Định đề 19

 

Nên nhìn “tập đế” là con đường của Bát tà đạo. Nguyên do của sinh tử luân hồi không phải chỉ là cái muốn.

You should learn to see the second noble truth as the path of the eight wrong practices. The deep cause of ill- being is not just desire.

Nhiều người, nhất là người Tây phương thường diễn dịch Tứ đế như sau: Tất cả nguyên do của khổ đau là do ham muốn, do dục. Lối giải thích đó thường đưa tới sự hiểu lầm: Khổ đau từ ham muốn mà có. Nhưng ham muốn không phải là tất cả nguyên do của khổ đau.

Sự thật thứ nhất là khổ đế, sự thật thứ hai là tập đế, tức là dục (desire), sự thật thứ ba là diệt đế tức là hết khổ đau, sự thật thứ tư là đạo đế tức là diệt dục. Đó là cách hiểu Tứ diệu đế của rất nhiều người, trong đó có cả người Trung Quốc và người Việt Nam. Cách giải thích này đưa tới rất nhiều hiểu lầm nên chúng ta phải tránh giải thích Tứ diệu đế theo lối này.

Trong bài pháp thoại đầu tiên của đức Thế Tôn, Ngài nói rất rõ: Sự thật thứ tư là con đường đưa tới sự diệt khổ, là con đường Bát chánh đạo, chứ không phải là con đường diệt dục. Bát chánh đạo là con đường của tám sự hành trì chân chính. Chúng ta nên biết, trước khi đức Thế Tôn chuyển pháp luân, Ngài đã chuẩn bị rất đàng hoàng. Ngài đã ngồi 49 ngày dưới cây bồ đề để có thì giờ tìm cách diễn bày cái thấy của mình bằng ngôn ngữ của loài người. “Chuyển pháp luân kinh”, bài pháp thoại đầu tiên đã được Ngài chuẩn bị rất kỹ. Các vị giáo thọ của mình cũng nên học theo đức Thế Tôn, phải chuẩn bị thật đàng hoàng nhất là khi mình ra trận lần đầu tiên.

Tứ diệu đế và Bát chánh đạo là tinh túy của bài pháp thoại đầu. Bát chánh đạo giải thích Tứ diệu đế, Bát chánh đạo là con đường của tám sự hành trì chân chính đưa tới sự diệt khổ, đem lại hạnh phúc. Nếu hiểu Tứ diệu đế và Bát chánh đạo một cách chính thống thì phải giải thích đạo đế (Bát chánh đạo hay Bát thánh đạo) là con đường của tám sự hành trì chân chính. Bát thánh đạo là The Holy Eightfold Path, Bát chánh đạo là the Noble Eightfold Path.

Con đường đưa tới khổ đau

Nếu con đường của tám sự hành trì chân chánh đưa tới hạnh phúc thì con đường nào đưa tới đau khổ? Nhìn vào sự thật thứ tư chúng ta thấy sự thật thứ hai. Sự thật thứ hai không phải chỉ là dục mà là Bát tà đạo (the wrong path). Tà là ngược với chánh. Bát chánh đạo là con đường của chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp v.v… con đường đưa tới hạnh phúc, chấm dứt khổ đau. Diệt dục chỉ là một phần nhỏ của diệt đế. Khi nói tới sự thật thứ hai thì ta nói tới Bát tà đạo tức tà kiến, tà tư duy v.v… Chúng ta thấy rõ rằng khổ đau, luân hồi sinh tử là do tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà mạng v.v… chứ không phải chỉ do dục.

Khi nói tới dục là ta nói tới tà dục, tức những ham muốn đem tới đau khổ. Có những ham muốn không đem tới đau khổ. Khi Siddharta bỏ cung điện ra đi thì Ngài cũng có cái muốn, muốn tìm con đường để chuyển hóa khổ đau. Cái muốn đó cũng là một cái dục, nhưng không phải là tà dục. Dục đó là một nguồn năng lượng rất lớn làm cho cuộc đời của con người có ý nghĩa. Thấy cuộc đời khổ đau, mình phát tâm xuất gia để chuyển hóa con người của mình, để có được bình an, hạnh phúc hầu ra giúp đời, giúp người. Đó là một cái dục rất lớn, dục đó không phải là tà dục mà nếu diệt đi thì mình không còn năng lượng, không còn sức sống nữa.

