, công kích, nhiều khi có thể làm cho người kia đau khổ vô cùng.

Nhiều khi nói lên sự thật, kết quả sẽ không như bạn muốn. Bạn phải quán chiếu sâu sắc tâm thức của người kia để tìm ra cách nói như thế nào mà người kia không cảm thấy bị đe dọa và có thể lắng nghe bạn. Hãy nói lên sự thật bằng những lời yêu thương che chở. Điều quan trọng mà bạn cho là sự thật có thể là một nhận thức thiếu sót và sai lầm của bạn. Bạn nghĩ đó là sự thật nhưng nhận thức của bạn còn thiếu sót hay bị che mờ.

Nói láo là nguy hiểm bởi vì có một ngày người kia sẽ biết được sự thật. Đó có thể là một tai họa. Vậy thì nếu chúng ta không muốn nói láo, không muốn gây đau khổ thì phải chánh niệm lựa lời và tìm cách để nói sự thật một cách khéo léo. Có nhiều cách để nói ra sự thật. Đây là một nghệ thuật.

Sự thật là nền tảng cho một quan hệ lâu dài. Nếu ta không xây dựng quan hệ trên sự thật thì trước sau gì quan hệ cũng tan vỡ. Phải tìm ra cách hay nhất để nói ra sự thật để cho người kia dễ dàng tiếp nhận. Đôi khi lời lẽ khôn khéo nhất cũng có thể gây nên đau khổ. Cũng không sao. Đau khổ có thể giúp chữa trị. Nếu lời bạn nói lên mà đầy yêu thương và hiểu biết thì có thể chữa trị mau hơn.

Khổ đau có thể giúp ích. Khổ đau có thể là tốt nhưng ta không muốn làm cho người khác đau khổ vô ích. Phải tìm cách giảm bớt cảm xúc vì bất ngờ và đau khổ.

Chúng ta cố gắng trình bày sự thật thế nào để người nghe không bị đau khổ quá mức. Điều quan trọng là để cho người nghe cảm thấy yên ổn. Có thể rằng người ấy “không hiểu” hoặc là cần thời gian lâu mới “hiểu”. Người ấy có thể có một nhận thức khác ta.

Đôi khi, ta nên bắt đầu bằng một câu chuyện khác. Một câu chuyện tương tự như trường hợp của người mà ta sắp nói ra sự thật để cho người ấy quen dần với ý niệm về sự thật. Nghe chuyện của một người khác dễ hơn. Ta có thể nói: “Anh nghĩ thế nào? Có nên cho người kia hay sự thật này hay không?”. Thường thường câu trả lời sẽ là “Vâng, nên nói sự thật”. Đôi khi người mà bạn muốn nói sự thật sẽ tự mình kết luận và học được từ trường hợp của người kia.

Không nói lời thêu dệt

Đặc tính thứ hai của chánh ngữ là không nói lời thêu dệt, không đặt điều, chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Ví dụ có một người làm một lỗi lầm nhỏ mà bạn nói quá đi làm như người ấy phạm lỗi nặng nề gấp bội. Đôi khi, trong thâm tâm ta coi như sự việc là một thảm họa để bào chữa hay ôm giữ cơn giận của ta. Có thể những lời ta nói có một phần nào của sự thật về người kia nhưng ta thêu dệt thêm và tạo nên một hình ảnh không thật về người ấy. Điều đó có khi không gây hại gì. Nhưng ta sẽ không còn là một người chân thật và mối quan hệ của ta không còn chân thật nữa.

Không nói hai lời

Đặc tính thứ ba của chánh ngữ là – như người Việt chúng ta thường nói – không “nói hai lời”. Có nghĩa là khi nói một điều gì với một người này, lại nói khác đi điều đó với người khác để được lợi. Nói về cùng một trường hợp nhưng lời lẽ ngược nhau. Điều này gây chia rẽ và khiến cho người khác (hay nhóm khác) có ấn tượng không tốt đẹp “vô căn cứ”. Từ đó mà tạo nên nhiều đau khổ cho cả hai bên và có thể làm cho hai bên trở thành thù địch. Chánh ngữ là phải nói sự thật về những lời mình nói ra, không xuyên tạc điều mình nói để được điều lợi hay tiếng khen.

Không nói lời ác độc

Yếu tố thứ tư của chánh ngữ là tránh nói lời độc ác, lời buộc tội, dọa nạt, nhục mạ và phán xét.

“Bốn tiêu chuẩn”

Vào thời Bụt, nhiều người vì kiến chấp đã diễn tả sai lạc những lời Bụt dạy. Bụt và các đệ tử của ngài đã thiết lập ra bốn tiêu chuẩn khi giảng dạy. Bốn tiêu chuẩn ấy ngày nay có thể giúp ta đánh giá một lời nói có phải là chánh ngữ hay không, có nói lên sự thật hay không. Bốn tiêu chuẩn ấy là:

  1. Sử dụng ngôn ngữ của thế gian.
  2. Tùy theo nhận thức và khả năng tiếp nhận của từng người mà giảng dạy.
  3. Tùy người, tùy lúc và nơi chốn mà giảng dạy, như một vị lương y kê toa đúng thuốc.
  4. Lời giảng dạy phải phản ảnh chân lý tuyệt đối.

Tiêu chuẩn thứ nhất: Sử dụng ngôn ngữ của thế gian

Tiêu chuẩn thứ nhất là phải hiểu quan điểm, nhận thức của người nghe theo thói quen của họ. Nếu ta không sử dụng ngôn ngữ của người nghe thì người ấy không thể hiểu lời ta nói và ta chỉ có thể truyền thông với những người cùng trình độ hiểu biết với ta mà thôi. Điều này không có nghĩa là ta phải học tiếng Trung Quốc hay tiếng Ả Rập mà là ta phải nói thế nào để cho người nghe hiểu theo kinh nghiệm sống hằng ngày của họ.

