Thông điệp xóa bỏ chế độ nô lệ hiện đại
Thông điệp tại Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới về
XÓA BỎ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ HIỆN ĐẠI
Nhận lời mời của Đức Giáo Hoàng Francis, một phái đoàn gồm 22 quý thầy, quý sư cô Làng Mai, trong đó có sư cô Chân Không và thầy Pháp Ấn – Viện trưởng Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB), đã có mặt tại Rome từ ngày 1 – 2/12/2014 để đại diện và chuyển tải thông điệp của Thiền sư Nhất Hạnh đến Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới về xóa bỏ nạn buôn người, một hình thức “nô lệ hiện đại”.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới đã quy tụ tại Vatican để cùng lên tiếng chống lại chế độ nô lệ hiện đại. Buổi gặp gỡ đã diễn ra vào sáng ngày 2/12/2014, ngày Quốc tế xóa bỏ chế độ nô lệ, tại trụ sở của Hàn lâm viện Tòa thánh về các khoa học ở Nội thành Vatican.
Tại buổi gặp gỡ này, sư cô Chân Không – đệ tử lớn nhất của Thiền sư Nhất Hạnh – đã đại diện Thiền sư đọc thông điệp trước Hội nghị (thông điệp dưới đây đã được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh):
“Kính thưa chư vị Tôn Đức cùng toàn thể quý vị đại biểu!
Chúng ta may mắn có được cơ hội gặp gỡ ngày hôm nay để cùng tuyên bố với thế giới cam kết phối hợp hành động nhằm chấm dứt nạn buôn người – một hình thức “Nô lệ hiện đại” (Modern Slavery). Chúng ta lên tiếng kêu gọi những ai đang tham gia vào hoạt động buôn người hãy DỪNG LẠI hành động của mình; đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế cùng hiệp lực để bảo vệ nhân phẩm của những thanh niên, thiếu nữ và trẻ em đang là nạn nhân của nạn buôn người. Những nạn nhân này cũng là con của chúng ta, là anh chị em của chúng ta.
Một điều rõ ràng là trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, chuyện xảy ra cho bất kỳ một ai trên trái đất này cũng đều tác động đến tất cả chúng ta. Chúng ta tương tức với nhau và cùng chịu trách nhiệm về nhau. Tuy nhiên, cho dù có thiện chí lớn lao đến đâu đi nữa, nếu chúng ta cứ đắm mình vào những mối quan tâm thường nhật, đi tìm kiếm những tiện nghi vật chất hay tình cảm thì chúng ta sẽ không có thì giờ để thực hiện ước nguyện lớn lao của mình.
Sự quán chiếu, nhìn sâu của chúng ta phải đi liền với hành động. Nếu không có sự thực tập tâm linh, chúng ta sẽ sớm từ bỏ giấc mơ của mình.
Mỗi người trong chúng ta, tùy theo truyền thống tâm linh của mình, cần thực tập để tiếp xúc một cách sâu sắc với những mầu nhiệm của thiên nhiên, của sự sống trong mỗi chúng ta. Chúng ta cần phải tiếp xúc được với Nước Chúa hay cõi Tịnh Độ, Niết Bàn trong mỗi chúng ta. Có như vậy chúng ta mới tiếp nhận được những yếu tố nuôi dưỡng và trị liệu. Niềm vui, niềm hạnh phúc trong ta được phát sinh từ cái thấy: Nước Chúa hay cõi Tịnh Độ hiện đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Chính tình yêu và sự kính ngưỡng đối với thiên nhiên trong mỗi chúng ta có công năng nuôi dưỡng, gắn kết chúng ta lại với nhau và lấy đi tất cả những phân biệt, kỳ thị.
Bằng cách tiếp xúc với những yếu tố tươi mát và trị liệu, chúng ta có khả năng vượt thoát ra khỏi những quan tâm thường nhật về tiện nghi vật chất. Chúng ta sẽ có thêm rất nhiều thời gian và năng lượng để thực hiện lý tưởng đem tình thương và tự do lớn trang trải đến tất cả mọi người và mọi loài. Trong Kinh Thánh có đoạn: “Đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Trước hết hãy tìm kiếm nước Chúa, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ ban cho. Chớ nên lo lắng về ngày mai, chuyện của ngày mai cứ để ngày mai lo.”
