Việt Nam Phật giáo sử luận

Chương 08: Tổng quan về Phật giáo đời nhà Lý (1010-1225)

CHƯƠNG VIII: TỔNG QUAN VỀ PHẬT GIÁO ĐỜI LÝ (1010 – 1225)

CHÂN ÐỨNG

Như ta đã thấy, đạo Phật Việt Nam của thế kỷ thứ thứ năm chỉ còn ghi lại tên tuổi của hai vị thiền sư: đó là Dharmadeva và Huệ Thắng.

Thế kỷ thứ sáu ghi lại hai vị thiền sư Việt Nam: Quán Duyên và Pháp Hiền. Chính trong thế kỷ này mà thiền sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi đến Việt Nam, và lập ra thiền phái mang tên ông.

Ba thế kỷ tiếp theo: Thế kỷ thứ bảy, tám và chín là ba thế kỷ thuộc Ðường. Sự cai trị hà khắc. Tuy vậy trong thế kỷ thứ bảy và thứ tám, cao tăng xuất hiện khá nhiều. Ngoài tên tuổi của những thiền sư trong thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, ta còn có tên tuổi của những vị tăng sĩ từng qua giảng kinh bên cung vua Ðường, những vị tăng sĩ thông hiểu cả Hán ngữ lẫn Phạn ngữ, thường đi chu du qua Ấn Ðộ và Trung Hoa. Trong thế kỷ thứ chín, thiền sư Vô Ngôn Thông qua Việt Nam và lập một thiền phái nữa mang tên ông.

Thế kỷ thứ mười là thế kỷ Việt Nam bắt đầu thực sự giành lại được nền tự chủ. Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, nối nhau dấy nghiệp, rồi Ngô Quyền phá quân Nam Hán. Tiếp đến Ðinh Tiên Hoàng dẹp 12 sứ quân, lập ra nước Ðại Cồ Việt độc lập. Mật giáo và Thiền là hai hệ thống Phật giáo hưng thịnh nhất của thời đại. Chính trong thế kỷ này mà những trụ đá về Mật tông được tạo dựng ở Hoa Lư. Chính trong thế kỷ này mà đạo Phật tích cực đóng góp vào việc dựng nước. Năm 971, vua Ðinh Tiên Hoàng định giai cấp cho tăng sĩ và ban chức tăng thống cho Ngô Chân Lưu của thiền phái Vô Ngôn Thông, cho ông hiệu Khuông Việt Thái Sư, chính thức nhận Phật giáo làm nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho chính sự. Cũng chính trong thế kỷ này mà vua Lê Ðại Hành mời thiền sư Pháp Thuận và thiền sư Vạn Hạnh của thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi làm cố vấn chính sự. Các thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh cũng đã tiếp tục giúp vua Lý Thái Tổ trong thế kỷ kế tiếp.

ÐẠO PHẬT VÀ CHÍNH TRỊ

Có nhiều lý do khiến các thiền sư đời Lý tham dự chính sự (tham dự chính sự mà không tham dự chính quyền, bởi vì họ không nhận chức vụ trong nội các, chỉ tới giúp ý kiến và công việc, rồi về chùa). Lý do thứ nhất: Họ là những người có học, có ý thức về quốc gia, sống gần gũi với quần chúng và biết được những khổ đau của người dân đang bị một chính sách đô hộ hà khắc bóc lột. Lý do thứ hai: Họ không có ý muốn tranh ngôi của vua, không giành quyền bính và địa vị ngoài đời, nên vua tin họ. Lý do thứ ba: Họ không cố chấp vào thuyết trung quân (chỉ biết giúp một vua mà thôi) như các nhà nho, nên họ có thể cộng tác với bất cứ ông vua nào có thể đem lại hạnh phúc cho dân. Lý do thứ tư: Các vua cần sức học của họ; nhất là trong đời Ðinh, Lê, các vua đều không phải thuộc giới trí thức. Nho sĩ thì chắc là không có mấy người, mà lại chỉ trung thành được với một triều đại.

Trong phần nói về thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, ta thấy hành động chính trị của các thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh. Thiền phái Vô Ngôn Thông có thiền sư Ngô Chân Lưu cũng đóng góp nhiều trong lĩnh vực chính trị. Danh hiệu Khuông Việt Ðại Sư mà vua Ðinh Tiên Hoàng ban cho ông đủ nói lên tầm quan trọng của công tác ông. Khuông Việt có nghĩa là “giúp nước Việt”. Năm 986, khi sứ Tống là Lý Giác đi qua, vua Ðại Hành nhờ ông ra ứng đối, bởi vì ông là người có khả năng nhất lúc bấy giờ. Chính người đi đón tiếp Lý Giác cũng là một thiền sư: Pháp Thuận. Ông này đã nối vần của Lý Giác khi Lý Giác làm thơ trên thuyền, và khiến cho Lý Giác khâm phục. Sau cuộc viếng thăm, Lý Giác đã làm bài thơ tỏ ý khâm phục vua Việt. Vua Lê Ðại Hành liền nhờ Khuông Việt làm một bài thơ khác để tiễn Lý Giác về nước:

Trời xanh, gió thuận, gấm buồm giương

Thần tiên về cố hương

Hành trình vạn lý biển mênh mang

Xa xôi hút dặm đường

Lòng càng quyến luyến chén chưa tàn

Cầm tay nhau thở than

Xin đem thâm ý của Nam Bang

Bày tỏ với Thượng Hoàng.