Lấy ví dụ chúng ta thường nói bầu trời ở “trên” và mặt đất ở “dưới”. Vị trí chúng ta ngồi tại đây, những gì ở trên chúng ta, ta gọi là “bên trên”, những gì ở dưới, ta gọi là “phía dưới”. Nhưng đối với một người ở phía bên kia địa cầu, đối xứng với chúng ta, thì “bên trên” của chúng ta là “phía dưới” của họ. Những gì ta gọi là bên trên hay phía dưới ở một điểm của địa cầu, thì tại một nơi khác của địa cầu, điểm ấy không còn có thể gọi là bên trên hay phía dưới nữa. Vậy thì “bên trên” hay “phía dưới” chỉ là một sự thật tương đối. Chúng ta sử dụng những từ ngữ ấy để truyền thông hằng ngày mà không cần phải giải thích “trên”, “dưới” khi ta nói.

Tiêu chuẩn thứ hai: Nói theo trình độ hiểu biết của người nghe

Theo tiêu chuẩn này thì ta có thể nói với mỗi người một cách khác nhau. Điều này không có nghĩa là nói hai lời. Nội dung của lời ta nói không thay đổi nhưng đồng thời chúng ta phải ý thức về trình độ nhận thức và hiểu biết của người nghe để lựa lời mà nói cho người ấy dễ tiếp nhận. Với người này, ta nói cách này, với người khác, ta nói cách khác. Ta phải nhìn sâu với người nghe ta nói, phải thấu hiểu nhận thức của người ấy và nói những lời thích ứng. Nếu một người có trình độ hiểu biết sâu sắc thì lời ta nói phải phù hợp với người ấy.

Một hôm, có người đến hỏi Bụt, “Sau khi chết, ta sinh về đâu?”. Bụt trả lời là sau khi chết, ta sẽ sinh về cõi này hay cõi kia. Có một người khác đến hỏi cùng một câu hỏi thì Bụt lại trả lời, “Khi chết ta không đi về đâu cả”. Một người đứng cạnh đó hỏi Bụt, “Tại sao khi thì Bụt trả lời thế này, khi thì Bụt trả lời thế kia?”. Bụt nói, “Ta phải tùy theo tâm thức của người nghe cũng như trình độ hiểu biết và tiếp nhận của người hỏi mà ta trả lời”.

Có câu chuyện một người mang đến cho một bà nọ một bình sữa vào buổi sáng. Đến chiều, khi người ấy trở lại để lấy sữa thì sữa đã thành bơ sữa. Người đàn ông hỏi: “Sáng nay, tôi gửi bà bình sữa, sao bây giờ bà giao lại cho tôi bình bơ?”. Vậy thì sữa có khác với bơ hay không? Câu trả lời là không giống mà cũng không khác.

Đối với một người có trình độ hiểu biết sâu rộng, ta phải trả lời sâu rộng hơn rằng không có gì là thường hằng, mọi sự đều thay đổi không ngừng. Cho nên lời giảng dạy phải tùy thuộc tuệ giác và khả năng hiểu biết của người nghe. Phải nương theo hoàn cảnh của người nghe mà nói.

Tiêu chuẩn thứ ba: Tùy bệnh mà cho thuốc

Tiêu chuẩn thứ ba là phải cho thuốc đúng với bệnh. Nếu cho thuốc sai, bệnh nhân có thể chết. Cho nên phải tùy người bệnh mà cho thuốc. Khi bạn có kiến chấp, tham dục hay tuyệt vọng thì phải nhớ rằng bạn là vị thầy của chính mình. Bạn có thể lắng nghe những cảm xúc ấy để hiểu được sự chữa trị mà bạn đang cần.

Không nên nghĩ rằng nếu ta nghe hay đọc một điều gì đã từng gây ấn tượng cho ta thì ta có thể lặp lại “y nguyên từng câu từng chữ” với một người khác. Hãy tìm cách nói ra sự thật ấy bằng những lời của chính mình thế nào cho có hiệu quả. Phải tìm hiểu tâm thức và hoàn cảnh của người nghe. Nếu nói lại lời giảng dạy cho một người khác đúng y như mình đã nghe thì có thể là không thích hợp cho người ấy. Bạn phải nói sao cho thích hợp với hoàn cảnh của người ấy mà điều bạn nói vẫn phản ảnh giáo pháp đích thực. Đành rằng bạn phải sử dụng ngôn ngữ của thế gian nhưng không phải bất cứ ngôn ngữ nào của thế gian cũng được. Lời nói của bạn phải thích hợp với hoàn cảnh nhưng phải đúng theo chân lý.

Thử tưởng tượng là ta cần nói với các trẻ em về chết chóc và bạo động. Bạn có nghĩ rằng chúng ta phải nói với chúng khác hơn là khi nói với người lớn hay không? Có một hôm tôi đi thăm một bảo tàng viện. Tôi vào một phòng có trưng bày một xác ướp (mummy) Ai Cập. Một em bé gái đứng với tôi cũng đang nhìn xác ướp. Một lát sau, với đôi mắt đầy sợ hãi em bé đã hỏi tôi: “Sau này con cũng nằm chết như người này hay sao?”. Tôi thở vào thở ra và câu trả lời thích hợp nhất vào lúc đó là “Không”. Tôi hy vọng rằng sau này một người lớn có trí tuệ hay một người bạn có thể giải thích cho em ấy biết về tính chất vô thường của vạn vật, kể cả hình hài của chúng ta và giáo lý sâu xa của Bụt về khái niệm rằng không có gì tồn tại mãi mãi và không có gì từ có mà trở thành không. Nhưng lúc đó không phải là lúc tôi có thể giảng giải cho em những điều ấy cho nên tôi đã trả lời bằng một câu mà tôi nghĩ thích hợp nhất là “Không”.

