Cửa ngõ của sự sống
Mùa mới
Những buổi pháp đàm cuối thu cùng nhiều đề tài hấp dẫn đã được tiếp nối khi mùa An cư 2011-2012 năm nay lại về. Mùa an cư còn gọi là “mùa mới” của người xuất gia, bởi vào “mùa mới” các thành viên trong tăng thân như một thân cây trút bỏ chiếc áo rực rỡ giữa đất trời, thu mình về gốc nuôi lớn những chiếc rễ đang cắm sâu trong lòng đất tâm linh. Mạch sống âm thầm lưu nhuận trong lòng đất Mẹ như một nguồn suối thơm trong chờ đợi những đứa con sau những ngày rong ruổi trở về tắm gội. Mưa pháp ẩn tàng sẵn sàn che chở và hiến tặng khi chúng con biết về với ngôi nhà tâm linh
Bài pháp thoại “Nương Tựa Đất Mẹ” sau chuyến du hóa của Thầy từ Mỹ trở về là một đề tài quán chiếu và có những vần thơ con con biểu hiện trong đời sống tu học có nhiều niềm vui cùng với thiên nhiên. Niềm vui được chuyển phòng, chuyển tri, chuyển đội mở đầu cho một mùa tu học đầy hứng khởi. Xóm Mới năm nay đã chuyển dãy nhà ở khu vực Sân Chim thành chỗ ở cho quý sư cô, thư viện nhỏ ngày trước đã trở thành phòng ở dành cho quý sư cô và hy vọng một ngày gần đây sẽ có một thư viện khang trang hơn…
Mùa Đông Thầy thường giảng kinh bằng tiếng Việt, những bài kinh được chọn lọc và chuẩn bị kỹ càng sau những tháng ngày tu học. Trong đó như gói cả tuệ giác, niềm vui, sự bình yên và niềm tin chúng ta có thể làm cho cuộc sống ngày một tươi đẹp cùng hành trình bảo vệ hành tinh xanh xinh đẹp này.
Cửa ngõ của sự sống
Những pháp môn căn bản luôn được Thầy nhắc lại trước mỗi buổi pháp thoại, hôm thì thực tập thiền đi, hôm thì thực tập thiền ngồi, thiền ăn… để cho mỗi hơi thở, mỗi bước chân ngày một có phẩm chất. Những câu thiền ngữ dí dỏm như một trò chơi trẻ con trong những ngày học Kệ Thắng Nghĩa, bạn có cảm nhận ra vẫn bước chân, hơi thở, nụ cười đó nhưng thật đáng yêu khi mỗi sáng vào thiền đường nghe tiếng hô canh đón chào một ngày mới:
“Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai
Tĩnh tọa lòng an miệng mỉm cười
Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức
Mặt trời trí tuệ rạng muôn nơi.”
Và rồi trong những bước chân của một ngày bạn có thể thực hành thiền đi mà Thầy gợi ý cho bạn và tôi cùng thực tập vào mùa Đông năm ngoái
Để Bụt thở
Để Bụt đi
Mình khỏi thở
Mình khỏi đi.
Bụt đang thở
Bụt đang đi
Mình khỏi thở
Mình khỏi đi.
Bụt là thở
Bụt là đi
Mình là thở
Mình là đi.
An khi thở
Lạc khi đi
An là thở
Lạc là đi.
Bài thiền hướng dẫn này trở nên sống động khi mùa Đông này Thầy đã an vị một tượng Bụt đứng trong rừng bạch dương xóm Hạ, nơi in bao dấu chân bình an trên thảm lá vàng đang từ từ hòa vào lòng đất Mẹ thân thương.
Niềm vui được cùng thức dậy với đất trời, cùng đi, cùng làm việc như một tia nắng hăng say sưởi ấm ngày đông không băng khoăng, toan tính muộn phiền cho dù quả đất chầm chậm quay quanh làm công việc chuyển ánh sáng trải dài khắp mọi nơi rồi chào tạm biệt một ngày mới. Giờ đó, bạn đã về nhà, thong thả để có thể vào thiền đường, ngồi xuống và lắng nghe tiếng hô canh buổi chiều:
”Vững thân ngồi dưới cội bồ đề
Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi
Thu nhiếp thân tâm vào chánh niệm
Rõ soi diện mục thoát bờ mê.”
