Mây bạc thong dong đi
SƯ ÔNG LÀNG MAI VỀ ĐẾN VIỆT NAM
Ngày 25 tháng 10, Làng Mai Thái Lan vừa hoàn mãn mùa An cư kiết hạ 2018. Sáng hôm sau, Sư Ông Làng Mai ra phi trường về Việt Nam. Tại sân bay quốc tế Don Mueang (Bangkok, Thái Lan), Sư Ông đã được các Phật tử cư sĩ người Thái nghinh đón và tặng hoa theo phong tục người Thái. Trong thời gian chờ đợi làm thủ tục xuất cảnh, quý Phật tử cư sĩ ngồi bao quanh và cúng dường những bài thiền ca cho Sư Ông cùng quý thầy, quý sư cô. Không khí rất ấm cúng của một gia đình tâm linh.
Chiếc chuyên cơ đưa Sư Ông về thăm quê hương Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng vào lúc 14 giờ 45 phút, ngày 26 tháng 10. Trên chuyến chuyên cơ này có Sư Ông, hai chú phi công, năm thị giả và một bác sĩ Tây y người Thái, là học trò của Sư Ông được đi theo tháp tùng. Nhờ Bụt Tổ gia hộ nên đoạn đường bay 1 tiếng 30 phút từ Bangkok đến Đà Nẵng không có gì trở ngại. Thỉnh thoảng Sư Ông nhìn ra cửa sổ, mỉm cười và chỉ thị giả những cụm mây trắng đang bay thong dong trên bầu trời. Từ trên máy bay nhìn xuống, đại địa thật xanh tươi mầu nhiệm. Thầy trò ngồi bên nhau trong im lặng và mỗi người ý thức rất rõ đây là giây phút huyền thoại của cuộc trở về. Một thầy thị giả thưa, “Quê hương mình đẹp quá phải không Thầy?”. Sư Ông mỉm cười gật đầu.
Tại phi trường Đà Nẵng, tứ chúng đệ tử gồm có quý Hòa thượng, quý Tôn túc, quý thầy, quý sư cô, và quý thân hữu Phật tử cư sĩ từ khắp nơi trong nước đã tập họp đông đảo chào đón Sư Ông. Không khí hân hoan như một ngày lễ hội. Sau đó, Sư Ông và quý thầy, quý sư cô thị giả được mời về một khu nghỉ mát ở Đà Nẵng để nghỉ ngơi vài hôm trước khi về Tổ Đình Từ Hiếu, Huế.
Về đến khu nghỉ dưỡng, quý thầy, quý sư cô và tăng thân cư sĩ đã chuẩn bị một cái bánh kem cung đón Sư Ông đã đến Việt Nam bình an. Trên bánh kem có khắc câu thiền ngữ “đã về đã tới” trong hình tròn. Ngoài quý thầy và quý sư cô Làng Mai còn có mặt của quý Hòa thượng và quý Sư bà. Đi đường cả ngày nên thị giả sợ Sư Ông mệt, do đó sau khi cắt bánh thị giả đã mời Sư Ông vào phòng nghỉ ngơi, nhưng Sư Ông ra hiệu cho biết là Sư Ông vẫn muốn tiếp tục ngồi chơi với đại chúng. Sư Ông nhìn từng người và ra hiệu thị giả mời đại chúng dùng thêm bánh. Cảnh tượng “một nhà xum họp sớm trưa”. Nét mặt ai cũng rạng rỡ với nụ cười hạnh phúc! Thầy đã về và chúng con đang thật sự được ngồi bên Thầy.
Khu nghỉ mát rất thoáng và hữu tình, toạ lạc ngay trên bãi biển. Từ trong nhà có thể nhìn thấy những làn sóng thoai thoải nhấp nhô trên biển, cho ta một cảm giác rất nhẹ nhàng và yên bình. Đêm hôm ấy, Sư Ông nằm trên ‘sofa’ ngắm trăng lơ lửng trên tờ lá dừa, trong khi tiếng sóng vỗ dạt dào vào bờ biển. Ở Đà Nẵng được hai đêm thì Sư Ông tỏ ý muốn về chùa Tổ liền. Nương tựa tuệ giác của Sư Ông, nhóm thị giả sắp xếp hành lý để lên đường.
12 giờ 45 phút trưa 28.10, Sư Ông rời Đà Nẵng để về Huế. Trên xe, Sư Ông đưa mắt nhìn ra cửa kính, thưởng thức thiên nhiên núi rừng, rất bình yên và lặng lẽ. Xe dừng lại một cây xăng dọc đường để nghỉ ngơi, nhóm thị giả thỉnh Sư Ông mặc áo dài. Lần này, Sư Ông mỉm cười, và gật đầu đồng ý cho chúng con giúp mặc áo tràng. Anh tài xế rất hạnh phúc khi được chở Sư Ông đi.
