Việt Nam Phật giáo sử luận

Chương 32: Chùa Ấn Quang và Chùa Xá Lợi ở Nam Việt

PHẬT HỌC ĐƯỜNG NAM VIỆT

Phật học đường Phật Quang được khai giảng trở lại từ 1946 tại quận Trà Ôn tỉnh Trà Vinh do thiền sư Thiện Hoa chủ trì. Phật học đường này ngoài những lớp cho tăng sinh còn mở những lớp cho ni sinh. Cư sĩ Trương Hoằng Lâu ở quận Cầu Kè là một trong những người hoạt động nhất để ủng hộ tài chính cho Phật học đường này. Cùng năm đó Phật học đường Liên Hải ở Chợ Lớn cũng được khai giảng, do các thiền sư Trí Tịnh và Quảng Minh chủ giảng. Sau đó ít tháng, một Phật học đường khác tên là Mai Sơn được thiền sư Huyền Dung khai giảng và ít lâu sau, được dời về chùa Sùng Đức ở Chợ Lớn. Như chúng ta đã biết, các Phật học đường nói trên sau này được thống nhất lại với Phật học đường Ứng Quang tại Sài Gòn để trở thành Phật học đường Nam Việt. Chùa Ứng Quang mà sau này danh xưng đổi lại thành Ấn Quang là do thiền sư Trí Hữu sáng lập. Thiền sư Trí Hữu quê tại xã Hòa Vang, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian du hóa tại miền Nam ông từng cư trú tại chùa Hưng Long và chùa Hưng Đạo, cả hai đều do thiền sư Bảo Đảnh trú trì. Sau mùa an cư năm 1949 tại chùa Hưng Đạo ở Vườn Bà Lớn, ông tới dựng tích trượng ở một khoảnh đất trống trên đường Lorgéril thuộc khu Vườn Lài, và lập một am tranh lấy tên là Trí Tuệ Am. Sau khi làm được một chánh điện và một tăng xá, tất cả đều bằng tranh và tre, ông gọi am là chùa Ứng Quang và mở tại đây một lớp giảng kinh cho tăng sinh trẻ tuổi tại các chùa lân cận. Chùa Ứng Quang trở thành một Phật học đường nhỏ với sự cộng tác của các thiền sư Nhật Liên và Thiện Hòa. Phật học đường Ứng Quang xây dựng thêm nhiều lớp học và tăng xá. Các thiền sư Trí Hữu, Nhật Liên và Thiện Hòa bắt đầu liên lạc với các Phật học đường Liên Hải và Sùng Đức. Sau nhiều buổi họp mặt tại các chùa Sùng Đức và Ứng Quang, những người lãnh đạo ba Phật học đường đồng ý thống nhất các cơ sở lại và thành lập Phật học đường Nam Việt, đặt tại chùa Ứng Quang. Thiền sư Nhật Liên có thể được gọi là nhân vật quan trọng nhất trong công tác vận động thống nhất các Phật học đường tại Nam Việt. Chính ông đã đề nghị đổi danh xưng Ứng Quang thành Ấn Quang. Ông lại là người vận động thành lập Giáo hội Tăng già Nam Việt và đã đảm phụ trách vụ tổng thư ký của Giáo hội này trong những niên khóa đầu.

Phật học đường Nam Việt được thành lập 1950; công cuộc xây dựng cơ sở bằng vật liệu nặng được tiến hành rất mau chóng. Phật điện, giảng đường và tăng xá được xây dựng ngay trong khi các lớp học đang được diễn tiến. Trong vòng chưa đầy hai năm, Phật học đường Nam Việt đã trở thành trung tâm Phật giáo có uy tín nhất ở miền Nam. Đường Lorgéril do đó được đổi thành đường Sư Vạn Hạnh. Chùa Ấn Quang bắt đầu đi vào lịch sử.

Năm 1953, Phật học đường Phật Quang ở Trà Ôn gia nhập Phật học đường Nam Việt, và thiền sư Thiện Hoa được mời về chùa Ấn Quang. Học tăng từ Phật Quang cũng ghi tên vào Phật học đường Nam Việt.

GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NAM VIỆT

Chùa Ấn Quang còn là trụ sở của Giáo hội Tăng già Nam Việt, thành lập năm 1951, với thiền sư Đạt Từ ở chức vụ trị sự trưởng và thiền sư Nhật Liên ở chức vụ tổng thư ký. Thiền sư Đạt Thanh chùa Giác Ngộ được cung thỉnh làm pháp chủ.

Năm 1953, cơ sở của Giáo hội Tăng già Nam Việt đã được xây dựng đầy đủ ở các tỉnh miền Nam và đại hội giáo hội triệu tập ngày 8.3.1953 đã suy tôn thiền sư Huệ Quang làm pháp chủ của Giáo hội, công cử thiền sư Thiện Hòa làm trị sự trưởng. Từ đó Giáo hội Tăng già Nam Việt trở thành một tập đoàn Phật giáo rất trang nghiêm và có uy thế.

Vị pháp chủ kế tiếp thiền sư Huệ Quang là thiền sư Khánh Anh, suy tôn ngày 31.3.1957 trong đại hội kỳ ba của Giáo hội Tăng già Nam Việt.[1]

Ni bộ của Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập ngày 7.10.1956 tại chùa Huê Lâm Chợ Lớn và trụ sở đặt tại chùa Từ Nghiêm ở đường Bà Hạt Sài Gòn. Ni bộ đã khai giảng hai Phật học đường cho ni sinh, một ở chùa Từ Nghiêm và một ở chùa Dược Sư. Hai ni sư Diệu Tánh (chùa Huê Lâm) và Diệu Ninh (chùa Vĩnh Bửu) có mặt trong số những ni sư hoạt động nhất của Ni bộ.

Thấy cơ sở Ấn Quang đã được các pháp hữu của mình đảm nhiệm một cách xuất sắc, thiền sư Trí Hữu hoan hỉ trở về Quảng Nam. Ông đảm nhiệm chức vụ trú trì chùa Linh Ứng ở Non Nước, đồng thời nhận làm giám đốc cho Phật học viện Phổ Đà tại Đà Nẵng. Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, ông đã từng giữ chức vụ Chánh Đại Diện Miến Liễu Quán cho giáo hội. Thỉnh thoảng ông lại vào thăm các pháp hữu của mình tại Ấn Quang. Ông mất ngày 30.1.1976 tại chùa Ấn Quang, ngôi chùa lịch sử mà ông đã khai sơn hai mươi lăm năm về trước.

Chùa Ấn Quang, mà sau này trở thành trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là một ngôi chùa còn trẻ tuổi, nhưng đã sớm trở thành một tổ đình. Cư sĩ Trương Đình Ý, giáo sư trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở Gia Định là người đã có công chăm sóc về phương diện kiến trúc, điêu khắc và trang trí của chùa. Tượng Phật và những bức chạm nổi trong chính điện đều là những công trình sáng tác của ông.

THIỀN SƯ THIỆN HÒA

Nếu thiền sư Trí Hữu là người khai sơn chùa Ấn Quang thì thiền sư Thiện Hòa là người đã duy trì và phát triển chùa này thành một tùng lâm rộng lớn. Thiền sư Thiện Hòa tuy là tuổi tác tương đương với pháp hữu của mình là thiền sư Trí Hữu, có thể được xem như là đệ nhị tổ của chùa Ấn Quang. Ông là một trong những bậc cao tăng được mến chuộng nhất trong thời đại. Ông được nhìn nhận như một cây đại thụ che chở cho nhiều thế hệ tăng sĩ kế tiếp đã đi qua Phật học đường Nam Việt. Chức vụ giám đốc Phật học đường Nam Việt và trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt đã được ông đảm nhiệm một cách vững chãi và bền bỉ.

Thiền sư Thiện Hòa tục danh là Hứa Khắc Lợi, sinh năm 1907 tại làng Tân Nhựt, tỉnh Chợ Lớn. Ông có chí nguyện xuất gia từ hồi nhỏ tuổi nhưng mãi đến năm 28 tuổi ông mới được đi xuất gia, theo học với thiền sư Bửu Sơn ở chùa Long Triều. Xuất gia xong ông liền được gửi đến Phật học đường Lưỡng Xuyên. Năm 1936 ông được gửi ra Huế học trường An Nam Phật học tại chùa Tây Thiên. Năm 1938 khi thiền sư Phước Huệ trở về Bình Định, ông theo thiền sư vào Phật học đường Long Khánh để tiếp tục học Phật. Năm 1939 ông trở ra Phật học đường Báo Quốc ở Huế. Năm 1945 ông ra Hà Nội thọ giới tỳ kheo tại chùa Bút Tháp, theo học luật với thiền sư Tuệ Tạng ở chùa Cồn Nam Định và với thiền sư Tế Xuyên tại Hà Nam. Năm 1949, ông về chùa Quán Sứ tham dự vào Phật sự theo lời mời của thiền sư Tố Liên. Tháng Năm 1950 ông trở về Sài Gòn, lưu trú tại Phật học đường Sùng Đức. Khi Phật học đường Nam Việt được thành lập năm 1951, ông được mời làm giám đốc. Từ năm 1951 đến năm 1974 ông đã từ từ biến ngôi chùa lá Ấn Quang thành một phạm vũ trang nghiêm vào bậc nhất Sài Gòn. Năm 1953 ông được bầu làm trị sự trưởng của Giáo hội Tăng già Nam Việt. Năm 1959, đại hội Tăng già Toàn quốc họp tại chùa Ấn Quang đã bầu ông làm trị sự trưởng. Năm 1967, ông được bầu làm tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chính và Kiến thiết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Năm 1973, ông được giáo chỉ của Tăng Thống đề cử làm phó tăng thống. Ông mất ngày 7.2.1978 tại chùa Ấn Quang.

Thiền sư Thiện Hòa là một người có đức tính từ hòa và kiên nhẫn vào bậc nhất. Giữa các pháp hữu ở Ấn Quang, ông là một dòng suối mát, một nguồn an ủi. Ông ít khi đăng đàn thuyết pháp. Sáng tác của ông thường nằm trong phạm vi luật tạng, quan trọng nhất là tác phẩm Giới Đàn Tăng. Ông kiên nhẫn chủ tọa tất cả các buổi họp của Giáo hội Tăng già Nam Việt và của Phật học đường Nam Việt, nói rất ít nhưng hóa giải được rất nhiều. Ông để mắt vào mọi chi tiết liên quan đến Phật điện, tăng xá, giảng đường và sự sống của đại chúng. Ông đã xây dựng cho Phật học đường một nhà in gọi là Ấn Quán Sen Vàng, nằm phía sau chùa. Trong những lớp tu nghiệp cho các vị trú trì do Giáo hội Tăng già Nam Việt tổ chức, ông thường đảm nhận trách vụ giảng dạy về luật tạng. Năm 1974 ông đã làm đàn đầu hòa thượng cho đại giới đàn Long Xuyên.