(Tường quang, phong hảo, cẩm phàm trương

Thần tiên phục đế hương

Thiên lý vạn lý thiệp thương lương

Cửu thiên quy lộ trường

Nhân tình thảm thiết đối ly trường

Phan luyến sứ tinh lang

Nguyện tương thâm ý vị Nam cương

Phân minh báo Ngã hoàng.)

Chắc hẳn công trình của Khuông Việt trong chính sự khá lớn, cho nên sách Thiền Uyển Tập Anh mới chép “Vua Lê Ðại Hành rất kính trọng, phàm những việc quân quốc trong triều đình đều đưa cho ngài cả” (Lê Ðại Hành hoàng đế vưu gia lễ kính, phàm triều đình quân quốc chi sự, sư giai dữ yên).

Tuy giúp nhà Tiền Lê, nhưng khi thấy tình trạng tệ lậu của quốc gia do Lê Long Ðỉnh tạo ra, thiền sư Vạn Hạnh đã không ngần ngại ủng hộ Lý Công Uẩn trong việc chấm dứt chế độ dã man này. Sau khi Lê Ðại Hành mất, con là Long Việt lên ngôi ba ngày thì bị Long Ðỉnh giết. Thấy thế, và biết trước là Long Ðỉnh sẽ rất tàn bạo, Lý Công Uẩn đã thất vọng ôm xác Long Việt mà khóc. Vạn Hạnh cũng thấy rõ nguy cơ ấy nên bắt đầu nuôi ý đưa Lý Công Uẩn lên chính quyền.

Các vua đời Lý so sánh với các vua Ðinh Lê thì giỏi hơn rất nhiều phương diện học thức. Sự sùng Phật của các vua Lý cũng có tính cách tâm linh và trí thức hơn. Họ đều có học Phật và thường vời các thiền sư đến để đàm luận về giáo lý. Trong triều đã xuất hiện nhiều người có Nho học, trong số này có nhiều người do các thiền sư đào tạo. Vì vậy, các thiền sư chỉ đóng góp về phương diện chỉ đạo tinh thần mà khỏi phải trực tiếp làm những việc như tiếp sứ, thảo chiếu dụ và văn thư, đưa sách lược kinh tế và chính trị.

Vào hạ bán thế kỷ thứ mười hai đã xuất hiện những nho thần như Ðàm Dĩ Mông cực lực bài xích Phật giáo, nhưng dù sao ảnh hưởng của các thiền sư trên triều đình vẫn còn mạnh. Lý Cao Tông (1175 – 1210) bị tăng phó Nguyễn Thường khuyên can chớ nên hát xướng chơi bời xa hoa quá độ. Ông nói: “Tôi nghe bài tựa Kinh Thi nói: Âm nhạc làm loạn nước thì nghe như oán như giận. Nay dân loạn, nước khốn, chúa thượng thì rong chơi vô độ. Triều đình rối loạn, dân tâm ly tán, đó là triệu chứng mất nước”. Ngữ khí của thiền sư cho ta thấy ảnh hưởng Phật giáo trong dân gian còn mạnh. Thiền sư Viên Thông trước đó cũng đã ân cần nói với vua Thần Tông về lẽ trị loạn: “Thiên hạ cũng như bất cứ cái gì, hễ đặt vào chỗ an thì an, đặt vào chỗ nguy thì nguy: Điều này trông vào hành động của bậc nhân chủ (vua). Nếu đức tôn trọng sự sống của vua mà hợp với lòng dân khiến cho dân yêu mến như cha mẹ, ngưỡng mộ vua như mặt trời mặt trăng, như thế là đặt thiên hạ vào đúng chỗ an đó. Trị và loạn cũng do ở sự dùng người; nếu có người tốt giúp rập thì trị, mà không có thì loạn. Tôi thấy các bậc đế vương đời trước không ai không vì dùng bậc quân tử mà hưng, không ai không vì dùng tiểu nhân mà vong. Tình trạng không phải chuyện một sáng một chiều mà từ từ xảy ra vậy. Trời đất không thể từ lạnh đổi sang nóng ngay tức khắc, mà phải đi dần từ xuân sang thu, bậc vua chúa không hưng hay vong đột ngột mà hưng vong từ từ tùy theo tính cách thiện hay ác của họ. Bậc thánh vương đời xưa biết thế nên mới bắt chước đức của trời mà tu thân không ngừng, noi theo phép của đất mà an dân không nghỉ. Tu thân là thận trọng ở bề trong, run sợ như giẫm lên băng mỏng. An dân là kính trọng kẻ dưới, hãi hùng như cưỡi ngựa nắm dây cương mục. Theo đó thì hưng mà không theo thì vong. Sự hưng vong chỉ từ từ mà xảy đến”.

