Buông bỏ tri giác sai lầm
Khải Bạch
Kính bạch đức Thế Tôn, nhờ thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm, con nhận diện được những gì đang xảy ra chung quanh con và con cũng nhận diện được những tâm hành đang biểu hiện trong con. Con biết con còn mang trong chiều sâu tâm thức con những vết thương của tổ tiên và của cha mẹ con để lại, và những vết thương đã được gây ra từ những năm con còn thơ ấu cho đến bây giờ. Có lúc những cảm thọ và những cảm xúc đau buồn trỗi dậy trong con, nếu con không biết cách nhận diện, ôm ấp và làm cho chúng lắng dịu xuống, thì con có thể nói những lời và làm những điều gây đổ vỡ trong gia đình hay trong đoàn thể con, và như vậy là con lại gây thêm đổ vỡ trong chính bản thân con nữa. Con xin nhớ lời đức Thế Tôn chỉ dạy, thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm để chế tác thêm năng lượng trong đời sống hàng ngày. Với năng lượng đó con có thể nhận diện các cảm thọ và cảm xúc đau buồn trong con và làm cho chúng lắng dịu xuống. Con biết là con không nên đè nén và đàn áp những cảm thọ và cảm xúc ấy mỗi khi chúng trào lên, bởi vì làm như thế chỉ làm cho tình trạng càng khó hơn.
Nhờ đức Thế Tôn chỉ dạy, con biết các cảm thọ và cảm xúc ấy một phần lớn đều phát sinh từ tri giác và nhận thức hạn hẹp của con. Con có những ý niệm sai lầm về con và về người khác, con có những ý niệm về hạnh phúc và về khổ đau mà con không buông bỏ được cho nên con khổ. Con đã tự làm khổ con rất nhiều vì những ý niệm ấy. Ví dụ ý niệm cho rằng hạnh phúc và đau khổ là do bên ngoài đi vào chứ không phải là do tâm con tạo dựng. Cách nhìn, cách nghe, cách hiểu và cách phán xét của con đã làm cho con đau khổ và cũng đã làm cho những người thương của con đau khổ. Con biết rằng buông bỏ các ý niệm ấy đi thì con có nhiều cơ hội có hạnh phúc hơn. Một khi buông bỏ được ý niệm chật hẹp và tri giác sai lầm thì các cảm thọ và cảm xúc đớn đau sẽ không còn cơ sở để biểu hiện nữa.
Thế Tôn, con xin hứa với Ngài là từ nay trở đi con sẽ tập quán chiếu để thấy rằng phần lớn những khổ đau mà con gánh chịu đều phát xuất từ cách nhìn, cách thấy, cách hiểu của con, từ ý niệm và tri giác của con. Con sẽ không oán trách người khác nữa mỗi khi con khổ đau, mà con sẽ trở về với bản thân để nhận diện cội nguồn của những khổ đau ấy trong phạm vi ý niệm và tri giác của con. Con biết con còn rất nhiều vô minh, vì vậy cho nên nhận thức của con thường sai lầm. Thế Tôn gọi những tri giác sai lầm ấy là vọng tưởng. Vọng tưởng là nền tảng khổ đau. Con sẽ tập quán chiếu để buông bỏ vọng tưởng của con.
Lạy đức Thế Tôn, con cũng sẽ quán chiếu để giúp người khác buông bỏ vọng tưởng của họ để cho họ có thể vượt thoát khổ đau của họ. Con sẽ lắng nghe khổ đau của người khác để giúp họ nhận diện nguồn gốc của những khổ đau từ những tri giác sai lầm của họ. Con sẽ thực tập lắng nghe với tâm từ bi, để có thể hiểu và thương được họ mà không còn trách móc họ. Con cũng sẽ sử dụng những phương tiện khéo léo như nói lời ái ngữ để giúp cho họ thấy những khổ đau phát sinh từ cách họ nhìn, họ thấy, họ hiểu, dựa vào những ý niệm và tri giác của họ. Và khi họ thấy được như thế, họ sẽ không còn trách móc và oán hờn kẻ khác. Trái lại, họ sẽ thấy được rằng nếu buông bỏ những tri giác sai lầm trong họ thì họ sẽ có hạnh phúc và thảnh thơi.
Địa Xúc
Nam mô đức Bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi. (C)
Nam mô đức Bồ tát lắng nghe Quan Thế Âm. (C)
Nam mô Tôn giả Đại Trí Xá Lợi Phất. (C)