Thiền đi
Khải Bạch
Bạch đức Thế Tôn, trong quá khứ con có tập khí đi như bị ma đuổi, đi chỉ biết mong cho mau tới, vì vậy cho nên con không biết sống trong giây phút hiện tại, không có cơ hội nhiều để được sống ung dung và tự tại. Từ ngày con học được phép thiền đi, con đã được chuyển hóa nhiều. Nhưng sự thực tập thiền đi của con vẫn chưa được vững chãi như con muốn, và không phải bước chân nào của con cũng được bước trong chánh niệm. Con thấy bao nhiêu người quanh con không có khả năng sống trong giây phút hiện tại vì họ chưa có cơ hội thực tập thiền đi. Con được đức Thế Tôn chỉ dạy là sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, vì vậy con muốn mỗi bước chân của con đều mang con trở về với giây phút hiện tại. Con muốn bước chân nào của con cũng mang lại thêm cho con năng lượng vững chãi và thảnh thơi, bước chân nào của con cũng giúp con tiếp xúc được sâu sắc với sự sống và những mầu nhiệm của sự sống. Con nguyện là mỗi khi bước đi, con sẽ chú tâm vào hơi thở, vào sự tiếp xúc giữa bàn chân với mặt đất mầu nhiệm. Con sẽ không nói chuyện trong khi đi. Nếu cần nói gì thì con sẽ ngừng lại, đem hết tâm ý vào câu nói hoặc vào sự lắng nghe. Và nói xong hoặc nghe xong, con mới tiếp tục cất bước. Nếu người đang đi với con chưa hiểu được sự thực tập này thì con sẽ dừng lại và chia sẻ với họ sự thực tập ấy, để trong khi bước đi con có thể để trọn tâm ý vào từng bước chân, để ý thức rõ rệt là mình đang giẫm chân trên thật địa, để có thể tiếp xúc sâu sắc với những mầu nhiệm của sự sống biểu hiện trên hình hài của đất Mẹ. Những mầu nhiệm của sự sống có mặt ngay trong giờ phút này, từ nụ hoa, hạt sỏi, dòng suối, con sóc, tiếng chim cho đến gió trăng và tinh tú. Con biết rằng còn sống, còn có đủ cả hai chân khỏe mạnh và đang bước đi thảnh thơi trên mặt đất là một phép lạ, là địa hành thần thông.
Bạch đức Thế Tôn, con xin hứa với Thế Tôn là con sẽ tổ chức đời sống của con như thế nào để mỗi khi con cần di chuyển bằng hai chân là con có thể áp dụng pháp môn thiền đi, dù quãng đường di chuyển ngắn hay dài. Từ phòng ngủ đi ra phòng tắm, từ nhà bếp đi xuống nhà vệ sinh, từ tầng dưới leo lên tầng trên, từ cổng nhà đi ra bến xe, mỗi khi bước đi là con sẽ áp dụng pháp môn thiền đi. Trong công viên, ngoài bờ sông, tại phi trường hay nơi siêu thị, ở đâu con cũng sẽ áp dụng pháp môn thiền đi. Con nguyện chế tác và làm tỏa chiếu năng lượng ung dung, thảnh thơi, vững chãi và an lạc bất cứ nơi nào con đi qua. Mỗi bước chân như thế đều có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu, mỗi bước chân như thế có thể đem con về với đất Mẹ, nơi vô số các vị Bụt và Bồ tát đã được sinh ra và đã thành đạo, đã giáo hóa. Đất Mẹ là một Tịnh độ xinh đẹp tuyệt vời.
Bạch đức Thế Tôn, Ngài cũng là một người con của đất Mẹ, đã nhận trái đất này làm quê hương. Ngày xưa đức Thế Tôn đã thanh thản rong chơi trong bao nhiêu quốc gia vùng lưu vực sông Hằng, đến đâu Ngài cũng lưu lại dấu chân an lạc và thảnh thơi của mình, nơi nào Ngài bước qua cũng đều trở nên thánh địa. Chúng con cũng muốn sử dụng hai bàn chân của Ngài để bước đi những bước chân như thế trên khắp năm châu. Chúng con đang có mặt khắp nơi và chúng con nguyện ngày nào cũng thực tập thiền đi để cho tất cả trái đất này trở nên thánh địa. Chúng con biết chỉ cần hết lòng thực tập thiền đi, chúng con cũng đã có thể tiếp nối được sự nghiệp của Bụt và của tăng đoàn nguyên thủy tới một mức độ tốt đẹp rồi. Con nhớ vua Ba Tư Nặc đã từng bạch với đức Thế Tôn là mỗi khi thấy tăng đoàn của đức Thế Tôn di chuyển trong chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi là vua lại có niềm tin lớn nơi đức Thế Tôn. Chúng con nguyện cũng sẽ làm được như tăng đoàn nguyên thủy, để những người nào trông thấy chúng con đang di chuyển cũng phát sinh được niềm kính ngưỡng đối với Ngài.
Địa Xúc
Xin Thế Tôn cho con lạy xuống để tiếp xúc vớiThế Tôn và với các vị Bồ tát Trì Địa và Địa Tạng. (C)
Xin Thế Tôn cho con lạy xuống để tiếp xúc vớiTôn giả Assaji[1], nguồn cảm hứng cho bao nhiêu người nhờ vào sự thực tập thiền đi của thầy. (C)
[1] Tiếng Hán Việt là A thấp bà trí, A xả bà thệ, A xà du, hoặc Mã thắng. Assaji là một trong năm vị đệ tử xuất gia đầu tiên của Bụt ở Vườn Nai. Thấy phong độ ung dung và giải thoát của Đại đức, thầy Xá Lợi Phất rất lấy làm cảm phục và phát khởi niềm tin. Thầy Xá Lợi Phất liền đi theo Đại đức để tìm hiểu và sau đó, cùng với người bạn thân là Mục Kiền Liên, tìm đến Bụt để xin làm đệ tử của Ngài.
Xin tham khảo thêm Đường Xưa Mây Trắng, chương 29, nhà xuất bản Phương Đông và Công ty Sách Phương Nam, 2017.