Thông bạch, đề nghị

Lời cầu cứu thảng thốt của Đất Mẹ

Sư Cô Chân Không

Khóa tu kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Dòng Tu Tiếp Hiện do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập năm 1966, đã diễn ra từ ngày 1.6 đến ngày 21.6.2016 tại Làng Mai, Pháp. Từ 6 người thành viên đầu tiên, đến nay đã có hơn 4000 thành viên trên khắp thế giới, góp sức đem đạo Bụt đi vào cuộc đời. Sư cô Chân Không, người chị cả của Dòng Tu Tiếp Hiện, đã viết những lời chia sẻ dưới đây về hiện tình của Đất Mẹ và lời cầu cứu của Đất Mẹ đến với những người con của mình.

 

 

 

 

Thân gửi những người con của Đất Mẹ,

Bốn mươi sáu năm về trước, năm 1970, lúc đó tôi còn trẻ, chỉ là một người quan tâm đến môi sinh, may mắn có mặt trong buổi Thiền Sư Thích Nhất Hạnh gặp mặt 6 khoa học gia nổi tiếng tại thành Phố Menton miền Nam nước Pháp. Họ gặp nhau để chia sẻ niềm ưu tư là con người đã tàn phá Đất Mẹ địa cầu quá nhiều bằng cách phung phí những tài nguyên rút từ đất mẹ như dầu hỏa, khí đốt… xây dựng những quy trình chăn nuôi để có thịt bò, heo, gà… khiến ô nhiễm nguồn nước sạch.

Nhóm khoa học gia nhỏ xíu chỉ có 7 người chúng tôi lúc ấy đã nghe lời kêu gọi của Thiền Sư ký tuyên ngôn đầu tiên gọi là Tuyên Ngôn từ Thành phố Menton, thảo Lời kêu gọi gửi đến 3 tỉ rưỡi người trên quả địa cầu mẹ từ các khoa học gia.

Nhóm lúc đầu này gồm có:

CONRAD A ISTOCK, U.S.A. Giáo sư Sinh Môi học, Đại Học Rochester Hoa Kỳ

DONALD J RUENEN, Hà Lan, Giáo sư Sinh học, Viện Đại Học Leiden

PIERRE LEPINE, thuộc Viện Hàn Lâm Pháp, Viện Trưởng Viện Pasteur, France

KLAUS MEYER-ABICH, Nhà Vật Lý Học người Đức, Max-Planck Institut zur Erforschung der Lebensbedingungen der Wissenschaftlich-technischen Welt

CAO NGỌC PHƯỢNG , Việt Nam, Giảng Viên Sinh Vật Học (từ Việt Nam, bị lưu đày)

LAWRENCE SLOBODKIN, U.S.A. Giáo sư Sinh Môi học, Đại Học New York

Nhóm bảy khoa học gia nầy có được sự ủng hộ tinh thần của các vị có giải Nobel về Sinh học như ALBERT SZENT-GYORGYL , U.S.A. Nobel về Sinh học , Giám Đốc Viện Nghiên cứu Cơ Học USA, GEORGE WALD , Nobel về Sinh học, Giáo Sư Sinh Môi học, Đại Học Harvard USA , SALVADOR E.LURIA, USA , Giải Nobel về Sinh Học , Massachusetts Institute of Technology , Giám Đốc Khoa Sinh Học M.I.T Hoa Kỳ…

Nhóm 7 khoa học gia chúng tôi đã thành lập một tổ chức phi chính phủ với tên Đại Đồng Thế Giới (Dai Dong The Gioi organization)1.Thiền Sư Nhất Hạnh và nhóm Đại Đồng Thế Giới đã đi gặp Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) lúc đó là U Thant và đề nghị Liên Hiệp quốc đứng lên tổ chức cuộc gặp mặt những Khoa Học Gia thế giới kêu gọi 3 tỷ rưỡi người cùng là con của Địa Cầu tỉnh dậy kịp thời ngăn chặn những tàn phá và giải cứu những nguy cơ của Địa Cầu.

Suốt năm 1971, các thành viên trong Đại Đồng Thế Giới đi từng nước tiếp xúc với các khoa học gia trong 25 nước động viên đồng ký tên vào Tuyên Ngôn từ thành phố Menton, thảo thêm Lời Kêu Gọi gửi đến 3 tỉ rưỡi người trên Địa cầu. Với chữ ký của hơn 2000 khoa học gia thế giới, lời kêu gọi được Nhật Báo Le Monde và Nhật Báo The New York Times đăng tải trên trang lớn.

