Việt Nam Phật giáo sử luận

Chương 25: Các Danh Tăng đời Nguyễn

Vua Gia Long thắng Tây Sơn, lên ngôi năm 1802. Những năm chinh chiến đã để lại bao nhiêu đổ nát trong xứ sở. Tự viện và tăng sĩ cũng chịu chung số phận: nhiều chùa chiền bị phá hủy, các trung tâm tu học bị giải tán, tăng sĩ tản mác mọi nơi. Một số các cao tăng trở về kiến thiết lại các tổ đình và tổ chức trở lại sự tu học.

Các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức cũng có để tâm đôi chút về việc phục hưng lại đạo Phật. Năm 1815, vua Gia Long sắc tu bổ lại chùa Thiên Mụ. Năm 1826, vua Minh Mạng lại sắc dựng lại chùa Thánh Duyên. Chùa này ở gần cửa biển Tư Hiền, tỉnh Thừa Thiên, do chúa Nguyễn Phúc Châu lập, và bị phá hủy trong cuộc chiến tranh Tây Sơn. Năm 1830, vua Minh Mạng triệu cao tăng các tỉnh về kinh, nhờ Bộ Lễ xem xét rồi ban cấp giới đao và độ điệp[1]. Có cả thảy năm mươi ba vị được cấp giới đao và độ điệp, trong số đó có Phúc Ðiền, người san hành sách Ðại Nam Thiền Uyển Truyền Ðăng Tập Lục. Năm 1844, vua Thiệu Trị, theo di chúc của vua Minh Mạng, sắc dựng một ngôi tháp lớn bảy tầng ở chùa Thiên Mụ, gọi là Từ Nhân Tháp[2]. Cũng trong năm này, vua sắc dựng chùa Diệu Ðế. Năm 1849, vua Tự Ðức sắc các chùa công như Thiên Mụ, Giác Hoàng, Thánh Duyên, Tam Thai, v.v… mỗi chùa phải được chủ trì bởi một vị tăng cương để lãnh đạo tăng chúng tu học, các vị tăng cương này đều có lương bổng của chính phủ chi cấp. Năm 1853, vua Tự Ðức lại sắc ban ruộng đất cho các chùa như Thiên Mụ, Diệu Ðế, Thánh Duyên, Linh Hựu, Long Quang, Tam Thai, Ứng Chân và Khải Tường.

THIỀN SƯ MẬT HOẰNG

Thiền sư Mật Hoằng là người tỉnh Bình Ðịnh, đệ tử của thiền sư Linh Nhạc, thuộc pháp phái Nguyên Thiều. Khoảng đầu thế kỷ thứ mười chín, ông hành đạo tại các miền vùng Gia Ðịnh, và đạo phong ông được vua Gia Long biết đến. Năm 1815, vua Gia Long triệu ông về kinh, ban cấp chứng chỉ Tăng Cương và thỉnh ông trú trì tổ đình Quốc Ân do thiền sư Nguyên Thiều khai sơn. Ông đã trùng tu tổ đình này, biến Quốc Ân thành một phạm vũ lớn. Sau đó ông lại khởi sự trùng tu chùa Thập Tháp Di Ðà ở Bình Ðịnh, chùa gốc của ông và cũng do thiền sư Nguyên Thiều sáng lập.

THIỀN SƯ PHỔ TỊNH

Thiền sư Phổ Tịnh người tỉnh Quảng Nam, hiệu là Ðạo Minh, đệ tử của thiền sư Chiếu Nhiên, thuộc pháp phái Liễu Quán. Năm 1808, ông được bà Hiến Khương Hoàng thái hậu thỉnh trú trì chùa Thiên Thọ (tức là chùa Báo Quốc bây giờ). Ông tịch năm 1816. Ông có một người đệ tử xuất sắc là thiền sư Nhất Ðịnh.

THIỀN SƯ THANH ÐÀM

Thiền sư Thanh Ðàm hiệu Minh Chính là trú trì chùa Bích Ðộng ở làng Ðam Khê, phủ An Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ông là đệ tử của thiền sư Ðạo Nguyên, lúc bấy giờ đang chủ trì thiền viện Nguyệt Quang, một tổ đình của môn phái Chân Nguyên. Thanh Ðàm xuất gia năm 1807, thọ cụ túc giới năm 1810. Ðến năm 1819, ông sáng tác sách Pháp Hoa Ðề Cương tại Liêm Khê Viện. Năm 1843, ông sáng tác sách Tâm Kinh Trực Giải.

Hồi mới xuất gia, một hôm ông hỏi thiền sư Ðạo Nguyên:

– Tâm không phải ở trong thân, cũng không phải ở ngoài thân, cũng không phải ở chặng giữa. Vậy tâm rốt cuộc nằm ở đâu?

Ðạo Nguyên mỉm cười xoa đầu ông và cho ông bài kệ:

Ứng dụng theo thời

Gặp vật thấy cơ

Chân tính như như

Trong ngoài chẳng nệ.

(Tùy thời ứng dụng

Ngộ vật kiến cơ

Tính bản như như

Hà quan nội ngoại.)

Ngày thọ giới cụ túc, ông cũng được Ðạo Nguyên cho một bài kệ:

Trán phóng hào quang đâu phải Phật

Dưới chân mây trắng chửa là tiên

Hãy nuôi trâu nọ cho cường tráng

Hôm sớm cày sâu đám ruộng mình.

(Quang phóng mi gian vô đạo Phật

Vân sinh túc hạ vị ngôn tiên

Nhiêu quân bão dưỡng ngưu phi tráng

Triêu tịch thục canh bỉ thốn điền.)

Pháp Hoa Ðề Cương

Pháp Hoa Ðề Cương là một tác phẩm biên khảo giá trị. Văn của Thanh Ðàm viết gọn, chen lẫn thơ kệ và có nhiều giá trị văn học. Pháp Hoa Ðề Cương có thể nói là cẩm nang cho người đọc kinh Pháp Hoa. Cũng như có địa bàn trong tay người thủy thủ không còn sợ mất bến mất bờ, có Pháp Hoa Ðề Cương thì người đọc kinh sẽ nắm được ý chỉ của kinh. Thanh Ðàm đã đọc Pháp Hoa với con mắt của nhà thiền học. Ông lại thường hay đối chiếu Pháp Hoa với Lăng Nghiêm Kim Cương. Nhận thức của ông về giải thoát được trình bày gọn ghẽ trong bài Bạt nói về năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Theo ông, Diệu tức là Tâm, là chân tâm sáng suốt tròn đầy. Chân tâm này không thể đạt tới bằng suy tư và nghị luận. Còn Pháp là Căn, Trần và Thức. Căn, Trần, Thức đều do chân tâm lưu xuất. Trong ba thứ: căn, trần và thức thì căn là thứ gần gũi nhất, có thể quán sát để tìm về chân tâm. Không thể chỉ bày Chân Tâm, chỉ có thể chỉ bày dấu vết ứng dụng của chân tâm trên căn tính. Căn tính cũng như mặt trăng thứ hai mà ta trông thấy khi ta dụi mắt, nhưng mặt trăng thứ hai tuy hư vọng nhưng cũng cùng một thể với mặt trăng thứ nhất. Căn tính cũng cùng một thực thể với chân tâm.

