Việt Nam Phật giáo sử luận

Chương 29: Công cuộc chấn hưng ở Bắc Kỳ

BẮC KỲ PHẬT GIÁO HỘI

Bắc Kỳ Phật giáo Hội được thành lập năm 1934. Tuy thành lập muộn hơn các hội ở Nam và Trung, Bắc Kỳ Phật giáo Hội phát triển rất chóng. Chỉ trong vòng một năm mà các chi hội đã được thành lập khắp nơi trên đất Bắc.

Sau khi thấy ở Nam và Trung làm được việc, các thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng và Tâm Bảo từ Hà Đông lên Hà Nội vận động thành lập một hội Phật giáo ở đất Bắc. Cùng với nhà văn Sở Cuồng Lê Dư lúc ấy đang làm quản lý cho chùa Quán Sứ, ba vị bàn luận việc triệu tập một buổi họp tại đây để đặt nền tảng cho việc lập hội. Các ông Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Cung Đình Bính, Trần Văn Giáp, Văn Quang Thùy, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, v.v… đều được mời tới buổi họp này. Tất cả đều đồng ý thành lập một tổ chức lấy danh là Bắc Kỳ Phật giáo Hội và thành lập một ban Quản Trị Tạm Thời để thảo bản điều lệ và quy tắc của hội, đồng thời để vận động giấy phép cho hội. Buổi họp này được tổ chức ngày 6.11.1934.

Ngày 18.11.1934, một đại hội đồng được triệu tập tại chùa Quán Sứ để bầu ban Quản Trị Chính Thức. Tất cả những vị đã tham dự buổi họp đầu tiên đều trở thành hội viên sáng lập của hội. Ban Quản Trị Chính Thức gồm có Nguyễn Năng Quốc, hội trưởng, Nguyễn Văn Ngọc Nguyễn Quốc Thanh, phó hội trưởng, Lê Dư, quản lý, Phạm Mạnh Xứng (tức Đông Phố), thủ quỹ, Trần Văn Phúc, thư ký, Văn Quang Thùy Nguyễn Văn Minh, phó thư ký, Lê Văn Phúc, Cung Đình Bính, Trần Văn Giác Trần Văn Giáp, giám thị.

Trong một buổi họp ngày 5.12.1934, ông Nguyễn Năng Quốc đề nghị mời viên thống sứ Bắc Kỳ là Auguste Tholance làm hội trưởng danh dự của hội, như Hội An Nam Phật học đã mời vua Bảo Đại làm hội trưởng danh dự của hội này. Các nhà học giả có mặt lại đề nghị mời ông George Coedes, giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Francaise d’Extreme Orient) làm hội viên danh dự. Mười ngày sau đó ban quản trị duyệt y bản nội quy của hội và đồng ý thỉnh cầu thiền sư Thanh Hanh lên làm thiền gia pháp chủ. Các ban sau đây được thiết lập để tiến hành công việc của hội:

1/ Ban Chứng Minh Đạo Sư I: Ban này thay mặt thiền gia pháp chủ để chứng minh các buổi lễ.

2/ Ban Chứng Minh Đạo Sư II: Ban này lo việc diễn giảng, giảng kinh, kiểm duyệt kinh điển sách báo Phật giáo.

3/ Ban Cố Vấn thực thụ.

4/ Ban Giáo Sư dạy tăng ni tại trường Phật học của hội.

5/ Ban Giám Viện và Tri Tạng.

6/ Ban Duy Na.

7/ Ban Thư Ký phiên dịch các bài giảng của chư tăng từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ.

8/ Ban Đương Gia, lo về việc chi tiêu.

9/ Ban Ứng Cúng Trợ Niệm.

10/ Ban Hộ Giảng Sách Kinh cho Thiện Tín.

THIỀN SƯ THANH HANH

Ngày 23.12.1934, hội tổ chức đại lễ suy tôn thiền sư Thanh Hanh làm thiền gia pháp chủ. Lễ này có sự tham dự của tất cả các sơn môn lớn ở Bắc Kỳ. Nhiều viên chức của Nam Triều và Bảo Hộ tới dự. Trong dịp này hội Bắc Kỳ Phật giáo làm lễ cúng Phật cuốn kinh Thiện Sinh mới được hội dịch và ấn hành. Sau đây là vài đoạn trích trong các bài diễn văn suy tôn pháp chủ:

“Đạo Phật đã truyền sang nước ta từ đời Hán Đường, rồi trải qua những triều như Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đến nay, kể có ngót hai nghìn năm. Biết bao nhiêu những vị cao tăng đã xuất hiện. Xem trong lịch sử nước nhà, đời Lý, Trần là các đời rất sùng đạo Phật mà người mình thuở ấy không có điều gì tỏ ra là hèn yếu cả. Lại xem như Nhật Bản bây giờ, không mấy người là không theo đạo Phật, thế mà khí thế của họ mạnh mẽ biết là dường nào! Xem vậy thì biết đạo Phật đối với cuộc nhân sinh rất là có lợi…

“Sư tổ nhận ngôi Pháp Chủ, chứng lễ suy tôn, cho chư tăng có chỗ cậy trông, để đồng hội có nơi nương tựa, mang chính giáo thu về một mối, mở từ tâm khắp cả thập phương, rừng thiền cây cả bóng cao, chồi Hồng Lạc càng thêm tươi tốt…”

Trong lời đáp từ, thiền sư Thanh Hanh đã kêu gọi tăng sĩ theo nguyên tắc lục hòa của Phật dạy mà “bỏ hết mọi sự hiềm khích của tông nọ phái kia” để hết lòng chấn hưng Phật giáo.

Buổi lễ chấm dứt bằng bài giảng “Thập Nhị Nhân Duyên” của ông Trần Trọng Kim.

Buổi lễ suy tôn pháp chủ ngày 23.12.1934 đánh dấu chính thức sự phát khởi phong trào vận động chấn hưng Phật giáo ở đất Bắc. Đây là một cuộc lễ tổ chức rất long trọng và quy tụ được đại diện của mọi tổ đình và tông phái Phật giáo. Sự có mặt của các quan chức lớn và của các nhà học giả cựu học cũng như tân học tại buổi lễ cũng đã góp phần gây ấn tượng sâu đậm trong quần chúng.

Một điều ta cần chú ý là sự có mặt của rất nhiều thành phần nhà văn và học giả trong hội Bắc Kỳ Phật giáo.

Trong ban Khảo cứu Phật học thành lập 16.1.1935 mà trưởng ban là Trần Trọng Kim, ta thấy các tên tuổi sau đây: Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Văn Giáp, Lê Dư, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Can Mộng, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Quang Oánh, Nguyễn Văn Tố, Lê Toại, Nguyễn Đỗ Mục, Trần Lê Nhân, Vũ Như Trác và Nguyễn Huy Xương. Ông Nguyễn Trọng Thuật đã đồng ý ở lại Hà Nội để làm việc thường trực cho ban này với tư cách là thư ký của ban. Hội trả lương cho ông hai chục đồng mỗi tháng!

Hà Nội thời ấy là thủ đô văn hóa của đất nước. Sự tham dự của nhà văn và các học giả vào hội Bắc Kỳ Phật giáo không phải là một chuyện tình cờ. Các nhà làm văn hóa thường cảm thấy một cách tự nhiên rằng đạo Phật là một viên đá nền tảng của nền văn hóa Việt Nam, cho nên sự tham dự của họ vào công trình chấn hưng Phật giáo là một cái gì cũng tự nhiên như đói thì ăn, khát thì uống. Xây dựng nền quốc học là hoài bão của rất nhiều trí thức Việt Nam thời ấy, cựu học cũng như tân học, cho nên sự quy tụ của họ dưới một mái chùa chỉ là một sự việc quen thuộc và rất tự nhiên.

Đứng về phương diện văn học dân tộc, hội Bắc Kỳ Phật giáo và báo Đuốc Tuệ đã đóng góp được nhiều hơn các hội khác ở Nam và Trung. Đây chính là nhờ công trình quy tụ của những thành phần nói trên dưới mái chùa Quán Sứ vậy.

Thiền sư Thanh Hanh tên đời là Nguyễn Thanh Đảm sinh năm 1840 ở Hà Nội. Ông xuất gia hồi còn mười tuổi tại chùa Hòa Giai và học với thiền sư trú trì họ Nguyễn ở chùa ấy. Năm mười tám tuổi, ông được gửi về ở chùa Vĩnh Nghiêm để tiếp tục học Phật dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Tâm Viên. Ông tu học rất tinh tiến và trở thành một nhân vật rường cột của tổ đình này.