Hồi ban đầu lập quốc các thiền sư đã mở những cuộc vận động gây ý thức quốc gia, đã sử dụng các môn học phong thủy và sấm vĩ trong các cuộc vận động ấy, đã trực tiếp thiết lập kế hoạch, thảo văn thư, tiếp ngoại giao đoàn, bàn luận về cả những vấn đề quân sự. Nhưng sau đó, khi trong triều đình đã có đủ người lo các việc ấy thì họ chỉ giữ vai trò hướng dẫn tinh thần và cố vấn đạo đức. Nhưng dù sao những thiền sư thân cận với chính quyền vẫn rất ít. Ngoài các vị Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Viên Chiếu, Mãn Giác, Chân Không, Giác Hải và Không Lộ là những vị thường có đi lại cửa khuyết mỗi khi có triệu thỉnh, nhiều thiền sư đã từ chối về kinh sư khi có chiếu mời. Nhưng những thiền sư có tham dự chính sự như Vạn Hạnh trong khi làm việc vẫn giữ thái độ xuất thế của mình, không muốn hòa mình trong vòng danh lợi, xong việc thì rút lui về chùa. Triết học hành động của Vạn Hạnh tiêu biểu cho thái độ chung của các thiền sư: Làm thì làm, nhưng không mắc kẹt vào công việc, không nương tựa vào hữu vi. Ðó là triết lý vô trụ[1].

ÐẠO PHẬT VÀ VĂN HÓA

Ý hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam độc lập của các thiền sư rất rõ rệt. Về phương diện địa lý họ đã muốn dời kinh đô tới một nơi có thể dựng nên sự nghiệp độc lập lâu dài. Về phương diện học thuật, họ có công đào tạo một lớp trí thức không cố chấp, biết dung hợp các ý thức hệ dị biệt như Nho, Lão, Phật. Về phương diện văn hóa, họ dựng nên được cả một triều đại thuần từ, lấy đức từ bi làm căn bản cho chính trị. Về văn hóa, họ là những người đóng góp vào vấn đề sáng tác nhiều nhất trong nước, dù phần lớn những sáng tác này nằm trong những chủ đề Phật giáo. Về mỹ thuật, những công trình kiến trúc và điêu khắc của Phật giáo cũng là những đóng góp mỹ thuật quan trọng nhất trong thời đại.

Trong phần nói về thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, chúng ta đã bàn về sự sử dụng phong thủy học của các thiền sư. Ta cũng nói đến đồ án kinh thành Thăng Long như công trình suy tư của thiền sư Vạn Hạnh. Những ngôi chùa xây trong nội cung hay trong kinh thành để các vua tĩnh tâm, tham thiền và nghiên cứu đạo Phật hẳn cũng được xây dựng theo sự gợi ý của các thiền sư.

Về học thuật, ta biết rằng các thiền sư đã mở trường dạy học, không những cho tăng sĩ mà còn cho cư sĩ nữa. Vạn Hạnh đã đào tạo nên Lý Công Uẩn tại chùa Lục Tổ; Trí thiền sư trên núi Cao Dã đã đào tạo nên Tô Hiến Thành và Ngô Hòa Nghĩa. Nhiều thiền sư am tường cả tam giáo (Khuông Việt, Vạn Hạnh, Ðạo Hạnh, Viên Thông, Mãn Giác, Bảo Giám v.v…); họ đã dạy cho môn đệ những điều tinh hoa nhất trong khoa học xã hội và chính trị của Nho giáo. Các thiền sư Viên Thông và Nguyễn Thường khi cố vấn và can gián các nhà vua, đã dùng lý luận của Nho giáo một cách rất cởi mở và với tinh thần không phân biệt. Kiến thức Nho giáo được sử dụng theo tinh thần Phật giáo quả đã đóng góp khá nhiều cho học thuật và chính trị đời Lý. Sau này những nhà nho thiếu căn bản Phật học đã trở nên giáo điều, cố chấp và hẹp hòi. Thái độ đó đã gây chia rẽ và tạo nên sự loạn lạc trong xứ. Thái độ này trái ngược với thái độ dung hợp các ý thức hệ của các vị thiền sư. Họ giảng dạy Nho giáo, họ khuyến khích Nho học. Năm 1070, vua Thánh Tông lập văn miếu ở kinh thành và đúc tượng Khổng Tử, Chu Công, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử để thờ, và còn vẽ tranh 72 vị tiền hiền để treo. Vua Anh Tông cũng hai lần lập miếu thờ Khổng Tử.

Về phương diện sáng tác, các vị thiền sư thường để lại mỗi người ít ra cũng một bài thơ. Có nhiều thi tập có đến ngàn bài, nhưng đều đã mất. Những bài thơ còn được giữ lại là nhờ sách Thiền Uyển Tập Anh. Trong số những bài thơ ấy có nhiều bài rất đẹp, nhưng vì ít biết về từ ngữ Phật giáo và không quen thuộc với Thiền học nên nhiều người cho đó là những bài kệ khô khan, sau đây chúng tôi trích một vài ví dụ. Trước hết là bài của thiền sư Không Lộ:

Chọn nơi địa thế đẹp sông hồ

Vui thú tình quê quen sớm trưa

Có lúc trèo lên đầu chót núi

Kêu dài một tiếng lạnh hư vô.

(Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.)

“Kêu dài một tiếng lạnh hư vô” là một thi hứng siêu thoát trầm hùng ít thấy ở thi ca. Một bài khác của thiền sư Mãn Giác:

Xuân đến trăm hoa nở

Xuân đi trăm hoa rơi

Trước mắt đời diễn biến

Trên đầu già đến nơi

Ðừng nói xuân đi hoa rụng hết

Ðêm qua sân trước một cành mai.

(Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa tận lạc

Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai.)

