Việt Nam Phật giáo sử luận

Chương 19: Sức sáng tạo của giới Phật tử đại chúng

TÍN NGƯỠNG CỦA ÐẠI CHÚNG

Như ta đã biết, đứng về phương diện đóng vai trò lãnh đạo văn hóa trí thức và chính trị, đạo Phật trong thời Lê Mạc lâm vào trạng thái suy đồi, nhưng đứng về phương diện tín ngưỡng dân gian, đạo Phật trong thời đại ấy vẫn tiếp tục phát triển. Trong tín ngưỡng Phật giáo đại chúng, ăn chay, giữ giới, tụng kinh, phóng sinh và chẩn tế là những việc làm mang lại công đức cho bản thân và cho gia đình. Ngoài ra, muốn tạo dựng công đức, ta có thể làm chùa, xây tháp, đúc tượng và in kinh. Trong thời gian gọi là thời Phật giáo suy đồi, giới tín đồ đại chúng vẫn tiếp tục hành đạo theo đường lối đó, bởi vì đức tin về nhân quả và báo ứng càng ngày càng ăn sâu vào lòng họ. Như ta đã biết, trong suốt thế kỷ thứ mười lăm, dân chúng vẫn tiếp tục xây thêm chùa đến nỗi năm 1464, vua Lê Thánh Tông phải có lệnh cấm xây thêm chùa mới. Về việc khắc bản in kinh, vì thiếu sự lãnh đạo của những người có ý thức về một nền Phật giáo dân tộc cho nên dân chúng chỉ khắc những kinh Phật phổ thông thường được đọc tụng như kinh Dược Sư, Ðịa Tạng, Phổ Môn, v.v… mà không biết đi tìm và khắc in lại những tác phẩm do Phật tử đời Lý và đời Trần sáng tác. Ðiều đáng tiếc này xảy ra một phần vì người ta có quan niệm rằng in kinh thì có công đức hơn in lục, bởi vì kinh là do Phật trực tiếp nói ra, còn lục là do Tổ truyền dạy. Vì lý do đó mà nền văn học Phật giáo trong nước bị nghèo nàn đi một cách thảm hại.

Ðức tin của quần chúng ảnh hưởng đến hành động của vua quan. Ðời Lê thường xảy ra nhiều vụ hạn hán. Những Nho thần kỳ thị đạo Phật cố nhiên không ưa việc tổ chức tụng kinh cầu mưa. Tuy vậy, những hiện tượng như mưa, lụt, hạn hán, sâu ăn lúa v.v… theo tín ngưỡng quần chúng là do vua quan ăn ở thất đức mà có ra. Vì vậy, vua quan phải chìu theo ý dân mà tự trách, sám hối, thả bớt tù nhân, làm chay và đảo vũ. Mùa hạ năm 1434, vua Lê Thái Tông sai các quan rước Phật từ chùa Pháp Vân về kinh đô để làm lễ cầu mưa. Lại cho phóng thích một số tù nhân, và dựng trai đàn chẩn tế ngay ở điện Cần Chánh để tu tạo công đức, cầu cho có mưa. Rằm tháng Bảy năm ấy, vua lại cho tổ chức đại hội Vu Lan, mời chư tăng đến cầu nguyện, rồi cúng dường chư tăng và phóng thích thêm năm mươi tù nhân nữa. Năm 1448 có hạn hán lớn, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho tất cả các quan văn võ phải ăn chay và giữ mình cho trong sạch để tới chùa Báo Ân ở cung Cảnh Linh mà làm lễ cầu mưa. Ðích thân vua tới lạy trước Phật điện. Tất cả các Nho thần đều phải làm theo. Rồi vua sai Thái úy Lê Khả đến chùa Pháp Vân ở xã Cổ Châu, rước tượng Phật chùa này, đem về tôn trí tại chùa Báo Thiên ở kinh thành, rồi xuống chiếu thỉnh chư tăng tới tụng kinh, sám hối và cầu nguyện. Vua và hoàng hậu đích thân đến lạy Phật. Lại tổ chức cúng dường trai tăng và phóng thích hai mươi bốn người tù mà tội còn đáng ngờ. Vua Lê Nhân Tông xuống chiếu tự trách mình như sau:

“Từ năm trước đến nay, tai dị xảy ra luôn, như lụt, hạn,sâu, không năm nào không có. Hoặc là chính trị của trẫm, trên không thuận trời, dưới chưa thỏa chí dân, mà sinh ra như thế chăng? Hoặc các đại thần giúp đỡ không phải là người giỏi, điều hòa trái phép, xếp đặt sai lẽ mà sinh ra thế chăng? Nay các ngươi, trên từ thần liêu trong ngoài, dưới đến các sĩ dân, có người nào vì trẫm dám nói, chỉ ra những việc của trẫm và các tể thần hại đến nhân dân chính sự chăng?”

Năm 1449, lại có đại hạn, và vua cũng lại tổ chức lễ cầu mưa tại cung Cảnh Linh. Những việc tụng kinh, thả tù, và cầu mưa nói trên chứng tỏ rằng đạo Phật có gốc rễ tín ngưỡng rất sâu xa trong dân chúng, và triều đình không thể không chiều theo tín ngưỡng ấy mỗi khi có áp lực. Nho thần không ưa Phật giáo, nhưng các phu nhân, mệnh phụ và cả hoàng thái hậu, hoàng hậu và các cung nhân lại tín ngưỡng đạo Phật: họ thường cung thỉnh chư tăng đến để giảng bày đạo lý và thiết lễ cúng dường. Năm 1460, sau cuộc đảo chính trong nội cung để đưa vua Lê Thánh Tông lên ngôi, có chiếu chỉ cấm tăng sĩ và đạo sĩ không được liên lạc với nội cung, sợ tin tức tiết lộ ra ngoài quần chúng. Bốn năm sau, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cấm xây dựng thêm chùa mới.

VĂN HỌC KỂ HẠNH VÀ SỰ THỜ TỰ THÁNH TĂNG

Trong lúc những tác phẩm của Phật giáo Trúc Lâm không được giới trí thức của thời đại ngó ngàng tới, thì giới Phật tử bình dân lại phát triển một loại văn học truyền miệng để duy trì những tài liệu lịch sử về các vị tổ sư Phật giáo. Loại văn học truyền miệng này được gọi là kể hạnh. Kể là kể chuyện, hạnh là hành trạng của các vị tổ sư. Mỗi năm cứ đến ngày mồng mười tháng Ba âm lịch, tức là ngày giỗ tổ Pháp Loa, Phật tử khắp nơi tìm về chùa Hương Hải ở thôn Tiền, xã Phù Vệ, huyện Chí Linh (nay thuộc phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương) để dự lễ giỗ tổ và để nghe các bà và các cô kể hạnh, nói về sự tích ba vị tổ Trúc Lâm. Văn kể hạnh là văn đặc biệt của nhà chùa; đó là một lối văn hát; giọng của các già lớn tuổi xen vào giọng của các thiếu nữ. Các bà các cô thuộc lòng những điều họ kể, nếu thiếu sót hay sai lầm thì đã có các thầy căn cứ trên các bản Khóa Hư Tam Tổ Thực Lục để sửa chữa hoặc bổ sung lại. Văn kể hạnh vì tính cách bình dân của nó, không thể chuyên chở được hết những thiền ngữ có ý nghĩa quá khó khăn đối với trí óc của người dân thường. Vì vậy còn có một lối hát gọi là hát kệ[1], để duy trì lại một cách dễ dàng hơn những bài kệ tụng của các vị tổ sư. Người nghe có thể không hiểu thấu hết ý nghĩa sâu xa của bài kệ, nhưng cũng có thể thưởng thức được nhạc điệu của nó. Theo Ðinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên, tác giả Văn Học Dân Gian[2] thì một bài kệ kể hạnh và hát kệ từ đời Trần còn được truyền giữ lại, đó là bài Thiền Tông Truyền Tông Chỉ Nam Quốc Ngữ Hành. Do đây ta biết lối kể hạnh và hát kệ đã được bắt đầu từ đời Trần. Ðến cuối thế kỷ thứ mười bảy, thiền sư Chân Nguyên mới viết sách An Tử Sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh bằng văn Nôm lục bát; tài liệu này nếu học thuộc lòng thì kể hạnh và hát kệ mới không còn thiếu sót.

Lối văn kể hạnh rất được thịnh hành và lưu truyền cho đến ngày nay. Tại những chùa thuộc phái Trúc Lâm, vào những ngày giỗ tổ, tín đồ thường tổ chức kể hạnh.

