Việt Nam Phật giáo sử luận

Chương 34: Chùa Quán Sứ ở Bắc Việt

HỘI TĂNG NI CHỈNH LÝ BẮC VIỆT

Tạp chí Đuốc Tuệ đình bản sau khi ra số chót là số 257 – 258 ngày 15.8.1945. Để phù hợp với tư trào mới các thiền sư Trí Hải và Tố Liên cho xuất bản Tinh Tiến song song với tờ Giải Thoát ở Huế. Thiền sư Tuệ Tạng, hội trưởng hội Việt Nam Phật giáo và trú trì chùa Quán Sứ từ đầu năm 1945, cũng giao trách nhiệm mình cho những người trẻ tuổi và rút về tĩnh cư tại chùa Phúc Lâm ở Nam Định.

Cư sĩ Bùi Thiện Cơ và bảo huynh là cư sĩ Bùi Thiện Căn, nhận lãnh trách nhiệm giữ gìn nền móng của hội Việt Nam Phật giáo.

Hợp tác với các thiền sư Trí Hải và Tố Liên có các thiền sư Quảng Hoằng, Ngọc Bảo, Vĩnh Tường, Thái Hòa, Tuệ Chiếu, Thanh Sam và nhiều cư sĩ hữu tâm như Nguyễn Hữu Kha và Nguyễn Xuân Chữ.

Sau khi mặt trận kháng chiến Hà Nội vỡ, thiền sư Tố Liên trở về chùa Quán Sứ để bắt đầu xây dựng lại cơ sở Phật học. Hội Việt Nam Phật giáo được thành lập lại vào năm 1949, do cư sĩ Bùi Thiện Cơ làm hội trưởng và cư sĩ Viên Quang làm tổng thư ký, trụ sở vẫn được đặt tại chùa Quán Sứ. Một viện cô nhi được hội thành lập. Số nhi đồng được bảo trợ lên tới 160 em. Năm 1950, hội cung thỉnh thiền sư Tuệ Tạng làm chứng minh đạo sư. Hai năm sau, hội xây dựng hai trường tư thục trung học tại Hà Nội, trường Khuông Việt cho nam sinh và trường Vạn Hạnh cho nữ sinh.

Cùng với các thiền sư đồng chí hướng, năm 1949 thiền sư Tố Liên vận động thành lập hội Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt mà thiền sư đứng làm hội trưởng. Hội đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ. Một tạp chí lấy tên là Phương Tiện được xuất bản do chính thiền sư làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Bán nguyệt san này được phát hành khá rộng rãi trong toàn quốc. Một ấn quán được thành lập tại số 73 phố Quán Sứ Hà Nội lấy tên là nhà in Đuốc Tuệ, do cư sĩ Nguyễn Đình Dương quản lý. Nhà in này ấn hành báo Phương Tiện và xuất bản nhiều kinh sách, trong đó có tác phẩm của Thiều Chửu, Võ Đình Cường, Nguyễn Văn Ngọc, Quang Phú, Tố Liên, Trí Hải, Mai Thọ Truyền, Hoàng Hoa, Thanh Hương, v.v…

Hội Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt được đổi tên là hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt vào ngày 9.9.1950. Qua năm sau, hội cung thỉnh thiền sư Mật Ứng làm thiền gia pháp chủ.

Từ năm 1949, hội đã cho khai giảng các Phật học đường Quán Sứ và Vân Hồ. Phật học đường Quán Sứ, dành cho tăng sinh, được khai giảng ngày 2 tháng Tám âm lịch 1949 và Phật học đường Vân Hồ, dành cho ni sinh, được khai giảng bốn hôm sau đó. Ni viện Vân Hồ đặt dưới quyền giám đốc của các ni sư Đàm Soạn và Đàm Đậu, thu nhận tới 50 ni sinh trong niên khóa đầu.

TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ GIÁO HỘI TĂNG GIÀ TOÀN QUỐC

Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt năm 1950 đã ủy nhiệm thiền sư Tố Liên đi dự hội nghị thành lập World Fellowship of Buddhists – Thế giới Phật giáo Liên hữu – triệu tập lần đầu tiên tại thủ đô Colombo ở Tích Lan từ 26.5.1950 đến ngày 7.6.1950. Hội nghị này đã quy tụ được đại biểu của 26 nước Phật giáo. Một bản điều lệ của hội Thế giới Phật giáo Liên Hữu được chấp thuận, một ban quản trị được bầu cử trong đó bác sĩ Malalasekera đứng làm chủ tịch và lá cờ năm sắc được chấp thuận là Phật kỳ. Các nước có đại biểu tham dự hội nghị đều trở thành những trung tâm địa phương (regional centers) của hội Thế Giới Phật giáo Liên Hữu. Về Hà Nội, thiền sư Tố Liên đã thiết lập văn phòng Trung tâm Địa phương Việt Nam của hội Thế Giới Phật giáo Liên Hữu tại chùa Quán Sứ. Lá cờ năm sắc tượng trưng cho ngũ căn ngũ lực được treo lần đầu tiên tại chùa Quán Sứ vào ngày Phật Đản năm 1951.

Sự thành lập hội World Fellowship of Buddhists (mà tại Việt Nam Phật tử quen gọi là hội Phật giáo Thế giới) đã là một kích thích tố cho sự thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1951 và Giáo hội Tăng già Toàn quốc vào năm 1952.

Đại hội Phật giáo Toàn quốc được các tập đoàn Phật giáo Việt Nam triệu tập tại Huế từ ngày 6.5.1951 – 9.5.1951. Năm mươi mốt đại biểu các tổ chức Phật giáo Tăng già Bắc Việt, Việt Nam Phật giáo (Bắc Việt), Giáo hội Tăng già Trung Việt, Việt Nam Phật học (Trung Việt), Giáo hội Tăng già Nam Việt và hội Phật học Nam Việt họp đại hội tại chùa Từ Đàm, thảo duyệt và chấp thuận một bản Điều lệ Nội quy thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, bầu cử một ban quản trị và suy tôn thiền sư Tịnh Khiết chùa Tường Vân làm hội chủ.

Năm 1952, các đoàn thể tăng già Bắc Trung Nam triệu tập đại hội tại chùa Quán Sứ Hà Nội ngày 7.9 để thành lập Giáo hội Tăng già Toàn quốc. Đại hội này đã bầu cử một Tổng Trị Sự và suy tôn thiền sư Tuệ Tạng làm thượng thủ.

THIỀN SƯ TUỆ TẠNG

Thượng thủ Tuệ Tạng tên đời là Trần Thanh Tuyên, sinh năm 1889 tại làng Quần Phương Trung, quận Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 14 tuổi, ông xuất gia tại chùa Phúc Lâm ở làng Quần Phương Thượng. Năm 16 tuổi, ông được thế độ với pháp danh Tâm Thi. Sau đó không lâu, ông về ở chùa Cồn ở ấp Văn Lý, Nam Định. Năm hai mươi tuổi ông thọ đại giới đàn chùa Phúc Lâm. Sau khi thầy của ông là tổ sư chùa Phúc Lâm thị tịch, ông bắt đầu đi du phương học đạo. Ông đã theo học tại các tổ đình Vĩnh Nghiêm và Tế Xuyên và đã chú trọng đặc biệt đến sự nghiên tầm luật tạng. Ông nổi tiếng là nhớ luật và trì luật bậc nhất.

Năm 1920, cùng các thiền sư trú trì chùa Dương Lai, Duyên Bình và Quế Phương ở Nam Định, thiền sư Tuệ Tạng thành lập hội Tiến Đức Cảnh Sách để quy tụ thanh niên tăng ni và hướng dẫn sự tu học cho các vị này. Hội Tiến Đức Cảnh Sách đặt trụ sở tại chùa Quế Phương. Hội trưởng là thiền sư trú trì chùa Dương Lai. Thiền sư Tuệ Tạng giữ chức giáo sư luật học.

Năm 1934, ông đã cùng thiền sư Trung Thứ yểm trợ đắc lực cho việc thành lập hội Bắc Kỳ Phật giáo tại Hà Nội, đến năm 1935, theo lời yêu cầu của thiền sư Trí Hải và của hội Việt Nam Phật giáo, ông đã giữ chức giám viện cho chùa Quán Sứ.

Năm 1936, khi Phật học đường của hội Bắc Kỳ Phật giáo được khai giảng ở chùa Bằng Sở với thiền sư Trung Hậu ở chức vụ giám đốc và thiền sư Trung Thứ ở chức vụ đốc giáo, ông đã nhận lãnh trách vụ phó đốc giáo kiêm giáo sư luật học. Thiền sư Trung Thứ viên tịch năm 1940 và thiền sư Trung Hậu cũng viên tịch năm 1941. Một mình ông phải đứng trông nom Phật học đường Bằng Sở, giữ cả trách vụ giám đốc lẫn đốc giáo.