Sau khi sư huynh ông là thiền sư Thanh Tuyền viên tịch, ông đảm nhiệm trách vụ trú trì Vĩnh Nghiêm. Có thể nói Vĩnh Nghiêm là tổ đình lớn nhất ở Hà Nội. Mỗi năm, khoảng hai trăm tăng sĩ quy tụ về đây để kết hạ và học hỏi giáo lý. Từ lúc trở thành vị lãnh tụ tối cao của tổ đình Vĩnh Nghiêm, thiền sư Thanh Hanh thường được gọi là sư tổ Vĩnh Nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ mười một đời Lý Thái Tổ. Trong hai thế kỷ thứ mười ba và mười bốn, chùa là một trong những cơ sở hành đạo lớn nhất tại kinh sư và Giáo hội Trúc Lâm đã đặt trụ sở tại đây. Vào giữa thế kỷ thứ mười lăm, chùa được thiền sư Chí Tín trùng tu. Dưới triều vua Lê Hiển Tông, vì loạn ly, chùa bị xiêu đổ; sau đó có ni sư Diệu Minh đứng ra trùng tu lại.

Thiền sư Thanh Hanh làm thiền gia pháp chủ được hai năm thì tịch. Ông mất ngày 11.1.1936 tại chùa Vĩnh Nghiêm, thọ chín mươi sáu tuổi.

Sơn môn Bắc Kỳ suy tôn thiền sư Thanh Tường chùa Võ Thạch Hà Nội lên thay thế.

CHƯƠNG TRÌNH PHẬT HỌC

Trong thời gian làm thiền gia pháp chủ của thiền sư Thanh Hanh, hội Bắc Kỳ Phật giáo đã mở được trường tăng học tại Quán Sứ và một trường khác tại chùa Bồ Đề.

Những trường Phật học này dành cho các học tăng đã có căn bản về Phật học và có thể xem như những lớp trung học Phật giáo. Chùa Bồ Đề sau này được lấy làm cơ sở cho một trường ni học trong khi ở Quán Sứ cấp trung học cho tăng sinh vẫn tiếp tục được duy trì. Một lớp đại học được mở tại chùa Bằng Sở ở ấp Thái Hà, Hà Đông và hai lớp tiểu học được duy trì tại chùa Cao Phong ở Phúc Yên và chùa Côn Sơn ở Hải Dương. Phật học đường Bằng Sở được chính thức khai giảng năm 1936, do thiền sư Trung Thứ đứng làm đốc giáo. Chương trình Phật học được áp dụng tại các trường tăng học ở Bắc do hội Bắc Kỳ Phật giáo chủ trì như sau:

Tiểu học (bốn năm):

Năm thứ nhất: Luật Sa Di, Phật Tổ Tam Kinh, Phật Học Khóa Bản Tam Tự Kinh, Quốc Ngữ, Toán.

Năm thứ hai: Địa Tạng, Thủy Sám, Báo Ân, Thích Giáo, Tam Tự Kinh, Hộ Pháp Lục, Quốc Ngữ, Toán.

Năm thứ ba: Hiền Ngu, Mục Liên, Di Đà Sớ Sao, Cảnh Sách Lục, Tịnh Độ Hoặc Vấn Lục, Trúc Song Lục, Quốc Ngữ, Toán.

Năm thứ tư: Di Đà Đại Bản, Lương Hoàng Sám, Trường A Hàm, Bảo Huấn Lục, Quốc Ngữ, Toán.

Trung học (ba năm):

Năm thứ nhất: Pháp Hoa, Tâm Kinh Chú Giải, Trung A Hàm, Luật Tứ Phần, Lục Truy Môn, Luận Khóa Hư, Luận Hiển Thức, Quốc Ngữ, Toán.

Năm thứ hai: Lăng Nghiêm Bạch Văn, Lăng Già Ký, Pháp Hoa Tri Âm, Thập Lục Quán Kinh, Luật Trỉ Nam, Lục Quy Nguyên, Luận Trang Nghiêm, Quốc Ngữ, Toán, Luận Ngữ.

Năm thứ ba: Duy Ma Cật, Thủ Lăng Nghiêm, Luật Trùng Trị, Luật Trung Phong, Lục Lục Đạo, Lục Phụ Giáo Biên, Quốc Ngữ, Toán, Việt Sử, Trung Học, Đại Học, Trung Dung.

Đại học (ba năm):

Năm thứ nhất: Bát Nhã Phóng Quang, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Di Đà Viên Thông, Luật Huyền Ty, Lục Pháp Uyển Châu Lâm, Thiền Uyển Tập Anh, Trúc Lâm Tam Tổ, Quốc Ngữ Diễn Văn, Đông Tây Triết Học, Kinh Thư, Kinh Lễ.

Năm thứ hai: Niết Bàn Chính Văn, Pháp Hoa Ôn Lăng, Phạm Võng Lược Sớ, Luật Đại Thừa Khởi Tín, Đại Trí Độ Luận, Vạn Thiện Đồng Quy, Nhân Quả, Quốc Ngữ, Đông Tây Triết Học, Kinh Thư, Kinh Lễ.

Năm thứ ba: Viên Giác Kinh, Bảo Tích Kinh, Phạm Võng Lược Sớ Luật, Phạm Võng Nghĩa Sớ, Tông Cảnh Lục, Vạn Thiện Quy Tâm, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh, Luận Quốc Ngữ, Đông Tây Triết Học, Bắc Sử Quan Hành.

Sau khi tốt nghiệp đại học, học tăng có thể ở lại nghiên cứu thêm năm năm. Chương trình này gọi là chương trình Bác Học Cao Đẳng gồm có những tác phẩm như sau:

Hoa Nghiêm Sớ, Niết Bàn Sớ, Lăng Nghiêm Tông Thông, Phật Tổ Thống Ký, Duy Thức Thuật Ký, Nhân Minh Đại Sớ, Đại Bát Nhã Kinh, Tam Luận Sớ, Đại Thừa Nhất Thiết Luận, Đại Thừa Chỉ Quán, Đại Thừa Chỉ Quán Thiên Thai, Chỉ Nguyệt Lục, Duy Tôn Luận Sớ, Thành Duy Thức Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Mật Kinh, Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu, Kim Cương Lược Sớ và Duy Thức Luận.

Chương trình nói trên đòi hỏi học tăng muốn vào cấp tiểu học phải từ mười ba tới hai mươi tuổi, thuộc lòng hai khóa tụng của thiền môn và các văn sám nguyện khác. Những học tăng nào muốn thi vào trung học phải nằm trong hạng tuổi từ 20 tới 30. Còn về đại học thì không có hạn tuổi tác.

Ta nhận thấy chương trình có chú trọng đến những tác phẩm của Phật giáo Việt Nam như Thiền Uyển Tập Anh, Trúc Lâm Tam Tổ Ngữ Lục Khóa Hư Lục. Chương trình cũng chú trọng tới triết học Đông phương và Tây phương và các thư tịch Nho giáo. Điều làm ta ngạc nhiên là tác phẩm Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu không được dạy ngay trong những năm đầu của cấp tiểu học mà lại để vào chương trình cao đẳng bác học. Đây là một tác phẩm dạy về thiền tọa cho người mới tu, rất cần cho các lớp tiểu học.

NGUYỄN TRỌNG THUẬT VÀ CHỦ TRƯƠNG “NHÂN GIAN PHẬT GIÁO

Tập Kỷ Yếu số 1 của hội Bắc Kỳ Phật giáo được xuất bản vào tháng Năm 1935. Sau khi ra số 2 và 3, Tập Kỷ Yếu đình bản, nhường chỗ cho tạp chí Đuốc Tuệ. Tạp chí này ra đời vào đầu tháng Chạp năm 1935, do ông Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm. Đứng tên chủ bút là thiền sư Trung Thứ trú trì chùa Bằng Sở. Phó chủ bút là thiền sư Doãn Hài (Dương Văn Hiển), trú trì chùa Tế Cát. Quản lý là ông Cung Đình Bính. Báo quán đặt tại chùa Quán Sứ, đường Richard Hà Nội.

Hai cây bút bền bỉ nhất của tạp chí Đuốc Tuệ là Đồ Nam Tử và Thiều Chửu. Những cây bút khác là Thái Hòa, Thanh Đặc, Tố Liên, Đỗ Trần Bảo, Phạm Văn Côn, Đinh Gia Thuyết, Đỗ Đình Nghiêm, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, v.v…

Trong những số đầu, Đuốc Tuệ đăng nhiều bài có tính cách bênh vực cho phong trào chấn hưng Phật giáo, chủ trương rằng đạo Phật là một đạo vì cuộc đời mà có, chứ không phải trốn cuộc đời. Ngay số đầu, Đuốc Tuệ đăng bài Đạo Phật Có Quan Thiết Với Sự Sống Của Đời Người của Phan Đình Hòe, trưởng ban đại lý chi hội Nam Định. Đuốc Tuệ số 2 (ngày 17.12.1935) nêu rõ xã hội tính cần thiết của tôn giáo, tính cách Á Đông và dân tộc của Phật giáo và tinh thần tự do, bình đẳng và hiếu hòa của đạo Phật. Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, để cụ thể hóa tinh thần “đạo Phật trong cuộc đời”, đề nghị con nhà Phật tử từ nay trở đi nên làm lễ kết hôn trước cửa Phật, một truyền thống từ trước đến nay chưa có ở Việt Nam. Ông đề nghị một nghi thức kết hôn gồm có tấu văn và huấn từ của một vị tăng sĩ làm giới sư hướng đạo cuộc lễ. Theo ông, trước Phật đài, giới sư nhắc nhở cặp tân hôn phải nhớ đạo lý tứ ân của Phật dạy mà đền đáp ơn cha mẹ, ơn đất nước, ơn sư trưởng và ơn chúng sinh. Kinh Thiện Sinh là cơ bản cho sự xây dựng gia đình, và lễ kết hôn trước cửa Phật được tiêu biểu bằng hai câu đối:

Hiếu mẹ cha, ân đất nước, đạo Tứ Ân đã dạy bảo đủ luân thường;

Chồng kính ái, vợ thuận tùng, lễ Lục Phương càng ân cần về gia đạo.”