Ngay cả với những người lớn, mỗi người có thể nhạy cảm về một vấn đề nào đó mà chúng ta phải thay đổi cách nói. Chúng ta chia sẻ một điều gì mà người nghe có thể tiếp nhận học hỏi và sử dụng sau này, mặc dù không phải là tức thì. Đây không phải là nói láo mà nói lời khéo léo. Có một người theo truyền thống Jain đến hỏi Bụt, “Con người có ngã hay không?”, Bụt có thể trả lời là, “Không có ngã” nhưng Bụt im lặng. Người kia hỏi tiếp, “Vậy thì chúng ta vô ngã?”, Bụt vẫn im lặng. Sau đó, A Nan Đà hỏi Bụt, “Tại sao Thế Tôn không trả lời là, ‘Không có ngã?’”. Bụt trả lời, “Người ấy đang bị kẹt bởi ý niệm của mình. Nếu ta trả lời là không có ngã thì người ấy sẽ hoang mang và đau khổ. Cho nên dù ý niệm vô ngã là chân lý mà ta rao giảng, tốt hơn là ta im lặng”.

Tiêu chuẩn thứ tư: Phản ảnh sự thật

Tiêu chuẩn thứ tư nói về sự thật tuyệt đối, là những khái niệm vi diệu nhất về sự vật, ví như khái niệm “không có tự ngã” hay khái niệm “vô sinh bất diệt”. Chân lý tuyệt đối là chân lý đúng nhất, có thể diễn tả sự vật hiện hữu như-nó- đang-là (đúng theo bản chất thật của chúng). Nhưng nếu không có một vị đạo sư khéo léo giải thích nghĩa lý vi diệu giúp người nghe tiếp nhận thì có thể làm cho người nghe dễ bị hoang mang lạc lõng. Vì vậy, dù chúng ta có thể nói ra những gì mà ta hiểu rõ nhưng đối với nhiều người thì họ “nghe không được”. Cho nên, ta phải khiêm nhường và phải tìm hiểu sâu hơn để tìm ra cách trình bày sự thật.

Có nhiều sự thật tuyệt đối như là không sinh không diệt rất khó chấp nhận trong cách suy nghĩ và lối sống hằng ngày. Nhưng nếu ta nghe nói tới một hình ảnh đơn giản như đám mây thì ta có thể chấp nhận dễ dàng ý niệm đám mây “không sinh”, “không diệt” mà chỉ thay đổi hình dạng. Chúng ta có thể nghĩ rằng “không sinh không diệt” là trừu tượng, nhưng ta có thể thấy “không sinh không diệt” xung quanh chúng ta nếu ta biết nhìn sâu hay có một đạo sư hướng dẫn.

Sử dụng bốn tiêu chuẩn ấy giúp ta không còn mập mờ, bối rối khi đọc hay nghe nói về một điều gì. Cũng nhờ bốn tiêu chuẩn ấy mà chúng ta có thể nghe hiểu những người khác hay diễn tả ý kiến của mình trong đời sống hằng ngày, hoặc là khi nói chuyện thân mật với bạn bè, hoặc là khi tiếp xúc với một đám đông hay đọc một tài liệu có hay không có tính chất tôn giáo. Chúng ta sẽ có một sự hiểu biết sâu xa về sự thật trong tất cả mọi trường hợp và có thể đối xử một cách tốt đẹp nhất.

Sự thực tập này không chỉ áp dụng cho khi nói mà cả khi nghe và chủ đích của phép thực tập không phải chỉ là áp dụng cho cái lưỡi mà cho cả đôi tai. Nếu càng lắng nghe sâu thì sẽ càng thấy rõ, tâm từ bi sẽ phát khởi và ta có thể nói lời chánh niệm, thành thực, thiện chí. Thay vì nói những lời độc ác, chúng ta có thể nói lời thương yêu.

Khi mà chúng ta có thể lắng nghe khổ đau của người khác với tâm từ bi thì chúng ta cũng được hưởng lợi. Tâm từ bi đem đến niềm vui và bình an trong ta. Lắng nghe với tâm từ bi giúp ta hiểu rõ hơn là khi nghe với tâm giận dữ.

Lắng nghe sâu cũng là nhìn sâu. Chúng ta nhìn bằng đôi tai. Ta nhìn thấy đau khổ của một ai và ta nghe tiếng than thở của người ấy. Tiếng Việt gọi Bồ Tát Avalokitesvara là Bồ Tát Quán Thế Âm. Quán có nghĩa là quán sát sâu sắc, Thế có nghĩa là thế giới, và Âm có nghĩa là âm thanh. Quán Thế Âm là lắng nghe tất cả âm thanh của đau khổ trong thế gian. Lắng nghe như thế sẽ giúp phát sinh tâm từ bi và bình an. Hãy tập lắng nghe với tâm từ bi. Khi buồn khổ vì nghe một tin buồn, tâm từ bi sẽ thoa dịu và đem lại bình an.

Giúp người khác hiểu rõ

Trong chuyến đi của tôi tại Ấn Độ, tôi được mời để làm biên tập viên thỉnh vấn (guest editor) cho tờ Ấn Độ Thời báo (Times of India), nhật báo lớn nhất của Ấn Độ. Lúc đó là nhân lễ kỷ niệm Thánh Gandhi vào tháng 10/2008. Tôi đang họp với ban biên tập của tờ báo thì nghe tin khủng bố đặt bom tại Mumbai, gần biên giới Pakistan và nhiều người đã thiệt mạng.

