Việt Nam Phật giáo sử luận

Chương 21: Thiền Sư Hương Hải

TỪ THIỀN TĨNH VIỆN ÐẾN ÐẠO TRÀNG NGUYỆT ÐƯỜNG

Trong lúc Chân Nguyên thiền sư đang chủ trì đạo tràng ở Long Ðộng và Quỳnh Lâm thì tại lưu vực sông Xích Ðằng tỉnh Hưng Yên, thiền sư Hương Hải cũng đang chủ trì một đạo tràng lớn: đó là đạo tràng của chùa Nguyệt Ðường. Thiền sư Hương Hải vốn xuất gia tu học ở Ðàng Trong, nhưng vì có sự hiểu lầm lớn giữa ông và chúa Nguyễn Phúc Tần nên ông đã lấy thuyền đi ra Ðàng Ngoài để hành đạo.

Tài liệu về Hương Hải phần lớn được lấy từ trong sách Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Ðôn. Hương Hải vốn là người làng Áng Ðộ huyện Chân Phúc (sau đổi là Chân Lộc rồi Nghi Lộc) tỉnh Nghệ An. Ông tổ bốn đời của thiền sư là Trung Lộc Hầu đã theo Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ miền Nam từ giữa thế kỷ thứ mười sáu. Hương Hải sinh năm 1627; ông vốn là người thông minh, năm mười tám tuổi đã đậu cử nhân và được tuyển vào làm trong phủ chúa Nguyễn. Sau đó ông được bổ đi làm tri phủ Triệu Phong, Quảng Trị. Năm hai mươi lăm tuổi ông được làm quen với một vị thiền sư Trung Hoa tên là Viên Cảnh lúc bấy giờ đang hành đạo tại Quảng Trị, và bắt đầu để thì giờ học hỏi về đạo Phật với thiền sư này. Ba năm sau, tức là năm 1655, ông từ quan xuất gia với Viên Cảnh, được thiền sư này đặt cho pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải. Hương Hải còn được học Phật với một vị du tăng Trung Hoa khác tên là Ðại Thâm Viên Khoan.

Sau đó ông lấy thuyền ra đảo Tiêm Bút La (tức là cù lao Ðại Lãnh) ở biển Nam Hải, cắt tranh chặt tre làm một cái am ba gian để tu thiền. Ông ở đây được tám tháng; sau đó vì có những chướng ngại địa phương nên ông bỏ đảo Tiêm Bút La, trở vào lục địa, về quê cũ là làng Bình An Thượng, phủ Thăng Hoa, định cất am tu ở đây. Nhưng dân chúng ở đảo Tiêm Bút La đã phái người đi tìm ông, thỉnh ông trở về đảo. Hương Hải và các đệ tử lại trở ra đảo, và trụ trì ở đây được tám năm, đạo hạnh được nghe biết khắp nơi. Quan trấn thủ Thuần Quận Công thỉnh ông về đất liền để tụng kinh cầu an cho phu nhân và để cho cả gia đình được quy y. Lễ quy y xong ông lại trở ra đảo. Năm 1665, quan Tổng Thái giám Hoa Lễ Hầu lại cho thuyền ra thỉnh ông về đất liền để làm đàn tràng sám hối, cầu cho hết bệnh lao mà ông ta mắc phải trong ba năm. Chúa Nguyễn Phúc Tần nghe tiếng Hương Hải liền cho người đi đón. Lúc ông đến phủ, chúa ra đón vào, hỏi thăm, ủy lạo rồi truyền lập một thiền viện trên núi Quy Kỉnh để ông ở, tên là Thiền Tĩnh Viện. Quốc Thái phu nhân và ba công tử là Phúc Mỹ, Hiệp Ðức và Phúc Tộ đều đến quy y học đạo với ông. Các quan trong triều, nhân dân các tỉnh và những người trong quân ngũ đến xin quy y rất đông, cả thảy hơn 1.300 người. Thiền Tĩnh Viện trở nên một trung tâm Phật giáo nổi tiếng ở Ðàng Trong.

