văn – Trước 2014

Nguyện xưa muốn vẹn phải tìm nhau

Thầy Minh Hy

Xóm Thượng, 06/03/2011

tinhhuynhde1.jpg

Sáng hôm trước, tôi may mắn được ăn sáng trong cốc Ngồi Yên và được Thầy nói cho nghe ý nghĩa của câu kệ “Nguyện xưa muốn vẹn phải tìm nhau”, đây là một câu rất hay trong bài kệ truyền đăng của Thầy Pháp Cầu. Chỉ may mắn thôi, tôi vào nhờ các anh em thị giả thưa với Thầy là sáng nay Thầy sẽ cho pháp thoại hay vấn đáp để tôi biết chắc mà chuẩn bị – đó là ngày thứ tư trong khóa tu tiếng Pháp. Theo kinh nghiệm của tôi, việc gì mình làm mà có sự chuẩn bị tốt thì đỡ phải “chạy”, “không lo xa thì sẽ buồn gần”. Tôi không nghĩ là tôi lại được ăn sáng chung với Thầy hôm đó. Mới ngồi xuống, sau khi chắp tay quán niệm, rồi mời Thầy và các anh em thị giả, tôi liền lấy một mẫu bánh mì, bỏ một ít đậu hũ và bắt đầu thưởng thức một bữa sáng hạnh phúc. Tự nhiên, có một câu hỏi đi lên trong tôi: “tại sao mình không thưởng thức những bữa ăn sáng khác như là sáng hôm nay?” Một bữa ăn sáng như sáng hôm nay cho tôi nhiều bình an và hạnh phúc quá! Tôi có mặt đó cho Thầy và các huynh đệ thị giả rất là trọn vẹn. Tôi bẽ từng miếng bánh mì, bỏ đậu hũ lên, rồi nhai và thưởng thức với tất cả sự bình an và hạnh phúc của tôi. Thật là hạnh phúc khi Thầy đang có mặt đó cho mình. Tôi thấy rất là lạ, cứ mỗi lần có sự có mặt của Thầy thì sự thực tập chánh niệm của tôi rất dễ dàng. Thầy trò chúng tôi ăn sáng trong im lặng một lúc thì Thầy bắt đầu kể chuyện cho chúng tôi nghe. Thầy nói:

– Câu “Nguyện xưa muốn vẹn phải tìm nhau” trong bài kệ truyền đăng của Thầy Pháp Cầu rất là hay. Nó có nghĩa là nếu mình muốn cho cái tâm nguyện ngày xưa của mình được trọn vẹn thì mình phải tìm đến với nhau, mình phải xây dựng tăng thân. Bụt ngày xưa cũng vậy, sau khi Ngài tìm thấy được con đường thì lập tức Bụt đi kiếm năm người bạn tu lúc trước.

Nghĩ một chút Thầy nói tiếp.

Chữ “Cầu” có nghĩa là tìm cầu.

(Pháp môn chuyển hóa hãy tìm cầu

Gươm báu Văn Thù trí lực cao

Chí lớn làm nên trang hảo hán

Nguyền xưa muốn vẹn phải tìm nhau.)

Đầu tiên thì mình tìm kiếm pháp môn, rồi sau đó thì mình tìm kiếm tăng thân để nương tựa và thực tập.

Vậy là đầy đủ lắm rồi, phải không? Vừa nhẹ nhàng, thâm sâu và đầy ý nghĩa. Với lại nếu mình là người trong cuộc thì mình hiểu rõ hơn ai hết. Rồi, Thầy gắp cho mỗi anh em tôi mỗi người một lát táo. Ngoài kia, đằng đông, mặt trời đã ló dạng. Đẹp và rất ấm áp. Sương mai vẫn còn phủ kín cả núi đồi và những con chim đã cất tiếng hót để ăn mừng một ngày mới.

Ngừng một chút, tôi thưa với Thầy một chuyện mà tôi đã nghe trong khi làm thị giả cho quý Hòa thượng trong đại giới đàn Lắng Nghe vừa rồi. Trong một bữa ăn chiều, có quý hòa thượng N.H, HT. M.C, HT. M.N, HT. T.T cùng với quý thượng tọa khác nữa. Được làm thị giả là một dịp may, là một hạnh phúc cho tôi khi được nghe những câu chuyện thật mà quý vị kể cho nhau nghe. HT. M.C nói:

– Đến cái tuổi này rồi, mình chỉ còn một cái ước mơ cuối cùng nữa thôi. Đó là có thì giờ để ngồi xuống hạ thủ công phu.

HT. NH nói:

– Mình bận bịu nhiều việc quá, đến lúc muốn làm cái việc mình thích mà cũng không có thì giờ để làm.