Người tu đạo do sự quán sát sự ứng dụng của tâm trên căn trần mà thông đạt tới chân tâm hay là tự tính, và ngộ đạo. Sau đây là những dòng của Thanh Ðàm viết:

Diệu là chỉ cho tâm thanh tịnh xưa nay. Tâm này từ vô thỉ đến nay tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, nơi thánh không thêm, nơi phàm không bớt, lấm không dơ, rửa không sạch, lặng lẽ tròn đầy pháp giới, mênh mông đầy khắp không hư. Tâm là nguồn gốc của chư Phật mà cũng là Phật tính của chúng sinh, nguyên không có tướng trạng mà mọi tướng trạng đều từ đó phát hiện, vốn là chân không mà cái không lại cũng từ đấy sinh ra. (Tâm ấy) giống như viên ngọc ma ni trong vắt, không có mầu sắc mà mọi mầu sắc có thể tự do xuất phát; cũng như biển giác lặng đầy, ảnh chiếu lục trần mà không nhận một hạt bụi, là họa sư vẽ nên mười pháp giới, là mẹ trí tuệ của tất cả các đức Như Lai. Kinh Hoa Nghiêm có nói:

Nếu ai muốn hiểu biết

Các đức Phật ba đời

Hãy quan sát pháp giới:

Tất cả do tâm tạo.

Mục đích tối hậu của sự tu tập là tâm ấy vậy. Hỏi: Tâm linh diệu như thế thì làm sao mà nắm được? Ðáp: Ngôn thuyết và biểu thị không thể nắm được chân tâm. Kinh Pháp Hoa nói rằng:

Thôi, thôi! đừng nên nói

Pháp ta mầu, khó nghĩ

Những kẻ tăng thượng mạn

Nghe thấy chẳng kính tin.

Hai chữ “thôi, thôi!” diễn tả được bản thể bất động của Tâm. Ba chữ: “đừng nên nói” có nghĩa là tâm vượt ra khỏi đối tượng của ngôn thuyết và biểu thị. Chữ “ta” chỉ bản tâm của chính mình. Chữ “Pháp” chỉ cho sự ứng dụng của tri kiến. Chữ “mầu” chỉ cho sự linh diệu của tâm, từ tâm phát sinh ra mọi pháp mà chính tâm thì không có tướng trạng nào hết. Hai chữ “khó nghĩ” có nghĩa là không thể tư duy về tâm. Tổ sư đã từng dạy: “Móng tâm là đã sai, động niệm đã trái”, vì vậy cho nên nói “mầu khó nghĩ”. “Những kẻ tăng thượng mạn” là ai? Ðó là những người vướng vào tướng, chấp vào pháp, những người đang cưỡi trâu mà lại tìm trâu, đem đèn đã cháy sáng mà đi xin lửa, trên tuyết còn thêm sương. Ðó là những kẻ tự khinh mình, cho rằng cái linh diệu kia chỉ có tổ và Phật mới có, ta chẳng thể nào có được, cho nên mới chạy tìm bên ngoài. “Nghe thấy chẳng kính tin” nghĩa là nếu đã tự khinh mình, cho rằng tâm linh diệu đó không phải của mình, cho nên không biết quý trọng giữ gìn, như đứa con nghèo khó kia[3]. Nếu nhận ra được rằng nhà mình có của báu, thì không còn tự khinh cũng không còn nghèo đói. Mỗi phút giây trở về nhìn lại Hào Quang mầu nhiệm, không cần tìm đuổi theo ngôn từ và phân biệt, đó gọi là kẻ biết kính tin. Kính tin lại thêm kính tin, viên ngọc gia bảo mầu nhiệm kia, mầu nhiệm thay, cũng một lúc tất cả chúng ta đều có. Vậy hãy “Thôi, thôi! đừng nên nói!”.

Bài tụng về cái Diệu của Diệu như sau:

Không hình không trạng cũng không tên

Mầu nhiệm trong lòng một điểm linh

Thường tịch viên thông soi pháp giới

Bản lai thanh tịnh rạng chân tinh

Từ đây phát hiện nên Chư Phật

Do đấy thành ra có chúng sinh

Ðứa con nghèo khổ lưu linh mãi

Quên mất người cha của tự mình.

“Pháp là tất cả mọi vật, là sự ứng dụng của Diệu Tâm. Diệu Tâm là nguồn thiêng của mọi vật. Pháp là Tâm, Tâm là Pháp. Pháp là tùy duyên của Diệu Hữu – khi không nhiễm thì gọi là diệu pháp. Tâm là ứng vật của Chân Không, khi không vướng vào trần thì gọi là chân tâm. Mượn cái gì mà nói được về chân tâm? Nói về diệu pháp thế nào để không ngăn ngại sự tu chứng? Các pháp môn để tu chứng thì nhiều vô lượng, ta phải tìm pháp môn nào gần nhất để đi vào… Vả lại các pháp tuy vô số mà bất quá đều quy về căn, trần thức. Ba thứ này đều do Diệu Tâm hiển hiện, cho nên thường nói “pháp từ tâm sinh khởi, tâm là nguồn pháp”. Một niệm nghĩ lúc ban sơ đã khiến cho biến hóa vạn cách, trôi nổi liên tiếp, sinh diệt luân hồi, cho mãi đến bây giờ vẫn còn đuổi theo vọng tưởng, quên mất chân tính, giống như anh chàng Diễn Nhã[4] quên đầu nhận bóng. Nay muốn khai thị và đốn ngộ nguồn Tâm thì trước hết phải biết rằng thức là huyễn ảnh, trần là hoa đốm hư không, cả hai thứ đều không thể sử dụng làm căn cứ để tu hành; phải lấy căn làm phương tiện gần gũi nhất để tu tập. Tại sao vậy? Tại vì trần không có tự thể, do căn mà phát hiện, như mắt nhặm thấy hoa đốm giữa hư không. Vì vậy cho nên nói rằng trần là hư hoa, không có tự thể. Thức cũng không có tự thể thực hữu, nhờ trần cho nên mới sinh diệt và qua lại được. Ðã sinh diệt qua lại thì tức là vô thường. Chỉ có căn tính mới là thường tại, nên Phật bảo căn tính này là Diệu căn, Căn pháp là Diệu pháp. Căn pháp dù cũng do tâm hiện ra, như mặt trăng thứ hai xuất hiện khi ta đè lên mí mắt, nhưng mặt trăng thứ hai cùng với mặt trăng thứ nhất là một, lúc đè mí mắt thì có, lúc biết thì không có, thế thôi. Khi có vọng tưởng thì căn tánh là cái chân tâm thứ hai vậy. Khi ở trong trạng thái vô tướng linh tri, thì chân tâm là cái chân tâm thứ nhất. Tuy vậy căn tính và linh tri cùng một thể, chỉ khi mê thì thấy có căn tính, khi ngộ thì căn tính không còn. Căn tính ấy cũng là một với bản tâm thanh tịnh xưa nay, không hư huyễn như Trần và Thức. Cho nên Phật chỉ bày rằng căn tính là nhân địa gần nhất cho sự tu hành, khiến cho chúng sinh có thể đi vào chân tâm bằng cánh cửa căn tính; vào dòng, trở nên đầu nguồn, thấy được tâm thể xưa nay của mình. Hỏi: Tại sao không chỉ thẳng cái thứ nhất là Diệu Tâm xưa nay, mà lại chỉ cái thứ hai là Căn Tính để làm phương tiện tu hành? Ðáp: Tâm vốn vô hình, làm sao mà chỉ?