Cành mai ấy phải chăng là hiện tướng của bản thể Chân như bất sinh bất diệt của vạn pháp? Một bài khác của thiền sư Ngộ Ấn:

Chân tính hư vô khó đến nơi

Chỉ hư tâm đạt đến mà thôi

Trên núi ngọc thiêu màu vẫn thắm

Trong lò sen nở sắc thường tươi.

(Diệu tính hư vô bất khả phan

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan?

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị càn.)

Chân tính thì vô tướng, không nắm bắt được. Nhưng nếu chân tính đã vô tướng, tại sao ta không dùng tâm vô tướng để bắt nó? Đó là bí quyết của thành công. Hình ảnh viên ngọc tươi thắm trên núi lửa và bông sen nở trong lò than hồng là những hình ảnh mô tả sự nhiệm mầu của chân tâm đạt tới do một tâm trạng vô tướng như thế.

Về thi ca, đời Lý có:

Ngộ Ðạo Ca Thi Tập của Khánh Hỷ.

Viên Thông Tập của Viên Thông. Cuốn này có tới một ngàn bài thơ, tiếc thay không còn.

Về trước tác, đời Lý có:

Tán Viên Giác Kinh của Viên Thông.

Thập Nhị Bồ Tát Hạnh Tu Chứng Ðạo Tràng của Viên Thông.

Tham Ðồ Hiển Quyết của Viên Thông.

Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn của Viên Thông.

Bồ Tát Hiệu Sám Hối Văn của Pháp Thuận.

Chư Ðạo Tràng Khánh Tán Văn của Huệ Sinh.

Nam Tông Tự Pháp Ðồ của Thường Chiếu.

Hồng Chung Văn Bi Ký của Viên Thông.

Chư Phật Tích Duyên Sự của Bảo Giác.

Tăng Già Tạp Lục của Bảo Giác. Về bia minh, đời Lý có:

– Bia chùa Báo Ân, núi An Hoạch, làng An Hoạch, dựng năm 1100, nói về sự nghiệp Lý Thường Kiệt, không biết do ai soạn.

– Bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở làng Duy Tinh, dựng năm 1110, do thiền sư Pháp Bảo (Hải Chiếu) soạn.

– Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, núi Long Ðội, dựng năm 1121, do Mai Bật soạn.

– Bia chùa Hương Nghiêm, núi Càn Nê, làng Phủ Lý dựng năm 1124, không biết ai soạn.

– Bia chùa Linh Xứng, núi Ngưỡng Sơn, làng Ngọ Xá dựng năm 1126, do thiền sư Pháp Bảo (Hải Chiếu) soạn.

– Bài minh quả chuông chùa Thiên Phúc trên núi Phật Tích do thiền sư Huệ Hưng soạn năm 1109.

– Bài minh trên tháp bia Hội Thánh ở núi Ngạc Già do thiền sư Lê Kim soạn năm 1092.

– Bài văn bia tháp Lăng Già do thiền sư Lê Kim soạn năm 1092.

– Bài minh quả chuông và bài văn bia của chùa Viên Quang, do thiền sư Dĩnh Ðạt soạn 1122.

– Bài văn bia chùa Diên Phúc, thôn Cổ Việt, do Nguyễn Diêm soạn năm 1121.

Những bài bia và minh trên đây phần lớn được ông Lê Quý Ðôn nhắc đến trong sách Kiến Văn Tiểu Lục[2]. Một vài bài khác được nhắc tới trong sách Lý Thường Kiệt của ông Hoàng Xuân Hãn. Nói về các bài minh và bài bia trên, Lê Quý Ðôn phê bình như sau: “Văn đời Lý đều là văn biền ngẫu, có nhiều vẻ đẹp, sánh được với văn thể đời Ðường”. Ðây là một bài minh do thiền sư Pháp Bảo soạn vào năm 1126, đọc thấy trong đoạn cuối của bia chùa Linh Xứng, nói về đạo Phật và công lao Lý Thường Kiệt trong việc dựng chùa Linh Xứng:

Ba cõi luân hồi, bốn loài lăn lóc

Vì vọng niệm sinh, vướng vòng tâm, sắc

Buông mở tham sân, triền miên ái dục

Biết mấy cho vừa, không sao yên được…

Lớn thay Chân như! Thể tựa Thái hư

Mầu nhiệm không lường, hóa hiện có dư

Mưa xuống một trận, cỏ cây đều nhờ

Pháp tràng dựng lên, tà pháp tiêu trừ

Lý Công nước Việt, theo dấu người xưa

Giữ đất yên dân, đánh đâu thắng đó

Tiếng vang Chiêm Thành, danh lừng Ðông Ðộ

Phật giáo quy sùng, cất chùa đồ sộ

Núi cao ngất chừ, thấu hư không!

Hiền tể coi chừ, đã quyết công!

Ðiện tháp cao chừ, đẹp không cùng!

Tượng vàng nghiêm chừ, nét đại hùng

Nghiệp báu bền chừ, thêm xương long!

Ân đức lan chừ, đến mọi nẻo

Ghi lời bia đá chừ, để lại non sông.

