Việt Nam Phật giáo sử luận

Chương 06: Thiền Phái Vô Ngôn Thông

VÔ NGÔN THÔNG VÀ TRUYỀN THỪA

Năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa sang Việt Nam. Từ đó một thiền phái khác được thành lập mang tên là thiền phái Vô Ngôn Thông.

Vô Ngôn Thông người Quảng Châu, họ Trịnh, xuất gia tu học tại chùa Song Lâm ở Vũ Châu. Tính tình trầm lặng, ít nói, nhưng thông minh, cái gì cũng mau biểu biết cho nên thời nhân đã tặng hiệu là Vô Ngôn Thông. Sách Truyền Đăng Lục gọi là Bất Ngữ Thông. Sách Cao Tăng Truyện (Tam Tập) của Thông Tuệ đời Tống gọi ông là Thông thiền sư.

Một hôm ông vừa làm lễ Phật xong, có vị thiền sư tới hỏi: “Ông vừa lễ gì đó?”. Ông đáp: “Lễ Phật”. Vị thiền sư chỉ vào tượng Phật hỏi: “Phật là cái này đấy hả?”. Ông không đáp. Ðêm ấy, ông mặc y áo chỉnh tề, tìm đến phòng vị thiền giả làm lễ hỏi: “Hồi sáng ngài có hỏi một câu, tôi chưa biết được tôn ý thế nào”. Vị thiền giả nói: “Ông xuất gia tu được bao nhiêu mùa kết hạ[1] rồi?”. Ông đáp: “Mười mùa”. Vị thiền giả hỏi: “Vậy thì ông đã xuất gia chưa?”. Câu hỏi làm ông hoang mang. Vị thiền giả nói: “Có vậy mà cũng không hiểu thì có tu đến một trăm mùa kết hạ cũng vô ích”. Vị thiền giả liền đưa ông đi Giang Tây để tham yết thiền sư Mã Tổ Ðạo Nhất. Không may thiền sư Mã Tổ đã tịch rồi, ông liền đưa Vô Ngôn Thông đi tham yết thiền sư Bách Trượng Hoài Hải tức là đệ tử đắc pháp của Mã Tổ. Lúc bấy giờ có một vị tăng hỏi Bách Trượng: “Con đường giác ngộ cấp thời của Ðại thừa là gì?”. Bách Trượng trả lời: “Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên rọi đến” (tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu). Nghe câu nói này, Vô Ngôn Thông bỗng nhiên đại ngộ. Sau đó một thời gian, Vô Ngôn Thông về lại Quảng Châu, ở tại chùa Hòa An.

Sách Cao Tăng Truyện (Tam Tập) của Thông Tuệ nói rằng ông cũng có một thời gian trú trì chùa Hoa Nam ở Thiều Châu, nơi đây ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng đã từng cư ngụ. Trong thời gian ở chùa Hoa Nam, ông có dạy thiền sư Ngưỡng Sơn học. Thiền sư Ngưỡng Sơn hồi đó mới xuất gia, mười bảy tuổi. Sách Thiền Uyển Tập Anh chép rằng một hôm Vô Ngôn Thông bảo Ngưỡng Sơn: “Chú khiêng cái ghế kia qua đây cho tôi một chút”. Khi Ngưỡng Sơn khiêng ghế tới, ông nói: “Chú khiêng giúp trở lại chỗ cũ”. Ngưỡng Sơn khiêng lại chỗ cũ. Ông lại hỏi Ngưỡng Sơn: “Bên này có gì không?”. Sơn nói: “Không có gì”. Ông lại hỏi: “Còn bên kia có gì không?”. Sơn nói: “Không có gì”. Ông gọi: “Chú ơi”. Sơn đáp: “Dạ”. Ông bèn nói: “Thôi, chú đi đi”. Những câu đối đáp kia chính là những thí nghiệm mà Vô Ngôn Thông đã làm để thử trình độ của Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn sau này còn đi học với Ðàm Nguyên, Ứng Chân và Quy Sơn. Sau này Ngưỡng Sơn thành lập một trong năm thiền phái nổi tiếng ở Trung Hoa là thiền phái Quy Ngưỡng.

Một hôm tại chùa Hòa An, có người hỏi Vô Ngôn Thông: “Ngài có phải là một vị thiền sư không?”. Vô Ngôn Thông đáp: “Tôi chừa từng học về Thiền”. Một lúc lâu, ông gọi tên người kia. Người kia đáp: “Dạ”. Vô Ngôn Thông liền chỉ tay ra một gốc cây thoan lư (gỗ gụ) ngoài sân mà không nói gì[2].

Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 15 đời Ðường (năm 820), Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu qua Việt Nam, ở lại chùa Kiến Sơ, làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Ðây là một ngôi chùa mới được thành lập, ở đó có một vị tăng tên là Lập Đức trú trì.

Vô Ngôn Thông cư trú chùa Kiến Sơ, ngoài hai bữa cơm cháo thì dành hết thì giờ vào việc thiền tọa, xây mặt vào vách, không nói năng gì. Nhiều năm trôi qua như thế, ít ai để ý đến ông: duy chỉ có Lập Ðức thấy phong thái đặc biệt của ông liền hết lòng săn sóc. Do sự gần gũi này mà Lập Ðức tiếp nhận được tông chỉ mầu nhiệm của Vô Ngôn Thông, được ông đổi tên cho là Cảm Thành vào truyền cho tâm pháp. Ông tịch vào năm 826; thời gian cư trú tại chùa Kiến Sơ chỉ có sáu năm.

Trước khi thị tịch, ông gọi Cảm Thành vào và dặn: “Ngày xưa đức Thế Tôn vì lý do lớn[3] mà xuất hiện ở đời. Việc hóa độ hoàn tất, ngài thị hiện Niết bàn. Cái diệu tâm[4] gọi là Chính Pháp Nhãn Tạng[5]Thật Tướng Vô Tướng[6]Pháp Môn Tam Muội[7], ngài đem phú chúc cho đệ tử là Ma Ha Ca Diếp – tổ thứ nhất. Thế rồi đời đời truyền nối, từ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang, vượt bao nguy hiểm để truyền pháp này, qua Lục Tổ ở Tào Khê, người đã từng đạt được chính pháp mà Ðạt Ma truyền đến ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Trong thời gian đó vì người đời còn thiếu hiểu biết và đức tin cho nên phải truyền y bát để chứng tỏ sự đắc pháp. Nay thì đức tin đã thuần thục nên không cần truyền y truyền bát nữa mà chỉ lấy tâm truyền tâm mà thôi. Lúc đó tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng đắc thọ tâm truyền trước, liền truyền lại cho Mã Tổ Ðạo Nhất, Mã Tổ Ðạo Nhất truyền lại cho Bách Trượng Hoài Hải. Ta được tâm pháp của Bách Trượng; đã từng ở lâu phương Bắc tìm người có căn cơ Đại thừa nhưng chưa gặp, nên đã đi về phương nam để tìm bậc thiện tri thức. Nay gặp ông ở đây thật là có duyên đời trước. Vậy hãy nghe bài kệ truyền pháp này:

Bốn phương lồng lộng

Mặc sức huyên truyền

Rằng thỉ tổ ta

Gốc ở Tây Thiên

Truyền kho pháp nhãn

Ðược gọi là “thiền”

Bông hoa năm cánh

Hạt giống lâu bền

Ngàn lời mật ngữ

Vạn câu bản nguyên

Tự nhận tâm tông

Tự cho là Thiền

Tây Thiên là đây!

Ðây là Tây Thiên!

Xưa nay cùng một

Nhật nguyệt sơn xuyên

Vướng vào là mắc

Phật tổ mang oan

Sai một hào ly

Lạc tới trăm nghìn

Nên quan sát lại

Chớ lừa hậu côn

Ðừng hỏi ta nữa

Ta vốn “Vô Ngôn”.