Hình ảnh đẹp nhất của ông là hình ảnh ông đứng nói chuyện với một học tăng ở sân trường. Dáng điệu ông hiền từ, ngôn ngữ ông hòa ái. Mỗi khi cần đi đâu, ông ưa dùng xích lô hơn đi xe hơi. Ông vỗ nhẹ vai, từ tốn nói chuyện với người đạp xích lô một hồi rồi mới dịu dàng bước lên xe, tay ôm cặp. Người xích lô có cảm tưởng chở trên xe một người thân chứ không phải một người khách.

Sau ngày các thiền sư Quảng Minh, Huyền Dung, Nhất Liên và Quảng Liên xuất ngoại, bên cạnh thiền sư Thiện Hòa chỉ còn lại có các thiền sư Thiện Hoa và Nhất Hạnh trực tiếp trông coi Phật học đường Nam Việt. Thiền sư Thiện Hoa đảm nhận trách vụ Trưởng ban Hoằng Pháp vừa của Giáo hội Tăng già Nam Việt vừa của hội Phật học Nam Việt từ năm 1953. Trong trách vụ này, ông vừa đào tạo cán bộ vừa phân phối giảng sư đi các tỉnh. Những giảng sư xuất sắc của miền Nam từ năm 1956 trở đi như thiền sư Huyền Vi, Thanh Từ, Tắc Phước, Từ Thông, Thiền Định, Quảng Long, Chánh Tiến, Liễu Minh, v.v… đều được ông huấn luyện và nâng đỡ trong những năm đầu. Từ năm 1957 trở đi, ông mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ hoặc tu nghiệp hoằng pháp gọi là những khóa “Như Lai Sứ Giả” tại các chùa Pháp Hội và Dược Sư. Những giảng sư tốt nghiệp các khóa ở Pháp Hội lên tới 52 vị, trong số đó các vị thiền sư Trường Lạc, Bửu Lai, Trí Châu, Nhất Long, Hồng Tịnh, Hồng Đạo, Hiển Pháp, Huyền Quý, Hoằng Thông, Phước Hảo và Huệ Thành. Trong số các vị tốt nghiệp ở chùa Dược Sư có các ni sư Như Hoa, Phật Bửu, Giác Thiên, Như Huy, Như Huyền, Như Chí và Như Hiển.

Với Ấn Quang Sen Vàng, Phật Học Tùng Thư của Phật học đường Nam Việt do thiền sư Thiện Hoa quản đốc đã xuất bản được một chương trình Phật học từ sơ cấp đến cao cấp, dùng làm tài liệu giảng diễn cho các giảng sư đoàn. Chương trình Phật học này được chia thành mười hai giảng khóa và được gọi là chương trình Phật học phổ thông. Chương trình được phổ biến rất rộng rãi. Phật Học Tùng Thư, sau này đổi lại là nhà xuất bản Hương Đạo, đã xuất bản gần 100 tác phẩm, trong đó khoảng 20 tác phẩm là do chính thiền sư Thiện Hoa sáng tác. Ta sẽ có dịp nói nhiều về thiền sư Thiện Hoa sau này.

Từ 1956 trở đi, với sự hướng dẫn của thiền sư Nhất Hạnh, chương trình giáo dục mới được áp dụng tại Phật học đường Nam Việt cho các cấp tiểu học và trung học Phật giáo. Chương trình này nhằm mục đích cung cấp cho người học tăng tốt nghiệp cấp trung học Phật giáo, ngoài trình độ trung đẳng Phật học, một kiến thức phổ thông tương đương với trình độ tú tài. Từ đây, tại Phật học đường Nam Việt, học tăng được học thêm sinh ngữ, khoa học và văn học. Chương trình mới này được in trong học bạ của mỗi học tăng. Tốt nghiệp trung học tại Phật học đường Nam Việt, nhiều học tăng đã ghi tên thi tú tài ban cổ điển và hầu hết đều trúng tuyển. Phần lớn đã dùng chữ Hán làm cổ ngữ và Pháp ngữ làm sinh ngữ.

Nhiều học tăng đã ghi tên tại các trường Đại học Sư phạm hoặc Đại học Văn khoa Sài Gòn trong khi tiếp tục học chương trình Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt. Nhiều vị sau khi ra trường đã có bằng cử nhân Văn khoa hoặc cử nhân Sư phạm. Những văn bằng này đã giúp họ điều kiện mở những trung học tư thục của Phật giáo tại Sài Gòn và các tỉnh theo mẫu mực những trường tư thục Bồ Đề mở ở miền Trung từ nhiều năm trước đó. Trong số các vị xuất sắc nhất có các thiền sư Minh Cảnh, Thiện Tánh, Đạt Bửu, Trí Không, Chơn Lễ, Thiện Phú, Thanh Văn… Về sau có vị đã xuất ngoại để tiếp tục học Phật hoặc các ngành triết học hoặc xã hội học.

Ngoài Phật học đường Ấn Quang, tại miền Nam còn có Phật học đường Giác Nghiêm ở Khánh Hội do thiền sư Hành Trụ chủ trì và một số Phật học đường cấp tiểu học và trung học phát xuất từ Ấn Quang như các Phật học đường Huệ Nghiêm và Giác Sanh ở Chợ Lớn, Phật học đường Phước Hòa ở Vĩnh Bình.

THIỀN SƯ HÀNH TRỤ

Thiền sư Hành Trụ, giám đốc Phật học đường Giác Nguyên, quê ở Phú Yên, tên đời là Lê An, sinh năm 1903, xuất gia hồi còn 12 tuổi tại chùa Phước Sơn, Phú Yên và học Phật với thiền sư Thiền Phương.

Sau khi thọ đại giới vào năm 22 tuổi, ông được theo học tại các Phật học đường Lưỡng Xuyên ở miền Nam và Tây Thiên ở miền Trung. Pháp danh của ông là Thị An, pháp hiệu là Phước Bình.

Ông đã phiên dịch và ấn hành hơn 20 thứ kinh sách, trong đó có các sách Tứ Phần Giới Bổn Như Thích, Sa Di Luật Giải, Qui Sơn Cảnh Sách, Phạm Võng Bồ Tát Giới, A Di Đà Kinh Sớ Sao, Long Thư Tịnh Độ, Kinh Vị Tằng Hữu Kinh Hiền Nhân. Từ 1974, ông về trú trì chùa Đông Hưng. Năm 1975 ông được đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cung cử vào trách vụ tổng vụ trưởng Tổng Vụ Tăng Sự.

PHẬT HỌC ĐƯỜNG HUỆ NGHIÊM

Phật Học đường Huệ Nghiêm ở Phú Lâm Chợ Lớn là một tùng lâm khá phồn thịnh. Phật học đường này được các thiền sư Thanh Từ và Bửu Huệ Thiền Tâm điều khiển. Thiền sư Thanh Từ trước đó đã từng làm giám đốc Phật học đường Phước Hòa ở Trà Vinh từ năm 1958 tới năm 1959. Phật học đường này từ năm 1956 đến 1958 được thiền sư Tịnh Đức điều khiển. Phật học đường Giác Sanh tại Chợ Lớn cũng được đặt dưới quyền giám đốc của thiền sư Thiện Hòa.

CÁC NI VIỆN MIỀN NAM

Lớp ni học đầu tiên tại miền Nam được tổ chức tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu năm 1927. Thiền sư Khánh Anh, hồi ấy mới từ Quảng Ngãi vào Nam, được mời làm đốc giáo. Trong ban giảng huấn có các thiền sư Chân Niệm, Vạn Ân và Vạn Pháp. Lớp ni học thứ hai được tổ chức vào năm 1936 do ni sư Diệu Tịnh tổ chức tại ni viện Hải Ấn ở Bà Quẹo. Năm 1939 một lớp khác được tổ chức tại chùa Vạn An ở Sa Đéc, mời thiền sư Mật Hiển từ Huế vào giảng. Sau đó có các ni sư Diệu Tánh và Diệu Tấn lại mở trường ni học tại chùa Kim Sơn ở Phú Nhuận.

Tại Phật học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, năm 1936, một lớp ni học được tổ chức dưới sự lãnh đạo của thiền sư Minh Tịnh từ Quảng Ngãi vào. Thiền sư Khánh Hòa sau đó đã vận động mở thêm một ni học đường tại chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre. Ni học đường này sau đó được giao cho ni sư Diệu Ninh coi sóc.

Thiền sư Chánh Quả trụ trì chùa Kim Huê ở Sa Đéc cũng đã lập một ni viện tại chùa Phước Huệ trong cùng một tỉnh. Năm 1946, thiền sư Hành Trụ cũng lập ni viện Tăng Già ở Khánh Hội Sài Gòn và ni viện Chánh Giác tại Đồng Ông Cộ, Gia Định.

Năm 1950, ni sư Như Chí mở một lớp ni học tại chùa Từ Quang ở Sa Đéc.

Ni viện Dược Sư ở Gia Định được hình thành năm 1936 nhưng mãi đến năm 1954 mới trở thành một cơ sở lớn. Năm 1957, Ni bộ Nam Việt được thành lập và được đặt trụ sở tại đây. Ni sư Diệu Tánh, trước đây chủ trì chùa Hội Sơn và ni viện Huê Lâm, được bầu lên trách vụ ni trưởng. Năm 1959, ni viện Từ Nghiêm được thành lập. Trụ sở Ni bộ được dời về đây. Từ Nghiêm trở thành một cơ sở lớn của ni chúng sau khi việc xây cất hoàn thành vào năm 1962. Năm 1965 Ni bộ đã cho trường Thanh niên Phụng sự Xã hội mượn một đại giảng đường và một văn phòng trong khi trường đang xây cất tại Phú Thọ Hòa.

Trong số những vị ni sư đầu tiên được xem là các danh ni, ta có thể kể các ni sư Diệu Tánh, Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Ninh, Diệu Kim và Hồng Chí.