Chữ dục phải được hiểu là tà dục. Tà dục là muốn có nhiều tiền tài, nhiều danh vọng, nhiều sắc dục, nhiều quyền hành. Tà dục làm cho mình khổ đau, nó được phát khởi lên dựa trên căn bản của tà kiến và tà tư duy. Tà kiến, tà tư duy là căn bản của tà dục, cho nên nền tảng của tà dục là vô minh. Vô minh là gốc rễ căn bản. Ta nên cho rằng sự thật thứ hai là vô minh thì đúng hơn cho là tà dục. Nhưng nói vô minh cũng chưa đủ mà phải nói là con đường của kiến giải sai lầm, tư duy sai lầm, nói năng sai lầm v.v…

Trong kinh “Bát đại nhân giác” có một câu, giải thích rằng nguyên do của sinh tử là ham muốn, là tà dục và nhiều người đã bị ảnh hưởng câu đó:

Đệ nhị giác ngộ

Tham dục vi khổ

Sinh tử bì lao

Tùng tham dục khởi

Thiểu dục vô vi

Thân tâm tự tại

“Điều giác ngộ thứ hai là thấy được rằng vướng mắc vào những tham dục sẽ đưa tới những khổ đau. Tất cả khổ đau của sinh tử đều từ tham dục mà có. Không có nhiều tham dục (thiểu dục) thì thân tâm tự tại, thanh thản”. Điều giác ngộ thứ hai nói đúng, không sai. Không có tà dục thì trong người ta khỏe nhẹ. Nhưng ta không nên dùng câu này để giải thích sự thật thứ hai, tức tập đế. Muốn giải thích sự thật thứ hai một cách đúng đắn thì ta phải nói: Con đường đưa tới khổ đau là bát tà đạo, con đường của sự hành trì tà đạo. Kiến giải sai lầm, tức tà kiến, không chỉ đưa tới sự thèm khát (dục) mà còn đưa tới nhiều thứ như giận hờn, tuyệt vọng, bạo động, căm thù v.v… Kết quả của tà kiến không phải chỉ là tà dục mà còn có sân, si, mạn, nghi. Giải thích sự thật thứ hai là dục là không đúng. Nguyên do của sinh tử luân hồi không phải chỉ là dục.

Sau này các thầy, các sư cô giảng giải Tứ diệu đế đừng nên theo vết chân của người xưa, cho rằng sự thật thứ hai chỉ là dục. Những phiền não căn bản (tham, sân, si, mạn, nghi) đều đưa tới đau khổ, không phải chỉ có tham (dục) mà thôi. Nói một cách khoa học hơn thì sự thật thứ hai là con đường tà đạo (tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp v.v…).

Đạo Phật đi vào cuộc đời

Chúng ta thường nói rằng sở dĩ có đau khổ là do chúng ta ham muốn quá nhiều. Điều đó đúng! Chúng ta nói: Nếu muốn hết khổ thì đừng ham muốn gì nữa cả. Điều đó cũng đúng! Nhưng nói như vậy người ta không áp dụng được. Ta phải nói: Sở dĩ anh đau khổ là vì anh có tà kiến, anh có những nhận thức sai lầm về sự thật, sự thật về anh và về thế giới. Anh có những tư duy sai lầm do tà kiến của anh. Tà kiến và tà tư duy đưa anh đi vòng vòng trong cõi khổ đau cho nên anh phải thực tập để thoát ra khỏi vòng tà kiến và tà tư duy. Ta phải đưa ra những biện pháp rất cụ thể để người kia chỉnh đốn lại tà tư duy và lấy ra bớt tà kiến. Nếu chỉ nói: “Tại anh muốn nhiều quá cho nên anh mới khổ”, thì ta không giúp gì được cho người kia. Vì vậy giải thích sự thật thứ hai là dục thì không hay, không cụ thể.