Liên Hiệp Quốc đã tổ chức cuộc gặp mặt lần đầu tiên của những Khoa Học Gia toàn cầu hầu thức tỉnh mọi người về hiểm họa diệt vong của Mẹ Địa Cầu tại Stockhom vào ngày 21 tháng 6 năm 1972. Nhóm Khoa Học Gia Phi Chính Phủ Đại Đồng Thế Giới gặp nhau tại Stockhom trước đó hai tuần – từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 6 năm 1972 và ra Tuyên Ngôn "An Independent Declaration on the Environment"2, khéo léo hướng dẫn Đại Hội Chính Thức của Liên Hiệp Quốc không đi lệch ra những nhu yếu cấp thiết của Đất Mẹ do ảnh hưởng của các nước lớn như Hoa Kỳ, Liên Bang Xô Viết (Nga), Trung Hoa chỉ vì những nhu yếu kinh tế của quốc gia họ mà đã phung phí tài nguyên địa cầu không tiếc thương.

Để tiếp nối việc cứu Mẹ Địa Cầu từ Menton 1970, rồi từ Stockhom 1972, trong thời gian 50 năm gần đây Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã không ngừng nghỉ giảng dạy kêu gọi chở che Đất Mẹ và mời gọi mọi người đi theo hướng một nền đạo đức toàn cầu bằng cách truyền 5 Phép Tu Tập Chánh Niệm cho hàng trăm ngàn thiền sinh, và truyền 14 phép Tu Tập Chánh Niệm (The Order of Interbeing hay là Dòng Tu Tiếp Hiện ) cho hơn 4000 thiền sinh muốn đi xa hơn trên con đường tâm linh. Mỗi vị thọ 14 Phép Tu Tập Chánh Niệm phát nguyện lập một nhóm tu học nhỏ gặp nhau thường xuyên để hỗ tương nhau trên con đường sống cuộc đời thiểu dục, biết tri túc, biết sống từ bi hơn với chính mình, với muôn người, muôn loài, và phát nguyện là một cách tay nối dài của Bồ Tát Quan Thế Âm.

Bốn mươi tư năm đã qua sau Lời Tuyên Bố về Đất Mẹ ở Stockhom, tình trạng sức khoẻ của Mẹ Địa Cầu vẫn tiếp tục ngày càng xuống dốc. Mẹ Địa Cầu đang tuyệt vọng cầu cứu chúng ta, van xin các con còn tỉnh táo xin nhớ tiếp tục nhìn kỹ để thấy rằng từ khi Đất Mẹ được thành hình, hàng tỷ tỷ chúng sinh đủ loại đã cùng tiến bộ, cùng phát triển, nuôi lẫn nhau nhưng luôn luôn giữ được một cân bằng hài hoà để sinh tồn. Chỉ khoảng hơn 50 năm gần đây, nhân loại đánh mất dần sự cân bằng hài hòa ấy, vì thế Đất Mẹ đang rên siết quằn quại nỗi đau quá lớn trong lòng Mẹ.

Các con có nghe Đất Mẹ đang thảng thốt gửi đến các con của Đất Mẹ những lời yêu cầu khẩn thiết không ?

Chúng ta đều là con cùng một Mẹ, Đất Mẹ đã nuôi sống loài người từ khi ra đời. Các bạn có nghe thấy những tiếng kêu thảng thốt của Đất Mẹ hay không? 

Hãy tỉnh giấc, loài người thương yêu của Mẹ! Sức khỏe và chính mạng sống của Mẹ đang bị các con đe dọa, các con biết không?

Bao nhiêu loài sinh vật, cây cỏ và đất đá đang bị tàn phá vì hành động của loài người, các con biết không?

Trong hằng tỷ năm qua, các sinh vật đã chung sống trên mặt Đất Mẹ, nuôi sống lẫn nhau và chia sẻ với nhau không khí, nước và ánh sáng, hàng triệu loài cùng nhau tạo nên một thế cân bằng hài hòa. Thế cân bằng này đang bị loài người phá đổ, các con có biết không?

Hơn 60 năm qua, loài người đem thử những trái bom hạt nhân khắp nơi trên thế giới, ngoài đại dương và trong các sa mạc, đã tiêu diệt hằng tỷ hằng tỷ đời sống mong manh đã sống nghìn triệu năm an bình trong lòng Đất Mẹ.

Hàng ngàn mẫu rừng nguyên sơ trên thân thể Mẹ các con đã chặt phá, từng mảng thịt da Mẹ trần trụi không còn được che chở, không còn bảo vệ và nuôi dưỡng mạng sống của bao sinh vật lớn nhỏ.

Những lớp núi non, đất, đá, trên mình mẹ bị các con cắt xẻ không chút tiếc thương để tìm vàng, tìm dầu hỏa, tìm bauxite, khí đốt,… Mẹ làm sao bảo vệ được cuộc sống nữa các con ơi!

