Việt Nam Phật giáo sử luận

Việt Nam Phật giáo sử luận

CÙNG BẠN ĐỌC

Bộ sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (gồm 3 tập I; II; III) của tác giả Nguyễn Lang (tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh) qua những lần xuất bản trước đây (ở trong và ngoài nước) đều được các nhà nghiên cứu đánh giá cao tài năng, trí tuệ, nhiệt huyết và công đức của tác giả trong quá trình hoàn thành bộ sách này.

Giới nghiên cứu nói riêng cũng như bạn đọc nói chung không chỉ tìm thấy ở đây những tư liệu phong phú, đa dạng, nhiều chiều kích khác nhau và có căn cứ khoa học – thực tiễn về tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khi khởi đầu đến những năm 1960; mà còn tìm thấy ở bộ sách những tư liệu quý hiếm, giàu chất văn học sử liên quan đến lịch sử Việt Nam từ đầu công nguyên đến thập niên 70 của thế kỷ XX.

Việc đi sâu nghiên cứu một cách khoa học về lịch sử Phật giáo Việt Nam trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung đã được một số học giả trong và ngoài Phật giáo tiến hành và đã công bố những công trình nghiên cứu của mình; như Trần Văn Giáp (với cuốn Le Bouddhisme En Annam Des Origimes Au XII Lè Siècle) hay Thượng tọa Thích Nhật Thể (với cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược)… Bộ sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của tác giả Nguyễn Lang tiếp tục đóng góp cho dòng chảy trên đây những tiếng nói mới không chỉ về phương pháp biên khảo lịch sử Phật giáo mà còn cho thấy kho tàng kiến thức rộng lớn và sâu sắc của tác giả về văn học Phật giáo và giáo lý Phật giáo, về Phật học nói chung và tư tưởng Phật học Việt Nam nói riêng, nhất là trong thời đại Lý – Trần.

Trong quá trình trình bày về những dữ kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử trong và ngoài Phật giáo, tác giả phân tích những nhân vật lịch sử, bình luận, đánh giá quá trình diễn biến lịch sử Phật giáo Việt Nam vừa khoa học, vừa đầy tính thuyết phục.

Tuy vậy, giữa quan điểm sử học nói chung và Phật giáo nói riêng của tác giả với bạn đọc ngày nay chắc cũng còn những chỗ chưa đồng thuận; nhất là trong việc đánh giá, phân tích, bình luận về một số sự kiện lịch sử, một số nhân vật, một số hiện tượng… được tác giả nêu trong bộ sách, nhất là ở tập III từ chương XXVI “Khái quát về công cuộc chấn hưng từ năm 1930 đến năm 1945” đến chương XL “Chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ” – tức thời kỳ lịch sử Việt Nam hiện đại.

Song trong tinh thần cởi mở do công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập Quốc tế mang lại, Nhà Xuất bản chúng tôi tôn trọng về cơ bản ý kiến của tác giả trong bản thảo gửi đến Nhà Xuất bản để in tái bản lần này nhằm gửi đến Quý độc giả trọn vẹn ý kiến của tác giả. Nhà Xuất bản chúng tôi chỉ tu chỉnh cho chính xác vài chỗ cần thiết để tránh sự vướng mắc không cần thiết có thể gây ra cho bạn đọc.

Nhà Xuất bản kính mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc và hy vọng bộ sách này sẽ là một nguồn tài liệu hữu ích và có giá trị cho bạn đọc trong việc nghiên cứu, tham khảo, học tập của mình.

Hà Nội, tháng 9 năm 2019

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

LỜI GIỚI THIỆU

Trong số những đóng góp đáng kể nhất gần đây về môn sử Phật giáo Việt Nam, ta phải kể cuốn Le Bouddhisme en Annam des origines au XIIIè siècle của ông Trần Văn Giáp và cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thượng tọa Mật Thể. Đứng về phương diện biên khảo, sách của ông Trần có tính cách vững chãi, nhưng đứng về phương diện kiến thức giáo lý, sách của vị Thượng tọa, vốn là giáo sư trường Sơn Môn Phật Học Huế, lại có giá trị hơn. Chắc hẳn vì lý do đó mà ông Trần Văn Giáp, trong bài tựa viết năm 1942 in ở đầu sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, đã tỏ ý mong Thượng tọa Mật Thể “bền chí sưu tập, cố gắng làm thêm cuốn Việt Nam Phật Giáo Giáo Lý”, vì theo ông, một cuốn sách như thế sẽ “bổ ích cho tương lai Phật giáo Việt Nam lắm”.

Ba mươi năm trời đã trôi qua. Đất nước đã trải qua bao nhiêu biến động. Ông Trần Văn Giáp tiếp tục đóng góp nhiều cho công trình nghiên cứu văn sử học, nhưng chưa có thêm đóng góp nào đáng kể về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Thượng tọa Mật Thể ngày nay không còn nữa. Mong ước của ông Giáp đã không thành.

Nhà xuất bản Lá Bối hân hạnh trình bày cùng độc giả hôm nay một đóng góp đáng kể khác về sử Phật giáo Việt Nam: Cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Giáo sư Nguyễn Lang. Đây là một công trình tổng hợp được tính cách vững chãi của phương pháp biên khảo và kiến thức sâu sắc về giáo lý đạo Phật. Ông Nguyễn Lang đã trình bày những dữ kiện lịch sử, phân tích và bình luận những tư tưởng và những hệ thống tư tưởng trong quá trình diễn biến của lịch sử Phật giáo Việt Nam một cách rành mạch và khoa học. Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận không những sẽ hữu ích cho giới Phật học mà cũng sẽ rất hữu ích cho khoa văn học sử Việt Nam. Đã có biết bao nhiêu bài báo, trong Nam cũng như ngoài Bắc, viết về văn học Lý, Trần trong hai mươi năm qua. Nhưng vì thiếu một căn bản về Phật học nên nhiều bài trong số đó đã đưa ra những nhận định sai lạc về nền văn học Lý, Trần. Chính về phương diện này mà chúng tôi nghĩ rằng sách của ông Nguyễn Lang sẽ có công nhiều cho việc nghiên cứu văn học và tư tưởng Việt Nam.

Sài Gòn, ngày Lập Thu, năm Quý Sửu (1973)

NHÀ XUẤT BẢN LÁ BỐI