văn – Trước 2014

Tăng thân- môi trường tốt nhất cho tôi

Ngoài kia sương mù phủ đầy núi rừng của Lộc Uyển. Hình như Lộc Uyển đang được ôm trọn bởi một không gian yên tĩnh của đất trời. Tiếng chuông thức chúng được khởi đầu cho ngày mới vào đúng 5 giờ sáng và tiếp theo là tiếng chuông Đại hồng được ngân lên từ lầu chuông trước thiền đường Thái Bình Dương. Tiếng chuông Đại hồng thật hùng tráng hòa lẫn với giọng hô canh thanh thoát của một sư cô làm tăng thêm sự yên bình của một ngày mới.

Hôm nay là ngày thứ tư trong khóa tu năm ngày cho người nói tiếng Việt tại Tu Viện Lộc Uyển với đề tài ‘Mở Cửa Trái Tim’. Với không khí yên tĩnh và nhẹ nhàng của ngày mới, đại chúng sắp hàng lấy thức ăn (packed breakfast) vào lúc 5h30 sáng để chuẩn bị leo núi ăn sáng theo chương trình đã được sắp đặt. Trong khi sương mù vẫn còn rơi lác đác, đoàn người chúng tôi có khoảng 500 người gồm tu sĩ lẫn thiền sinh chầm chậm thiền hành hướng theo con đường quanh co lên đỉnh núi. Mọi người lên đến đỉnh núi Voi thì thấy Sư Ông đã thiền tọa ở đấy với thị giả của Ngài tự bao giờ. Tại đỉnh núi này, có những tảng đá vô cùng to lớn và bằng phẳng.

Hình như chúng đã có mặt ở nơi này từ bao nhiêu trăm năm. Đằng trước là một biển mây bao phủ cả một vùng thành phố Escondido. Nó cho ta một cảm tượng như mình đang ngồi lơ lững trên mây ở một cõi Thiên đường nào đó. Một cảnh tượng đầy thiền vị trong không gian mênh mông của đất trời hùng vĩ. Mọi người ai cũng chọn cho mình một chỗ ngồi thật thoải mái trên những tảng đá mầu nhiệm của thiên nhiên.

Thiền tọa được nửa tiếng thì chúng tôi nghe tín hiệu xả thiền. Tôi nhẹ nhàng mở mắt thì bỗng thấy mặt trời đã lên từ phía Đông và làm cho biển mây phía trước hiện rõ thêm lên. Đại chúng được dùng sáng trong không khí yên lành trên đỉnh núi. Ăn sáng được một lúc, Sư Ông chỉ cho tôi thấy một đàn kiến không biết bao nhiêu là con đang tha những miếng cốm gạo vụn mà chúng tôi đã vô tình đánh rơi. Chúng tha về một hướng. Có những con thật bé nhỏ lại tha những miếng cốm gạo hoặc những vỏ khoai to hơn chúng gấp mấy lần. Có khi có tới hai hoặc ba con cùng tha chung một miếng. Sư Ông rất từ bi bỏ thêm thức ăn xuống để chúng tha hồ mang về tổ làm lương thực cho đồng bọn. Sư Ông bảo tôi: “Con lấy máy hình ra chụp!” Tôi vâng lời Sư Ông đem máy ra chụp và cảm thấy rất hiếu kỳ, muốn xem chúng tha đến đâu và cho bao nhiêu đồng bọn.