Khí độc các nhà máy kỹ nghệ cùng hàng trăm triệu xe, tầu thải ra để thỏa mãn những nhu cầu bất tận của con người đã gây hâm nóng bầu khí quyển, đẩy chúng ta vào những tình trạng hiểm nghèo chưa từng thấy. 

Nạn cháy rừng, bão, hạn hán, ô nhiễm không khí làm Mẹ ngộp thở, mỗi ngày càng ngộp thở các con ơi! 

Sự thể đau buồn xảy ra vì các con đã quên rằng Mẹ và các con chỉ là một. Các con cho rằng chúng ta là hai thực thể riêng biệt, Đất Mẹ chỉ có đó để phục vụ cho các con. Nhưng Mẹ cưu mang các con trong Mẹ thì các con cũng mang Mẹ trong các con. Các con đã sao nhãng mối tương quan mật thiết giữa chúng ta và giữa các loài sinh vật, cỏ cây cùng đất, nước. Nếu con đau thì Mẹ cũng đau, Mẹ bệnh hoạn thì các con cũng suy nhược; mọi vật đều sống trong nhau theo lẽ “tương tức'’, cái này có thì cái kia có, cái này không cái kia cũng không.

Các con thấy không? Những ngọn sóng thần trong lịch sử loài người có bao giờ mang đến thảm họa vô lường cho biết bao nhiêu thế hệ như thảm họa phóng xạ tại Fukushima? Tại sao những đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong lại gây nạn thiếu nước ở Thái Lan, Campuchia và nước biển lấn vào ruộng đồng tại Việt Nam? Vì các con chỉ đuổi theo lòng ham muốn thụ hưởng phù phiếm nên đánh mất cách nhìn tương tức để  biết sống cùng với thiên nhiên, với gió, với ánh sáng mặt trời. Các con đã coi rẻ những dấu hiệu báo nguy trong lòng đất và trên mặt đất, các con nhắm mắt giao mạng sống và sự an toàn của con cháu cho những một số người nhầm lẫn, đôi lúc một nhầm lẫn nhỏ cũng đủ gieo họa ngàn đời!

Cá chết hàng loạt tại các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam
(Nguồn hình ảnh: Báo Lao động)
 

Bây giờ đây mẹ đang ngạt thở, thoi thóp chết với hàng tỷ sinh vật sống trong lòng đại dương mẹ dọc bờ biển Việt Nam. Mẹ thở không nổi. Hàng tỷ các con của mẹ thở không nổi: tôm, cua, sò, ốc, cá kình, cá voi, cá mập cũng không sống nổi. Tất cả đều chết vì chất độc ghê gớm nào mà loài người tạo ra rồi thảy vào đại dương của Mẹ Việt Nam! Biển Mẹ chỉ có một, Biển Nam Hải cũng là Thái Bình Dương, cũng là một khối nước với Ấn Độ Dương, cũng là Đại Tây Dương, cũng là biển Bắc cực và Nam cực. Biển bị nhiễm độc là Đất Mẹ cũng bị đầu độc. Các loài cá chết nằm đầy bờ biển, đến lượt chim chóc cũng chết theo, làm sao loài người sống được?

Các con của mẹ, xin thương lấy nhau và thương Mẹ. Nếu chúng ta không ngưng ngay tình trạng ích kỷ, nhắm mắt lo cho lợi ích riêng tư mà bỏ mất tuệ giác về mối tương quan mật thiết giữa mình và mọi người, mọi loài chung quanh, thì mẹ con chúng ta, tất cả sẽ chết.

Chúng ta hãy bắt đầu ngay từ giờ phút này, thiết lập lại mối tương quan với nhau. Hãy nhìn thấy chính chúng ta trong những người anh em đang lâm nạn, hãy truyền thông với nhau vì chúng ta thực tình đang ở trong nhau dù có nghìn trùng cách biệt. Phải nhìn thấy Mẹ và các con không phải là hai thực thể riêng biệt, phải biết sống với ý thức về mối tương quan mật thiết giữa mọi người và mọi loài, cả cỏ cây và đất đá.   

Chỉ có tuệ giác về tương tức mới có thể cho Mẹ con chúng ta thể hiện tình thương, đầu óc tỉnh thức và sức mạnh để thay đổi tình trạng nguy kịch hôm nay và xây đắp lại cuộc sống nhiệm mầu trên Đất Mẹ. Hãy giúp nhau thay đổi tức thời những yếu tố bên ngoài và cả bên trong.Và chỉ như vậy chúng ta mới còn một tương lai.

Mẹ đang oằn oại xác thân, ngộp thở trong bầu khí quyển, trong đại dương và mặt đất ô nhiễm!

Nếu các con cứ tiếp tục thì Mẹ làm sao sống được, làm sao tất cả chúng ta sống được nữa các con ơi?   

