Thực tập chánh mạng
Khải Bạch
Bạch đức Thế Tôn, con nguyện xin thực tập chánh mạng, con sẽ tìm cách sinh sống bằng những phương tiện không làm tổn hại đến lòng từ bi. Thực tập giới thứ nhất trong Năm giới, con nguyện không sinh sống bằng những nghề nghiệp bắt buộc phải sát hại các loài chúng sinh, không tàn phá và làm nhiễm ô môi trường sinh sống của các loài ấy. Con nguyện không đầu tư vào những doanh nghiệp chỉ chuyên làm lợi cho một nhóm người nhưng lại tước đoạt cơ hội sinh sống của những nhóm người khác, những doanh nghiệp đang làm nhiễm ô môi trường. Con biết rằng trong lòng đất Mẹ cất chứa bao nhiêu kho tàng của năng lượng, chúng con nguyện sẽ sử dụng những kho tàng năng lượng đó một cách khéo léo để chúng đừng khô cạn. Con muốn bảo hộ cho đất Mẹ, như đất Mẹ đã luôn bảo hộ và che chở cho hàng triệu chủng loại trên hình hài của Mẹ. Những loài lớn, những loài nhỏ, những loài yếu cũng như những loài mạnh. Đất Mẹ đã biết sử dụng dưỡng khí từ quá trình quang hợp để tạo nên một lớp ozone trên thượng tầng khí quyển, giúp ngăn chận lại những tia phóng xạ cực tím, nhờ đó che chở được cho các loài sinh vật đang được Mẹ nuôi dưỡng. Sở dĩ chim chóc vẫn được cái hạnh phúc trở về với mây trời thênh thang, sở dĩ hươu nai vẫn có cái thích thú chạy nhảy ở đồng quê, đó là nhờ khả năng đùm bọc và che chở của đất Mẹ. Đất Mẹ đã tiếp thu, đã gặt hái ánh sáng của mặt trời một cách khéo léo để nuôi dưỡng đàn con của đất Mẹ và làm cho Mẹ xinh đẹp hơn từ hơn một tỷ năm nay. Con mong sao đất Mẹ vẫn có thể tiếp tục có mặt lâu dài trong hình thức xinh đẹp như hiện tại của Mẹ. Không những trong 500 triệu năm mà còn lâu dài hơn thế nữa. Con muốn bảo hộ cho đất Mẹ để Mẹ có mặt lâu dài với chúng con trong hệ Thái Dương ấm áp này.
Bạch đức Thế Tôn, con xin hứa với Ngài là nếu con đã lỡ bị hoàn cảnh ép buộc, hoặc đã làm những việc tổn hại đến môi trường thì con sẽ tìm cách thoát ra từ từ để tìm được một phương tiện sinh sống đúng theo tinh thần Chánh mạng. Con biết nếu con có được một nghề nghiệp mà hàng ngày con có thể nuôi dưỡng được lòng từ bi và thực hiện được sự cứu khổ, thì hạnh phúc của con sẽ rất lớn. Là giáo viên, là y tá, là bác sĩ, là người bảo vệ sinh môi, là nhà khoa học nghiên cứu, là cán sự y tế và xã hội, là nhà tâm lý trị liệu, con có cơ hội thực tập hiểu và thương, để làm thỏa mãn nhu yếu độ đời giúp người của con. Con biết còn nhiều nghề nghiệp khác nữa cũng có thể giúp con đi trên con đường ấy.
Con nguyện tập sống đơn giản, ít tiêu thụ, để khỏi phải mất quá nhiều thì giờ vào việc mưu sống, để có thì giờ sống sâu sắc và thảnh thơi trong khi làm việc cũng như trong khi chăm sóc và phụng sự. Con nguyện sẽ không ham hố kiếm nhiều sở làm, làm việc phụ trội, lấy cớ là để có đồng ra đồng vào. Con nguyện không đi tìm hạnh phúc ở phía bận rộn và tiêu thụ, mà chỉ đi tìm hạnh phúc về phía thảnh thơi và thương yêu.
Là người xuất gia, con nguyện không lập am cốc hay chùa riêng để sống một mình một cõi, sống xa lìa tăng thân, sống như một con hổ lìa rừng. Con nguyện không gieo rắc mê tín, sử dụng bùa phép, xem tướng, bói quẻ, chủ trương đốt vàng mã và tiền giấy, không cúng giải trừ sao hạn, thực tập đồng bóng, trừ tà yếm quỷ, không biến sự thực tập hộ niệm thành nghề cúng bái, không đưa ra giá cả cho những đám tang hoặc những buổi cầu siêu. Con cũng nguyện không đánh mất con trong những công việc mà con tưởng là Phật sự, nhưng bản chất là tìm kiếm tiếng khen, địa vị và lợi lộc, dù đó là việc xây chùa, đúc tượng, tổ chức, lễ lược hay tổ chức khóa tu. Con chỉ làm những công việc mà tăng thân giao phó và sẽ nguyện làm chung với các bạn đồng tu trong bốn chúng. Trong khi làm các công việc ấy, con hứa sẽ thực tập làm chung với tăng thân con trong tinh thần kiến hòa đồng giải và ý hòa đồng duyệt. Con nguyện sẽ lắng nghe ý kiến của mọi người trong tăng thân để đi đến một ý kiến tổng hợp, một tuệ giác cộng đồng làm nền tảng cho mọi quyết định. Làm như vậy, chúng con sẽ xây dựng thêm được tình huynh đệ, buông bỏ tự ái, ngã chấp và đi tới trên con đường chuyển hóa phiền não. Công việc xây dựng hay tổ chức là một cơ hội để chúng con có thể làm việc chung với nhau, tập buông bỏ lề thói chỉ muốn cho ý kiến của mình là hay nhất mà không thấy được giá trị của ý kiến người khác. Chúng con biết rằng làm việc trong tinh thần kiến hòa đồng giải và ý hòa đồng duyệt thì công việc đó mới được gọi là Phật sự, pháp sự hay tăng sự. Làm việc với nhau như thế chúng con mới có khả năng độ đời và giúp người.
Địa Xúc
Con xin kính cẩn lạy xuống ba lạy trước đức Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền. (C)