Việt Nam Phật giáo sử luận

Chương 07: Thiền Phái Thảo Đường

NGUỒN GỐC THẢO ÐƯỜNG

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành, chiếm các châu Ðịa Lý (phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), Ma Linh (các huyện Minh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) và Bố Chính (các huyện Bình Chánh, Minh Chánh, và Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình). Sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc nói rằng trong số những tù nhân bắt được ở Chiêm Thành trong cuộc chinh phạt ấy, có một vị thiền sư Trung Hoa tên là Thảo Ðường. Vị thiền sư này bị bắt chung với những người Chiêm Thành và chẳng ai biết ngài là thiền sư. Khi về tới kinh đô, vua chia những tù nhân bắt được cho các quan để làm người phục dịch. Tình cờ thiền sư Thảo Ðường được chia cho một vị tăng lục, một chức vụ trông coi về tăng sự. Một hôm, trong lúc vị tăng lục đi vắng, tên nô bộc Thảo Ðường lật xem thử những bản ngữ lục thiền học chép tay để trên bàn của chủ. Thấy các bản này có nhiều chỗ chép sai lầm quá, Thảo Ðường chịu không được, bèn cầm bút sửa chữa. Khi vị tăng lục về, khám phá ra chuyện ấy, rất lấy làm ngạc nhiên, bèn đem tự sự tâu lên vua. Vua cho vời tên nô bộc kỳ lạ ấy đến hỏi, thì biết đó là thiền sư Thảo Ðường ở Trung Hoa, nhân đi qua Chiêm Thành truyền giáo mà bị bắt. Khâm phục về sức học và đạo đức của Thảo Ðường, vua liền phong thiền sư làm quốc sư. Thiền học của Thảo Ðường có những giác sắc mới lạ, do đó một thiền phái nữa được thành lập, lấy tên là thiền phái Thảo Ðường. Thiền sư Thảo Ðường trụ trì tại chùa Khai Quốc, ngay ở kinh thành Thăng Long.

Sách Thiền Uyển Tập Anh có ghi rằng thiền sư Thảo Ðường thuộc truyền thống thiền của thiền sư Tuyết Ðậu Minh Giác ở Trung Hoa. Thiền sư Tuyết Ðậu tịch năm 1052, trong khi thiền sư Thảo Ðường được phong quốc sư ở Ðại Việt vào năm 1069, ta có thể nói Thảo Ðường là đệ tử trực tiếp của Tuyết Ðậu, và là anh em đồng sư với các thiền sư Nghĩa Hòa, Trí Phước và Truyền Tông. Thiền sư Tuyết Ðậu thuộc hệ thống thiền phái Vân Môn: Ông được xem như là người phục hưng thiền phái Vân Môn. Ông là người Tứ Xuyên, họ Lý, rất giỏi văn chương, đi xuất gia với thiền sư Quang Tộ, nhờ một gậy của thầy mà khai ngộ. Ông ở bên thầy năm năm, trú tại núi Linh Ẩn ba năm nữa, rồi về chùa Tư Khánh ở núi Tuyết Ðậu, mở trường dạy học. Vua Tống ban hiệu cho ông là Minh Giác đại sư. Ông tịch năm 73 tuổi. Trong lúc sinh thời, thiền sư có rút những tinh yếu từ 1.700 cổ tắc trong bộ Cảnh Ðức Truyền Ðăng Lục, làm ra 100 bài tụng cổ, trong ấy có đủ các lời thăng tòa, thuyết pháp, pháp ngữ, niêm hương, những cơ duyên truyền đăng và những câu thâm thúy trích trong kinh điển. Sau này Viên Ngộ thiền sư đã thêm vào tác phẩm này các lời thùy thị, trước ngữ bình xướng, và tạo thành tác phẩm Bích Nham Tập, một tác phẩm trọng yếu trong thiền môn, xưa nay được gọi là cuốn sách quý nhất của tông phái thiền (tông môn đệ nhất thư). Sau khi thiền sư mất, các đệ tử thu góp lại những ngữ cú, thi ca kệ tụng của ngài làm thành các tác phẩm Ðộng Ðình Ngữ Lục, Tuyết Ðậu Khai Ðường Lục, Bộc Truyền Tập, Tổ Anh Tập, Tụng Cổ Tập, Niêm Hương Tập Tuyết Ðậu Hậu Lục.