(Tam giới luân hồi, tứ sinh trì trục

Vọng niệm sở sinh, sắc tâm điên phúc

Thượng tứ tham sân, khiên triền ái dục

Khởi tự hoàng an, vô năng yếm túc

Chí tai Chân như! Thể lượng Thái hư

Thần nhi bất trắc, hóa chi hữu dư

Nhất vũ bái nhuận, tam thảo manh thư

Pháp tràng đại thụ, tà võng đốn trừ

Việt hữu Lý Công, cổ nhân duy thức

Mục quận ký ninh, chưởng sư tất khắc

Danh dương cức hạ, thanh chấn hà vực

Tông giáo quy sùng, cảnh phúc thị tổ

Sơn chi tuấn hề, tuẩn tình không

Hiền tế trị hề, sưởng quyết công

Tuyệt đỉnh nguy hề, điện tháp sùng

Tượng kim nghiêm hề, thực giới hùng

Phúc tường tập hề, chúc thần trung

Bảo lịch miên hề, thế xương long

Tục tận biến hề, tích hà cùng

Khắc minh vĩnh trác yên lam trung.)

Ngoài ra còn có những bài văn như bài chiếu của vua Lý Thái Tổ trước khi dời đô về Thăng Long, bài chiếu khuyến nông, bài chiếu miễn thuế cho dân của vua Lý Thái Tông, bài chiếu di mệnh của vua Lý Nhân Tông v.v… Những bài này đều mang ít nhiều tư tưởng hòa ái của đạo Phật, và có thể có bài đã do những cây bút thiền gia viết nên. Trong sách Vũ Trung Tùy Bút, Phạm Ðình Hổ nói về văn Lý và Trần như sau: “Ta thường xét về văn hiến nước ta, văn đời Lý thì cổ áo xương kích, phảng phất như văn đời Hán, đến văn Trần thì tuy hơi kém đời Lý nhưng cũng còn điển nhã hoa thiệm, nghị luận phô bày đều có sở trường cả”.

ÐẠO PHẬT VÀ MỸ THUẬT

Những công trình mỹ thuật của đạo Phật đời Lý rất nhiều nhưng di tích còn lại rất ít.

Năm 1010, lúc vừa lên ngôi, Lý Thái Tổ đã xây tám ngôi chùa ở quê vua là phủ Thiên Ðức, tỉnh Bắc Ninh. Tại Thăng Long vua cho dựng chùa Hưng Thiên Ngự, và gần điện Thái Hòa, chùa Vạn Tuế. Tiếp đó, vua cho lập các chùa Thiên Quang, Thiên Ðức, Thiên Vương, Thắng Nghiêm, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ. Khắp trong nước chừng 300 ngôi chùa được tạo dựng và những chùa đã hư nát thì được sửa chữa lại. Năm 1024, vua lại lập thêm chùa Chân Giáo. Năm 1036, vua Lý Thái Tông làm lễ khánh thành tượng Phật Ðại Nguyện vừa đúc xong.

Năm 1040, vua lại khánh thành một nghìn pho tượng Phật bằng gỗ, một nghìn bức tranh Phật và một vạn cờ phướn. Năm 1041, đúc tượng Phật Di Lặc bằng đồng nặng 7.560 cân đặt tại viện Thiên Phúc. Năm 1049, vua dựng chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột.

Năm 1055, vua Lý Thánh Tông xây chùa Ðông Lâm và chùa Tĩnh Lự ở núi Ðông Cứu (Bắc Ninh). Năm 1056, vua khởi công xây chùa Sùng Khánh Báo Thiên, phát 12.000 cân đồng để đúc chuông và tự tay thảo bài minh khắc trên chuông. Năm 1057, trước chùa này, một ngọn tháp tên Ðại Thắng Tư Thiên được xây lên, 12 tầng, cao 20 trượng. Cũng năm này xây hai chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ cùng đúc hai tượng Phạm Vương và Ðế Thích bằng vàng thờ ở hai chùa này. Năm 1057, vua sai Lang Tướng là Quách Mãn tạc tượng A Di Ðà bằng đá ở huyện Tiên Du. Năm 1058, vua xây điện Linh Quang, Kiến Lễ và Sùng Nghi. Phía trước điện dựng lầu chuông một cột, sáu cánh, hình hoa sen. Cũng năm này tháp núi Ðồ Sơn (cao 42 mét) xây xong vua ban hiệu là tháp Trường Long. Năm 1070, dựng chùa Nhị Thiên Vương. Năm 1071, vua viết chữ “Phật” cao một trượng sáu thước khắc vào bia đá để tại chùa núi Tiên Du.

Năm 1086 vua Lý Nhân Tông dựng chùa Lãm Sơn và xây thápđá tại huyện Quế Dương. Năm 1091, vua dựng tháp Linh Tế. Năm 1105, vua dựng ba tháp đá tại chùa Lãm Sơn. Năm 1108, vua xây tháp ở núi Chương Sơn. Năm 1109, dựng đài Ðộng Linh. Năm 1114, dựng lầu Thiên Phật. Năm 1117, khánh thành tháp Vạn Phong Thành Thiện ở núi Chương Sơn. Năm 1118, khánh thành tháp Thất Bảo. Năm 1121, dựng chùa Quảng Giáo ở núi Tiên Du và khánh thành điện Trùng Minh ở chùa Báo Thiên. Năm 1122, khánh thành tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Ðội Sơn. Năm 1124, dựng chùa Hộ Thánh và xây đài Uất La. Năm 1127, khánh thành chùa Trùng Hưng Diên Thọ. Năm 1129, vua Lý Thần Tông khánh thành 84.000 bảo tháp bằng đất. Năm 1130, khánh thành chùa Quảng Nghiêm Tư Thánh. Năm 1133, dựng các chùa Thiên Minh và Thiên Thành. Năm 1134, khánh thành ba tượng tam tôn bằng vàng.