Tại chùa Tư Phúc, tục gọi là chùa Hun, mỗi năm đến ngày mồng ba tháng Giêng là ngày giỗ tổ Huyền Quang, thiện nam tín nữ kéo nhau về rất đông để lễ tổ và nghe kể hạnh. Lễ giỗ tổ ở đây làm rất lớn, có khi kéo dài đến cả tháng, thiên hạ lui tới không ngớt. (Chùa Tư Phúc ở núi Côn Sơn được tạo lập từ đời Lý, đến đời Trần được Pháp Loa mở mang thêm, và khi Huyền Quang tới ở đã trở thành một ngôi chùa lớn. Sau khi Huyền Quang mất, nhục thân được hỏa thiêu và tro được cất giữ trong một ngọn tháp ở sau chùa, trên lưng núi Côn Sơn. Tháp xây bằng đá xanh. Trong thời thuộc Minh, Nguyễn Trãi về ẩn tại đây, có sáng tác Côn Sơn Ca).

Sự tích Từ Ðạo Hạnh đời Lý cũng được truyền tụng bằng lối văn kể hạnh[3]. Từ Ðạo Hạnh là một vị cao tăng thuộc thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi; thiền học của ông được bao phủ bởi một lớp màn Mật giáo. Ông sinh vào đầu thế kỷ thứ mười hai, mất năm 1112. Hai chùa thờ Từ Ðạo Hạnh cho tới ngày nay là chùa Chiêu Thiền tại làng An Lãng tục gọi là chùa Láng[4] và chùa Sài Sơn[5]. Vài ba năm, hội chùa Láng lại được tổ chức một lần, và dân làng diễn tả lại sự tích của thiền sư Từ Ðạo Hạnh.

Ngay từ đời Lý và đời Trần, sự tích của thiền sư Từ Ðạo Hạnh đã được thêu dệt thêm bằng những pháp thuật rồi. Ngay trong Thiền Uyển Tập Anh, sự tích Từ Ðạo Hạnh đã chiếm rất nhiều trang sách. Văn kể hạnh và sự diễn lại sự tích Ðạo Hạnh đã làm công việc duy trì và tô điểm cho sự tích càng ngày càng có vẻ linh dị. Khoảng đầu thế kỷ thứ mười lăm, sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp có viết một bài về sự tích Từ Ðạo Hạnh. Bài này được căn cứ trên tài liệu sách Thiền Uyển Tập Anh, nội dung không khác với sự tích trong Thiền Uyển Tập Anh bao nhiêu. Ðến đầu thế kỷ thứ mười tám, Lê Hữu Hỷ (bút hiệu Tam Thanh Quán Ðạo Nhân) lại viết một bài dài hơn, nhan đề là Từ Ðạo Hạnh Thánh Sự Tích Thực Lục. Bài này được cho vào phần phụ lục của sách Việt Ðiện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên trong kỳ khắc bản năm 1712[6]. So với sự tích Từ Ðạo Hạnh trong Thiền Uyển Tập Anh, bài Từ Ðạo Hạnh Ðại Thánh Sự Tích Thực Lục của Ðạo Nhân Quán Tam Thanh viết có nhiều chi tiết vẽ vời hơn. Sự kiện này chứng tỏ tác giả đã sử dụng văn học truyền khẩu và diễn tích của dân quê mà chép lại thực lục của Từ Ðạo Hạnh vậy. Sự tích của thiền sư Ðạo Hạnh có liên hệ tới sự tích của thiền sư Minh Không[7]. Vậy nên tại các chùa có thờ Minh Không thiền sư, sự tích này cũng được dân làng nhắc lại. Một lối hát chèo gọi là chèo chải được sử dụng để diễn lại sự tích thiền sư Minh Không nhằm ngày giỗ của ông tại các chùa Thần Quang và Hành Thiện[8].

Sau đây là sự tích của Từ Ðạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, kể theo các sách Thiền Uyển Tập Anh, Lĩnh Nam Chích Quái Việt Ðiện U Linh Tập. Cả ba sách đều phản chiếu sự sáng tạo của giới Phật tử đại chúng. Theo truyền tích, Ðạo Hạnh hồi còn nhỏ bề ngoài tỏ ra ham chơi nhưng bề trong thì có chí lớn, rất chuyên cần học tập. Ông có ba người bạn thiết: Nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và kép hát Phan Ất. Cha của Từ Ðạo Hạnh là Từ Vinh thấy con suốt ngày chơi bời, đá cầu, thổi sáo, đánh bạc, rất lấy làm lo lắng. Một đêm, mở cửa vào phòng Ðạo Hạnh, ông thấy chàng đang tựa án mà ngủ, tay còn cầm sách, trên bàn sách vở bừa bãi, ngọn đèn leo lét. Biết rằng con rất chăm học về đêm, ông không lo nữa. Sau đó Ðạo Hạnh đi thi được đỗ đầu khoa Bạch Liên[9]. Ông không muốn ra làm quan vì ông chỉ muốn tìm cách trả thù cho cha. Cha của ông, trước đó, vì có dùng tà thuật phạm đến Diên Thành Hầu nên bị Diên Thành Hầu nhờ pháp sư Ðại Ðiên dùng pháp thuật đánh chết quẳng thây xuống sông Tô Lịch. Khi trôi đến trước nhà của Diên Thành Hầu thì thi hài của cha ông bỗng đứng dậy trên mặt nước, tay chỉ vào nhà Hầu như vậy suốt một ngày. Hầu sợ hãi đi tìm Ðại Ðiên. Ðại Điên tới đọc một câu kệ:

Thầy tu giận ai thì cũng không giận quá một đêm.

(Tăng hận bất cách túc)

Thây của Từ Vinh liền ngã xuống và trôi đi. Trôi đến sông Hàm Rồng, làng Nhân Mục Cựu thì dừng lại. Thấy việc linh dị, dân làng ấy chôn cất, dựng miếu và tạc tượng thờ, lấy ngày mồng mười tháng Giêng làm ngày kỵ. Bà mẹ thì chôn ở chùa Ba Lăng, làng Thượng An, nay là chùa Hoa Lăng. Chùa này thờ hai vị thánh phụ và thánh mẫu tức là cha mẹ của Từ Ðạo Hạnh[10].

Ðạo Hạnh muốn trả thù cho cha, song chưa biết bằng cách nào. Một hôm trông thấy Ðại Ðiên đi ngang nhà liền xách gậy ra định đánh. Bỗng nghe trên không có tiếng la lên “đừng, đừng”, liền bỏ gậy xuống không dám đánh nữa. Sau đó Ðạo Hạnh cùng hai người bạn là Minh Không và Giác Hải cùng rủ nhau đi sang Ấn Ðộ để học linh thuật về chống trả với Ðại Ðiên. Nhưng đi đến xứ người Răng Vàng[11] thấy đường sá hiểm trở, ba người muốn trở về. Bỗng thấy một ông già chèo chiếc thuyền con dạo chơi trên sông, ba người đến gần hỏi đường. Ông già trả lời: Ðường núi hiểm trở đi chân không được đâu; lão có chiếc thuyền con, xin chở giúp các người, và có cái gậy trúc con, nhắm thẳng Tây Vực mà đi thì chẳng xa là mấy. Nói xong đọc bài kệ:

Ðồng đạo cùng đi sự đã đành

Công nhiều chí lớn ắt thành danh

Chớ nề khó nhọc đường trăm ngả

Theo riết Hoàng Giang thấy thánh sinh.

Ðọc xong, ngửa mặt trông chừng giây lát đã đến bờ Tây Thiên. Ðạo Hạnh ở lại giữ thuyền con, Giác Hải và Minh Không lên bờ học đạo. Học xong hai người bỏ về trước. Ðạo Hạnh giữ thuyền đã ba ngày, không thấy hai bạn trở về. Bỗng gặp một bà lão bên sông tới hỏi thăm, được bà lão cho biết là hai người đã học được phép linh của bà và đã về trước rồi. Bà lão bảo Ðạo Hạnh gánh hai thùng nước về nhà bà và bà bắt đầu dạy pháp thuật cho. Ðạo Hạnh học xong thì cũng về nước. Giữa đường nghĩ tới hai người bạn, liền niệm chú. Hai người bị đau bụng không đi tiếp được nữa. Ðạo Hạnh dùng phép rút đất, vượt hai người, rồi hóa ra con cọp trong bụi rậm, gầm lên một tiếng làm hai người giật mình. Nơi Ðạo Hạnh hóa cọp để “hù” hai người bạn thuộc về làng Ngãi Cầu, huyện Từ Liêm[12]. Minh Không thấy Ðạo Hạnh giả cọp, cười nói với Ðạo Hạnh: “Nghiệp của anh còn nặng, anh sẽ còn phải luân hồi và sẽ gặp nạn. Nhưng tôi sẽ cứu cho”.