Một đặc điểm của phái Tuyết Ðậu là chủ trương tạo nên sự dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo: Đặc điểm này đã ảnh hưởng nhiều tới Phật giáo đời Trần ở Việt Nam, như ta sẽ thấy. Vân Môn và Tuyết Ðậu đều là những thiền sư bác học và có khuynh hướng văn học: Cả hai người đều nhắm tới sự hoằng dương Thiền học trong giới trí thức, đưa nho gia đến gần đạo Phật và trở nên Phật tử. Chính khuynh hướng Nho – Phật tổng hợp này đã thống trị tư tưởng Trung Hoa trong buổi đầu nhà Tống: Đây là giai đoạn thịnh hành cực độ của thiền phái Vân Môn tại Trung Hoa. Cũng vì quá thiên trọng về giới thượng lưu trí thức nên những sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo bình dân (như ở đời Đường) bị bỏ rơi và thiếu sót trong thiền phái Vân Môn.Ta không biết thiền sư Thảo Ðường có dự phần trong việc biên tập các bộ ngữ lục của thiền sư Tuyết Ðậu hay không; ta chỉ biết khi hành đạo ở Ðại Việt, ông đã sử dụng Tuyết Ðậu Ngữ Lục. Rất có thể Thảo Ðường là pháp hiệu của một trong những vị đệ tử của Tuyết Ðậu đã dự phần biên tập các bộ ngữ lục. Những vị ấy, như ta biết, là Duy Ích, Văn Chẩn, Viên Ứng, Văn Chính, Viễn Trần và Tử Hoàn.

ẢNH HƯỞNG CỦA PHÁI THẢO ÐƯỜNG

Thiền sư Thảo Ðường cố nhiên đã giảng Tuyết Ðậu Ngữ Lục nhiều lần tại chùa Khai Quốc; khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca đã từ đó ảnh hưởng đến hai thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thiền sư Minh Trí (mất năm 1190) và Quảng Nghiêm (mất năm 1190) của phái Vô Ngôn Thông chẳng hạn, đã rất hâm mộ Tuyết Đậu Ngữ Lục. Các thiền sư Viên Chiếu (mất năm 1090) và Trí Bảo (mất năm 1190) của phái Vô Ngôn Thông và thiền sư Chân Không (mất năm 1100) của phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi là những người đã chịu ảnh hưởng nhiều về khuynh hướng thiền học tri thức và thi ca của phái Tuyết Đậu. Sau này thiền phái Trúc Lâm của đời Trần còn tiếp tục chịu ảnh hưởng này.

Sách Thiền Uyển Tập Anh có ghi lại tên tuổi của 19 người thuộc thiền phái Thảo Ðường, kể cả thiền sư Thảo Ðường, phân làm sáu thế hệ:

Thế hệ 1: Thảo Đường.

Thế hệ 2: Ba người: Lý Thánh Tông, Bát Nhã, Ngộ Xá.

Thế hệ 3: Bốn người: Ngô Ích, Thiệu Minh, Không Lộ, Ðịnh Giác.

Thế hệ 4: Bốn người: Ðỗ Vũ, Phạm Âm, Lý Anh Tông, Ðỗ Ðô.

Thế hệ 5: Ba người: Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Ðỗ Thường.

Thế hệ 6: Bốn người: Hải Tịnh, Lý Cao Tông, Nguyễn Thức, Phạm Phụng Ngự.

Vì khuynh hướng thiên trọng trí thức và văn học của nó, thiền phái Thảo Ðường không cắm rễ được trong quần chúng mà chỉ ảnh hưởng đến một số trí thức có khuynh hướng văn học. Trong số 19 người thuộc thiền phái Thảo Ðường được ghi chép ở sách Thiền Uyển Tập Anh, ta thấy chỉ có 10 vị là người xuất gia, kể cả Thảo Ðường: Thảo Ðường, Thiệu Minh, Phạm Âm, Ðỗ Ðô, Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Hải Tịnh, Bát Nhã, Không Lộ và Ðịnh Giác. Ba vị sau có khuynh hướng Mật giáo; Không Lộ và Định Giác (tức Giác Hải) đồng thời cũng thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông. Ta thấy có tới 9 vị là cư sĩ, mà phần nhiều là vua với quan: Thánh Tông, Anh Tông và Cao Tông đều là vua, Ngô Ích là quan tham chính, Ðỗ Vũ là quan thái phó, Đỗ Thường cũng là quan thái phó, Nguyễn Thức là quan quản giáp. Thiền phái Thảo Ðường, vì những lý do trên, đã không đủ sức tạo nên một truyền thống sinh hoạt tăng viện độc lập có thể lưu truyền về sau. Ảnh hưởng của thiền phái này chỉ đáng kể về mặt học tập.

Thiền Uyển Tập Anh tuy có ghi lại tên họ 19 vị thuộc thiền phái Thảo Ðường nhưng không ghi lại tiểu sử, niên đại và các bài kệ truyền thừa của mỗi vị. Chắc hẳn những ghi chép này được thêm vào tương đối hơi trễ trong tác phẩm. Thông Biện đã không muốn ghi chép về Bát Nhã, và đã không đề cập gì đến thiền phái Thảo Ðường trong lời trình bày với thái hậu Phù Cảm Linh Nhân vào năm 1096 về lịch sử du nhập của Phật giáo Việt Nam. Ta nên nhớ là Thảo Đường được phong quốc sư năm 1069, và Bát Nhã là vị tăng sĩ duy nhất của thế hệ thứ hai thiền phái Thảo Ðường. Thông Biện đã không muốn ghi chép về Bát Nhã và Ðại Ðiên bởi các vị này đã chứng tỏ chú trọng quá về tà thuật thần bí mà không chịu sống theo truyền thống tăng viện.