Trong số những người đến quy y học Phật tại Thiền Tĩnh Viện có quan thị nội giám Gia Quận Công. Ông này vốn là người Đàng Ngoài, theo quân Trịnh vào Nam bị chúa Nguyễn Phúc Tần bắt, nhưng được chúa tha cho và cho vào dạy học trong phủ chúa. Ông đến Thiền Tĩnh Viện rất đều để nghe thuyết pháp. Có người ghét ông mới vu cáo cho ông là đang cùng thiền sư Hương Hải âm mưu trốn về Bắc. Chúa Nguyễn Phúc Tần nghi ngờ liền đem Hương Hải ra tra khảo, nhưng tra khảo không ra. Chúa bèn đưa ông vào Quảng Nam, cách Thuận Hóa ba ngày đường.

Vì sự đối đãi ấy của chúa Nguyễn, thiền sư Hương Hải mới quyết định ra Bắc thực. Năm 1682, ông chuẩn bị một chiếc thuyền cùng năm mươi người đệ tử vượt bể ra Bắc. Thuyền ông ghé bến, ông đến trình diện ở đồn Trần Lao với Yên Quận Công Trịnh Gia. Yên Quận Công báo về triều. Chúa Trịnh (có lẽ là Trịnh Căn mới lên thay Trịnh Tạc) cho Ðường Quận Công mang thuyền về đón hết thầy trò về kinh sư. Ðiều tra lý lịch của Hương Hải xong, chúa Trịnh cho thầy trò ông tạm ở dinh trấn thủ Sơn Tây tám tháng, rồi đưa ông về dinh trấn thủ Sơn Nam. Chúa sai quan trấn thủ Sơn Nam lấy ba mẫu đất làm chùa cho Hương Hải. Ðó là vào năm 1683, lúc ông đã được năm mươi sáu tuổi.

Những năm sóng gió đã trôi qua, bây giờ có chỗ ở yên mới, Hương Hải mới nỗ lực tọa thiền. Suốt mười bảy năm ông chuyên tu và sáng tác. Ông chú giải các kinh, dịch và sáng tác bằng tiếng Nôm hơn ba mươi tác phẩm truyền cho đời[1]. Nhiều tác phẩm của ông chưa tìm lại được. Trong số những tác phẩm của ông, có những đề mục sau đây:

Giải Pháp Hoa Kinh

Giải Kim Cương Kinh Lý Nghĩa

Giải Sa Di Giới Luật

Giải Phật Tổ Tam Kinh

Giải A Di Ðà Kinh

Giải Vô Lượng Thọ Kinh

Giải Ðịa Tạng Kinh

Giải Tâm Kinh Ðại Ðiển

Giải Tâm Kinh Ngũ Chỉ

Giải Chân Tâm Trực Thuyết

Giải Pháp Bảo Ðàn Kinh

Quán Vô Lượng Thọ Kinh Quốc Ngữ

Phổ Khuyến Tu Hành

Bảng Ðiều Nhất Thiên

Cơ Duyên Vấn Ðáp Tinh Giải

Sự Lý Dung Thông, thơ

Một số thơ kệ và thiền ngữ của ông được ghi lại trong chương Thiền Dật của sách Kiến Văn Tiểu Lục.

Năm 1700, thiền sư Hương Hải rời chùa trấn thủ Sơn Nam về mở đạo tràng ở chùa Nguyệt Ðường, tổng An Tảo, huyện Kim Ðộng, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Người bốn phương đi về cầu đạo không ngớt. Vua Lê Dụ Tông có lần đón ông về kinh, vời vào nội điện để lập đàn cầu tự và thuyết pháp. Vua rất tôn kính ông, thường hỏi ông về phương pháp tu đạo.

Năm 1714, chúa Trịnh Căn có vào chùa Nguyệt Ðường và cúng dường. Chúa có ngự đề bài thơ sau đây tại chùa Nguyệt Ðường:

Danh lam từng trải đã hay danh

Trình độ này âu hợp chốn trình

Pháp giới chăm chăm tuyên diệu pháp

Kinh lâu rờ rỡ diễn chân kinh

Công nhiều nhà có công vô lượng

Thế thuận vây lên thế hữu tình

Ngán tục chẳng hề mùi tục lụy

Lòng thiền tu cẩn chốn thiền quynh[2].