Ðạo Hạnh về ẩn trong chùa Thiên Phúc núi Phật Tích, nhất tâm trì tụng thần chú Ðại Bi, đủ mười vạn tám nghìn biến. Một hôm thấy có một vị thần đến, xưng là Tứ Trấn Thiên Vương, nói rằng vì cảm công đức của Ðạo Hạnh nên đến để được sai khiến. Ðạo Hạnh biết pháp thuật của mình đã viên mãn, có thể báo thù cha được, bèn cầm gậy đi đến cầu Quyết sông Tô Lịch, liệng gậy xuống nước. Gậy liền lội ngược dòng như con rồng, mãi cho đến cầu Tây Dương mới ngừng. Ðạo Hạnh mừng nói: “Phép của ta hơn phép của Ðại Ðiên rồi”. Bèn tới nhà Ðại Ðiên. Trông thấy Ðạo Hạnh, Ðại Ðiên hỏi: “Ngươi không nhớ việc ngày trước sao?” Ðạo Hạnh ngửa mặt lên trời, không thấy phản ứng gì, liền lấy gậy đánh Ðại Ðiên một gậy. Ðại Ðiên về phát bệnh mà chết.

Từ đó, thù xưa rửa sạch, niềm tục lạnh như tro tàn, Ðạo Hạnh mới đi khắp Tùng Lâm mà cầu tâm ấn. Nghe thiền sư Trí Huyền dạy đạo ở Thái Bình, Ðạo Hạnh tìm tới tham vấn, trình lên bài kệ:

Lẫn với bụi đời tự bấy lâu

Chân tâm vàng ngọc biết tìm đâu

Cúi xin rộng mở bày phương tiện

Thấy được chân như sạch khổ sầu.

Trí Huyền đáp:

Trong ngọc vang ra tiếng diệu huyền

Mỗi âm đều hiển lộ tâm thiền

Bồ đề hiện rõ ngay tầm mắt

Tìm kiếm lại càng ngăn cách thêm.

Ðạo Hạnh hoang mang không hiểu. Sau này, khi tu học với thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân, có lần Ðạo Hạnh hỏi:

– Cái gì là chân tâm?

Sùng Phạm đáp:

– Cái gì mà không phải là chân tâm?

Ðạo Hạnh thoạt nhiên tỏ ngộ. Hỏi rằng:

– Làm thế nào để giữ gìn?

Sùng Phạm nói:

– Ðói thì ăn, khát thì uống.

Từ đó về sau pháp lực Ðạo Hạnh càng tăng cường, cơ duyên thiền học càng chín chắn, có thể sai khiến chim rừng và dã thú… Hễ có ai đau ốm đến cầu khẩn thì niệm chú trị bệnh, ai ai cũng được nhờ ơn. Có lần đệ tử hỏi:

– Thế nào là Phật tâm?

Ðạo Hạnh trả lời:

Có thì có tự trần sa

Không thì cả cõi ta bà cũng không

Có không bóng nguyệt lòng sông

Có không chẳng phải là không chút nào.

Lại nói:

Nhật nguyệt trên đầu núi

Ai cũng thấy mịt mùng

Nhà giàu kia có ngựa

Mà lại đi chân không.

Hồi ấy vua Nhân Tông không có con nối dõi. Năm Hội Tường Ðại Khánh thứ ba, phủ Thanh Hoa báo cáo về có một đứa trẻ linh dị xuất hiện, mới ba tuổi mà đã nói năng thông thạo, tự xưng tên là Giác Hoàng, không có việc gì vua làm mà không biết. Vua sai người đi xét thấy đúng như lời báo cáo, mới rước đứa bé về kinh đô cho ở chùa Báo Thiên. Thấy nó thông minh dị thường vua rất lấy làm yêu mến, muốn lập làm hoàng thái tử. Quần thần đều cản, bảo rằng nếu nó quả thật linh dị thì tự khắc nó phải thác làm con vua. Vua bèn tổ chức đại hội bảy ngày bảy đêm cầu cho Giác Hoàng đầu thai làm con mình. Lúc đó Ðạo Hạnh nói:

– Ðứa trẻ kia là yêu quái, mê hoặc lòng người, ta không thể ngồi yên để nó làm loạn.

Nói xong nhờ bà chị giả làm người đi xem hội, bí mật đem vài hột ấn kết của Ðạo Hạnh đến giắt lên trên rèm. Ðại hội khai diễn đến ngày thứ ba, Giác Hoàng thọ bệnh, bảo rằng:

– Khắp nước giăng đầy lưới sắt, muốn thác sinh mà không có cách gì vào lọt.

Vua nghi rằng đó là do Ðạo Hạnh làm, liền cho điều tra, quả nhiên như vậy. Ðạo Hạnh bị giam ở lầu Hưng Thanh, trong khi vua hội họp quần thần để xử tội. Khi Sùng Hiền Hầu đi qua lầu, Ðạo Hạnh van:

– Xin hết sức cứu cho bần tăng khỏi tội, tôi sẽ xin thác thai trong cung để báo ân.

Hầu vào tâu vua:

– Nếu Giác Hoàng thật quả có thần lực, thì dù có bị Ðạo Hạnh ngăn cản cũng vẫn thác thai được. Nay sự việc như thế thì tỏ ra Ðạo Hạnh cao tay hơn nhiều. Tại sao không cho Ðạo Hạnh thác thai?

Vua liền nghe lời, thả Ðạo Hạnh ra. Ðạo Hạnh đi thẳng ngay đến nhà Hầu, nhìn vào nhà tắm. Phu nhân giận, mách Hầu. Hầu đã biết trước, liền không quở trách gì. Sau đó phu nhân có thai, Ðạo Hạnh nói rằng:

– Chừng nào gần đến giờ sinh thì báo cho biết[13].

Ðến ngày được báo tin, Ðạo Hạnh tắm rửa, thay áo, bảo với chư tăng:

– Túc nhân của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa ở thế gian, tạm làm quốc vương. Sau kiếp quốc vương lại phải sinh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Sau khi chết, trong một thời gian, chân thân ta sẽ không hư hoại. Ðến ngày nó hư hoại thì đó là ngày ta vào Niết bàn, không còn ở cõi sinh diệt nữa. Môn đồ khóc lóc. Ðạo Hạnh đọc bài kệ:

Thu sang chẳng báo nhạn cùng bay

Cười lạnh trần gian khổ lụy đầy

Nhắn với môn đồ đừng luyến tiếc

Thầy xưa mấy kiếp lại thầy nay.

Ðọc xong, Ðạo Hạnh đi vào núi, bỏ thân mà hóa. Ðó là ngày mồng bảy tháng Ba[14]. Phu nhân Sùng Hiền Hầu sinh hạ được một trai, đặt tên là Dương Hoán, ba tuổi được vua Nhân Tông nuôi ở trong cung, lập làm hoàng thái tử. Tháng Chạp năm Thiên Phù Khánh Thọ thứ nhất, vua băng, thái tử tức vị làm vua, hiệu là Thần Tông. Thần Tông tức là Ðạo Hạnh hóa thân vậy.

Thiền sư Minh Không tự Không Lộ[15], họ Nguyễn, tên là Chí Thành, bạn của Ðạo Hạnh và Giác Hải. Năm Minh Không hai mươi chín tuổi, ba người đi Tây Trúc học. Minh Không đắc lục trí thần, về quê quán dựng chùa Diên Phúc, chuyên trì chú Ðại Bi. Minh Không muốn tạo ra bốn kỳ quan của Ðại Việt là tháp Báo Thiên, đỉnh Phổ Minh, chuông Quy Ðiền và tượng Quỳnh Lâm, nhưng không có đủ đồng, liền đi sang Trung Hoa. Ngủ đêm tại nhà một người giàu có, Minh Không xin sáu thước đất vuông để lập tự viện Kỳ Viên; người trưởng giả cười nói:

– Ngày xưa thái tử Lương lập Kỳ Viên có đất rộng cả vạn dặm, sáu thước làm sao lập được?

Ðêm ấy Minh Không tung áo cà sa mình che cả một đám đất ngàn dặm. Thấy có thần thông, người trưởng giả đem vợ con đến quỳ lạy xin theo Tam Bảo. Sáng sớm, Minh Không mặc pháp phục, chống tích trượng vào triều. Vua hỏi: “Muốn gì?”, Minh Không nói:

– Bần tăng xuất gia đã lâu, nay muốn tạo tứ khí cho Ðại Việt, cho nên đã không quản ngại ngàn dặm tới đây, xin bệ hạ bố thí cho một ít đồng. Vua hỏi có bao nhiêu đồ đệ đi theo. Minh Không nói đi một mình. Vua nói:

– Ðường về quý quốc xa lắm, vậy thầy muốn lấy bao nhiêu thì lấy.