Một biên tập viên đã hỏi tôi: “Nếu Thầy là một ký giả lúc này thì Thầy sẽ báo tin như thế nào khi mà chỉ có toàn là tin dữ và không mấy tin vui? Là ký giả, chúng tôi phải xử lý như thế nào?”. Đây là một câu hỏi khó. Phóng viên thì phải phổ biến tin tức. Nhưng nếu chỉ mô tả tin tức dưới khía cạnh bạo động, sợ hãi, kinh sợ, hay “giật gân” thì sẽ tưới tẩm sợ hãi, giận dữ trong người đọc và sẽ tạo thêm bạo động. Vậy chúng ta phải làm thế nào?

Tôi không trả lời câu hỏi ngay tức thì. Tôi trở về với hơi thở và im lặng một lúc lâu và các ký giả có mặt cũng cùng im lặng. Sau đó, tôi nói: “Quý vị phải nói sự thật. Nhưng quý vị phải phổ biến tin tức thế nào để tránh tưới tẩm hạt giống giận dữ và hận thù nơi người đọc. Quý vị sẽ ngồi xuống như một hành giả, quán chiếu sâu sắc và đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại có người có thể hành động tàn ác đối với những người vô tội?”. Khi quán chiếu sâu sắc, quý vị sẽ nhận ra rằng những người gây nên bạo động là vì họ đã có nhận thức sai lầm. Họ tin chắc vào nhận thức của họ, và họ có thể tin rằng nếu họ cùng chết, khi trái bom nổ, họ sẽ được sanh về cõi trời với Chúa.

Ai cũng muốn sống, không ai muốn chết. Nhưng những người ấy có thể nghĩ rằng nếu giết những người khác và cùng chết theo là họ đã phụng sự Chúa. Họ nghĩ rằng những người của phe bên kia là kẻ thù của Chúa. Chúng ta có thể thấy đó là một lối suy nghĩ sai lầm và chúng ta khởi tâm từ bi đối với họ. Những người ấy đã trải qua một cuộc sống tối tăm và đau khổ. Chung quanh ta có biết bao nhận thức sai lầm. Chừng nào còn nhận thức sai lầm thì còn hoạt động khủng bố. Khó mà nhận ra và giải trừ tất cả những nhận thức sai lầm.

Nếu một nhóm khủng bố bị diệt trừ thì một nhóm khác sẽ nổi dậy, không bao giờ chấm dứt. Vì vậy, tôi đã nói với ban biên tập: “Khi quý vị đăng tải tin tức khủng bố, quý vị nên đem tâm thương yêu, hiểu biết. Phải trình bày sự việc sao cho người đọc không nổi giận và có thể trở thành một tên khủng bố mới”.

Quý vị có thể nói lên sự thật nhưng quý vị phải giúp độc giả hiểu thấu sự việc. Khi đã hiểu thấu thì họ sẽ bớt giận dữ. Họ sẽ không mất hy vọng và sẽ biết phải làm gì và không làm gì, nên tiêu thụ những gì và không nên tiêu thụ những gì để không còn tạo nên những khổ đau như thế nữa. Cho nên thông điệp của tôi sáng hôm đó là chúng ta phải suy nghĩ và bàn luận về sự cố đã xảy ra thế nào để không gia tăng tuyệt vọng và giận giữ nơi độc giả. Trái lại, chúng ta phải làm thế nào để độc giả hiểu rõ vì sao sự cố đã xảy ra, để cho tuệ giác và thương yêu được nảy nở. Thực tập nhìn sâu có thể đem lại nhiều kết quả to lớn. Giải pháp không phải là che giấu sự thật.

Sử dụng chánh ngữ trong đời sống hàng ngày

Bốn thực tập chánh ngữ nhắc nhở ta sử dụng ngôn ngữ không kỳ thị, bao dung, hiểu biết, giúp đỡ và thương yêu. Nói ra hay viết lên những lời đầy thương yêu sẽ cho nhiều tự do. Sử dụng ngôn ngữ như thế chữa trị cho người nghe và cũng cho người nói. Bốn thực tập chánh ngữ nhắc nhở chúng ta rằng những lời nói độc ác, kỳ thị và hận thù sẽ làm cho chúng ta đau khổ và người khác đau khổ. Chúng ta có thể viết ra một phương trình đơn giản: Tà ngữ là khổ đau, chánh ngữ là hạnh phúc, là chữa trị. Mỗi ngày chúng ta đều có thể nói lên một điều gì để giúp đỡ và chữa trị người khác. Người lớn làm được, trẻ nít cũng làm được. Doanh nhân hay chính trị gia hay thầy giáo cũng làm được. Không cần đợi đến một lúc nào đó để nói lời chánh ngữ. Chúng ta có thể ngưng ngay những gì đang làm lúc này để gửi đi một điện thư (email) nhằm giải tỏa niềm đau nỗi khổ trong ta và trong những người khác tức thì.