NI SƯ DIỆU TỊNH

Ni sư Diệu Tịnh có thể được xem như là bó đuốc đầu tiên của ni giới miền Nam. Bà tên Phạm Đại Thọ, sinh năm 1910 ở Gò Công. Bà tập sự xuất gia năm 15 tuổi tại chùa Tân Lâm Gia Định. Năm 18 tuổi bà được theo học lớp ni học đầu tiên tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu. Bà thọ giới tỳ kheo năm 1930 tại giới đàn ở núi Điện Bà do thiền sư Giác Hải chủ đàn. Năm 1931 trở đi bà bắt đầu dịch một số kinh điển ra quốc ngữ. Trên báo Từ Bi Âm số 27, bà viết bài kêu gọi nữ giới hợp tác mở mang ni giới. Năm 1933 bà được mời làm thủ lãnh ni chúng trong ba tháng kết hạ tại giới đàn chùa Giác Hoàng ở Bà Điểm do thiền sư Thái Thượng chủ tọa. Năm 1934, bà về trú trì chùa Thiên Bửu, mở một lớp ni học tại đây và mời thiền sư Khánh Thuyên về cùng giảng dạy. Sau đó bà trở về chùa Tân Lâm. Nhận lời mời của hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, bà đi thuyết kinh giảng đạo tại nhiều nơi miền Lục Tỉnh. Năm 1935 bà khai sơn chùa Từ Hóa ở làng Tân Sơn Nhất tỉnh Gia Định, có sự tham dự của các ni sư Diệu Tánh, Diệu Tấn và Diệu Thuận. Năm sau, bà đổi hiệu chùa là Hải Ấn Ni Tự. Ni chúng quy tụ về để tu học khá đông. Năm 1937 bà ra nhận chức trú trì chùa Bình Quang ở Phan Thiết và giao cho các đệ tử là các ni sư Huyền Tông và Huyền Học ở lại trú trì và hành đạo. Năm 1938, bà ra Bắc nghiên cứu thêm về luật tăng. Trên đường về Nam, bà được Khôn Nghi Xương Hoàng thái hậu mời vào cung để dạy đạo. Bà ở lại trong cung hai tháng và giảng xong bộ Phạm Võng Lược Sớ cho thái hậu. Triều đình Huế đã ban sắc tứ cho chùa Bình Quang ở Phan Thiết sau đó. Trở về chùa Hải Ấn, bà lại lên tiếng trên Từ Bi Âm kêu gọi nữ giới đứng dậy tự lập và xiển dương chánh pháp. Năm 1939, bà tổ chức ni học viện tại chùa Giác Linh ở Sa Đéc. Ni chúng đông đến gần 100 vị. Bà đã thỉnh thiền sư Mật Hiển và ni sư Diệu Không cùng bà lo việc giảng dạy. Lúc này bà mới 29 tuổi. Ni học viện này được dời về chùa Vạn An sau đó.

Năm 1940 bà khai giảng trường ni học ở chùa Linh Phước và mời các thiền sư Chánh Quang và Giác Tâm về phụ giảng với bà. Vì phải lo lắng cho các trường ni học, vừa về vật chất vừa về tinh thần, cho nên sức khỏe bà hao mòn rất chóng. Bà tịch năm 1942 tại chùa Hải Ấn, thọ 33 tuổi.

Ni sư Diệu Tịnh, pháp danh Hồng Thọ, là người muốn nâng địa vị của nữ giới lên ngang hàng với nam giới. Những tài liệu trên đây về bà đã được một vị đệ tử là ni sư Huyền Huệ cung cấp.

NI SƯ CHÍ KIÊN

Ni sư Hồng Chí tên đời là Đặng Thị Mười, sinh năm 1913 ở Sa Đéc. Bà xuất gia năm 1928 tại chùa Từ Ân, Mỹ Tho, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Huệ Mạn. Pháp danh của bà là Chí Kiên, pháp tự của bà là Như Chí. Bà thọ đại giới vào năm 1938. Bà đã từng theo học tại ni viện Hải Ấn do ni sư Diệu Tịnh làm giám đốc và tại ni viện Diệu Đức ở Huế. Năm 1940 bà lập ni viện Tập Thành ở Sa Đéc, thu nhận 40 ni sinh. Năm 1949 bà làm quản lý ni viện Tăng Già ở Khánh Hội Sài Gòn. Cũng năm đó bà làm hòa thượng cho giới đàn truyền tỳ kheo ni giới tại chùa Tăng Già. Năm 1950, bà về Sa Đéc mở ni viện Từ Quang và đến năm 1955 bà chọn 20 vị học ni xuất sắc cho lên nhập học ở ni viện Dược Sư, Gia Định. Năm 1951 bà làm hòa thượng cho giới đàn chùa Kim Huê và năm 1954 lại làm hòa thượng truyền giới cho giới đàn ni viện Dược Sư. Năm 1965 bà được mời làm giám đốc ni học viện Từ Nghiêm. Số ni sinh của viện năm này lên tới 92 vị. Năm 1975 bà kế thừa ni sư Như Thanh làm vụ trưởng Ni Bộ Bắc Tông. Năm 1977 bà làm hòa thượng của giới đàn Kiều Đàm tại ni viện Từ Nghiêm cho 350 giới tử.

Ni sư Hồng Chí có viết nhiều bài trong các tập san Phật học trong nước như Hoa Sen, Hoằng Pháp Hoa Đàm. Bà có làm nhiều thơ. Có những bài thơ bà làm từ năm 1928 khi mới xuất gia, năm 15 tuổi. Sau đây là một bài của bà sáng tác năm 1974:

Thiền khách du sơn

Thiền khách du sơn tự tại nhân

Cõi lòng thanh thoát đạo thênh thang

Non cao đá dựng từng từng gộp

Rừng thẳng cây giăng lớp lớp hàng

Suối bạc lung linh thông giác ngạn

Tùng xanh phơn phớt triệt huyền quang

Sắc Không Chơn Vọng đâu còn nữa

Buông bỏ hai đầu, chặng giữa tan.

NI SƯ DIỆU NINH

Ni sư Diệu Ninh là một người có khuynh hướng cứu tế xã hội. Bà sinh năm 1914 tại Trà Vinh, tên đời là Vương Thị Kiến. Bà xuất gia năm 1930 tại chùa Thành Xuân tỉnh Châu Đốc dưới sự hướng dẫn của thiền sư Như Nhiêu. Bà đã được học Phật với các thiền sư Từ Phong, Khánh Hòa và Khánh Anh. Bà đã theo học trường Lưỡng Xuyên sau khi thọ giới sa di vào năm 1933. Bà thọ đại giới năm 1935 tại giới đàn Lưỡng Xuyên do thiền sư Khánh Hòa làm hòa thượng đàn đầu. Năm 1938 bà về học tại ni viện Vĩnh Bửu ở Bến Tre. Từ 1940 trở đi bà được trao cho nhiệm vụ trú trì ni viện này. Năm 1945 vì tình hình Bến Tre bất an, bà về an cư tại ni viện Huê Lâm ở Sài Gòn. Năm 1957 khi ni bộ được thành lập, bà đảm nhiệm trách vụ phó ni trưởng và đồng thời quản lý ni viện Dược Sư. Năm 1959 bà về ni viện Từ Nghiêm làm quản lý và lo việc kiến thiết ni viện này. Năm 1966 bà làm Trưởng ban Cứu trợ nạn nhân bão lụt và đích thân đem gạo muối đến tận những miền lụt lội ở Châu Đốc, Long Xuyên và Đồng Tháp để cứu giúp hàng ngàn gia đình nạn nhân. Năm 1969 bà sang Nhật để tu nghiệp về Thiền tại tu viện Tổng Trì. Về nước năm 1971 bà trùng tu chùa Vĩnh Bửu và chùa Thiền Đức. Năm 1972, bà mở Ký Nhi Viện Huệ Quang, tổ chức cứu lụt ở Quảng Nam. Năm 1974 bà nhận chức giám viện ni viện Dược Sư.

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ VÀ HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

Hội Phật học Nam Việt được thành lập vào năm 1950 tại Sài Gòn do sự vận động của cư sĩ Mai Thọ Truyền. Ban đầu, hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng và sau đó ít lâu, tại chùa Phước Hòa. Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, một cây cột trụ của hội Lưỡng Xuyên Phật học cũ đảm nhận trách vụ hội trưởng. Ông Mai Thọ Truyền giữ trách vụ tổng thư ký. Các thiền sư Quảng Minh và Nhật Liên đã triệt để ủng hộ cho việc tổ chức hội Phật học Nam Việt. Thiền sư Quảng Minh được bầu làm hội trưởng của hội bắt đầu từ năm 1952. Năm 1955, sau khi thiền sư Quảng Minh đi Nhật du học, ông Mai Thọ Truyền giữ chức vụ hội trưởng. Chức vụ này ông giữ cho đến năm 1973 khi ông mất.

Hội Phật học Nam Việt được thành lập do nghị định của Thủ Hiến Nam Việt ký này 19.9.1950. Bản tuyên cáo của hội có nói đến nguyện vọng thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong nước. Bản tuyên cáo viết: “Đề xướng việc lập hội Phật học này, chúng tôi còn có cái thâm ý đi đến chỗ Bắc Trung Nam sẽ bắt tay nhau thành một khối Phật tử quảng đại và thống nhất trên nguyên tắc cũng như trong hành động. Sự thống nhất này đã trở nên cần thiết kể từ ngày mồng 8 tháng Sáu dương lịch năm nay, là ngày Việt Nam được chính thức nhận làm hội viên hội Phật giáo quốc tế…”

Chùa Xá Lợi, trụ sở thứ ba và vĩnh viễn của hội Phật học Nam Việt được khởi công xây dựng năm 1956 tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn và được hoàn thành hai năm sau đó. Chùa được kiến trúc một cách mới mẻ, có tháp chuông, chính điện, giảng đường, thư viện và tăng xá. Năm 1963 chùa Xá Lợi biến thành căn cứ trung ương cho cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm và trở thành một ngôi chùa lịch sử.

Chánh Trí Mai Thọ Truyền là một trong những khuôn mặt Phật tử cư sĩ lớn của thời đại. Ông sinh năm 1905 tại làng Long Mỹ tỉnh Bến Tre và đã học tại các trường trung học Mỹ Tho và Chasseloup Lau-bat ở Sài Gòn. Ông thi đậu tri huyện năm 1931 và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã làm chủ tịch Ủy ban Quận Bộ Châu Thành Long Xuyên rồi trưởng phòng hành chánh Ủy ban Hành chánh Tỉnh Bộ Long Xuyên.