Trước kia tôi đã nói một lần rồi: ngôn thuyết và biểu thị không nắm được Tâm. Tuy vậy, dù Tâm vô hình, nhưng sự ứng dụng của căn lại có vết tích, vì có vết tích nên có thể chỉ bày, khiến cho người tu học có thể nhìn vết tích của sự ứng dụng, do ánh sáng ấy mà về được Tâm.

Hỏi: Dấu vết ấy ở đâu?

Ðáp: Ở trên đối tượng lục trần. Do sắc mà có cái thấy, do thanh mà có cái nghe: lục trần là dấu vết ứng dụng của lục căn. Nay muốn nắm được dấu vết của căn thì phải quán sát cái thấy cái nghe nơi đối tượng sắc thanh. Nên biết rằng công dụng của căn là công dụng của tâm, căn nhận thức là tâm nhận thức: cái khác nhau là căn có tới sáu công dụng mà tâm chỉ có một bản thể tinh minh. Các Ðức Phật truyền cho nhau căn pháp này, các vị tổ truyền cho nhau Tâm Tông ấy. Ðó là bí quyết mà các kinh chỉ bày để đắc căn bản trí. Pháp ấn truyền giữ qua các thời đại cũng lấy cái ấy để phát giác sơ tâm. Chứng ngộ mau hay chậm là vì căn cơ rộng hay hẹp. Nên biết rằng pháp này được đặt tên tùy theo trường hợp và địa phương, tuy sai biệt vô cùng mà cũng chỉ là pháp ấy. Lại cũng nên biết là danh hiệu của chư Phật và đề mục của các kinh cũng đều là biệt hiệu của pháp ấy.

Hỏi: Tâm ấy làm sao mà trao truyền?

Ðáp: Ðức Thế Tôn đưa lên một nhành hoa, Ca Diếp mỉm cười, sau đó các tổ truyền lại, giữ gìn, trường hợp khác nhau, chỉ có người giác ngộ mới tự biết lấy.

Hỏi: Tu trì làm sao?

Ðáp: “Thôi, thôi!” đó là phương pháp; thiền sư Ðạo Xuyên nói:

Tri âm, tự khắc tùng theo gió

Trăng trong gió mát đất trời nhàn.

Lại nói:

Nắm được ở tâm

Ứng được nơi tay

Tuyết gió hoa trăng

Trời đất lâu dài

Cứ hễ canh năm gà gáy sáng

Xuân về hoa núi nở ngàn nơi.

Hỏi: Mục đích tối hậu là gì?

Ðáp: Phổ Hóa hòa thượng nói: “Tìm chỗ đi tới không được”. Và bài kệ nguyện trong kinh Hoa Nghiêm cũng nói:

“Nghiêng mình làm lễ trước biển Chân Tính Hoa Nghiêm và trước tất cả các bậc quang minh biến chiếu trước thế giới trang nghiêm do hạnh nguyện Phổ Hiền thiết lập và trước kho tàng pháp giới Chân Như”.

Thôi xin chào, xin chào! Có bài kệ về pháp của Pháp như sau:

Vạn pháp tuy nhiều không đếm xiết

Chung quy cũng chỉ Thức Căn Trần.

Huyễn duyên dư ảnh dù không thực

Chân tri chính kiến vẫn bao dung

Gặp thầy chỉ dạy đường mê ngộ

Thấy Phật tìm ra lẽ sắc không

Nếu muốn lên mau bờ bến giác

Con đường trước mặt chớ lần khân.

Bát Nhã Trực Giải

Bát Nhã Trực Giải là một tác phẩm nhằm giải thích Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða. Tác phẩm này cũng chứa đầy thi, kệ và tán như tác phẩm trước. Tâm Kinh được xét dưới bốn khía cạnh: tín (đức tin), giải (sự thông hiểu), hành (sự thực hành) và chứng (sự đạt đạo). Thiền sư Thanh Ðàm phân tích kinh ý ra mười mục như sau:

1- Ðề mục

2- Chính nhân

3- Hạnh môn

4- Khai thị

5- Thật tướng

6- Tảo nhị chấp

7- Vô sở đắc

8- Tịch diệt

9- Tu chứng

10- Nguyện mãn

Sau đó, Thanh Ðàm giải thích bài kệ Bát Nhã của cổ đức, bàn về Lục Căn, Thất Ðại.

Ðề Án Tham Cứu

Thiền sư Thanh Ðàm chịu ảnh hưởng rất sâu đậm bài kệ đầu tiên mà Ðạo Nguyên trao cho mình, cho nên tất cả phương pháp tu hành mà ông chỉ bày nằm gọn trong các chữ “Tùy thời ứng dụng”, “Ngộ vật kiến cơ”. Ông đã hiểu tám chữ đó trong ánh sáng của Pháp Hoa, Lăng Nghiêm Bát Nhã. Ông đề ra ba công án sau đây để giúp độc giả của ông tham cứu về Chân Tâm:

1- Thế Tôn xuất thế bởi vì đâu?

Tuyên thuyết Liên Hoa pháp nhiệm mầu.