Ðệ tử xuất gia đắc pháp với Hương Hải rất đông. Thượng túc đệ tử là thiền sư Viên Thông, pháp tự là Chân Lý Ðề Mật. Những người đệ tử cùng mang pháp tự có chữ Chân đứng đầu như Chân Lý Ðề Mật có cả thảy là bảy mươi người, có người được phong chức Tăng Thống. Ðó là những pháp tử của ông. Còn những đệ tử thuộc hàng cháu, pháp điệt, mang pháp tự có chữ Tính thì không kể xiết.

Năm Ất Mùi (1715), sáng ngày 13 tháng 5, sau khi tắm, thiền sư Hương Hải khoác y, đội mũ, đeo tràng hạt, ngồi kiết già mà tịch, thọ 88 tuổi. Thiền sư Phương Trượng xây bảo tháp ba tầng để thờ ông.

Năm 1724, chúa Trịnh Cương truyền mở rộng phạm vi chùa Nguyệt Ðường vì cơ sở hành đạo này đã trở nên chật hẹp. Lúc bấy giờ thiền sư Như Nguyệt, pháp tử của Hương Hải, đứng ra chủ trương sự xây cất, chúa Trịnh Cương cho đo đất xung quanh chùa, thêm vào hơn năm mươi mẫu. Công tác xây dựng kéo dài trong nhiều năm mới hoàn tất.

CON NGƯỜI CỦA HƯƠNG HẢI

Hương Hải có căn bản Nho học trước khi đi xuất gia, vì vậy ông vẫn thường nói đến Nho giáo như là một nền học bổ túc được cho Phật giáo về phương diện trị thế:

Lên tận nguồn Nho trông bát ngát

Vào sâu biển Pháp thấy mênh mông.

(Nho nguyên đãng đãng đăng di khoát

Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm.)

Ông ra đời năm mười tám tuổi, xuất gia năm hai mươi tám tuổi mà mãi đến năm năm mươi sáu tuổi mới có chỗ yên thân để thực hiện sự tu tập. Chính từ năm 1683 đời ông mới hết sóng gió, và ông rất biết ơn đất nước Ðàng Ngoài đã cho ông khung cảnh thanh tịnh để tu học:

Sư tử nằm hang sư tử

Cây trầm mọc trong rừng trầm

Một thân nhờ có càn khôn rộng

Ngày dài tháng rộng đã an tâm.

(Sư tử quật trung sư tử

Chiên đàn lâm lý chiên đàn

Nhất thân hữu lại càn khôn khoát

Vạn sự vô ưu nhật nguyệt trường.)

Tuy vậy, ông vẫn có khi nhớ nhà, nhớ làng, nhớ nơi mình sinh trưởng và lớn lên, nghĩ rằng nhiều kẻ đã không hiểu được sự ra đi của mình:

Là thị là phi ai có biết,

Rằng xuôi rằng ngược lẽ trời hay

Chá cô khúc ấy[3] ca đầy núi

Tưởng nhạc người Hồ mười tám giây. (Hoặc thị hoặc phi nhân mạc thức Thuận hành nghịch hành thiên mạc trắc Mãn sơn nhân xướng Chá cô từ

Thác nhận Hồ gia thập bát phách.)

Bỏ Ðàng Trong ra Ðàng Ngoài lại còn bị chúa Trịnh bắt vẽ địa hình sông núi Thuận Quảng, Hương Hải nghĩ rằng sẽ có một số người chê trách. Ông cho rằng người quân tử có thể hiểu mình còn kẻ tiểu nhân có thể không hiểu mình. Người ta không hiểu mình, càng chê bai công kích mình thì đức độ mình càng thêm dày. Ông viết trong Sự Lý Dung Thông:

Cao nhân chi có nỡ hiềm

Thanh trần hủy dự càng thêm đức dày.

Tuy vậy, niềm vui của sự bình an vẫn lớn. Ông cho sự trở về Ðàng Ngoài của ông với các đệ tử như là một cuộc đoàn viên:

Bể lầu lầu trời thanh nguyệt sáng Hội muôn thiêng một áng đoàn viên Tỏ lòng Ðông độ, Tây thiên

Gần xa đầm ấm, hương thiền nức xông.