Ông về Sài Gòn năm 1947 và lần lượt giữ những chức vụ sau đây: Chánh văn phòng phủ Thủ tướng của chính phủ Nguyễn Văn Xuân (Hà Nội), chánh văn phòng bộ Kinh tế, giám đốc hành chánh sự vụ bộ Ngoại giao, đổng lý văn phòng bộ Nội vụ của chính phủ Nguyễn Phan Long, đổng lý văn phòng phủ Thủ hiến Nam Việt và phó đổng lý văn phòng phủ Thủ tướng của chính phủ Bửu Lộc. Năm 1955 ông đổi sang ngạch thanh tra hành chính và tài chính và đến năm 1960 về hưu thời chính phủ Ngô Đình Diệm. Sau năm 1963, ông tham dự Hội đồng Nhân sĩ trong chính phủ Dương Văn Minh và đến năm 1967 ông ứng cử phó tổng thống chung liên danh với ông Trần Văn Hương. Năm 1968, ông giữ chức quốc vụ khanh kiêm viện trưởng Giám Sát Viện trong chính phủ Trần Văn Hương, rồi đổi sang chức vụ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa cho đến năm ông mất (1973).

Cũng như cư sĩ Lê Đình Thám, ông ăn chay trường từ ngày thọ tam quy ngũ giới và làm Phật sự không biết mệt mỏi. Hội Phật học Nam Việt đã thành lập được tới 40 tỉnh hội và chi hội khắp miền Nam. Tạp chí Từ Quang của hội mà ông trực tiếp trông nom từ 1951 đã ra được 242 số cho đến ngày ông mất. Những trước tác của ông gồm có:

Tâm Và Tánh (1950)

Ý Nghĩa Niết Bàn (1962)

Một Đời Sống Vị Tha (1962)

Tâm Kinh Việt Giải (1962)

Le Bouddhisme Au Viet Nam (1962)

Pháp Hoa Huyền Nghĩa (1964)

Địa Tạng Mật Nghĩa (1965)

Tác phẩm đầu (Tâm Và Tánh) đã được nhà Đuốc Tuệ ở Hà Nội xuất bản; những tác phẩm còn lại đều được hội Phật học Nam Việt ấn hành. Ngoài trách vụ hội trưởng hội Phật học Nam Việt, ông Mai Thọ Truyền đã từng giữ trách vụ tổng thư ký ban quản trị Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ 1955 – 1958 và trách vụ phó hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ 1959 – 1962. Năm 1963 ông giữ trách vụ tổng thư ký của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm. Trách vụ này đã được ông thi hành một cách xuất sắc. Năm 1964 ông được bầu làm phó viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng vì bất đồng ý kiến về hệ thống tổ chức của giáo hội, chỉ sau đó một tháng, ông rút lui về cương vị hội trưởng hội Phật học Nam Việt.

Trong bản tuyên cáo thành lập hội Phật học Nam Việt có chủ ý muốn thành lập một Phật học đường lớn để đào tạo tăng tài, nhưng công việc này chưa bao giờ được hội thực hiện, có thể đây là vì bên cạnh hội Phật học Nam Việt đã có Giáo hội Tăng già Nam Việt.

Nhưng tạp chí Từ Quang đã là một đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Tạp chí này đã được chư tăng ở Phật học đường Nam Việt nâng đỡ và đóng góp khá nhiều về phương diện biên tập, nhất là trong những năm đầu.

LỄ CUNG NGHINH XÁ LỢI PHẬT TỔ

Cách thức làm việc của cư sĩ Chánh Trí có nhiều điểm tương tự với cách thức làm việc của cư sĩ Tâm Minh. Nếu lễ Phật Đản năm 1935 tổ chức ở Huế đã bắt dư luận toàn quốc nói đến phong trào phục hưng Phật học thì cuộc diễn hành rước Xá Lợi Phật tại Sài Gòn năm 1952 cũng đã khiến cho quốc dân chú ý đến sự có mặt của hội Phật học Nam Việt và tới phong trào Phật giáo. Cuộc diễn hành rước Xá Lợi này được tổ chức vào ngày 13.9.1952, khi phái đoàn Phật giáo Tích Lan trên đường đi dự Đại hội Phật giáo Thế giới kỳ II tại Tokyo, ghé lại Sài Gòn và có thỉnh theo một ngọc Xá Lợi để tặng cho quốc gia Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Phật tử Việt Nam được chiêm bái Xá Lợi của Phật và do đó cuộc diễn hành đã trở thành một cuộc tập hợp lớn lao chưa từng có của Phật tử tại Sài Gòn cho tới ngày hôm ấy. Xá Lợi Phật đã được rước từ hải cảng Sài Gòn, đi qua nhiều đại lộ, về tới trường Đại học Bình Dân (Université Populaire) và tôn trí nơi một bàn thờ tại đây trong 24 giờ đồng hồ. Hàng vạn người đã chen chúc tới trong suốt thời gian ấy để được chiêm bái Xá Lợi. Trong cuộc diễn hành, cờ Phật giáo thế giới đã được trương ra, và đây là lần đầu tiên quần chúng thấy được lá cờ năm sắc ấy. Cũng là lần đầu tiên quần chúng tại Sài Gòn được thấy những đoàn thể thanh thiếu niên của Gia đình Phật tử trong sắc phục và cờ hiệu của họ. Hai bên đường có những Phật tử quỳ xuống khi thấy Xá Lợi Phật đi qua: Nhiều người có cảm tưởng thấy Xá Lợi Phật cũng như là được thấy Phật. Báo chí toàn quốc đã nói tới cuộc diễu hành này và Phật tử các nơi cho rằng dân chúng Sài Gòn đã có duyên phước lớn lắm mới được trực tiếp chiêm bái Xá Lợi.

Mai Thọ Truyền đã viết về cuộc diễn hành rước Xá Lợi như sau: “Cuộc biểu diễn êm ái ấy về sau đã gây được nhiều ảnh hưởng hay. Từ Bắc chí Nam, phong trào chấn hưng được mọi nơi tiếp đón nồng hậu, khiến cho phạm vi hoạt động càng ngày càng bành trướng, lấn áp một phần nào uy thế của những chi phái tạp nhạp”[2].

“Những chi phái tạp nhạp” ở đây có lẽ là những tổ chức Phật giáo nhỏ đang cạnh tranh với hội Phật học Nam Việt.

Cộng tác với Giáo hội Tăng già Nam Việt, hội Phật học Nam Việt cũng đã tổ chức những cuộc diễn hành lớn vào những ngày lễ Phật Đản tại thủ đô Sài Gòn, sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm ra lệnh loại ngày Phật Đản ra khỏi những ngày lễ chính thức của quốc gia. Cùng với những cuộc diễn hành lớn lao tại các tỉnh miền Trung, các cuộc diễn hành này muốn gián tiếp nói lên cho chính phủ Ngô Đình Diệm thấy tầm phản kháng của Phật tử Việt Nam đối với chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ.

Với tư cách quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, cư sĩ Chánh Trí từ năm 1968 trở đi đã hoàn thành được thư viện quốc gia tân lập, xúc tiến việc thiết lập Văn khố Quốc gia và Nhà Văn hóa. Ông cũng đã đẩy mạnh công tác của Ủy ban Điển chế Văn tự, lập một Ủy ban Dịch thuật mới mà ông đứng làm chủ tịch, thành lập chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế.

TƯ TƯỞNG PHẬT HỌC CỦA CHÁNH TRÍ

Lấy con mắt văn hóa nhìn vấn đề tam giáo hòa hợp, Chánh Trí viết:

“Đứng về mặt thực hành, phải nhìn nhận rằng chủ trương tam giáo quy nhất rất hợp lý, vì bề ngoài là hòa hợp mà bề trong có chia và chia đây chỉ là chia phạm vi hoạt động và ảnh hưởng thế nào cho cân xứng với tính cách của mỗi đạo. Đại khái, Nho giáo thì lo về nhân sự, tu về thế nào để đi đến chỗ trị bình, còn Phật giáo và Đạo giáo thì lo giải quyết những vấn đề cao siêu hơn.

“Đứng về mặt thuần túy mà xét, sự xáo trộn ba đạo như vừa nói thật không phải là một việc đáng mong, nhưng nếu đứng về kết quả mà luận thì thấy rằng nhờ có sự xáo trộn đó mà lòng người dường như bớt xao xuyến lo âu, tánh tình phong tục mới được tốt đẹp, chưa kể cái việc giúp cho quảng đại quần chúng thâm nhiễm được đôi phần những giáo lý phổ thông mà mỗi đạo cần phải truyền bá vì lợi ích riêng của chính mình[3]”.

Cư sĩ Chánh Trí có một cái nhìn trung dung về hai khuynh hướng tự lực và tha lực trong Phật giáo. Ông cho rằng sự nhiếp thọvà cứu độ của chư Phật và chư Bồ Tát là có thực, nhưng con người phải có nỗ lực thì sự nhiếp thọ và cứu độ ấy mới trở thành hiện thực, như tuyết có sạch, trăng mới in. Ông viết: “Chư Phật và Bồ Tát vì lòng đại từ đại bi luôn luôn sẵn sàng hộ trì cứu độ, nhưng các ngài chỉ cứu độ, hộ trì những ai thật sự muốn được nâng đỡ giải thoát mà thôi. Biển khổ chơi vơi, người đang chìm nổi ít ra cũng phải cố với nắm lấy bàn tay tế độ thì họa may vấn đề cứu vớt mới thành. Ngục tù khốn khổ, các cửa dù có mở tung mà phạm nhân không chịu đi ra thì cũng không biết làm thế nào! Nói một cách khác, có sự mong muốn và cố gắng của người tự biết lâm nguy, người muốn cứu mới làm nên việc. Huống chi sự cứu độ hộ trì ở đây thuộc về tâm linh, thì sự cảm thông trên phương diện tâm linh là điều cần yếu. Tuyết có sạch, trăng mới in; tâm ta có trong, tâm Phật mới rọi vào được. Nếu tâm ta như đống tuyết bị bụi đất phủ dày thì đừng mong mặt trăng Phật in lên và làm cho khối tuyết ánh sáng. Thế thì tự lực vốn tối khẩn yếu, tối cần thiết”[4].