Với chiếc tay nải, Minh Không nhét hết kho đồng của nước bạn. Quẩy tai nải trên vai, Minh Không vào chào vua về nước. Vua tiếc mà không biết làm sao lấy lại kho đồng. Ðem đồng về chùa Quỳnh Lâm, Minh Không đúc một tượng Phật A Di Ðà vĩ đại cho chùa. Một đỉnh tháp lấy tên là tháp Báo Thiên, một đại hồng chung tại làng Phổ Lại và một chiếc đỉnh lớn tại Phổ Minh. Số đồng còn đủ để đúc một chiếc đại hồng chung cho chùa địa phương nặng ba ngàn ba trăm cân, một chiếc đại hồng chung khác cho chùa Diên Phúc ở huyện Giao Thủy, nặng ba ngàn cân. Công quả xong rồi, Minh Không đọc bài kệ:

Nổi trên mặt đại dương

Cánh tay nặng ngàn cân

Kho đồng trong một túi

Giây phút vượt ngàn trùng[16].

Lúc đó Vua Nhân Tông dựng điện Hưng Long đã xong, làm lễ lạc thành, bỗng nghe tiếng kêu kỳ quái trên nóc điện, tiếng kêu to như sấm. Vua sợ, nhờ Minh Không và Giác Hải tới trừ. Rồi Nhân Tông phong Minh Không làm quốc sư. Khi vua Thần Tông lên hai mươi mốt tuổi, một chứng bệnh lạ kỳ xảy tới cho vua. Ðầy mình mọc lông, vua rống lên như mãnh hổ, không thầy thuốc nào chữa lành. Lúc đó người ta nghe trẻ con ngoài đường hát bài đồng dao sau đây:

Có được Lý Thần Tông

Nước nhà vạn sự thông

Muốn chữa bệnh hoàng đế

Phải nhờ Nguyễn Minh Không.

Triều đình sai sứ đến chùa Giao Thủy đón Minh Không. Minh Không biết trước cười hỏi:

– Có phải là chuyện cứu vua mắc bệnh hóa cọp phải không?

Sứ thần ngạc nhiên, hỏi tại sao Minh Không biết. Minh Không bảo:

– Chuyện này ta đã biết trước đây ba mươi năm.

Ý muốn nói chính ba mươi năm trước đó vì Ðạo Hạnh rắn mắt hóa hổ, để nhát hai bạn nên nay thác sinh làm vua bị quả báo.

Minh Không sai lấy nồi nấu cơm thết sứ giả và quân lính tùy tùng. Quan quân ăn no nê, vậy mà cơm trong chiếc nồi nhỏ xíu vẫn còn. Minh Không, Giác Hải và mọi người xuống thuyền. Minh Không nói mọi người hãy nghỉ ngơi, đợi con nước lên rồi hãy nhổ neo. Trong khi mọi người ngủ say, Minh Không làm phép cho thuyền đi nhanh như tên bắn, phút chốc đã tới kinh đô. Mọi người thức dậy nhìn ra thì đã thấy tháp Báo Thiên rồi.[17]Khi Minh Không vào tới cung, các ngự y thấy ăn mặc quê mùa, không ai đứng dậy chào. Minh Không lấy một cây đinh dài năm tấc đóng sâu vào cột điện rồi nói lớn:

– Ai rút được cây đinh này ra thì mới mong chữa lành bệnh cho Hoàng thượng.

Không ai rút được, Minh Không nhón hai ngón tay, nhẹ rút cây đinh ra. Khi vào tẩm điện, thấy vua đang lồng lộn gầm thét, Minh Không thét lớn:

– Ðại trượng phu đứng đầu muôn dân, trị vì bốn bể, sao lại làm gì cuồng loạn như thế?

Vua nghe sợ run, không dám lồng lộn nữa. Minh Không sai nấu một chảo dầu, bỏ vào đấy một trăm cây đinh. Rồi lấy tay khoắng dầu đang sôi, vớt đinh ra ném vào người vua. Tự khắc lông lá rụng hết, vua khỏi bệnh.[18]

Minh Không sinh năm Bính Thìn, ngày mười bốn tháng Tám, tịch ngày mồng ba tháng Sáu năm Giáp Tuất. Thần tượng và bia ký để ở Lý Quốc Sư Từ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Có để lại bài kệ sau đây:

Chọn nơi địa thế đẹp sông hồ Vui thú tình quê quên sớm trưa Có lúc trèo lên đầu chóp núi Kêu dài một tiếng lạnh hư vô.

Sách Việt Ðiện U Linh Tập thêm: Ngày xưa, khi thác sinh vào cung, Minh Không bỏ thân trong động, người làng đem về bỏ vào trang phụng thờ. Ðến niên hiệu Vĩnh Tộ, nhà Minh, sứ Minh đi ngang qua, thấy diện mạo tốt đẹp, cho là Tiên, liền rước về chùa Hương Sơn hỏa táng, nhưng đốt không cháy. Ðêm nằm mộng, thấy Minh Không chỉ cho cách đốt, sáng dậy làm theo thì đốt mới cháy được. Ðời Lê Thánh Tông, bà Quang Thục Hoàng thái hậu đến cầu đảo ở chùa Thiên Phúc, kết quả hoàng hậu có mang sinh được vua Hiến Tông.

Truyền tích của Ðạo Hạnh và Minh Không càng ngày càng giàu có. Dân quê tìm ra dấu tích của cha mẹ Ðạo Hạnh để làm giỗ Thánh Phụ và Thánh Mẫu mỗi năm. Dân quê lại tìm ra gốc gác của Minh Không trước khi đi tu là làm nghề câu cá. Những giai thoại về cuộc đời Minh Không trước khi đi tu được thêm thắt vào. Ví dụ chuyện Minh Không đã gánh nước bằng đôi dành khổng lồ để tưới cho nhiều mẫu ruộng một lúc. Một lần Minh Không sảy chân, nước đổ ra làm ngập lụt hàng chục mẫu ruộng. Ví dụ chuyện Minh Không thường đem cá đánh được bán cho một cô gái ở chợ Viên Quang, tục gọi là cô Chàng. Cô đã yêu Minh Không, nhưng Minh Không đã muốn đi tu, nên chỉ khuyên cô bạn hướng về đạo Phật. Ở nhiều nơi trong vùng đồng bằng miền Bắc, mỗi khi gặp hạn hán, trai tráng lại diễn lại cử động gánh nước của Minh Không gánh đôi dành ra sông lấy nước. Tại chùa Hành Thiện mỗi năm đến ngày hội Chùa, cuộc đời Minh Không được diễn lại bằng lời hát và điệu múa. Những chi tiết như chi tiết Minh Không gặp gỡ cô Chàng, Minh Không nấu cơm bằng cái nồi nhỏ xíu đãi quan quân ăn không hết… đều được diễn lại. Tại chùa Thần Quang, đúng ngày mồng ba tháng Sáu, ngày giỗ Minh Không, mọi người đem dâng cúng bánh bìa làm bằng bột nếp và mật mía. Vào hội mùa xuân, tại chùa này, dân tổ chức nấu cơm, thi đồ xôi và thi làm bánh. Ðến ngày hội tháng Chín thì tổ chức đua thuyền trên sông để nhắc lại cuộc đời ngư phủ của Minh Không. Chùa còn thờ cây gậy trúc mà Minh Không đã từng dùng. Trong lễ rước mùa thu, trên kiệu của Minh Không có treo một chiếc túi gấm tượng trưng cho chiếc túi thần đựng kho đồng của nhà Tống. Ngoài hai chùa Keo, còn có rất nhiều nơi thờ Minh Không. Những phường thợ đúc đồng đều còn thờ Minh Không như thờ một vị tổ của nghề đúc.

Tóm lại, trong khi về phía trí thức, sự sáng tác của Phật giáo nghèo đi thì về phía đại chúng, sức sáng tác vẫn tiếp tục rào rạt. Truyền thống hát kể hạnh, hát chèo và những hình thái nghệ thuật khác để tô điểm và duy trì sự tích của các vị tổ sư, vốn bắt đầu từ các đời Lý, Trần, đã tiếp tục phát triển mạnh trong đời Lê vậy.