(Sự Lý Dung Thông)

Và khi mùa xuân đầu tiên ở đất Bắc về, ông đã không ngần ngại ca tụng cảnh thịnh trị ở Ðàng Ngoài[4].

Thơ ngâm vịnh và thù tạc của thiền sư Hương Hải với các nhà chính trị không phải là phần xuất sắc trong sáng tác của ông. Có lẽ lòng của thiền sư không mấy tha thiết đến những chuyện ngâm vịnh thù tạc ấy. Ông đi tu vì đã chán cảnh quan quyền, cho nên đi lại với quan quyền là chuyện bất đắc dĩ. Thời gian ông đi tu là thời gian mà nhiều chuyện lộn xộn bạo động xấu xa xẩy ra trong phủ chúa Nguyễn. Phu nhân của vị trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ là Tống thị, sau khi chồng mất, đã đem nhan sắc mê hoặc hai người em chồng là chúa Nguyễn Phúc Lan và chưởng cơ Nguyễn Phúc Trung. Tống thị lợi dụng thế lực chúa, bóc lột dân đem về làm của riêng, tích trữ tiền của như núi, làm các bậc công khanh đều tức giận. Chúa lại hay giận dữ, hiếu sát; từng sai chém nhiều người bỏ thây giữa chợ, không cho tra hỏi; kẻ chết oan rất nhiều. Chưởng cơ Nguyễn Phúc Trung sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan chết, lại nghe lời Tống thị âm mưu đảo chính, giết chúa Nguyễn Phúc Tần. Cơ mưu bị vỡ lở, biết bao nhiêu người bị liên lụy. Tình trạng đó đã ăn sâu vào trí óc của viên tri phủ trẻ tuổi; thêm vào đó sự nghi kỵ và đối xử tệ bạc của chúa Nguyễn Phúc Tần đối với vị cao tăng mà trong triều, ngoài nội, thiên hạ từng tới quy y hàng ngàn người, đã khiến cho Hương Hải mất hẳn cảm tình với chế độ Ðàng Trong.

TƯ TƯỞNG THIỀN CỦA HƯƠNG HẢI

Những thi kệ và thiền ngữ được ghi chép trong sách Kiến Văn Tiểu Lục chứng tỏ vào giai đoạn từ 56 tuổi trở về sau, kiến thức và sự tu chứng của thiền sư Hương Hải đã đi tới một trình độ khá sâu sắc. Tuy nhiên ta phải cẩn thận khi xem xét những thi kệ và thiền ngữ này. Ít nhất là hai bài thơ đã chép trong Kiến Văn Tiểu Lục không phải là của Hương Hải. Tác giả bài:

Khô mộc nham tiền sai lộ đa

Hành niên đáo thử tận sa đà

Lộ uyên lập tuyết phi đồng sắc

Minh nguyệt lô hoa bất tợ tha

Liễu liễu liễu thời vô sở liễu

Huyền huyền huyền xứ diệc tu đa

Ân cần vị xướng huyền trung khúc

Không lý thiềm quan yết đắc ma?

không phải là Hương Hải mà là thiền sư Trung Hoa Thanh Nguyên Hành Tư (660 – 740). Ðó là một trong mười bài Thập Huyền Luận, gọi là Chính Vị Tiền. Còn bài:

Cô viên khiếu lạc thiên nham nguyệt

Dã khách ngâm tàn ngũ dạ đăng

Thử cảnh thử thời thùy hội đắc?

Bạch vân thâm xứ tọa thiền tăng!

là của thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (904 – 975) cũng người Trung Hoa, làm trong thời gian ở núi Tuyết Ðậu. Lại còn hai bài thơ khác cũng thấy chép trong sách Kế Ðăng Lục vốn được trước tác trước Kiến Văn Tiểu Lục mấy chục năm. Bài thứ nhất được Như Sơn đưa vào, cho là bài kệ truyền pháp của Minh Lương trao cho Chân Nguyên:

Mỹ ngọc tàng ngoan thạch

Liên hoa xuất ư nê

Tu tri sinh tử xứ

Ngộ thị tức Bồ đề.