Nghệ thuật thiết lập truyền thông

“Chúng ta thường cho rằng truyền thông là những gì chúng ta viết hay nói. Tuy nhiên dáng dấp của chúng ta, sắc diện của chúng ta, giọng nói, cử chỉ của chúng ta và ngay cả ý nghĩ của chúng ta, tất cả đều là những phương tiện truyền thông. Cũng như một cây cam cống hiến hoa, lá và trái cam tươi tốt, mỗi cá nhân trong cộng đồng cống hiến lời hay, cử chỉ đẹp. Một sự truyền thông không thể nào không có ảnh hưởng. Mỗi khi truyền thông là ta đóng góp hoặc yêu thương hòa hợp hoặc khổ đau đổ vỡ.” (Thích Nhất Hạnh)

Lá thư Làng Mai 46 – 2023

Bìa 1

Bìa 2

Bìa 3

Bìa 4

Nội dung

Kính thưa tăng thân khắp chốn,

Lá thư Làng Mai là cầu nối đưa những người con trong gia đình tâm linh đến gần nhau hơn. Dù cách xa vạn dặm nhưng qua những câu văn mộc mạc và bình dị, ta lại bất chợt tương phùng trong một nhịp tâm đầu. Năm nay, nhờ nắng, nhờ tuyết, nhờ sương, nhờ những đôi mắt sáng trong thâu tóm vẻ đẹp đất trời, thấm vào tâm hồn biết hiểu, biết thương mà ấn bản Lá thư Làng Mai số 46-2023 đã được biểu hiện trong dịp đầu xuân. Từng con chữ, vần thơ như gửi gắm ân tình đến Thầy, đến tổ tiên tâm linh và huyết thống và chuyên chở hoa trái thực tập của tăng thân Làng Mai khắp chốn.

Mời bạn thưởng thức món quà đầu xuân này như ngắm nhìn ánh bình minh buổi sớm. Chỉ cần có một đôi mắt mới thì những buổi sáng bình minh không bao giờ là cũ.

Tải về bản đọc:

 

Tải về bản in:

 

MỤC LỤC

Làng Mai năm quaBan Biên Tập
Hãy truyền cho nhau cái thấySư Ông Làng Mai
Bậc thầy đích thựcSư cô Chân Thệ Nghiêm
Tiếp nối ThầySư cô Chân Đẳng Nghiêm
Ai bảo đi tu là khổGia đình Cây Mimosa
Đạo Bụt dấn thân - Đạo Bụt ứng dụngBBT phỏng vấn Sư cô Chân Đức
Hành trình theo bước chân ThầySư cô Chân Đào Nghiêm
Con đường là tâm hồn tôiThầy Chân Minh Hy
Những thiên thần mùa hèSư cô Chân Trăng Bồ Đề
Lên đồiSư cô Chân Tuyết Nghiêm
Những chồi non chào nắng mai - phần IBBT phỏng vấn các vị xuất gia trẻ
Thầy trò mình đang ở trên đỉnh đồiSư cô Chân Thao Nghiêm
Có tay Thầy trong túi áoSư cô Chân Tuyết Nghiêm
Những chồi non chào nắng mai - phần IIBBT phỏng vấn các vị xuất gia trẻ
Cánh cửa đã mở raLilian Cheung
Thu góp trăng saoSư cô Chân Trăng Mai Phương
Thầy vẫn luôn là ThầySư cô Chân Định Nghiêm
Chiếc láJohn Hussman
Hạt mầm năm xưaSư cô Chân Trăng Tâm Đức
Hai miền trăng sángThầy Chân Pháp Khả
Con biết Thầy đang mỉm cườiSư cô Chân Nhất Nghiêm
Cho tình thương sâuPhỏng vấn về tăng thân ARISE
Con có tuổi trẻ, con có niềm vui sốngSư cô Chân Văn Nghiêm
Chùm thơ: Ướp nắng đầySư cô Chân Hội Nghiêm
Gương mặt con trước khi mẹ sinh raThầy Chân Trời Ruộng Pháp
Những chồi non chào nắng mai - phần IIIBBT phỏng vấn các vị xuất gia trẻ
Kỷ niệm êm đềmSư cô Chân Đính Nghiêm
Ngôi nhà xưa trên đất mớiSư chú Chân Trời Minh Lương
Điều con thích nhấtSư cô Chân Trăng Tùng Hạc
Người tự doSư cô Chân Tuyết Nghiêm
Thầy tổ gọi con vềSư cô Chân Trăng Hiền Nhân
Lộc Uyển mùa anSư cô Chân Trăng Chùa Xưa
Ngôi chùa xưa trên đỉnh núiSư cô Chân Trăng Mai Thôn
Hương vị của tuệ giácThầy Chân Trời Thiện Chí
Lịch sinh hoạt của các tăng thân Làng Mai

 

 

 

 

Nghi thức tụng niệm

 