Chủ ý “đem đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày” này được thể hiện trong những loạt bài viết dưới tiêu đề Nhân Gian Phật Giáo trong đó tác giả đề cập đến nhiều khía cạnh của đời sống nông thôn, cải tạo và hướng dẫn bằng tinh thần đạo Phật.

Ông Nguyễn Trọng Thuật đã viết một truyện dài rất có ý vị đăng nhiều kỳ trên Đuốc Tuệ. Đó là truyện Cô Con Gái Phật Hái Dâu, kể lại cuộc đời Ỷ Lan Phu Nhân, một cô gái thôn quê làm nghề hái dâu ở làng Thổ Lỗi (sau này là làng Siêu Loại) được vua Lý Thánh Tông đem về cung và trở nên mẹ của vua Lý Nhân Tông, đã đem tinh thần đạo Phật mà dựng nước và cải tổ những bất công ở xã hội nông thôn. Đây là một truyện dài viết rất có nghệ thuật, hơn hẳn tác phẩm Quả Dưa Đỏ của cùng tác giả[1].

Đuốc Tuệ cũng đăng thiên biên khảo Việt Nam Thiền Tông Thế Hệ của ông trong nhiều kỳ. Đây là một tác phẩm nói về hành trạng, thi văn và tư tưởng của các thiền sư Việt Nam các phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Ông Nguyễn Trọng Thuật đã căn cứ trên sách Thiền Uyển Tập Anh để viết thiên biên khảo này. Ngoài tạp chí Đuốc Tuệ, Nguyễn Trọng Thuật còn viết về đề tài Phật giáo trong tạp chí Nam Phong. Bài Phật Giáo Tân Luận của ông được đăng trong các số 208-209, 217-221 và 267-278 (năm 1934 và 1935) và bài Bình Luận về Sách “Khóa Hư” của ông được đăng trong số 189 (năm 1933). Trong Nam Phong, ông có viết nhiều đề tài quan trọng như Điều Đình Cái Ấn Quốc Học (số 167, năm 1931), Vấn Đề Cải Tạo Xã Hội (số 195, năm 1934), v.v…

CƯ SĨ THIỀU CHỬU

Bên cạnh Nguyễn Trọng Thuật, ta thấy có một cây bút rất vững chãi và sâu sắc, đó là Thiều Chửu. Thiều Chửu tên đời là Nguyễn Hữu Kha, tên tự là Lạc Khổ. Ông sống một cuộc đời rất giản dị, ăn chay trường và mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Y phục của ông đơn giản như y phục của một người dân quê. Thì giờ của ông, ông để dịch kinh, viết sách, tu học và chăm nom các trẻ em mồ côi. Căn bản Hán văn của ông rất vững chãi. Ông là tác giả bộ Hán Việt Tự Điển được sử dụng rộng rãi trong nước. Bộ tự điển này, theo ông, đã được soạn để làm một phương tiện cho người học Phật. Đuốc Tuệ đăng bản dịch Khóa Hư Lục của ông trong nhiều kỳ. Văn Khóa Hư là văn biền ngẫu rất khó dịch. Nhưng bản dịch của ông là một bản dịch rất đặc sắc, đọc rất êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng. Ông lại chú giải mỗi khi có danh từ khó và thỉnh thoảng lại thêm vào những lời “bàn góp”. Theo ý ông, tác giả Khóa Hư Lục là Trần Nhân Tông chứ không phải Trần Thái Tông. Thực ra Khóa Hư Lục là của vua Thái Tông[2].

Ta hãy đọc một đoạn văn dịch của ông, trích trong bài Phổ Thuyết Sắc Thân:

“Cầu cạnh đầu ruồi tai ếch, cam tâm danh lợi buộc ràng; ban ngày hết sức cầu may, buổi tối hóa ra tưởng mộng. Chất chứa bốn nghiệp như giếng, biết đâu mái tóc tợ sương. Một mai mắc bệnh nặng nề, trăm năm đều về mộng lớn. Tim gan đau xót tợ nỗi oán thù, da thịt hao mòn khác chi ma đói. Còn muốn cầu thọ thân thọ mệnh, nào hay đâu hại vật hại sinh! Những mong một kiếp tợ thông già, chẳng hiểu tứ chi như nhà dột”.

Thiều Chửu còn là tác giả các sách Sự Tích Phật Tổ diễn ca (1935), Khóa Tụng Hàng Ngày (1935), Cải Tà Quy Chính, Bốn Mươi Tám Phép Niệm Phật và dịch giả sách Vì Sao Tôi Tin Phật Giáo của B. Brongthon và các kinh như Kinh Lễ Sáu Phương, Kinh Di Giáo, Kinh Di Đà Kinh Tứ Thập Nhị Chương.

CÔNG TÁC DUY TRÌ VÀ PHỔ BIẾN NỀN VĂN HỌC PHẬT GIÁO CỔ ĐIỂN

Ngoài các văn bản Khóa Hư, Thiền Uyển Tập Anh, Đuốc Tuệ còn thường xuyên đăng những bài văn Nôm do các thiền sư Việt Nam sáng tác hay phóng tác trên các nguyên bản Hán văn. Các thiền sư Thái Hòa, Thiền Phố thường làm công việc ấy. Phần lớn những tác phẩm đều được phiên âm từ mục Hành Trì Tập Yếu trong sách Chư Kinh Nhật Tụng của chùa Vĩnh Khánh (huyện Chí Linh), hoặc của chùa Yên Minh (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) khắc bản. Đó là những tác phẩm như Thiền Tịch Phú (Chân Nguyên), Sự Lý Dung Thông (Hương Hải), Thỉnh Âm Hồn Văn (Đắc Nhất), Ngũ Giới Diễn Ca (Như Như), v.v… Những công việc này đều được hướng dẫn bởi ý niệm bảo tồn và phát huy gia tài văn hóa Phật giáo và dân tộc.

Từ năm 1940 trở đi hội Bắc Kỳ Phật giáo lại khởi công khắc bản ấn hành những thư tịch Phật giáo Việt Nam bằng Hán văn. Bộ Việt Nam Phật Điển Tùng San đã được hội khắc bản và ấn hành với sự bảo trợ của trường Viễn Đông Bác Cổ.

Năm 1943, những tác phẩm sau đây đã được ấn hành:

Chư Kinh Nhật Tụng (một bộ hai tập)

Thụ Giới Kinh Phạm (một bộ hai tập)

Thiền Uyển Kế Đăng Lục (một tập)

Pháp Hoa Đề Cương (một tập)

Bát Nhã Trực Giải (một tập)

Khóa Hư (một tập)

Trần Triều Dật Tồn Điển Lục (một tập)

Lễ Tụng Hành Trì Tập Yếu (một tập)

Những tác phẩm như Thiền Uyển Tập Anh, Thánh Đăng Lục, Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh chưa kịp ấn hành thì thời thế biến chuyển và công việc bị đình trệ.

Thiền Uyển Kế Đăng Lục là tác phẩm của thiền sư Như Sơn, đã từng được thiền sư Phúc Điền bổ túc phần cuối. Ông đem sách này để sau các sách Thượng Sĩ Ngữ Lục cùng Tam Tổ Thực Lục và làm thành “quyển hạ” của bộ Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục do ông chủ trương khắc bản. “Quyển thượng” của bộ này là Thiền Uyển Tập Anh. Điều này ông có nói rõ trong bài tựa trùng khắc. Hội Bắc Kỳ Phật giáo in lại bài tựa này ở các tác phẩm Thiền Uyển Kế Đăng Lục.

Pháp Hoa Đề Cương Bát Nhã Trực Giải là hai tác phẩm của thiền sư Thanh Đàm đầu thế kỷ thứ mười chín. Sách Khóa Hư mà hội Bắc Kỳ Phật giáo khắc in đã được căn cứ trên bản của chùa Quất Tụ năm 1850. Thiều Chửu, trong Đuốc Tuệ, chỉ mới dịch được một phần tác phẩm. Nhiều mục như Phổ Thuyết Hướng Thượng Nhất Lộ, Ngữ Lục Vấn Đáp Môn Hạ, Niệm Tụng kệ, v.v… chưa được ông dịch đến. Trần Triều Dật Tồn Điển Lục gồm có: Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Tam Tổ Thực Lục.

Sự ra đời của bộ Việt Nam Phật Điển Tùng San là một trong những công trình lớn nhất của hội Bắc Kỳ Phật giáo. Nhiều thư viện trong nước và ngoài nước nhờ sự có mặt của bộ này mà có được một số tác phẩm xưa của Phật giáo Việt Nam. Có một điều lạ là tại thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ Paris không thấy có bộ này.

