Mùa Giới Đàn ấm áp
Vậy là chúng ta đã bắt đầu ăn mừng Làng Mai 30 tuổi này hơn hai tháng rưỡi rồi. Bắt đầu bằng việc đón năm mới 2012, rồi đến tết Nhâm Thìn, đặc biệt là sự ra đời Lá thư Làng Mai số 35 với rất nhiều bài viết tâm sự những chuyến đi ngoạn mục của các thầy, các sư cô với ước mơ muốn trở thành người xuất sĩ. Có người nói đùa, đây là cuốn tiểu thuyết Làng Mai, bởi vì mỗi bài là một câu chuyện thật, một cuộc phiêu lưu hay một cuộc cách mạng đầy những gian truân, thú vị của mỗi tác giả. Kế đến là Đại Giới Đàn (ĐGĐ) Tình Huynh Đệ, với sự thăm viếng và chứng minh của hơn năm mươi vị Tôn đức từ Việt Nam sang. Đây là một ĐGĐ đông chư vị tôn đức nhất trong ba mươi năm qua. Ở một nơi xa xôi này mà có đến hơn năm mươi vị chư tôn đức qua thăm viếng là một điều hy hữu.
Nhạc hội gia đình
Ngày đảnh lễ chào đón chư tôn đức thật ấm áp, hôm đó đã có đại nhạc hội và cắt bánh ăn mừng. Không khí thật vui và ấm cúng như là huynh đệ một nhà. Đặc biệt là các sư anh, sư chị, sư em Tây phương và Việt Nam đều cùng làm thị giả, cùng diễn văn nghệ cây nhà lá vườn cúng dường chư tôn đức. Sư chú Pháp Biểu người Ý nhưng thích nói và học tiếng Việt hăng hái làm người giới thiệu chương trình bằng tiếng Việt với những lời chia sẻ thân quen mà sư chú đã học được tại Làng từ tấm lòng của một người trò nhỏ, sư chú đã làm cho mái nhà tâm linh thêm gần gũi. Nụ cười và niềm vui tu học của sư chú hôm nay làm chúng con có thêm niềm tin khi được sống cùng với các sư anh, sư chị, sư em tới từ nhiều quốc gia khác nhau… Lời chia sẻ chân tình của sư chú trong một buổi pháp đàm như trở về trong từng lời chia sẻ: “…động lực cho con học tiếng Việt là được nghe pháp thoại trực tiếp của Thầy trong khóa tu mùa Đông, được nghe Thầy giảng kinh,… có cái gì đó rất thân quen mà con cảm thất thích thú… và được chơi với sư anh, sư chị sư em Việt Nam, được dự pháp đàm để hiểu nhau, hiểu văn hóa của Thầy trong đời sống cùng huynh đệ.”
Tiết mục múa “Mùa xuân này em nhớ Tây Nguyên và dân ca Nam Bộ” do quý sư cô Xóm Mới hiến tặng đại chúng trong dịp Tết Nhâm Thìn đã được trình diễn lại cúng dường chư tôn đức và đại chúng với sự tham gia của các sư cô trẻ. Thật là vui khi có những sư cô ở Làng phải lo Phật sự thì đã có các sư cô khác từ Viện Phật Học ở Đức qua Làng nhận Giới và tình nguyện thế vào chỗ trống. Những chiếc gùi sư chị, sư em lui cui ngồi cắt dán từ cái sọt rác thân quen đã được dấu kỹ để dành nhân dịp này mới đem ra múa trong nụ cười rạng rỡ trẻ trung. Tiếng nhịp mõ tre hòa vào tiếng hát ca và ánh mắt long lanh ngời sáng cái tuổi xuân ca đầy đạo vị như đang hòa vào ánh nắng đầu xuân của Làng. Đây những chiếc nón tre ngày ngày che nắng với chiếc áo nhật bình, chiếc áo vạt hò lam thân thuộc đã cùng các sư chị, sư em người Malaysia, Indonesia, Hong Kong làm trang phục múa cùng nhau. Thêm vào đó sư em Trai Nghiêm (người Nhật) và thầy Pháp Linh (người Anh) hiến tặng chư tôn đức tiết mục hòa nhạc của đàn vĩ cầm và phong cầm…
Những lời chia sẻ của sư cô Chân Không, sư cô Chân Đức kể về sự ra đời của Làng cùng những người học trò đầu tiên. Và thêm nữa, sư cô Châu Nghiêm đã cúng dường một trò chơi tập thể, chư tôn đức cùng toàn thể đại chúng đã làm nên những tiếng mưa lác đác, nho nhỏ, lộp độp… cơn mưa từ từ tạnh nhưng âm hưởng, nhịp điệu của người và thiên nhiên như còn ở lại…
Cuối buổi, quý thầy quý sư cô đã niệm danh hiệu đức Bồ tát Avalokiteshvara. Trước khi niệm, Sư Ông đã cùng lên đứng giữa các thầy, các sư cô và bày tỏ lòng biết ơn đến chư tôn đức. Sư Ông nói tới sự có mặt của Làng Mai ở Tây phương như một món quà mà Việt Nam hiến tặng cho quốc tế. Bởi vì Làng Mai có gốc rễ từ đạo Bụt Việt Nam. Một buổi đảnh lễ chư tôn đức rất gia đình và gần gũi.