Sen búp từng cánh hé – Thiền tập có hướng dẫn

Trong truyền thống đạo Bụt, thiền tập có công năng giúp ta khôi phục sự toàn vẹn của con người ta, giúp ta trở nên tươi mát, ổn định, chăm chú để ta nhìn sâu vào bản thân và vào hoàn cảnh mà thấy rõ được thực tại của bản thân ấy và hoàn cảnh ấy. Cái thấy có khả năng giúp ta vượt thoát khổ đau và ràng buộc. Một khi đã trở nên thảnh thơi hơn và an lạc hơn, chúng ta sẽ không còn làm khổ kẻ khác bằng cách hành xử và nói năng của chúng ta nữa, và chúng ta có thể bắt đầu chuyển hóa hoàn cảnh chung quanh và giúp kẻ khác được thảnh thơi và an lạc hơn. Thiền tập có tác dụng trị liệu và chuyển hóa. Để có thể thực tập nhìn sâu và lắng nghe, chúng ta phải biết cách thức khôi phục sự toàn vẹn của con người chúng ta, biết cách thức trở thành tươi mát, ổn định và chăm chú. Năng lượng được sử dụng để làm công việc ấy là chánh niệm. Chánh niệm có khả năng giúp ta ý thức được những gì đang có mặt, đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Chánh niệm chiếu rọi ánh sáng trên đối tượng thiền quán, dù đối tượng ấy là một tri giác, một cảm thọ, một động tác, một phản ứng hoặc một hiện tượng sinh lý hoặc vật lý. Chánh niệm lại có khả năng nhìn sâu và hiểu thấu được tự tính và gốc rễ của đối tượng quán chiếu. Trong quá trình thiền quán, năng lượng chánh niệm được thường trực phát khởi, nuôi dưỡng và làm lớn mạnh. Chánh niệm giúp ta tiếp xúc thật sự với sự sống, nghĩa là với tất cả những gì đang xảy ra trong hiện tại, giúp ta sống sâu sắc cuộc đời của chúng ta, giúp chúng ta thực tập quán chiếu để nhìn sâu và lắng nghe. Hoa trái của sự thực tập nhìn sâu và lắng nghe là sự kiến đạo, là giác ngộ, là giải thoát. Trong quá trình thực tập, những sợi dây ràng buộc (triền sử) từ từ được tháo mở, những nội kết khổ đau như sợ hãi, hận thù, giận dữ, nghi kỵ, đam mê,… từ từ được chuyển hóa, biên giới chia cách từ từ được tháo gỡ, và liên hệ giữa ta và người, giữa ta và thiên nhiên trở nên dễ dàng, sự thảnh thơi và niềm vui sống tự nhiên xuất hiện, và hành giả cảm thấy như là một đóa sen búp đang từ từ hé nở. Thật ra, con người cũng là một loại hoa và có thể nở ra đẹp đẽ và tươi mát như bất cứ một loại hoa nào. Bụt là một đóa hoa người đã mãn khai, vô cùng tươi mát và xinh đẹp. Tất cả chúng ta đều là Bụt sẽ thành. Vì vậy cho nên tại các trung tâm thiền tập, mỗi khi thiền sinh gặp gỡ nhau, họ thường chấp tay thành búp sen để chào nhau. “Sen búp xin tặng người, Một vị Bụt tương lai”, đó là bài kệ được sử dụng trong khi chào nhau bằng chánh niệm. (Bạn hãy nhớ thở vào khi đọc “Sen búp xin tặng người” và thở ra khi đọc “một vị Bụt tương lai”. Và hãy mỉm cười khi thở ra. Bạn sẽ có dáng dấp của một bông sen hơn).

Không có minh sư và không có tăng thân ta cũng có thể thực tập một mình. Minh sư là một vị thầy đã có kinh nghiệm thực tập và tu chứng. Tăng Thân là đoàn thể của những người cùng thực tập chung với nhau và phương pháp thực tập có thể nói là gần giống như nhau. Cũng vì tất cả một người cùng thực tập nên bạn thấy thực tập rất dễ. Năng lượng của tâm thức cộng đồng rất mạnh, có thể yểm trợ ta rất nhiều, nếu ta có cơ hội thực tập trong một tăng thân. Ta cũng có thể học được kinh nghiệm của mỗi thành viên ấy. Có nhiều cái ta không làm được khi ta ở một mình, nhưng trong môi trường tăng thân ta lại làm được dễ dàng. Những ai đã từng thực tập với một tăng thân đều đã nhận thấy điều đó.

Nếu bạn chưa có cơ hội gặp gỡ một vị minh sư và một tăng thân thì tập sách này sẽ có thể giúp bạn trong buổi ban đầu. Trong sách có nhiều bài thiền tập có hướng dẫn, tất cả đều xuất phát từ các minh sư và các tăng thân trong lịch sử. Trong khi thực tập bạn sẽ có cảm giác được yểm trợ phần nào bởi các vị minh sư và các tăng thân.

Thực tập một số bài trong sách, bạn sẽ có thể tạo ra năng lượng của chánh niệm trong bạn và bạn sẽ trở nên tươi mát hơn, chăm chú hơn và có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống hằng ngày. Và lúc ấy bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để gặp gỡ một minh sư hay một đoàn thể tăng thân. Có thể là vị minh sư ấy hoặc tăng thân ấy đã có mặt sát bên bạn nhưng bạn chưa có cơ hội tiếp xúc. Sách này có thể giúp bạn gặp được thầy và được tăng thân. Xin bạn hãy vững tâm thực tập theo sách.

Trong truyền thống đạo Bụt, tăng thân được xem là một viên ngọc quý trong số ba viên ngọc quý là Bụt, Pháp, và Tăng. Tam bảo đã có mặt ngay trong lòng bạn. Tăng Bảo trong lòng bạn sẽ dẫn bạn tới tăng thân trong vùng bạn cư trú. Dù biết rằng tất cả tùy thuộc nơi năng lượng chánh niệm của bạn, chúng tôi vẫn chúc bạn “may mắn” vì chúng ta, ai cũng là đóa sen sắp nở, một vị Bụt tương lai.

Lá thư Làng Mai 45 – 2022

Bìa 1

Bìa 2

Bìa 3

Bìa 4

Nội dung

Kính thưa quý vị thân hữu và tăng thân khắp chốn,

Trong không khí thanh thoát của đất trời mùa tuôn dậy, Tăng thân Làng Mai rất hạnh phúc được chia sẻ với quý thân hữu Lá thư Làng Mai số 45 - 2022. Đây là một món quà mà tăng thân kính dâng lên Sư Ông – người Thầy thương kính và cũng để mừng Làng Mai 40 tuổi.

Trong ấn bản đặc biệt này, quý thân hữu sẽ có dịp đọc những lời tri ân của cộng đồng quốc tế với Sư Ông, tiếp xúc những câu chuyện cảm động về tình Thầy - trò, về hoa trái tu học của tăng thân. Đặc biệt là những kỷ niệm về chặng đường 40 năm Làng Mai, một hành trình mà trong đó chứa đựng biết bao tình thương và tâm huyết của Sư Ông với chí nguyện làm mới và phát triển đạo Bụt ở Tây phương cũng như trên toàn thế giới. Những ngày tháng đầu tiên thành lập Làng, những năm tháng Sư Ông trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn, tổ chức các khóa tu,… Cho đến nay bao thế hệ đệ tử của Sư Ông, cư sĩ cũng như xuất sĩ, vẫn đang hết lòng mang hoa trái của hiểu biết, thương yêu đi khắp mọi nơi, cùng Sư Ông viết nên trang sử Làng Mai.