QUAN ÂM THỊ KÍNH

Sự tích Quan Âm Thị Kính cũng được đem ra hát chèo. Trong tích chèo, có nhiều đoạn được hát theo điệu kể hạnh và hát kệ. Truyện Nôm Quan Âm Thị Kính chưa biết do ai sáng tác và sáng tác vào thời đại nào. Nhưng so sánh tích chèo Quan Âm Thị Kính với truyện Quan Âm Thị Kính bằng thơ lục bát thì ta thấy chèo Quan Âm Thị Kính là một tác phẩm do dân quê sáng tác và trình diễn, còn truyện thơ Quan Âm Thị Kính thì lại do một thi sĩ có kiến thức về Nho học và Phật học sáng tác. Ðiển tích sử dụng trong truyện thơ Quan Âm Thị Kính làm cho truyện thơ này khó hiểu hơn, và do đó ít được dân quê mến chuộng bằng tích chèo Quan Âm Thị Kính. Ta có thể nói rằng tích chèo ra đời trước truyện thơ rất lâu, có thể đến hàng thế kỷ. Nhưng khi truyện thơ Quan Âm Thị Kính ra đời, tích chèo Quan Âm Thị Kính lại bị truyện thơ Quan Âm Thị Kính ảnh hưởng trở lại về phương diện văn chương. Tích chèo Quan Âm Thị Kính có nhiều bản khác nhau, bởi vì đây là văn học truyền miệng, lại còn phải thay đổi thêm bớt cho thích hợp với những địa phương trình diễn. Một trong những bản ấy được khắc bằng chữ Nôm vào cuối thế kỷ thứ mười chín. Những bản khác bằng chữ Nôm hoặc bằng chữ quốc ngữ thì đều là những bản viết tay. Vũ Khắc Khoan có ấn hành một bản bằng quốc ngữ tại Sài Gòn năm 1966: Bản này hình thành do sự góp trí nhớ của nhiều nghệ sĩ ngành chèo có mặt tại Sài Gòn hồi đó.[19]Nội dung của tích chèo Quan Âm Thị Kính và truyện thơ Quan Âm Thị Kính là một. Thị Kính pháp danh Kính Tâm là một trong những hóa thân của Ðức Quan Thế Âm. Cốt chuyện như sau: Có một chàng trai xuất gia và tinh tiến tu hành liên tiếp trong chín kiếp. Ðến kiếp thứ mười, tức là kiếp chót mà chàng thành Phật, chàng thác sinh làm một người con gái nhà họ Mãng, huyện Hồ Nam, quận Lũng Tài, thành Ðại Bang, nước Cao Ly. Tên nàng là Thị Kính, có tài, có sắc, và đầy đủ đức hạnh. Lớn lên, nàng được cha mẹ gả cho chàng Thiện Sĩ họ Sùng. Thiện Sĩ lo việc đèn sách, còn nàng lo việc nội trợ. Một đêm, trong khi đọc sách, Thiện Sĩ thấy mệt, liền ngả lưng xuống ngủ. Thị Kính ngồi may áo một bên, trông thấy một sợi râu mọc ngược bên cạnh cằm của chàng, liền cầm dao lên định cắt sợi râu. Không ngờ trong lúc ấy Thiện Sĩ tỉnh dậy, tưởng là vợ định giết mình, bèn la lối lên. Thị Kính cố hết sức giãi bày mà nhà chồng vẫn cứ ngờ vực; cuối cùng nàng bị đuổi về nhà cha mẹ. Buồn chán cho tình đời, Thị Kính cải dạng nam trang, xin đi tu ở một chùa thật xa, tên là chùa Vân với pháp danh Kính Tâm. Dù ăn mặc nâu sồng, vẻ tuấn tú của chú tiểu vẫn làm cho trái tim của các cô gái trong làng thổn thức. Thị Mầu, con gái của phú ông trong làng, một hôm đi lễ chùa, thấy Kính Tâm liền đem lòng yêu dấu, tìm cách quyến rũ. Kính Tâm một mực khước từ. Phẫn chí, cô gái con nhà phú hộ một đêm kia tư thông với một người đầy tớ trai rồi chửa hoang. Dân làng bắt khoán việc chửa hoang. Khi bị tra hỏi, Thị Mầu đổ oan cho Kính Tâm. Kính Tâm bị tra khảo, nhưng một mực không nhận tội. Vị trú trì chùa Vân thấy vậy xót xa liền xin bảo lãnh Kính Tâm, chịu nộp phạt mang Kính Tâm về. Ông cho chú ở tạm ngoài cửa Tam quan chùa vì sợ người trong làng mai mỉa. Thị Mầu sinh được một trai, không biết mang đi đâu, liền đem ra đặt ở ngoài Tam quan chùa. Kính Tâm bối rối nhưng rồi quyết định nhận đứa bé. Mỗi ngày chú phải đi xin sữa nuôi con, mặc cho người trong xóm cười chê. Khi đứa bé lớn lên, biết nói, thì sức khỏe chú đã mòn mỏi, chú viết một bức thư để lại cho cha mẹ, kể hết sự tình và dặn dò con sau khi mình chết thì trao lại cho sư cụ trú trì. Sau đó người ta mới biết chú là gái. Trong lúc lập đàn làm chay cầu cho Kính Tâm siêu độ, thì Phật Thiên Tôn hiện ra trên mây ngũ sắc truyền cho Kính Tâm thành Phật Quan Âm. Theo tích chèo thì, sau khi nghe Phật truyền cho Kính Tâm thành Phật Quan Âm, sư cụ chùa Vân liền hát theo điệu kể hạnh:

Nay bà Thị Kính hóa duyên

Nam mô Phật, độ vô biên hằng hà

Hóa thân được cả mẹ cha

Kìa là bạn cũ, nọ là con thơ

Thế gian trông thấy sờ sờ.

Ý của sư cụ là khi Thị Kính chứng quả, nàng có thể độ luôn được cả mẹ cha, Thiện Sĩ, đứa con thơ và vô biên hằng hà sa số người khác. Như vậy nghĩa là tu theo đạo Phật cũng có thể đền đáp công ơn cha mẹ và giúp đời cứu người, chữ hiếu, chữ nhân trọn vẹn, và đạo Phật không trái chống với nguyên tắc của Nho giáo. Ðiểm này trong truyện thơ được diễn tả dài dòng hơn. Sau khi biết rõ nỗi oan của Kính Tâm, dân làng bắt Thị Mầu phải để tang và trả mọi chi phí cho việc tổ chức đám tang, ma chay và chôn cất. Cha mẹ Thị Kính sau khi nhận được thư, tức tốc tới tìm, vừa kịp để dự trai đàn. Thiện Sĩ cũng đi theo với họ. Tất cả đều được trông thấy cảnh đức Phật hiện ra và truyền cho Kính Tâm thành Phật Quan Âm. Ông bà họ Mãng và đứa bé cũng được lên tòa sen. Thiện Sĩ cũng được hóa thành chim vẹt bay hầu một bên tòa sen:

Ai hay phép Phật nhiệm mầu

Có khi nước Trúc ở đâu cũng gần

Giữa trời một đóa tường vân

Ðức Thiên Tôn hiện toàn thân xuống đàn,

Vần vần tỏ dạng tường loan:

Ðồng phan, bảo cái giao hoan âm thầm

Truyền cho nào tiểu Kính Tâm

Phi thăng làm Phật Quan Âm tức thì.

Lại thương đến đứa tiểu nhi

Lên tay cho đứng liền khi bấy giờ,

Kìa như Thiện Sĩ lờ đờ

Cho làm chim vẹt đứng nhờ một bên

Ðộ cho hai khóm xuân huyên

Ra tay cầm quyết bước lên trên tòa

Siêu thăng thoát cả một nhà

Từ đây phước đẳng hà sa vô cùng.

Tích chèo Quan Âm Thị Kính có mục đích kể lại sự tích của Quan Âm Thị Kính, nhưng vì khán giả chèo đa số là dân chúng nơi thôn xóm nên rất có tính cách đại chúng và dân tộc. Những phong tục, tập quán và lề lối cảm nghĩ phản chiếu rất trung thành nếp sống của người Việt. Ngoài những lối hát ru kệ, vãn kệ nói hạnh, tích chèo còn sử dụng nhiều lối hát và nói khác như hát vỉa, hát cách, hát sa lệch, hát điệu lão say, hát xắp, hát ba vãn, hát ba chan, hát cắm giá, hát đúm, nói chúc, nói kẻ, nói đếm, nói lệch, nói lẳng, ngâm thơ, luyện cắm giá, rao, sử, sử xuân, sử rầu, vv… Những điệu bộ và cử chỉ cũng được cách điệu hóa, nhiều khi trở thành những điệu múa. Ðặc tính hài hước trong vở chèo rất đậm. Người dân quê cười rất dễ dàng. Nhưng cái cười có thể trở nên dí dỏm, đôi khi ác liệt với mục đích chế riễu những thói rởm, tật xấu, những cường hào ác bá, những kẻ đạo đức giả[20].