Thử hỏi cả đời sao chửa nói?

Gần khi nhập diệt mới truyền trao?

(Thế Tôn xuất thử dĩ hà duyên?

Chỉ vị liên hoa đại sự yên.

Hà nãi trung gian do vị thuyết

Niết Bàn tương cận thỉ ban tuyên?)

2- Từ Tây phương đến chỉ tâm tông

Sao chín năm luôn mặt úp tường?

Có phải vì căn cơ chửa chín?

Chín rồi mới hiện lộ chân không?

(Tây lai trực vị chỉ tâm tông

Hà nãi cửu niên diện bích trung?

Tất dã đầu cơ cơ vị thục,

Thục thời nhiên hậu hiển chân không?)

3- Huệ Năng được ấn pháp Kim Cương

Sao phải chạy về Nam Lĩnh Dương?

Không ở ngay đây truyền pháp ấn?

Biết đâu chân tính vẫn mơ màng!

(Huệ Năng đắc pháp ấn Kim Cương

Hà nãi triền quy Nam Lĩnh Dương

Bất đán vị tha tuyên pháp ấn

Cái tri nhân tính thượng mê mang.)

Ba nghi vấn đưa ra để tham cứu:

1) Tại sao Phật phải đợi đến lúc gần nhập diệt mới chịu thuyết kinh Pháp Hoa?

2) Bồ Ðề Ðạt Ma qua Ðông Ðộ để chỉ bày tâm tông, tại sao lại phải ngồi nhìn vách chín năm, hay là tại chưa thực sự giác ngộ?

3) Huệ Năng nếu quả thật đắc pháp ấn với Ngũ Tổ, tại sao không ở ngay đó để hoằng đạo mà lại chạy về Lĩnh Nam?

Ba đề tài trên đây tuy vậy còn mang tính chất suy luận. Công án sau đây có lẽ mới là công án mà thiền sư Thanh Ðàm ưa thích và sử dụng. Ta có thể gọi nó là công án Thuần Ðà.[5]

Niêm: Hay lắm, Thuần Ðà

Hay lắm, Thuần Ðà!

Tụng: Không nói ngắn, chẳng nói dài

Ngắn dài tốt xấu thảy đều sai

Tìm hay, lại hóa người chê vụng

Bắn sẻ, ai dè sói chực ngay

Công danh cái thế màn sương sớm

Phú quý kinh nhân giấc mộng dài

Chẳng hiểu “bản lai vô nhất vật”

Công lao uổng phí một đời ai.

Bài thơ ngộ nghĩnh nhất của Thanh Ðàm là bài thơ Tìm Tâm, có âm hưởng tiếng trống đánh:

Ngang lưng đeo trống đối tri âm

Duỗi thẳng hai tay, đánh trống tâm:

Tập tập tìm tâm, tâm tất tập

Tìm tâm, tâm tập, tập tìm tâm.

Âm thanh hợp vận, âm tùng họa:

Tịch chiếu Tâm Tông, tức tập tầm.

Trăng sáng, gió thanh thường tự tại

Tìm tâm chẳng được, nghỉ tìm tâm.

Thôi nhé, tâm ta chẳng thể tầm

Tìm tâm dẫu được, chẳng chân tâm

Mang đèn xin lửa thêm điên đảo

Thà đứng bên sông hát khúc ngâm.

(Kiên kình yêu cổ đối tri âm

Thư thủ vô vi phách cổ tâm

Tập tập tầm tâm tâm tắc tập

Tầm tâm tâm tập, tập tầm tâm

Cổ thanh hợp vận tùng thanh họa

Tịch chiếu tâm tông tức tập tầm

Minh nguyệt thanh phong trường tự tại

Tầm tâm bất đắc, tức tầm tâm.

Chỉ chỉ! Ngô tâm bất khả tầm

Tầm tâm túng đắc tắc phi tâm

Tương đăng cầu hỏa tư điên đảo

Bất nhược song tiền thủ nhất ngâm.)

Thiền sư Thanh Ðàm cũng thuộc pháp phái Trúc Lâm. Cuối tác phẩm Pháp Hoa Ðề Cương, ông có nêu lên hai câu kệ “Lục Căn Thất Ðại” của Trúc Lâm Ðiều Ngự và căn cứ vào đó làm ra mười ba bài kệ về lục căn và thất đại. Hai câu ấy như sau:

Lục căn hư vọng, vô phi bồ đề diệu tâm

Thất đại biến chu, tận thị Như Lai tạng tính.

(Sáu căn hư vọng, mà căn nào cũng là diệu tâm giác ngộ,

Bảy đại trải khắp, đều là tạng tính Như Lai.)

Một lần nữa ta thấy ông nhấn mạnh tới nguyên tắc “Căn Tính và Diệu Tâm là một”.

THIỀN SƯ THANH NGUYÊN

Thiền sư Thanh Nguyên, hiệu Minh Nam, là người viết bài tựa cho sách Pháp Hoa Ðề Cương của Thanh Ðàm. Hai vị có lẽ cùng một bản sư và một môn phái. Sau đây là bài kệ của ông tán dương sách Pháp Hoa Ðề Cương:

Hồ xanh trong biếc nảy sen thơm

Kinh mục nêu bày nghĩa đại cương

Minh chính nhất thừa đà quảng bá

Ðạo trung tâm yếu lại hoằng dương

Quần phương tỏ ngộ tâm viên tịnh

Ðại chúng đồng tham lý vĩnh trường

Thanh tịnh sen kia ngời pháp giới

Tự tính Tỳ Lô khéo xiển dương.

(Bích thanh đàm xuất diệu liên hương

Hoa mục chi tiêu tổng pháp cương

Minh Chính nhất thừa khai tối quảng

Ðạo Trung tâm yếu thị hoằng dương.

Quần phương hội ngộ viên tâm tịnh

Chúng đẳng đế quan nhập lý trường

Thanh tịnh liên hoa quang pháp giới

Tỳ Lư tính hải diễn chân thường.)

Bài tựa sách Pháp Hoa Ðề Cương được viết vào tháng Tám âm lịch năm 1820. Hai chữ Minh Chính trong bài thơ là pháp hiệu của Thanh Ðàm.

THIỀN SƯ AN THIỀN

Ông là tác giả Tam Giáo Thông Khảo. Sách cũng có tên Ðạo Giáo Nguyên Lưu, được biên tập vào khoảng giữa thế kỷ thứ mười chín, trong thời gian vua Thiệu Trị còn tại vị. Thiền sư An Thiền trú trì tại chùa Ðại Giác ở làng Bồ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sách Tam Giáo Thông Khảo gồm ba quyển. Có lẽ sách được in năm 1845, bởi vì đầu sách có một bài tựa ký tên Nguyễn Ðại Phương, viết vào năm 1845. Quyển thứ nhất nói về đạo Phật, gồm có những mục sau đây:

1- Phụng Chiếu Cầu Pháp: Việc du học của thiền sư Tính Tuyền Trạm Công.