Thế nên tôi lần mò đi theo con đường của chúng đang tha. Tôi cảm thấy rất tội nghiệp khi nhìn thấy được những con kiến bé nhỏ mà lại phải tha những miếng thức ăn to lớn hơn thân thể của chính mình. Có những khúc đường quanh co lên xuống, có con phải bị ‘lăn cù mèo’ vì miếng thức ăn nặng quá làm chúng mất thăng bằng. Trong khi quán sát, tôi không hề làm động đậy gì đến chúng. Tôi cứ để chúng tự nhiên như tôi không hề có mặt. Cuộc quán sát của tôi cuối cùng chỉ theo dõi được tới cửa hang của chúng. Đó là một kẽ đá có rất nhiều đất cát. Tôi thất vọng đành phải dừng lại ngay đây, còn chúng thì tự nhiên tiếp tục cuộc hành trình tha vào. Sự hiếu kỳ này vẫn còn lai vãng trong tàng thức của tôi những hôm kế tiếp.

Có một bữa nọ, tôi được xem một đoạn phim tài liệu ngắn về ‘Animal Planet’. Trong cuốn phim này có một đoạn chiếu về cuộc sống và sự sinh hoạt của đàn kiến. Một bầy kiến không biết là bao nhiêu ngàn con và chúng kéo nhau ra một cánh đồng cỏ. Tôi không rõ là loại cỏ gì nhưng rất xanh cao, nhìn giống như lúa mạ non vậy. Có rất nhiều con leo lên cây cỏ và cắn những ngọn cỏ non cho rơi xuống, còn những con ở dưới thì tha về tổ. Mỗi con có một nhiệm vụ đặc biệt riêng của nó. Có con thì chỉ leo lên cây để cắn cho ngọn cỏ đứt xuống, có con thì chỉ có nhiệm vụ tha về, còn có con thì chỉ ở trong hang đúc ráp những ngọn cỏ được đem về lại thành những cái tổ nhỏ dưới lòng đất. Có những ngọn cỏ nặng quá phải có tới hai con mới tha về nổi. Tôi thấy chúng làm việc rất hài hòa và phối hợp công tác thật chặt chẽ, làm việc như một tổng thể mà trong đó không có nhân vật lãnh đạo và cũng không có sự phân biệt cá nhân. Không có con nào than phiền con nào. Cách sống của chúng làm tôi nhớ đến tăng thân của chúng tôi.

Tại tu viện cũng như mỗi khi đi ra ngoài hướng dẫn khóa tu, đặc biệt là trong các khóa tu tại Bắc Mỹ vừa qua, anh chị em chúng tôi sống và làm việc như một đàn kiến và đi với nhau như một dòng sông. Chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ vừa qua kéo dài hơn ba tháng, gồm có năm buổi pháp thoại công cộng, tám ngày quán niệm vào cuối tuần, một buổi triển lãm thư pháp của Sư Ông, bảy khóa tu tại các tiểu bang Vancouver B.C., Colorado, California, Mississippi, New York, Washington D.C. và Virginia, nửa ngày quán niệm với nhân viên Google tại trụ sở Google và một buổi thuyết giảng cho Dân Biểu tại Washington, D.C. Mỗi khóa tu có khoảng từ 800 cho đến 1000 thiền sinh tham dự. Những ngày quán niệm thì có từ 1000 cho đến 1600 người và những buổi pháp thoại công cộng thì có khoảng 2500 người. Tất cả những sinh hoạt trong chuyến đi, phần nhiều do quý thầy quý sư cô đứng ra tổ chức. Anh chị em chúng tôi đảm trách mọi nhiệm vụ và lo từ trên xuống dưới cũng như từ trong ra ngoài. Cứ mỗi chuyến đi như thế ban tổ chức phải mất ít nhất là một đến hai năm để chuẩn bị.