Trên đây là một số công tác kiến trúc và điêu khắc Phật giáo đời Lý được nhắc đến trong các sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư Việt Sử Lược.

Những di tích còn lại ngày nay cho thấy nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đời Lý còn mang nhiều ảnh hưởng nghệ thuật Chiêm Thành. Một Nghi Thần Kinnari, thiên nữ đầu người mình chim đang chơi một nhạc khí, được đào lên dưới nền chùa Phật Tích tỉnh Bắc Ninh. Những chạm trổ trên đá tìm được trên chùa Phật Tích có những con rồng mình rắn, mũi dài, miệng rộng kiểu thủy quái Makara của mỹ thuật Chiêm Thành và Nam Dương. Những di tích này thuộc đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072). Ảnh hưởng mỹ thuật Trung Hoa biểu lộ một cách hiển nhiên, nhưng sắc thái riêng biệt Việt Nam của mỹ thuật đời Lý rất là rõ rệt.

Tháp Báo Thiên ở chùa Sùng Khánh được xây năm 1057 (cái chóp bằng đồng phía trên là công trình của Không Lộ) cao 20 trượng, 12 tầng, là một trong những công trình lớn đời Lý. Tháp này năm 1414 bị tướng nhà Minh là Vương Thông phá để lấy gạch đá chống cự vua Lê Lợi trong khi bị quân của vua vây bọc. Nền tháp to bằng một khu chợ (có thời đã được dùng để họp chợ). Trong sách Tang Thương Ngẫu Lục, Tùng Niên nói: “Năm Giáp Dần 1791, khi dỡ ra để lấy gạch đá xây thành, người ta còn thấy 8 pho tượng Kim Cương, chia đứng trấn bốn cửa, những tượng người tiên, chim muông cho đến những giường ghế chén bát không kể xiết, đều bằng đá cả. Mỗi viên gạch đều có in niên hiệu “Long Thụy Thái Bình”.

Ngoài tháp Báo Thiên, còn có chuông Quy Ðiền, đỉnh Phổ Minh và tượng Quỳnh Lâm; bốn công trình này đều là những công trình mỹ thuật đời Lý, được gọi là “An Nam Tứ Ðại Khí”.

Những bảo tháp đời Lý nay đều bị đổ nát, chỉ còn tháp Bình Sơn ở chùa Vĩnh Khánh là còn nguyên vẹn. Chùa này ở làng Bình Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên. Chiều cao của tháp này là 15 mét. Tháp xây toàn bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm. Ông Nguyễn Bá Lăng trong Kiến Trúc Phật Giáo Việt Nam nói rằng “Tuy tháp cũng chịu ảnh hưởng của kiến trúc Chàm về điểm các tháp Chàm để trần như các tháp khác đời Lý” nhưng lại khác tháp Chàm về điểm “các tháp Chàm mặt xây gạch đều cỡ rồi điêu khắc trực tiếp ngay vào” trong khi tháp Bình Sơn “có những phiến gạch điêu khắc hoặc dập khuôn trước rồi mới đem xếp ghép lại, gắn vào thân tháp bằng những cái móc”. Theo ông, “tác phẩm này được tượng trưng cho sự phối hợp giữa hai nguồn văn hóa chính là Trung Hoa và Chiêm Thành để tạo ra một sắc thái văn hóa Việt Nam tồn tại cho đến cuối đời Trần, Hồ”.

Một tác phẩm nổi danh khác của kiến trúc đời Lý là chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Chùa này còn được gọi là chùa Nhất Cột hay Liên Hoa Đài. Ý niệm là một bông sen mọc từ dưới nước lên. Chùa được dựng từ năm 1049. Ông Nguyễn Đăng Thục cho rằng chùa Một Cột chịu ảnh hưởng tín ngưỡng Lingam, là một sự phối hợp giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo. Điều này chúng tôi sợ là vô căn cứ; Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ từng bị ảnh hưởng lạ kỳ như vậy trong văn hóa cũng như trong các công trình mỹ thuật.

ÐẠO PHẬT VÀ PHONG HÓA

Hoàng Xuân Hãn viết trong sách Lý Thường Kiệt: “Ðời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Ðó chính là ảnh hưởng của đạo Phật”.

Trong hai triều Ðinh và Lê, ta thấy các triều đình còn dùng những cực hình như vạc dầu, chuồng hổ báo để trừng trị kẻ có tội. Ðời Ðinh thì Ðỗ Thích giết Ðinh Tiên Hoàng và Ðinh Liễn. Ðời Lê thì Ngọa Triều giết Lê Trung Tông. Nhưng sang đời Lý thì các vua có đạo đức và đời sống tâm linh, có độ lượng khoan hồng với dân và ngay với kẻ cừu địch. Có thể từ bi là một đường lối chính trị, nhưng chính trị từ bi là một nền chính trị nhân bản đáng được ủng hộ. Vua Lý Thái Tông đã tha tội cho Nùng Cao Trí, không giết, còn vua Lý Thánh Tông cũng đã không giết vua Chiêm Thành là Chế Củ.