Từ năm 1941 đến 1945, vì tình thế khó khăn, trường Phật học phải dời về Quán Sứ rồi sang Bồ Đề, lên Trung Hậu, về Cao Phong rồi về Hương Hải, cuối cùng lại dời về Quán Sứ. Vậy mà lúc nào trường cũng có từ 50 đến 60 tăng sinh. Thiền sư Tuệ Tạng đã cưu mang trường trong suốt thời gian khó khăn này. Một nữ cư sĩ làm hội trưởng hội Tế sinh Bắc Việt, tên là Hoàng Thị Uyển trong thời gian ấy đã dâng cúng một trăm mẫu ruộng ở ấp Cao Phong tỉnh Phúc Yên để thiền sư có đủ tư lương nuôi dưỡng trưởng tăng học.

Đầu năm 1945, thiền sư Tuệ Tạng được mời giữ chức hội trưởng hội Việt Nam Phật giáo và trú trì chùa Quán Sứ. Nhưng đến cuối năm, để thích hợp với trào lưu mới, ông giao trách nhiệm lại cho những người trẻ tuổi hơn như các thiền sư Tố Liên, Trí Hải và cư sĩ Thiều Chửu rồi về an cư ở chùa Cồn. Năm 1947 ông làm pháp chủ trường hạ chùa xã Quần Phương Trung. Cảm mến đức độ của ông, tăng chúng các nơi lại xin về thọ giáo: Từ 1946 đến 1949 đạo tràng lúc nào cũng đông đảo, số tăng sinh ít khi xuống dưới 60 vị.

Thời cuộc biến chuyển, học chúng lại phải dời sang chùa Bằng Sở rồi chùa Cát Nội. Cuối năm 1949, ông và học chúng lại trở về chùa Cồn.

Năm 1950, theo lời thỉnh cầu của hội Phật giáo Tăng Già Bắc Việt, ông lại trở về chùa Quán Sứ giữ chức đốc giáo Phật học đường Quán Sứ. Đồng thời hội Việt Nam Phật giáo cũng mời ông làm chứng minh đạo sư cho hội.

Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập 1951 đã cung thỉnh ông làm chứng minh đạo sư và Đại hội Giáo hội Tăng già Toàn quốc họp tại chùa Quán Sứ ngày 7.9.1952 đã suy tôn ông làm thượng thủ.

Thiền sư Tuệ Tạng lên làm thượng thủ cho Giáo hội Tăng già Toàn quốc năm ông được 63 tuổi.

Năm 1953 với tư cách thượng thủ ông đã cho ra đời một “Lá Tâm Thư” lời lẽ thống thiết, kêu gọi tăng sĩ và cư sĩ góp sức trùng hưng Phật giáo.

Năm 1954, khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève, ông đã cùng các thiền sư Trí Hải, Tố Liên, Vĩnh Tường và nhiều cây cột trụ vững vàng khác của hội Phật giáo Tăng Già Bắc Việt nhất tâm kiên trì bảo vệ cơ sở của Phật giáo tại miền Bắc. Nhưng thời cuộc đã thay đổi và sự hành đạo tại vùng đất nước từ vĩ tuyến thứ 17 trở ra đã trở nên khó khăn. Thiền sư Tuệ Tạng đã phải rời bỏ chùa Quán Sứ ở thủ đô Hà Nội để về chùa Quần Phương, Nam Định. Tại đây, thiền sư đã mất vào ngày 10.5.1959, thọ bảy mươi tuổi. Nhục thân của thiền sư đã được an táng tại vườn chùa Vọng Cung thị xã Nam Định.

Trong số những vị đệ tử của thiền sư Tuệ Tạng hành đạotại miền Nam, ta thấy có các thiền sư Chân Thường, Thanh Cát và Bình Minh. Thiền sư Bình Minh đã ghi lại tiểu sử của thầy một cách tỉ mỉ và thiền sư Chân Thường, hành đạo từ 1966 tại Pháp, cũng đã làm một bài diễn ca song thất lục bát căn cứ trên tài liệu ấy.

