Sám pháp địa xúc

Hạnh bao dung và không kỳ thị của đất

Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn, con biết rằng một trong những người anh lớn trong giáo pháp của chúng con là Bồ tát Địa Tạng, một vị Bồ tát lớn, có hạnh nguyện rất cao thâm: Chừng nào địa ngục chưa trống không thì Ngài vẫn chưa dừng nghỉ công việc hóa độ. Bạch đức Thế Tôn, con thấy danh hiệu Địa Tạng rất hay. Danh hiệu ấy có nghĩa là trái đất với tính cách vững chãi và dày dặn của nó có khả năng chứa đựng và ôm ấp được tất cả (Địa ngôn kiên, hậu, quảng hàm tàng). Tuy biết rằng khổ đau và phiền não của chúng sanh không có giới hạn, nhưng hạnh nguyện cứu đời của một vị Bồ tát cũng không có giới hạn. Chừng nào còn có khổ đau, còn có phiền não, thì vị Bồ tát còn chưa dừng tay cứu độ. Trái đất của chúng con cần những con người như Bồ tát Địa Tạng, và con cũng rất muốn giúp Ngài một tay. Con thấy địa ngục của sự hiểu lầm, của hận thù và bạo động được dựng lên khắp nơi, nhưng nơi nào cũng có mặt của những vị Bồ tát đang hành động để nỗ lực giải tỏa những địa ngục ấy.

Bạch đức Thế Tôn, có một lần đức Thế Tôn giáo giới cho thầy La Hầu La và Ngài đã dạy thầy La Hầu La là nên học hạnh của đất. Đức Thế Tôn dạy: “Này La Hầu La, con hãy học theo hạnh của đất. Khi người ta đổ và rải lên đất những thứ thơm tho và tinh sạch như hoa hương và sữa thơm, đất không thấy tự hào. Khi người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy và hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ, hoặc khạc nhổ xuống đất, thì đất cũng không cảm thấy giận hờn, chán ghét hoặc tủi nhục. Đất có khả năng tiếp nhận ôm ấp và chuyển hóa tất cả.”

Bạch đức Thế Tôn, đất Mẹ của chúng con có khả năng tiếp nhận, giữ gìn và chuyển hóa tất cả. Kể cả đờm dãi tanh hôi, kể cả khí độc, kể cả phóng xạ nguyên tử đất Mẹ cũng có khả năng ôm ấp và chuyển hóa. Đất Mẹ có dư dả thì giờ để làm việc ấy và nếu cần thì đất Mẹ có thể để ra một triệu năm để chuyển hóa. Đất Mẹ có bao nhiêu là con, các con của đất Mẹ có tới hàng triệu chủng loại, trong đó có con người. Chúng con có nhiều đứa vì tham lam, vì kiêu căng, vì ngu si không nhận ra được Mẹ, đã gây ra bao cảnh tàn khốc cho nhau và làm hại tới sức khỏe cũng như nhan sắc của Mẹ. Vậy mà lúc nào đất Mẹ cũng có đủ năng lượng để ôm ấp và chuyển hóa tất cả những lỗi lầm của chúng con.

 

 

Bạch đức Thế Tôn, đất Mẹ có những đứa con tự hào là giỏi toán học, là công nhân khéo léo, là kiến trúc sư tài ba, nhưng ít ai thấy được đất Mẹ là nhà toán học vĩ đại nhất, người công nhân khéo tay nhất và vị kiến trúc sư tài ba nhất. Chỉ cần nhìn vào một cánh hoa anh đào, một vỏ ốc hay một con dơi là thấy được điều đó. Chúng con có những họa sĩ tài ba, nhưng những bức tranh của chúng con làm sao so sánh được với những bức tranh của đất Mẹ vẽ ra trong bốn mùa? Làm sao chúng con vẽ được một buổi bình minh hào hùng như thế, làm sao chúng con vẽ được một buổi hoàng hôn rạng rỡ như kia? Chúng con có những nhạc sĩ tài ba, nhưng những bản hợp ca của chúng con làm sao bì kịp với những buổi hòa tấu mầu nhiệm của đất trời, những tiếng hải triều hùng vĩ? Chúng con có những chiến sĩ anh hùng gội nắng dầm mưa, trèo non vượt suối, nhưng có ai có được sức kiên nhẫn chịu đựng và khả năng ôm ấp lâu dài như đất Mẹ? Chúng con cũng có những tình yêu lớn nhưng có ai có được cái tình yêu ôm trọn muôn loại, không kỳ thị không phân biệt, như tình thương vĩ đại của đất Mẹ?

Con biết là Bồ tát Địa Tạng cũng có năng lượng vững chãi và bao dung của đất Mẹ, vì thế nên Ngài có thể ôm ấp và chuyển hóa tất cả. Con cũng muốn được học hạnh của đất như Bồ tát Địa Tạng và như thầy La Hầu La. Con có những tủi đau, buồn chán và khổ nhục trong con, con xin lạy xuống để đất ôm lấy con, ôm lấy tất cả những tủi đau, buồn chán và khổ nhục trong con, để đất và con có thể từ từ chuyển hóa. Và để mai sau hoa trái của tình thương và niềm vui được xuất hiện trên mặt đất cũng như trong trái tim con.

Địa Xúc

Con xin lạy trước đức Bồ tát Đại Kiên Đại Hậu Đại Lực Kshitigarbha, Ngài có hạnh vững chãi và không phân biệt để ôm lấy tất cả những ai đau khổ. (C)

Con xin lạy trước đức Tôn Giả Mật Hạnh Rahula để vun bồi nơi con khả năng ôm tất cả mọi người và mọi loài mà không phân biệt. (C)