Tuy truyện thơ Quan Âm Thị Kính được sáng tác về sau nhưng vì sự tích Quan Âm Thị Kính đã được lưu truyền hàng thế kỷ trước cho nên nhân tiện đây ta cũng xét qua về tác phẩm này. Truyện thơ Quan Âm Thị Kính hiện chưa biết đã được sáng tác vào năm nào. Xét lời văn thì có thể tác phẩm này ra đời giữa thế kỷ thứ mười chín, sau Truyện Kiều ít lâu.

Có một câu trong tác phẩm hình như là chịu ảnh hưởng Truyện Kiều, đó là câu: “Gia tư thì cũng bậc trung” dùng để tả gia đình nhà họ Mãng. Ta cũng không biết bản Nôm đầu tiên được ấn hành vào năm nào. Bản in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ là do bà Phan Thị An phiên âm, hiệu đính và chú thích. Bản này được Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911. Bản này có 788 câu lục bát và một lá thơ của Kính Tâm viết cho cha mẹ bằng văn biền ngẫu. Như ta đã biết, tác giả dùng điển tích hơi nhiều, ví dụ những câu sau đây nói về Thiện Sĩ:

Sinh chàng Thiện Sĩ là trai

Qua vòng tổng giác, mới ngoài gia quan

Kể điều tài mạo cũng ngoan

Gã Tào kiếp trước chàng Phan thân này

Ðã trồng bạch bích gioành đây

Còn chờ bói phụng chưa vầy bạn loan

Thư trung đành có ngọc nhan

Sách đèn còn mắc buông màn Ðổng Xuyên.

Truyện thơ Quan Âm Thị Kính như vậy không thể liệt vào loại văn học dân gian, dù đề tài và nội dung có tính cách đại chúng. Về phương diện văn chương, truyện thơ Quan Âm Thị Kính có giá trị hơn những tác phẩm Phạm Công Cúc Hoa Nam Hải Quan Âm rất nhiều. Ta thử đọc một vài đoạn sau đây thì biết; trước là đoạn tả Kính Tâm nhớ nhà lúc mới xuất gia:

Vâng lời Lãng cảnh Ngọc Phương

Khêu đèn Bát Nhã, gióng chuông Tam Thiền

Chân kinh ghi chữ tâm truyền

Chực tòa Long Nhiễu, vui miền Hổ Khê

Ðòi cơn tưởng nỗi hương quê

Người đi ngàn dặm lòng về năm canh

Sự mình mình ngỏ với mình

Nặng tình cũng phải nén tình làm khuây

Này gươm trí huệ mài đây

Bao nhiêu phiền não cắt ngay cho rồi

Hương xông pháp giới ngùi ngùi

Thông rung trống kệ, trúc hồi mõ kinh…

Và sau đây là đoạn tả Kính Tâm lúc bị ở riêng ngoài Tam quan chùa:

Vâng lời ra ở thiền môn

Trong tòa phương trượng dám còn vào ra

Nương mình bên cụm cúc hoa

Một hai chồi trúc, đôi ba khóm tùng

Gương minh nguyệt quạt thanh phong

Cười cùng thiếu nữ bạn cùng thuyền quyên

Lấy chi làm chuyện giải phiền?

Quyển kinh trăm lá, ngọn đèn một hoa

Bạch vân khuất nẻo xa xa

Song thân ta đấy là nhà phải không?

Truyện thơ Quan Âm Thị Kính là một tác phẩm hay, cần được đặt đúng địa vị của nó trong văn học sử Việt Nam.

QUAN ÂM NAM HẢI

Nhân đây ta cũng nên xét qua về tác phẩm Nam Hải Quan Âm mà sự lưu truyền trong nhân gian cũng sâu rộng không khác chi truyện tích Quan Âm Thị Kính. Truyện Nam Hải Quan Âm do một vị tăng đời Nguyên sáng tác, được truyền vào đất Việt vào khoảng thế kỷ thứ mười bốn hay mười lăm, do đó truyện đã được truyền tụng trong nhân gian trước truyện Quan Âm Thị Kính vốn do chính người Việt sáng tác. Bản Nôm cổ nhất không biết được khắc vào thời đại nào. Bản chữ quốc ngữ đầu tiên có lẽ là bản của Huỳnh Tịnh Của (1834 – 1907) Quan Âm Diễn Ca in vào khoảng năm 1897.

Sự tích Quan Âm Nam Hải đã được Việt hóa một cách hoàn toàn. Ðức Quan Âm này, tuy là công chúa thứ ba con vua Diệu Trang ở nước Hưng Lâm (?) nhưng đã đi tu tại núi Hương Tích ở Việt Nam và thành Phật tại đây. Cũng như truyện Quan Âm Thị Kính, truyện Nam Hải Quan Âm chủ trương rằng đi tu theo đạo Phật vẫn có thể làm tròn chữ hiếu và thực hiện chữ nhân. Ðiều này cho chúng ta thấy cả hai truyện đều biểu dương sự tự vệ của Phật giáo trước sự công kích của Nho giáo. Vào chuyện, Nam Hải Quan Âm đã viết:

Chân như đạo Phật rất mầu,

Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân

Hiếu là độ được đấng thân

Nhân là cứu vớt trầm luân mọi loài

Tinh thông nghìn mắt nghìn tai

Cũng trong một điểm linh đài hóa ra

Xem trong biển nước Nam ta

Phổ môn có đức Phật bà Quan Âm.

Ðức Quan Âm này vì cư trú trong biển nước Nam ta, nên gọi là Quan Âm Nam Hải. Quan Âm Nam Hải vốn là Diệu Thiện, con gái thứ ba của Diệu Trang Vương (Subhavyūha). Hai chị của Diệu Thiện là Diệu Thanh và Diệu Âm. Cả ba kiếp trước là con trai nhà họ Thi, một gia đình có tiếng là nhân đức. Như vậy Quan Âm Nam Hải cũng như Quan Âm Thị Kính đều do nam nhân đầu thai thành nữ nhân. Ðiều này rất đáng chú ý. Bồ tát Quan Thế Âm, được mô tả trong phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa là một nam nhân, sang Tây Tạng, Trung Hoa và Việt Nam, Quan Âm biến thành nữ nhân thân, trong lúc đó Phật tử các nước này vẫn tụng đọc kinh Pháp Hoa mà không thấy có sự mâu thuẫn. Lý do kinh Pháp Hoa có nói: “Nếu cần hiện ra thân gì mà cứu độ thì Quan Âm hiện ra thân đó, như thân quốc vương, thân tể tướng, thân nhi đồng, thân phụ nữ, v.v…” Cho nên bất cứ ở đâu xuất hiện một con người với lòng từ bi rộng lớn là ở đó người ta cho là đức Quan Âm hiện thân. Danh từ Quan Thế Âm (Avalokites’vara) có nghĩa là người lắng nghe tiếng kêu của cuộc đời. Lắng nghe để tìm tới mà cứu giúp.

Hai công chúa Diệu Thanh và Diệu Âm đều vâng lời vua Diệu Trang đi lấy chồng. Nhưng công chúa Diệu Thiện, sau này là đức Quan Âm chùa Hương Tích, không muốn lập gia đình, mà chỉ muốn xuất gia tu đạo.

Vua tức giận truyền giam công chúa ngoài vườn. Hai chị và hoàng hậu trốn ra thăm, khuyên nhủ nàng nên chịu vâng lời vua cha, nàng vẫn cương quyết đòi đi tu. Vua cha liền bày kế, cho công chúa đến tu tại một ngôi chùa lớn nhưng mật lệnh cho vị trụ trì bắt công chúa làm lụng sớm khuya rất nặng nhọc để cho công chúa thối tâm về nhà. Nhưng Diệu Thiện không nản chí: ngày đêm ni cô này không ngớt tọa thiền niệm Phật, gánh nước, lặt rau, nấu cơm, làm mọi việc trong chùa, làm công việc của hàng chục người. Chim tới lặt rau, rồng tới lấy nước giúp Diệu Thiện[21]. Nhiều tuần lễ trôi qua, thấy Diệu Thiện không bỏ chùa đi về, vua nghi là các vị tăng ở chùa không tuân lệnh vua mà đọa đày công chúa, liền xuống lệnh đốt chùa. Diệu Thiện tự trách mình là nguyên do khiến tự viện bị đốt, liền cắn ngón tay ngửa mặt lên trời mà cầu nguyện. Rồng xuống phun nước dập tắt lửa. Vua xuống lệnh đem Diệu Thiện ra xử chém. Nhưng lưỡi gươm của đao phủ gãy đôi khi chạm tới cổ Diệu Thiện. Ðột nhiên trời tối sầm xuống, sấm chớp nổi lên, và một con mãnh hổ nhảy vào, mang Diệu Thiện đi mất.