Quan niệm về tự lực và tha lực như thế nên Chánh Trí cũng thấy rằng Tịnh độ tông không phải là một tông phái hoàn toàn dựa vào tha lực mà là một giáo lý có đòi hỏi sự thực hành đứng đắn của người hành giả. Sự thực hành giáo lý Tịnh độ cũng phải được căn cứ trên lịch trình Giới Định Tuệ như bất cứ giáo lý nào khác. Ông viết: “Toàn bộ pháp môn Tịnh độ là một phương tiện quyền biến mà công dụng định tâm để cho tâm được thanh tịnh thật là lớn lao và không đoán trước được”.[5]

Ông lại viết: “Tuy pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh được trình bày như con đường “dễ đi” nhờ có sức cứu độ của Phật, thật ra không phải dễ hoàn toàn đâu và muốn đi đến đích cũng chẳng phải hoàn toàn ỷ lại vào tha lực mà được đâu. Dễ là đối với con đường của Thiền tông là con đường mà hành giả phải tự cường tự lực, nhưng niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn, cho đến được “tam muội” hay chánh định, hành giả cũng phải nỗ lực rất nhiều, phải phấn đấu với chướng ngại ráo riết. Cái tha lực nhiếp thọ của Phật hình như chỉ được đưa ra với dụng tâm khuyến khích hành giả, để hành giả vững tâm mà trỗi bước”.[6]

Chánh Trí cho rằng sự vãng sinh về Cực lạc của Phật giáo hoàn toàn không giống với sự sanh lên Thiên Đường của Cơ Đốc giáo. Mục đích về Cực lạc là để gần Phật mà tu hành cho tới bậc “bất thối chuyển” chứ không phải để hưởng những sự sung sướng của một cõi Thiên Đường. Bản chất và mục đích của niệm Phật là sự định tâm, là sự tĩnh tâm và một khi tâm đã định và đã tịnh thì trí tuệ và hào quang phát sinh. Ông viết:

Trong kinh Tịnh Độ có nói: Lúc lâm chung mà ai chuyên tâm niệm Phật nhất tâm bất loạn thì Phật A Di Đà và Quan Âm Thế Chí đến rước về Cực lạc. Có người nghĩ rằng đây là một lối nói tượng trưng. Lúc lâm chung mà giữ tâm định được vào niệm Phật thì tâm người ấy đã “tịnh hóa” hoàn toàn rồi, bức màn vô minh đã bị xé tan, do đó nguồn ánh sáng bên trong của tự tánh Di Đà phát huy hực hỡ. Nguồn ánh sáng ấy và nguồn ánh sáng vô biên của vũ trụ tiêu biểu bởi Phật A Di Đà đồng một thể tánh, cho nên khi người mạng chung thấy ánh sáng ngập trời trước mắt mình, ngỡ là Phật A Di Đà từ phương Tây đến tiếp độ, không dè đó là Phật A Di Đà của tự tánh mình hiển hiện ra”[7].

Đó là quan niệm “Di Đà tự tính, Tịnh độ duy tâm”. Có lẽ cư sĩ Chánh Trí còn e ngại chút ít khi nói lên những nhận xét trên cho nên ông mới thêm bốn chữ “có người nghĩ rằng”. Rất có thể cái-người- nghĩ-rằng-ấy là chính ông vậy. Cư sĩ Chánh Trí là một người thông minh và có tài suy luận diễn dịch. Các tác phẩm Địa Tạng Mật Nghĩa Pháp Hoa Huyền Nghĩa của ông, nhờ tài suy luận diễn dịch này, đã chứa được nhiều nhận xét khá đặc thù có thể gây nhiều hứng thú cho người đọc. Ông lại là một người giỏi về hành chánh và có địa vị trong xã hội, cho nên chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ông đã đặt được cơ sở cho hội Phật học Nam Việt khắp các tỉnh miền Nam. Ông đã làm hội trưởng hội Phật học Nam Việt suốt từ năm 1955 đến năm 1973. Điều đáng tiếc là ông đã không đem được tài tổ chức hành chánh của ông mà xây dựng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ khi giáo hội này được thành lập vào năm 1964. Cố nhiên một giáo hội mới được thành lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phải có những khuyết điểm về mặt tổ chức và ông có quyền chỉ trích những khuyết điểm đó. Tuy nhiên, ông chỉ có thể xây dựng được cho giáo hội bằng cách đứng bên cạnh những người tăng sĩ và cư sĩ đã từng là đồng chí của ông trong suốt mười ba năm trời làm Phật sự, nghĩa là đứng hẳn vào trong giáo hội. Đằng này ông đã để hội Phật học Nam Việt đứng riêng ra và do đó ông đã không có cơ hội nào để trực tiếp xây dựng cho giáo hội cả. Từ năm 1964 trở đi, hội Phật học Nam Việt trở thành một tập đoàn lẻ loi, không có tăng già lãnh đạo, cho tới ngày ông mất.

Tuy vậy, cư sĩ Chánh Trí khi mất đi đã để lại thương tiếc cho rất nhiều Phật tử, tăng sĩ cũng như cư sĩ. Nữ sĩ Mộng Tuyết, ngày xưa từng là học trò của ông, đã đi câu đối:

“Đêm đẹp, trăng cười viên mãn

Đất lành, hoa nở từ bi.”

Và ghi ở dưới: “Sương phụ Đông Hồ, Mộng Tuyết, học trò cũ của thầy nơi Hà Tiên, luôn luôn ghi nhớ ơn thầy”.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết những dòng cảm niệm như sau:

“Trong thập niên đầu thế kỷ

hoa mai đã nở một lần

để rụng màu thanh vẻ quý

giờ đây giữa buổi phong trần

Nhưng cũng giờ đây lại nở

bên trời Cực lạc Tây phương

năm cánh mai vàng rực rỡ

ba Xuân khi nguyệt tròn gương[8]

Hoa nở hai lần… rũ sạch

bụi hồng trên giả thân xưa

cõi Phật dâng tròn cốt cách

bận chi mùa nắng mùa mưa

Chỉ xót cành Nam cành Bắc

cùng chung một nỗi u hoài

ai đó trước song mài mực

gió lay còn tưởng bóng ai

Người ấy, hỡi ơi, vừa khuất

đã hay tuổi thọ danh truyền

dễ mấy kiếp tu mà được

Sao lòng ai vẫn sầu lên.

Nghe về mấy ngã sơn xuyên

rồi đây Xuân quạnh tiếng quyên não nùng”.

Trong các câu đối điếu có đôi câu đối sau đây của cư sĩ Lý Học:

Cụ trượng phu tướng, cụ phúc đức tướng, cụ từ bi tướng, tướng tướng viên mãn;

Hiện cư sĩ thân, hiện tể quan thân, hiện trưởng giả thân, thân thân trang nghiêm.”

Dịch:

“Đủ tướng trượng phu, đủ tướng phúc đức, đủ tướng từ bi, tướng nào cũng viên mãn,

Hiện thân cư sĩ, hiện thân tể quan, hiện thân trưởng giả, thân nào cũng trang nghiêm.”

 

CHƯƠNG XXXIII: CHÙA LINH QUANG VÀ CHÙA TỪ ĐÀM Ở TRUNG VIỆT

CHÙA LINH QUANG VÀ SƠN MÔN TĂNG GIÀ Ở TRUNG VIỆT

Thiền sư Mật Khế, như ta đã biết, là một trong những vị giảng sư đầu tiên của hội An Nam Phật học. Ông lại còn có công trong việc xây dựng tổ chức Sơn môn Tăng già và thành lập các trường Sơn môn Phật học và An Nam Phật học. Sư đệ của ông là thiền sư Mật Thể đã đóng góp nhiều về phương diện biên khảo và dịch thuật, và cũng đã từng lớn tiếng hô hào “cải tổ sơn môn” gây nên nhiều phản ứng lớn trong giới tăng già, phản ứng thuận cũng có mà nghịch cũng có. Sự tham dự của Mật Thể vào Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng là một hiện tượng mới trong Phật giáo.

Ngoài hai vị đệ tử này, thiền sư Giác Tiên chùa Trúc Lâm còn có hai vị đệ tử khác cũng đã đóng góp khá nhiều cho việc xây dựng đoàn thể tăng già tại Thừa Thiên và Trung Việt. Đó là các thiền sư Mật Hiển và Mật Nguyện.

Từ cuối 1946 trở đi, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên đã bắt đầu hoạt động trở lại với sự cố gắng của hai thiền sư huynh đệ này. Thiền sư Mật Hiển kế thế trú trì chùa Trúc Lâm, còn thiền sư Mật Nguyện được sơn môn chỉ định về trú trì chùa Linh Quang. Chùa này bắt đầu từ năm 1951 đã chính thức trở thành trụ sở trung ương của Sơn môn Tăng già Thừa Thiên và Trung Việt.

Chùa Linh Quang được xây dựng năm 1852, và thiền sư Liễu Triệt là tổ khai sơn[9]. Chùa được thiền sư Nguyên Cát chùa Quốc Ân đảm nhiệm trách vụ trú trì từ năm 1882 sau khi thiền sư Liễu Triệt mất. Năm 1914 thiền sư Đắc Cần kế vị thiền sư Nguyên Cát. Năm 1920, thiền sư Phước Hậu kế vị thiền sư Đắc Cần.

Năm 1944 các lớp đại, trung và tiểu học của trường Sơn môn Phật học được dời về chùa Linh Quang và thiền sư Trí Thủ được giao phó trách nhiệm giám viện của trường và trú trì của chùa. Tháng Sáu năm 1946, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên quyết định dời trường về chùa Báo Quốc, và trách vụ trú trì chùa Linh Quang được giao phó cho thiền sư Mật Nguyện.

Năm 1947 trong khi thiền sư Trí Thủ khai giảng Phật học đường Trung Việt tại chùa Báo Quốc thì các thiền sư Mật Hiển tại Trúc Lâm và Mật Nguyện tại Linh Quang cũng bắt đầu tích cực xây dựng tổ chức Sơn môn Tăng già Trung Việt. Thiền sư Mật Nguyện được Sơn môn Thừa Thiên cử làm chánh trị sự vào đầu năm 1951. Trong thời gian liên lạc với tăng sĩ các tỉnh ở Trung Việt để thành lập Sơn môn Tăng già Trung Việt ông ra công trùng tu ngôi chùa này. Mùa Đông năm 1951, đại biểu tăng sĩ quy tụ về chùa Linh Quang để họp đại hội đồng. Sơn môn Tăng già Trung Việt được thành lập từ đại hội đồng này và thiền sư Mật Hiển chùa Trúc Lâm được công cử làm trị sự trưởng. Thiền sư Tịnh Khiết được suy tôn làm Tùng Lâm Pháp Chủ. Văn phòng của Sơn môn Tăng già Trung Việt cũng được đặt tại chùa Linh Quang.

Mùa hè năm 1952, Sơn môn Tăng già Trung Việt tổ chức một mùa kết hạ an cư tại chùa Linh Quang cho tăng sĩ đại biểu từ các tỉnh miền Trung về. Mùa kết hạ này đã thắt chặt được mối đồng tâm giữa các sơn môn địa phương và trung ương. Từ đó năm nào tại chùa Linh Quang cũng có tổ chức an cư kết hạ cho chư tăng. Đầu năm 1960 vì nhu cầu mới, chùa Linh Quang lại được trùng tu một lần thứ hai để có đủ cơ sở cho sự hành đạo của sơn môn.