Mỗi người trong chuyến đi đều có công việc được ban tổ chức giao phó. Chúng tôi làm việc chung với nhau như một tổng thể. Người thì lo phần tổ chức, người thì lo chuyện ghi danh văn phòng, người thì đảm trách nhiệm đón tiếp và hướng dẫn thiền sinh, người thì chuyên môn đi chợ mua thức ăn, người thì lo chuyện nấu ăn, người thì chuyên về phòng ốc cho thiền sinh, người thì lo vệ sinh công cộng, người thì lo sắp xếp thiền đường, người thì đảm trách về phần xe cộ, người thì lo chăm sóc cho trẻ em, người thì lo về chuyện quay phim, người thì lo về chuyện phát hành băng đĩa, còn người thì lo về chuyện phát hành thư pháp và sách của Sư Ông, v.v.. Tất cả những công việc được phối hợp rất chặt chẽ và liên quan với nhau–khâu này ăn liền với khâu khác. Nếu có huynh đệ nào không khoẻ thì sẽ có những huynh đệ khác thế vào, hoặc công việc của khu nào cần nhiều người giúp thì tự nhiên cũng có những huynh đệ khác tình nguyện đến giúp đỡ liền.

Trong những chuyến hoằng pháp cũng như những khóa tu lớn như thế, chúng tôi đã làm có biết bao nhiêu là công việc, nhưng ít có một ai than phiền hoặc trách móc một điều gì. Thỉnh thoảng cũng có một vài chuyện nhỏ nhặt xảy ra, nhưng đây cũng là cơ hội để anh em chúng tôi học hỏi và hiểu nhau nhiều hơn trong quá trình tu học và làm việc. Có một thầy vừa làm trong ban tổ chức, vừa làm thủ quỹ và sổ sách, vừa có chân trong đội nấu ăn và phát hành CD. Thầy có nhiều công việc để làm nhưng lúc nào thầy cũng cười tươi và có đầy năng lượng.  Có một lần tôi thấy thầy đang làm việc sổ sách khá nhiều. Tôi nói: “Tội nghiệp sư anh làm chi mà nhiều quá, để sư em làm giúp cho một tay.” Thầy rất dễ thương, nhìn tôi và mỉm cười đáp lại: “Giấy tờ hơi phức tạp, thôi để sư anh làm.” Tôi nói: “Sư anh nhớ giữ gìn sức khỏe.” Thầy cười rồi trả lời theo cách hài hước của thầy: “Cần chi sống cho nhiều. Sống đến 40 tuổi là đủ rồi.” Tôi cũng hài hước đáp lại: “Sư Ông đã dạy: Người nào đi trước Sư Ông là người đó bất hiếu. Chúng ta còn sứ mạng do Bụt do Sư Ông ký thác và chúng ta không thể nào được đi sớm như vậy.”  Nói xong hai anh em tôi cùng cười.

Trong những khóa tu, đâu đâu cũng thấy cái vui vẻ và nghe những tiếng cười giòn, đặc biệt là từ nhà bếp. Quý thầy quý sư cô làm việc chung với nhau trong nhà bếp vui lắm. Một đội nấu ăn chỉ có năm hoặc sáu người vậy mà phải nấu cho cả ngàn thiền sinh. Thế mà ai ai cũng làm trong niềm hạnh phúc, bởi vì niềm hạnh phúc ấy được chế tác bằng tình thương, bằng tình huynh đệ. Một hôm tôi đi vào nhà bếp có việc thì thấy một sư cô đang đứng chiên đậu hủ. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy sư cô này ngày hôm nay sao lại cao như thế. Khi nhìn kỹ lại thì thấy sư cô đang đứng trên một cái ghế đẩu để có đủ độ cao so với cái lò mà sư cô đang chiên đậu hủ. Và khi nhìn qua bên tay trái của sư cô, tôi thấy rất nhiều miếng đậu hủ đã được chiên, miếng nào nhìn thấy cũng khá ngon. Tôi nghĩ thầm, “Chiên được bao nhiêu miếng đậu hủ như thế này thì phải mất một thời gian khá lâu.”

