khai mạc EIAB 2012

Bản tin của đài truyền hình Đức WDR ngày 23-08-2012

Dân chúng thành phố Waldbroel có lẽ đã rất ngạc nhiên khi thấy những người áo nâu đầu cạo trọc tới cư trú tại tòa nhà Bundeswehr cổ kính ấy trong thành phố. Việc này đã xảy ra 4 năm về trước. Các thầy và các sư cô đã thiết kế một chương trình thật gan dạ. Họ muốn chuyển hóa một tòa nhà đang suy sụp trở nên một trung tâm tu học Phật giáo. Chắc họ đã phải tốn kém cả hàng triệu, nhưng hình như họ đã thành công. Ngày hôm nay Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (V.P.H.Ư.D.C.A.) được chính thức khai mạc. Vào buổi trưa hôm nay ở Waldbroel trong khi ba con lân đang nhảy múa thì một ông thầy tu nhỏ thó xuất hiện, đầu đội mũ len, mình mặc áo choàng. Mới nhìn bên ngoài thì con người này chẳng có dáng vẻ đồ sộ oai vệ gì cả. Nhưng qủa thật đây là ông thầy tu Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, chỉ trừ đức Đạt Lai Lạt Ma.  Ngày hôm nay đệ tử ăn mừng thầy đã tròn 70 tuổi đạo. Ngày hôm nay thầy và ông thị trưởng thành phố Waldbroel làm lễ khánh thành V.P.H.Ư.D.C.A., một trung tâm Phật giáo được thiết lập tại một thành phố nhỏ mà không phải tại một đô thị lớn. Thiền sư đã trả lời câu hỏi của chúng tôi một cách rất thiền: “Chích thuốc dù chích vào vai hay chích vào mông thì thuốc cũng đều đi được vào cơ thể. Đó là câu trả lời của tôi.” Điều đó có nghĩa là dù dạy đạo Bụt ở đâu, ở Waldbroel hay ở Berlin, thì đạo Bụt cũng sẽ có ích lợi cho cả nước Đức.

Vào buổi sáng sớm trước giờ cử hành lễ khánh thành, đã có trên một ngàn người ngồi thực tập thiền chung với nhau trong một chiếc lều lớn và sau đó nghe thầy Thích Nhất Hạnh nói pháp thoại về đề tài sống chung an lạc. Ông thầy 86 tuổi này đại diện cho một đạo Bụt quốc tế có khả năng đối thoại với tất cả mọi truyền thống tôn giáo. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã sử dụng tâm lý học Phật giáo để giúp người ta sống một đời sống chánh niệm và để phòng ngừa những khổ đau đổ vở và kình chống. Rất nhiều người ngồi trong thính chúng nói rằng đạo Bụt giúp cho họ để họ có thể tự tháo gỡ được nhiều khó khăn.

Một người nói: “ Khóa tu này là những ngày nghỉ ngơi cho tâm hồn. Giống như cơ hội để mình đổ đầy lại xăng nhớt chuẩn bị cho chuyến đi kế tiếp. Mình tiếp thu thêm một ít an bình, buông bỏ được một ít bực bội, nghĩa là có thêm được an lạc, có thêm được năng lượng để sử dụng cho thời gian sắp tới.”

Một người khác, “Đối với tôi, khóa tu đem lại bình an và giúp tôi có thêm khả năng để đối phó được với công việc hàng ngày.”

Một người khác nói rằng: “Khóa tu giúp tôi sống có ý thức hơn, có hạnh phúc nhiều hơn, có an lạc nhiều hơn, và buông bỏ được nhiều bực bội.”

Tại V.P.H.Ư.D.C.A. này, người Phật tử cũng như người của các tôn giáo khác đều có cơ hội đến để học những kỹ thuật để sống hạnh phúc hơn. Mỗi năm Viện cung cấp khoảng 100 lớp học và thực tập. Trong 4 năm, các nhà hảo tâm khắp trên thế giới đã đóng góp hàng triệu đồng để tái thiết lại tòa nhà từng được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Người ta vẫn còn thấy được hình ảnh điêu khắc lưu lại từ thời Đức Quốc Xã. Nơi đây đã từng là một bệnh viện, và những người Đức Quốc Xã đã từng mang đi từ đây và giết hại cả 700 người khuyết tật. Tòa nhà vẫn còn in lại dấu tích nặng nề ấy của lịch sử. Ông Peter Koster, thị trưởng Waldbroel nói: “Chúng tôi đã mời được nhiều nhân vật từ các quốc gia khác tới đây. Họ cũng đã đi ngang qua những khổ đau của trận Đệ Nhị Thế Chiến. Tất cả đều đã có cơ hội thiền quán chiêm nghiệm để chuyển hóa những gì của quá khứ. Trách nhiệm lớn lao của chốn này là giúp chuyển hóa cho cả nhân loại.”

Chắc chắn rằng trong tương lai, cũng như ngày hôm nay, sẽ có rất nhiều người đến đây tại Waldbroel này, để cắm lều và học hỏi về đạo Bụt và về văn hóa Viễn Đông.

 

_______________________

xem bản tin (video) tại WDR

http://www.wdr.de