Mở rộng vòng tay


Tết tết tết tết đến rồi

Tết tết tết tết đến rồi

Tết tết tết tết đến rồi

Tết đến trong tim mọi người.

 

Mừng ngày tết trên khắp quê tôi

Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi

Đàn em thơ khoe áo mới

Chạy tung tăng vui pháo hoa.


Mừng ngày tết trên khắp quê tôi

Người ra Trung ra Bắc vô Nam

Dù đi đâu ai cũng nhớ

Về chung vui bên gia đình.


 

Gia đình Làng Mai năm nay làm lễ dựng cây nêu ngày tết tại xóm Hạ, gần tháp chuông.  Sư Ông đã niêm hương và đại chúng cùng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm đón một năm mới bình an đang về.

Bài pháp thoại của Sư Ông sáng ngày 22 tháng chạp năm nay giúp đại chúng có cơ hội quán chiếu  đi ra những khó khăn khi Sư Ông khai mở “Hạnh phúc là cái gì đó mình phải học thì khổ đau cũng vậy. Mình không những học nghệ thuật hạnh phúc mà mình học cả nghệ thuật khổ đau nữa.” Bài kệ:

Bụt là thở
Bụt là ngồi
Mình là thở
Mình là ngồi.

Làm chiếc cầu nối tâm linh cho Bụt và mình gặp nhau trong những ngày cuối năm. Để khi đó thì mình kịp nhận ra  khi mình “Thở cho an, ngồi cho vững” thì:

Chỉ có khổ
Chỉ có vui
Không người khổ
Không người vui.


 

Bài kệ đã dẫn đại chúng về trong từng bước chân thiền hành quanh hồ sen rồi hướng về thiền đường Cam Lộ nghe kể về văn hóa gói bánh ngày tết cho các bạn thiền sinh cùng các em nhỏ. Những ngày cuối năm bận rộn với nếp, đậu, lá và bao nhiêu chuyện…  nhưng quý sư chị sư em xóm Hạ vẫn dành chút thời gian đem hương xuân về Làng với những chậu hoa tươi thắm như lan, hồng, cúc, cẩm chướng…

Sư chị ghé nhỏ vào tai sư em thị giả:

–         Thỉnh Thầy khai trương chợ hoa đi sư em.

Sư em thị giả thưa Thầy:

–         Dạ, kính mời Thầy đi chợ hoa.

Thầy bảo:

–         Thầy không có tiền làm sao mua?

Sư em thị giả:

–          Dạ, để con đi mượn…


Thế là Thầy trò cùng đi bộ đến chợ hoa ngày tết…  Mùa Đông năm nay trời lạnh muộn nên tết đến nơi rồi mà hiếm còn một đóa hoa nào biểu hiện. Chợ hoa có mặt ở Làng mang hương xuân về hiến tặng cùng nhau. Đây sư chị, sư em lặn lội mang hoa từ xa về để sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị, sư em cùng các bạn thiền sinh có cơ hội dạo quanh tháp chuông chọn những chậu hoa nho nhỏ tặng nhau, hay mua về trang trí phòng trong những ngày tết. Chợ hoa ra đời như một cuộc chơi “đồ hàng” ( trò chơi của các em nhỏ thường giả làm mẹ, làm chị để được nấu cơm, bún,… chơi trò bán mua bằng lá cây thay tiền) thuở nhỏ.

Ngày monastic cuối năm, ba xóm bốn chùa về ngồi bên bếp lửa Sơn Cốc  kể lại chuyện vui tổ chức chợ hoa: “Thưa Thầy chợ hoa chỉ có từ lổ đến huề vốn mà thôi, vì chúng con để nguyên giá… nhưng sư em thủ quỹ sẽ là người mua sau cùng thưa Thầy. ” Những giờ phút  ngắn ngủi dạo quanh chợ hoa ngày tết đã mở đầu cho một mùa xuân tươi trẻ có mặt tại Làng.

 

Đôi bàn tay mẹ

Và giờ này trong những ngày giáp tết tại Làng, giây phút ngồi quay quần bên nhau gói bánh tét,  bánh chưng  và cùng hát  những bài hát xuân, những bài hát về  tình gia đình, tình quê hương… trong sự đầm ấm. Khí trời mùa Đông  tại miền Nam nước Pháp bây giờ đang trở lạnh, những tàu lá chuối co quắp dưới cái lạnh xa quê. Sư mẹ dạy sư chị sư em con rọc những bẹ chuối còn xanh để dành cho ngày tết.  Và để có bánh cho cả Làng hơn 400 người dùng trong ba ngày tết, sư chị sư em tri khố đã phải chịu khó gom lá từ các chợ, và có cả những tàu lá chuối quê hương trên những con đường làng nước Pháp cũng  đã được người dân quanh vùng cúng dường cho quý sư cô gói bánh ngày tết. Những chiếc bánh xa quê cất chứa bao tình thương của mẹ, của chị, của em là thế đó…

