Định đề 40

 

Các giáo lý vô thường, vô ngã, duyên khởi, không, vô tướng, vô tác, niệm, định, tuệ, v.v… là trái tim của tuệ giác đạo Bụt có thể đi đôi với tinh thần khoa học, đối thoại, hướng dẫn, gợi ý và nâng đỡ cho khoa học. Khoa học hiện đại cần vượt cho được nhị thủ. Nhà khoa học cần luyện tập và phát triển hơn nữa khả năng trực giác của mình.

The teachings on impermanence, non-self, interdependence, emptiness, signlessness, aimlessness, mindfulness, concentration, and insight, etc… constitute the heart of the Buddhist wisdom. They can go together with the spirit of science, they can be used in dialogue with science and offer suggestions and support for science. Modern science should try to overcome the tendency of double grasping and scientists should train themselves to develop their capacity for intuition.

 

Có những giáo lý, những sự thực tập mà chúng ta có thể xem như là trái tim của tuệ giác đạo Bụt. Những giáo lý hay sự thực tập khác không phải là trái tim, nó có cũng được mà không có cũng không sao, ví dụ như có hay không có cõi Tịnh độ, có hay không có hằng sa số chư Bụt hoặc Siddharta sinh ra hay không sinh ra từ bên hông, Maya phu nhân hiện đang ở tầng trời nào, thái tử sinh ra có đi bảy bước, có nói “trên trời dưới đất tôi là số một” không… Đó không phải là trái tim của tuệ giác đạo Bụt mà chỉ là đối tượng của sự tín mộ. Dù đang ở trong truyền thống Thiền hay Tịnh độ hay Thiên Thai hay Mật thì ta cũng phải công nhận trái tim của tuệ giác đạo Bụt là vô thường, vô ngã, tương tức, niệm, định, tuệ, không, vô tướng và vô tác. Những giáo lý này có mặt trong tất cả những truyền thống Phật giáo. Không có thì không phải là Phật giáo. Đó là những dấu ấn chứng tỏ đây là đạo Phật thật. Chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi hay đàn tràng chẩn tế có hay không có hiệu nghiệm, điều đó không quan trọng mấy. Điều quan trọng là phải thấy được đâu là trái tim của tuệ giác đạo Bụt. Truyền thống nào cũng phải công nhận giáo lý và sự thực tập niệm, định, tuệ, vô thường, vô ngã, Niết bàn, tương tức. Chúng ta sử dụng những giáo lý và sự thực tập đó khi đối thoại với khoa học.

Chánh kiến chân thật là sự vắng mặt của tất cả các kiến

Chúng ta phải phân biệt tinh thần khoa học và những khám phá khoa học. Tinh thần khoa học là tinh thần không bám víu vào bất kỳ một khám phá nào và cho đó là khám phá cao nhất vì ngày mai có thể có khám phá cao hơn và ta phải biết buông bỏ khám phá của ngày hôm nay. Tinh thần khoa học này rất Phật học vì trong Phật học có giáo lý phá chấp (non-attachment to views). Ta có những cái thấy rất hay nhưng ta không bị kẹt vào đó, ta không cho đó là cao nhất, không có gì có thể vượt thắng được chúng. Chúng ta hãy nghĩ đến hình ảnh của một cái thang, leo lên đến nấc thứ bảy ta thấy cao quá nhưng thế nào ta cũng phải bỏ nấc thang thứ bảy để có thể leo lên nấc thang thứ tám.

Cái thấy, trong đạo Phật gọi là kiến, tiếng Anh là view. Cái thấy đúng là chánh kiến (right view). Vô thường là một chánh kiến, thường là tà kiến, ta chọn chánh kiến vô thường và bỏ tà kiến thường. Nhưng xét trên phương diện ý niệm, thì đó chưa phải là chánh kiến mà chỉ mới là ý niệm. Ta có ý niệm về vô thường mà ta chưa có tuệ giác về vô thường và ý niệm về vô thường chưa giúp nhiều được cho ta. Học về vô thường ta chưa thấy có ích lợi gì nhiều vì đó chỉ là kiến, dù cho là chánh kiến. Đạo Bụt nói rất rõ là dù đó là chánh kiến ta cũng phải bỏ luôn vì chánh kiến được đưa ra không phải để làm mẫu mực cho chân lý tuyệt đối.