Trong không khí nóng bức của buổi trưa hè vậy mà nét mặt của sư cô vẫn tươi mát. Tôi nói: “Sư cô giỏi quá đi!” Cũng trong đội nấu ăn này tôi thấy có một thầy lớn đang nấu ăn. Thầy lớn tức là thầy có hạ lạp cao. Thầy cũng được ban tổ chức sắp xếp vào đội nấu ăn. Đây là tinh thần đồng sự, đồng sức và đồng tâm của anh chị em chúng tôi – anh chị em cùng làm việc với nhau. Tôi thấy thầy đang nấu món cà ri và đang dùng một cây vá gỗ thật to và dài để quậy. Nhìn nồi cà ri thật là hấp dẫn, nhưng cái thích thú là nồi cà ri cao hơn phân nửa người của thầy. Cái nồi này ít nhất phải có ba đến bốn người mới khiêng nổi. Tôi hài hước nghĩ thầm, “Nấu ăn như thế này thì khỏi cần phải tập tạ.” Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, bởi vì tôi biết chắc rằng tất cả những thức ăn này đều được làm bằng tình thương của quý thầy quý sư cô và khi ăn vào các thiền sinh sẽ cảm nhận được điều ấy.

Trong chuyến đi, ngoài giờ theo thời khóa cũng như làm công việc ra, tôi có một sở thích là đi xem mấy em nhỏ chơi giỡn và các quầy bán hàng như thế nào, đặc biệt là quầy bán thư pháp. Tôi thường thích ngắm nhìn các em nhỏ chơi giỡn nô đùa. Tôi thấy các em rất hồn nhiên như những thiên thần đang thị hiện, đặc biệt là những tiếng cười vang của các em. Khóa tu nào cũng có ít nhất là vài chục em trẻ về tham dự cùng với phụ huynh. Có những thầy, sư cô biết cách chăm sóc các em trẻ rất tài tình. Phần nhiều quý thầy quý sư cô này là ‘baby monk’ hoặc ‘baby nun’.  Các thầy các sư cô được tu học và lớn lên trong tu viện. Và mỗi khi hướng dẫn, chơi với các em trẻ quý thầy quý sư cô đã làm bằng tất cả trái tim của mình, thành ra các em trẻ mỗi lần được đến tham dự khóa tu của Làng thì vô cùng hạnh phúc. Khi nhìn vào những cặp mắt long lanh đầy hồn nhiên của các em, chúng tôi biết được rằng mình đang gieo trồng được những hạt giống tốt – hạt giống của bình an, hạt giống của hạnh phúc và hạt giống của giác ngộ.

Tại quầy bán thư pháp của Sư Ông lúc nào cũng đông người. Có một sư cô lớn cũng tình nguyện ra giúp các sư em bán hàng mặc dù sư cô đã có biết bao nhiêu công việc khác. Bán hàng không chỉ là công việc bán hàng, mà trong đó còn có yếu tố của sự tu học và chơi nữa. Chị em lớn nhỏ một lòng làm việc trong niềm vui hòa hợp và hạnh phúc. Đây không những là cơ hội để sư chị trao truyền kinh nghiệm của mình cho các sư em mà cũng là cơ hội để độ người. Người đến xem thư pháp của Sư Ông thường có rất nhiều câu hỏi về ý nghĩa của những câu thư pháp. Vì vậy quầy thư pháp cũng là một pháp đường. Ngoài khả năng giảng giải thư pháp linh động của sư chị, quầy thư pháp còn có những sư em thật tươi mát và có tính hài hước làm thiền sinh rất thích đến viếng thăm. Thư pháp của Sư Ông có mục đích giúp người thỉnh về để thực tập. Ví dụ như câu: Thở đi con, An lạc từng bước chân, Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ, v.v.