 

 

Đôi bàn tay khéo léo của mẹ, của cha cùng biểu hiện trong nhiều đôi bàn tay, đây đôi tay của sư em Trăng  Đầu Hạ (sư em là mẹ của hai sư cô, nên đại chúng thường gọi với cái tên thân thương “sư em má mi”). Sư em má mi thong thả gọt những củ cà rốt, củ cải trắng, những quả đu đủ xanh… để làm dưa món. Một tuần, hai tuần trôi qua đều đặn trong sự tu học, trên góc tủ xóm Mới cũng dần xuất hiện thêm những hủ dưa món đậm tình thương của sư em. Mùa Đông hiếm có những ngày nắng giòn như ở quê mình, sư chị sư em xóm Hạ đã bắt đầu làm dưa món trong những ngày làm biếng sau Khóa Tu Mùa Hè… Đặc biệt, ở xóm quý thầy, bàn tay mẹ cũng đã có mặt cùng đôi bàn tay của sư anh, sư em với những hủ kim chi, dưa món, bánh ngọt, mứt…  Mẹ ơi tình mẹ đã theo chúng con đi trên mọi nẻo đường, và bàn tay mẹ đã có mặt tại Làng trong những ngày tết xa quê.

 

 

Giờ này ngoài kia, anh, sư chị sư em con tại mỗi xóm đang canh nồi bánh tết, mùi khói thân quen bên bếp lửa hồng cùng tiếng nổ tí tách của những cành củi đang cháy và mùi thơm của nếp, của đậu đang lan tỏa trong những ngày giáp tết. Nồi bánh văn hóa ngày tết như đẹp hơn khi các sư anh, sư chị, sư em và các bạn thiền sinh cùng ngồi quanh bếp lửa hát những bài hát quê hương. Nhà càng đông con, nồi bánh càng đậm đà tình quê đoàn tụ, thật đẹp sao khi có nhiều bạn thiền sinh cảm nhận hơn 300 người trẻ Việt cùng ngồi bên nhau gói bánh, nấu bánh và hát cho nhau nghe trong niềm vui giản dị. Có một bạn thiền sinh nam đã tâm sự: “Đây là lần đầu tiên anh được tham dự một cuộc vui thâu đêm mà không cần rượu, thịt và ‘bạn gái’” . Đây một cô bạn thiền sinh bập bẹ học cho được vài tiếng Việt để nói hai tiếng “cảm ơn”. Đây một cô bạn thiền sinh khác cầm bánh cùng lá ngồi năn nỉ xin tập gói bánh. Đây một nhóm các bạn thiền sinh tận tình xin tình nguyện chà nồi khi bánh vừa mới vớt…

 

 

Và khi gia đình xuất sĩ ngồi lại bên nhau, một sư em miền Nam tâm sự: “Thưa thầy, vô chùa con mới thấy được cách gói bánh, nấu bánh… con không biết gói nên tình nguyện chà nồi. Nhưng khi ngồi chơi với sư anh, sư chị, sư em Tây phương, sư chị sư em muốn biết thêm về truyền thống và cách thức gói bánh ở nhà con. Điều này làm con quê quê khi bao nhiêu năm trước đây con chỉ biết mua bánh mà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện gói bánh… Sư chị sư em Tây phương nói rằng, đây là một văn hóa đẹp mà con nên gìn giữ…”

 

Chiều nay pháp đàm, chúng con chia sẻ những ngày tết ở nhà và những ngày tết trong chùa. Một sư em kể rằng: “Con đã gọi điện cho cha con và khuyến khích cha con làm bánh tét như ở Làng. Bởi làng con ở đảo nên không biết nấu bánh. Bao nhiêu năm con ăn bánh sống (nấu chưa tới). Thế mà cả làng con đều khen ngon. Lần đầu tiên con được ăn miếng bánh chín tại Bát Nhã làm con hạnh phúc quá. Năm nay con quyết định thuyết phục cha con giúp làng con làm cho được chiếc bánh ngon như ở Làng. Con nói: “Cha ơi! Cha có thể để lại cho làng chiếc bánh chưng ngày tết như vua Lang Liêu đã để lại cho mình tục lệ gói bánh ngày tết vậy…”



Vẫn còn nhiều chuyện chúng con kể cho nhau nghe trong những ngày tết và ngoài hiên như vẫn còn văng vẳng tiếng hát:

Đây tay anh tay em nối liền

Đây tay chị, tay anh, tay em

Tay chúng mình nối lớn

Mình mở rộng vòng tay

Cho yêu thương thắp trên địa cầu

Ở trong một vòng tay

Ở trong một vòng tay.