Bài thứ hai cũng được Như Sơn đưa vào Kế Ðăng Lục, cho là bài kệ truyền pháp của Chuyết Chuyết trao cho Minh Lương:

Sấu trúc trường tùng trích thúy hương

Lưu phong sơ nguyệt độ vi lương

Bất tri thùy trụ hư danh tự

Mỗi nhật chung thanh tống tịch dương[5].

Tuy Kế Ðăng Lục ra trước Kiến Văn Tiểu Lục, ta cũng nên nêu nghi vấn ở đây, bởi vì giá trị sử học của Kế Ðăng Lục, như ta đã biết, không được bảo đảm cho lắm.

Thiền sư Hương Hải ít ưa lý luận về triết học. Ông chuyên hết tâm ý vào việc thiền quán và vào những phương pháp điều tâm, quán tâm, giải thoát cho tâm. Căn bản của những phương pháp của ông là những nhận thức về liên hệ giữa Phật và chúng sinh, giữa tâm và cảnh, mê và ngộ, thiện và ác.

Liên hệ giữa Phật và chúng sinh

Phật và chúng sinh cùng có chung một thể tính, giác ngộ thì chứng nhập được thể tính ấy. Níu Phật để bỏ chúng sinh thì không bao giờ có thể đạt đạo. Ông nói: “Khi mặt trời lên chiếu sáng thiên hạ, thì hư không không vì đó mà sáng; khi mặt trời lặn, bóng tối bao trùm khắp thiên hạ thì hư không không vì đó mà tối. Sự sáng và sự tối tranh cướp lẫn nhau, còn hư không thì vẫn lặng lẽ tự nó là nó. Tâm Phật và chúng sinh cũng vậy. Nếu quan niệm Phật là thanh tịnh quang minh, quan niệm chúng sinh là dơ bẩn mờ tối, thì có tu qua nhiều kiếp như cát sông Hằng cũng không đạt được giác ngộ”.

Liên hệ giữa mê và ngộ

Nhận thức trên về Phật và chúng sinh đưa đến nhận thức sau đây về mê ngộ: Mê và ngộ cùng có chung thể tính. Ông nói: “Mê và ngộ dựa vào nhau. Chân và vọng vì đối đãi với nhau mà có. Nếu tìm chân mà bỏ vọng thì không khác gì người sợ bóng theo hình mà cứ chạy ở ngoài nắng. Nếu biết rõ vọng là chân thì cũng như đi vào nơi rợp, tự khắc bóng biến mất”.

Liên hệ giữa tâm và cảnh

Tâm và cảnh cũng cùng chung một thể tính. Ðối tượng của nhận thức và chủ thể của nhận thức nương nhau mà hiện hữu. Khi ta đang thấy một cái hoa chẳng hạn, thì nhờ đối tượng là cái hoa mà ta biết rằng chủ thể (cái thấy) cũng đang hiện hữu:

Thấy vật liền thấy tâm

Không vật tâm không hiện.

(Kiến vật tiện kiến tâm

Vô vật tâm bất hiện.)

Bởi thế cho nên thượng sách là trở về chân tâm, vốn là cơ bản của cả tâm lẫn cảnh:

Thấy theo sắc mà hết

Nghe theo tiếng mà bay

Trở về là thượng sách

Hôm qua và sáng nay.

(Nhãn quang tùy sắc tận

Nhĩ thức trục thanh tiêu

Hoàn nguyên đương biệt chỉ

Tạc nhật dữ kim triêu.)

Liên hệ giữa thiện và ác:

Thiện từ tâm sinh ra

Ác cũng từ tâm khởi

Thiện ác vốn không thực

Chỉ có nơi tâm ta

Bỏ ác, đem vứt đâu?

Chứa thiện, cất nơi nào?

(Thiện ký tùng tâm sinh

Ác khởi ly tâm hữu?

Thiện ác thị ngã duyên

Ư tâm thực bất hữu

Xả ác tòng hà khứ?

Thủ thiện, kim thùy thủ?)