Tuy những khóa tu có rất đông người tham dự nhưng khung cảnh rất thiền vị và thanh bình. Có một thiền sinh nói rằng: “Khóa tu này có khoảng 1000 người mà tôi không có cảm giác đông người đến như vậy. Không khí thật khác hẳn bên ngoài.” Khóa tu nào cũng có những người đã có kinh nghiệm tu tập theo pháp môn của Làng và cũng có rất nhiều thiền sinh mới. Những thiền sinh cũ tu tập rất đàng hoàng và nhờ thế làm được nền tảng cho sự tu tập của thiền sinh mới. Trong một buổi thiền hành đông đảo, có một cô thiền sinh thốt lên: “Thật tuyệt vời! Chúng ta đang được đi trong Thiên đường!” Thấy được Thiên đường là nhờ có chánh niệm, đặc biệt là chánh niệm tập thể. Chánh niệm tập thể là chánh niệm tăng thân. Nhờ có tăng thân ta thấy được Thiên đường.

Trong một buổi pháp đàm tại khóa tu ở Estes Park, Colorado, có một thiền sinh hỏi tôi: “Trong khóa tu này có tới 800 người, mọi thứ đều do quý thầy quý sư cô lo hết. Tôi thật sự rất ngạc nhiên khi thấy quý thầy quý sư cô làm hết những công việc và làm một cách rất hết lòng. Nhưng tôi rất hiếu kỳ muốn biết làm sao quý thầy quý sư cô có nhiều năng lượng đến như thế?” Tôi nhìn cô rồi đơn giản mỉm cười trả lời rằng: “Nước mắt và nụ cười của quý vị là nguồn năng lượng cho chúng tôi.” Thật vậy, có những giọt nước mắt làm bằng những nỗi khổ niềm đau và cũng có những giọt nước mắt làm bằng chất liệu của hạnh phúc. Và nụ cười là dấu hiệu của hạnh phúc, của niềm an lạc và sự chuyển hóa. Cả hai thứ đều là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng tâm thương yêu của chúng tôi. Nhờ thế chúng tôi có được nhiều năng lượng để đi tới, để có thể làm được những gì chúng tôi đang làm. Tôi thấy được làm một người tu như thế này thật là nuôi dưỡng, thật là hạnh phúc, bởi vì chúng tôi gặp được pháp môn thích hợp và làm được những công việc độ sinh của Bụt do Sư Ông trực tiếp trao truyền.


Thật ra người có nhiều lợi ích nhất đối với tôi chính là quý thầy quý sư cô. Khi đi hướng dẫn những khóa tu như thế, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với những khó khăn và khổ đau từ nhiều thành phần trong xã hội. Là người tu, có những nơi chúng tôi không đi tới được và những điều mà chúng tôi cũng không thể làm như những người cư sĩ. Nhưng nhờ tiếp xúc và lắng nghe được từ những kinh nghiệm sống của họ, ví như những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống hàng ngày của họ giúp chúng tôi thấy được những khía cạnh khác của cuộc đời một cách rõ ràng hơn. Có những lúc chúng tôi chỉ ngồi lắng nghe thôi thì cũng đã làm cho họ vơi đi biết bao nhiêu là khổ đau rồi. Và khi ngồi lắng nghe được những nỗi khổ niềm đau thầm kín của họ thì trong tôi tự nhiên ứa ra được năng lượng của từ bi. Đây là một loại năng lượng làm cho tôi vô cùng hạnh phúc mỗi khi chế tác được.

 

Tôi thấy làm một người tu thật là mầu nhiệm, đặc biệt là những lúc có cơ hội độ người. Đối với tôi những điều ‘mầu nhiệm’ không cần phải là những gì cao siêu lắm đâu, mà là những gì mình có thể thực hiện và làm được mỗi ngày. Giúp được mình và người tu học có kết quả, đem lại sự trị liệu, chuyển hóa, niềm hạnh phúc và an lạc cho mình và cho người thì đó quả là mầu nhiệm lắm rồi. Tôi thấy cuộc đời này đối với tôi như vầy là quá đầy đủ và quá hạnh phúc. Còn chi nữa mà tìm cầu.