(Chư phương hạo hạo

Vong tự huyên truyền

Vị ngô thỉ tổ

Thân tự Tây Thiên

Truyền pháp nhãn tạng

Viết vị chi “thiền”

Nhất hoa ngũ diệp

Chủng tử miên miên

Tiềm phù mật ngữ

Thiên vạn hữu duyên

Hàm vị tâm tông

Thanh tịnh bản nhiên

Tây Thiên thử độ

Thử độ Tây Thiên

Cổ kim nhật nguyệt

Cổ kim sơn xuyên

Xúc đồ thành trệ

Phật tổ thành oan

Sai chi hào ly

Thất chi bách thiên

Nhữ thiện quan sát

Mạc khiểm nhi tôn

Trực nhiêu vấn ngã

Ngã bản vô ngôn.)

Sau đây là bảng liệt kê mười bảy thế hệ của thiền phái Vô Ngôn Thông:

Thế hệ 1: Vô Ngôn Thông (mất năm 826).

Thế hệ 2: Cảm Thành (mất năm 860).

Thế hệ 3: Thiện Hội (mất năm 900).

Thế hệ 4: Vân Phong (mất năm 959).

Thế hệ 5: Khuôn Việt Chân Lưu (mất 1011) và một người khuyết lục.

Thế hệ 6: Ða Bảo (mất năm?) và một người khuyết lục.

Thế hệ 7: Ðịnh Hương (mất năm 1051), Thiền Lão (mất năm?) và một người khuyết lục.

Thế hệ 8: Viên Chiếu (mất năm 1090), Cửu Chỉ (mất năm 1067), Bảo Tính (mất năm 1034), Minh Tâm (mất năm 1034), Quảng Trí (mất năm 1090), Lý Thái Tông (mất năm 1028), và một người khuyết lục.

Thế hệ 9: Thông Biện (mất năm 1134), Mãn Giác (mất năm 1096), Ngộ Ấn (mất năm 1088) và ba người khuyết lục.

Thế hệ 10: Ðạo Huệ (mất năm 1172), Biện Tài (mất năm?), Bảo Giám (mất năm 1173), Không Lộ (mất năm 1141), Bản Tịnh (mất năm 1177) và ba người khuyết lục.

Thế hệ 11: Minh Trí (mất năm 1190), Tín Học (mất năm 1190), Tịnh Không (mất năm 1170), Đại Xã (mất năm 1180), Tịnh Lực (mất năm 1175), Trí Bảo (mất năm 1193), Trường Nguyên (mất năm 1165), Tịnh Giới (mất năm 1207), Giác Hải (mất năm?), Nguyên Học (mất năm 1174) và hai người khuyết lục.

Thế hệ 12: Quảng Nghiêm (mất năm 1190) và tám người khuyết lục.

Thế hệ 13: Thường Chiếu (mất năm 1203) và sáu người khuyết lục.

Thế hệ 14: Thông Thiền (mất năm 1228), Thần Nghi (mất năm 1216) và ba người khuyết lục.

Thế hệ 15: Tức Lự (mất năm?), Hiện Quang (mất năm 1221) và ba người khuyết lục, trong đó có thể có Ẩn Không, đệ tử của Thần Nghi.

Thế hệ 16: Ứng Vương (mất năm?) và sáu người khuyết lục trong đó có thể có Đạo Viên, đệ tử của Hiện Quang.

Thế hệ 17: Tiêu Diêu (mất năm?), Giới Minh (mất năm?), Giới Viên (mất năm?) Nhất Tông Quốc Sư (mất năm?).

BỐI CẢNH THIỀN HỌC VÔ NGÔN THÔNG

Ðiều nên nói trước tiên là Vô Ngôn Thông, từng tu học trong tu viện của Bách Trượng, đã đem thanh quy của thiền viện do Bách Trượng sáng tác áp dụng vào sinh hoạt thiền viện Việt Nam.

Bách Trượng thiền sư (779 – 803) là tác giả bộ quy chế nổi tiếng về sinh hoạt thiền viện được gọi là Bách Trượng Thanh Quy, được áp dụng trong rất nhiều tu viện thiền tại Trung Hoa và Việt Nam thời ấy. Trước Bách Trượng, các thiền sư chưa có thiền viện riêng, do đó vẫn sống chung trong các Luật viện[8]. Ðến khi đã có thanh quy của thiền môn rồi, Thiền mới bắt đầu tách ra khỏi Luật viện và trở nên một truyền thống hoàn toàn độc lập.

Ta không biết các tu viện Pháp Vân và Chúng Thiện của thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi được tổ chức cách nào, dù ta biết ảnh hưởng Ấn Ðộ trong cách tổ chức thiền viện ở đây rất quan trọng. Hiện giờ, thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi đã đứt đoạn, những di tích về kiến trúc còn lại của các tổ đường thiền phái này không đủ để cho ta có một khái niệm về cách tổ chức tu viện thời ấy. Còn về thiền phái Vô Ngôn Thông dù sự truyền thừa đã chấm dứt vào đầu thế kỷ thứ mười ba nhưng ta có thể biết được sơ lược cách thức tổ chức các tu viện của thiền phái này, bởi vì trong những thế kỷ gần đây, tại Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên, nhiều tu viện còn sinh hoạt theo một bản quy chế phỏng theo bản quy chế của Bách Trượng do Ðức Huy thiền sư đời Nguyên biên tập, bản này gọi là Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy gồm có tám cuốn. Còn bản của Bách Trượng đã mất từ lâu.

Hiện nay các chùa và tu viện lớn có đồ chúng tu học tại Việt Nam vẫn còn theo Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy.

TRUYỀN THUYẾT NAM TÔNG VỀ LỊCH SỬ THIỀN

Ðọc tiểu sử Vô Ngôn Thông, ta biết rằng thiền phái này chấp nhận lối giải thích của thiền phái Nam tông bên Trung Hoa về lịch sử của thiền học. Theo lối giải thích này, tâm truyền của ngũ tổ Hoàng Nhẫn đã được trao truyền cho lục tổ Huệ Năng, còn thiền sư Thần Tú ở Bắc tông không đại diện được cho truyền thống thiền học Bồ Ðề Ðạt Ma.

Thiền phái của thiền sư Thần Tú (606 – 706) thực ra hồi ấy cũng rất hưng thịnh ở miền Bắc Trung Hoa và được giới trí thức tư sản cùng giới chính trị nâng đỡ. Thiền phái của thiền sư Huệ Năng (658 – 713) ở miền Nam có khuynh hướng thần bí, ít thiên trọng trí thức hơn, và được quần chúng đặc biệt ủng hộ. Nhưng truyền thừa Bắc tông ngắn ngủi quá, chỉ trong mấy thế hệ đã bị mai một. Trong khi đó truyền thừa Nam tông đã phát triển mạnh. Thiền sư Thần Hội, đệ tử của Huệ Năng, thấy Thiền tông đã trở nên một tông phái lớn có nhiều uy tín, mới bắt đầu dựng lại lịch sử của Thiền. Ông đã sắp xếp 28 thế hệ thiền ở Ấn Ðộ, bắt đầu từ Ma Ha Ca Diếp cho đến Bồ Ðề Ðạt Ma. Bồ Ðề Ðạt Ma được xem như là vị là tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Ðộ, và sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa. Bồ Ðề Ðạt Ma truyền y bát cho Huệ Khả truyền cho Tăng Xán, Tăng Xán truyền cho Ðạo Tín, Ðạo tín truyền cho Hoằng Nhẫn và Hoằng Nhẫn truyền cho Huệ Năng (mà không phải cho Thần Tú). Thần Hội đệ tử Huệ Năng, cố nhiên là người thừa kế tâm ấn! Vào thời Thần Tú và Huệ Năng thì chưa có phân biệt Nam Bắc và chưa có sự phê phán lẫn nhau, tuy Bắc tông được triều đình công nhận là chính thống trong khi Nam tông được quần chúng ủng hộ. Mãi đến thời Thần Hội mới có sự kỳ thị phân biệt; chính Thần Hội đã mở đầu sự tranh chấp bằng cách chỉ trích lập trường tiệm giáo của Bắc tông. Lập trường này, cho rằng sự giác ngộ phải được thực hiện từ từ và tuần tự, thực ra đã gần với giáo lý của Bồ Ðề Ðạt Ma hơn. Nam tông đã xướng xuất lập trường đốn giáo, theo đó sự giác ngộ có thể thực hiện đột ngột, mau chóng.