THIỀN SƯ MẬT NGUYỆN

Thiền sư Mật Nguyện đảm nhiệm trách vụ trị sự trưởng Sơn môn Tăng già Trung Việt từ năm 1954. Ông rất xứng đáng trong trách vụ này, vì ngoài học lực vững chãi về nội điển, ông còn có tài tổ chức và hành chánh. Ông sinh năm 1911 tại làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Tên đời của ông là Trần Quốc Lộc. Năm 1926 ông xuất gia theo hầu thiền sư Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm và được thế độ năm 19 tuổi, pháp danh là Tâm Như. Ông được theo học trường Sơn môn Phật học ở Tây Thiên. Năm 1937 ông vào Bình Định thọ đại giới đàn Tịnh Lâm ở lại học thêm nội điển với thiền sư Phước Huệ chùa Thập Tháp. Năm 1946, ông khởi sự lập chùa Bảo Tràng Huệ Giác tại Hòa Tân (Bình Định), nhưng chiến tranh đã phá hủy công trình này. Về Huế, ông được Sơn môn Thừa Thiên giao phó trách vụ trú trì chùa Linh Quang trong đại hội ngày 10.4.1946.

Ông được mời làm giảng sư cho hội An Nam Phật học từ hồi hai mươi tuổi, khi còn là sa di. Đầu năm 1951, ông làm chánh trị sự Sơn môn Thừa Thiên và cuối năm ấy được mời dạy tại Phật học đường Báo Quốc. Năm 1954, ông được bầu cử làm trị sử trưởng Sơn môn Tăng già Trung Việt. Ngày 10.9.1959, trong đại hội Giáo hội Tăng già Toàn quốc kỳ II, tại chùa Ấn Quang Sài Gòn, ông được bầu làm trị sự phó Giáo hội Tăng già Việt Nam kiêm nhiệm chức vụ ủy viên nghi lễ của giáo hội này.

Năm 1964, ông được mời làm phó đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại miền Vạn Hạnh. Năm 1965, Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn mời ông vào ban giảng huấn. Năm 1968 ông được công cử vào chức vụ chánh đại diện Miền Vạn Hạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kiêm chánh đại diện tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế. Ông đã dịch các kinh Giải Thâm Mật Vô Lượng Thọ, tác phẩm Tân Duy Thức Luận của Thái Hư và viết một số bài đăng trong các tạp chí Viên Âm, Giác Ngộ Liên Hoa. Ông tịch ngày 18.8.1972 tại chùa Linh Quang Huế, thọ 62 tuổi. Sau khi ông mất, chùa Linh Quang được đặt dưới sự chăm sóc của sư huynh ông là thiền sư Mật Hiển, lúc ấy đang làm đặc ủy tăng sự của Tỉnh Giáo hội Thừa Thiên.

Sơn môn Tăng già Trung Việt từ năm 1959 đã cho phát hành nguyệt san Liên Hoa do thiền sư Đôn Hậu chùa Linh Mụ làm chủ nhiệm và thiền sư Đức Tâm chủ bút. Tòa soạn của tạp chí này được đặt tại chùa Diệu Đế. Cộng tác với tạp chí này có nhiều vị tăng sinh đang du học tại ngoại quốc.

CƯ SĨ CHƠN AN

Hội Việt Nam Phật học, hậu thân của hội An Nam Phật học, bắt đầu được hoạt động từ 1948 và đặt trụ sở tại số 1B đường Nguyễn Hoàng, Huế. Cư sĩ Chơn An Lê Văn Định được mời làm hội trưởng đầu tiên của hội. Những nhân vật hoạt động nhất của hội đều là những người đã từng hoạt động trong hội An Nam Phật học cũ, trong đó có các ông Vương Hưng Luyến và Nguyễn Văn Quỳ.

Cư sĩ Chơn An là một nhà cựu học, đã từng làm tuần vũ tỉnh Phan Thiết trong chính phủ Nam Triều. Ông đã từng được học Phật với thiền sư Giác Tiên và thiền sư Phước Huệ. Năm 1948 ông là một nhân sĩ không giữ chức vụ nào trong chính quyền. Ông là người rất thiết tha với vấn đề thống nhất Phật giáo. Trong thời gian phục vụ tại hội Việt Nam Phật học, ông đã xúc tiến mạnh mẽ việc Việt hóa và thống nhất hóa nghi lễ của giới cư sĩ. Nhiều bài sám văn, tác bạch và phát nguyện văn trong cuốn Nghi Thức Tụng Niệm của giới cư sĩ (được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chuẩn y năm 1964) đã được ông biên soạn. Thiền sư Thiện Siêu, giảng sư của hội Việt Nam Phật học và trú trì chùa Từ Đàm, đã giúp ông tận lực trong việc biên soạn những văn kiện nghi lễ này.

Ông thọ giới Bồ tát tại gia ở Giới Đàn Phật học Viện Nha Trang năm 1958, lúc ông được 78 tuổi. Nhân dịp này ông đã viết bài phát nguyện sau đây, đầy ý thức cảnh giác và phản tỉnh:

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Trót lầm mê đắm đuối hình hài

Đếm đốt đã sáu tuần thêm sáu tuổi

Triều quận trong ngoài rong ruổi

Nợ áo xiêm luồn cúi lấy làm vinh

Bởi căn trần bưng bít tâm linh

Không thấy đạo bồ đề cao cả.

Vạn pháp duyên sanh đô thị giả

Toán lai danh lợi hữu hoàn vô

Bể trần ai sóng dợn lô nhô

Cảnh phù thế cái vui lồng cái khổ

Thân tập nhiễm không sớm lo tự độ

Đợi kiếp nào cho hiển lộ Pháp thân?

Trước đài sen Vô Thượng Năng Nhân

Sụp mình lạy nguyện làm đệ tử:

Giới Bồ Tát con thề trọn giữ

Đời đời noi đại sự độ sanh

Mong cho thế giới an lành.[10]

Cư sĩ Chơn An chỉ làm hội trưởng hội Việt Nam Phật học trong ba niên khóa đầu. Đến năm 1950, thiền sư Trí Thủ được bầu làm hội trưởng hội Việt Nam Phật học.

GIỚI TĂNG SĨ ĐỨNG RA ĐẢM NHIỆM GUỒNG MÁY LÃNH ĐẠO

Đây là lần đầu tiên một vị tăng sĩ đứng ra làm hội trưởng của một hội Phật học. Từ đây trở đi, chức vụ hội trưởng hội Việt Nam Phật học luôn luôn được đảm nhiệm bởi các phần tử tăng già. Diễn biến này là một sự kiện rất đáng chú ý. Các chức vị trong Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sau này đều do các phần tử tăng già đảm nhiệm: Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà là một diễn biến hợp lý. Tại miền Trung, cơ sở của Phật giáo đã được xây dựng rất sớm ở cấp huyện và xã một cách vững vàng. Ở Thừa Thiên, có thể nói rằng không nơi nào là không có tổ chức khuôn hội niệm Phật đường. Khuôn hội tức là tổ chức của hội Việt Nam Phật giáo ở đơn vị xã. Khi cơ sở của Phật giáo đã được tổ chức khá hoàn bị như thế thì sự chờ đợi và mong mỏi của tín đồ ở cấp lãnh đạo cũng tăng trưởng một cách đáng kể. Các thiền sư trong lúc giảng dạy và hóa đạo đã chứng tỏ học thức và khả năng lãnh đạo của mình, do đó, người tín đồ bắt đầu nhìn vào họ như những bậc lãnh đạo thực sự và hoan hỉ thấy họ ngồi ở cấp tổng trị sự hơn là thấy những Phật tử cư sĩ cũng “cư sĩ” như mình.

Thiền sư Trí Quang lên làm hội trưởng hội Việt Nam Phật học từ năm 1954. Năm sau, tuy đại lão thiền sư Giác Nhiên đứng ở cương vị hội trưởng, ông vẫn thực sự điều khiển công việc của hội trong vai trò phụ tá. Trí Quang là một trong những tăng sĩ đã được đào tạo tại trường An Nam Phật học, và đã tốt nghiệp trường này. Năm 1954, ông đã 31 tuổi, nghĩa là đã khá trưởng thành để đảm nhiệm một trách vụ lãnh đạo. Thiền sư Trí Nghiễm mà sau này được biết dưới pháp hiệu Thiện Minh đã được gửi về các tỉnh cao nguyên và bình nguyên miền Nam Trung Việt để củng cố lại cơ sở của hội Việt Nam Phật học từ năm 1949. Trí Nghiễm cũng tốt nghiệp một lần với Trí Quang và năm Trí Quang được 31 tuổi thì Trí Nghiễm cũng đã 33 tuổi. Đó là những vị tăng trẻ tuổi, xuất sắc cả về phương diện nội điển lẫn tài năng tổ chức. Thiền sư Trí Nghiễm đã xây dựng được cơ sở vững chắc cho hội Việt Nam Phật học tại các tỉnh Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Khánh Hòa, Phan Rang và Phan Thiết. Thiền sư Trí Quang từ năm 1954 đến 1957 trong khi giữ trách vụ hội trưởng tổng trị sự hội Việt Nam Phật học đã cho tái bản tờ Viên Âm và tích cực sáng tác và biên khảo. Tờ Viên Âm do một tay ông chủ trương vừa chăm sóc vừa biên tập. Ông dịch Luận Chỉ Quán, Luận Đại Thừa Khởi Tín rồi biên tập Cuốn Sách Nhỏ Của Người Xuất Gia Cuốn Sách Nhỏ Của Người Tại Gia. Hai “cuốn sách nhỏ” này nói lên được ý hướng của ông về vấn đề đào tạo những người Phật tử tăng già và cư sĩ mẫu mực. Về “mẫu mực” của người xuất gia, ông đưa ra hình ảnh hai vị cao tăng là Huệ Năng và Cưu Ma La Thập và biên tập các cuốn Ngài Huệ Năng Ngài La Thập. Rồi ông dịch Luận Đại Trượng Phu, biên tập Lịch Sử Truyền Bá Phật Giáo, Vang Bóng Đức Từ Phụ. Ông cũng dịch Từ Bi Thủy Sám Pháp, Dược Sư Sám Pháp Lương Hoàng Sám Pháp.

