văn – Trước 2014

Nụ cười đầu ngày

người viết: thầy Pháp Hộ

Vào một ngày cách đây cũng khá lâu, tự nhiên tôi ngộ ra một điều. Đó là một giọng nói ngọt ngào sâu thẳm trong tôi, một bài ca trừ trái tim tôi, một tâm nguyện sâu sắc nhất của tôi. Bức thông điệp được gởi đến thật đơn sơ: “Tôi muốn sống một cuộc sống chan chứa tình người, một cuộc sống làm cho tôi sung sướng vào mỗi sớm mai thức dậy”. Hồi đó tôi chưa biết đến bài thi kệ thức dậy, mãi lâu sau này tôi mới được học bài thi kệ đó:

“Thức đậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời”.

Lần đầu tiên tôi có ý định xuất gia là vào mùa thu năm 2001, lúc ấy tôi đang thực tập ở một trung tâm thiền tập Tây Tạng Tushita, vùng Dharamsala, Ấn Độ cùng với một anh bạn người Đức. Chúng tôi giúp họ sơn lại mấy cái thất trên núi ngoài vùng MC Loed Ganj. Hồi đó tâm bồ đề của hai người rất mạnh mẽ và tâm nguyện muốn thực tập thiền cũng đang bừng nở. Tuy vậy, ý niệm xuất gia vẫn chỉ là một ý niệm, một trò đùa nghịch.

 

GƯƠNG SỐNG.

Sinh trưởng tại quê hương Thuỵ Điển, tôi không hề có một thiện tri thức hướng tôi đi về đời sống tâm linh hay thực tập nếp sống phạm hạnh. Do vậy, sống gần gũi với các vị tu sĩ còn là điều mới mẽ đối với tôi. Trong chuyến đi tìm học ở Ấn Độ, tôi luôn nghĩ rằng: “Nếu không có kiếp nào ngoài kiếp này thì tôi chỉ cần tiếp tục con đường mà tôi đã và đang sống, bởi tôi có đủ hạnh phúc với những gì mình đang có. Nhưng nếu có một kiếp khác thì tôi muốn mình được xuất gia ngay trong kiếp này”. Suốt thời gian sống tại Root Institute ở Bodhgaya, tôi đã học và quán chiếu rất nhiều về đề tài Sinh Tử. Tuy không tìm thấy được câu trả lời nào nhưng tôi rất quý vì con đường thực tập này giúp tôi có kinh nghiệm và có cơ hội nhìn sâu vào cuộc sống của bản thân mình.

Mùa xuân năm trước ở Stockholm, tôi cũng đã đấu tranh nhiều với vấn đề này. Tôi và bạn gái tôi đã cam kết sống chung với nhau, cùng giúp nhau thực tập. Tôi thấy mình hạnh phúc đủ để sống cuộc sống này và có khả năng sống hạnh phúc bên nhau. Tuy có những khó khăn, thử thách nhưng cả hai đều sẵn sàng nâng đỡ nhau vượt qua những khó khăn, thử thách đó để trưởng thành. Dẫu vậy, một ngày kia, tôi nhận thấy rất rõ: “hạnh phúc đủ nghĩa là không đủ hạnh phúc”. Tôi cảm thấy một sức sống tiềm tàng to lớn trong lòng tôi trỗi dậy, một cảm giác khẩn thiết, thôi thúc. Và tôi biết rằng, tôi phải tiếp tục con đường tâm linh này một mình, dẫu chưa biết mình phải làm gì và phải đi đâu.

Tôi nhớ, hồi khoảng mười tuổi, nhờ thầy giáo tạo được nhiều cảm hứng nên lịch sử đã trở thành môn học yêu thích nhất của tôi, tôi ước ao mai này trở thành nhà khảo cổ học. Thế rồi một ngày nọ, trong bữa tiệc sinh nhật của người bà con, tôi gặp người chị họ cũng đang học ngành khảo cổ học tại trường đại học. Hai chị em nói chuyện với nhau một hồi thì tôi bỏ ý định trở thành nhà khảo cổ học bởi vì nghe chị kể thì ngành khảo cổ học không mấy thú vị. Cuối cùng tôi quyết định học Luật. Nhìn lại quá khứ và hiện tại tôi thấy mình bị ảnh hưởng, lôi cuốn nhiều bởi những tấm gương của những người đang sống chung quanh tôi.

Ở trường luật đôi khi tôi thấy mình thất vọng, và sau này khi ra trường đi làm cũng thế. Nhiều ngày thức dậy, lòng tôi chẳng hề vui vẻ gì. Có vài yếu tố khiến tôi thực sự cảm kích nhưng nhìn chung thì chuyện học hành và cách sống đó không làm tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Tôi cố vui với việc học và thực hành bằng cách tìm những công việc trong ngành gần với sự đam mê của bản thân nhưng vẫn không thỏa mãn.

Có lần tôi đã tìm được một chỗ đứng trong một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức này giúp đỡ những người có giấy tờ hợp pháp nhưng lại không được hưởng những quyền lợi mà họ thật sự cần đến. Tinh thần của tổ chức, công việc và con người làm việc nơi đây rất thu hút đối với tôi. Tôi đã tìm được một chân trong đó. Nhưng khoảng một tuần sau, khi tôi bắt đầu công việc thì ông giám đốc gọi tôi lại báo tin: vì ngân quỹ trong tổ chức bị cắt bớt nên công việc mà tôi sắp làm phải bị lấy đi. Lúc đó tôi cảm thấy hụt hẫng như vừa bị mất mát điều gì. Tuy nhiên nhìn lại, tôi thấy mình may mắn, vì nếu tiếp tục làm công việc này thì tôi sẽ mất thêm nhiều thời gian trước khi chọn cho mình một sự nghiệp mà mình muốn dành trọn đời cho nó.