Câu chuyện chỉ có vậy thôi, không có dài lắm nhưng kỳ thực nó dài bằng cả một đời người. Hai Hòa thượng là chỗ thâm tình với nhau, nên nói chuyện thật gần gũi. Tôi đứng đó mà thấy lòng tràn ngập sự biết ơn và cảm mến đối với các vị. Sau khi thưa chuyện xong, Thầy chỉ im lặng và bày tỏ một niềm cảm thông sâu xa với những người học trò xưa ấy. Tuy vậy, không khí của bữa ăn sáng không phải vì thế mà đượm buồn, trầm lắng. Thầy trò vẫn sống với giây phút hiện tại, trân quý sự có mặt của nhau. Thầy nói:

– Quả thứ nhất Đã về – Đã tới ở Làng Mai hay hơn quả Dự Lưu trong truyền thống nhiều. “Dự Lưu” thì còn phải đi nữa, còn Đã về – Đã tới thì không cần tìm cầu chi nữa. “Người chẳng tìm cầu chi nữa”. Câu này hay lắm, mình phải viết lại, nếu mất thì uổng lắm. Ai chứng được quả này rồi thì mình nhìn mình biết liền, không cần người ấy nói.

Nguyên văn của câu đối trên là như thế này:

“Tịnh Độ nơi đây thích ý rong chơi người chẳng tìm cầu chi nữa.

Bản môn bây chừ hé mở phỉ lòng ta há theo đuổi gì thêm.”

Nói xong, Thầy đi lấy cho chúng tôi xem một bức hình của một anh thiền sinh gửi tặng Thầy. Bức hình là một tác phẩm điêu khắc nói về tình huynh đệ. Tác phẩm có nội dung khá đẹp. Nhìn tác phẩm này, tôi liền nhớ đến câu nói của Thầy trong lễ Truyền đăng cho Thầy Pháp Đệ. “Không có một tôn giáo hay chủ thuyết nào có thể đẹp bằng tình huynh đệ”.

Thuận dịp, tôi thưa với Thầy cho mấy chữ để đặt tên cho nhà ăn và nhà bếp ở Xóm Thượng. Thầy nói rằng, nhà ăn mình có thể lấy chữ Nhà Năm Quán – Ngũ Quán Đường, còn nhà bếp thì là Nhà Thương Nuôi – Ái Nghĩa Đường. Mình làm việc trong nhà bếp là vì tình thương mà làm, chứ không phải vì bị bắt buộc. Mình nuôi tăng thân bằng tình thương của mình. Như vậy là hay lắm rồi. Chữ ấy vừa có nghĩa lại vừa có chiều sâu. Thầy nói đến đây thì tôi được thị giả của Thầy cho một ly trà và các thị giả cũng được mỗi người một ly trà.

Hồi còn là một chú điệu, cứ mỗi lần có các Hòa Thượng đến chùa thăm, thì các điệu tôi dù là đang làm công việc gì cũng dừng lại, đi vào mặc áo tràng, rồi cùng nhau lên xin được đảnh lễ quí ôn. Chúng tôi đứng thành một hàng, chú điệu lớn nhất sẽ xin phép quý ôn cho các điệu được đảnh lễ. Có khi chúng tôi được đảnh lễ, có khi thì không được. Chắc các vị cũng mắc cỡ không muốn ai đảnh lễ mình. Kế đến, cái phần hạnh phúc nhất của chúng tôi là được quỳ xuống và lắng nghe những lời giáo huấn của các vị. Thường thường, những lời giáo huấn không dài, chỉ vỏn vẹn không quá mười phút, nhưng rất nuôi dưỡng tuổi thơ của các điệu. Sau đó, các điệu xin phép được đi ra và tiếp tục làm công việc của mình. Giờ đây, tuy là đã quá tuổi làm điệu, nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và được nuôi dưỡng bởi những lời dạy của Thầy. Thiệt tình mà nói, Thầy luôn tạo ra cái không gian mà ở trong đó Thầy trò rất dễ gần, dễ chia sẻ với nhau. Mỗi khi Thầy ăn cơm, Thầy cũng muốn chúng tôi cùng ngồi ăn cơm chung với Thầy. Mỗi khi uống trà, Thầy cũng cho chúng tôi một ly trà. Những giây phút như vậy, chúng tôi sẽ không bao giờ quên. Bởi trong những lúc đó, một phần là chúng tôi có mặt hết lòng với sự chánh niệm của mình; mặc khác là tình thương của Thầy luôn có mặt đó cho chúng tôi. Những giây phút ấy đã trở thành bất diệt. Rồi dẫu sau này, trên bước đường tu học, có những lúc tâm mềm yếu, ý chí bị bụi trần che lấp, thì những khoảnh khắc ấy sẽ cứu lấy chúng tôi. Sẽ đưa chúng tôi trở về với tăng thân, để cùng nhau đi tới cho vẹn một lời thề xưa.