2- Bản Quốc Thiền Môn Kinh Bản: Các bản kinh khắc ở Việt Nam.

3- Ðại Nam Thiền Học Sơ Khởi: Khởi thủy Thiền học Việt Nam.

4- Ðại Nam Phật Tháp: Các tháp Phật ở Việt Nam.

5- Vô Ngôn Thông Truyền Pháp: Thiền phái Vô Ngôn Thông.

6- Danh Chấn Triều Ðình: Các cao tăng nổi tiếng ở triều đình.

7- Lê Triều Danh Ðức: Các cao tăng đời Tiền Lê.

8- Lý Triều Danh Ðức: Các cao tăng đời Lý.

9- Trần Triều Danh Ðức: Các cao tăng đời Trần.

10- Tỳ Ni Ða Lưu Chi Truyền Pháp: Thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi.

11- Tuyết Ðậu Truyền Pháp: Thiền phái Thảo Ðường.

12- Những việc thần bí liên quan đến các thiền sư Việt Nam qua các triều đại.

13- Danh từ Phật học và các thần thoại Phật giáo ở Trung Hoa và Việt Nam.

Quyển thứ hai và quyển thứ ba nói về Khổng và Lão giáo.

THIỀN SƯ NHẤT ÐỊNH

Thiền sư Nhất Ðịnh pháp danh là Tánh Thiên, người Quảng Trị, sinh năm 1783. Ông xuất gia hồi còn là một nhi đồng, lớn lên được thiền sư Phổ Tịnh chùa Thiên Thọ làm lễ thế độ cho làm sa di. Sau ông thọ giới cụ túc với thiền sư Mật Hoằng ở chùa Quốc Ân. Vâng mệnh vua Gia Long, ông giữ chức vụ trú trì chùa Thiên Thọ.

Năm 1833, vua Minh Mạng thỉnh ông trú trì chùa Linh Hựu. Năm 1839 vua lại thỉnh ông làm Tăng Cương chùa Giác Hoàng. Tính ông ưa vân du nên không thích quản đốc các chùa quốc tự. Năm 1843, ông xin từ chức Tăng Cương chùa Giác Hoàng, được vua Thiệu Trị chấp nhận. Ông rất hài lòng, nói:

Già rồi, may được vua thương,

Một thân, một bát, rộng đường vân du.

(Hạnh phùng tấu đắc nhưng hồi lão

Nhất bát cô thân vạn lý du.)

Mấy năm sau đó, ông lên núi Dương Xuân Thượng quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, dựng một thảo am để ở, gọi là An Dưỡng Am. Cảnh trí ở đây u nhàn đẹp đẽ. Ông tu ở đây cho đến năm 1847 thì tịch, thọ đúng sáu mươi bốn tuổi. Ba người đệ tử xuất sắc nhất của ông là Lương Duyên, Cương Kỷ và Linh Cơ.

Thái giám viện nương vào đức độ của ông, dựng chùa lớn tại địa điểm An Dưỡng Am, đặt tên là chùa Từ Hiếu, kiến trúc tương tự kiến trúc lăng vua Tự Ðức. Tên chùa là Từ Hiếu vì các đệ tử ông vẫn nhớ lúc sinh tiền ông rất có hiếu với cha mẹ, dù đã đi xuất gia.

THIỀN SƯ DIỆU GIÁC

Ông họ Ðỗ, pháp danh là Hải Thuận, sinh năm 1805 tại làng Bích Khê, Quảng Trị. Năm mười ba tuổi, ông vào làm điệu chùa Thiên Thọ (Báo Quốc). Năm hai mươi tuổi được thọ giới sa di với thiền sư Bản Giác ở chùa này. Năm 1835, ông được Bộ Lễ ban cấp giới đao và độ điệp, và đắc pháp với thiền sư Nhất Ðịnh ở chùa Linh Hựu. Ông trú trì chùa Diệu Ðế, đứng ra trùng tu các chùa Huệ Lâm, Báo Quốc và Kim Tiên. Năm 1895, ông tổ chức đại giới đàn tại chùa Báo Quốc.

Ông có nhiều đệ tử đắc pháp xuất sắc như các thiền sư Tâm Quảng, Tâm Thể, Tâm Truyền và Tâm Tịnh.

Ông mất năm 1896, thọ chín mươi mốt tuổi.

THIỀN SƯ TỊCH TRUYỀN

Thiền sư Tịch Truyền pháp danh là Kim Liên, người làng Trình Viên ở Thượng Phước, tỉnh Hà Nội. Sinh năm 1746, ông xuất gia hồi bé, lớn lên được thiền sư Hải Quỳnh ở chùa Liên Tông làm lễ thế độ. Ông trú trì chùa Vân Trai, tu hành rất tinh tấn, giữ giới cẩn mật. Năm 1816, ông tịch, thọ bảy mươi tuổi. Ðệ tử đầu của ông là thiền sư Chiếu Khoan. Ông có để lại bài kệ sau đây:

Tâm có trước đất trời

Thân có sau trời đất

Ðất trời bọc thân tâm

Xoay vần bao giờ mất.

(Tâm vi thiên địa tiên

Thân vi thiên địa hậu

Thân tâm thiên địa nội

Tuần hoàn vô cùng kỷ.)

THIỀN SƯ CHIẾU KHOAN

Ông họ Nguyễn, sinh năm 1741 ở làng Trình Viên, tỉnh Hà Nội. Ông xuất gia hồi còn bé, ở chùa Vân Trai, pháp danh là Tường Quang, đệ tử của thiền sư Tịch Truyền. Ông ưa tu hạnh đầu đà, tịch cốc ba năm, và trong sáu năm liền, ông chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Ông học đức khiêm cung, hễ vị tăng nào đến chùa là ông đắp y ra đảnh lễ, không phân biệt cấp bực. Ðệ tử quy y rất đông. Ði đến đâu ông cũng khuyên người tu phước, bố thí, phóng sanh, chép kinh, giảng kinh.

Ông tịch năm 1830. Ðệ tử đầu tay của ông là thiền sư Phổ Tịnh.

