Thông bạch, đề nghị

Tiếng Chuông và bước Chân

Thông bạch của Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh – Tiếng Chuông và bước Chân – ngày 16.11.1996

Kính gửi các vị Tôn Túc, các vị Sư Trưởng và đại chúng xuất gia trong các tổ đình và tự viện thuộc môn phái Từ Hiếu.

Kính thưa liệt vị, Hàng ngàn Phật tử xuất gia cũng như tại gia, trong cũng như ngoài nước, đã tỏ lộ sự hân hoan và vui mừng khi nhận thấy tứ chúng trong môn phái Từ Hiếu đã tiếp nhận, tán trợ và hành trì thật nghiêm túc thông bạch ngày 1.1.1996 về việc tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày thành lập tổ đình Từ Hiếu và sự áp dụng Năm Giới Quý Báu trong công phu tu tập cũng như trong phương thức tiếp xử với các đạo tràng khác trong sơn môn. Phẩm chất tu học và niềm an lạc trong môn phái đã tăng tiến một cách lớn lao chỉ trong vòng một năm trời, và sự chấn chỉnh của tông phong đã được mọi người bên trong và bên ngoài môn phái thừa nhận một cách đích xác.

Xin quý vị tôn túc, sư trưởng và toàn thể đại chúng cùng chúng tôi nhất tâm hồi hướng công đức ấy cho các thế hệ tương lai. Trong thông bạch này, tôi xin kính lưu tâm các vị tôn đức và sư trưởng về sự hành trì tiếng chuông và bước chân chánh niệm của người xuất gia. Tôi tin tưởng nếu giới xuất gia trong môn phái thực tập được vững chãi hai pháp môn này, chúng ta sẽ đem lại được rất nhiều năng lượng tu chứng cho sơn môn và gây niềm tin lớn cho các giới Phật tử. Tiếng Chuông chánh niệm là phương pháp thực tập đã có từ thời Bụt còn tại thế. Mỗi khi nghe tiếng chuông, tất cả mọi người đều ngưng hết suy tư, ngưng hết nói năng, và lắng nghe tiếng chuông với hơi thở chánh niệm. Tiếng chuông được tiếp nhận như tiếng của đức Thế Tôn gọi chúng ta về với chánh niệm. Trong thiền môn chúng ta vẫn có truyền thống thực tập này, vì vậy trong sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu chúng ta thấy có những bài kệ thỉnh chuông và nghe chuông như bài ”Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới” và bài ”Văn chung thanh phiền não khinh”. Những bài này đã được các tổ sáng chế để thực tập tiếng chuông chứ không phải để xướng tán. Vậy thì thực tập trở về hơi thở chánh niệm mỗi khi nghe chuông chỉ là sự tiếp nối tự nhiên của truyền thống thiền tập. Người tu thiền khi nghe chuông thì trở về nhiếp niệm an ban hay quán chiếu, người tu tịnh độ khi nghe chuông thì trở về nắm lấy vững chãi phép niệm bụt trì danh hay quán tưởng. Trong khi thực tập, người hành giả có định, có tuệ và có an lạc. Theo phép thực tập này, vị tri chung trước khi thỉnh chuông phải chắp tay xá chuông và quán niệm theo bài kệ thỉnh chuông, mỗi câu kệ đi theo một hơi thở vào hoặc thở ra; và khi tiếng chuông vọng lên, tất cả mọi người, kể cả vị tri chung, phải dừng lại mọi suy tư và nói năng để trở về chánh niệm, cùng thực tập với nhau ít nhất là trong ba hơi thở. Trong giờ phút thực tập ấy, năng lượng của niệm, định và tuệ của đại chúng có mặt rất rõ ràng, và người đến chùa sẽ cảm thấy năng lượng ấy đi vào trong con người của họ và sẽ tiếp nhận được rất nhiều lợi lạc. Buổi khuya, đại chúng có thể thực tập im lặng trong tư thế ngồi, suốt trong thời gian thỉnh đại hồng chung, hoặc thiền quán, hoặc niệm Bụt, ngồi chung trong thiền đường, Phật đường hoặc trên đơn của mình. Những vị có trách vụ như hương đăng, trà giả, trị nhật, v.v… có thể tiếp tục chấp tác trong im lặng, cùng theo dõi hơi thở và thực tập thiền quán hay niệm Bụt trong khi làm việc. Sau khi chuông nhập, tất cả đại chúng mới vân tập trên Phật đường để tụng niệm. Tụng niệm, như vậy, chỉ là một phần của công phu buổi sáng và buổi tối. Buổi tối, trong thời gian thỉnh đại hồng chung , chúng ta cũng thực tập giống như buổi khuya, và khung cảnh thiền môn sẽ có sự im lặng tuyệt đối trong những giờ giấc ấy. Bước chân thiền hành cũng là một pháp môn thực tập có từ hồi Bụt còn tại thế. Người xuất gia khi đi, đứng, nằm và ngồi đều có uy nghi và chánh niệm. Bước chân nào cũng có chánh niệm, vì thế nên từ người xuất gia tỏa chiếu ra năng lượng của sự vững chãi và sự thảnh thơi. Người xuất gia không thể đi đứng vụt chạc và hấp tấp. Bước chân vững chãi và thảnh thơi giúp cho người xuất gia an trú được trong chánh niệm, trong giây phút hiện tại, và gây niềm tin lớn cho mọi người. Ði kinh hành trong thiền đường hay Phật đường chưa đủ. Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi cần di chuyển, ta phải sử dụng phép thiền hành, nghĩa là đi từng bước có chánh niệm, dù khoảng cách di chuyển chỉ là dăm bảy bước. Ði trong khuôn viên chùa cũng thế, mà đi vào thành phố cũng thế. Mỗi ngày ta thực tập thiền hành với đại chúng một lần và có thể thực tập thiền hành riêng nhiều lần. Ði thiền hành là một pháp môn nhiệm mầu có thể tập cho chúng ta biết an trú trong giây phút hiện tại, biết sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày và giúp giải tỏa và chuyển hóa những buồn giận và lo lắng của ta. Ðể thực tập thành công, ta nên học cách phối hợp hơi thở với bước chân và sử dụng những bài thi kệ chánh niệm.