Trong khi nỗ lực hành động để chấm dứt nạn buôn người, chúng ta phải dành thời giờ để chăm sóc cho chính mình, và chăm sóc cho phút giây hiện tại. Bằng cách đó, chúng ta có thể tìm thấy được phần nào sự bình an trong thân tâm để tiếp tục sự nghiệp của mình. Chúng ta cần nhận diện và ôm ấp những khổ đau, giận hờn, sợ hãi và tuyệt vọng trong ta, để cho năng lượng từ bi luôn còn mãi trong trái tim ta. Khi tâm trở nên định tĩnh, sáng suốt hơn, chúng ta không những thương những nạn nhân của nạn buôn người, mà còn thương được chính những kẻ có hành vi buôn người. Những người đó cũng có rất nhiều khổ đau trong lòng. Thấy được điều đó, chúng ta sẽ có thể giúp họ thức tỉnh và dừng lại được những hành động gây khổ đau của mình. Lòng từ bi trong chúng ta có khả năng biến họ trở thành những người bạn, những người sát cánh với chúng ta trong nỗ lực chấm dứt nạn buôn người.
Để có thể duy trì được công việc đầy từ bi này một cách lâu dài, tất cả chúng ta đều cần có một tăng thân (một đoàn thể tu học – a spiritual community) để bảo vệ và yểm trợ cho chúng ta. Đó phải là một đoàn thể chân chính, nơi có tình huynh đệ, có hiểu biết và thương yêu thực sự. Chúng ta không nên làm công việc này như một chiến binh đơn độc (lone warriors). Nạn buôn người có gốc rễ rất sâu dày và những mạng lưới, cơ cấu, những điều kiện làm phát sinh vấn đề này cũng rất phức tạp. Vì vậy chúng ta cần phải xây dựng một đoàn thể, một tăng thân có khả năng duy trì công việc bảo vệ sinh mạng này một cách lâu dài, không chỉ đến năm 2020 như mục tiêu đã đề ra mà thôi.
Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, vì vậy hình thức nô lệ hiện đại này cũng có tính toàn cầu, nó liên hệ mật thiết đến các hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội. Do đó, nền đạo đức của chúng ta cũng cần phải được toàn cầu hóa. Một trật tự thế giới mới đòi hỏi phải có một nền đạo đức toàn cầu mới. Các quốc gia, dân tộc, các truyền thống phải ngồi lại với nhau, như chúng ta đang làm trong hội nghị này, để tìm ra những nguyên nhân gây nên tình trạng nô lệ hiện đại này. Nếu chúng ta cùng nhau quán chiếu với sự bình an và định tĩnh, chúng ta sẽ hiểu được những nguyên nhân dẫn đến nạn nô lệ hiện đại, và như vậy chúng ta mới có thể tìm ra giải pháp rốt ráo cho vấn nạn này”.
Kết thúc buổi gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo (Anh Giáo, Chính Thống Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Hindu và Phật Giáo) đã ký kết một Tuyên bố chung bày tỏ quyết tâm hiệp lực với nhau để xoá bỏ vĩnh viễn chế độ nô lệ hiện đại trước năm 2020. Sáng kiến lịch sử này do tổ chức Mạng lưới tự do toàn cầu (Global Freedom Network) đề xướng. Tổ chức này hoạt động với mục tiêu xóa bỏ nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới trên thế giới. Ước tính, có khoảng 35,8 triệu người trên khắp thế giới hiện đang sống cuộc sống như một “nô lệ thời hiện đại”, và mỗi năm con số này lại tăng thêm 3 triệu người (theo thống kê của tổ chức Walk Free Foundation).