Năm 1065, vua Lý Thánh Tông, trong một phiên xử kiện ở điện Thiên Khánh, đã chỉ vào công chúa Ðộng Thiên đứng hầu bên cạnh mà bảo ngục lại rằng: “Lòng ta yêu con ta, cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân, dân không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất luật khoan giảm”. (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Cũng nhà vua này, vào mùa đông năm Ất Mùi 1055, trời giá rét, đã bảo với các quan: “Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu mà còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian mà ăn không được no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không nơi nương tựa, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bữa cơm”. (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Thái hậu Ỷ Lan vợ vua Nhân Tông xuất thân là một cô gái quê nên biết rõ những khổ đau của nông dân. Bà đã khuyên vua Nhân Tông nên phạt nặng những kẻ trộm trâu và giết trâu gây nên tình trạng không có trâu cày. Năm 1103, thái hậu lấy của kho chuộc những người đàn bà con gái vì nghèo phải đem thân đi ở thế nợ, không thể đi lấy chồng.

Với những nhà chính trị có từ tâm và những người xuất gia biết lo giáo dục sự thực hành đạo từ bi trong dân chúng, đời sống xã hội đời Lý trở thành thuần từ và đẹp đẽ. Ðạo đức và từ bi đã không làm cho dân nghèo nước yếu; trái lại, những yếu tố này đã tạo nên phú cường. Những chiến thắng Chiêm Thành và Tống quốc, sự vắng mặt của bạo động trong nhân gian và trong cung khuyết, sự gần gũi giữa vua với dân; những điều đó nói lên được đặc tính của xã hội đời Lý. Thiền sư Pháp Thuận đã nói trước điều đó:

Vận nước như dây quấn

Trời Nam ôm thái bình

Ðạo đức ngự cung điện

Muôn xứ hết đao binh.

TĂNG SĨ, TỰ VIỆN VÀ KINH ÐIỂN

Vua Ðinh Tiên Hoàng là vị vua đầu tiên đã định giai cấp cho tăng lữ. Năm 971, một vị thiền sư tên Ngô Chân Lưu được phong làm tăng thống. Chế độ tăng thống tại Việt Nam bắt đầu từ đấy.

Trong thời Lý, các vua thỉnh thoảng cũng đặt lại giai cấp tăng sĩ và đạo sĩ, nhưng vẫn theo quy chế từ đời nhà Ðinh. Những chức vụ tăng thống, tăng lục, tăng chính, đại hiền quan có giá trị về phương diện tổ chức giáo hội liên hệ tới chính quyền và xã hội, chứ không phải những chức vụ liên hệ tới đời sống hành đạo trong nội bộ tu viện như hòa thượng, yết ma, giáo thọ, giám viện, trụ trì, v.v…

Những vị tăng sĩ được xem như lãnh đạo tinh thần cho triều đình và cả nước được gọi là quốc sư. Chữ quốc sư ở đây không có ý nghĩa là chức vụ cố vấn chính trị của vua mà chỉ có nghĩa là bậc thầy dạy đạo của cả nước. Sau Vạn Hạnh, các vị Khô Ðầu, Không Lộ, Thông Biện và Viên Chiếu là những người được ban hiệu là quốc sư. Các vị này đều là những vị học rộng. Trong đời vua Lý Thái Tổ có nhiều lần dân được khuyến khích xuất gia. Năm 1010 khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã chọn người xuất sắc cho đi xuất gia. Bốn năm sau tăng thống Thẩm Văn Uyển lập giới đàn ở chùa Vạn Thọ để tăng đồ thọ giới. Năm 1016, hơn 1000 người ở kinh đô Thăng Long được tuyển chọn để xuất gia làm tăng sĩ và đạo sĩ. Năm 1019, lại một lần nữa độ dân làm tăng sĩ. Ðến năm 1134 vua Lý Thần Tông lại tổ chức độ tăng một lần nữa. Số lượng người xuất gia đông dần. Vào cuối đời Lý, năm 1198, số tăng sĩ tăng lên nhiều quá, tệ lậu sinh ra trong giới xuất gia, vua Lý Cao Tông cho chọn lọc và sa thải bớt tăng sĩ không xứng đáng. Trước đó, năm 1179, vua đã cho khảo hạch các tăng quan.

Về chùa thì ngoài những ngôi chùa do vua quan lập nên, còn có nhiều ngôi do dân chúng xây cất. Năm 1088, vua Lý Nhân Tông theo sự đề nghị của văn quan và đề lại, phân các chùa làm ba loại:

  1. Đại danh lam, chùa lớn.
  2. Trung danh lam, chùa vừa vừa.
  3. Tiểu danh lam, chùa nhỏ.

Chùa có nhiều tăng sĩ tu học, có ruộng và có người cày ruộng do nhà nước cấp.

Về kinh điển, năm 1011, vua Lý Thái Tổ đã cho dựng nhà tàng kinh Trấn Phúc để tàng chứa kinh điển. Năm 1018, vua này sai hai người, Nguyễn Ðạo Thành và Phạm Hạc sang Tống để thỉnh Tam Tạng kinh.