Trong lời Vô Ngôn Thông căn dặn Cảm Thành trước khi tịch, ta thấy thiền sư đã lập lại truyền thuyết về lịch sử Thiền tông của Thần Hội, nghĩa là của Nam tông. Trong thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, mãi đến thế hệ thứ mười ba mới thấy có thiền sư Bản Tịch (mất năm 1140) nêu lên vấn đề đốn tiệm, và chủ trương dung hòa hai quan niệm này. Ðây hẳn là do ảnh hưởng của thiền phái Vô Ngôn Thông vậy.

ÐỐN NGỘ VÀ TÂM ÐỊA

Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết đốn ngộ chủ trương con người có thể, trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến. Vô Ngôn Thông, ngay từ buổi đầu tại pháp hội của Bách Trượng, đã nghe một câu hỏi về vấn đề đốn ngộ do một vị thiền giả hỏi Bách Trượng: “Pháp môn Đại thừa nào có thể giúp ta đạt được giác ngộ tức khắc” (Như hà thị đại thừa đốn ngộ pháp môn?). Chính câu trả lời của Bách Trượng đã làm cho Vô Ngôn Thông bừng tỉnh: “Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên chiếu đến”.

Thiền sư Cảm Thành (mất năm 860, đệ tử Vô Ngôn Thông) giải thích rất rõ cho đệ tử là Thiện Hội về thuyết đốn ngộ. Một hôm Thiện Hội vào thiền thất của Cảm Thành và hỏi: “Kinh nói Ðức Thích Ca phải tu hành trong ba A-tăng-kỳ kiếp[9]mới thành tựu được quả vị Phật Như Lai; nay thầy lại dạy thuyết “tức tâm tức Phật”, đệ tử không hiểu, xin thầy chỉ giáo”. Ðó là một câu chất vấn về thuyết đốn ngộ. Cảm Thành hỏi lại: “Chú nói trong kinh nói, vậy đó là ai nói? Nếu là Phật nói, tại sao kinh Văn Thù lại nói: Như Lai ở đời trong 49 năm chưa từng nói một tiếng nào với ai? Với lại Cổ Ðức đã nói: Tìm tòi sự chứng ngộ trong kinh văn thì chỉ thêm u trệ, cầu thành Phật bằng khổ hạnh thì là mê lầm, bỏ tâm mà cầu Phật là ngoại đạo, nắm lấy tâm mà cầu Phật là ma quân”. Thiền Hội hỏi: “Nếu nói vậy thì trong tâm này cái gì là Phật, cái gì không phải là Phật?”. Cảm Thành nói: “Ngày xưa, có người hỏi Mã Tổ Ðạo Nhất: Nếu “tức tâm tức Phật” thì trong tâm ấy cái gì là Phật? Ðạo Nhất trả lời: Ông nghĩ trong tâm ấy cái gì không phải là Phật thì chỉ cho tôi xem nào? Người ấy không nói. Mã Tổ lại nói: Khi đạt ngộ thì cái gì cũng là Phật, khi chưa đạt ngộ thì, cái gì cũng vĩnh viễn sai lầm[10]. Câu thoại đầu đó, chú có hiểu không?”.

Sau sự giải thích đó, Thiện Hội đã hiểu thế nào là đốn ngộ.

Kinh Viên Giác mà nhiều thiền sư trong thiền phái Vô Ngôn Thông (như Viên Chiếu, Tín Học, Tịnh Lực…) rất chuyên trì được mô tả là một kinh dạy về phương pháp đốn ngộ. Kinh này có câu “Thiện nam tử, kinh này gọi là giáo lý đốn ngộ của Đại thừa, những chúng sinh có đốn căn có thể nhờ kinh này mà được khai ngộ”. Có đốn căn ở đây tức là có khả năng lớn về trí tuệ và hành đạo. Ðối lại với đốn căn là tiệm căn, tức là căn trí của những kẻ phải đi từng bước một, trải qua nhiều kiếp tu hành mới dần dần chứng nhập được Phật quả. Kinh Viên Giác là một thiền kinh Đại thừa. Sách Thiền Uyển Tập Anh nói rằng các thiền sư Viên Chiếu (mất năm 1090) và Ngộ Ấn (mất năm 1090) rất am tường phép Tam Quán của Viên Giác, và các thiền sư Tín Học (mất năm 1190) và Tịnh lực (mất năm 1173) đều đắc ngộ Viên Giác Tam Quán. Tam Quán trong kinh Viên Giác là Xa Ma Tha (Samātha), Tam Ma Bạt Ðể (Samāpatli) và Thiền Na (Dhyāna), tất cả đều là những phương pháp thiền định tu chứng.

Thuyết đốn ngộ được căn cứ trên quan niệm tâm địa mà Vô Ngôn Thông được nhắc tới. Chữ địa ở đây có nghĩa là đất. Kinh Tâm Ðịa Quán nói: “Các pháp thiện, ác, ngũ thú, hữu học, vô học, độc giác, Bồ tát và Như Lai đều từ nơi tâm sinh khởi, cũng như các loại ngũ cốc và ngũ quả đều từ đất mọc lên, cho nên gọi là tâm địa”. Tâm địa đã là bản nguyên của vạn pháp (Kinh Lăng Nghiêm nói tới là “tâm địa bản nguyên”) thì một khi khai thông được tâm địa, trí tuệ giác ngộ tự nhiên giác ngộ tự nhiên xuất hiện. Ðó là ý của Bách Trượng trong câu nói “tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu”. Vô Ngôn Thông trước khi tịch đã nhắc lại lời của thiền sư Nam Nhạc (677 – 744) cho Cảm Thành nghe: “Tất cả các pháp từ tâm sinh, nếu tâm không sinh thì pháp làm sao đứng vững được. Nếu đạt được tâm địa thì hành động sẽ hoàn toàn tự do[11]. Ðó là căn bản của lời tuyên bố “tức tâm tức Phật”. Nếu đạt ngộ thì tâm là Phật, pháp là Phật, tất cả những gì từ tâm địa phát sinh đều là Phật, còn nếu không đạt ngộ thì tức là ngoảnh lưng lại với tất cả mọi thực tại giác ngộ. Sự giác ngộ bản tâm là căn bản cho mọi biến cải. Từ thế kỷ thứ ba, Tăng Hội đã nêu lên tính cách thiết yếu của Tâm học và của sự giác ngộ tự tâm như đường lối duy nhất để chứng đạo. Ðể thực hiện sự chứng ngộ này, thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh đến nguyên tắc thiền định vô đắc.

NGUYÊN TẮC VÔ ÐẮC

Vô đắc là không có đối tượng của sự giác ngộ. Trước hết, nó có nghĩa là sự giác ngộ không thể do một ai khác trao truyền cho mình, mà mình phải thực hiện lấy. Thiền sư Nguyện Học (mất năm 1174) thuộc thế hệ thứ 11 của thiền phái Vô Ngôn Thông nói rất rõ về vấn đề này:

Ðạo không có hình tượng

Nhưng nó ở ngay trước mắt ta, không gì làm xa cách

Phải trở về tự tâm mà thực hiện

Chứ không thể đi tìm nơi kẻ khác.