Mãnh hổ mang Diệu Thiện lên núi, đặt ni cô nằm xuống rồi bỏ đi. Diệu Thiện thiêm thiếp: Hồn ni cô xuống âm phủ, đi qua mười tám cửa ngục tù, chứng kiến biết bao nhiêu cảnh trừng phạt đau đớn dưới địa ngục của những người đã từng tạo ác nghiệp lúc còn sống trên dương gian. Diệu Thiện nghĩ rằng mình bị vua cha xử tử, đã chết, cho nên bây giờ linh hồn đi xuống địa ngục. Người sứ giả của Diêm Vương nói: Không phải, nàng đang còn sống. Chính Thập Ðiện Minh Vương rước ni cô xuống thăm địa ngục cho biết mà thôi. Ðoạn văn tả địa ngục là một đoạn văn có tác dụng giáo dục quần chúng rất lớn[22]. Ðây là ngục xe lửa và ngục cột đồng để trừng phạt những viên chức hại dân:

Xe lửa là ngục hỏa xa

Quay đi quay lại thịt da tan tành

Bởi vì cậy thế cậy thần

Hiếp kẻ cô quả, cướp tranh ruộng vườn

Cột đồng là ngục đốt than

Mấy tay chức dịch tham tàn phải ôm.

Ðây là ngục kéo lưỡi, trừng phạt những người ăn nói đảo điên:

Kìa ngục bạt thiệt lạ sao

Cầm kìm lôi lưỡi máu đào mà kinh

Bởi vì miệng lưỡi co quanh

Ðảo điên đơm đặt làm khuynh hãm người.

Chứng kiến tất cả những khổ đau đó, Diệu Thiện rất đau xót. Ni cô liền nhất tâm trì chú, niệm Phật và do công đức từ bi ấy, cảnh giới địa ngục liền thay đổi. Diêm Vương ban lệnh ân xá tất cả những tội nhân trong mười tám cửa ngục. Hồn Diệu Thiện trở về dương gian, nhập vào xác trở lại. Ðang phân vân chưa biết đi về hướng nào thì Phật Tổ Như Lai hóa thân làm một chàng trai tuấn tú, tới gần để thử bà lần nữa về chuyện kết nghĩa trăm năm. Khi thấy Diệu Thiện tâm nguyện vững chắc, Phật liền chỉ đường cho bà về Hương Tích:

Ðức Phật mới chỉ đường tu

Rằng có một chùa tại Hương Tích sơn,

Gần bể Nam Việt thanh nhàn

Sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành.

Diệu Thiện vâng lời Phật dạy, sang Nam Việt vào núi Hương Tích mà tu:

Núi cao ngân ngất mịt mù

Am thanh cảnh vắng bốn mùa cỏ cây,

Trên thì năm sắc từng mây

Dưới thì bể nước trong rầy như gương

Cá chim chầu lại tĩnh đường

Hạc thường hiến quả, hươu thường dâng hoa.

Sau nhiều năm tu đạo, bà thành Phật Quan Âm, ngồi trên tòa sen báu:

Thần thông biến hóa tự nhiên

Một thân hóa được ra nghìn muôn thân

Mắt trông khắp hết cõi trần

Lắng tai nghe thấu xa gần bốn bên.

Bốn câu trên nhằm diễn tả hạnh nguyện báo thân của Quan Thế Âm ra muôn ngàn thân để hóa độ trong ngàn muôn trường hợp khác nhau, và cũng diễn tả khả năng nhận thức (mắt và tai) của vị Bồ tát này. Vì nhận thức và hành động có trăm ngàn mặt cho nên Ðức Quan Âm mới được diễn tả như người có ngàn tay ngàn mắt, tay là hành động và mắt là nhận thức:

Tinh thông nghìn mắt nghìn tay

Cũng trong một điểm linh đài hóa ra.

Phật Quan Âm Hương Tích có hai đệ tử nhỏ: Thiện Tài, em bé trai mồ côi từ nhỏ xin theo bà và Long Nữ, em bé gái con của Long Vương đội lốt Lý Ngư mắc nạn, được bà cứu, trả về Thủy Ðình, sau trở lại xin theo bà để tu hành. Sau này vua Diệu Trang bị bệnh nan y. Vua yết bảng cầu lương y, hứa rằng hễ ai chữa lành cho vua thì sẽ được trao ngôi báu. Không có ông thầy thuốc nào chữa được. Cuối cùng, Diệu Thiện, bây giờ là Quan Âm, biến hình thành một lương y, giật bảng yết, đòi vào cứu vua. Xem mạch xong, lương y nói: Bệnh này không thể chữa trị được nếu không xin được một mắt một tay của vị tiên nữ tu trên núi Hương Tích, và cam quyết rằng nếu vua cho người tới xin, tiên nữ sẽ sẵn sàng bố thí. Vua giữ lương y lại và cho người đi qua Ðại Việt, lên chùa Hương Tích, xin được một mắt một tay của tiên nữ đem về. Nhưng bệnh chỉ thuyên giảm có một nửa thân hình. Lương y nói phải đi xin nốt con mắt và cánh tay còn lại của tiên nữ. Ai cũng thấy như vậy là quá đáng. Nhưng lương y nói rằng vì Bồ tát xả thân cứu người nên thế nào lên xin cũng được toại nguyện. Kết quả là tiên nữ bố thí con mắt và cánh tay còn lại; vua khỏi bệnh, định làm lễ truyền ngôi cho lương y, nhưng chưa thi hành được ý định thì lương y đã bỏ đi mất.

Sau khi bình phục, vua và hoàng hậu lên đường đi Ðại Việt tìm tới núi Hương Tích để tạ ơn tiên nữ. Trong khi hoàng gia đang trên đường tới núi Hương Tích, tại kinh đô Hưng Lâm có cuộc đảo chánh. Phật bà Hương Tích dùng thần thông thấy được nên sai hai đệ tử đem pháp thuật sang giải cứu cho tình thế, đồng thời cứu thoát Diệu Thanh và Diệu Âm. Hai người này từ khi bị giam, liền giác ngộ và bắt đầu tu hành, niệm Phật ngồi thiền ngay trong ngục tối. Hai công chúa được cứu liền theo tháp tùng phái đoàn hoàng gia.

Vượt bao nhiêu núi non hiểm trở, phái đoàn tới được núi Hương Tích. Cảnh tượng trang nghiêm u nhã. Vào được tới động ngoài, vua, hoàng hậu và các công chúa chờ đợi để được tiếp kiến tiên nữ. Vua Diệu Trang lên tiếng nhưng từ phía động trong không có tiếng trả lời. Vua nghĩ mình là đàn ông, không tiện bước vào động trong, nên yêu cầu hoàng hậu và hai công chúa bước vào trước để làm lễ tiên nữ. Lúc đó Phật bà hiện thân làm công chúa Diệu Thiện, đứng thẳng giữa động, hai mắt bị móc, hai tay bị cắt, máu chảy ròng ròng. Nhận ra con gái mình trong hóa thân ấy, hoàng hậu khóc và ngã ra bất tỉnh. Tiếp đến là cuộc đối thoại giữa Diệu Thiện và cha mẹ. Diệu Thiện nói rằng mình đã móc mắt và cắt tay để cứu cha, nhưng nếu cha mẹ phát nguyện bỏ ác làm lành, tu hành theo đạo Phật thì bà sẽ có mắt và có tay nguyên lành trở lại. Vua và hoàng hậu phát nguyện. Lập tức tay và mắt của Phật bà trở lại y nguyên như cũ. Cả nhà ở lại tu hành tại chùa Hương Tích. Sau đó Diệu Thanh được thành Văn Thù Bồ tát, cưỡi con sư tử xanh, và Diệu Âm trở thành Phổ Hiền Bồ tát, cưỡi con voi trắng.

Cốt truyện Nam Hải Quan Âm của Trung Hoa ngắn hơn nhiều. Theo cốt truyện này, sau khi bị vua ra lệnh chém đầu, lưỡi gươm gãy đôi, Diệu Thiện xuống thăm địa phủ, sự có mặt của bà khiến cho mọi đau khổ ở đây chấm dứt. Diêm Vương phải đưa bà trở về trần. Bà được một đóa sen chở về núi Phổ Ðà, nơi bà ngự trị. Ðoạn kết của truyện Nam Hải Quan Âm của ta nói rằng núi Phổ Ðà chỉ là nơi báo thân (sambhogakaya) của Phật; Quan Âm ngồi núi Hương Tích Việt Nam là nơi ứng thân (Nirmanakaya) của Ngài xuất hiện. Còn Pháp thân (Dharmakaya) của Ngài thì đồng một thể tính với Phật thân:

Phật bà phép chí vô biên

Một thân hóa mấy mươi ngàn muôn thân

Vốn là bồ tát thiên chân

Thác sinh công chúa nhất tâm tu hành

Trên thời hiếu, báo sinh thành

Dười thời nhân, cứu chúng sinh ta bà

Cơ thân ngồi núi Phổ Ðà

Thân lên trên Phật, thân qua dưới đời[23]

Thần thông nghìn mắt nghìn tay

Phổ Môn biến để độ người ngu mông.