THIỀN SƯ PHÚC ÐIỀN

Thiền sư Phúc Ðiền là người có công đức lớn trong việc bảo tồn sử liệu Phật giáo. Ông biên soạn sách Ðại Nam Thiền Uyển Truyền Ðăng Tập Lục[6]. Ông trú trì chùa Liên Tông, làng Bạch Mai, tỉnh Hà Ðông, nhưng công việc san khắc này được thực hiện tại chùa Bồ Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Công việc san khắc, ông giao cho thiền sư Phương Viên, giám tự chùa Bồ Sơn đứng ra chủ trì. Một vị tăng chùa Bồ Sơn pháp danh là Thanh Hà phụ trách việc viết chữ khắc bản. Thiền sư Phúc Ðiền viết bài tựa cho sách đầu năm 1859, và có lẽ sách được ấn hành trong năm đó.

Phúc Ðiền cũng là người khai sơn chùa Thiên Quang, ở núi Ðại Hùng, tỉnh Hà Nội. Chùa này được thiền sư Phổ Tịnh, đệ tử của thiền sư Chiếu Khoan, trú trì. Thiền sư Phổ Tịnh hồi nhỏ đã theo thiền sư Phúc Ðiền để tu học, sau này ông thọ giới cụ túc với thiền sư Chiếu Khoan.

THIỀN SƯ PHỔ TỊNH

Ông quê ở làng Võ Lăng ở Thượng Phước, tỉnh Hà Nội, xuất gia theo học với thiền sư Phúc Ðiền, lớn lên thọ giới cụ túc với thiền sư Chiếu Khoan ở chùa Vân Trai. Sau đó ông về trú trì chùa Thiên Quang ở núi Ðại Hùng, do Phúc Ðiền kiến tạo. Ông có để lại bài thơ sau đây:

Tĩnh tọa bao năm núi Ðại Hùng

Thân cùng, đạo vẫn thấy vô cùng

Sáu chữ chuyên trì thân thọ ký

Lưu truyền hậu thế rạng tông phong.

(Kinh niên tĩnh tọa đại hùng phong

Thật thị thân cùng đạo bất cùng

Lục tự chuyên trì thân thọ ký

Lưu truyền hậu thế hiển tông phong.)

THIỀN SƯ THÔNG VINH

Thiền sư Thông Vinh người làng Nhân Kiệt, tỉnh Hải Dương. Hồi còn bé ở chùa Hàm Long với thiền sư Tính Ngạn, lớn lên được thọ giới cụ túc với thiền sư Phúc Ðiền. Ông có công tu tạo lại nhiều ngôi chùa. Ðệ tử rất đông, đi hoằng hóa khắp nơi. Ông có để lại bài kệ sau đây:

Tâm không cảnh tịch

Siêu việt thánh phàm,

Y nhiễm tình sinh

Ràng buộc trăm mối.

Các pháp nhân thiên

Ðều tại nơi ấy,

Ta người nhất thể

Nguồn gốc là tâm.

(Tâm không cảnh tịch

Việt thánh siêu phàm

Ý nhiễm tình sinh

Vạn duyên hệ phược

Thiên nhân chư pháp

Tận tại kỳ trung

Bỉ ngã nhất thể

Nguyên bản duy tâm.)

THIỀN SƯ LIỄU THÔNG

Thiền sư Liễu Thông pháp danh là Chân Giác, tên tục là Huỳnh Ðậu, sinh năm 1753 ở Thanh Hóa. Trên đường du hóa, ông vào tận Gia Ðịnh, vùng đất Cây Mai, dựng thảo am trên nền một ngôi chùa Thủy Chân Lạp đã đổ nát để thiền tọa. Nền này ở trên một gò cao. Một hôm, thấy chim phụng hoàng đến đậu trên cây ngô đồng trước am, ông liền đặt tên gò là Phụng Sơn và am là Phụng Sơn Am. Dần dần Phụng Sơn Am trở thành chùa Phụng Sơn, thiền sư Liễu Thông ở lại đây hành đạo cho đến khi viên tịch. Ðó là vào năm 1840. Ðệ tử của ông là thiền sư Hải Linh, pháp danh Quảng Tú, tên tục là Lê Văn Núi, kế thế trú trì chùa Phụng Sơn. Thiền sư Hải Linh trú trì tại đây suốt năm mươi sáu năm, đến năm 1896 thì viên tịch. Tháp của hai vị tổ chùa Phụng Sơn được xây dựng trong đất chùa. Sau khi Hải Linh mất, một vị thiền sư tên là Thanh Sơn, pháp danh Ðạt Bích kế tiếp trú trì chùa Phụng Sơn. Thanh Sơn trú trì được gần một năm thì tịch. Bổn đạo chùa Phụng Sơn liền đến thỉnh thiền sư Thanh Mãng, pháp danh là Thiện Ðịnh, lúc đó trú trì chùa Tịnh Ðộ ở làng Tân Sơn Nhất, về trú trì chùa Phụng Sơn. Thiền sư Thanh Mãng nhận lời và ủy cho một vị đệ tử trẻ là Huệ Minh thay mặt mình chăm sóc chùa Phụng Sơn. Huệ Minh vân du học đạo, chùa Phụng Sơn được thiền sư Như Chấn người Gia Ðịnh, xuất thân từ chùa Giác Viên, đến trú trì.

Thiền sư Như Chấn, pháp danh là Thiện Nghĩa, tự thiêu nhằm ngày Phật đản năm 1903. Thiền sư Huệ Minh du học về, làm lễ hỏa táng Như Chấn, và xây cất lại chùa Phụng Sơn thành một ngôi Phạm Vũ. Chùa hoàn thành vào năm 1915.[7]

THIỀN SƯ VIÊN QUANG

Ông trú trì chùa Tập Phước, tỉnh Gia Ðịnh. Ông lại là sư huynh của thiền sư Mật Hoằng, phát xuất từ chùa Thập Tháp, Bình Ðịnh, và là đệ tử của thiền sư Linh Nhạc, dòng dõi của thiền sư Minh Lương Nguyệt An, pháp phái Nguyên Thiều. Chùa Tập Phước đã được dựng vào thế kỷ thứ mười tám, trong đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ông là bạn của Trịnh Hoài Ðức. Khi về làm tổng trấn Gia Ðịnh, Trịnh Hoài Ðức có tặng ông một bài ngũ ngôn cổ điệu. Bài thơ như sau:

Ức tích thái bình thì

Lộc đỗng phương thịnh mỹ

Thích Ca giáo hưng sùng

Lâm ngoại tổ phú quý

Ngã vi thiêu hương đồng

Sư tác chi giới sĩ

Tuy ngoại phân thanh hoàng

Nhược mạc khế tâm chí

Phong trần thúc lương bằng

Thế giới nhập ngạ quỷ

Bình ngạnh nhậm phù trầm

Bào ảnh đẳng sinh tử

Yểm tứ thập dư niên

Hoàng thuấn tức gian sự!