Thiền sư nói tiếp: “Nếu thấy mình có đắc đạo do sự truyền thừa của kẻ khác thì sự đắc đạo đó không chân thật”. Và ông kết luận: “Sự trao truyền tâm ấn của Phật và của tổ phải được hiểu như vậy”[12].

Chính Vô Ngôn Thông trong bài kệ thị tịch để lại cho đời sau cũng nhấn mạnh đến nguyên tắc vô đắc. Ông nói rằng câu chuyện truyền thừa từ Phật sang Tổ phải được hiểu theo nghĩa phương tiện: “Thiên hạ huyên truyền từ bốn phương rằng thỉ tổ của ta gốc ở Tây Thiên, có truyền lại chính pháp nhãn tạng, gọi là Thiền; rằng như một đóa hoa có năm cánh, Thiền tông sinh trưởng ở Ðông Ðộ và gieo hạt giống thiền mãi mãi bất diệt về sau; rằng những mật ngữ có đến hàng ngàn hàng vạn lời kia đều thuộc về truyền thống thiền. Nhưng ta tự hỏi: Tây Thiên là đâu? Tây Thiên chính là đây chứ không ở đâu khác; mặt trời mặt trăng năm xưa chính là mặt trời mặt trăng mà ta đang thấy đây; hễ vướng mắc một từ ngữ là liền bị kẹt và làm oan cho chính Phật và Tổ. Sai một li là đi một dặm. Các vị nên chiêm nghiệm kỹ, đừng để cho thế hệ tương lai trách móc vì bị đánh lạc đường”. Vô Ngôn Thông đã muốn nói rằng sự kiện trao truyền tâm ấn phải được hiểu như một sự trao truyền không-trao-truyền, không có người trao truyền, không có người tiếp nhận sự trao truyền, không có đối tượng trao và nhận. Sự giác ngộ phải do tự mình thực hiện chứ không thể tiếp nhận ở một người khác, dù người đó là Phật hay là Tổ. Thiền sư Ðạo Huệ (mất năm 1172) một hôm bảo thiền sư Tịnh Lực: “Tâm ấn của chư Phật chính ông đã có rồi, khỏi đi theo ai mà tìm cầu nữa”.

Vô đắc cũng là phương pháp thiền quán trong đó người hành giả không chạy theo một đối tượng gọi là sự giác ngộ. Ở đây thiền quán, không còn có người trao truyền và kẻ được trao truyền. Nhưng ở đây cũng không có chủ thể thiền quán và đối tượng thiền quán. Chủ thể và đối tượng là một: Giác ngộ cũng giống như khả năng chiếu rọi sẵn có trong một bức gương; không cần phải đi tìm ngoài tự tâm mình. Nếu có sự tìm đuổi tức là còn bị giam hãm trong thế giới nhị nguyên. Bản chất của giác ngộ là không có cá tính độc lập (không), không có hình thể để nhận biết (vô tướng), không thể theo đuổi và nắm bắt (vô tác). Không, vô tướng vô tác được gọi là ba cánh cửa giải thoát trong đạo Phật (tam giải thoát môn).

Thiền sư Nguyện Học diễn đạt ý này một cách rất đầy đủ trong bài kệ sau đây:

Giác ngộ chân tâm và mở được con mắt trí tuệ rồi

Thì thật tướng của vũ trụ hiển hiện thông suốt trước mắt

Dù khi đi, đứng, nằm hay ngồi như thường ngày

Thì cũng thấy mình có mặt mọi nơi một cách mầu nhiệm

Tuy rằng thực tướng ấy đầy dẫy cả vũ trụ và hư không

Nhưng nhìn lại thì thực tướng ấy không có hình tướng

Ở thế gian không có gì có thể đem ra so sánh với thực tướng ấy

Vì tự thân nó chiếu sáng vĩnh viễn cho vạn vật

Người ta có thể diễn thuyết bất tuyệt về thực tướng huyền diệu này

Nhưng không lời diễn thuyết nào sánh được với hai chữ vô đắc[13].

SỰ SỬ DỤNG THOẠI ÐẦU

Sau khi Cảm Thành nhắc lại cho Thiện Hội nghe câu nói của Mã Tổ Ðạo Nhất “Khi đạt ngộ thì cái gì cũng là Phật, khi không đạt ngộ thì cái gì cũng vĩnh viễn là sai lầm” (đạt thời biến cảnh thị, bất ngộ vĩnh quai sơ), Cảm Thành hỏi Thiện Hội: “Câu thoại đầu đó chú có hiểu không?”. Danh từ thoại đầu, như thế, đã được bắt đầu sử dụng tại Việt Nam vào thế kỷ thứ chín.

Thoại đầu là một câu hay một mẩu đối thoại có tác dụng thúc đẩy hay làm phát khởi sự đạt ngộ nơi tâm tư người thiền giả. Thoại đầu có thể là một câu trích trong kinh điển lời Phật nói, một lời gợi ý của một vị tổ sư hay lời đối đáp của một vị thiền sư. Phương pháp sử dụng thoại đầu bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ chín; Quy Sơn (771 – 853) ở Trung Hoa và Vô Ngôn Thông (mất 826) ở Việt Nam, cả hai đều là học trò của Bách Trượng, đều là những người đầu tiên sử dụng phương pháp thoại đầu này. Ta không thấy ghi chép trường hợp Vô Ngôn Thông sử dụng thoại đầu để dạy đệ tử, nhưng ta được biết Cảm Thành, đệ tử ông, đã biết sử dụng phương pháp ấy[14]. Ðây là một cuộc vấn đáp giữa Ngộ Ấn (mất năm 1090) và một vị tăng:

Vị tăng: Thế nào là đại đạo?

Ngộ Ấn: Ðường lớn.

Vị tăng: Kẻ học nhân này hỏi về đại đạo, hòa thượng lại nói về đường lớn; như vậy ngày nào kẻ học nhân này mới đạt được đại đạo?

Ngộ Ấn: Mèo con chưa biết bắt chuột đâu.

Vị tăng: Mèo con có Phật tính không?

Ngộ Ấn: Không.

Vị tăng: Tất cả các loại có hàm linh, loại nào cũng có Phật tính cả, tại sao hòa thượng lại không có Phật tính?

Ngộ Ấn: Ta không phải hàm linh.

Vị tăng: Nếu không phải hàm linh thì hòa thượng là Phật chăng?

Ngộ Ấn: Ta không phải Phật cũng không phải hàm linh.

Mẩu đối thoại trên đây cho thấy sự cố gắng của cả thiền sư lẫn đệ tử trong việc khai mở trí tuệ của người đệ tử. Bắt đầu ta thấy vị tăng đưa ra câu hỏi về “đại đạo” − đối tượng của giác ngộ, và muốn nghe lời giải thích của Ngộ Ấn về đối tượng của sự chứng đắc này. Ngộ Ấn thấy rằng đưa cho vị tăng một mớ ý niệm trừu tượng về đại đạo thì chẳng có ích lợi gì cho ông ta cả, nên chỉ nói: đường lớn. Câu trả lời này làm vị tăng thất vọng, bởi ông này đang chờ đợi những giải thích có tính cách khái niệm và trừu tượng. Ðường lớn là một hình ảnh cụ thể, là sự sống hiện thực mà không phải là những khái niệm triết học trừu tượng. Vào trường hợp của một căn cơ bén nhạy, hình ảnh này có thể gây xúc chạm để gợi ý chứng ngộ. Nhưng ở đây, vị tăng chỉ tỏ vẻ thất vọng suông: Mũi tên thứ nhất không bắn trúng đích. Ngộ Ấn liền nói: “Mèo con chưa biết bắt chuột đâu”; mục đích để cho vị tăng chiêm nghiệm thêm về thoại đầu “con đường lớn”. Nhưng vị tăng lại nghĩ rằng vị thiền sư chê mình không đủ khả năng để hiểu những lời giải thích về đại đạo nên đã không chịu giải thích. Ông ta liền đem giáo lý Đại thừa ra để chặn thiền sư: “Mèo con có Phật tính không?”. Ngộ Ấn là người giác ngộ, đâu còn bị ràng buộc bởi kinh điển giáo lý nữa, ông nói: “Không”. Vị tăng bắt đầu nghĩ rằng Ngộ Ấn đi lệch khỏi giáo lý nhà Phật, bèn gạn hỏi lại, lần này một cách thiếu cung kính: “Kinh nói tất cả hàm linh đều có Phật tính, tại sao hòa thượng nói hòa thượng (thay vì con mèo) lại không có Phật tính?”. Thiền sư Ngộ Ấn vẫn còn kiên nhẫn: “Ta không phải hàm linh” và sau câu hỏi “Thế ngài là Phật chăng?” ông còn cố gắng lần chót: “Ta không phải Phật cũng không phải hàm linh”.