Cốt truyện Việt Nam có thêm nhiều đoạn hay và những đoạn nói về sự cứu nhân, báo hiếu, là những đoạn cần thiết để bênh vực cho đạo Phật được sống chung hòa hợp với đạo Nho vậy. Ðoạn kết cho biết rằng nếu niệm đức Quan Thế Âm mà không lo sửa mình, làm lành và lánh dữ thì hiệu quả của sự niệm Phật không có được bao lăm:

Cho nên Phật hiện từ bi

Ai hay khấn đến, Ngài thì độ cho

Chỉ vì kẻ tục ô đồ

Dữ nhiều, lành ít, chẳng lo sửa mình

Cho nên niệm Phật tụng kinh

Ngài tuy có giáng, phước lành chẳng bao!

Ai hay tín kính trông vào

Giữ nhân giữ hiếu chẳng nao tấm lòng

Dầu khi có chút ngại ngùng

Khẩn cầu Ngài hẳn ứng trong khẩn cầu…

Truyện thơ Quan Âm Thị Kính không có khuynh hướng trộn lẫn Phật giáo với Nho và Lão giáo, trong khi truyện thơ Nam Hải Quan Âm cho ta thấy Diệu Thiện tu cả phép Phật, phép tiên, và khi thành Phật, được Ngọc Hoàng Thượng Ðế sắc phong. Vị Bồ tát trên núi Hương Tích cho mắt cho tay để vua Diệu Trang luyện thuốc, được vị lương y mô tả như một đấng tu tiên. Tu tiên thì lại biết cả làm thuốc. Ðoạn sau đây cho thấy Diệu Thiện tu cả phép Phật lẫn phép tiên và sau khi thành đạo, chư Phật và chư tiên đều phải đến và công nhận sự thành đạo của bà:

Tu hành đã được mấy niên

Bao nhiêu phép Phật, phép tiên vào lòng

Bây giờ Tam phủ công đồng

Hộ thành quả phúc phán trong lệnh truyền

Chư Phật Bồ tát dưới trên

Thiên binh thần tướng, thiên thiên vàn vàn

Ðộng Nguyên, Hải Nhạc, Linh Quang

Ngũ linh thần tướng, Thành hoàng, Xã ty

Ðều ra tới trước lạy quỳ

Xin tôn đức chúa[24]lên vì tòa sen.

Ngọc Hoàng Thượng Ðế sắc phong cho bà như sau: “Thượng Ðế sắc phong: Ðại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Nam mô Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ tát, tứ dữ liên hoa bảo tọa, nhất phó vĩnh tác Nam Hải đà nham đạo tràng chi chủ”.

Nghĩa là “Thượng đế sắc phong: Ðại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Nam mô Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ tát, ban cho một đóa sen báu làm chỗ ngồi, và giao cho làm chủ tọa vĩnh viễn đạo tràng núi Nam Hải.”

Sự trộn lẫn Phật, Lão và dấu tích nỗ lực hòa đồng với Nho giáo khiến ta có cảm tưởng sự tích Nam Hải Quan Âm được hình thành vào hậu bán thế kỷ thứ mười sáu, thời gian xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

TÍNH CÁCH DÂN TỘC CỦA QUAN ÂM THỊ KÍNH VÀ QUAN ÂM NAM HẢI

Hai đức Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải chiếm một địa vị khá quan trọng trong đức tin của người dân quê Việt Nam. Thị Kính là hình ảnh của một lòng tha thứ bao la và một đức nhẫn nhục không bến bờ; còn Diệu Thiện là hình ảnh của một ý chí kim cương, một tình thương rộng lớn, bao trùm cả gia đình và nhân loại và cả những linh hồn đang chịu khổ đau ở cõi âm nữa.

Tác dụng giáo dục của hai tác phẩm đều rất quan trọng. Ðứng về phương diện tư tưởng, tuy đề tài có tính cách đại chúng, những chuyện này cũng chuyên chở được tư tưởng tam thân, trình bày Quan Âm như những hóa thân của Phật xuất hiện trong đời để thực hiện lý tưởng từ bi cứu khổ.

Cả hai truyện tích đều đã được trui luyện qua trí tưởng của người dân quê nên đều mang tính cách dân tộc một cách đậm đà. Hình bóng Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải đều là những hình bóng rất quen thuộc của người dân Việt. Hiếu thuận, thương người, nhẫn nhục, tha thứ, những đức tánh mà người Việt thương mến đã được phát triển đến mức độ cao cả nhất ở hai nhân vật phụ nữ ấy.

[1] Hát kệ hát những bài kệ (hoặc những bài thơ) của các thiền sư để lại.

[2] Văn Học Dân Gian, tập I, Nhà xuất bản Ðại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1972, tr.228.

[3] Từ Ðạo Hạnh họ Từ tên Lộ, con của Từ Vinh, làm chức tăng quan đô sát dưới triều Lý.

[4] Làng An Lãng là sinh quán của Từ Ðạo Hạnh.

[5] Tức chùa Thầy, ở Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

[6] Lý Tế Xuyên, giữ chức trung phẩm phụng ngự, trông coi Ðại Tạng Kinh. Ông viết Việt Ðiện U Linh Tập vào năm 1329.

[7] Tức Không Lộ thiền sư, phái Vô Ngôn Thông, mất năm 1141.

[8] Chùa Thần Quang tức chùa Keo, làng Dũng Nghĩa, tỉnh Thái Bình. Chùa Hành Thiện, cũng được gọi là chùa Keo, nhưng lại ở Xuân Trường, Nam Hà.

[9] Chi tiết này cũng có nói trong sách Lĩnh Nam Chích Quái, nhưng không có trong sách Thiền Uyển Tập Anh.

[10] Chi tiết này chỉ có Việt Ðiện U Linh chép, không có trong Thiền Uyển Tập Anh Lĩnh Nam Chích Quái.

[11] Có lẽ là Miến Ðiện.

[12] Tất cả đoạn này, nói về việc ba người gặp ông già chở sang Tây Trúc bằng đường thủy và bà già dạy pháp thuật, đều không có trong Thiền Uyển Tập Anh Lĩnh Nam Chích Quái.

[13] Ðoạn nói về Giác Hoàng, sách Việt Ðiện U Linh không chép.

[14] Chi tiết “đi vào núi mà tịch” không có trong Thiền Uyển Tập Anh. Chi tiết về ngày mồng bảy tháng Ba chỉ có trong sách Việt Ðiện U Linh Tập.

[15] Sách Lĩnh Nam Chích Quái lắm khi cho Minh Không và Không Lộ là hai nhân vật khác nhau. Thiền sư Không Lộ, theo Thiền Uyển Tập Anh họ Nguyễn chứ không phải họ Dương.

[16] Chi tiết về Tứ Ðại Khí cùng bài kệ chỉ thấy chép trong Thiền Uyển Tập Anh.

[17] Chuyện nồi cơm đãi sứ giả và chuyện làm phép cho thuyền đi nhanh chỉ thấy chép trong Việt Ðiện U Linh Tập.

[18] Chuyện chảo dầu và những cây đinh, Lĩnh Nam Chích Quái không nói tới.

[19] Vở chèo Quan Âm Thị Kính, Vũ Khắc Khoan giới thiệu, nhà xuất bản Ðào Tấn, Sài Gòn, 1966.

[20] Vũ Khắc Khoan, Vở chèo Quan Âm Thị Kính, Sài Gòn, 1966.

[21] Tranh dân gian diễn tả những hình ảnh này còn giữ được lại tới ngày nay.

[22] Một tác phẩm sân khấu bình dân đã ra đời nói về chuyến du hành của Quan Âm dưới Âm phủ; đó là vở Quan Âm Du Địa Phủ. Năm 1935, Tú Tòng Khê có hợp tác với nhà in Xưa Nay ở Sài Gòn để xuất bản bằng quốc ngữ vỡ tuồng này. Năm 1934, nhà in Bảo Tồn ở Sài Gòn cũng có in Quan Âm Du Địa Phủ, nhưng đây lại là những bài hát vọng cổ.

[23] Trong truyện Quan Âm Thị Kính có những câu sau đây cũng nói về Tam Thân của Phật:

Hóa thân thì mượn chân thân

Siêu thân thì lượm tinh thần đem đi.

[24] Diệu Thiện được gọi là Chúa Ba, công chúa thứ ba.