Trong tạp chí “National geographic”, số tháng 12 năm 2005 có một bài nói về đạo Phật trong một hình thức mới của một ký giả, trong đó có đoạn: “Hiện nay trên thế giới có một đạo Phật đang xuất hiện dưới một hình thức mới. Những nhà thể thao cũng đang thực tập đạo Phật để được thành công nhiều hơn trong cuộc thi đấu. Những nhân viên công an, cảnh sát cũng đang thực tập đạo Phật để có được bình tĩnh mà giải quyết một cách sáng suốt và dễ dàng hơn những vấn đề trong đời sống hàng ngày. Những nhà doanh thương đang thực tập đạo Phật để lấy bớt sự căng thẳng trong người họ. Những nhà chính trị cũng thực tập đạo Phật để cho tâm lắng yên, hầu tìm ra con đường chính trị ít gây ra mâu thuẫn. Đạo Phật mới này giúp người ta cải tiến được ý niệm về một con đường chính trị, giúp người ta tìm ra những phương pháp hay hơn để bảo vệ sinh môi. Tất cả mọi người trong xã hội đều đang tìm về đạo Phật để học hỏi những phương pháp hầu được thành công trong cuộc đời của mình”. Người ký giả tả một cảnh đang xảy ra trong một bệnh viện ở miền Bắc California, Mỹ. Trong bệnh viện có rất nhiều các thầy, các sư cô và các thiền sinh đến giúp cho những người bệnh sắp chết, giúp cho họ bớt đau nhức, giúp cho họ chết một cách nhẹ nhàng và không sợ hãi. Sau khi tả cảnh tượng các thầy, các sư cô và các Phật tử đang thực tập giúp cho những người sắp chết thì ký giả nói: “Đây là một trong những hình thái thực tập đạo Phật trong chiều hướng gọi là “đạo Phật dấn thân” (Engaged Buddhism) và danh từ này do thầy Nhất Hạnh, một vị thiền sư người Việt đưa ra cách đây 40 năm”. Tiếp theo, ông ta nói tới Phật giáo ở các nước Âu châu và Á châu. Nói về Ấn Độ, ông ta có nhắc tới thiền sư Goenka, người gốc Miến Điện, đã từng mở những khóa tu 10 ngày cho những người Ấn Độ, nhất là những người trong tù. Những tù nhân tu được một khóa 10 ngày thì tự nhiên trong lòng họ thảnh thơi, nhẹ nhàng, ít đau khổ và họ không làm khổ những người cai tù như trước nữa.

Ông cũng có nói tới Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Phật giáo đã từng bị đàn áp trong cuộc cách mạng văn hóa. Ông nói tới một bà đang làm giám đốc một xí nghiệp lớn, một hãng quảng cáo. Bà rất thành công, càng ngày bà càng giàu. Nhưng dù càng thành công và càng ngày càng giàu có, bà cũng cảm thấy một sự trống vắng trong tâm hồn, bà không có hạnh phúc, an lạc. Vì vậy bà quyết định thực tập đạo Phật mỗi ngày. Đến giờ thực tập bà nhất định không tiếp nhận điện thoại và bà sống sót được là nhờ sự thực tập trong ngày.

Ông ký giả cũng có nói tới Làng Mai. Hàng ngàn thiền sinh tới thực tập tại Làng Mai, trong đó có những nhóm người Do thái và Palestinian. Lúc mới tới họ nhìn nhau bằng con mắt sợ hãi, nghi ngờ. Nhưng sau khi thực tập thì họ có thể nhìn nhau bằng con mắt thiện cảm, họ có thể ngồi ăn cơm với nhau, họ có thể đi thiền hành với nhau, họ có thể ôm nhau để tha thứ được cho nhau.

Đó là một trong những hình thái của đạo Phật mới, được gọi là “đạo Phật đi vào cuộc đời”.

Tại Làng Mai chúng ta đã tổ chức những khóa tu cho các nhà doanh thương. Họ tới tham dự rất đông, trong số đó có nhiều vị là tổng giám đốc các công ty. Nếu ta nói: “Ông đau khổ tại vì ông ham muốn nhiều quá nên bây giờ ông đừng ham muốn gì nữa hết”, thì họ sẽ không bao giờ tới nữa. Nhưng nếu ta nói: “Các ông nhìn cho kỹ, những đau khổ của các nhà doanh thương đã tới từ tà tư duy, tà kiến. Vì có tà kiến và tà tư duy cho nên những tâm hành như tham lam, giận dữ, tuyệt vọng v.v… nảy sinh ra. Nếu ông thực tập theo sự chỉ dạy của đức Thế Tôn thì ông có thể vượt thắng được đau khổ và có thể thành công dễ dàng hơn trong sự nghiệp doanh thương của ông. Ông thiết lập được liên hệ tốt với những người cộng sự trong hãng của ông. Ông làm cho những công nhân của ông có hạnh phúc, và do đó doanh nghiệp của ông sẽ thành công hơn”. Những nhà doanh thương đã thực tập, đã đem sự thực tập vào trong đời sống hàng ngày, đã bớt khổ và tìm thấy an lạc. Nếu ta nói với họ: “Tại vì ông ham tiền nhiều quá, thôi ông đừng ham tiền nữa. Ông đừng làm gì nữa hết”, thì đạo Phật đó chẳng giúp gì được cho họ. Có những nhà doanh thương sau khi tham dự khóa tu được ba tháng, đã viết thư cho chúng ta nói ảnh hưởng của khóa tu vẫn còn tiếp tục. “Sau ba tháng rồi mà chúng tôi thấy những tuệ giác, những cái thấy vẫn liên tục tới với chúng tôi. Chúng tôi đã áp dụng được những điều đã học trong khóa tu vào trong đời sống hàng ngày, vào trong đời sống gia đình và trong doanh nghiệp”. Đó là hình thái của Đạo Phật đi vào cuộc đời (le Buddhisme engagé).

