Những điều em ước mơ… (Thư gởi chị – Phần 1)
Chị của em!
Có một người nhạc sĩ đã nói rằng hạnh phúc của ông là khi chiều tới được đi trên con đường xanh mát. Trên từng km quay về tổ ấm, lòng ông ngập tràn mừng vui. Ông an lòng vì biết rằng trong ngôi nhà nhỏ thân yêu có một bóng hình quen thuộc đang đợi chờ mình bên cạnh mâm cơm nóng ấm. Chỉ chừng đó thôi! Chỉ bấy nhiêu thôi mà ông được nuôi dưỡng suốt một đời. Hạnh phúc là con đường về nhà. Em thích cách định nghĩa như vậy lắm. Em bằng lòng với cái thấy đó lắm.
“Ở nhà, chị vẫn chờ tin em.”
Chị biết không, em rất sung sướng được nghe câu nói đó. Hạnh phúc của em cũng có thể gói gọn trong một câu nói ấy thôi.
Ngày đầu tiên gặp nhau, chị khẽ bảo:
“Đi cùng chị, em nhé!”
Em mỉm cười không đáp. Nào ngờ đâu đó cũng là thời khắc bắt đầu cho mùa lũ về bão lên. Đất trời đã làm nên những cơn giông tố để rồi chị em mình phải nghìn trùng ly biệt. Em phải xa chị. Chị phải xa em. Không! Không! Không đâu, chị của em, ông trời chỉ là một ước lệ! Đó chỉ là tạo phẩm của Nguyễn Bính, của tất cả chúng ta. Mình vẫn có trong nhau. Em tin như vậy. Bằng cớ là chiếc thuyền giấy bé nhỏ này đã được cẩn thận xếp gấp. Tâm hồn em sẽ nương theo trang trắng mực đen này. Không cơn mưa nào đủ sức xoá nhòa những dòng chữ của em và chị. Không dòng sông nào có thể ngăn chia cách trở chị em mình.
Hà Nội, 09-2010
Áo Trắng
Thương gửi chị cùng tăng thân Về Nguồn
Autumn Retreat: Hạnh phúc là con đường
Chị thương mến! Tháng 9 là tháng của mùa thu. Một người bạn Tây Phương có nói với em rằng: Bây giờ là thời điểm đẹp nhất trong năm ở Hà Nội. Ra đất Bắc lần này, em không nghĩ là sẽ được tham gia một hoạt động tâm linh nào hết. Nhưng thật bất ngờ khi em được thông báo là sẽ là có khoá tu ở chùa Đình Quán. Và như thế là em lại được dịp có thêm những ngày vui và những giây phút để soi rọi con đường tu học của mình. Ta có thể gọi đây là khoá tu mùa thu hay không nhỉ? Tất nhiên là được rồi, phải không chị của em!
Trưa nay em lặng thầm ngồi dưới những quả gấc xanh non. Em đang đọc thư chị. Chị biết không, em luôn ước mong có được giọng văn như chị. Nhẹ nhàng, chân phương, sáng trong. Nhìn lại những lá thư của mình em rất xấu hổ vì đôi khi em đã lạm dụng quá nhiều những thủ pháp hay những cách thức tạo hình. Và thông điệp mà em muốn truyền đi đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Cho nên lần này, em sẽ học theo chị. Em sẽ hạn chế sử dụng những ẩn dụ, hoán dụ, thậm xưng, liệt kê… Em sẽ viết chân thật như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Em sẽ cố gắng diễn đạt bằng ngôn ngữ của đời thường. Nhưng nói “cố gắng” cũng chỉ là một cách nói mà thôi. Vì người nhận thư em lần này sẽ là chị. Viết cho chị, em nào phải gia công hay nỗ lực gì. Với chị, em vẫn mãi là đứa em bé nhỏ ngày nào. Em vẫn chưa bao giờ khôn lớn…
Khoá tu Hạnh phúc là con đường đông người tham dự lắm, đặc biệt là người trẻ. Nghe nói rằng Lễ Vu Lan tổ chức trước đó cũng thành công và thu hút đông đảo phật tử. Nhìn vào các bạn sinh viên, những mái đầu xanh, những vầng trán vô tư hiện diện trên sân chùa trong những ngày tu em thấy thật đẹp chị à. Phật Giáo miền Bắc vẫn có tương lai, phải không chị của em?