HỘI PHẬT TỬ VIỆT NAM

Tại Hà Nội từ năm 1949, song song với hội Việt Nam Phật giáo, còn có hội Phật tử Việt Nam được thành lập tại chùa Chân Tiên do một số các vị cư sĩ hữu tâm trong đó có các ông Văn Quang Thùy, Nguyễn Văn Chế, Lê Văn Lâm, Trương Đình Vy, Lê Văn Giáp và Bùi Hưng Gia góp sức. Hội thường tổ chức diễn thuyết tại chùa Chân Tiên. Trong số các diễn giả, có bác sĩ Monod Herzen, giáo sư trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Hội cũng thiết lập một ban Hoằng Kinh để xuất bản các kinh sách Phật giáo, đặt trụ sở tại số 56 đường Hàng Trống, Hà Nội. Hội Phật tử Việt Nam cũng đã thiết lập được một số các chi hội tại các tỉnh, hoạt động nhất là chi hội Hải Phòng mà trụ sở đặt ở chùa An Biên.

Cư sĩ Tuệ Nhuận Văn Quang Thùy đã cùng với các bạn đồng chí cho xuất bản bán nguyệt san Bồ Đề để phổ biến Phật học. Tạp chí này ra đời ngày 22.9.1949, báo quán đặt tại số 108 đường Boret, Hà Nội. Cư sĩ Tuệ Nhuận đứng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Tạp chí Bồ Đề được xuất bản từ tháng Chín năm 1949 cho đến mãi tháng Năm năm 1954 mới đình bản. Cư sĩ Tuệ Nhuận đích thân phiên dịch chú giải luận Duy Thức Tam Thập Tụng, Thập Mục Ngưu Đồ và viết nhiều bài giáo lý căn bản cho tạp chí của mình. Cộng tác với Bồ Đề có nhiều cây bút vững vàng như Nguyễn Xuân Chữ, Lê Văn Giáp, Hồng Liên, Đế Châu, Vũ Đình Mẫn, Trí Dung, Thanh Vân, Lê Văn Lương, v.v. Cát Tường Lan là một cây bút nữ sĩ trẻ trung rất được Phật tử trẻ tuổi mến chuộng. Nguyễn Đại là một người đóng góp phần thơ ca gần như thường xuyên cho bán nguyệt san Bồ Đề, vốn nặng phần văn nghệ hơn tạp chí Phương Tiện. Cát Tường Lan bắt đầu viết cho Bồ Đề từ năm 1951. Độc giả của cô là tuổi trẻ. Văn của cô trong sáng, nhẹ nhàng và tươi vui. Cô đã sử dụng kiến thức khoa học để giảng dạy Phật pháp cho tuổi trẻ. Bài Lời Nói Của Hòn Cuội của cô đăng ở Bồ Đề số 52 ra vào tháng Mười 1951 là một bài điển hình của văn cô. Cô đã nhân một hòn cuội mà nói đến luật vô thường, đến nguyên lý nhân quả và đến cả lý bất sinh bất diệt của pháp giới. Cô đã nhắc tới định luật của Lavoisier “Không có gì mất đi, không có gì sinh ra”.

Từ 1950 đến 1954 dưới sự hướng dẫn của các thiền sư Tố Liên và Trí Hải, các tổ chức Gia đình Phật tử được thiết lập mau chóng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các cư sĩ Lê Văn Nhã, Lê Văn Lãm, Vũ Thị Định, Lê Vinh, Đặng Văn Khuê, Trần Thanh Hiệp và ni cô Hải Triều Âm đã là những cây thạch trụ đầu tiên cho phong trào giáo dục thanh thiếu niên Phật tử ở miền Bắc. Gia đình Minh Tâm ở Hà Nội và Gia đình Liên Hoa ở Hải Phòng là những Gia đình Phật tử được thành lập sớm nhất. Tháng Tư năm 1951, các Gia đình Phật tử ở Bắc Việt đã gửi đại biểu tham dự đại hội Gia đình Phật tử Toàn quốc tại chùa Từ Đàm Huế và đã cùng thống nhất với phong trào ở Trung và ở Nam.