Nhờ có hội Bắc Kỳ Phật giáo mà nhiều học giả tân cũng như cựu đã có cơ hội nghiên cứu Phật học. Những người có cựu học, ngoài các kinh bản cổ điển khó đọc còn được đọc các tân thư về Phật giáo như Hải Triều Âm Văn Khố, các tác phẩm của Thái Hư và các bài vở của những học giả như Lương Khải Siêu, Khương Hữu Vi, Châu Tự Ca, Âu Dương Kiến Vô và Dương Nhân Sơn, v.v… Những tân thư này đọc dễ hiểu hơn cổ văn, do đó sự học Phật của giới cựu học cũng trở nên dễ dàng hơn. Những nhân vật như Phan Đình Hòe (tổng đốc trí sĩ, hội trưởng chi hội Phật giáo Nam Định), Nguyễn Huy Xương (bố chánh, Kiến An), Đỗ Đình Nghiêm (đốc học, Bắc Ninh) đều đã thường viết bài và đứng lên thuyết pháp tại chùa trụ sở của các chi hội. Ông Phan Đình Hòe chẳng hạn, đã thuyết giảng về “sự quan thiết giữa đạo Phật với sự sống” tại chùa Cả ở Nam Định ngày 13.8.1935 ngay khi hội còn chưa xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ. Có thể nói rằng các ông Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim và Trần Văn Giáp đã nghiên cứu Phật học kỹ lưỡng hơn cả. Ông Giáp chuyên về ngành nghiên cứu Phật giáo sử, đã viết nhiều bài trong tập san trường Viễn Đông Bác Cổ. Thiên khảo cứu Le Bouddhisme En Annam Des Origines Au 13e Siècle của ông có thể gọi là công trình đầu tiên về Phật sử Việt Nam công bố trong giới học giả quốc tế[3].

LỆ THẦN TRẦN TRỌNG KIM

Ông Trần Trọng Kim, trưởng ban Nghiên cứu Phật học của Hội Bắc Kỳ Phật giáo, đã viết nhiều bài diễn thuyết rất vững chãi về Phật học. Bài diễn thuyết đầu tiên của ông tại chùa Quán Sứ ngày 17.3.1935, có đầu đề là Phật giáo đối với cuộc nhân sinh là một bài giới thiệu đại cương về Giáo lý đạo Phật. Đây không phải chỉ là một bài diễn thuyết của một người học giả, mà là một bài giảng diễn của một người đứng trên lập trường chấn hưng Phật giáo. Ông nhấn mạnh đến tính chất tự cường tự lực cần có của những người thực sự muốn tu hành theo đạo Phật. Ông nói:

Theo đạo Phật là tự cái tâm mình phấn chấn lên mà làm điều lành điều phải, tự mình có sức mạnh để phá cho hết những cái nó trói buộc mình vào chỗ khổ. Bởi thế người thật bụng theo đạo Phật là người có cái tâm lực rất cường kiện, lòng dạ vững bền như gang sắt. Cũng vì thế mà đạo Phật thường hay dùng bốn chữ “dũng mãnh tinh tiến”. Dũng mãnh tinh tiến để giải thoát, dũng mãnh tinh tiến để cứu người, dũng mãnh tinh tiến để phá cái mê, trừ cái hại. Người ta đã có cái đức dũng mãnh tinh tiến thì không bao giờ chịu đứng lùi lại mà chịu kém người, không bao giờ lười biếng trễ nải, không bao giờ ham mê vật dục, có thể giam hãm mình vào những nơi tối tăm dơ bẩn”.

Sau khi nói đến đại nguyện của đức Quan Thế Âm, ông tiếp:

“Đạo Phật về đường tinh thần thì mạnh mẽ như thế, về đường từ bi bác ái thì rộng rãi bao la như thế. Giá ta hiểu được rõ và biết đúng ra thì rất có lợi cho sự tiếp thu của người đời”.

Theo ông, đó là lý do chính khiến ông và các đồng bạn lập ra hội Bắc Kỳ Phật giáo. Ông lại nói: “Đạo Phật là một tông giáo của người mình xưa nay vẫn tin theo rất nhiều, là bởi đạo ấy có cái hình thức dễ khiến cho người ta tin được. Còn về đạo lý của nhà Phật, thì có nhiều ý nghĩa sâu xa, hiện những nhà học thức trong thiên hạ cũng đã kê cứu tường tận đều nhận là một đạo rất hay. Vậy một tông giáo có phần rất cao thâm, rất phổ thông mà lại thấm thía vào tủy não người mình đã bao nhiêu đời nay, người trong nước hầu khắp từ Nam chí Bắc ai ai cũng tín ngưỡng sùng bái thì tất là có ảnh hưởng đến sự làm ăn hàng ngày của ta. Một cái đạo có thế lực về đường tinh thần sâu xa như thế thì sao ta không cố gắng làm cho nó sáng rõ ra khiến những tín đồ biết rõ cái đạo của mình tin và biết cách ăn ở cho phải đạo, để bớt được những khổ não trong đời. Chẳng hơn là cứ bo bo ở chỗ vật chất, nông nổi, hẹp hòi, biến đổi, vô thường nay thế này mai thế khác, làm cho người ta bơ vơ không biết bám víu vào đâu, tựa như chiếc thuyền lênh đênh giữa dòng, không biết đâu là bờ là bến hay sao?

“Bởi những lẽ ấy cho nên chúng tôi rủ nhau đứng lên lập hội Phật giáo, chủ ý là muốn làm cho sáng cái đạo đã mờ, muốn trau chuốt cho bóng bẩy hơn trước và lại thích hợp với nhu yếu của người đời”.

Những dòng trên có thể được xem là một bản “tuyên ngôn” của phong trào chấn hưng Phật học. Ta thấy trong những lời đơn sơ kia chủ ý phục hưng đạo Phật (“làm cho sáng cái đạo đã mờ”), hiện đại hóa nó (“trau chuốt bóng bẩy hơn trước và lại thích hợp với nhu yếu của người đời”) để nó có thể đóng vai trò văn hóa dân tộc (“một cái đạo có năng lực về đường tinh thần sâu xa như thế thì sao không cố gắng làm cho nó sáng rõ ra khiến những tín đồ biết rõ cái đạo của mình tin và biết cách ăn ở cho phải đạo”) và làm nơi quy túc và hướng đi tinh thần cho người dân (“chẳng hơn là cứ bo bo ở chỗ vật chất, nông nổi hẹp hòi, v.v… tựa như chiếc thuyền lênh đênh giữa dòng, không biết đâu là bờ bến, v.v…”).

Những bài khảo cứu của Trần Trọng Kim cho ta biết là hồi còn làm trưởng ban Nghiên cứu Phật học, ông đã để ra rất nhiều thì giờ để khảo cứu và học hỏi về Phật giáo. Ông đã nghiên cứu về các tông phái Đại thừa và Tiểu thừa, về thế giới quan và nhân sinh quan của đạo Phật. Ông cũng đã phiên dịch Bát Nhã Tâm Kinh từ Hán văn ra quốc ngữ. Nhà xuất bản Tân Việt tại Sài Gòn đã ấn hành các tác phẩm Phật Lục, Phật Giáo Thuở Xưa Và Phật Giáo Ngày Nay Phật Giáo Trong Ba Bài Diễn Thuyết của ông.

Phật Lục là một tập sách phổ thông về Phật học nhắm tới giới độc giả bình dân. Theo ông sách này chỉ là “mấy cái đại ý về đạo cứu thế của nhà Phật” chứ không phải là “sách nghiên cứu lý thuyết cao siêu”. Nội dung sách này gồm có một Lời Mở Đầu nói đại cương về đạo Phật và năm chương nói về: 1/ Thích Ca Mâu Ni Phật; 2/ Chư Phật; 3/ Chư Bồ Tát; 4/ Thế gian và Thế giới; và 5/ Sự thờ phụng và cách bài trí các tượng ở chùa. Nhiều điển tích trong sách này đã được Nguyễn Trọng Thuật tra cứu giúp.

Phật Giáo Thuở Xưa Và Phật Giáo Ngày Nay có ba chương: Chương một nói về “Phật giáo Tiểu Thặng và Phật giáo Đại Thặng”, chương hai nói về “Phật giáo ở nước Tàu” và chương ba nói về “Phật giáo ở Việt Nam”. Lại có một phần phụ lục dịch “Trì Danh Diệu Hạnh Luận” và “Sơn Cư Bách Vịnh”.

Phật Giáo Trong Ba Bài Diễn Thuyết in lại những bài diễn thuyết về Phật học của ông.