4 ngày 3 đêm tu học đã để lại nhiều dư vị, âm ba trong em. Có những khoảnh khắc rung động để em phải nhớ hoài, không sao quên được…
Điều tuyệt vời thứ nhất: Đêm Quốc Khánh
Đêm đầu tiên em được ngồi chơi dưới ánh trăng. Không biết ai đã có ý tưởng sắp xếp một hình chữ S bằng những ngọn nến thật đẹp! Và trong ánh nến lung linh đó là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nguyên vẹn, sáng ngời. Em tự hỏi mọi người trong khi ngồi yên và lắng nghe theo hơi thở mình đã có những cảm thọ hay tâm hành gì? Nhưng trong em là một nguồn mạch lai láng, là những cơn sóng lòng. Em rất muốn được đứng lên để nói với tất cả. Nói thật lớn, thật rõ: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!”
Em muốn báo cho mọi người những hiểm nguy, những bóng đêm đang chực chờ. Em muốn thành thật về tình hình của hai nơi chốn ruột thịt. Nhưng lại thôi chị à! Bao năm qua đi rồi mà sao mình vẫn chưa thể nói được? Chị ơi, tại sao vẫn còn tình trạng này? Tại sao ta vẫn phải lặng im?
Em nhớ có một bài hát:
Biết bao giờ
Tôi mới được nói thẳng
Những điều tôi ước mơ ?
Biết bao giờ ?
Biết bao giờ ?
Tôi mới được
Nói những điều
tôi ước mơ
Biết bao giờ? Câu hỏi ấy vẫn còn ám ảnh em lắm. Mình vẫn chưa có can đảm để nói thẳng, nói hết cho mọi người những ước mơ, những trăn trở trong lòng mình. Điều gì đã ngăn giữ chúng ta lại? Mình chưa còn dám nói thật về những tình trạng của đất nước…. Vì sao? Có phải chăng là chính vì nền văn hoá của chúng ta không? Có phải chính vì những tri giác sai lầm của chúng ta hay không? Đó là đề tài mà em sẽ nhờ chị soi sáng trong một dịp khác.
Các bạn thanh niên phật tử và quý sư cô đã thiết lập một đồ hình Việt Nam thật đẹp. Và em đã thấy hai phần nến lấp lánh ở cách xa Tổ Quốc, chị à. Em còn thấy Hà Nội – trái tim Việt Nam bừng cháy rực rỡ. Em cũng thấy tất cả những máu xương đã đổ để tạo dựng khung cảnh thanh bình này. Biết bao chàng trai cô gái có tên tuổi hay vô danh đã gục ngã để chúng em có một Hà Nội đêm trở gió, Hà Nội mùa lá bay, Em ơi Hà Nội phố. Thủ đô đang trong dịp đại lễ 1000 năm lịch sử. Đêm trăng sáng hôm nay là đêm kỉ niệm ngày Quốc Khánh. Ngày độc lập, tự do toàn vẹn lãnh thổ nước Việt. Em đưa tay lên ngực mình và nghe lòng thầm nhắc sáu tiếng thiêng liêng, sáu chữ vàng son. Em biết mình không đơn độc. Có nhiều người trẻ như em đã biết được thực tế này. Các bạn ấy có thể không được bình yên như em. Họ muốn loan báo những tin tức như vậy. Nhưng có sự bắt bớ, có những đe dọa và họ phải làm những công tác đó trong sự phấp phỏng, lo âu. Có thể họ sẽ trở nên rất bạo động. Họ có thể chưa biết cách điều phục tâm hành của mình.