THIỀN SƯ TỐ LIÊN

Trong số các nhân vật hoạt động nhất của Phật giáo miền Bắc, các thiền sư Tố Liên, Trí Hải, Tuệ Chiếu và Vĩnh Tường là những khuôn mặt nổi bật nhất. Thiền sư Tố Liên tên đời là Nguyễn Thanh Lai, sinh năm 1903 tại Hà Đông, xuất phát từ chùa Hương Tích và là đệ tử của thiền sư chùa này. Tính người cương trực, chuộng hoạt động, ông đã từng đi du phương tham học nhiều nơi và đã dừng lại khá lâu để trau dồi Phật học tại các đạo tràng Tế Xuyên và Vĩnh Nghiêm. Ông cũng đã từng tu học tại thiền viện Côn Sơn ở Thanh Mai. Từ Côn Sơn về để cộng tác với hội Bắc Kỳ Phật giáo, ông đã đóng góp rất nhiều cho Phật học đường Quán Sứ và cho những hoạt động xã hội và văn hóa của hội. Ông làm chủ tịch hội Tăng Ni Chính Lý Bắc Việt hồi ông được 47 tuổi.

Ông đã có công cho khắc in rất nhiều bản và phổ biến trong toàn quốc bộ Việt Nam Phật Điển Tùng San, mong tác phẩm này được lưu truyền hậu thế và không còn bị mai một. Là chủ nhiệm và chủ bút báo Phương Tiện, ông còn lo mọi việc đối nội và đối ngoại không những cho hội Phật giáo Tăng Già Bắc Việt mà còn cho hội Việt Nam Phật giáo nữa. Chính ông đã vận động suy tôn thiền sư Mật Ứng lên làm thiền gia pháp chủ của Phật giáo Tăng Già Bắc Việt. Cũng chính ông đại diện cho Phật giáo Việt Nam đi dự hội nghị thành lập hội Thế Giới Phật giáo Liên Hữu năm 1950 tại Tích Lan và đưa Phật giáo Việt Nam vào với tư cách sáng lập hội viên của hội này. Trong thời gian từ 1949 đến 1954 ông thường vào Trung và Nam để tham luận và đàm đạo với các nhà lãnh đạo Phật giáo ở đây về phương thức thống nhất Phật giáo và xây dựng cơ sở vững chãi cho một giáo hội tương lai. Ông để tâm rất nhiều đến việc đào tạo tăng tài và thiết lập những cơ sở văn hóa về giáo dục cho giáo hội. Ông chuyên viết bài giảng phổ thông về Phật học để nhà Đuốc Tuệ ấn hành.

Ông không biết cúi đầu trước bất cứ một quyền lực nào. Năm 1952 khi có lệnh động viên cả giới tăng sĩ Phật giáo, ông đã phản đối dữ dội quyết định này trước mặt ông thủ hiến Bắc Việt.

Năm 1954, sau khi đất nước bị qua phân, ông cùng thiền sư Trí Hải nỗ lực bồi đắp và bảo vệ cơ sở Phật giáo đã được xây dựng lại từ 1949 tại miền Bắc. Chính sách hạn chế tôn giáo của nhà nước miền Bắc đã từ từ giới hạn phạm vi hoạt động của Hội Phật giáo Tăng Già Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật giáo. Ông và các thiền sư đồng chí đã cương quyết chống lại chính sách hạn chế này và quần chúng Phật tử tại Hà Nội đã hết lòng ủng hộ ông. Tuy vậy, guồng máy càng ngày càng khép chặt, cuối cùng những phần tử thân chính quyền đã lọt vào trong các cơ cấu tổ chức Phật giáo. Năm 1958, dưới áp lực của chính quyền, Hội Phật giáo Thống nhất được thành lập với thiền sư Trí Độ ở chức vụ hội trưởng. Những cơ sở thành lập từ 1949 bị giải tán. Thiền sư Tố Liên cùng các đồng chí mất dần vai trò lãnh đạo. Thiền sư Tuệ Tạng, thượng thủ Giáo hội Tăng già Toàn quốc phải rời chùa Quán Sứ để về Nam Định. Thiền sư Trí Độ liên tục làm hội trưởng hội Phật giáo Thống Nhất cho đến năm ông viên tịch (1979). Thiền sư Trí Độ là người được chính quyền tin tưởng. Từ 1955 trở đi ông đã được liên tục cử vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Những cơ sở như Phật học đường Vân Hồ, Phật học đường Quán Sứ, trường trung học Khuông Việt, trường trung học Vạn Hạnh, nhà xuất bản Đuốc Tuệ, tạp chí Phương Tiện, cô nhi viện Phật giáo, v.v… đã lần lượt bị giải tỏa từ sau 1954. Thiền sư Tố Liên bị cô lập hóa từ từ với quần chúng mà ông lãnh đạo và đã từng bị quản thúc nhiều năm tại Nam Định. Ông mất tại Hà Nội vào năm 1977.