Theo Trần Trọng Kim, Phật giáo trước hết là một nền triết học và một nền luân lý; hình thái tôn giáo chỉ là phần thứ yếu của đạo Phật. Trung tâm của triết học Phật giáo là đạo lý duyên sinh. Và bản chất của luân lý Phật giáo là một lòng từ bi hoàn toàn bình đẳng, vô ngã, nghĩa là không có tính cách phân biệt kỳ thị. Ông viết:

“Đạo Phật trước hết chỉ là đạo triết lý và luân lý mà thôi. Cái triết lý của Phật giáo là cái triết lý cao minh, lấy nhân quả mà suy luận, tìm thấy nhân duyên của tạo hóa, phá tan cái màn mờ tối che lấp sự sáng tỏ, cắt đứt cái lưới mộng ảo nó trói buộc người ta vào sinh tử khổ não mà đem người ta vào chỗ thanh tịnh an vui”.

Cái luân lý của Phật giáo là luân lý chân chính phổ biến khắp nhân chúng trong thiên hạ, lấy vô lượng từ bi mà yêu người thương vật, lấy lòng bác ái mà tế độ chúng sinh, không phân biệt người với ta, không có giai cấp sang hèn… Đối với thân mình thì trừ bỏ hết những điều điên đảo giả dối, gian tà bạo ngược, lúc nào cũng lấy sự chân thật nhân hậu mà đối với mình và đối với người… Nếu người đời biết theo cái luân lý ấy thì làm gì có những cuộc chiến tranh và những cảnh tàn khốc, làm cho đời người đã khổ lại khổ thêm?”[4]

Trần Trọng Kim nói rõ rằng đạo Phật không nhận có một vị Thần tự tại làm chúa tể vũ trụ và vì vậy đạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa những tôn giáo hữu thần. Tôn giáo của đạo Phật chỉ là cái truyền thống sinh hoạt theo nhận thức triết học và luân lý học do Phật khai sáng. “Cái tông giáo ấy tuy nói có nhiều Phật và nhiều Bồ Tát, song Phật và Bồ Tát chỉ là những bậc tối cao trong lý tưởng để tế độ chúng sinh mà thôi, chứ không phải là giữ quyền chủ tể. Vì vậy ai theo cái tông giáo ấy thì không có sự mê tín, cứ tự mình học tập tu luyện để hiểu rõ căn nguyên của vạn tượng trong thế gian và trông thấy rõ chân lý.”[5]

Ông thường kêu gọi Phật tử xa lìa mê tín và học lấy thái độ tự do tư tưởng trong đạo Phật. Kết luận buổi giảng tại chùa Quán Sứ ngày 11.1.1936, ông lên tiếng:

“Ai đem sự mê tín mà theo đạo Phật là người làm điều trái hẳn với đạo Phật… Chúng tôi mong rằng ai đã tin theo đạo Phật là người có cái tâm rất sáng suốt, có cái tự do về đường tư tưởng và có cái sức tự cường tự lập mà xử kỷ tiếp vật. Nếu người mình mà hiểu được như thế và làm được như thế, thì sự tín ngưỡng đạo Phật… rất có lợi cho sự tiến hóa của nhân quần xã hội về đường đạo lý và đường tri thức.”[6]

Trần Trọng Kim thấy cần phải phục hưng thiền học thì Phật giáo ở Việt Nam mới có thể hưng thịnh được. Tịnh Độ tông, nếu không đi đôi với thiền thì theo ông không đủ sức làm cho tinh thần Việt Nam cường kiện. Ông viết: “Phải biết rằng nếu những người xuất gia chỉ tu Tịnh mà không tu Thiền thì Phật giáo ở nước ta càng ngày càng thấp kém thêm, khó lòng mà hưng thịnh lên được. Đó là cái yếu điểm trong sự chấn hưng Phật giáo ngày nay, ta rất nên chú ý ở chỗ ấy thì cơ hồ mới có thể thành công được[7].

Có thể nói Trần Trọng Kim là người phát ngôn chính của phong trào chấn hưng Phật học ở Bắc Kỳ vậy. Trần Trọng Kim đã đóng góp không những về phần nghiên cứu và phổ biến Phật học mà còn về phần tổ chức của hội Bắc Kỳ Phật giáo nữa. Ông luôn luôn có mặt trong những buổi họp của ban Quản Trị, góp ý kiến về việc soạn thảo nội quy điều lệ của hội và về việc tổ chức huấn luyện và chỉnh lý tăng già. Chính ông đã đề nghị trong buổi họp ngày 14.12.1934 là ban chứng minh đạo sự phải thiết lập kỷ luật tăng già cho nghiêm minh và nếu có vị tăng nào phạm giới thì sơn môn phải tuyên bố tẩn xuất, không công nhận họ là tăng sĩ nữa. Ông lại đi xa hơn và đề nghị phải can thiệp với chính quyền để những vị tăng sĩ phạm giới kia bị bắt buộc hồi tục.

ƯU THIÊN BÙI KỶ

Bên cạnh Trần Trọng Kim ta thấy có Bùi Kỷ. Nhà học giả này cũng đứng về phía phục hưng Phật giáo mà làm việc. Ông đã đăng nhiều thiên khảo cứu của ông trên Đuốc Tuệ. Đặc sắc nhất là bài Nghĩa chữ không trong đạo Phật. Trong bài này, ông đề cập tới nghĩa ngã không pháp không trong đạo Phật để đi tới quan niệm giả ngã giả pháp và cuối cùng kết luận rằng đạo lý không có mục đích cởi bỏ những mối chấp trước của con người chứ không phải là để nói rằng tất cả là không. Theo ông, chỉ khi nào phá được ngã chấp và pháp chấp mới tìm được lối thoát đích thực cho kiếp người, nếu không thì dù có hành động mấy đi nữa cũng còn là nằm trong vòng kiềm tỏa của danh lợi. Ông viết:

“Đời vốn chuộng học thuật, mà học thuật lại hóa ra diễn đàn của trò quỷ quyệt, lợi khí của mối phân tranh, có phải đó là cái lưu tệ ghê gớm của ngã chấp và pháp chấp không? Xưa nay đã có biết bao nhiêu nhà hiền triết, từng hao tổn bao nhiêu gan óc, từng phí phạm bao nhiêu mồ hôi nước mắt vì đời người mà hết lòng vun đắp, ra công dạy dỗ… song dầu giáo dục hoàn bị thế nào thì cũng chỉ là những phương pháp tạm thời, như gió chiều nào che chiều ấy, chứ vẫn chưa có cách nào giải quyết rõ ràng được những lý do của đời người mà tìm phương bổ cứu cho được lâu dài. Ai là người đã có lòng sốt sắng, con mắt cao xa, mà lại chẳng muốn lo tính cho đời? Song cứu đời ở trong ngã chấp và pháp chấp khác nào như gọi người ở trong hòm kín mà nắp hòm vẫn đóng, thì người vẫn không có lối ra. Phật tổ biết rõ bệnh căn của đời là ở hai chỗ ấy, cho nên mới đem thuyết nhị không để phá tan hai cái chấp, tức là mở nắp hòm cho người có lối thoát ra vậy”[8].

Những học giả trong ban Nghiên cứu Phật học đã làm việc với hội Bắc Kỳ Phật giáo rất bền bỉ cho tới khi tình thế bắt đầu hết ổn định. Một số cũng đã từng công bố thành quả nghiên cứu của họ, như ông Nguyễn Văn Ngọc với tập Thuyết Nghiệp Báo, do nhà in Đuốc Tuệ xuất bản sau này.

TĂNG SĨ VÀ CÔNG TÁC XÃ HỘI

Cũng như ở Nam và ở Trung, nữ giới đã góp nhiều trong phong trào chấn hưng đạo Phật miền Bắc. Những bài diễn thuyết của các ni sư như Huệ Tâm (Hà Đông) và của các nữ cư sĩ như bà Đinh Chí Nghiêm (Ninh Bình) đã có ảnh hưởng lớn trong quần chúng. Nhu cầu mở trường Phật học cho ni giới được phản ảnh trong bài viết của ni cô Tâm Nguyệt[9].

Về phương diện xã hội, tiếng nói của giới Phật tử miền Bắc cũng rất rõ ràng. Ngoài những công tác nuôi dạy trẻ mồ côi, cứu trợ nạn nhân đói, Phật tử có thể làm được gì? Nguyễn Văn Cảnh đề nghị tất cả các vị tăng sĩ trú trì các tu viện sử dụng một hành lang ở chùa mình để làm ký nhi viện và động viên một số nữ Phật tử đến tình nguyện dạy dỗ, chăm sóc và chữa bệnh đau mắt cho trẻ em. Những đứa bé nào suốt ngày đã la cà nơi xó chợ sân đình đều nên đem về các ký nhi viện “hành lang” ấy[10]. Thiền sư Thích Thanh Đặc nhận thấy tăng sĩ không nên sống trên sự cung dưỡng của tín đồ mà phải chọn một “sinh nghiệp của xã hội” để tự nuôi sống mình và hành đạo[11]. Những nghề tăng sĩ có thể làm, theo ông, là dạy học, làm thuốc, làm nhà in, nhà xuất bản, nhà dệt, nhà khâu, in kinh, cắt chữ, v.v… Thiền sư Thanh Đặc có thể nói là vị tăng sĩ đầu tiên xướng xuất kế hoạch kinh tế tự lực cho tăng sĩ bằng những sinh nghiệp mới[12]. Lời kêu gọi của Thanh Đặc bắt đầu từ năm 1950 mới thực sự có ảnh hưởng.