Bạn thử ngồi yên trước khi ngủ, bạn sẽ thấy trò chơi này thật thú vị. Một ngày làm việc thân tâm mệt rã mà đôi lúc bạn không hay, giờ này ngồi yên nghe hơi thở chuyện trò theo gợi ý của Thầy:
Để Bụt thở
Để Bụt ngồi
Mình khỏi thở
Mình khỏi ngồi.
Bụt là thở
Bụt là ngồi
Mình là thở
Mình là ngồi.
Chỉ có thở
Chỉ có ngồi
Không người thở
Không người ngồi.
An khi thở
Lạc khi ngồi
An là thở
Lạc là ngồi.
Nguồn suối an lạc của Bụt, pháp, Thầy và tăng thân trao truyền khi bạn cùng tám vị Bụt đang ngồi tĩnh tọa nhìn về khoảng không thênh thang trước chùa Sơn Hạ, nơi Thầy và tăng thân thường dừng lại trên đồi nhìn rừng sồi rực chín trong những buổi thiền hành quanh xóm Thượng.
Hình ảnh Bụt dần trở nên gần gũi khi bạn dạo quanh các xóm, đây Bụt ngồi vững chãi dưới gốc cây trước thiền đường xóm Thượng, đây Bụt xuất hiện bên thảm cỏ xanh xóm Mới, trên đồi sồi Sơn Hạ, hay trong rừng cây bạch dương xóm Hạ. Mỗi vị Bụt nhắc bạn trở về với bước chân, với con đường, với nụ cười cùng hơi thở nhiệm mầu. Cũng vậy, mỗi thời công phu trong sinh hoạt hằng ngày bạn có thể an vị những vị Bụt trong vùng đất tâm của mình. Có nhiều cách để an vị Bụt, nhưng bạn có thể sử dụng thiền ngữ, lời kinh, tiếng kệ để làm nên những vị Bụt trong mình rất thật và rất gần. Vị Bụt trong mình sẽ giúp bạn đi qua khó khăn và đồng hành cùng bạn trên mọi nẻo đường.
Hai bài thiền ngữ này sẽ giúp bạn lấy đi cái mệt mỏi khi còn ý niệm ta và người mà bạn đang được nghe Thầy chia sẻ về các bài Kệ Thắng Nghĩa trong mùa Đông năm nay để về an trú trong bản năng của hơi thở ngọt ngào qua 8 bài tập đầu trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Trong hơi thở 7 và 8, bạn thực tập dừng lại cảm nhận sức sống cũng như niềm vui được sống: “dừng chân nơi chốn non thiền” để có cơ hội tiếp xúc với những cái gì lành và đẹp trong ngày. Bởi lời Thầy chia sẻ rằng: khi mình khổ đau, mình rất cần một cái gì lành và đẹp, cái gì có nghị lực để giúp mình thoát ra. Trong khi đó hành tinh xanh xinh đẹp có lực hấp dẫn giúp ta đứng vững, ngồi yên. Đó là nét đẹp trong tiến trình tiến hóa của loài người cùng vạn hữu. Và khi ta có khổ đau ta thường đi xiêu vẹo, tâm hồn ta nghiêng ngã, ta bị phóng thể và mất quyền được làm người. Vì thế mình phải tập sắp đặt công việc một ngày sao cho mình có thể ăn sáng, đánh răng cho có hạnh phúc. Mình phải sắp đặt làm sao để có thì giờ làm những công việc đó cho thoải mái. Nếu mình bị khổ đau, áp bức tràn ngập thì mình không thể giúp thay đổi hoàn cảnh xã hội. Nếu khi giúp mà không biết cách thì mình có thể làm cho tình trạng càng rối bời thêm. Năm sắp hết, Tết sắp đến rồi, mình phải tính sổ lại để thấy trách nhiệm và vai trò của nhận thức. Điều chỉnh lại cái thấy là quan trọng nhất chứ không phải ước muốn thay đổi hoàn cảnh.