Sự kiện các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể đi đến một Tuyên bố chung lên án nạn buôn người này sẽ có tác dụng kêu gọi các chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống buôn người trên quy mô toàn cầu. Sự kiện này có thể giúp mang lại sự yểm trợ cần thiết cho hàng trăm các tổ chức phi chính phủ hiện đang tích cực hoạt động nhằm giải cứu các nạn nhân của nạn buôn người, giúp thoa dịu nỗi đau về thể xác và tinh thần, đồng thời giúp các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Một ngày trước đó (ngày 1/12/2014), phái đoàn tăng thân Làng Mai đã phối hợp với Ban Tổ chức Hội nghị để tổ chức một ngày tu tập chung cho các đại biểu tại Vatican. Đây là sáng kiến do Thiền sư Nhất Hạnh đưa ra trước khi Người bị xuất huyết não. Ngày hôm đó, tất cả các đại biểu đại diện cho Anh Giáo, Chính Thống Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Hindu và Phật Giáo đã có cơ hội cùng đi thiền hành chung với nhau trong khuôn viên của Vatican, cùng ăn trong im lặng và cầu nguyện với nhau như là các huynh đệ trong cùng một gia đình tâm linh, cùng gắn kết và hòa điệu với nhau bằng lòng từ bi và hành động.
“Mỗi con người là một người tự do, dù đó là con gái hay con trai, phụ nữ hay đàn ông và được tạo dựng vì thiện ích của mọi người trong sự bình đẳng và tình huynh đệ. Chế độ nô lệ mới, dưới những hình thức buôn người, cưỡng bức lao động, mại dâm, buôn bán nội tạng, và bất kỳ mối tương quan nào không tôn trọng xác tín căn bản rằng mọi người đều bình đẳng và có quyền tự do và phẩm giá như nhau, là một tội ác chống lại nhân loại.”
(Trích: Tuyên ngôn chung chống nạn nô lệ mới)
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo đối với chế độ nô lệ hiện đại đã được ký kết bởi:
Công giáo: Đức Giáo Hoàng Francis
Hindu: Her Holiness Mata Amritanandamayi (Amma)
Phật giáo: Thiền sư Thích Nhất Hạnh (được đại diện bởi Tỳ kheo ni Thích Nữ Chân Không Nghiêm)
Phật giáo: The Most Ven. Datuk K Sri Dhammaratana, Chief High Priest of Malaysia
Do thái: Rabbi Dr. Abraham Skorka
Do thái: Rabbi Dr. David Rosen
Chính thống giáo: His All-Holiness Ecumenical Patriarch Bartholomew (represented by His Eminence Metropolitan Emmanuel of France)
Hồi giáo: Mohamed Ahmed El-Tayeb, Grand Imam of Al-Azhar (represented by Dr. Abbas Abdalla Abbas Soliman, Undersecretary of State of Al Azhar Alsharif)
Hồi giáo: Grand Ayatollah Mohammad Taqi al-Modarresi
Hồi giáo: Grand Ayatollah Sheikh Basheer Hussain al Najafi (represented by Sheikh Naziyah Razzaq Jaafar, Special advisor of Grand Ayatollah)
Hồi giáo: Sheikh Omar Abboud
Anh giáo: Most Revd and Right Hon Justin Welby, Archbishop of Canterbury
Ngày tu tập chung cho các đại biểu tham dự Hội nghị tại Vatican
Ngày tu tập và hội thảo cho các đại biểu tham dự Hội nghị
Các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới tại buổi lễ
Buổi lễ kí Tuyên bố chung
Đức Giáo Hoàng Francis đọc lời khai mạc
Tuyên bố chung được ký kết
Các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới
_________________________________________________________
Xem video buổi lễ
_________________________________________________________
khoảng 35,8 triệu người đang sống cuộc sống như một “nô lệ thời hiện đại”
Chế độ nô lệ hiện đại phát triển mạnh trên mọi lục địa và trong hầu hết các quốc gia với nhiều hình thức, từ buôn người, cưỡng bức lao động, phụ nữ bị bắt mại dâm, buôn bán nội tạng, nô lệ trẻ em trong chuỗi cung ứng nông nghiệp hoặc cả gia đình làm việc để trả nợ các thế hệ.