Ta thấy ngay sự khác nhau giữa hai đàng: Một đàng thì muốn nghe những tư tưởng về đại đạo, một đàng thì muốn kéo người đối thoại trở về thế giới sinh hoạt thực tại và nhấn mạnh rằng đại đạo không nằm trong thế giới tư tưởng mà nằm trong thế giới sinh hoạt thực tại. Một người thì đi tìm những định nghĩa căn cứ trên sự phân biệt, một người thì cố gắng đập gãy lề lối thói phân biệt để hiển lộ thực tại vốn thoát ly danh từ và sự phân biệt. Thoại đầu không cần phải dài dòng bởi thoại đầu là dụng cụ tháo gỡ sự đạt ngộ mà không phải là những giải thích về đạt ngộ. Vân Phong (mất năm 956) hỏi Thiện Hội (mất năm 950):

Vân Phong: Làm sao tránh khỏi sinh tử?

Thiện Hội: Ði vào chỗ vô sinh tử.

Vân Phong: Chỗ vô sinh tử là chỗ nào?

Thiện Hội: Nó nằm ngay trong chỗ sinh tử.

Vân Phong: Làm sao hiểu được?

Thiện Hội: Ði đi, mai sẽ tới gặp lại.

Thiện Hội đưa cho Vân Phong một chiếc chìa khóa “Vô sinh tử nằm ngay sinh tử”. Vân Phong không hiểu được, đòi Thiện Hội giải thích. Nhưng làm thế nào để giải thích một chiếc chìa khóa? Làm thế nào để giải thích một thoại đầu? Nếu Vân Phong có thể hiểu, là ông đã hiểu ngay khi đó; nếu ông không hiểu, đó là vì tâm trí của ông chưa chín, dù có nói thêm hai ba chục câu nữa ông cũng không hiểu. Thà rằng ông về phòng còn hơn. Sáng mai, qua một đêm thiền quán, có lẽ ông sẽ có thể bừng tỉnh được nhờ câu thoại đầu ấy.

Tu viện không phải là một Phật học Viện: Người hành giả phải sống điều mình học và sống bằng thiền quán. Nếu định lực đã mạnh, nếu căn cơ đã thuần thục, thì câu thoại đầu đưa ra có thể khơi mở giác ngộ; nếu căn cơ chưa thuần thục, thì phải trở về với đời sống thiền quán. Một mũi tên bắn ra thì một là trúng đích, hai là trật đích: Nếu hành giả không đạt ngộ ngay lúc đó, là thoại đầu không có hiệu lực. Dù có giải thích cũng vô ích.

Một hôm thiền sư Ðịnh Hương (mất năm 1051) hỏi đệ tử là Cứu Chỉ (mất năm 1067) “Nghĩa cứu cánh[15] là gì, ngươi có biết không?”. Cứu Chỉ trả lời “Không”. Ðịnh Hương nói: “Nghĩa cứu cánh là cái mà ta vừa mới trao cho ngươi đó”. Cứu Chỉ còn đang nghĩ ngợi thì Ðịnh Hương nói: “Ngươi đã bước trượt qua mất rồi!”.

Thoại đầu là thế; thoại đầu như một con sào do thiền sư đưa ra để người đệ tử nắm bắt, có khi bắt được, có khi không bắt được. Mỗi khi “bước trượt qua” là người đệ tử phải trở về với đời sống thường nhật để gia tăng công phu.

THIỀN NGỮ VÀ HÌNH ẢNH THI CA

Thiền sư thường dùng những hình ảnh cụ thể làm phương tiện đưa người hành giả đến sự đạt ngộ. Khi Vô Ngôn Thông được người ta hỏi về thiền và thiền sư, ông đã im lặng lấy tay chỉ vào một gốc cây thoan lư. Thiền Thiền sư trong lãnh vực đàm luận chỉ có thể là những khái niệm trừu tượng; gốc cây thoan lư là một hình ảnh cụ thể của thực tại; nếu nhìn thấy gốc cây thoan lư trong chính thực tại của nó tức đã thâm nhập thế giới thiền và trở thành thiền sư. Các thiền sư không bao giờ muốn đưa học trò mình đi vào thế giới suy luận trừu tượng. Khi Nam Tuyền hỏi Triệu Châu (hai vị thiền sư Trung Hoa thuộc thế kỷ thứ chín) về chủ ý của Bồ Ðề Ðạt Ma khi qua Trung Hoa, Triệu Châu cũng đã chỉ ra ngoài sân và nói: “Nhìn cây tùng ở ngoài sân”. Thiền học, vì vậy rất gần với thi ca ở chỗ chú trọng tới hình ảnh mà xem thường những khái niệm trừu tượng. Thi ca không có hình ảnh thì không còn là thi ca nữa, cũng như đi vào suy luận siêu hình thì thiền không còn có thể là thiền. Cho nên ta không lấy làm lạ khi thấy có những thiền sư dùng những câu thơ làm thiền ngữ. Một thiền sư có tâm hồn thi sĩ tự khắc diễn tả thực chứng bằng thi ca và hướng dẫn thiền giả bằng những hình ảnh thi ca.

Thiền sư Tuyết Ðậu (980 – 1052) ở Trung Hoa là một thi sĩ lớn trong thiền môn. Ông là người đã dựng nên truyền thống lấy hình ảnh thi ca làm thiền ngữ. Sự xuất hiện tại Việt Nam năm 1069 của thiền sư Thảo Ðường, đệ tử thiền sư Tuyết Ðậu, đã khiến cho khuynh hướng thiền ngữ thi ca ảnh hưởng sâu đậm đến thiền học Việt Nam, đặc biệt là trong thiền phái Vô Ngôn Thông. Thảo Ðường đã mang qua Việt Nam các tác phẩm của Tuyết Ðậu vốn thấm nhuần tính chất thi ca, và trong thiền phái Vô Ngôn Thông, nhiều thiền sư như Minh Trí (mất năm 1190) và Quảng Nghiêm (mất năm 1190) rất hâm mộ Tuyết Ðậu Ngữ Lục. Tuy nhiên, trước thiền sư Thảo Ðường, tại Việt Nam có thiền sư Thiền Lão cũng đã dùng những hình ảnh thi ca làm thiền ngữ. Thiền sư Thiền Lão (mất năm 1037) ở chùa Trùng Minh, núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du, sau có về núi Từ Sơn dạy học, học chúng quy tụ có hơn một ngàn người. Vua Lý Thái Tông có vào núi thăm thiền sư. Sau đây là cuộc đối thoại giữa hai người:

Vua: Ngài ở đây từ bao lâu rồi?

Thiền Lão:

Sống trong giờ hiện tại

Ai hay năm tháng xưa?

(Ðản tri kim nhật nguyệt

Hà thức cựu xuân thu?)

Vua: Ngài làm gì hàng ngày ở đây?

Thiền Lão:

Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh

Trăng soi mây bạc hiện toàn chân.

(Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân.)

Vua: Như vậy ý chỉ là gì, xin ngài cho biết?

Thiền Lão: Nói nhiều lời, sợ sau này bất lợi.

Những câu thơ mà Thiền Lão đọc ở đây không phải chỉ là những câu thơ, mà còn là những câu thoại đầu, những lời thiền sư nhằm đánh thức sự tỉnh ngộ của thiền giả. Vua Lý Thái Tông, sau hai câu thiền ngữ, không hiểu được chủ ý của thiền sư và đã hỏi lại. Chính vì tính chất thoại đầu của các câu thơ mà thiền sư đã đáp: Chừng đó lời đã quá đủ, nhà vua chỉ cần tham cứu cho kỹ, nói thêm thì sau sẽ bất lợi (từ đa, vô hậu ích).

Vị thiền sư thi sĩ tài ba nhất của thiền phái Vô Ngôn Thông là thiền sư Viên Chiếu (998 – 1090). Ông họ Mai, tên là Trực, con anh bà Linh Cảm Thái Hậu. Ông rất am tường phương pháp Tam Quán của kinh Viên Giác. Sách Thiền Uyển Tập Anh nói ông thâm đắc “ngôn ngữ tam muội”; các thiền ngữ của ông xuất phát từ thực chứng sâu xa về thiền. Ông là tác giả những cuốn:

Tán Viên Giác Kinh

Thập Nhị Bồ Tát Hạnh Tu Chứng Ðạo Trường

Tham Ðồ Hiển Quyết

Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn

Cuốn Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn được vua Lý Nhân Tông sai sứ thần đem sang tặng vua Triết Tông nhà Tống. Vua Tống giao sách này cho các thiền sư chùa Tướng Quốc xem và bảo có chỗ nào đáng sửa chữa thì sửa chữa lại. Các vị này xem xong thì tâu vua: “Ðây là đấng hóa thân đại sĩ ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, chúng tôi không dám thêm bớt gì nữa”. Vua Tống liền cho sao lại một bản, còn bản chính thì gửi trả lại vua Lý Nhân Tông với những lời khen ngợi. Sau đây là một số thiền ngữ có tính cách thi ca còn được chép lại trong Thiền Uyển Tập Anh, có lẽ là những gì còn lại trong tập Tham Đồ Hiển Quyết, một tác phẩm ghi lại những đề án thiền học. Một vài câu vấn đáp:

Hỏi: Phật và Thánh khác nhau ở chỗ nào?

Ðáp: Cúc trùng dương dưới dậu

Oanh thục khí đầu cành.

(Ly hạ trùng dương cúc

Chi đầu thục khí oanh.)

Hỏi: Kẻ học nhân chưa hiểu, xin thầy dạy lại.

Ðáp: Ngày quạ vàng chiếu rạng

Ðêm thỏ ngọc sáng soi.

(Trú tắc kim ô chiếu

Dạ lai ngọc thố minh.)

Hỏi: Ðã nhận được yếu chỉ

Nhưng huyền cơ ra sao?

Ðáp: Nước đầy bình vạc, chân vô ý

Vấp ngã một lần, hối kịp sao?

(Bất thận hủy bàn kinh mãn xứ

Nhất tao sa điệt hối hà chi?)

Và:

Muốn dìm cho sóng chết

Ai hay thân tự trầm.

(Mạc quán giang ba nịch

Thân lai khước tự trầm.)

Hỏi: Bồ Ðề Ðạt Ma ở núi Thiếu Thất hành đạo đạt đến chỗ huyền diệu sâu thẳm; từ xưa đến nay ai là kẻ thừa kế xứng đáng nhất?

Ðáp: Trời tối sáng soi nhờ nhật nguyệt

Ðất hiểm phân ranh có núi sông.

(U minh càn tượng nhân ô, thố

Khuất khúc khôn duy vị nhạc, hoài.)

Hỏi: Thế nào là một con đường đưa thẳng đến căn nguyên của đại đạo?

Ðáp: Cỏ mạnh đứng bờ cao gió dữ

Nước nhà thời loạn biết trung lương.

(Cao ngạn tật phong tri kỉnh thảo

Bang gia bản đãng thức trung lương.)

Hỏi: Tất cả chúng sinh từ đâu tới và sẽ đi về đâu?

Ðáp: Rùa mù xuyên vách đá

Rùa què leo núi cao.

(Manh quy xuyên thạch bích

Bì miết thượng cao sơn.)

Hỏi: Người ta nói: Khóm trúc xanh xanh kia là Chân như. Vậy công dụng của Chân như là gì?

Ðáp: Ðưa người xa ngàn dặm

Cười tặng một bình trà.

(Tặng quân thiên lý viễn

Tiếu bả nhất bình trà.)

Thiền sư Trí Bảo (mất năm 1190), một thiền sư sống khổ hạnh có đức khiêm nhượng lớn, mỗi khi có người trêu chọc thường chắp hai tay lại, cũng là một thiền sư hay dùng thiền ngữ thi ca. Ông thường ra tay bắc cầu sửa đường mỗi khi gặp cầu hư, đường lở. Trong khi đàm luận với thầy là Ðạo Huệ, ông đã dùng những câu sau đây:

Không nhờ gió cuốn mây trôi hết

Màu xanh sao tỏ một trời thu?

(Bất nhân phong quyện phù vân tận

Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu?)

Và:

Quen biết đầy thiên hạ

Tri âm được mấy người?

(Tương thức mãn thiên hạ

Tri âm năng kỷ nhân?)

Thiền sư Tịnh Không (mất năm 1170) chuyên tu hạnh đầu đà, mỗi lần nhập định lâu tới năm bảy ngày. Có một lần kẻ trộm tới, ông chỉ vào thùng phước sương cho kẻ kia lấy tiền. Ðây cũng là một thiền sư thi sĩ. Người ta hỏi Phật là gì, ông đáp:

Nhật nguyệt trời cao soi mọi cõi

Ai hay mây khói phủ non sông.

(Nhật nguyệt lệ thiên hàm trân sát

Thùy tri vân vụ lạc sơn hà?)

Người kia hỏi: Làm thế nào mà hiểu?

Ông đáp: Mục đồng ngủ mãi lưng trâu nọ

Câu chuyện anh hùng biết được sao?

(Mục đồng kỳ quán ngọ ngưu bối

Sĩ hữu anh hùng khoa đắc y)

Hỏi: Ý chỉ của tổ truyền khác với ý chỉ của giáo lý ở chỗ nào?

Ðáp: Chư hầu vạn nẻo đều xuôi Khuyết.

(Vạn lý thê hàng giai triều Khuyết.)

Hỏi: Hòa thượng có sở đắc đặc biệt tại sao không nói cho chúng con nghe?

Ðáp: Ông thổi lửa, tôi vo gạo.

Ông khất thực tôi mang bình

Ai cô phụ ai đâu?

Một hôm ông họp đại chúng lại đọc một bài thơ sau đây:

Trên không manh ngói che

Dưới không đất cắm dùi

Người xách gậy tìm lại

Kẻ mặc áo lạ tới

Khi hành động xúc tiếp

Như rồng nhảy đớp mồi.

(Thượng vô phiến ngõa già

Hạ vô trác chùy địa

Hoặc dị phục trực nghệ

Hoặc sách trượng nhi chí

Ðộng chuyển xúc xử gian

Tợ long dược thôn nhỉ.)

Có một vị tăng bước ra hỏi: “Ngài nói cái gì thế?”.

Ông cười: Ngày ngày đi gặt hái

Kho lúa vẫn rỗng không!

(Nhật nhật khứ hoạch hòa

Thời thời không thương lẫm!)

Thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi cũng chịu ảnh hưởng lối dùng thiền ngữ thi ca, nhưng ít hơn thiền phái Vô Ngôn Thông. Thiền sư Chân Không (mất năm 1100) giỏi về sử học, cũng đã từng cư trú núi Từ Sơn nơi Thiền Lão dạy học. Những thiền ngữ của ông chứa đầy thi vị. Một hôm có vị tăng hỏi: “Diệu đạo là gì?”. Ông nói: “Giác rồi mới biết”. Người kia nói: “Học nhân chưa hiểu được, xin thầy dạy cho”. Ông nói:

Ðến được động tiên sâu thẳm ấy

Linh đơn đổi xác mới quay về.

(Nhược đáo tiên gia thâm động nội

Hoàn đan hoán cốt đắc hoài quy.)

Hỏi: Linh đơn nào mới được chứ?

Ðáp: Vạn kiếp si mê không hiểu thấu

Sáng nay bừng mở nẻo khai minh.

(Tịch kiếp ngu mông vô động hiểu

Kim thần nhất ngộ đắc khai minh.)

Hỏi: Nhưng khai minh thế nào?

Ðáp: Khai minh thấy hết trần gian nọ

Muôn loại sinh linh thảy một nhà.

(Khai minh chiếu triệt ta bà giới

Nhất thiết chúng sinh cộng nhất gia.)

Hỏi: Người ta nói: “Tuy không biện luận nhưng đâu đâu cũng gặp người”. Người đây là ai?

Ðáp: Lửa cháy tàn rồi, tan sạch hết

Non xanh, mây trắng vẫn còn bay.

(Kiếp hỏa đồng nhiên hào mạt tịnh

Thanh sơn y cựu bạch vân phi.)

Hỏi: Sau khi chết xác thân tan rã rồi thì sao?

Ðáp: Xuân đi xuân đến ngờ xuân hết

Hoa nở hoa tàn cũng lại xuân.

(Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận

Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân.)

Người kia đang suy nghĩ thì ông hét một tiếng và nói:

Bình nguyên sau trận cháy

Cây cỏ càng xanh thơm.

(Bình nguyên kinh hỏa hậu

Thực vật các thù phương.)

Người kia bừng tỉnh bèn lạy xuống.

ẢNH HƯỞNG MẬT GIÁO

Thiền học Vô Ngôn Thông không có màu sắc Mật giáo, nhưng ảnh hưởng của Mật giáo trong thiền phái do ông lập ra cũng khá quan trọng. Ảnh hưởng ấy có thể thấy rõ ở các thiền sư Không Lộ, Giác Hải và Nguyện Học.

Thiền sư Không Lộ đã từng là bạn với các thiền sư Giác Hải và Ðạo Hạnh, đã từng đi Ấn Ðộ học về Mật giáo, và đắc “lục trí thần thông”. Ông họ Nguyễn, tên là Chí Thành, cũng có tên là Minh Không, và được sắc phong là quốc sư sau khi đã dùng pháp thuật chữa lành bệnh cho vua Lý Thần Tông. Năm lên 21 tuổi, vua này mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ: Ngồi xổm và rống như mãnh hổ; triều đình hoảng sợ không biết chạy thầy chạy thuốc làm sao. Lúc ấy ngoài thành có trẻ con bỗng hát bài hát đồng dao rằng:

Nước có Lý Thần Tông

Triều đình vạn sự thông

Muốn chữa bệnh hoàng đế

Phải tìm Nguyễn Minh Không.

Người ta cho đi tìm Không Lộ. Khi người của triều đình đến nơi, ông hỏi: “Có phải là để cứu bệnh hóa cọp đó chăng?” và lập tức cùng sứ giả trở lên kinh đô. Ông đi thẳng đến điện, sai người đun sôi một vạc nước lớn, bỏ một ít cây đinh vào đó, sau lấy nước cho vua tắm, lông lá liền rụng và bệnh vua lành.

Tục truyền là Không Lộ đã có công trong sự tạo thành bốn tác phẩm nghệ thuật lớn thời Lý gọi là tứ đại khí: Tháp chùa Báo Thiên, tượng Phật A Di Ðà chùa Quỳnh Lâm, đỉnh chuông Phổ Minh và chuông chùa Phổ Lại. Bao nhiêu chuyện thần kỳ đã được dựng ra quanh việc Không Lộ tạo dựng những tác phẩm nghệ thuật này. Ví dụ chuyện Không Lộ đi qua Tống xin đồng về đúc chuông, tượng và đỉnh. Với một tay nải, ông đã bỏ vào gần hết kho đồng của nhà Tống.

Thiền sư Không Lộ mất vào năm 1141, hiện còn được thờ ở đền Lý Quốc Sư Từ, huyện Thọ Xương, gần Hà Nội.

Thiền sư Giác Hải lúc nhỏ làm nghề đánh cá, hai mươi lăm tuổi xuất gia, đã từng với Không Lộ học với thiền sư Lôi Hà Trạch. Ông cũng quen với một đạo sĩ tên là Thông Huyền, và đã một lần cùng với Thông Huyền được vua Lý Nhân Tông mời vào cung. Cả hai, sau khi thực hiện phép niệm chú (Thông Huyền) và chú mục ngưng thần (Giác Hải) đã làm rơi hai con cắc kè trên nóc điện, được vua Lý Nhân Tông khen ngợi trong bài thơ sau:

Tâm Giác Hải như hải

Ðạo Thông Huyền thật huyền

Thần thông và biến hóa

Bên Phật bên là Tiên.[16]

Sách Thiền Uyển Tập Anh kể: Một hôm vua Nhân Tông hỏi Giác Hải về thuật “ứng chân thần túc”, ông này liền biến hiện tám cách, nhảy lên trên không, cách mặt đất mấy trượng. Vua và quần thần đều thán phục. Sau này vua Lý Thần Tông có triệu thỉnh, nhưng ông cáo bệnh không vào. Ông mất năm 1138.

Thiền sư Nguyện Học (mất năm 1174) từng theo học với thiền sư Viên Trí chùa Mật Nghiêm; sau khi đắc đạo liền về ở ẩn núi Vệ Linh chuyên tu thiền quán trong 12 năm. Ông thường trì tụng chú Hương Hải Ðại Bi, trị bệnh và cầu mưa không khi nào là không linh nghiệm. Vua Anh Tông thấy sự thần nghiệm, triệu ông vào cung, để ông ra vào tự do, nhưng sau ông cáo bệnh về chùa, dạy học hơn trăm người. Ông là người cực lực chủ trương thuyết vô đắc.

Mật giáo thịnh hành tại Việt Nam từ thế kỷ thứ bảy và thứ tám; tuy thiền phái Vô Ngôn Thông cố sức tự bảo vệ không để cho Mật giáo thâm nhập (Thông Biện rất chống Ðại Ðiên và Bát Nhã) nhưng vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng của giáo lý này. Sự kiện cho ta thấy tầm quan trọng của Mật giáo ở Việt Nam từ ngày Tỳ Ni Ða Lưu Chi đến Việt Nam qua triều Ðinh, Tiền Lê cho đến cuối Lý.

ẢNH HƯỞNG TỊNH ÐỘ GIÁO

Trong câu chuyện về Không Lộ, ta nghe nói đến việc thiền sư tạo nên tượng Phật A Di Ðà của chùa Quỳnh Lâm. Không Lộ mất vào năm 1141 nhưng trước đó 100 năm, vào năm 1057, một tượng Phật A Di Ðà bằng đá cao hai thước rưỡi tây đã được một lang tướng của vua Lý Thánh Tông thực hiện tại núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tượng Di Ðà này vẫn còn ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Bia đá chùa Phật Tích có nói về chuyện này. Vậy thì sự có mặt của giáo lý Tịnh độ ở Việt Nam được đánh dấu chậm lắm là vào khoảng giữa thế kỷ thứ mười một.