Đồng thời với Trí Quang và Trí Nghiễm còn có Trí Đức (tức là thiền sư Thiện Siêu), cũng là người cùng tốt nghiệp trường An Nam Phật học. Ở chức vụ trú trì chùa Từ Đàm, thiền sư Thiện Siêu làm giảng sư cho hội Việt Nam Phật học, giảng dạy tại Phật học đường Báo Quốc và biên tập tạp chí Viên Âm. Ông tiếp tục công trình dịch và chú thích kinh Lăng Nghiêm mà cư sĩ Tâm Minh làm được nửa chừng trên tạp chí Viên Âm cũ. Kiến thức về nội điển rất vững chãi, ông bắt đầu dịch các kinh trong bộ Trường A Hàm, kinh Pháp Cú và một số các tác phẩm Phật học viết bằng văn bạch thoại như Nhất Cá Khoa Học Giả Nghiên Cứu Phật Kinh Đích Báo Cáo của kỹ sư Uông Trí Biểu. Khi Phật học viện Hải Đức ở Nha Trang được thành lập năm 1956, ông được mời làm đốc giáo.

Thiền sư Thiện Minh (tức Trí Nghiễm) sau khi xây dựng cơ sở vững chãi cho Phật giáo tại các tỉnh miền Nam Trung Việt đã trở về Huế và làm hội trưởng của tổng trị sự hội Việt Nam Phật học từ năm 1958 đến 1962. Về phương diện tài tổ chức và hành chính, thiền sư Thiện Minh xuất sắc hơn cả hai vị đồng liêu của ông là Trí Quang và Thiện Siêu. Ông là một người thông minh, đối cơ nhanh chóng. Trong những buổi đại hội đồng khó khăn ông thường được mời làm chủ tọa bởi vì ít ai hơn được ông trong trách vụ ấy. Năm 1963 chính ông đã đứng làm trưởng phái đoàn Ủy ban Liên pháp Bảo vệ Phật giáo để thương thuyết một phái đoàn liên bộ của chính phủ Ngô Đình Diệm, và đã dồn phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và các vị bộ trưởng cùng đại biểu chính phủ vào thế phải ký bản Thông Cáo Chung, trong đó những yêu sách của Phật giáo đã được chính phủ làm thỏa mãn. Thời gian 1958 – 1962 là một khoảng thời gian khó khăn trong đó áp lực của chính quyền Ngô Đình Diệm càng lúc càng trở nên nặng nề đối với Phật giáo đồ.

PHẬT GIÁO ĐƯỜNG BÁO QUỐC

Phật học đường Báo Quốc do thiền sư Trí Thủ chủ trìlà một đạo tràng rất hưng thịnh. Từ năm 1950 trở đi, Phật học đường này đã bắt đầu thu nạp nhiều học tăng từ Hà Nội và Sài Gòn gửi tới. Trong số các giáo sư giảng dạy tại Phật học đường, có các thiền sư Bích Phong, Mật Nguyện, Đôn Hậu, Trí Thủ, Quang Phú, Trọng Ân, Hoằng Thơ, Trí Quang và Trí Đức. Phật học đường này đã cung cấp giảng sư cho các tỉnh hội Phật học miền Trung, cố vấn giáo lý cho các đơn vị Gia đình Phật tử và giáo sư Phật pháp cho các tư thục Bồ Đề.

CÁC TRƯỜNG TƯ THỤC BỒ ĐỀ

Thiền sư Trí Thủ cũng giữ trách vụ ủy viên hoằng pháp cho hội Việt Nam Phật học khi hội này được tái lập năm 1948. Năm 1952, ông đặt đá cho ngôi trường trung học tư thục Bồ Đề đầu tiên của hội Việt Nam Phật học tại thành nội Huế. Từ đó về sau, các trường tư thục Bồ Đề được liên tiếp dựng lên ở các tỉnh hội và chi hội khắp miền Trung cho các cấp tiểu học và trung học. Những trường này đều do các tỉnh hội và chi hội của hội Việt Nam Phật học quản trị. Tại các trường Bồ Đề, một giờ Phật pháp hàng tuần được thiết lập trong chương trình giáo dục, ở cấp tiểu học cũng như ở cấp trung học. Trường Bồ Đề trở nên một môi trường mới cho sự hoằng pháp và giáo dục thiếu nhi trên tinh thần đạo Phật. Theo báo cáo của Tổng vụ Giáo dục Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1973, thì số lượng các trường tư thục Bồ Đề toàn quốc trong năm này lên tới 163 trường.

Trong số những người đứng ra tổ chức và quản trị các trường tư thục Bồ Đề, người ta thấy có nhiều huynh trưởng của tổ chức Gia đình Phật tử, một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên nằm trong phạm vi tổ chức của hội Việt Nam Phật học.

TỔ CHỨC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Tổ chức Gia đình Phật tử đã được thai nghén từ năm 1943 khi đoàn Phật học Đức Dục dưới sự hướng dẫn của cư sĩ Lê Đình Thám bắt đầu tổ chức và giáo dục các đoàn “Đồng Ấu Phật Tử” theo phương pháp sinh hoạt thanh niên. Những đơn vị tổ chức được gọi là những Gia Đình Phật Hóa Phổ.

Năm 1947, sau ngày tan vỡ mặt trận của kháng chiến Huế, một số các đoàn viên cũ của các Gia Đình Phật Hóa Phổ họp nhau tại nhà của cư sĩ Phan Cảnh Tú để tìm lại không khí đầm ấm trước chiến tranh. Nhờ đó, tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ được tái lập. Hai gia đình đầu tiên là gia đình Hướng Thiện do cư sĩ Phan Cảnh Tú làm phổ trưởng và gia đình Gia Thiện do cư sĩ Nguyễn Văn Phiên làm phổ trưởng. Năm 1948, khi hội Việt Nam Phật học đặt trụ sở tại ngôi nhà số 13 đường Nguyễn Hoàng thì tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ cũng đặt trụ sở và mở niệm Phật đường tại đây. Ngày mồng tám tháng Chạp âm lịch năm ấy, Gia Đình Phật Hóa Phổ tổ chức lễ thành lập chính thức tại chùa Từ Đàm. Nhiều gia đình khác được tiếp tục thành lập sau Hướng Thiện Gia Thiện, như Chơn Tri, Hương Từ, Hương Đàm… Ban hướng dẫn hồi ấy gồm có các cư sĩ Võ Đình Cường, Phan Cảnh Tuân, Văn Đình Hy, Cao Chánh Hựu, Phan Xuân Sanh, Hoàng Thị Kim Cúc, Tịnh Nhân, Tống Hồ Cầm, Đặng Tống và Lê Văn Dũng. Những trại huấn luyện được tổ chức để đào tạo cán bộ hướng dẫn và điều khiển các gia đình. Cư sĩ Võ Đình Cường, tác giả sách Ánh Đạo Vàng, là người đóng vai trò quan trọng nhất trong công trình tái lập và phát triển tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ. Ông giữ trách vụ Trưởng ban Hướng dẫn của tổ chức này.

Tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ phát triển rất mau chóng và lan rộng tới miền Nam và miền Bắc. Ngoài Bắc, các cư sĩ Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lãm, Vũ Thị Định tạo dựng các cơ sở đầu tiên cho Gia Đình Phật Hóa Phổ tại Hà Nội và Hải Phòng. Trong Nam, các cư sĩ Tống Hồ Cầm và Nguyễn Văn Thục xây dựng các đơn vị Gia Đình Phật Hóa Phổ trong phạm vi hội Phật học Nam Việt.

Năm 1951, hội nghị toàn quốc của Gia Đình Phật Hóa Phổ được triệu tập tại Huế và danh hiệu của tổ chức được đổi thành Gia đình Phật tử. Một nội quy trình đã được đại hội này soạn thảo và chấp thuận.

Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục thiếu nhi quan trọng và có sắc thái độc đáo: Có thể nói đó là một trong những nét đặc biệt nhất của đạo Phật tại Việt Nam. Tại các nước Phật giáo trên thế giới, chưa có tổ chức thiếu nhi nào đông đảo và có tổ chức khéo léo như thế. Vào năm 1973, số lượng vừa huynh trưởng vừa đoàn viên của tổ chức này đã lên quá mức 200.000 người. Làm cố vấn giáo lý và giảng sư cho các Gia đình Phật tử đầu tiên là các vị học tăng trung học của Phật học đường Báo Quốc. Tài liệu học Phật đầu tiên cho thanh thiếu niên là tập Phật Pháp do các học tăng Minh Châu, Đức Tâm, Thiên Ân, Chân Trí và Trí Không soạn, xuất bản vào năm 1950.

Môi trường hành đạo, với sự thành lập khuôn hội tại các đơn vị xã và sự thiết lập các trường Bồ Đề và tổ chức Gia đình Phật tử, đã trở nên quá rộng lớn.

CÁC CƠ SỞ TĂNG HỌC

Số lượng tăng sĩ được đào tạo tại Phật học đường Báo Quốc và các ni viện tại Huế không đủ để làm thỏa mãn một phần mười nhu cầu hành hóa. Các Phật học đường khác tại các thị xã lớn như Nha Trang, Đà Nẵng và các lớp tu nghiệp cho tăng sĩ tại trụ sở Sơn môn Tăng già tại các tỉnh đã được tuần tự thiết lập để đào tạo và cung cấp thêm cán bộ tăng sĩ cho môi trường hành đạo càng ngày càng phát triển ấy.

Phật học đường Phổ Đà ở Đà Nẵng đã được thiền sư Trí Hữu quản đốc. Phật học đường Bảo Tịnh ở Tuy Hòa được thiền sư Trí Thành điều khiển. Phật học đường Nha Trang do thiền sư Huyền Quang giám đốc từ đầu năm 1956. Đến năm 1958, Phật học viện Trung Phần được thiết lập tại chùa Hải Đức Nha Trang do thiền sư Trí Thủ làm giám đốc và thiền sư Thiện Siêu làm đốc giáo. Phật học đường Nha Trang được sát nhập vào Phật học viện này và thiền sư Huyền Quang trở thành tổng thư ký của Phật học viện. Tại chùa Thập Tháp ở Bình Định, thiền sư Kế Châu cũng thiết lập Phật học đường Phước Huệ.

NI SƯ DIỆU HƯƠNG VÀ NI VIỆN DIỆU ĐỨC

Ni viện Diệu Đức tại Huế được xây dựng từ năm 1932. Ni viện này được đặt dưới quyền giám đốc của ni sư Diệu Hương. Tùng lâm này từ năm 1934 trở đi đã trở nên hưng thịnh và đã quy tụ trên dưới 100 ni sinh, trong số đó có nhiều vị từ trong Nam và ngoài Bắc đến tham học.