THIỀN SƯ TRÍ ĐỘ

Thiền sư Trí Độ, hội trưởng hội Phật giáo Thống Nhất, tên đời là Nguyễn Kim Ba, sinh năm 1895 tại làng Phổ Trạch, tổng An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm chín tuổi ông được học chữ Nho và năm mười tám tuổi ông theo học trường sư phạm. Năm 1919 ông được bổ đi dạy tại trường Vĩnh Lưu. Nơi đây, được gần gũi thiền sư Liên Tôn, ông trở thành hâm mộ đạo Phật. Thiền sư Liên Tôn khuyên ông tới thọ giới và xuất gia với thiền sư Trí Hải chùa Bích Liên ở làng Háo Đức, quận An Nhơn. Năm 31 tuổi ông được thiền sư Trí Hải đưa tới chùa Thập Tháp để học với thiền sư Phước Huệ. Năm 1931, thiền sư Lê Khánh Hòa ở Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học gửi thư cho thiền sư Phước Huệ để mời ông và thiền sư Liên Tôn vào Nam cộng tác với tạp chí Từ Bi Âm. Trong Từ Bi Âm, ông dịch và chú giải các kinh A Di Đà, Phổ Môn, Vu Lan Bồn, viết về Duy Thức trong một loạt bài mà đề tài là Luận Về Sóng Thức và viết những bài giáo lý như Phép Lạy Hồng Danh Sám, v.v…

Năm 1934 ông trở về Bình Định và sau đó không lâu, ông ra Huế và được mời làm đốc giáo trường An Nam Phật học năm 1935. Vốn từng được huấn luyện về sư phạm, ông đã đưa vào trường An Nam Phật học lối giảng dạy có phương pháp rất được các học tăng ưa thích.

Tham dự vào phong trào Phật giáo Cứu quốc từ 1945, ông được bầu làm ủy viên Ủy ban Liên Việt tại Thanh Hóa năm 1950 và năm 1953 ông được nhà nước chỉ định làm ủy viên Ủy ban Việt Nam Bảo vệ Hòa bình Thế giới. Ông lại được giữ chức ủy viên Ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa 2, 3, 4 và 5. Năm 1975 ông được vào Sài Gòn thăm chùa Ấn Quang và Viện Đại học Vạn Hạnh. Ông tịch ngày 24.10.1979 tại Hà Nội và đã được nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

THIỀN SƯ TRÍ HẢI

Thiền sư Trí Hải tên đời là Đoàn Thanh Tảo, sinh năm 1906 tại Nam Định, trú trì chùa Mai Xá, đệ tử của thiền sư Thông Dũng ở chùa Mai Xá, tỉnh Hà Nam. Ông xuất gia năm 17 tuổi, thọ đại giới năm 20 tuổi. Năm 25 tuổi ông được ủy nhiệm trú trì chùa Phú Đa ở xã Yên Lập, tỉnh Hà Nam. Năm sau vì bản sư viên tịch, ông trở lại trông coi chùa Mai Xá.

Ông là người có công đầu trong việc vận động thành lập hội Bắc Kỳ Phật giáo và đã suốt đời xây dựng cho cơ sở Phật giáo tại miền Bắc. Chính ông đã thu xếp để mời thiền sư Tố Liên từ Thanh Mai về để cộng tác với chùa Quán Sứ.

Năm 1934, sau khi đã vận động thành lập xong hội Bắc Kỳ Phật giáo, ông chuyên lo về việc giao tế và đối ngoại cho hội. Ông đứng ra trùng tu chùa Quán Sứ năm 1936. Ông lại vận động thành lập nhà in Đuốc Tuệ và viện cô nhi cho hội và đã dành rất nhiều thì giờ của ông để chăm sóc những cơ sở này. Ông đã ủy cho đệ tử của ông là thiền sư Tâm Giác trông lo về ngành thanh thiếu niên Phật tử.

Năm 1952, tại đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Từ Đàm, Huế, ông được bầu làm phó hội chủ của Tổng hội. Phái đoàn hội Phật giáo Tăng ni Bắc Việt lúc ấy được lãnh đạo bởi thiền sư Mật Ứng, Thiền gia pháp chủ Bắc Việt.