Bản giao hưởng huynh đệ
Đây sư em Trai Nghiêm lui cui chuẩn bị món bánh Nhật, đặc sản quê nhà cúng dường chư tôn đức; sư mẹ Thoại Nghiêm đăng ký một món, sư mẹ Hoa Nghiêm một món, sư mẹ Bảo Nghiêm một món, sư mẹ Định Nghiêm, sư cô Trí Giác…, các sư mẹ đã cùng xuống bếp đóng góp tình huynh đệ rất hăng say và hết lòng. Những món ăn không có gì cao sang cũng chỉ là rau đậu hàng ngày đó thôi, nhưng gói theo niềm vui khi có mặt cùng nhau làm, rồi cùng nhau tham gia những buổi lễ, hay nghe Sư Ông chia sẻ Kệ Truyền Đăng… đó là một bản giao hưởng thật đẹp. Lúc này hình ảnh Sư Ông thường ví dụ trong các buổi pháp thoại về vũ điệu của một một đàn ong, một đàn kiến, hay sự biểu hiện của một bông hoa, môt rừng cây như tiếp thêm cho chúng con năng lượng. Và chúng con thấy thật sự thiên nhiên đã có mặt trong lòng cuộc sống lâu rồi nhưng chúng con ít khi nào nhận diện ra điều mầu nhiệm đó.
Sống động tình thầy trò
Ngày thứ 5 của ĐGĐ, Sư Ông mời chư tôn đức đi thăm “Con Đường Huyền Thoại”, thăm Sơn Hạ và viết thư pháp theo đề nghị của chư tôn đức. Tại chùa Sơn Hạ, những câu thư pháp sống động tình thầy trò, tình huynh đệ đã làm chứng tích để lại cho đời… Trong giây phút ngắn ngủi đó đã có những hình ảnh đẹp, những câu chuyện đẹp… Làm sao quên được sự thân thương của gia đình tâm linh khi một vị Hòa thượng được Sư Ông trao thư pháp cho thì nâng lấy đôi bàn tay của Sư Ông đặt lên trán rất âu yếm, rất thân thương….
Thấy như vậy một Sư bà lên tiếng hỏi: “Bạch Hòa thượng! Sư Ông đã viết thư pháp cho rồi sao Hòa thượng còn cầm tay làm chi nữa…”
Hòa thượng mới bộc bạch: “Tui cầm, vì tui thương đôi bàn tay hơn tám mươi tuổi rồi mà viết không có run.”
Đại chúng ai cũng cảm động bởi sự ân cần, gần gũi, thương kính của các bậc trưởng thượng… Vậy đó, không khí thật là chan chứa tình huynh đệ một nhà.
Trong suốt thời gian ĐGĐ, hạnh phúc nhất là thấy được hình ảnh chư tôn đức dùng cơm chung với nhau, đi thiền hành chung với nhau, đi chợ chung với nhau, đi picnic chung với nhau…. Hình ảnh nào cũng đẹp, cũng thương. Sư bà Bồ Đề, tuổi đã hơn tám mươi nhưng vẫn thuộc làu bài “Hoa vẫn nở trên đường quê hương”. Trước khi hát, có một vị tôn túc hái một bông hoa đầu xuân trên thảm cỏ tặng cho Sư bà và đề nghị Sư bà: “Sư bà hát đi, hát tặng Sư Ông đi!” Vậy là Sư bà cầm hoa và bắt đầu hát. Hồn nhiên, dễ thương mà đầy sự cung kính của một người học trò đối với người thầy quý kính. Sư bà hát với tất cả niềm vui làm chúng con thật cảm động.
Chư tôn túc thiền hành cùng Sư Ông
Thâm tình một chuyến đi
Sau ĐGĐ, chư Tôn đức đi thăm Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EAIB) và các thành phố Koln, Frankfurt, Heidelberg, Strasbourg ở Đức, có một ngày đi thăm thành phố Amsterdam ở Hòa Lan. Sau đó phái đoàn về thăm Paris. Mặc dù trong chuyến đi thăm này, vẫn còn nhiều điều thiếu sót nhưng chư tôn đức đã hoan hỷ chấp nhận những lỗi lầm của chúng con và cho chúng con tình thương trên cuộc hành trình về Làng, cũng như đi thăm viếng các trung tâm tu học của Làng. Chúng con biết ơn tình thương của chư tôn đức dành cho chúng con. Chúng con như tiếp nhận thêm năng lượng để tu học với tình thương ấy. Giờ đây Đại Giới Đàn đã đi qua, nhưng những câu chuyện, những hình ảnh ấy vẫn còn… Đâu đó bên chung trà vẫn còn để lại nụ cười, ánh mắt, dáng hình của chư tôn đức, của Thầy, của sư cha, sư mẹ, sư chị sư em chúng con. Chúng con xin cảm tạ tấm chân tình của chư tôn đức và xin giữ lại làm hành trang cho mình trên bước đường tập tu, tập sống.
Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EAIB)– Thành phố Waldbröl – Đức
Nhà thờ lớn ở thành phố Koln – Đức
Tại chánh điện ngôi chùa Việt Nam ở Hà Lan
Tặng thư pháp cho chủ nhân của Bảo tàng Tượng Bụt
Bảo Tàng Tượng Bụt – Đức
Thành phố Heidelberg
Chùa Phật Huệ – Frankfurt
Tụng kinh hộ niệm
Trước tòa nhà Nghị Viện Âu Châu – Strasbourg
Bảo tàng Louvre – Paris
Đồi montmartre – Paris
Nhà thờ Đức Bà Paris