Tôi còn nhớ như in cái lần đầu tiên tôi nhìn thấy Thầy đang đi thiền hành. Tôi nghe được một giọng nói thầm thì từ sâu trong lòng rằng: “Mình cũng muốn bước được những bước chân như vậy”. Tấm gương sống một lần nữa đánh động tôi. Lưu trú ở xóm Thượng sáu tháng thì tôi quyết chí xuất gia. Cuối cùng cũng đã đến lúc mình phải bước tới thảnh thơi.

 

NGHỀ NGHIỆP THÍCH HỢP.

Trong kinh Phước Đức Bụt có nói: “Được hành nghề thích hợp là phước đức lớn nhất”. Sống tại Lộc Uyển được chín tháng, quý thầy đề nghị tôi làm tri sự cho khóa an cư mùa đông 2006-2007. Tôi có nhiều niềm vui trong lúc làm tri sự, cũng như trong lúc thông báo hay hướng dẫn họp chúng v.v… Tuy nhiên, nhiều buổi sáng thức dậy tôi không thấy hạnh phúc lắm bởi vì tôi đã nghe nhiều ý kiến đóng góp từ các sư anh, sư em cho công việc này, cho dự án nọ mà tôi thì chưa tìm ra được phương cách để thực hiện. Vì tinh thần trách nhiệm, tôi đâu thể nào buông bỏ những dự án đó. Bây giờ, sau bốn năm, nhiều dự án vẫn còn dang dở. Nhưng cũng chẳng sao, khi nào điều kiện hội tụ đầy đủ thì chúng biểu hiện.

Bạn biết gì không? Sống và tu tập hằng ngày, tôi thấy mình như một nhà khảo cổ học, đang khám phá ra từng lớp tập khí, từng lớp hỷ lạc và khám phá ra tổ tiên của mình. Con đường thiền tập là con đường của sự đầu tư và khám phá. Sống trong tăng thân, chúng tôi cũng đang đi trên con đường phụng sự, đang cống hiến cơ hội cho rất nhiều người tới đây tu học, giúp họ khám phá ra những cái hay cái đẹp của con người, khám phá ra những điều nuôi dưỡng họ và bản tánh chân thật của niềm hỷ lạc. Có giấc mơ nào của ngày xưa bị đánh mất đâu?

Trước khi xuất gia làm một vị sa di, tôi đã nhiều lần tự hỏi mình: “Tại sao mình muốn trở thành một vị xuất sĩ?” Câu hỏi này rất hay. Chúng ta nên tiếp tục hỏi mình như vậy bởi vì câu trả lời cũng còn nhiều đổi thay nữa. Tôi nhớ có một sư anh trong gia đình xuất gia của tôi đã từng chia sẻ rằng chuyện đi xuất gia đối với anh ấy thật đơn giản như là điều đương nhiên phải có. Ngày hôm nay tôi cũng có thể nói tương tự như vậy. Đó không phải là số phận mà nhân duyên đầy đủ thì tôi xuất gia, vậy thôi. Nhiều người thường hay hỏi tôi: “ Đi xuất gia rồi, thầy có còn tiếc nuối về những gì mà thầy đã từng từ bỏ không?” Thực ra, tôi đâu có từ bỏ gì đâu. Tôi chỉ thấy mình có nhiều hạnh phúc khi buông bỏ được nhiều thứ trên con đường mình đi. Không buông bỏ làm sao ta có thể cởi mở để đón nhận những điều mới. Năng lượng của hỷ lạc tiềm tàng trong tôi lớn hơn rất nhiều so với những gì tôi đã từng hình dung khi quán chiếu về Sinh Tử trong thời gian sống tại Ấn Độ. Nếu chỉ còn duy nhất một năm để sống, tôi cũng vẫn tiếp tục sống như tôi đang sống đây thôi.

Tôi vừa mới đi cắm trại và leo núi năm ngày cùng với mười tám thầy và sư cô ở Lộc Uyển về thì viết những dòng này. Buổi sáng đầu tiên của chuyến đi, tôi thức dậy với một tâm trạng khó tả, vui buồn lẫn lộn, bởi suốt đêm trước trời lạnh căm căm, anh em chúng tôi không ai ngủ được trọn giấc. Sáng dậy, chúng tôi nhóm lên một bếp lửa rồi ngồi quây quần bên nhau thưởng thức ly trà nóng và cảm nhận sự quý giá của những tia nắng ấm áp đầu ngày. Nhờ những lớp sương mù dày đặt đêm qua mà bây giờ tôi thấy trân quý hơn. Có những buổi sáng tôi phải thực tập “thức dậy miệng mỉm cười” nhưng có những buổi sáng “thức dậy miệng mỉm cười” đã trở thành một sự giác ngộ.

Làm sao diễn tả được cái ngọt ngào của sớm mai thức dậy

Quá khứ, hiện tại, tương lai như gặp gỡ lần đầu

Là ba bánh xe của chiếc xe đạp đầu đời,

Tất cả các thế hệ tổ tiên đều đang có mặt trong hơi thở

Không có gì đã mất, không có gì cần hồi phục

Tất cả đều đang hiển hiện trong phút giây hiện tại

(How can we express the sweetness of waking up?

The past, the present and the future are the three wheels os my bicycle,

My breath a reflection of all my ancestors

Nothing has been lost, nothing has been found, and yet all is present)

 

*Bài viết bằng tiếng Anh BBT chuyển ngữ