Thiền sư Trí Hải là tác giả cuốn Truyện Phật Thích Ca bằng thơ lục bát, ấn hành năm 1951. Tác phẩm này tuy chỉ có 50 trang nhưng được phổ biến rất rộng vì tính cách đại chúng của nó. Từ năm 1951 đến 1953 sách đã tái bản tới bảy lần, mỗi lần hàng vạn cuốn. Sách do nhà in Đuốc Tuệ xuất bản. Nhà in Hòa Ký ở Hà Nội cũng đã in nhiều bài giảng của ông, như các bài Công Cầu Đạo Của Đức Thích Ca, Công Quả Tu Hành Của Đức A Di Đà, Để Của Thân Sau, Phật Học Hiển Thuyết, Phật Với Chúng Sinh, Thiện Ác Báo Ứng, Từ Bi Hỷ Xả, v.v… phần lớn những bài giảng này được ấn hành khoảng từ năm 1935 đến 1940. Ông đã biên soạn và phiên dịch được cả thảy 28 tác phẩm trong đó có Kinh Lục Độ Tập, Khóa Hư Lục Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh.

Sau 1958, cũng như thiền sư Tố Liên, ông đã bị cô lập hóa và không tiếp tục được sự nghiệp hoằng hóa lớn của mình. Ông viên tịch vào ngày 30.6.1979 tại Hải Phòng, thọ 74 tuổi, sau một chuyến thăm viếng miền Nam. Tại đây ông đã gặp nhiều bạn đồng chí cũ.

Các thiền sư Tố Liên và Trí Hải mặc dù gặp nhiều khó khăn, đã sống trên hai mươi năm trong môi trường xã hội chủ nghĩa. Thiền sư Vĩnh Tường, một người đồng chí của họ, trú trì chùa Thần Quang, Hà Nội, người đã thực hiện pho tượng bằng đồng lớn nhất Việt Nam, chỉ sống được không đầy một năm tại môi trường này. Theo báo Tự Do số 730 ra ngày 6.6.1959 tại Sài Gòn thì ông đã vì bức tử, phải uống át xít tự tử năm 1955 tại chùa Thần Quang (Ngũ Xã) ở Hà Nội. Thiền sư Mật Thể đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì chống lại chính sách hạn chế Phật giáo cũng đã bị quản thúc tại Nghệ An năm 1961.

Phật giáo tại miền Bắc, từ 1954 trở đi đã cố gắng đi chìm vào bề sâu. Không tạp chí Phật giáo nào xuất bản. Không Phật học viện nào được mở cửa thâu nhận học tăng. Không có kinh sách nào được xuất bản, trừ bộ kinh Lăng Nghiêm của cư sĩ Tâm Minh. Phật tử chỉ được tổ chức lễ lược mỗi năm hai kỳ: ngày Phật Đản và ngày Vu Lan. Tăng sĩ từ 30 tuổi trở xuống đều phải cởi áo hoặc để đi vào quân ngũ, hoặc đi vào mặt trận sản xuất. Các Phật học viện không còn học tăng. Mỗi tự viện chỉ còn lại một hoặc hai tăng sĩ lớn tuổi. Những vị này phải dùng phần lớn thì giờ của mình để làm công việc canh tác sản xuất. Ruộng đất của chùa được hiến cho nhà nước để làm cách mạng xã hội. Giáo hội không còn tài sản nào để làm cơ sở hành đạo.

Tuy vậy, tiềm lực của đạo Phật vẫn còn rất lớn lao ở chiều sâu. Tiềm lực này đã được chính quyền thấy một lần năm 1963 tại công trường Ba Đình, khi Phật tử thủ đô được mời tới dự lễ truy niệm thiền sư Quảng Đức, người đã tự thiêu tại Sài Gòn để chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Phật tử Hà Nội, nhân dịp này, đã đến tràn ngập quảng trường Ba Đình, đông đảo không kém gì ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945. Hơn ai hết, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa biết rằng tiềm lực ấy có cơ hội là phát hiện thành phong trào lớn.

