Chú tiểu – Câu chuyện tình thương đích thực

Thời báo Los Angeles Times giới thiệu về cuốn tiểu thuyết:
“The Novice: A Story of True Love” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tác phẩm mới này đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết dựa trên sự tích Quan Âm Thị Kính vốn được lưu truyền trong dân gian Việt Nam. Với hình tượng một thiếu nữ cải trang thành nam nhi để được xuất gia và thông điệp về lòng vị tha, bao dung xuyên suốt tác phẩm, cuốn tiểu thuyết “The Novice” có thể khiến độc giả nhớ đến bộ phim “Yentl” pha lẫn với Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-Su (“the Sermon on the Mount”).

 

Thông thường, tiểu thuyết là một thể loại văn học có tính trần thuật trong đó thông qua nhân vật, hoàn cảnh, tình tiết và các thủ pháp nghệ thuật để phơi bày hiện thực của đời sống; ngoài ra, có thể được sử dụng một cách khéo léo để khai thác ngay chính những khía cạnh tồi tệ nhất của giá trị con người. Các tác phẩm tiểu thuyết còn có sứ mệnh phản ánh những xung đột của xã hội đương đại. Và đó là lý do tại sao ý tưởng về một cuốn tiểu thuyết Thiền (Zen novel) khiến cho người ta nghĩ rằng đó chẳng qua là một câu chuyện vui nhà Thiền hay đơn giản chỉ là một câu chuyện xa rời hiện thực, khó có thể là một tác phẩm tiểu thuyết đích thực.

Thế nhưng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh – vị Thiền sư Phật giáo người Việt đã làm được điều đó với cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tựa đề “Chú tiểu – câu chuyện về tình thương đích thực” (“The Novice: A Story of True Love”). Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn là một nhà thơ và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “An lạc từng bước chân” (“Peace is every step”). Ông đã được Mục sư Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của ông trong việc hòa giải và thống nhất hai miền Nam và Bắc Việt Nam.

Sự tích Quan Âm Thị Kính – nền tảng để viết nên cuốn tiểu thuyết “The Novice” – vốn là một tích truyện được lưu truyền trong dân gian Việt Nam. Sau hàng trăm năm, từ một truyền thuyết trong dân gian, giờ đây, tích truyện này đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh biến thành một tác phẩm tiểu thuyết. Đó là câu chuyện về một thiếu nữ cải trang thành nam nhi để được xuất gia và mặc dù phải trải muôn vàn khổ đau nhưng người con gái ấy vẫn luôn tràn đầy lòng vị tha, bao dung vô hạn. Điều đáng chú ý ở đây là ngoại trừ yếu tố giả trang nam nhi thì nội dung của câu chuyện khiến ta liên tưởng đến chính cuộc đời của tác giả – Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Kính – nhân vật chính của tác phẩm là một thiếu nữ xinh đẹp, luôn mong ước được sống đời sống của một người xuất gia theo đạo Bụt. Tuy nhiên, vào thời đó,  phụ nữ chưa được phép xuất gia. Vì vậy mà nàng đành phải chấp nhận bước vào một cuộc hôn nhân không có tình yêu với một người chồng yếu đuối, nhu nhược. Một ngày nọ, nàng bị cha mẹ chồng nghi oan và buộc tội nàng là cố tâm giết chồng. Không chấp nhận lời buộc tội đó, nàng đã bị trả về nhà cha mẹ đẻ trong sự tủi hổ.

Trước hoàn cảnh đó, Kính quyết định phải bằng mọi cách để tiếp tục theo đuổi mơ ước được làm một người xuất gia để học hỏi và thực tập giáo pháp của Bụt. Nàng quyết định cắt tóc cải trang thành nam nhi và rời khỏi nhà, một mình đi chu du học hỏi. Tình cờ nàng đến được chùa Pháp Vân và xin xuất gia tại đây. Điều đáng ngạc nhiên là hành động này của Kính thật giống với hình ảnh của Yentl – một cô gái Do Thái giả trai để theo học một trường dòng trong vở kịch “Yentl – the Yeshiva Boy” của I.B. Singer. Trong thời gian ở chùa, Kính – lúc này đã trở thành sư chú Kính Tâm – tu học rất giỏi, vượt xa những người bạn đồng tu khác. Thầy của sư chú cũng bắt đầu xem sư chú như một pháp khí và là hiện thân của các công hạnh Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tiến, Thiền định và Trí tuệ.