Về phương diện thiếu nhi, hội Bắc Kỳ Phật giáo đã tổ chức nhiều ban Đồng Ấu, thể thức cũng giống như các ban Đồng Ấu ở Trung Kỳ. Nhiều tỉnh hội đã thành lập ban Đồng Ấu và nghi thức lễ Phật của các em đã được sáng tác toàn bằng Việt ngữ. Cư sĩ Công Chân là người có công nhất trong sự dạy dỗ và huấn luyện tuổi trẻ. Các ban Đồng Niên và Đồng Nữ ở các chi hội Khoái Châu và Hải Phòng là những ban hoạt động nhất.

Đuốc Tuệ đình bản vào năm 1945. Số chót là số 257 – 258, ra ngày 15.8.1945. Điều đáng ghi nhớ là từ số trước, danh xưng Bắc Kỳ Phật giáo hội đã được thay thế bằng danh xưng Việt Nam Phật giáo hội.

Từ năm 1934 đến 1945, hội Bắc Kỳ Phật giáo đã lập được nhiều thành tích. Sự có mặt đông đảo của giới trí thức đã tạo nhiều sinh sắc cho hội. Lúc ban đầu, sự cộng tác của các sơn môn hãy còn lỏng lẻo vì có một ít điểm dị đồng giữa các tổ đình và ông hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, nhưng sau đó thì hai bên lại bắt đầu cộng tác chặt chẽ. Các vị tăng sĩ hữu tâm và hữu học của các tổ đình đã không ngần ngại tham dự vào việc hội. Các thiền sư Tâm Băng, Tâm Lĩnh, Tâm Bác, Thọ Cầu, Tâm Bảo, Thanh Hoán, Thanh Hậu, Tâm Tấn, Trí Hải, Tố Liên, Tuệ Chiếu, v.v… đều là những người đã hoạt động đắc lực cho Phật sự ở trung ương cũng như ở các chi hội.

SƠN MÔN LINH QUANG VÀ TẠP CHÍ TIẾNG CHUÔNG SỚM

Sự bất đồng giữa các sơn môn và hội Bắc Kỳ Phật giáo xảy ra rất sớm, trước khi tạp chí Đuốc Tuệ ra đời. Hội Bắc Kỳ Phật giáo thành lập vào tháng 11 năm 1934, nhưng mãi đến tháng Chạp năm 1935 tạp chí Đuốc Tuệ mới ra đời. Trong khi đó thì các Sơn môn Linh Quang và Hồng Phúc đã đặt cơ sở cho một tạp chí Phật học là Tiếng Chuông Sớm từ cuối năm 1934. Ngày 31.1.1935 thì có nghị định cho phép xuất bản Tiếng Chuông Sớm. Chủ nhiệm sáng lập của tạp chí này là thiền sư Đỗ Văn Hỷ, tăng cương chùa Linh Quang (Bà Đá) và quản lý là thiền sư Thanh Tường, trú trì chùa Trầm ở Hà Đông và chùa Vũ Thạch ở Hà Nội. Một nhân vật thứ ba nữa làm nòng cốt cho công việc này là thiền sư Đặng Văn Lợi, tăng trưởng chùa Trấn Quốc[13]. Chủ bút của tờ báo là thiền sư Bảo Giám, trú trì chùa Đông Lâm ở Bắc Ninh, và phó chủ bút là thiền sư Nguyễn Quang Độ trú trì chùa Bảo Phúc ở Hà Đông. Số đầu của Tiếng Chuông Sớm ra ngày 15.6.1935.

Trong bài Tình Hình Phật giáo Trong Nước đăng ở số này, ký giả H.S. nhắc đến công trình chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ và Trung Kỳ và sự thành lập hội Bắc Kỳ Phật giáo tại chùa Quán Sứ. “Hiện nay nhờ thế lực của các quan đại thần và của các bậc thượng lưu, hội đã lan ra hầu khắp Bắc Kỳ, đâu đâu cũng có chi bộ, lại được tổ Vĩnh Nghiêm, một vị trưởng lão trong Tùng Lâm Bắc Kỳ chủ trương mọi việc ở Hội Chính. Tiếng Chuông Sớm này do Cổ Sơn Môn Hồng Phúc và Bà Đá cũng xin góp phần phục vụ…”

Chùa Bà Đá là một cổ tự được xây dựng trễ nhất là vào đầu thế kỷ thứ mười tám. Tục truyền rằng chùa được xây dựng từ đời Hậu Lê vào niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497) sau khi dân làng đào thấy một tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá. Có lẽ vì vậy mà chùa được gọi là chùa Bà Đá. Nguyên danh của chùa là Tự Pháp Linh Quang Tự, tọa lạc ở làng Tự Pháp, huyện Thọ Xương (sau này là Hàng Trống). Năm Bính Ngọ (1786), khi Nguyễn Huệ đem quân từ Phú Xuân ra Bắc Hà để dứt họ Trịnh, thì chùa bị binh lửa thiêu rụi. Dân làng Tự Pháp thấy tượng Phật bằng đá vẫn còn nguyên vẹn liền hợp nhau dựng chùa. Năm 1793, thiền sư Khoan Giai từ Hồng Phúc đến trú trì chùa này. Đến năm 1821 khi ông tịch thì thiền sư Giác Vượng thay thế ông và trùng tu lại thành một ngôi chùa lớn. Thiền sư Phổ Sĩ kế vị Giác Vượng và biến chùa Linh Quang thành một tùng lâm lớn có hàng trăm tăng sĩ tu học. Sau thiền sư Phổ Sĩ là thiền sư Nguyễn Văn Hợp. Các thiền sư Đỗ Văn Hỷ và Nguyễn Văn Khánh đều thuộc về thế hệ kế tiếp. Chùa lại bị cháy mất một phần trong thời gian gần đây và thiền sư Đỗ Văn Hỷ đã có công trùng tu lại những nơi ấy. Ông được chính phủ Nam Triều ban hiệu làm tăng cương hòa thượng của chùa[14].

Để ủng hộ cho Tiếng Chuông Sớm, thiền sư Thanh Tường đã mời một số vị tăng sĩ có uy tín vào làm cố vấn cho tạp chí: Thiền sư Thanh Phán (chùa Triệu Khánh, Hà Đông), thiền sư Nguyễn Duy Trinh (chùa Hưng Khánh, Hà Đông), thiền sư Ngô Công Bốn (chùa Hàm Long, Hà Nội), thiền sư Nguyễn Văn Thi (chùa Hương Tuyết, Hà Đông), thiền sư Nguyễn Thanh Chữ (chùa Đại Tráng, Bắc Ninh), thiền sư Nguyễn Như Quốc (chùa Cổ Bi, Bắc Ninh), thiền sư Thạch Điều (chùa Đế Thích, Hà Nội) và thiền sư Thanh Trọng (chùa Mễ Sơn, Hà Đông). Ông lại còn mời các ông Mai Đăng Đệ, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Khắc Hiếu và Nguyễn Tiến Lãng vào ban biên tập. Nguyễn Tiến Lãng thì phụ trách phần tiếng Pháp và Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà) thì phụ trách phần chữ Hán.

Số ra mắt Tiếng Chuông Sớm gây ảnh hưởng khá lớn trong Phật học giới, nhưng ông Nguyễn Năng Quốc hội trưởng Bắc Kỳ Phật giáo không được hoan hỷ, bởi vì ông nghĩ rằng một Phật sự như thế phải nằm trong phạm vi hoạt động của hội. Ngày 25.6.1935 ông gửi một lá thư cho Tiếng Chuông Sớm trách rằng chùa Bà Đá đã không chịu hợp tác với hội Bắc Kỳ Phật giáo, lại cho ra “báo riêng”. Một hành động như thế, theo ông, là một hành động “đối lập”, trái với tinh thần lục hòa. Ban Quản trị hội Bắc Kỳ Phật giáo trong một buổi họp ngày 23.6.1935, nghĩa là trước đó hai hôm, đã quyết định “không đồng ý cổ động cho Tiếng Chuông Sớm”. Lúc ấy, hội Bắc Kỳ Phật giáo đã ra được tập kỷ yếu số 1.

Tiếng Chuông Sớm phản kích ngay. Theo Tiếng Chuông Sớm, việc làm của hội Bắc Kỳ Phật giáo không phù hợp với truyền thống Phật giáo ở nhiều điểm:

1– Ban Trị Sự của hội chỉ toàn là cư sĩ. Thiền gia Pháp Chủ Thanh Hanh tuy ngồi đó nhưng chỉ có hư vị.

2– Hội lập trường Phật học theo “lối mới” để đào tạo một thế hệ “sư mới”, như vậy là phủ nhận truyền thống học tập trong mùa kết hạ của thiền môn.