Tam Tạng kinh ở đây chắc chắn là ấn bản năm 983, ấn bản Tam Tạng kinh đầu tiên ở Trung Hoa, do vua Tống Thái Tổ ban chiếu khắc từ năm 972. Tạng kinh này khắc trong vòng 11 năm, gồm cả thảy 13.000 bản gỗ, có tất cả 1.076 kinh, 480 tập và 5.048 quyển. Tới năm 1020, Nguyễn Ðạo Thành và Phạm Hạc mới chở kinh về tới Quảng Châu. Vua nhờ thiền sư Phi Trí đi đón. Năm 1021, vua cho dựng tàng kinh Bát Giác để chứa Ðại Tạng vừa thỉnh được. Năm 1023, vua lại sai người chép ra một bản Ðại Tạng nữa, và dựng thêm tàng kinh Ðại Hưng để cất giữ. Năm 1027, vua lại sai chép thêm một bộ Ðại Tạng khác.

Năm 1034, vua lại dựng thêm tàng kinh Trùng Hưng và sai hai ông Hà Thụ và Ðỗ Khoan đi sứ Tống. Lần này vua Tống lại tặng cho một Ðại Tạng kinh nữa. Ðây cũng là ấn bản năm 983. Năm 1036, một bản Ðại Tạng nữa lại được chép để chứa vào kho sách Trùng Hưng. Như vậy là tại kinh sư hồi ấy đã có tới năm bản Ðại Tạng cho các tăng sĩ và nhà học Phật nghiên cứu.

Năm 1081, vua lại sai Lương Dũng Luật sang Tống xin Ðại Tạng. Và năm 1098, khi Nguyễn Văn Tín đi sứ sang Tống, vua cũng xin thêm một bản Ðại Tạng khác. Ta thấy nhu cầu sử dụng Ðại Tạng thời bấy giờ rất lớn.

Ấn bản Ðại Tạng thứ hai tại Trung Hoa bắt đầu từ năm 1080, nhưng mãi đến 1176 mới hoàn thành. Ấn bản này có 6.434 quyển gọi là Sùng Ninh Vạn Thọ Ðại Tạng. Vậy tất cả các bản Ðại Tạng mà nhà Lý thỉnh từ Tống quốc thời đó đều là ấn bản năm 983.

Những bản kinh thông dụng nhất như kinh Kim Cương, Dược Sư, Pháp Hoa, Viên Giác, v.v… có lẽ đã được bắt đầu khắc bản và in tại Việt Nam sau đó. Ta không biết nghề in ở Việt Nam bắt đầu từ thời nào. Sách Thiền Uyển Tập Anh nói rằng tổ phụ của thiền sư Tín Học (mất năm 1190) đã làm nghề khắc bản in lâu đời. Chính vì nhu yếu ấn loát các kinh cần thiết mà nghề in xuất hiện tại nước ta. Những bản in này hẳn nhiên là còn thô lậu, không đẹp bằng những bản in đời Trần sau này, khi mà kỹ thuật khắc bản gỗ của ta đã được cải thiện nhờ những người đã học được nghề in tại Trung Quốc.

VẤN ÐỀ MÊ TÍN

Vì những ghi chép về một ít những chuyện thần bí pháp thuật như chuyện giang hồ, chuyện tự ý đầu thai, v.v… nên ta có cảm tưởng Phật giáo đời Lý đầy dẫy những mê tín. Kỳ thực, trong bất cứ thời nào, kể ngay trong thời hiện đại, cũng có những hiện tượng mê tín như thế. Vấn đề là những chuyện mê tín như vậy có được ghi chép lại hay không. Không phải vì điển tích đã ghi chép lại một số chuyện mê tín đời Lý mà ta cho rằng chỉ vào đời Lý, trong Phật giáo mới có những tín ngưỡng dị đoan.

Phật giáo đời Lý, như ta thấy trong lịch sử và nội dung tư tưởng của các thiền phái, có một chiều sâu tâm linh rất đáng kể. Có nhiều thiền sư học rộng, hiểu nhiều, bài bác những tín ngưỡng và pháp thuật dị đoan, đóng góp lớn lao trong phạm vi học thuật, phong hóa và xã hội. Tính chất mê tín dị đoan của Phật giáo đời Lý có thể còn ít hơn tính chất mê tính dị đoan ở những thời đại Phật giáo suy đồi như trong thời Lê Sơ và trong thời Pháp thuộc.

[1] Bất bạo động.

[2] Kiến Văn Tiểu Lục: “Tôi có thu thập văn còn sót trên đá và trên đồng đượcvài chục bài… (lược). Nhân đây lục ít bài có danh để biết đại khái cách thức: Bài minh trên chuông chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, dựng niên hiệu Nguyên Hóa thứ 9 triều Lý, sư Huệ Hương soạn; bài minh trên bia chùa Diên Khánh ở Sùng Nghiêm, Ái Châu, dựng niên hiệu Ðại Khánh thứ 9, sư Pháp Bảo soạn; bài minh trên bia tháp Hội Khánh ở núi Ngạc Già, dựng niên hiệu Hội Phong thứ nhất, pháp sư Lê Kim soạn; bài bia ở bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Long Ðội (thuộc huyện Duy Tiên) dựng niên hiệu Duệ Vũ thứ hai, binh bộ viên ngoại lang là Mai Công Bật soạn; bài bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn, làng Ngọ Xá, huyện Vĩnh Phúc, dựng niên hiệu Duệ Vũ thứ bảy, sư Pháp Bảo soạn; bài bia chùa Diên Phúc, làng Cổ Việt, dựng năm Ðại Khánh thứ tư, do môn khách của Ðỗ Anh Vũ là Nguyễn Công Diệm soạn”.