Trên căn bản những nhận thức trên, Hương Hải đề nghị phương pháp sau đây:

  1. Không chạy trốn sự vật. Ðối tượng của giác quan như âm thanh, hình sắc, hương vị, v.v… sở dĩ áp đảo được tâm ta vì tâm ta chưa quán sát và thấu đạt được bản chất của tâm cũng như của những đối tượng ấy. Cầu sự an tâm bằng cách chạy trốn sự vật tức là thú nhận sự bất lực của mình. Bản chất của tâm cũng như của sự vật là chân tâm – nghĩa là thực tại không sinh diệt, mà văn học Bát Nhã gọi là không. Nếu tâm đã trở về chân tâm thì cảnh cũng trở về chân cảnh: không cần có sự chạy trốn mà giải thoát trở thành hiện thực. Hương Hải viết: “Phàm người ta phần nhiều vì sự cho nên làm ngăn chặn , vì cảnh mà ngăn chặn tâm, muốn trốn chạy cảnh để tìm sự an tâm, quên sự giữ lý, mà không biết rằng chính tâm của họ ngăn chận cảnh, lý của họ ngăn cản sự. Nếu họ biết làm cho tâm không thì tự nhiên cảnh cũng không, làm cho lý lặng thì tự nhiên sự cũng lặng, cảnh không còn khống chế được tự tâm nữa”. Ðể nêu rõ nguyên tắc không trốn chạy sự vật và không bỏ phàm theo thánh, không bỏ mê theo ngộ, thiền sư Hương Hải đã viết bài thơ sau đây:

Thân vọng tới gương soi bóng

Bóng với thân vọng giống nhau

Chỉ muốn giữ thân bỏ bóng

Vọng thân vốn có thực đâu?

Thân kia với bóng đồng nhất

Một không một có được nào?

Kẻ muốn giữ một bỏ một

Cách xa sự thật biết bao!

Người nào ưa thánh ghét phàm

Sẽ mãi sinh tử phiền não

Phiền não vì tâm mà có

Vô tâm phiền não ở đâu?

Hễ đừng phân biệt chấp tướng

Ðương nhiên chứng được đạo mầu.

(Vọng thân lâm kính chiếu ảnh

Ảnh dữ vọng thân bất thù

Ðãn dục khử ảnh lưu vọng

Bất tri thân tự bổn hư

Thân bổn dữ ảnh bất dị

Bất đắc nhất hữu nhất vô

Nhược dục tồn nhất xả nhất

Vĩnh dữ chân lý tương sơ

Cánh nhược ái thánh tăng phàm

Sinh tử hải lý trầm phù

Phiền não nhân tâm cố hữu

Vô tâm phiền não hà cư?

Bất lao phân biệt thủ tướng

Tự nhiên đắc đạo tu du.)

“Vô tâm phiền não hà cư”! Nếu giữ được trạng thái “vô tâm” thì phiền não không còn chỗ để nương tựa. “Vô tâm”, theo Hương Hải là bí quyết của sự giác ngộ.

  1. Giới luật cao nhất là sự vô tâm. Giới luật không phải là sự cấm đoán không cho con người tiếp xúc với sự vật. Nếu giới luật chỉ là sự cấm đoán ấy thì đó chưa phải là phương thuốc căn bản mà còn là một sự trốn chạy. Giới luật cao nhất là sự quán sát thường trực để có thể ở trong thanh sắc mà thanh sắc vẫn phải phục tòng theo mình: “Biết rằng khi mê thì người đi theo cảnh, cảnh thiên sai vạn biệt và người thì không phải là đồng nhất với mình; khi ngộ thì cảnh đi theo người, người đã nhất trí mà dung hóa được vạn cảnh”. Ông lại nói:

Giới luật của tự tính là giữ thái độ vô tâm đối với vạn pháp,

Trí tuệ của tự tính là giữ thái độ vô ngại đối với vạn pháp,

(Tâm ta vững chãi) không thêm không bớt, như kim cương,

(Thân ta tuy có) đi tới đi lui, cũng vẫn an trú trong định.

(Nhất thiết vô tâm tự tính giới

Nhất thiết vô ngại tự tính tuệ

Bất tăng bất giảm tự kim cương

Thân khứ thân lai bản tam muội.)

