Mùa xuân ở Làng
«…Chầm chậm xuân về lòng đất chuyển
Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương…»
Nàng Xuân đã về và đang thì thầm cất tiếng gọi. Ông mặt trời nghe thấy liền vội mở toang cửa, rọi những tia nắng ấm áp đón mừng. Mặt đất với những hơi thở rạo rực, hổn hển đang căng phồng lên nứt mình đáp trả. Cây cối, muôn vật mở mắt, vươn vai chào đón Xuân về. Hòa theo sự thay đổi của đất trời cảnh vật ở tại Làng Mai cũng đang khoác lên mình một chiếc áo mới.
Bởi háo hức, vui mừng khi được gặp lại người thương nên Ông mặt trời đã thức dậy sớm và đi ngủ trễ hơn so với mùa đông. Lúc này Ông không còn mang khuôn mặt ủ dột, xám xịt nữa mà lúc nào cũng cười tươi với Đất. Vào cuối tháng hai đã có những buổi ban mai với những ánh nắng chói lọi và những buổi chiều vàng rực rỡ. Mặt trời đã bắt đầu quyến luyến với mặt đất mãi đến tám chín giờ tối mà vẫn không muốn rời. Hàng nghìn, hàng vạn mầm hoa thủy tiên ẩn mình dưới lòng đất sâu nay nghe tiếng gọi của nắng ấm của nhịp điệu mùa xuân liền hồi sinh biểu hiện. Trong mùa đông, mặt đất ở mé rừng bên phải của chùa Pháp Vân – Xóm Thượng – khu vực này được Thầy đặt tên là Pháp Thân Tạng – chỉ thấy toàn là lá khô và tuyết, vậy mà bây giờ những chồi non đang vươn mình trỗi dậy. Một chồi rồi hai, ba,… chồi đang nẩy lộc vươn cao. Cả một vùng đất khô cằn trước kia nay mơn mởn những chiếc lá non xanh như các bàn tay bé thơ vẫy gọi.
Pháp đàm tại Xóm Thượng
Rồi đầu tháng ba những bông hoa vàng vàng xinh xinh bắt đầu có mặt. Những cánh hoa mỏng manh, vàng tươi đang rủ nhau khoe sắc khắp cả một vùng. Nhìn từ xa cứ y như là một thảm lụa mùa vàng đang lung linh trong nắng vậy. Thật là một điều mầu nhiệm! Nếu ai mới tới Làng Mai lần đầu thì ắt hẳn sẽ thấy ngạc nhiên vô cùng bởi sự xuất hiện đột ngột của chúng, và sẽ không khỏi thắc mắc chúng đến từ đâu. Bởi sự hiện diện của chúng cứ y như là sự xuất hiện của các vị Bồ tát trong phẩm thứ 15- «Tùng Địa Dũng Xuất» – của kinh Pháp Hoa vậy. Trước khi đi khóa tu ở Anh, Sư Ông và toàn thể tứ chúng Làng Mai đã có buổi Lễ Hội Hoa Thủy Tiên trong không khí thân tình, ấm áp tại Pháp Thân Tạng để đón mừng sự mầu nhiệm của cuộc sống mà thiên nhiên ban tặng.
Hội hoa Thủy Tiên
Giữa tháng ba cây cối đâm chồi ngày càng một nhiều hơn, đâu đâu cũng là những rừng cây với những lá non xanh mướt. Vườn mận (mận được trồng để lấy trái làm mứt ăn hoặc sấy khô) ở Xóm Hạ chưa ra lá non nhưng sức sống mãnh liệt được dồn nén lại trong những tháng mùa đông qua đang được biểu hiện qua các nụ hoa. Hai năm trước những cây mận ở Làng được tỉa nên bị mất sức, do đó khi mùa Xuân đến hoa thường không nhiều lắm. Nhưng năm nay cây nào cây nào cũng chi chít những hoa là hoa, báo hiệu một mùa bội thu. Những cánh hoa mận bé tí nhưng trắng muốt, tinh khiết nở đầy từ gốc đến cành lẫn ngọn, trông cứ như tuyết đang đậu trên cây vậy. Bao quanh Xóm Hạ là 1250 cây mận nên nhìn ở đâu cũng thấy một màu trắng tinh khôi.