Tiếng Chuông Sớm ra điều kiện: Nếu hội Bắc Kỳ Phật giáo sửa chữa lại Điều lệ, bầu lên một Ban Trị sự gồm toàn các thành phần tăng sĩ, với thiền sư Thanh Hanh làm hội trưởng, đem trụ sở về chùa Hòa Giai hay là chùa Bà Đá, thì Tiếng Chuông Sớm sẽ xin tự hiến mình làm cơ quan ngôn luận của hội[15].

Sự bất đồng ý kiến kéo dài từ giữa năm 1935 cho đến cuối năm 1935. Trong thời gian đó, các tổ đình Bà Đá, Hồng Phúc và Hòa Giai phối hợp với các chùa chi nhánh tại Hà Nội và các tỉnh để tổ chức Bắc Kỳ Phật giáo Cổ Sơn Môn, đường lối là phát triển Phật giáo trong tinh thần duy trì truyền thống sinh hoạt cổ điển của thiền môn.

Tuy vậy, Sơn môn Vĩnh Nghiêm đã không để cho sự chia rẽ trở nên trầm trọng. Sau những cuộc thăm viếng liên tiếp giữa các tổ đình Vĩnh Nghiêm và Linh Quang do thiền sư Thanh Hanh chủ trương, sự bất đồng ý kiến kia dần dần nhường chỗ cho sự cộng tác. Đầu tháng Chạp năm 1935, Đuốc Tuệ ra mắt Phật học giới. Tiếng Chuông Sớm số 14 ra ngày 26.12.1935 mở lời chào mừng Đuốc Tuệ và đăng những bài có tinh thần hòa giải và cởi mở.

Tiếng Chuông Sớm lại mời thêm một số nhà văn vào ban biên tập, như Nguyễn Mạnh Bổng và Nguyễn Trung Như, nhưng đến cuối tháng Năm 1936 thì báo đình bản vì lý do tài chính. Số chót của Tiếng Chuông Sớm là số 24, ra ngày 21.5.1936.

Thiền sư Thanh Hanh viên tịch vào ngày 11.1.1936. Vào thời gian này, những dị biệt giữa Bắc Kỳ Phật giáo Cổ Sơn Môn và hội Bắc Kỳ Phật giáo không còn nữa, cho nên sự suy tôn thiền sư Thanh Tường lên ngôi thiền gia pháp chủ được thực hiện một cách dễ dàng. Thiền sư Thanh Tường vốn là vị tôn túc cao niên nhất trong pháp phái Lâm Tế lúc bấy giờ và được tất cả các tổ đình Linh Quang và Hồng Phúc quy ngưỡng.

THIỀN SƯ THANH TƯỜNG

Thiền sư Thanh Tường tên đời là Đinh Xuân Lạc, sinh năm 1858. Ông được 78 tuổi vào năm 1936 tức là năm ông được suy tôn làm thiền gia pháp chủ. Ông thường được gọi là Tổ Võ vì ông trú trì chùa Võ Thạch ở đường Gia Long Hà Nội. Ông cũng là trú trì chùa Huỳnh Cung ở phủ Thường Tín và động Tiên Lữ chùa Tử Trầm Hà Đông. Ông đã tiếp thiền sư Thiện Chiếu trong chuyến ra Bắc của ông này và đã hứa giúp đỡ cho Thiện Chiếu trong việc tiếp xúc với các nhân vật lãnh đạo Phật giáo của miền Bắc. Các thiền sư Tâm Ứng, Tâm Lai và Tâm Bảo, những người có công nhiều trong việc xúc tiến thành lập Bắc Kỳ Phật giáo đều từng theo học ông.

Từ khi thiền sư Thanh Tường lên làm Thiền Gia Pháp Chủ, sự hợp tác giữa các sơn môn và hội Bắc Kỳ Phật giáo trở thành chặt chẽ. Các thiền sư Thanh Ất (chùa Trung Hậu, Phúc Yên), Trung Thứ (chùa Bằng Sở, Hà Đông), Doãn Hài (chùa Tế Cát, Hà Nam), Quang Nghiễm (chùa Phú Ninh, Nam Định) và Thanh Triệu (chùa Đồng Bắc, Ninh Bình) đều là những bậc tôn túc hỗ trợ mạnh mẽ cho Phật sự. Trong số các thiền sư hữu tâm hữu học cộng tác đắc lực với hội ta thấy có các vị Tâm Băng, Tâm Lĩnh, Tâm Bác, Thanh Hoán, Thông Thỉnh, Tâm Tấn, Thanh Hậu, Tố Liên, Trí Hải, Giải Ngạn và Tuệ Chiếu.

Thuộc về Sơn môn Linh Quang có khoảng 200 vị tăng sĩ hành đạo trong các chùa, từ thành thị tới thôn quê và cứ mỗi mùa Hạ, đều trở về để an cư và học tập. Thiền sư Thanh Tường đích thân đứng ra giảng dạy cùng với thiền sư Đỗ Văn Hỷ và những vị tôn túc khác có khả năng. Chùa Linh Quang đã từng tổ chức khắc bản in kinh. Bộ Đại Bảo Tích cũng đã được chùa khắc bản.

Tổ đình Vĩnh Nghiêm là nơi quy tụ đông đảo nhất mỗi mùa kết hạ. Có năm, số tăng sĩ về kết hạ lên tới 220 vị.

Tổ đình Hồng Phúc là một tổ đình xưa nhất của phái Tào Động, năm nào cũng có tổ chức kết hạ, an cư theo truyền thống. Tổ đình này do thiền sư Pháp Minh chủ trì.

TRUYỀN THỪA TÀO ĐỘNG THEO BIA CHÙA HỒNG PHÚC

Thiền sư Pháp Minh tên đời là Dương Tâm Viên, hiệu là Thiền Lâm. Năm 1932, ông đã dựng một tấm bia ở chùa Hồng Phúc liệt kê hành trạng các vị tổ sư trú trì ngôi tổ đình này của phái Tào Động. Ông là đệ tử của thiền sư Nhân Từ, tổ đời thứ 47 của tông Tào Động. Sách Kế Đăng Lục của thiền sư Như Sơn[16] chỉ ghi được hai vị tổ Tào Động đầu tiên ở chùa Hồng Phúc: Đó là các thiền sư Thủy Nguyệt và Chân Dung. Bia của thiền sư Pháp Minh ghi đủ pháp danh của những vị kế thế trú trì chùa Hồng Phúc, xin ghi ra đây để bổ túc cho Chương XXIII của Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển nói về Tào Động Ở Đàng Ngoài (trang 171):

Tổ thứ nhất: Thiền sư Thủy Nguyệt, đời thứ 36 Tào Động.

Tổ thứ nhì: Thiền sư Chân Dung, đời thứ 37 Tào Động. Đây là đoạn văn viết về thiền sư Chân Dung trong bia: “Tổ thứ hai là Chân Dung, nối lửa pháp đăng, được một thời thì vào niên hiệu Vĩnh Trị[17] triều Lê bỗng có lệnh vua phế bỏ tăng lữ. Đệ nhị tổ của ta kiên trì tâm nguyện làm Phật, bảo rằng: “Đạo Phật không theo đường thế gian mà có thịnh có suy, mà phép Vua phải cùng phép Phật đùm bọc lấy nhau. Việc này chẳng qua là tâm của vua chưa giác ngộ, chưa có người vén màn mây che lấp mặt trời cho nên giáo lý của Phật mới khó tỏ tường; bây giờ có ai quét sạch sương mù che lấp bầu trời cho được?”. Bèn từ giã pháp tọa sư tử, thân hành đến thành Thăng Long, lấy bút mực thảo biểu văn dâng lên và được mời vào bệ kiến chốn đan trì. Ngài đem pháp học mà xiển dương Phật pháp, dùng bối diệp mà cởi mở tâm vua, dựng lại tông phong, thêm sáng tuệ nhật. Được lệnh ở lại chốn thần kinh, rộng mở đạo tràng mà thuyết pháp. Chốn phạm vũ lại được trùng tu để làm địa vức tham thiền. Giúp nước hộ đạo, được vua sắc phong, làm hưng thịnh những gì đã suy, nối tiếp lại những gì đã đứt”.

Tổ thứ ba: Thiền sư Tịnh Giác; đời thứ 38 Tào Động. Ông được vua Lê[18] ban hiệu là Tăng Thống Tịnh Giác Hòa Thượng. Pháp danh ông là Từ Sơn, tự là Hành Nhất.

Có nhiều lý do khiến cho ta nghĩ rằng Tịnh Giác chính là thiền sư Như Sơn tác giả sách Kế Đăng Lục. Trước hết, sách Kế Đăng Lục chỉ ghi tiểu sử hai vị tổ Tào Động người Việt: Hai người này là Thủy Nguyệt và Chân Dung. Thiền sư Chân Dung tịch năm 1709, ai là người thừa kế, nếu không phải là ông? Lý do thứ hai: Sách Kế Đăng Lục có ghi tên một vị sa di, đệ tử của ông, tên là Tính Chúc, người đã giúp ông về việc thẩm duyệt tác phẩm. Theo bia của thiền sư Pháp Minh thì Tính Chúc lại là tổ thứ tư của chùa Hồng Phúc. Như vậy bổn sư của Tính Chúc là ông. Tại sao không phải là tổ thứ ba? Nhưng pháp danh của tổ thứ ba là Từ Sơn, chứ không phải là Như Sơn. Tại sao? Hoặc giả Như Sơn chỉ là một người đồng sư của Từ Sơn? Tác phẩm Kế Đăng Lục do Như Sơn viết mà được mang danh từ ngự chế[19], bài tựa của Như Sơn viết năm 1734 lại có lời ca tụng vua có lòng hộ đạo và những dòng chữ ở đầu sách “Hồng Phúc Tự Sa Môn Như Sơn trước thuật”; những chi tiết này cho ta thấy Như Sơn tức là Từ Sơn, trú trì chùa Hồng Phúc từ năm 1709 và đã truyền đăng cho đệ tử ông là Tính Chúc, tổ thứ tư.