Xin mỗi người trong chúng ta hành động một cách thiết thực trong khả năng tối đa:

1. Với ý thức rằng những gì ta chọn ăn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của ta, đến sự phân phối tài nguyên, ảnh hưởng đến toàn diện sinh môi, chúng ta có thể tiến về hướng mỗi ngày một gần hơn với sự việc chỉ ăn các thức ăn thuần thực vật, như đề nghị bởi Hàn Lâm Viện Khoa Học toàn cầu, để giảm thiểu sự thay đổi khí hậu trầm trọng và ô nhiễm toàn cầu. Điều này sẽ đóng góp vào không những sức khoẻ của chính ta mà còn làm tăng trưởng lòng từ bi trong ta. Chúng ta có thể nguyện giảm thiểu 50% lượng tiêu thụ thịt và các thực phẩm đến từ sữa 15 ngày mỗi tháng.

2. Chúng ta nên tập đi về hướng ăn rau quả, nhìn sâu hơn cách sống của chúng ta và giảm thiểu cách tiêu thụ của chúng ta cho nếp sống loài người ngày thêm đơn giản. Tham lam là phó sản của cách sống ích kỷ, chỉ biết chạy theo vật chất. Lòng tham này càng ngày càng leo thang và là nguyên nhân chính cho sự mất cân bằng trên địa cầu. Mỗi người trong chúng ta nên ủng hộ những cố gắng làm giảm thiểu sự chênh lệch thu nhập và điều kiện sống giữa những nước giàu thuộc bán cầu Bắc và các nước nghèo thuộc bán cầu Nam

3. Chúng ta có thể lựa chọn những nguồn năng lượng khác thay thế cho nguồn năng lượng cổ điển (than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên…). Chúng ta nên yêu cầu các chính phủ tìm thêm những nguồn năng lượng mới thay thế những nguồn năng lượng nguyên tử hạt nhân hay những năng lượng từ dầu khí rút từ lòng đất. Chúng ta có thể phát triển xã hội và công kỹ nghệ bằng những nguồn năng lượng mới, không phải bắt buộc Đất Mẹ gánh chịu quá nhiều những nguồn năng lượng đang tàn phá trái đất này. Những chất thải của nguyên tử dù chôn dấu dưới lòng đất hay phơi trần trên sa mạc là một loai ung thư độc hại cho Địa Cầu. Nếu chúng ta cứ tiếp tục tiêu xài phung phí những năng lượng xa xỉ hôm nay thì chắc chắn ta sẽ phải đền bù bằng những bệnh tật kinh khiếp ngày mai của nhiều đời con cháu ta. Mỗi người trong chúng ta nên cố gắng giảm bớt tiêu thụ những sản phẩm cần năng lượng, nước sạch, và những sản phẩm  không cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày.

4. Chúng ta ý thức rằng kỹ nghệ thực phẩm làm ra những miếng thịt bò, thịt heo, gà vịt là nguyên nhân của những tàn phá sinh thái trên Đất Mẹ. Chúng ta khuyến cáo chính phủ mỗi nước phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những phí phạm và làm ô nhiễm môi sinh. Nhiều quy trình sản xuất làm ra miếng thịt bò, thịt heo, gà vịt rẻ tiền nhưng đang tàn hại Đất Mẹ một cách không đảo ngược được. Chúng ta cùng nhau khuyến khich các chính phủ tuyệt đối tránh phá rừng để làm những nông trại chăn nuôi khổng lồ thường phí phạm nước sạch, làm ô nhiễm lòng đất và nhắc nhủ rằng thịt động vật không phải là những nguồn thực phẩm sẽ giải quyết được vấn nạn dân số ngày càng tăng của toàn cầu.

Sư Cô Chân Không (Cao Ngọc Phượng),

******************************************************

Mong các bạn tận hưởng bao nhiêu là màu sắc của Mùa Xuân, lá rất xanh mùa Hè, không gian xanh màu ngọc bích trong nắng Hạ, những chiếc lá vàng tươi hay đỏ au mùa Thu và những rừng tuyết băng diễm ảo mùa Đông.

Mong quý bạn ý thức là người thân kia đang sống bên bạn, trên địa cầu này, mỗi người cũng là một viên ngọc quý . Ý thức sự hiên diện mầu nhiệm của họ, dù đang sống gần hay bên kia đại dương, đừng để ngày mai rồi tất cả sẽ thành chiêm bao .

 

 

  1. http://forusa.org/blogs/rene-wadlow/dai-dong-world-great-togetherness/9947

  2. June 07, 1972 – By GLADWIN HILL, Special to The New York Times – Print Headline: "Draft Calls for Ecological Responsibility"

  3. Tuyên bố từ thành phố Menton

(Nguồn hình ảnh: lindahourihan.wordpress.com)