Kính thưa các vị tôn đức, các vị sư trưởng, trong ba mươi năm qua, tại đạo tràng Phương Vân và tại đạo tràng Mai Thôn, các pháp thực tập tiếng chuông và bước chân đã đem lại rất nhiều vững chãi và niềm tin trong giới Phật tử Tây phương. Hiện giờ đã có trên năm trăm đoàn thể tu học rải rác trên thế giới đang thực tập theo các pháp môn này và tất cả đều đã tiếp nhận nguồn cảm hứng từ tu viện Phương Vân và đạo tràng Mai Thôn. Thỉnh thoảng tại các chùa viện thuộc môn phái trong nước, vẫn có những vị Phật tử gốc Tây phương về hành hương và chiêm bái. Nhìn họ đi, đứng, và quán sát họ khi họ nghe chuông, chúng ta có thể nhận diện ra họ là con cháu của môn phái. Nếu có người không thực tập tiếng chuông và bước chân, ta biết ngay rằng họ chỉ là du khách. Rất mong liệt vị tôn túc và sư trưởng từ bi ra công giảng dạy và hướng dẫn pháp đàm để tất cả giới xuất gia của chúng ta có thể thực tập nghiêm chỉnh hai pháp môn này, bắt đầu từ Tết Nguyên Ðán Ðinh Sửu (1997). Ðạo tràng của chúng ta sẽ trang nghiêm lên gấp trăm lần với công phu tu tập này. Các giới tại gia tới chùa cũng sẽ được khuyến thỉnh thực tập để chúng ta có thể làm sống dậy năng lượng tu tập ngày xưa ở tu viện Cấp Cô Ðộc cũng như trên núi Linh Thứu.

Hôm nay là ngày đánh dấu 150 năm công cuộc khai sơn Tổ đình Từ Hiếu và cũng là ngày tất cả tứ chúng của môn phái tập hợp lại để tưởng nhớ công ơn của sư tổ Nhất Ðịnh và của các thế hệ tổ sư kế tiếp. Vượng khí của tổ đình đã khiến cho các cao tăng xuất phát từ môn phái Từ Hiếu có mặt tại nhiều đạo tràng khắp nơi, và con cháu của môn phái đã trở nên rất đông đúc, không những trên đất nước thân yêu mà còn trên ba mươi quốc gia trên thế giới. Tất cả hôm nay đều vọng về chùa Tổ. Nếu chúng ta khởi sự thực tập bước chân và tiếng chuông một cách vững chãi thì năm Ðinh Sửu sẽ đem lại cho sơn môn và đất nước rất nhiều hạnh phúc và thảnh thơi. Kèm theo thông bạch này xin gửi đến liệt vị một bản phụ lục có những bài thi kệ có thể được sử dụng vào việc thực tập tiếng chuông và bước chân chánh niệm.

Nam mô đức bổn sư Bụt Thích Ca Mâu Ni,
Nam mô đức bồ tát Nhất Ðịnh, tổ khai sơn am An Dưỡng và chùa Từ Hiếu.

 

Đạo tràng Mai Thôn ngày 16.11.1996
Nay kính thông bạch,

khuondauTNH.png

Trừng Quang Nhất Hạnh