Tây giao thích nhàn hành

Sơn môn ngẫu tương trị

Ngã hiệp biện trấn công

Sư đại hòa thượng vị

Chấp thủ nghĩ mộng hồn

Ðàm tâm, tạp kinh quý

Vãng sự hà túc luân

Ðại đạo hợp như thị.

Tạm dịch:

Nhớ xưa hồi thái bình

Ðất Ðồng Nai thịnh mỹ

Ðạo Phật được hưng sùng

Nhà ngoại thêm phú quý

Ta đồng tử đốt hương

Sư theo đòi giáo nghĩa

Bên ngoài chia đạo, đời

Bên trong đồng tâm trí

Loạn lạc phải xa nhau

Thế giới thành ngạ quỷ,

Ta trôi nổi vào ra

Bọt bèo biển sinh tử

Mới đó bốn mươi năm

Chớp nhoáng chuyện thế sự

Nay bỗng nhiên nhàn hành

Nơi thiền môn gặp gỡ

Ta hiệp biện trấn công

Sư cao tăng thượng sĩ!

Nhắc lại chuyện ngày qua

Tâm cùng tâm tương nghị,

Chuyện xưa nói sao cùng!

Ðại đạo vốn như thị.

Bài thơ này có lẽ được viết năm 1816 lúc Trịnh Hoài Ðức được bốn mươi hai tuổi (“yểm tứ thập dư niên”) lúc ông mới được làm tổng trấn Gia Ðịnh (“ngã hiệp biện trấn công”).

THIỀN SƯ ÐẠO THÔNG

Ông họ Nguyễn pháp danh là Nguyên Quán, quê làng Long Thành, Gò Công, xuất gia hồi mười lăm tuổi. Năm 1870, ông học đạo tại chùa Thiền Lâm với thiền sư Vô Tri. Ba năm sau, ông tới học với thiền sư trú trì chùa Ân Tôn[8], rồi tới chùa Trường Thọ, học với thiền sư Tâm Thanh và ở lại đây sáu năm. Năm 1893, ông lại tới thôn Linh Chiểu Ðông và học đạo với thiền sư Huệ Lưu trong hai năm. Sau đó, ông phát tâm trùng tu chùa Long Hoa. Chùa này được dựng từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát bởi một vị thiền sư tên là Ông Ðạo Nham, người làng Ðại Hội, tỉnh Quảng Nam, và đã được vua Gia Long sắc phong[9].

THIỀN SƯ GIÁC NGỘ

Ông tên Hứa Mật Sô, người huyện Ðồng Xuân, Tỉnh Phú Yên, xuất gia ở chùa Bát Nhã trên núi Long Sơn thuộc làng Mỹ Phú, huyện Ðồng Xuân. Ông tu khổ hạnh ở trong rừng, mặc áo đan bằng vỏ cây, lấy hai miếng gỗ làm guốc, vượt núi qua sông một cách dễ dàng.

Năm 1839 vua Minh Mạng nghe tiếng thỉnh về kinh đô, mời ông làm trú trì chùa Giác Hoàng và ban cho ông biệt hiệu Sơn Nhân Hòa Thượng. Năm 1842, vua Thiệu Trị lại mời ông làm trú trì chùa Diệu Ðế. Sau đó, ông xin được phép rút lui về núi. Không biết ông tịch ở đâu và vào năm nào.

THIỀN SƯ CƯƠNG KỶ

Pháp danh thiền sư Cương Kỷ là Hải Thiệu, ông là đệ tử thiền sư Nhất Ðịnh, được thỉnh chủ trì chùa Từ Hiếu, vân tập tăng chúng, làm cho Từ Hiếu trở thành một tùng lâm thịnh vượng. Ðệ tử xuất sắc nhất của ông là thiền sư Huệ Pháp, chủ trì chùa Thiên Hưng, rất có công trong việc xiểng minh Phật giáo ở thế kỷ thứ hai mươi. Một vị đệ tử lớn khác của ông là thiền sư Viên Giác, người khai sơn chùa Ba La Mật. Ông có phát hai mươi lăm lời đại nguyện, còn được khắc trên bia tháp tại chùa Từ Hiếu.

THIỀN SƯ CHÍ THÀNH

Ông trú trì chùa Tam Thai tỉnh Quảng Nam, là thầy của thiền sư Ðạo Diệu.

THIỀN SƯ DIỆU NGHIÊM

Trú trì chùa Từ Quang ở núi Ðá Trắng, Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, ông là tác giả nhiều sách có giá trị, trong đó có: Sự Nghĩa Luật Yếu Lược, Sự Nghĩa Quy Nguyên, Kinh Báo Ân. Những tác phẩm đó đã từng được khắc bản lưu hành. Khánh Anh viết trong tạp chí Duy Tâm số 5 ra ngày 1.2.1936: “Phẩm Ưu Ba Ly (được ngài) chú giải (một cách) hiển vi ẩn xuất – từ cổ chí kim chắc không ai hiểu nổi (phẩm ấy) nếu không nhờ Ngài giải thích”. Thiền sư Diệu Nghiêm pháp danh là Pháp Chuyên, hiệu là Luật Truyền.

THIỀN SƯ VIÊN NGỘ

Năm 1808 Thích Viên Ngộ dựng chùa Lan Nhã và hành đạo tại làng Thanh Ba, Gia Ðịnh. Ông tên là Nguyễn Chất, người huyện Phước Lộc, xuất gia năm 1806, đệ tử của hòa thượng chùa Vĩnh Quang, thường phát nguyện thực hành hạnh của Bồ tát Trì Ðịa, chuyên chặt gai dọn đường, đắp những con đường lầy lội để cho dân chúng qua lại. Trong suốt mười năm, ông chỉ ngồi, không nằm, suốt cả ngày đêm. Năm 1820 bệnh đậu phát ra trong vùng, ông trì chú tụng kinh và nguyện không ăn cho đến khi bệnh hết hoành hành và dân chúng bình yên. Năm 1846, ông tuyệt thực và tuyệt thủy trong bốn mươi chín ngày rồi tịch.

THIỀN SƯ PHƯỚC AN

Ông tạo lập chùa Hưng Long ở làng An Ðiềm, huyện Bình Dương, Gia Ðịnh vào năm 1794. Một người lính trong làng tên Yển đi quyên góp để giúp ông trong việc tạo dựng chùa này. Ðến năm 1803, chùa được thiền sư Chánh Niệm trùng tu.