Đồi mận Xóm Hạ
Ngày 22.03 vừa qua, tứ chúng Mai thôn đã có một ngày quán niệm và thưởng thức Hội Hoa Mai cùng nhau tại chùa Cam Lộ- Xóm Hạ trong hương thơm của hoa mận. Giờ thiền hành hôm ấy sư cô Bích Nghiêm đã dẫn đại chúng đi quanh vườn mận ở Xóm Hạ. Từng cánh hoa trắng bé tí theo gió rơi rơi trong không gian, trên mặt đất, trên những vạt áo nâu trông đẹp lạ, cứ như hoa từ trên trời rơi xuống vậy. Đặt từng bước chân chậm rãi, nhẹ nhàng trên đất lòng thầm biết ơn sự cống hiến của cây cho cuộc đời, cho sự sống; và đồng thời cũng gởi lòng tri ân đến những bàn tay, những tấm lòng đã đóng góp để cho vườn mận đủ cơ hội có mặt như hôm nay.
Ngày xưa Làng Mai có tên là Làng Hồng, sau bởi hoa mận trông giống như bạch mai ở Việt Nam, và cũng vì ở miền Bắc Việt Nam hay gọi mận là mai (trái ô mai) nên Thầy dạy đổi tên thành Làng Mai cho hợp với thực tại. Cho nên từ đó Làng có tên là Làng Mai. Những cây mận này có mặt từ những năm đầu tiên Làng mới được thành lập, nó được trồng với mục đích để gây quỹ cho trẻ em đói ở Việt Nam trong những năm đầu thập niên 80. Trong số 1250 cây mận được trồng ở Làng có khoảng 500 cây đã được trồng với túi tiền của những thiếu nhi về Làng tham dự khóa tu Mùa Hè. Hầu hết những thiếu nhi này là người Việt.
Thiếu nhi khi gởi tiền về trồng một hoặc hai cây mận biết rằng trái mận sấy khô bán đi sẽ trở thành tiền để gởi tặng cho các bạn cùng lứa tuổi có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam nên hết lòng yểm trợ. Cây mận là sợi dây nối liền các em thiếu nhi sống ở châu Âu, châu Mỹ với các em thiếu may mắn ở quê nhà. Gốc rễ cây mận sống trên đất Xóm Hạ- Làng Mai nhưng nhờ những gốc rễ ấy mà những em thiếu nhi chủ nhân của các cây mận cũng có gốc rễ ở quê nhà. Đến mùa hè khi có dịp về Làng tham dự khóa tu thì các em có dịp thăm viếng và chăm sóc những cây mận của mình, còn nếu không về được thì nhờ bạn bè hoặc người thân chăm sóc dùm.
Đến ngày quán niệm kế sau (28.03) đại chúng lại có dịp được thưởng thức vẻ đẹp của hoa mận thêm một lần nữa tại chùa Từ Nghiêm – Xóm Mới. Vườn mận này vì không phải của Làng trồng nên không có thu hoạch trái như ở Xóm Hạ, nhưng được phép ngắm nhìn, tận hưởng và chơi với nó suốt bốn mùa. Buổi ăn cơm quá đường hôm ấy thật là một kỉ niệm khó quên đối với các bạn thiền sinh đến tu tập trong trong tuần này.
Ăn cơm quả đường tại Xóm Mới
Quý thầy quý sư cô cũng khất thực rồi đi thành hai hàng như mọi hôm, nhưng thay vì đi từ nhà ăn ra thiền đường thì nay đi từ nhà ăn ra vườn mận. Giống như hồi thời Bụt, sáng các thầy đi khất thực sau đó cùng nhau về rồi vào vườn Kỳ Đà thọ trai vậy. Hai hàng áo nâu đi giữa vườn mận trắng xóa trông đẹp lạ! Những hàng người ngồi ngay ngắn trên cỏ, trên hoa cùng nhau thưởng thức mầu nhiệm của đất trời, của thức ăn, và sự có mặt của nhau trong yên lặng. Xung quanh là muôn vàn tiếng chim hót ríu rít, tiếng vo ve của ong, tiếng thì thầm của lá; còn hoa thì đậu trên áo, rơi cả vào bát cơm. Cứ y như chư thiên đang trỗi nhạc và rải hoa cúng dường vậy.
Xuân về, sức sống tuôn dậy. Những hạt giống lành đang nẩy mầm sau các trận mưa xuân. Mọi vật dường như mới hơn, rõ hơn. Có lẽ thế mà không gian cũng trở nên rộng rãi, thoáng đãng hơn. Và tấm lòng cũng như mở ra hơn trong những trái tim đang học hiểu, học yêu thương .