CÁC NI VIỆN MIỀN BẮC

Hiện biên giả chưa có được phương tiện khảo cứu về sinh hoạt của giới ni sư miền Bắc. Ni chúng ở miền Bắc có một truyền thống lâu dài hơn miền Trung và miền Nam, đó là lẽ đương nhiên. Tại Hà Nội có một ni viện lớn ở đường Hàng Than đã được thành lập nhiều đời; tổ đình này thường được gọi là Sơn môn Am. Mỗi năm các ni sư quy tụ về đây để kết hạ có khi trên một trăm vị. Tại Hà Đông ở làng Khoang có một ni viện quy mô khác được gọi là Sơn môn Khoang. Đây cũng là một tổ đình lớn của ni giới. Ở Phúc Yên, Sơn môn Trung Hậu cũng đã đào tạo được nhiều vị danh ni để gửi đi hoằng hóa khắp nơi.

Chùa Viên Minh ở Hà Nội gần đền thờ Hai Bà Trưng cũng là một tổ đình. Chùa này do ni sư Đàm Kiền tạo dựng. Sau khi ni sư Đàm Kiền viên tịch, các ni sư Đàm Chất, Đàm Nghĩa, Đàm Hinh và Đàm Thuần kế nhau trú trì ni viện này. Năm 1930, ni sư Đàm Thu, người kế vị Đàm Thuần, lo việc trùng tu. Bà là tổ thứ sáu của chùa Viên Minh. Nhờ có bài văn trên bia chùa do Phó Bảng Hoàng Tăng Bí soạn cho nên tên tuổi các ni sư nói trên đã được lưu truyền lại.

Ni viện đầu tiên được tổ chức theo kiểu học viện mới là ni viện Bồ Đề ở Hà Nội, trong khuôn khổ nền Phật giáo phục hưng do thiền sư Thanh Hanh lãnh đạo. Kế đó là ni viện Vân Hồ do thiền sư Tố Liên vận động thành lập vào năm1949. Ni sư Đàm Soạn được mời làm giám học và quản chúng ni viện này.

Ni viện Vân Hồ bước vào thời kỳ thịnh đạt kể từ năm 1952. Trong ban giảng huấn, ngoài các ni sư như Đàm Soạn và Đàm Đậu, còn có các thiền sư Tuệ Tạng, Tố Liên và Trí Hải. Chương trình học, ngoài nội điển, còn có sinh ngữ, khoa học phổ thông và tiểu công nghệ.

NI SƯ ĐÀM SOẠN

Ni sư Đàm Soạn là một danh ni rất được mến chuộng. Vì đã từng làm tọa chủ các chùa Thanh Nhàn, Từ Hàng và Đức Viên nên ni sư cũng thường được gọi bằng những danh xưng này. Đây là vị ni đầu tiên được vời vào hoàng cung Huế dạy đạo cho các bậc hoàng hậu và cung phi. Ni sư Đàm Soạn sinh ở làng Cự Đà, tỉnh Hà Đông, xuất gia từ hồi nhỏ tuổi, được theo học với thiền sư Đông Đồ tại Sơn môn Trung Hậu tỉnh Phúc Yên.

Năm 1928, bà có tham dự vào việc xem đất để xây cất chùa Diệu Viên tại ThừaThiên. Chùa Diệu Viên có thể được xem như là ni tự đầu tiên ở Huế. Ni sư Hương Đạo, sau này làm tự trưởng Diệu Viên, là đệ tử của bà. Bà thường hay vào Huế mỗi năm ba tháng để cùng các ni sư ở đây làm Phật sự. Năm 1950 bà được mời làm giám học và quản chúng ni viện Vân Hồ. Sau đó bà mời ni sư Đàm Đậu chấp chưởng trách vụ này để bà có thêm thì giờ lo việc giảng dạy.

Năm 1952 bà được hội Dược Sư mời vào viếng chùa Dược Sư ở Gia Định. Bà đã khuyến khích các ni sư ở đây nỗ lực phát triển xây dựng chùa Dược Sư thành một Ni học đường lớn. Sau khi trường Dược Sư được thành lập, bà ở lại an cư ở đây ba tháng. Sau đó bà về Hà Nội an cư tại chùa Đức Viên. Bà tịch ở Bắc Ninh năm Mậu Thân (1968). Một trong những vị cộng sự xuất sắc nhất của bà là ni sư Đàm Đậu, xuất thân từ chùa Đàn Thu ở Hà Nội. Ni sư Đàm Hậu là khuôn mặt có thể gọi là sáng chói của ni viện Vân Hồ.