Nhưng thật không may cho Kính Tâm, niềm tin của sư chú bị thử thách đến tột cùng khi một thiếu nữ con vị trưởng giả giàu có trong làng đem lòng thương yêu sư chú. Khi tình cảm của mình không được Kính Tâm đáp lại – một mặt là vì Kính Tâm là con gái, mặt khác, giới luật của một người tu không cho phép sư chú gần gũi và nói chuyện riêng tư với người nữ, cô gái đó đã cố ý đổ tội cho Kính Tâm là đã làm cho cô có mang.

Nỗi oan này có thể được giải tỏa một cách dễ dàng. Nhưng nếu làm điều đó, Kính Tâm sẽ phải nói ra mình là gái và như vậy thì sư chú sẽ không còn được tiếp tục sống trong chùa. Điều gì là quan trọng hơn cả đối với sư chú lúc này – chứng minh cho sự vô tội của mình hay là chấm dứt đời sống xuất gia? Một lần nữa, Kính Tâm phải phủ nhận lời buộc tội oan ức này. Tuy nhiên, lần này, để giữ được sự vô tội của mình, Kính Tâm phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn nhiều so với chuyện xảy ra với người chồng trước đây.

Để tìm cho ra sự thật, Hội đồng làng quyết định tra khảo bằng cách đánh đập sư chú một cách nhẫn tâm. Hình ảnh Kính Tâm phải chịu đòn roi hung bạo khiến cho tác phẩm này có vẻ giống với bộ phim “The Passion of the Christ” (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-Su) của Mel Gibson – ngoại trừ những hình ảnh chống Do Thái giáo. Và cũng giống như Chúa Giê-Su, sư chú Kính Tâm đã chấp nhận sự trừng phạt nhẫn tâm này với lòng tha thứ và bao dung.

Khi đọc cuốn tiểu thuyết “The Novice”, ta không thể nào không có sự liên tưởng giữa tác giả và nhân vật chính của tác phẩm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã trải qua rất nhiều gian nan trong cuộc đời và phải sống cuộc sống lưu vong với bao đau thương. Những người tu tập theo thiền sư Thích Nhất Hạnh trên khắp thế giới đều tôn kính ông như tôn kính hiện thân của đức Bồ Tát Quan Âm Thị Kính.

Có thể nói, sự tích Quan Âm Thị Kính là một câu chuyện Thiền tương tự như Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-Su, trong đó thay vì có một cuộc trả thù mang tính thánh chiến, Chúa Giê-su đã dạy các tín đồ của mình “Nếu các con bị ai tát vào má này thì cứ đưa luôn má bên kia cho họ.” Trong suốt 40 năm sống lưu vong, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng bị đối xử một cách tàn tệ nhưng lúc nào ông cũng sẵn lòng tha thứ cho tất cả những ai đã làm cho ông khổ đau. Điều này đã khiến cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành sự tiếp nối của đức Bồ Tát Quan Âm Thị Kính, đồng thời đối với một tín đồ  Ki-tô giáo thuần thành thì ông cũng biểu trưng cho câu châm ngôn đầu tiên mà Chúa  Giê-Su đã dạy.

Rosenbaum.

(Rosenbaum là một tiểu thuyết gia đồng thời cũng là nhà phê bình và là một luật gia. Ông cũng là tác giả của cuốn “The Golems of Gotham” và cuốn “The Stranger Within Sarah Stein” sắp ra mắt đọc giả trẻ tuổi).

 

Sư cô Tại Nghiêm chuyển ngữ từ tiếng Anh