15 giờ 30 phút, khi xe vừa đến chùa Tổ Từ Hiếu, chúng con đã nhìn thấy chư vị Tôn đức Tăng Ni và cư sĩ đứng đón Sư Ông. Chúng con thỉnh Sư Ông xuống xe. Chư Tôn đức Tăng Ni đến gần bên Sư Ông, rất xúc động khi Sư Ông chào và nắm tay từng vị trước khi ra dấu cho thị giả đẩy xe đi tiếp đến cổng tam quan chùa Tổ. Thầy chắp tay chào chùa Tổ. Tăng Ni và Phật tử cư sĩ đứng hai hàng để đón Sư Ông. Sư Ông ra hiệu dừng lại và ra hiệu cho mọi người dạt ra hai bên để Sư Ông có thể nhìn thấy toàn bộ cổng tam quan. Chúng con đứng đó, bên cạnh Sư Ông, và nhận ra hình bóng sư chú Phùng Xuân mỗi lần từ Phật học đường Báo Quốc hay đi đâu xa được về thăm chùa, thăm Sư cố Thanh Quý, thăm huynh đệ, thường dừng lại một lúc trước cổng tam quan, trước hồ bán nguyệt để ngắm nhìn khung cảnh thanh bình ở đây, để thấm sâu hơn cảm giác về nhà của một người xuất sĩ trẻ.
Lúc đó, chúng con cảm nghe trong khung cảnh đông đảo ấy chỉ còn lại bóng dáng một sư chú trẻ với ngôi cổ tự rêu phong mà không thêm bất kỳ một âm thanh rộn ràng hay một hình ảnh náo nhiệt nào khác nữa. Dừng lại một lúc lâu, Sư Ông ra dấu đi tiếp. Đoàn thị giả đưa Sư Ông vào cửa giữa cổng tam quan. Sư Ông chạm bàn tay một cách cẩn trọng vào bức tường sạm màu theo thời gian. Nhìn bàn tay Sư Ông, chúng con nhìn thấy dấu ấn linh thiêng của sự trở về.
Sư Ông dạo quanh hồ bán nguyệt, nhìn ngắm đất trời, chạm tay vào cội sứ già, dừng lại trước hồ, nơi mà ngày nào sư chú Phúng Xuân từng ngồi nhổ cỏ, từng mang mít non xuống gọt vỏ để tự tay nấu một nồi canh với lá sâng thơm ngon. Khuôn mặt Sư Ông rất an bình, đôi mắt sáng trong và độ lượng.
Sư Ông vào chánh điện, niệm hương cúng dường Tam Bảo, niệm hương cúng dường trước bàn thờ liệt vị Tổ sư. Sư Ông tỏ tường trong từng cử chỉ.
Sư Ông chào chư vị Tôn túc Tăng Ni và cư sĩ trước lúc thị giả xin phép đưa Sư Ông trở về thất Lắng Nghe để nghỉ ngơi. Sức khoẻ Sư Ông rất ổn định.
Ngày 29 và ngày 30.10, nhiều lần khác nhau, Sư Ông đã đi thăm quanh rất nhiều nơi trong khuôn viên Tổ đình Từ Hiếu. Sư Ông thích đi dạo vào sáng sớm, trong không khí mát lạnh, lúc mà tiếng chổi quét sân chùa của quý thầy quý sư chú vẫn còn vọng lên góc này góc kia. Có lần Sư Ông chỉ vào chiếc đơn cũ đơn sơ và ra dấu đẩy xe lăn tới gần. Sư Ông đưa tay chạm vào chiếc đơn, nhẹ nhàng và cẩn trọng. Sư Ông nhận ra đó là chiếc đơn cũ mà ngày xưa Sư cố Thanh Quý thường nghỉ ngơi. Sư Ông thăm cây khế già trăm tuổi, chạm tay vào những trái khế trước mặt, ngắm nhìn thân khế và hòn non bộ. Khung cảnh này đã từng đi vào trong tác phẩm của Người:
“… Giữa sân cây khế ngọt rủ bóng che cho chiếc bể cạn và hòn non bộ. Những chiếc lá khế vàng thỉnh thoảng rụng và rơi nhẹ trên mặt nước. Hòn non bộ xưa lắm, đầy rêu phủ. Những trái khế to và nặng treo lủng lẳng.
… Ở chùa Từ Quang có một thầy tên là Trọng Ân, một ông thầy tu thật hiền, thật đẹp. Thầy này là thi sĩ, thơ của thầy được nhiều cô nhiều chú học thuộc lòng. Bút hiệu của thầy là Trúc Diệp, nghĩa là lá tre. Tết nào thầy cũng lên chùa tổ thăm Sư Ông và thăm chú Phùng Xuân. Tết nào thầy cũng được Sư Ông ban cho một trái khế. Khế được đặt trên một cái đĩa trắng. Có cả một con dao con. Dao chỉ để gọt khía và cắt hai đầu. Rồi ta xẻ khế ra thành từng múi, cầm tay mà ăn. Không bao giờ cầm dao cắt khế thành từng lát hình ngôi sao. Khi thầy Trúc Diệp ra về, chú Phùng Xuân thường hái thêm một trái khế thứ hai để thầy ấy mang về Từ Quang, chưng trong phòng “cho đẹp”. Trái khế này thường được hái kèm theo vài chiếc lá khế.