  1. Thành Phật ngay trong giờ phút này. “Vô tâm” không phải là sự hờ hững thiếu chú ý. Vô tâm là cái thấy sáng suốt, không mắc kẹt bởi tư kiến và tư dục, không kỳ thị phân biệt; cái thấy không còn bị khuynh hướng nhị nguyên điều khiển. Ðối với cái thấy ấy thì không còn có sự phân biệt chủ thể và đối tượng, tâm và cảnh, mê và ngộ, có và không. Mở mắt mà nhìn thực tại với cái tâm “vô tâm” ấy thì giây phút nào cũng là giây phút giác ngộ, nơi nào cũng là Phật. “Khi sự phân biệt chủ thể đối tượng đã chấm dứt, và chính ý niệm chấm dứt ấy cũng chấm dứt nữa, thì trí tuệ có mặt: tâm niệm nào cũng là Phật, không có tâm niệm nào không phải là Phật, ở đâu cũng thành đạo, không có cõi nào mà không là cõi Phật”. Muốn thực hiện được trí tuệ Bát nhã kia, phương pháp hữu hiệu nhất là sống cuộc sống hàng ngày với sự thức tỉnh:

Trong đời sống hàng ngày không có gì không phải là đạo, hễ tâm an thì đó là thiền.

(Nhật dụng vô phi đạo

Tâm an tức thị thiền.)

Thì ra phương pháp của Hương Hải đề nghị không có gì là rắc rối khó hiểu. Hồi ông được vua Lê Dụ Tông mời vào cung, vua hỏi ông: “Trẫm nghe lão sư học rộng nhớ nhiều, xin thuyết pháp cho trẫm được giác ngộ rành rõ”. Ông không thuyết pháp dài dòng, chỉ xin vua nhớ cho một bài kệ. Bài kệ này có thể tóm tắt được phương pháp của Hương Hải:

Mỗi giây phút trở về nghe ngóng tâm ta

Quan sát và tư duy cho cặn kẽ

Không cần đi tìm tri thức trong mộng

Sau này sẽ thấy mặt Phật trên mặt mình.

(Phản văn tự kỷ mỗi thường quan

Thẩm sát tư duy tử tế khan

Mạc giáo mộng trung tầm trí thức

Tương lai diện thượng đỗ sư nhan.)

Mục đích của sự tu học là giải thoát. Ðức Quan Thế Âm nhờ quán sát ngoại giới, soi thấu bản chất của ngũ uẩn mà đạt được tự do, cho nên được gọi là Quán Tự Tại.

Hương Hải thường khích lệ các đệ tử thực hành theo bài kệ sau đây mà ông rất ưa nhắc lại:

Hãy tự do trong sự thấy, nghe, hay, biết;

Trong khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Hãy an trú nơi chánh niệm;

Như chim trên trời chỉ tự bay

Không lấy, không bỏ, không ưa, không ghét,

Nên giữ thái độ vô tâm trong mọi trường hợp

Thì mới có thể gọi là Quán Tự Tại.

“Vô tâm” là danh từ và phương châm rất đắc ý của Hương Hải. Hình ảnh đẹp nhất về vô tâm là hình ảnh mà ông đã trình bày cho vua Dụ Tông nghe, khi nhà vua hỏi về thâm ý của đạo Phật:

Nhạn bay ngang trời

Bóng chìm đầm lạnh

Nhạn không có ý để lại dấu tích

Nước không có ý lưu giữ bóng hình.

(Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.)

THƠ NÔM CỦA HƯƠNG HẢI

Ðể có ý niệm về thơ Nôm của Hương Hải, ta hãy đọc một đoạn trong Sự Lý Dung Thông:

Những thánh hiền nguồn nhân biển quả

Xưa tu hành trí đã rộng cao

Trong nơi ba cõi ra vào

Mười phương tri thức ai vào khá nghi

Nguyện in thanh hải tịnh trì

Thềm lan bóng trúc hề chi viên ngần

Phên dày nước chảy khôn ngăn

Mây ruổi ngoài trần há động non cao

Sự nài bao hang sâu tiếng dội

Ðèn hãy dùng chớ nỗi chờ trăng

Ðường lên diệu lộ cao thăng

Giải, Hành hai chữ há rằng làm sai.

Tạng Như Lai[6] làu làu thanh tịnh

Nắm hương lòng[7] hằng kính hằng tin

Ðòi phen giải thoát tự nhiên

Dụng chân như trí, gương thiền ráng thâu

Lộc dương theo dấu hay đâu.