Tịnh độ giáo chủ trương niệm Phật để đạt đến nhất tâm bất loạn và cũng để vãng sanh vào nước Cực Lạc của Phật A Di Ðà. Giáo lý niệm Phật được Huệ Viễn khởi xướng ở Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ năm, chú trọng vào phương pháp quán niệm cũng rất gần gũi với thiền định. Trong truyền thống thiền buổi đầu thỉnh thoảng đã thấy có những người áp dụng phương pháp niệm Phật: Tuyên Thập, đệ tử ngũ tổ Hoằng Nhẫn, đã thành lập nhóm “Nam Sơn Niệm Phật Thiền”; Pháp Trì của Ngưu Ðầu Tông cũng là một thiền giả chuyên niệm Phật. Nhưng từ Huệ Năng (thế kỷ thứ bảy) người ta phải đợi đến thế kỷ thứ mười mới có thiền sư Diên Thọ (904 – 975) sử dụng phương pháp niệm Phật. Chịu ảnh hưởng của Mật giáo còn lại của đời Ðường, ông cũng thực hành phương pháp trì chú của Mật giáo nữa. Ta biết rằng thiền học Việt Nam đã từ lâu thấm nhuần Mật giáo; nhưng ta không biết được do cách nào mà giáo lý niệm Phật đã thâm nhập vào thiền phái Vô Ngôn Thông. Ta chỉ có thể nói đây là do sự tiếp xúc giữa các thiền sư phái này với thế hệ tăng sĩ Trung Hoa đệ tử thiền sư Diên Thọ. Nguyên tắc của Diên Thọ là “cõi Tịnh độ ở ngay trong tâm, ngoài tâm không có Pháp” (Duy tâm Tịnh độ, tâm ngoại vô Pháp). Ông có sở trường về kinh Hoa Nghiêm; ông chủ trương “chân tâm duy nhất” và “lý sự vô ngại”.

Sách Thiền Uyển Tập Anh, ngoài việc nhắc đến tượng đồng A Di Ðà do Không Lộ thực hiện, còn nói đến thiền sư Tịnh Lực như một người đã đắc được pháp “niệm Phật tam muội”, tức là một người đã do công phu niệm Phật mà hoàn thành được thiền định. Ông dạy đệ tử là “không nên cầu sự chứng ngộ từ bên ngoài” và “nếu muốn diệt trừ các ác nghiệp thì nên áp dụng phương pháp niệm tụng bằng cả tâm lẫn miệng”. Sự phối hợp giữa Thiền và Tịnh độ sau này sẽ trở nên quan trọng trong đạo Phật tại Việt Nam.

TÓM LƯỢC NHỮNG ÐẶC TÍNH CỦA THIỀN PHÁI VÔ NGÔN THÔNG

Thiền phái Vô Ngôn Thông được truyền thừa trong thời gian bốn thế kỷ (từ đầu thế kỷ thứ chín đến đầu thế kỷ thứ mười ba), trong khi thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi có một lịch sử truyền thừa dài sáu thế kỷ (từ thế kỷ thứ sáu đến đầu thế kỷ thứ mười ba). Thiền phái Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa sâu đậm hơn thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Ảnh hưởng này được thấy trong lối trình bày lịch sử Thiền, trong lối tổ chức tu viện, trong việc sử dụng thoại đầu, và ở chỗ ảnh hưởng Tịnh độ giáo. Các thiền sư trong thiền phái thay vì chỉ dùng các kinh Bát Nhã, đã sử dụng rất nhiều các kinh điển khác như kinh Viên Giác, Pháp Hoa. Họ nhấn mạnh đến chủ trương đốn ngộ vô đắc vốn rất gần gũi với giáo lý thiền phái Nam Phương ở Trung Hoa. Nhưng khác với thiền phái Trung Hoa, thiền phái này, cũng như thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, đã rất gần gũi với đời sống xã hội, tham dự vào đời sống nhập thế trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình.

[1] Mùa kết hạ: Varsās, tức là ba tháng mùa mưa, trong thời gian này chư tăng an cư tĩnh tu không ra khỏi tu viện.

[2] Ý thiền sư Vô Ngôn Thông là thiền hay thiền sư không phải là một cái gì có thể định nghĩa được, như cây thoan lư kia, nhìn thẳng vào đó thì thấy ngay, khỏi cần qua trung gian ngôn ngữ và khái niệm. Thiền là sự tỉnh thức, sự sinh hoạt trong thế giới thực tại, chỉ có thể thể nghiệm mà không thể đàm luận và giảng giải.

[3] Nhất đại sự nhân duyên: Lý do lớn của sự xuất hiện của Phật trên đời, tức là khai mở cho chúng sanh thấy, hiểu, giác ngộ và thâm nhập tri kiến của Phật (khai thị ngộ nhập Phật tri kiến – Kinh Diệu Pháp Liên Hoa).

[4] Diệu tâm: Tâm mầu nhiệm.

[5] Chính pháp nhãn tạng: Kho tàng của cải thấy về chính pháp.

[6] Thật tướng vô tướng: Chân lý không màu sắc.

[7] Pháp môn tam muội: Phương pháp thiền định.

[8] Những tu viện của Luật Tông, lấy giới luật làm căn bản cho giáo lý.

[9] A-tăng-kỳ kiếp: Vô số kiếp.

[10] “Ðạt thời biến cảnh thị, bất ngộ vĩnh quai sơ”.

[11] “Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sinh, tâm vô sở sinh, pháp vô sở trú, nhược đạt tâm địa, sở tác vô ngại”.

[12] Ðạo vô hình tượng

Xúc mục phi diêu

Tự phản suy cầu

Mạc cầu tha đắc

Túng nhiêu cầu đắc

Ðắc tức bất chân.

(lược)

Sở dĩ tam thế chư Phật, lịch đại tổ sư

Ấn thọ tâm truyền, diệc như thị thuyết.

[13] Liễu ngộ chân tâm khai tuệ nhãn

Biến hóa linh thông hiện thực tướng

Hành trú tọa ngọa độc trác nhiên

Ứng hiện hóa thân bất khả lượng

Tuy nhiên sung mãn biến hư không

Quán lai bất biến như hữu tướng

Thế gian vô vật khả tỷ huống

Trường hiện linh quang minh lãng lãng

Thường thời diễn thuyết bất tư nghị

Vô đắc nhất ngôn dĩ vô đương.

(Chú thêm: Trong thơ ca Nguyện Học và một số thiền sư Việt Nam, có sự lẫn lộn ít nhiều với thơ ca của các thiền sư Trung Quốc. Xem Hà Văn Tấn: Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam. Tạp chí Văn học, số 4-1992 – N.H.C.)

[14] Ðây là ví dụ thoại đầu mà Quy Sơn dùng cho Hương Nghiêm, một đệ tử thông minh, học rộng, nhưng chưa có chiều sâu tu chứng: “Tôi không muốn hỏi về những kiến thức của ông. Tôi chỉ muốn hỏi ông xem trong đời sống thường nhật ông đã thấy được gì. Hãy tùy tiện nói ra một câu xem. Ông hãy nói cho tôi nghe trước khi được cha mẹ sinh ra thì mặt mũi của ông như thế nào?”. Hương Nghiêm không trả lời được. Ông nói: “Xin thầy dạy con đi”. Quy Sơn: “Nếu tôi nói kiến giải của tôi cho ông nghe thì có lợi ích gì cho ông đâu!”. Hương Nghiêm về đốt hết sách vở, bắt đầu vào việc thực tế Thiền quán, sau này nhân cuốc đất làm văng một hột sỏi vào thân tre “cốc” một cái, liền thoắt nhiên khai ngộ. Quy Sơn đã dùng một thoại đầu.

[15] Nghĩa cứu cánh: Chân lý tuyệt đối.

[16] Giác Hải tâm như Hải

Thông Huyền đạo hựu Huyền

Thần thông kiêm biến hóa

Nhất Phật nhất thần tiên.