Tăng thân hy vọng món quà đầu xuân này sẽ mang đến cho quý thân hữu nhiều niềm vui và cảm hứng mới trên con đường tu tập và phụng sự.

Tải về: Bản đọc LTLM45 - 2022 (cập nhật ngày 21.03.2022)

Tải về: Bản để in khổ A4 LTLM 45 - 2022 (cập nhật ngày 21.03.2022)

Bản nội dung Bìa sách 

Tải về: Bản để in khổ Letter LTLM45 - 2022 (cập nhật ngày 21.03.2022)

Bản nội dungBìa sách

 

 

Muốn an được an

 

Ngày chủ nhật và cũng là ngày cuối cùng của tháng 11 năm 2014 tôi nhận được bản thảo cuốn sách Muốn an được an của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được sư cô Hội Nghiêm dịch ra tiếng Việt từ bản nguyên gốc tiếng Anh Being peace. Tôi ngồi vào bàn rồi đọc ngay tức khắc. Và tôi giật mình.

Giật mình bởi mình quá may mắn mà không biết đến điều đó. May mắn vì tính đến năm 2015 này tôi được biết đến thiền sư Thích Nhất Hạnh đúng 10 năm. Quá may mắn bởi đêm hôm qua tôi vừa từ Myanmar bay về Việt Nam và trên máy bay có đọc báo thấy tình trạng đói, bệnh ở châu Phi vẫn đang rất cao, rằng ở Ukraina vừa có thêm những dân thường thiệt mạng, tình hình chính trị xã hội bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới. Quá may mắn bởi bản thân tôi và rất nhiều đồng nghiệp đã và đang làm việc ở Thái Hà Books đều là Phật tử.

Tôi đọc ngay những dòng đầu tiên và phải đọc đi đọc lại vài lần những dòng, những chữ của thiền sư Thích Nhất Hạnh “Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một mái ấm gia đình. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và xinh tươi như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng.”

May mắn thay, bốn thầy trò chúng tôi – tôi và ba lãnh đạo cấp phó của mình là Vũ Trọng Đại, Nguyễn Thị Hương, Phạm Thị Thủy vừa kết thúc phiên họp thường niên lãnh đạo Hiêp hội Xuất bản các nước ASEAN tại Yangon, Myanmar. Bên lề hội nghị chúng tôi tranh thủ khám phá đất nước Myanmar an lành với Yangon, Bago và Kyaikto của bang Môn. Tôi đã đến những nơi này nhiều lần, Bagan, Mandalay, hồ Inle,… nhưng cả ba bạn đồng nghiệp của tôi thì đến Myanmar lần đầu. Các bạn đều tâm sự rằng họ đã thực sự cảm nhận được sự bình an nơi đây, ở đất nước có đến 90% dân số theo Đạo Phật, nhất là tại Golden Rock trên vùng đất phía bắc của Tenasserim. Cả ba đồng nghiệp của tôi đã giật mình nhận ra giá trị đích thực của bình an, rằng may mắn làm sao khi biết đến đạo Phật và được thực tập mỗi ngày những lời Phật dạy.

Trong chuyến đi này, tôi và các bạn trẻ cùng nhau thực tập ngắm trời xanh, mây trắng, cây xanh. Chúng tôi cùng thưởng thức gió mát, trăng sao đêm, thậm chí cả cái lạnh của vùng núi cao Kyaikto. Tất cả cùng nhận ra rất rõ, cảm nhận như thật rằng không cần phải cố gắng để có được hạnh phúc. Chúng tôi chỉ cần thả lỏng cơ thể, buông thư toàn thân để thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, để tận hưởng những gì vũ trụ ban tặng cho chúng ta. Đơn giản vậy thôi!

Quả thực, mỗi ngày chúng ta có rất nhiều cảm thọ. Khi thì hạnh phúc, lúc thì buồn khổ. Các cảm thọ cứ lần lượt đến với ta như một dòng sông. Rõ ràng việc thực tập thiền là rất quan trọng. Hành thiền để ý thức được, ghi nhận từng cảm thọ, thậm chí ôm ấp từng cảm thọ. Tôi luôn nhắc mình thực tập như vậy. Tôi biết điều này bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hướng dẫn chúng tôi cách đây tròn 10 năm, từ 2005 khi tôi may mắn được biết đến Thầy. Nhờ Thầy mà tôi dần biết cách tìm bình an trong chính mình.

Tôi đã nhận ra rằng thiền rất giản đơn, có thể thiền tập ở bất cứ đâu và bất cứ giờ nào trong ngày. Thiền không có nghĩa là vào rừng ẩn tu hay trốn tránh xã hội. Nếu như chúng ta cùng nhắc nhau thiền mỗi ngày thì đời sống đẹp biết nhường nào và xã hội sẽ tươi mát vô cùng.

Muốn an thì có an. Vấn đề là ta phải muốn. Có hai thời điểm rất quan trọng mà tôi luôn nhắc tâm của mình bình an. Đó là đầu giờ sáng và trước khi ngủ. Tôi hay nhắc tâm an lạc, nhắc miệng mỉm cười thư giãn. Muốn an thì được  an mà. Muốn hạnh phúc thì có ngay hạnh phúc mà. Hạnh phúc từ trong ta mới lâu mới bền, chứ hạnh phúc mang từ bên ngoài vào đến và đi nhanh lắm.