Em nhớ Mẹ Teresa có nói một câu. Đại ý như sau: Nếu ai đó mời tôi đi chống chiến tranh, chống bạo động, tôi sẽ không làm. Khi nào quý vị muốn kêu gọi cho hoà bình, cho đoàn kết và hoà giải thì xin cho tôi tham dự…
Chống chiến tranh và xây dựng hoà bình. Nghe có vẻ giống nhau. Nhưng thật sự là hai sự khác biệt rõ ràng. Ta tìm thấy được chiếc chìa khoá ở những động từ và danh từ. Xây dựng và chống đối có thể là một con đường cùng một điểm xuất phát nhưng lại dẫn ta về hai ngã, hai điểm đến trái ngược. Mình có thể đang đi làm một công tác thiện nguyện, mình có thể tranh đấu cho hoà bình, cho công lý nhưng chính ta phải có hoà bình trước tiên. Câu nói đơn sơ chỉ bày cho ta một bí mật lớn. Bí mật của đường đi tâm thức. Tâm thức chúng ta không bao giờ “hiểu” những động từ. Tâm thức ta chỉ “hiểu” danh từ, chỉ bị thu hút về những danh từ mà thôi. Ví như khi em nói với chị: chúng ta phải chống chiến tranh. Nếu em lập lại ba lần liên tục câu nói thì chị sẽ nghĩ tới gì? Chắc chắn trong đầu chị chỉ toàn là dao gươm súng đạn chết chóc phải không? Nhưng nếu chị bảo em: Ta hãy dựng xây hoà bình. Và rồi chị cũng lập lại ba lần như vậy. Kết quả như thế nào? Có thể em chưa biết phải làm gì, xây dựng như thế nào. Nhưng em có thể sẽ mường tượng ra một khung cảnh yên bình, hình ảnh của đàn bồ câu, một tiếng cười, một em bé thơ. Sức mạnh của ngôn ngữ đáng sợ như thế đó, chị à. Tâm thức ta bị thu hút bởi những danh từ. Bí mật sự sống nằm ở đó. Thông điệp của Mẹ Teresa thật sâu sắc và đầy tuệ giác phải không chị!
Điều tuyệt vời thứ hai: Buổi thuyết trình giới
Em có thể cam đoan rằng đây là phút giây đẹp nhất đời em. Khoảnh khắc em được ngồi với bốn anh chị Về Nguồn khi thuyết trình giới. Hôm nay, em trình bày giới thứ tư: Lắng nghe và Ái ngữ. Không biết là có bố mẹ của chị đến dự hay không? Em đã diễn bày trọn vẹn những gì mình muốn nói. Có một bác đã nhắn gởi rằng em nói rất hay. Và chị có biết câu trả lời của em không?
“Vâng, con nói hay vì có sự hiện diện của những anh chị bên cạnh.”
Nói về một giới tức là cũng đang nói về năm giới. Một người nói tức là cả năm người cũng đang thuyết trình. Nếu ngồi một mình thì chắc là em cũng không làm được gì nhiều. Sự có mặt của năm người thật thiêng liêng như năm anh em trong tăng đoàn thuở nào. Buổi thuyết trình sáng nay thật lạ. Không khí trang nghiêm lắm. Chưa bao giờ em nói trước một đám đông nhiều người như vậy. Có một chút hồi hộp, một chút lo nghĩ. Nhưng đến khi bắt đầu cất lời, em đã nhờ Sư cô tri chung thỉnh một tiếng chuông. Và em lại thấy lòng nhẹ như mây, yên như núi. Cảm giác đó chỉ có khi ta hiện hữu trong tăng thân. Một chút ít tài năng (nếu có), một chút ít thành công trên con đường tu học (nếu có) của em đến từ đâu nếu không phải vì sự có mặt của tăng thân và gần nhất là bốn anh chị trân quý? Sau sáng hôm nay, em không còn là mình nữa. Những gì yếu đuối, mong manh trong em đã tan biến để thay vào đó là dòng máu nóng đang luân chuyển, tươi mới những hồng cầu. Em không còn là em của ngày xưa.
