Phật giáo dân tộc – Đạo Bụt hiện đại
Thông bạch của Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh – Phật giáo dân tộc – Đạo Bụt hiện đại – 2002
Kính gửi liệt vị tôn đức, các vị sư trưởng và toàn thể đại chúng,
Năm mới tôi kính cẩn cầu chư Bụt, chư Bồ Tát và liệt vị Tổ Sư nhiếp thọ và bảo hộ cho liệt vị tôn đức, sư trưởng và toàn thể đại chúng được an vui suốt năm và gặt hái được nhiều hoa trái của sự thực tập giáo pháp mầu nhiệm của đức Thế Tôn.
Rất mong trong năm nay tất cả các Chùa, Viện, Niệm Phật Đường và tư gia thuộc môn phái thực hiện được những bước tiến sau đây trong đường hướng xây dựng một nền Phật giáo dân tộc và một đạo Bụt hiện đại.
Tại các tổ đường, cũng như tại tư gia, an trí tôn tượng của thiền sư Tăng Hội, sơ tổ Thiền Tông Việt Nam và cũng là sơ tổ Giáo Tông Việt Nam. Mỗi năm xin tổ chức giỗ tổ Tăng Hội long trọng vào ngày rằm tháng chín âm lịch, ngày tổ thị tịch tại Chùa Kiến Sơ năm 280, cách đây 1722 năm. Cùng với thông điệp này xin gửi theo một tôn tượng của thiền sư Tăng Hội do hai họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp thực hiện. Xin các Phật tử nghệ nhân góp sức để tiếp tục cung hiến những hình và tượng khác của sơ tổ, cũng như của chư vị tổ sư lớn khác của Phật Giáo Việt Nam như tổ sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Trúc Lâm Điều Ngự.
Áp dụng ngay vào thời khóa công phu sáng chiều các nghi thức tụng niệm toàn bằng quốc văn, theo sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 và Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn.
Phối hợp tuyệt hảo pháp môn Tịnh Độ và pháp môn Thiền Quán theo tinh thần tông phái Trúc Lâm, được diễn giải rõ ràng trong sách Thiết Lập Tịnh Độ, cất bỏ đi mọi sự ngăn ngại và những kẽ hở giữa hai truyền thống.
Đặt tất cả bốn uy nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) vào chánh niệm. Đại chúng thực tập thiền đi chung ngoài trời mỗi ngày một lần. Ngoài ra, mỗi khi cần di chuyển, ai nấy đều áp dụng phương pháp bước từng bước chân trong chánh niệm, phối hợp hơi thở với bước chân, sử dụng các bài kệ ‘đã về, đã tới…’ và ‘đây là tịnh độ…’.
Đem nội dung nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa vào sự thực tập. Đừng để sự thực tập hằng ngày rơi vào bẫy hình thức, dù là trong phép tọa thiền, thọ trai, niệm Bụt, chấp tác hay trì tụng. Thực tập theo nguyên tắc hiện pháp lạc trú mà Bụt đề ra.
Áp dụng pháp môn đệ nhị thân để săn sóc cho nhau.
Áp dụng pháp môn soi sáng để nâng đỡ nhau trong công phu thực tập chuyển hóa và đi tới.
Áp dụng pháp môn thiền lạy mỗi ngày để chuyển nghiệp và thiết lập lại truyền thông với thầy tổ, huynh đệ, và môn đồ. Mỗi vị xuất gia dù là sa di đều có ni-sư-đàn tùy thân mỗi khi lên Thiền Đường hoặc Phật Đường thực tập.
Y phục của người xuất gia, ngoài màu vàng cho ba y, đều được may bằng hoặc màu nâu sồng hoặc màu khói hương. Các vị ni sư và sư cô nên áp dụng chít khăn truyền thống Việt Nam và bỏ đi chiếc khăn đã bắt chước các bà sơ Tây phương từ 50 năm về trước.
Mỗi năm tổ chức và hướng dẫn các khóa tu cho các Phật tử tại gia (khóa tu một ngày, hai ngày cuối tuần, ba ngày, năm ngày, bảy ngày), giảng dạy và thực tập các pháp môn quán chiếu, điều phục cơn giận, ái ngữ, lắng nghe, làm mới, hòa giải, tụng giới, pháp đàm và tưới tẩm hạt giống tốt.
Xây cất chùa, viện và tăng xá, xin nhất thiết vâng theo kiến trúc truyền thống. Chúng ta có thể phát triển truyền thống, nhưng những nguyên tắc và đường nét chính cần được tôn trọng và duy trì.
Kính thưa các vị tôn đức và liệt vị trong đại chúng, xã hội hiện thời đang có những bước tiến rất nhanh, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và giáo dục. Nếu chúng ta không hiện đại hóa được cách học hỏi và thực tập chánh pháp thì chúng ta sẽ không đáp ứng được kịp thời với những nhu cầu của xã hội mới. Xin liệt vị để tâm suy xét để chúng ta có thể cùng nhau đưa đạo Bụt thực sự vào đời sống hiện đại.
Kính thông bạch,
Thiền Sư Nhất Hạnh