Ni sư Diệu Hương tên đời là Nguyễn Thị Kiều, sinh năm 1884 tại làng Dạ Lê Hạ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Hồi 16 tuổi, bà được vua Thành Thái triệu vào cung, phong làm Mỵ tân. Năm 20 tuổi bà sinh hạ được một hoàng nữ rất xinh đẹp. Nhưng đến năm 1915 khi vua Thành Thái bị đi đày và hoàng nữ chết vì bệnh, bà liền xin xuất gia học đạo với thiền sư Thanh Thái lúc ấy trú trì chùa Tường Vân. Bà thọ đại giới năm 1924 tại giới đàn chùa Từ Hiếu. Năm ấy bà được 40 tuổi.

Sau khi thọ đại giới, bà tu học tại chùa Trúc Lâm cùng với các ni sư Chơn Hương và Giác Hải dưới sự hướng dẫn của ni sư Diên Trường. Năm 1928, ni viện Diệu Viên ở huyện Hương Thủy được thành lập, tự trưởng là ni sư Diệu Viên đã thỉnh bà về lãnh đạo ni chúng ở đây. Bên cạnh chùa Diệu Viên, một viện cô nhi được tạo lập lấy tên là Tịnh Lạc.

Năm 1932, một tập thể ni chúng được thành lập tại chùa Từ Đàm. Bà được mời về lãnh đạo sự tu học cho đại chúng.

Đến năm 1934 ni viện Diệu Đức được thành lập, bà lại được mời về trong chức vụ tọa chủ. Bà tiếp tục lãnh đạo tùng lâm Diệu Đức cho đến năm 1971 thì viên tịch. Bà thọ được 88 tuổi. Đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đưa tiễn bà bằng hai câu đối sau đây, được khắc vào cửa tháp:

“Trừng trược nhi thanh, việt tam kỳ ư đương niệm

Phản bội nhi viên hướng, bát kỉnh vu kim sinh.”

Ni sư Thể Yến, thượng túc của bà lên làm viện chủ ni viện Diệu Đức. Ni sư Thể Yến tên đời là Tuyết Sơn, quê ở Nghệ An, xuất gia tại chùa Diệu Viên dưới sự hướng dẫn của bà từ năm 1930. Trong số những danh ni đệ tử của ni sư Diệu Hương còn có các ni sư Thể Quán, Thể Thanh, Thể Tín, Thể Thuyền… vị nào cũng đảm trách những Phật sự quan trọng trong ni bộ.

Những ni sư hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực cứu tế xã hội xuất thân từ ni viện Diệu Viên là Viên Minh, Thể Quán, Thể Thanh và Cát Tường. Hoạt bát nhất trong các danh ni là ni sư Diệu Không. Bà tên là Hồ Thị Hạnh, sinh năm 1905 tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Bà xuất gia năm 1938 tại chùa Trúc Lâm, theo học với thiền sư Giác Tiên, pháp danh là Trừng Hảo. Bà thọ đại giới năm 1944 tại giới đàn chùa Thiền Tôn do thiền sư Giác Nhiên chủ tọa. Bà đã theo học Phật học đường của sơn môn tại các chùa Trúc Lâm và Tây Thiên.

Năm 1928, khi chưa xuất gia bà đã có công vận động xây cất ni viện Diệu Viên và nhà Tịnh Lạc cho trẻ mồ côi ở Hương Thủy. Năm 1932, cùng với các nữ cư sĩ Ưng Dinh, Ưng Bàng và một số Phật tử hữu tâm khác, bà cũng đã vận động mua đất tại thôn Bình An để thành lập chùa Diệu Đức. Bà cũng đã cùng các bạn lữ vận động yểm trợ cho ni chúng tu học tại chùa Từ Đàm, cho đến khi chùa này trở thành hội quán của hội An Nam Phật học.

NHỮNG TẠP CHÍ PHẬT HỌC

Trước khi các tạp chí Viên Âm của hội Việt Nam Phật học và Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Việt ra đời, tại Huế đã có đặc san Phật Giáo Văn Tập và tạp chí Giác Ngộ. Đặc san Phật Giáo Văn Tập được xuất bản lần đầu vào ngày Phật Đản 1947, do cư sĩ Tráng Đinh chủ trương. Cư sĩ Tráng Đinh là một người có lòng đối với nền văn học Phật giáo; ông đã liên lạc với các cây bút tăng sĩ và cư sĩ hồi đó để đề nghị sáng tác và đã đứng ra xuất bản văn tập này ba tháng một lần với phương tiện tài chính do chính ông vận động. Phật Giáo Văn Tập ra đời trước khi hội Việt Nam Phật học được thành lập. Đến năm 1949, ông vận động xin phép xuất bản tạp chí Giác Ngộ, mời nhà văn Võ Đình Cường làm chủ bút, còn mình thì đứng làm chủ nhiệm kiêm quản lý. Tờ Viên Âm ra đời đầu năm 1950, do cư sĩ Chơn An Lê Văn Định đứng làm chủ nhiệm, thiền sư Trí Quang làm chủ bút và cư sĩ Tôn Thất Tùng làm quản lý.

Viên Âm chuyên về khảo cứu giáo lý, khác hẳn với Giác Ngộ có tính cách văn nghệ và thời sự. Cộng tác với Giác Ngộ, ngoài Võ Đình Cường còn có Nguyễn Hữu Ba, Cao Khả Chính, Nguyễn Khắc Ngữ, Tống Anh Nghị, Trương Tú, Trinh Tiên và Lê Bối.

Viên Âm là cơ quan chính thức của hội Việt Nam Phật học; thiền sư Trí Quang cũng đã viết trong tạp chí này với những bút hiệu như Thích Kim Sơn và Thích Thuyền Minh. Các thiền sư Thiện Siêu, Thiện Minh, Mật Nguyện và cư sĩ Chơn An đều có cộng tác với tạp chí này.

Tạp chí Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Việt được xuất bản năm 1959, do thiền sư Đôn Hậu đứng làm chủ nhiệm và thiền sư Đức Tâm đảm nhiệm trách vụ chủ bút. Tạp chí này có sự cộng tác của nhiều học tăng đang du học tại ngoại quốc. Ngoài phần giáo lý, tạp chí cũng đăng nhiều bài có tính cách văn nghệ. Tạp chí này đình bản vào năm 1966.

Tại Đà Lạt, từ năm 1950 đã có tạp chí Hướng Thiện do thiền sư Thiện Minh chủ nhiệm. Đến năm 1951, tạp chí này đình bản. Một tạp chí khác ra đời lấy tên là Liên Hoa, do cư sĩ Huỳnh Văn Trọng chủ nhiệm. Tạp chí này được một tổ chức Phật tử trí thức tên là Phật Giáo Thiện Hữu trợ lực về phương diện tài chính. Trong tổ chức này có những cư sĩ như Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Minh Tâm, André Migot và Pierre Marti. Bác sĩ Migot đã gây nhiều chấn động trong giới Công giáo vì tác phẩm Phật Giáo Với Văn Minh Âu Tây, trong đó ông chủ trương nên để cho người Á Đông theo tôn giáo của họ là Phật giáo và chấm dứt truyền bá Cơ Đốc giáo trong xã hội họ. Cư sĩ Pierre Marti, pháp danh là Long Tử, đã từng diễn thuyết về Phật giáo tại các chùa cao nguyên trung phần bằng tiếng Việt. Ông là quản lý cho tập san Liên Hoa từ 1951 đến 1954. Chủ bút của tạp chí này là thiền sư Nhất Hạnh.

THIỀN SƯ ĐÔN HẬU

Thiền sư Đôn Hậu, chủ nhiệm tạp chí Liên Hoa, sinh năm 1904 tại làng Xuân An, phủ Triệu Phong, Quảng Trị. Ông tên là Diệp Thuần, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Tây Thiên, theo học với thiền sư Tâm Tịnh. Ông là em đồng sư của thiền sư Giác Tiên. Pháp danh của ông là Trừng Nguyện. Xuất gia được một năm ông đã được thọ đại giới tại giới đàn Từ Hiếu tổ chức năm 1923 do chính bản sư của ông làm hòa thượng đàn đầu.

Ông đã được học Phật với các thiền sư Huệ Pháp, Viên Thành, Hồng Khê và Phước Huệ. Năm 25 tuổi, ông theo thiền sư Phước Huệ vào chùa Thập Tháp ở Bình Định để học Phật trong một năm. Sau đó ông trở ra Phật học đường Tây Thiên và tốt nghiệp năm 1936. Từ 1932, ông đã được mời làm giảng sư hội An Nam Phật học. Năm 1938 ông được mời làm giáo sư cho Phật học đường và luật sư cho Sơn môn Thừa Thiên. Năm 1945, ông được ủy nhiệm trú trì chùa Linh Mụ và làm hội trưởng hội An Nam Phật học. Năm 1946, ông làm chủ tịch Phật giáo Liên Hiệp Trung Bộ. Đến năm 1947, ông bị quân đội Pháp bắt giữ và tra tấn trong nhiều tuần lễ. Nếu không có bà Từ Cung mẹ của vua Bảo Đại can thiệp thì ông đã bị quân Pháp đưa ra xử bắn.

Năm 1951, Sơn môn Tăng già Trung Phần mời ông giữ chức giám luật. Năm 1952, khi Giáo hội Tăng già Toàn quốc được thành lập tại Hà Nội, ông cũng được mời giữ trách vụ giám luật. Ông làm chủ nhiệm tạp chí Liên Hoa từ 1959 đến 1966. Năm 1963 ông bị chính phủ Ngô Đình Diệm giam giữ vì tham gia tích cực vào phong trào chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ này. Năm 1964, ông nhận chức Chánh Đại Diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại miền Vạn Hạnh. Năm 1975 ông được thỉnh vào Hội đồng Trưởng lão của giáo hội và làm chánh thư ký cho viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

[1] Ta sẽ có dịp nói nhiều về đời hai vị cao tăng này.

[2] Mai Thọ Truyền: Le Bouddhisme Au Vietnam, édité par un groupe d’amis de l’auteur, Sài Gòn, 1962.

[3] Sách đã dẫn.

[4] Tạp chí Từ Quang, số161 (1.1966), bài Tuyết Sạch Trăng In.

[5] Từ Quang, số 239 (tháng 1.1973), bài Khảo Cứu Về Tịnh Độ Tông.

[6] Báo đã dẫn.

[7] Từ Quang, số 237 (tháng Mười một 1972), bài Khảo Cứu Về Tịnh Độ Tông.

[8] Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có lẽ là người đầu tiên đem hoa mai trồng ở nước Cực Lạc.

[9] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển II, trang 233.

[10] Nguyệt san Phật Giáo Việt Nam, số 20 và 21, năm Mậu Tuất (1958).