Ăn khế, người ta không uống trà.”
(Trích từ tác phẩm “Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời” – Sư Ông Làng Mai)
Sư Ông đi vòng quanh thăm bàn thờ sư thúc Chí Mậu, thăm tăng xá, thăm Lăng viện, thăm khung cảnh dọc theo những con đường trải sỏi nhỏ trong khi sương giăng mờ, trong khi nắng mới tinh khôi tỏa ánh sáng xuống những tán cây. Trong lúc thiền hành như vậy, chư Tôn đức và nhiều vị cư sĩ có duyên được gặp và cùng thực tập chung với nhau một các sâu sắc giữa khung cảnh trở về đó.
Chúng con vô cùng tri ân sự yểm trợ hết lòng, cả về vật chất lẫn tinh thần, của quý vị thân hữu khắp nơi trên thế giới dành cho Sư Ông chúng con. Sự yểm trợ của quý vị đã giúp cho ước muốn của Sư Ông trở thành hiện thực và tiếp thêm sức mạnh cho Sư Ông chúng con trong quá trình trị liệu.
Thật may mắn và quý giá biết nhường nào khi Sư Ông vẫn còn đó cho chúng ta và luôn hiến tặng sự có mặt vững chãi cùng đức vô úy của Người. Chúng con ý thức rằng năng lượng tu học mỗi ngày của các đệ tử – xuất gia và tại gia – trên khắp thế giới đang nuôi dưỡng Sư Ông rất nhiều. Sư Ông luôn có mặt với chúng ta mỗi khi chúng ta thở một hơi thở có ý thức hoặc bước một bước chân trong chánh niệm, cũng như khi chúng ta mang lại niềm an vui cho bản thân và cho thế giới.
Sư Ông đã từng chia sẻ trong chuyến về Việt Nam năm 2007: “Trong 65 năm tu tập, điều mà tôi tìm ra là không có tôn giáo nào, học thuyết nào, chủ nghĩa nào cao hơn tình huynh đệ”. Sư Ông muốn nhắc nhở chúng ta rằng với sự đoàn kết và tình huynh đệ chân chính, không có gì mà chúng ta không thể thực hiện được.
Chúng con vẫn nghe lời Sư Ông trong nắng gió, như là một lời hứa mà Sư Ông vừa thực hiện:
“Chừng nào các con về chùa Tổ, thầy sẽ đưa các con đi khắp các nẻo đồi núi, vườn tược, ngõ ngách, bụi tre, bờ giếng của chùa. Các con sẽ tập nhìn bằng mắt của Sư Ông, bằng mắt của thầy, nghĩa là bằng mắt của chính các con. Góc nào cũng đầy những kỷ niệm. Ví dụ cái thành vôi ở ngôi mộ bên đồi Tàng Tháp. Ngày xưa chú Tâm Mãn và chú Phùng Xuân thường nướng những gốc măng cán giáo và những gói nấm tươi ở đấy. Trước hết là những gốc măng cán giáo. Hai chú đi quơ lá thông dồn vào góc tường và đốt cho đến khi các gốc măng chín mềm. Thịt măng vàng tươi và thơm ngon lạ thường. Hai chú ăn măng nướng với tiêu muối đựng trong một chiếc lá vả. Còn nấm nữa. Đủ các loại nấm. Nấm thông, nấm mỡ, nấm mồng gà, nấm tràm, nấm mối… Hai chú xuống suối rửa nấm thật sạch trong lòng suối, xát nấm bằng muối, rửa sạch lại lần nữa, rồi mới bọc nấm, tiêu, muối vào nhiều lớp lá vả tươi, gói lại, dùng lá thông khô mà đốt. Khi nấm chín, các chú ăn với những lá rau thơm, rau húng, rau quế, rau tía tô… hái ở các vườn chùa. Tuổi thiếu niên rất thèm khát, thèm chơi, thèm nghịch ngợm, thèm riêng tư, thèm những gì không chính thức, thèm những gì hoang dại. Tình bạn thời niên thiếu, nhắc lại, vẫn còn thấy thèm mãi mãi.
… Trăng núi đồi Dương Xuân sáng quá.
Chú Phùng Xuân không thể không trở thành thi sĩ.
Nhưng thơ không phải chỉ là ánh trăng. Con cũng đã biết như thầy là chất liệu làm nên thi ca cũng là cảnh bùn lầy nước đọng, cũng là bão lửa giữa hư không, cũng là mái tranh nghèo chờ đợi ven sông, cũng là mái chèo của đoàn người cứu trợ, cũng là hiểm nguy xông pha, cũng là hoa vàng trúc tím và chân như bản thể”.
(Trích từ tác phẩm “Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời” – Sư Ông Làng Mai)
GHI CHÉP CỦA BAN THỊ GIẢ