Tổ thứ tư: Thiền sư Tính Chúc, đời thứ 39 Tào Động. Ông được sắc phong là Bản Lai Hòa Thượng. Pháp tự ông là Thiện Thuận, hiệu là Đạo Chu. Sau lại được tặng phong là Phổ Hóa Độ Sinh Đại Bồ Tát. Ông đã giúp thiền sư Như Sơn thẩm duyệt tác phẩm Kế Đăng Lục.

Tổ thứ năm: Thiền sư Hải Điện, đời thứ 40 Tào Động. Ông được sắc phong là Viên Thông Tăng Thống Lại Nguyên Hòa Thượng. Pháp hiệu của ông là Mật Đa. Đời thứ 40 còn có các vị sau đây:

– Thiền sư Trí Thiếp. Ông pháp danh là Hải Tại, tự là Lợi Sinh. Được sắc phong là “Tăng Chính Tướng Sĩ Tăng Lục Ty Tăng Chính Hạ Tuyển Tự Tại Hòa Thượng.” Ông được thiền sư Hải Điện giao cho trách nhiệm trú trì chùa Hồng Phúc.

– Thiền sư Hải Hoằng, pháp tự là Tịnh Đức, hiệu là Nhu Nhã.

– Thiền sư Khoan Nhân, pháp tự là Phổ Tế, hiệu là Thanh Từ.

Tổ thứ sáu: Thiền sư Đạo Nguyên, đời thứ 41 Tào Động. Ông pháp danh là Khoan Dực, pháp tự là Phổ Chiếu, được sắc phong là Tăng Thống Đạo Nguyên Hòa Thượng. Pháp hiệu của ông là Thanh Lãng. Ông là thầy của thiền sư Thanh Đàm[20]. Đời thứ 41 còn có các vị sau đây:

– Thiền sư Khoan Giáo, pháp tự là Nhu Hòa, pháp hiệu là Thiện Căn.

– Thiền sư Khoan Thông, pháp tự là Chính Trí, pháp hiệu là Thanh Quang.

– Thiền sư Giác Bản, pháp tự là Minh Nam, pháp hiệu là Thanh Nguyên. Ông là bạn với thiền sư Thanh Đàm và có làm bài kệ tán dương sách Pháp Hoa Đề Cương[21] của bạn.

Tổ thứ bảy: Thiền sư Thanh Đàm, đời thứ 42 Tào Động. Ông pháp danh là Giác Đạo, pháp tự là Minh Chính, pháp hiệu là Hoằng Quang. Ông được triều đình ban giới đao và độ điệp[22]. Ông là tác giả sách Pháp Hoa Đề Cương Bát Nhã Trực Giải[23].

Tổ thứ tám: Thiền sư Giác Lâm, đời thứ 43 Tào Động. Ông pháp tự là Minh Liễu, pháp hiệu Lục Hòa.

Tổ thứ chín: Thiền sư Đạo Sinh, đời thứ 44 Tào Động. Ông pháp tự là Minh Đạt, pháp hiệu là Thanh Như.

Tổ thứ mười: Thiền sư Quang Lư, đời thứ 45 Tào Động. Ông pháp tự là Đường Đường, pháp hiệu là Như Như, cũng gọi là Hồng Phúc Sa Môn.

Tổ thứ mười một: Thiền sư Chính Bỉnh, đời thứ 46 Tào Động. Ông pháp tự là Bình Bình, pháp hiệu là Vô Tướng. Lại có hiệu là Hòa Thái Sa Môn.

Tổ thứ mười hai: Thiền sư Tâm Nghĩa, đời thứ 47 Tào Động. Ông pháp tự là Nhân Từ.

Theo thiền sư Pháp Minh, tác giả bài bia Danh Thùy Bất Hủ ở chùa Hồng Phúc, thì chùa này đổ nát rất nhiều dưới thời vua Tự Đức và chính là các vị tổ sư thứ chín (Đạo Sinh) và thứ mười (Quang Lư) đã trùng tu lại và làm cho chùa trở thành một “danh lam thắng cảnh ở thành Thăng Long”.

Năm 1938, chùa Thiên Tích ở Hà Nội cho xuất bản một tờ nguyệt san lấy tên là Quan Âm Tạp Chí. Chủ bút của tờ này là sa môn Võ Chiêm Khôi, trú trì chùa Thiên Tích. Số đầu ra ngày 24.10.1938. Quan Âm Tạp Chí ra được đến tháng Hai năm 1943 thì đình bản, số chót là số 34. Tạp chí này không có gì là đặc sắc và ảnh hưởng không được bao trong Phật giới.

 

[1] Tiểu thuyết Quả Dưa Đỏ được giải thưởng Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1925, tức là mười năm trước đó. Quả Dưa Đỏ đã được hoan nghênh nhiệt liệt và được nhiều tờ báo nhắc tới (Trung Bắc Tân Văn 20.2.1926, Đông Pháp Thời Báo 19.8.1927, v.v…).

[2] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển I, trang 189-190.

[3] Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême Orient (B.E.F.E.O) Hanoi, 1932, T. XXXII, fasc. 1, trang 191 – 268.

[4] Trần Trọng Kim: Phật Giáo Trong Ba Bài Diễn Thuyết, Tân Việt, Sài Gòn, 1950.

[5] Sách đã dẫn.

[6] Sách đã dẫn.

[7] Phật Giáo Xưa Và Phật Giáo Ngày Nay, Tân Việt, Sài Gòn, 1953.

[8] Bùi Kỷ: Nghĩa chữ Không trong đạo Phật. Đăng lại trong Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, từ số 16 đến số 21, 1958.

[9] Đuốc Tuệ số 60 (1.5.1937).

[10] Đuốc Tuệ số 11 (25.2.1936).

[11] Đuốc Tuệ số 108 (15.5.1939).

[12] Trong thiền viện truyền thống, tăng sĩ thường tự túc bằng cách canh tác, bắt đầu từ nguyên tắc “bất tác bất thực” của thiền sư Bách Trượng.

[13] Chùa Trấn Quốc đầu tiên được dựng ở đời Lý Nam Đế (544 – 548) gọi là chùa Khai Quốc, tọa lạc tại bãi An Hoa giáp sông Hồng Hà. Năm 1615 bãi sông bị lỡ, chùa được dời tới làng Yên Phụ cạnh Hồ Tây, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa đời Lý (cũng là nền cũ điện Hàm Nguyên đời Trần). Theo bia “Trần Quốc Tự Bi Ký” của thiền sư Đạo Khang dựng năm 1639 thì trong năm đó chùa đã được trùng tu rất tráng lệ. “Quy mô lớn, sức lực nhiều, so với người trước, công đức gấp trăm lần”, đó là lời trong bia. Trong cuộc tấn công của vua Nguyễn Huệ ra Bắc, chùa bị binh lửa tàn phá. Thiền sư Khoan Nhân huy động trùng tu lại chùa vào năm 1813. Đến năm 1815 thì hoàn thành. Thiền sư Khoan Nhân, theo bia “Tái Tạo Trấn Bắc Tự Bi” là người huyện Thụy Anh, phủ Thái Ninh, trấn Sơn Nam, nay là tỉnh Thái Bình.

Năm 1844 vua Thiệu Trị đổi tên chùa là chùa Trấn Bắc nhưng dân chúng vẫn tiếp tục gọi là chùa Trấn Quốc. Chỉ có chữ Quốc trên bia bị đục bỏ để chữa thành chữ Bắc mà thôi.

[14] Tiếng Chuông Sớm số 2 (1.7.1935).

[15] Tiếng Chuông Sớm số 3 (15.7.1935).

[16] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển II, trang 87.

[17] 1676 – 1680.

[18] Có thể là Lê Thuần Tông (1732 – 1735).

[19] Ngự Chế Thiền Điển Thống Yếu Kế Đăng Lục.

[20] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển II, trang 212.

[21] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển II, trang 213.

[22] Năm 1830 vua Minh Mạng cấp giới đao và độ điệp cho 53 vị cao tăng trong nước sau khi bộ Lễ đã xét hạch học lực và đức hạnh của họ. Thiền sư Phúc Điền, chùa Liên Tông ở Bạch Mai, người san khắc Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục, cũng được ban giới đao và độ điệp vào năm này.

[23] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển II, trang 212.