THIỀN SƯ LIỄU TRIỆT

Ông tên Ðoàn Thiên Thu, người làng An Truyền quận Phú Vang, Thừa Thiên, pháp hiệu là Từ Minh, xuất thân từ chùa Quốc Ân, sau khi thiền sư Từ Hòa ở Quốc Ân viên tịch, ông được lập làm trú trì chùa Quốc Ân. Ba năm sau, tức là năm 1852, ông từ chức, ra lập một thảo am ở làng Phú Xuân tên là Viên Quang Ðường. Trong số các đệ tử của ông, có hoàng hậu Lệ Thiên, chánh cung của vua Tự Ðức. Am Viên Quang sau này biến thành chùa Linh Quang mà thiền sư Liễu Triệt là vị tổ khai sơn. Ông cũng đã từng kiêm nhiệm chức tăng cương chùa Giác Hoàng. Ông mất năm 1882.

Làng An Truyền quê ông là nơi xuất phát cuộc biến động năm 1866 chống lại vua Tự Ðức do ba anh em Ðoàn Trưng, Ðoàn Tư Trực và Ðoàn Hữu Ái cầm đầu[10]. Cuộc biến động này sau được nhà nước gọi là “Giặc Chày Vôi” vì khí giới chống chánh quyền là những chiếc chày giã vôi. Ðể những công trình xây cất được kiên cố, người ta lấy vôi, rơm rạ, đường đen và dây tơ hồng trộn lại, bỏ vào cối, và giã nhuyễn ra thành một thứ vôi hồ đặc biệt. Vua Tự Ðức tiêu phí không biết bao nhiêu nhân lực và tiền bạc trong việc xây dựng lăng Tự Ðức trong khi dân tình đói khổ, dân chúng oán hận. Vua lại tỏ ra bất lực trong việc ngoại giao và quân sự, để mất thành Gia Ðịnh, tỉnh Ðịnh Tường, Biên Hòa và Vĩnh Long vào tay Pháp. Hậu quả là cuộc nổi loạn nói trên, đêm mồng tám tháng Tám âm lịch, quần chúng cách mạng đã cầm chày vôi đập phá tới nội cung, và vua Tự Ðức suýt nữa thì bị giết. Nhưng quan chưởng vệ là Hồ Oai đã dập tắt được cuộc nổi loạn, và những người cầm đầu đều bị án tử hình.

Trong thời gian hoạt động bí mật, Ðoàn Trưng đã liên kết được một số các chùa như chùa Long Quang và Pháp Vân. Những chùa này đã là nơi hội họp và chất chứa “chày vôi”. Vị trú trì chùa Long Quang tên Nguyễn Văn Trí và rất nhiều vị tăng rải rác các chùa ở kinh sư đã bị bắt vì tội có liên lạc và hợp tác với “giặc”. Tăng ni bị bắt và hoàn tục gần hết. Sự trả thù của vua Tự Ðức cũng nặng nề như một vụ đàn áp lớn. Kinh sư lúc ấy chỉ còn hai mươi bốn ngôi chùa với hai mươi bốn vị tự trưởng mà thôi. Hoàng hậu Lệ Thiên, dưới ảnh hưởng của thiền sư Liễu Triệt, đã khẩn khoản xin tha tội chết cho các tăng ni liên hệ tới cuộc cách mạng.

THIỀN SƯ HUYỀN KHÊ

Thiền sư Huyền Khê pháp danh Giác Linh là người Quảng Ðông. Theo Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, ông thuộc đời 35 phái Lâm Tế. Thuở nhỏ, ông đánh nhau lỡ tay giết mất một người, nên sau đó ông vào chùa xin xuất gia hành đạo. Sau một thời gian tu hành, ông theo đường biển vào tới Ðông Phố, làm một vị du tăng. Sau cùng ông ra Thuận Hóa tu ở chùa Pháp Vân (sau đổi thành chùa Thiên Phước). Giới hạnh thanh tịnh, ông có rất nhiều đệ tử. Nghe nói ông tinh thông võ nghệ, nhiều người tới xin thọ giáo, ông cũng không từ chối.

 

[1] Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ.

[2] Sau này đổi lại là Phước Duyên Bảo Tháp.

[3] Một thí dụ trong kinh Pháp Hoa: Đứa con mang một viên bảo châu giá trị trăm ngàn lạng vàng trong tà áo mà không biết, cho nên cứ mãi sống đời cùng khổ.

[4] Diễn Nhã Ðạt Ða một buổi sáng soi gương thấy mặt mũi mình khả ái, chợt trách cái đầu mình lâu nay không thấy được mặt mũi mình. Nghĩ rằng mình không có cái đầu cho nên không thấy được mặt, do đó anh ta hoảng hốt chạy khắp thành phố Thất La Phiệt, phát cuồng.

[5] Thuần Ðà: Người cư sĩ đã dâng Phật bữa ăn cuối cùng trong đời Ngài. Bữa ăn này có nấm độc. Phật dùng xong bảo đem đổ chỗ còn lại, không cho các vị tỳ khưu đi theo dùng.

[6] Xin xem chương XX.

[7] Tài liệu báo Tri Tân số 7, ngày 18.7.1941.

[8] Chùa Ân Tôn tức là chùa Cây Mai, ở làng Phú Giáo huyện Tân Long, dựng trên nền một ngôi chùa cổ Thủy Chân Lạp, nằm trên gò cao. Năm 1816 có một tăng sĩ trùng tu chùa ấy đào được ba miếng vàng lá có khắc hình Ðức Phật cưỡi lưng voi. Dưới triều Minh Mạng chùa lại được trùng tu, các ông Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản có dựng tại chùa một nhà thủy tạ có gác cao. Chùa có trồng một cây mai già bông trắng rất nổi tiếng. Tôn Thọ Tường có làm bài thơ vịnh cây mai ấy như sau:

Cám cảnh cây mai cách dưới đèo

Mười phần trong sạch phận cheo leo

Sương in tuyết đóng cành thưa thớt

Xuân tới thu về nỗi quạnh hiu

Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế

Tò le kèn lạ mặt trời chiều

Những tay rượu thánh thơ thần cũ

Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu.

[9] Tài liệu của Huỳnh Minh, trong Gia Ðịnh Xưa Và Nay, Saigon, 1973.

[10] Cùng với những nhân vật khác như Phạm Lương và Trương Trọng Hòa, ba anh em họ Ðoàn mưu tính lập một người là Ðinh Ðạo lên ngôi vua. Nghĩa Ðảng của họ chiêu dụ được lính tráng đang phục vụ việc xây lăng Tự Ðức và liên lạc được với quan Hữu quân Tôn Thất Cúc, dùng ông này làm nội ứng.