Những giáo lý về vô thường, vô ngã, duyên khởi không phải được đưa ra như những chân lý tuyệt đối mà như những phương tiện để đạt tới chánh kiến chân thật. Que diêm không phải là cứu cánh, nhưng ta rất cần que diêm nếu ta muốn có lửa. Muốn có tuệ giác giải thoát đích thật ta phải cần tới chánh kiến như vô thường, vô ngã, v.v… Nếu ta cứ mân mê, trân quý các que diêm thì không khi nào có được lửa, ta phải biết cách sử dụng que diêm thì mới làm ra được ngọn lửa. Cái thấy về vô thường, vô ngã, niệm, định, tuệ không có ích lợi nếu ta không biết cách sử dụng chúng và khi sử dụng được thì chính tuệ giác sẽ đốt cháy các kiến ấy. Nếu ta biết cách sử dụng thì chánh kiến vô thường làm ra tuệ giác vô thường và khi tuệ giác vô thường phát sinh ra thì nó đốt cháy chánh kiến vô thường. Sự thật không thường mà cũng không vô thường. Vì vậy trong đạo Phật nói rất rõ: Chánh kiến chân thật là sự vắng mặt của tất cả các kiến. (The absolute right view is the absence of all views.) Những giáo lý Bụt đưa ra không phải là những chân lý tuyệt đối mà là những dụng cụ để mình đốt đi những quan điểm của mình. Trong kinh Kim Cương nói: Không những ta phải buông bỏ cái phi pháp mà pháp ta cũng phải buông bỏ luôn. Pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp? Trong kinh Người Bắt Rắn có hình ảnh của chiếc bè được ta kết để qua sông, qua sông rồi thì phải liệng chiếc bè chứ không vác bè lên lưng mà đi. Tất cả giáo lý về vô thường, vô ngã, duyên sinh, niệm, định, tuệ là những chiếc bè. Tuệ giác phát sinh thành ngọn lửa đốt cháy tất cả các kiến dù đó là kiến vô thường, vô ngã. Giới đầu tiên trong 14 giới Tiếp Hiện có nói về tinh thần cởi mở và bao dung: Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động. Đó là tiếng gầm sư tử lớn trong đạo Phật. Trên thế gian ít có truyền thống nào dám nói: Giáo lý của tôi chỉ là phương tiện, đừng thờ giáo lý đó như chân lý tuyệt đối, đừng nhân danh giáo lý đó mà đi giết người khác. Nếu chúng ta thực tập đúng theo đó thì thế giới sẽ có hòa bình, chỉ cần thực tập giới đầu tiên của 14 giới Tiếp Hiện là đủ để có hòa bình trên thế giới.

Vượt thoát nhị thủ và sử dụng trực giác

Khi đối thoại với những nhà khoa học ta đừng đem những giáo lý đó ra để đàm thuyết. Hiện nay đã có những cuốn sách đối thoại với những nhà khoa học, nhưng tác giả chỉ đối thoại trên mặt lý thuyết. Tổ Lâm Tế sẽ không đem tới một cuốn kinh để đối thoại với khoa học mà tổ sẽ đem tới cây gậy và tiếng hét. Sau này quý vị muốn đối thoại với các nhà khoa học thì đừng đem theo sách vở mà nên đem theo sự thực tập của mình. Ta đi, ngồi, mỉm cười cho đàng hoàng để những người kia có thể thấy là họ đang thiếu cái đó. Trái tim của đạo Bụt không phải là một mớ lý thuyết về vô thường, vô ngã mà là tuệ giác về vô thường, vô ngã ta đạt tới được nhờ sự thực tập của mình. Đó là pháp linh động (the living Dharma) có đủ sức thuyết phục và có tinh thần khoa học. Tinh thần khoa học là tinh thần cởi mở và bao dung, không vướng vào bất cứ một kiến chấp nào.

Các nhà khoa học không thực tập sẽ bị dính vào những ý niệm khoa học. Chính nhà khoa học cũng cần phải thực tập buông bỏ và phá chấp, huống hồ là nhà Phật học. Nhờ trong đạo Phật có tinh thần phá chấp, buông bỏ nên đạo Phật mới đối thoại được với khoa học một cách dễ dàng. Đạo Phật không giáo điều. Vô thường, vô ngã không phải là giáo điều mà chỉ là những phương tiện, là que diêm mà chưa phải là ngọn lửa. Đạo Phật hướng dẫn được khoa học, không phải hướng dẫn bằng lý thuyết mà bằng tuệ giác. Đạo Phật có thể gợi ý và nâng đỡ cho khoa học. Trong thế kỷ thứ 21, nếu tu đàng hoàng thì ta có thể chơi với các nhà khoa học và giúp được họ.

Khoa học hiện đại cần vượt cho được nhị thủ (double grasping) thấy đối tượng và chủ thể là hai cái khác nhau, vật chất và tinh thần là hai cái khác nhau, thân và tâm là hai cái khác nhau, thời gian và không gian là hai cái khác nhau. Người quán sát và vật bị quán sát không phải là hai cái riêng biệt tách biệt nhau mà có.

Khoa học đã bắt đầu cảm thấy cái không có ranh giới giữa chủ thể và đối tượng, giữa tâm và vật, giữa não bộ và tâm thức, giữa người quán sát và sự vật được quán sát. Nhưng phần lớn các nhà khoa học vẫn còn sử dụng phương pháp phân tích, diễn dịch, quy nạp. Thỉnh thoảng mới có một nhà khoa học có trực giác khá mạnh. Nếu để trực giác dẫn đường thì họ sẽ đi tới những khám phá rất mầu nhiệm. Nếu họ chỉ dùng lý trí phân tích (discriminative mind) thì họ sẽ còn đi quanh rất lâu. Những nhà tu tập, như đức Thế Tôn ngày xưa, không dùng phân biệt trí mà sử dụng niệm, định để phát triển vô phân biệt trí (tuệ). Những khám phá của Ngài là do con đường trực giác mà không phải do con đường phân tích và diễn dịch. Vì vậy vấn đề của khoa học hiện đại là vượt được nhị thủ. Trong lĩnh vực vi mô (microscopic) các nhà khoa học đã thấy được: Tâm và vật quan sát dính với nhau, không thể tách rời. Nhìn một vật, trước tiên ta thấy được tâm của ta, cũng như chú gấu Pooh khi nhìn thấy những dấu chân trên tuyết, tưởng đó là dấu chân của con vật nào khác, nhưng không ngờ đó lại là dấu chân của chính nó.

Vượt thoát nhị thủ là vấn đề lớn nhất của các nhà tu và của các nhà khoa học. Vấn đề thứ hai là nhà khoa học phải căn cứ nhiều hơn trên trực giác (trí vô phân biệt) và họ đừng nên nghĩ rằng mình sẽ thành công được chỉ nhờ dựa trên trí phân tích, diễn dịch và quy nạp mà thôi.