Nê ngưu vào biển rộng sâu khôn tìm[8]

Bao nhiêu chim bay về lạc tổ

Mây che ngoài ngõ ổ hang xưa…[9]

Ðạo viên minh ngại chi chân tục

Miễn lòng rồi[10] tri túc thời nên

Năm mươi lăm phẩm dưới trên

Luyện Tam Muội hỏa chí bền Kim Cương

Nhân thiên mấy đấng phong quang

Tam hiền thập thánh một đàng cao siêu

Cày mây, cuốc nguyệt đã nhiều

Chứng vô thượng sĩ[11] danh tiêu mới nồng…

Thiền sư Hương Hải thường được gọi là Tổ Cầu. Ðạo tràng của ông sáng lập và chủ trì cuối thế kỷ thứ mười bảy và đầu thế kỷ thứ mười tám đã trở thành một tùng lâm lớn, một thiền phái lớn mà pháp đăng còn truyền lại mãi cho tới ngày nay.

 

[1] Theo Kiến Văn Tiểu Lục. Theo Thích Trí Hiếu, thì số tác phẩm của Hương Hải là hai mươi cuốn (Ðuốc Tuệ, số 7, ra ngày 21.1.1936, Hà Nội).

[2] Bài thơ này do thiền sư Thích Trí Hiếu, trú trì chùa Xích Đằng Nguyệt Đường cho đăng trong Đuốc Tuệ số 7 ra ngày 21.1.1936 tại Hà Nội.

[3] Chá cô khúc là một điệu hát vui giọng Nam ở Cổ Nhạc Phủ, khiến người miền Nam ở đất khách mỗi khi nghe sinh lòng nhớ nhà. Thơ Hoàng Đình Kiên có câu:

“Trong nhà có khách Giang Nam viếng

Ðừng hát Chá cô theo gió xuân.”

(Tọa thượng nhược hữu Giang Nam khách

Mạc hướng xuân phong xướng Chá cô.)

[4] Thích Trí Hiếu trú trì chùa Nguyệt Quang có cho in trong tập san Đuốc Tuệ (số 7 ra ngày 21.1.1936). Hai bài thơ của Hương Hải, một bài ngâm vịnh cảnh xuân, một bài đề tặng quan trấn thủ Sơn Tây. Sau đây là hai bài ấy, không thấy chép trong Kiến Văn Tiểu Lục:

  1. Tam dương khai thái chuyển hồng quân

Cửu thập thiều quang sắc sắc tân

Dạ tĩnh thanh phong chiêu ngọc lộ

Nhật tình thụy khí ái từ vân

Sơn cao lâm thụ hy kỳ mỹ

Bình địa viên hoa phức úc huân

Xứ xứ nghênh trường ca vạn thọ

Nhân nhân hòa mục vĩnh thiên xuân.

  1. Hướng minh quy mệnh sự quân vương

Yết kiến tôn công khánh thọ đường

Tài dụng kinh luân kiêm đức hạnh

Ân thi lễ nghĩa quý văn chương

Ngoại trừ đạo tặc bình dân ái

Nội dưỡng chinh liêm sĩ tốt cường.

Quyền trấn Nam giao danh tứ hải.

Khuông phù quốc chính lạc quần phương.

[5] Trong Kế Ðăng Lục câu đầu là: “Sấu trúc trường tùng trích thúy hương”, câu thứ ba là: “Bất tri thùy trú Nguyên Tây tự”.

[6] Như Lai Tạng là nền tảng mầu nhiệm của mọi hiện hữu.

[7] Năm thứ tâm hương để cúng dường Phật: giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.

[8] Nê ngưu: Trâu làm bằng đất bùn. Trâu đất bùn đi vào biển không để lại dấu vết.

[9] Nhắc câu “niêm” sau đây của Trần Thái Tông:

Một đám bạch vân qua trước động

Bao nhiêu chim chóc lẩn đường về.

(Nhất phiến bạch vân hoành cốc khẩu

Ký đa quy điểu tận mê sào.)

[10] Lòng rồi tức là lòng rỗi, sự thảnh thơi không bị bó buộc của tâm hồn.

[11] Danh hiệu của Phật.