Làm bếp trong chánh niệm
Khải Bạch
Bạch đức Thế Tôn, con đã thấy trong nhà bếp có hình của sứ giả Giám Trai[1]. Mỗi khi bắt đầu làm bếp, con đốt một cây hương để khởi đầu cho một buổi thực tập nấu cơm trong chánh niệm, và nhà bếp cũng trở thành một thiền đường ấm áp của con. Con sẽ sắp đặt để con có thể có đủ thì giờ mà nấu cơm trong sự ung dung, không cần hấp tấp. Cho nước chảy vào chậu rửa rau, con quán chiếu về nước để thấy được tính nhiệm mầu của nước. Con thấy được nước từ nguồn suối cao hay từ lòng đất sâu đã chảy về tới tận nhà bếp của con. Con biết trên trái đất có những vùng thiếu nước và dân chúng phải đi nhiều cây số dưới nắng nung người mới gánh được một gánh nước đem về. Ở đây, nước có mặt bất cứ lúc nào con vặn vòi nước. Khi nước bị cắt trong vài giờ đồng hồ con đã thấy lúng túng. Cho nên con biết trân quý nước. Con cũng biết trân quý điện, điện để thắp đèn hoặc để đun nước. Con chỉ cần ý thức là đang có nước, đang có điện là niềm vui của con được phát hiện ngay. Nhìn trái cà chua, nhìn củ cà rốt, nhìn miếng đậu hũ con cũng có thể quán chiếu để thấy được sự mầu nhiệm của chúng và cội nguồn của chúng. Pha trà, con có thể quán chiếu để thấy được những đồi trà trên cao nguyên miền Bắc hoặc những dãy đồi mù sương ở miền Trung.
Khi xắt gọt, xào nấu, con cũng sẽ làm trong chánh niệm và với tình thương. Con biết nếu con làm việc trong tình thương thì con sẽ không mệt mỏi. Còn nếu con nghĩ rằng mình đang bị bắt buộc nấu bếp cho người khác thì con sẽ mất hết niềm vui. Được nấu cơm nuôi sống tăng thân hay gia đình, đó là một hạnh phúc. Con ý thức rằng năng lượng của tình thương chế tác được trong khi con đang nấu ăn đi thẳng vào những món ăn mà con nấu. Con hứa sẽ không nói chuyện trong nhà bếp, nhất là không nói những chuyện thị phi không dính líu gì hết tới việc làm hạnh phúc cho tăng thân. Con sẽ làm việc im lặng với những người khác nhưng mỗi chúng con đều có thể làm trong chánh niệm, tình thương và niềm vui.
Địa Xúc
Con xin lạy xuống ba lạy trước Bồ tát sứ giả Giám Trai để Bồ tát chứng minh cho con trong sự phát nguyện thực tập này. (C)
[1] Bồ tát ở nhà trù (nhà bếp) của mỗi tu viện hay chốn già lam để trông nom việc ăn uống cho chúng tăng.