 

Ngoài vấn đề tu học và hướng dẫn thiền sinh trong những khóa tu, chúng tôi còn có một nghệ thuật song song cần phải được chế tác và nuôi dưỡng hàng ngày trong chuyến đi, đó là nghệ thuật xây dựng tình huynh đệ. Tình huynh đệ là nền tảng hạnh phúc trong sự tu học của chúng tôi. Những gì chúng tôi làm cũng nhằm mục đích để xây dựng tình huynh đệ. Và uống trà là một trong những phương pháp gần gũi nhất để xây dựng tình huynh đệ trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Uống trà cũng là thiền tập. Mỗi một bình trà như thế có tới biết bao nhiêu câu chuyện vui để chia sẻ và học hỏi lẫn nhau, đặc biệt là được ngồi chung với huynh đệ của mình trò chuyện sau những buổi công phu, những buổi leo núi thì còn gì bằng. Chúng tôi vừa tu, vừa chơi, vừa làm việc và cũng vừa học hỏi. Chỉ có sống và làm việc theo tinh thần ấy thì những chuyến hoằng pháp quy mô như thế này mới có thể thành công một cách trọn vẹn và mang được nhiều lợi lạc cho thiền sinh.

 

Anh chị em chúng tôi làm việc bên nhau như một đàn kiến, như những tế bào của một cơ thể. Mỗi người đều có nhiệm vụ của mình. Một đàn kiến làm việc hài hòa bên nhau, cái đặc biệt là trong cái cơ thể ấy không có một tế bào lãnh đạo. Có một thiền sinh đã hỏi một sư cô người Nhật trong chúng tôi như vầy: “Tại sao lúc nào Sư Ông đi hoằng pháp cũng đem theo nhiều quý thầy quý sư cô?”  Sư cô trả lời: “Sư Ông là một nhạc trưởng và quý thầy quý sư cô là dàn nhạc. Và nó sẽ không có một ý nghĩa nào nếu người nhạc trưởng đi trình diễn một mình mà không có dàn nhạc đi theo…” Nếu người nhạc trưởng tự diễn một mình mà không có dàn nhạc thì không thể nào thu hút được nhiều thính chúng và ngược lại, dàn nhạc cũng không có chất liệu cao nếu không có người nhạc trưởng. Chúng tôi tương tức trong nhau. Tôi thấy cái hay là Sư Ông chưa bao giờ muốn điều khiển chúng tôi. Sư Ông chỉ khai thị cho chúng tôi. Sư Ông cứ để mọi thứ tự nó diễn ra và tìm cách giúp mọi người chúng tôi phát triển những tài năng riêng biệt của mình một cách thấu đáo. Khi những tài năng ấy được phối hợp lại với nhau thì nó không còn là những tài năng riêng rẽ nữa mà nó trở thành tài năng của tăng thân.

 

Tôi thấy sống và tu tập trong tăng thân cũng như được tham dự vào những chuyến hoằng pháp quy mô của Sư Ông và tăng thân đã cho tôi một kinh nghiệm quý giá rằng: Có lý tưởng và có tình huynh đệ thì chuyện gì cũng làm được. Thêm nữa, khi ta bỏ được cái riêng thì ta dễ dàng có thể hòa mình vào cái chung.  Đó là tinh thần của nếp sống tăng thân, là tinh thần vô ngã, là thế giới của thương yêu, của tình huynh đệ. Ca dao Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.” Câu ca dao thật là chí lý. Ai nghe cũng thấy hay thấy thích. Ngày xưa lúc tôi còn ở ngoài đời thì câu ca dao này đối với tôi nó chỉ là một ý niệm – một ý niệm thật đẹp. Nhưng đi tu rồi, sống và tu tập trong tăng thân thì tôi mới thật sự thấy được phép mầu của câu ca dao ấy, bởi nhờ có phép lạ của Tăng thân và cái vi diệu của nếp sống vô ngã. Nếp sống ấy chính là Thiên Đường Tăng Thân.

Chân Pháp Nguyện