Điều tuyệt vời thứ ba: Nghệ thuật xây dựng tăng thân
Ngày cuối cùng của khoá tu, thầy Giáo thọ đã có một buổi giảng đặc biệt cho chúng em. Chủ đề là nghệ thuật xây dựng tăng thân. Các bạn sinh viên được trao một cuốn sách về những phương cách cụ thể để có thể thiết lập một đoàn thể tu học cùng nhau.
Ai trong chúng ta mà lại không khao khát về một thế giới mà mọi người sống với nhau bằng tình thương và lòng chân thật, phải không chị?
“Imagine all the people living life in peace.”
Đây không phải là câu hát. Đây không còn là một nỗi ước niềm mong của John Lennon nữa. Chúng ta không tưởng tượng. Chúng ta có thể xây dựng được một cộng đồng sống chung an lạc. Sống trong cái gọi là “brotherhood of man” mà nhạc sĩ của thành phố cảng Liverpool đã nhắc tới trong đoản khúc Imagine bất tử của mình. Chúng ta có chung nhu yếu đó. Và may mắn thay, chúng ta cũng có rất nhiều kinh nghiệm và phương pháp cụ thể để có thể hiện thực hoá giấc mơ tươi đẹp này. Thực tế là biết bao tăng thân bé nhỏ đã hình thành ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội… Tăng thân khắp chốn. Đây không còn là một câu hát nữa. Đây chính là một hiện thực trong đời. Mình đâu có còn là đứa con xa nhà nữa, phải không chị? Chỉ cần có tăng thân là ta lại có quê hương.
Em nghe nói rằng xây dựng tăng thân đem đến cho ta rất nhiều phước báu. Phước báu thì em không biết có hay không? Chỉ biết rằng Dựng Tăng là vấn đề rất gian lao và khó nhọc dù cho đó là tăng thân tại gia hay xuất gia. Ví như tăng thân nhà mình, khi mới đến với pháp môn, em thấy ai cũng như ai. Có thể có những bỡ ngỡ, ấp úng, ngập ngừng ban đầu. Nhưng sau một thời gian, có những dấu hiệu chuyển biến. Có những bạn tiến rất mau, đi rất xa. Nhưng cũng có những bạn chựng lại hoặc thối chuyển. Và mọi người bắt đầu có xu hướng tu tập cho riêng mình. Mỗi một thành viên có thể vẫn đang là kẻ thắng người thua trong vòng quay cơm áo gạo tiền nên vẫn còn chút khó khăn để có thể tu học chung cùng nhau. Vấn đề là khi sinh hoạt chung với nhau ta phải làm sao dung hòa được tất cả những dị biệt ấy. Ta phải làm sao để tất cả có thể đi chung với nhau một cách hòa hợp. Tu học là phải bớt đi những cái ước muốn bé nhỏ của mình để hòa vào nguyện vọng chung của tập thể. Sự buông bỏ nói thì rất dễ nhưng để thực hiện cần rất nhiều hiểu biết, tình thương và công phu tu tập. Khi viết những dòng này, trong em ngập tràn lòng cảm phục với quý thầy cô hay anh chị huynh trưởng. Các vị ấy đã không tiếc thời giờ, sức lực và tâm trí để gầy dựng tình anh chị em, để duy trì một không gian tu học cho đại chúng. Đó là một sự hy sinh rất lớn. Phải có một trái tim rộng mở mới có thể thực hiện được những công tác như vậy. Ôi nói sao cho hết đây, những tấm lòng! Những bóng hình cao vút mà em chỉ có thể ngước trông , ngưỡng vọng…
Áo trắng