Đôi khi, bạn cũng như tôi, chúng ta quá bận rộn. Bận đến mức không dành thời gian cho người thân và bạn bè. Bận đến mức không có thời gian để ngắm cây, ngắm trời, ngắm hoa, ngắm đất. Thậm chí quên mất chuyện thở và ta thở tự động như một cái máy, thở không có ý thức. Thật là tiếc. Bạn và tôi vẫn đang bị tập khí lôi cuốn. Bây giờ, đọc Muốn an được an rồi chúng ta luôn tự nhắc mình và nhắc nhau hai chữ bình an để tạo bình an cho chính mình.

Cách đây mấy tháng, chúng tôi may mắn được tham gia khóa thiền dành cho giới Tiếp hiện. Trong một tuần bên nhau ở Pak Chong, Thái Lan, chúng tôi đã thiền tập rất tốt trong tình huynh đệ. Tôi biết mình và các thiền sinh khác đã nhận được những lợi lạc lớn lao, nhất là sự bình an. Đến nay, tôi vẫn nhớ nhất là bài hát mà tôi vẫn hát mỗi ngày. Xin được chia sẻ với quý vị.

Để Bụt thở để Bụt đi

Mình khỏi thở, mình khỏi đi, khỏi đi

 Bụt đang thở, Bụt đang đi

Mình được thở, mình được đi, được đi

 Bụt là thở, Bụt là đi

Mình là thở, mình là đi, là đi

Chỉ có thở, chỉ có đi

Không người thở, không người đi, người đi

An khi thở, lạc khi đi

An là thở, lạc là đi, là đi.”

 Mong sao ai cũng để ý đến hơi thở, đến bước đi mỗi phút, mỗi giây để có an lạc. Nếu chúng ta biết nhắc nhau và cùng nhau trở về tiếp xúc với bản thân thì mình luôn có an lạc. Muốn an là được an mà.

Chúng con thành kính biết ơn thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giúp chúng con được thực tập những lời Phật dạy, đưa Đạo Phật vào đời sống thường ngày. Một lần nữa con xin được thành tâm tri ân sư cô Hội Nghiêm đã chuyển ngữ ra tiếng Việt cuốn sách quý này để hàng triệu bạn đọc Việt Nam, nhất là các thiền sinh và Phật tử có cuốn cẩm nang để thực hành.

Xin chúc mừng quý vị đã có trên tay cuốn sách quý. Mong rằng chúng ta cùng nhau thực tập, cùng nhau đi như một dòng sông về với đại dương bao la của bình an.

Xin hồi hướng công đức xuất bản cuốn sách này đến thiền sư Thích Nhất Hạnh với mong muốn Thầy luôn khỏe mạnh, để hướng dẫn chúng con tu tập mỗi ngày.

Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Sách Thái Hà

Triển lãm sách và thư pháp của Sư Ông Làng Mai tại thành phố Hồ Chí Minh 26/3 – 5/4/2021

 

Sau các cuộc triển lãm sách và thư pháp tổ chức thành công tại Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Canada, Pháp, Đức và Mỹ. Ngày 26/3/2021, Triển lãm sách và thư pháp của Sư Ông Làng Mai với tựa đề “Hương Thơm Quê Mẹ – Thể hiện nếp sống tỉnh thức qua nghệ thuật thư pháp” đã khai mạc tại Nhà sách Hải An (2B Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1). Đây là lần đầu tiên sách và thư pháp của Sư Ông được chính thức triển lãm tại Việt Nam do Công ty TNHH Phan Lệ & Friends (Phanbook) đăng cai tổ chức. Buổi khai mạc diễn ra long trọng với sự góp mặt của đông đảo quan khách tham dự, trong đó có nhiều lãnh sự quán, lãnh đạo giới chức, thân hào nhân sĩ và truyền thông báo chí. Sự kiện đang thu hút sự quan tâm đông đảo của quần chúng, trong đó có những người mộ điệu từ các miền trong nước đến thưởng lãm.

Hơn 145 đầu sách tiếng Việt và 100 tác phẩm thư pháp với nhiều ngôn ngữ khác nhau của Sư Ông được trưng bày, phục vụ độc giả, công chúng.

Trước khi đi vào không gian triển lãm, thầy Pháp Niệm đã mời đại chúng tham quan là hãy cho Sư Ông mượn đôi chân của mình để bước những bước thảnh thơi trong khi thưởng lãm những tác phẩm sách cũng như những giai tác thư pháp của Sư Ông. Tại các cuộc triển lãm trước đây, Sư Ông cũng thường đề nghị những người tham dự thực tập im lặng và giữ chánh niệm trong suốt buổi tham quan. “Ta cần duy trì hơi thở chánh niệm và đem tâm trở về với thân. Khi ta thực sự có mặt thì ta có thể để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào trong trái tim ta. Trong chiều sâu tâm thức của ta có hạt giống của hiểu biết, thương yêu, hạt giống của niềm vui, hạt giống của tuệ giác, của giác ngộ. Nếu chúng ta để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào và tiếp xúc với hạt giống tuệ giác trong ta thì chúng ta sẽ có được sự giác ngộ mà chúng ta mong muốn. Vì vậy khi chúng ta đi thật chậm qua các bức thư pháp và để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào trong ta và tiếp xúc, tưới tẩm những hạt giống đẹp và lành nơi ta thì chúng ta sẽ được chuyển hóa và trị liệu trong thời gian đi xem các tác phẩm thư pháp. Nửa giờ trong phòng triển lãm là nửa giờ thiền tập. Nếu làm được như vậy thì khi bước ra khỏi phòng triển lãm, chúng ta có thể trở thành một con người hoàn toàn mới”.

 

Xem thêm:

Đoạn phim toàn cảnh triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh

Lễ khai mạc triển lãm tại Hà Nội  và  Hình ảnh triển lãm tại Hà Nội