Chúng ta cũng đã từng tổ chức những khóa tu cho những nhân viên công an cảnh sát, những luật sư, những người cai tù. Họ có rất nhiều căng thẳng trong đời sống hàng ngày. Họ có những khổ đau trong phạm vi gia đình, con cái và sở làm của họ. Có rất nhiều người mất ngủ và có rất nhiều người tự tử. Bên Mỹ, số lượng cảnh sát tự tử bằng súng của mình rất nhiều. Họ dùng súng để tự bắn mình thay vì để bảo vệ an ninh vì họ chịu không nổi những căng thẳng và phiền não. Ta tổ chức những khóa tu cho cảnh sát, cai tù, giúp họ nắm được một vài sự thực tập để làm vơi đi những căng thẳng, những khổ đau, những hiểu lầm trong họ. Đạo Phật đó giúp đỡ họ rất nhiều. Tuy mình nói: “Các ông khổ tại vì các ông ham muốn nhiều quá đi! Thôi đừng ham muốn gì nữa!” thì cũng đúng, nhưng người ta sẽ không áp dụng được. Ta phải cho họ thêm một ham muốn, đó là ham muốn thực tập để chuyển hóa khổ đau. Ta cho họ một ham muốn tốt đẹp để họ bỏ từ từ những ham muốn không tốt đẹp.

Chúng ta cũng đã tổ chức những khóa tu cho giới bác sĩ và y tá. Nhờ có thực tập nên đời sống của các vị ấy bớt căng thẳng và họ phục vụ được cho bệnh nhân nhiều hơn. Chúng ta cũng đã tổ chức những khóa tu cho giới bảo hộ sinh môi, cho giới tâm lý trị liệu, cho các vị giáo chức. Những người này cũng đau khổ vì chính học trò của họ. Chúng ta cũng đã đi vào những nhà tù để giảng dạy, giúp cho những tù nhân thực tập. Và chúng ta cũng đã tổ chức những khóa tu cho giới sinh viên, học sinh và giới thiếu nhi.

Bát chánh đạo: Con đường giải thoát

Căn cứ trên giáo lý Tứ diệu đế, chúng ta đã cung cấp được những giáo lý và những phương pháp hành trì để giúp cho mọi giới trong xã hội thấy được con đường đưa tới sự diệt khổ tức sự thật thứ tư. Con đường đó rất rõ ràng, con đường của tám sự hành trì chân chính (the Noble Path of Right Practice). Khi có tà kiến, có nhận thức sai lầm thì ta đau khổ và ta làm cho người khác đau khổ. Khi ta có một tư duy sai lầm thì tư duy đó làm ta đau khổ, bệnh hoạn và làm cho người khác đau khổ, bệnh hoạn. Bát chánh đạo là một con đường rất cụ thể. Chúng ta phải làm thế nào để áp dụng được con đường Bát chánh đạo vào trong đời sống hàng ngày của chính mỗi chúng ta, giúp cho những người thân và những người trong xã hội cũng áp dụng được con đường đó.

Chúng ta có một cái thấy, chúng ta tin rằng cái thấy đó là đúng, và chúng ta có những tư duy (thinking) phát sinh từ cái thấy đó. Tuy ta chưa nói gì, chưa làm gì nhưng một cái thấy sai lầm và một lối suy nghĩ sai lầm đã có thể gây đau khổ rất nhiều. Chúng ta hay nói tới một chứng bệnh là bệnh trầm cảm. Khi bị trầm cảm ta không còn năng lượng nữa, ta chán đời, ta muốn chết. Ta rất sợ hãi, ta nghĩ rằng rơi vào vòng trầm cảm rồi thì có thể ta sẽ đi luôn, ta không thể nào gượng lại để đi lên. Thật ra có những người trầm cảm đã hết bệnh. Họ rơi xuống hố trầm cảm một thời gian, rồi không biết tại sao họ lại lên trở lại. Nhưng trong thời gian không bị bệnh họ vẫn lo sợ, và vì lo sợ nên họ lại rơi xuống hố trầm cảm. Trong xã hội ngày nay có rất nhiều người bị trầm cảm. Nếu có một người trầm cảm đến hỏi:

  • Trong đạo Phật có phương pháp thực tập nào để chúng tôi làm vơi bớt đau khổ không? Mỗi khi rơi vào hố trầm cảm thì tôi chán đời, tôi lo lắng, tuyệt vọng, tôi nghĩ rằng tôi sắp chết. Vậy các thầy có phương pháp nào giúp tôi không?

Và nếu ta nói:

  • Tại vì ông ham muốn nhiều quá! Ông đừng ham muốn nữa thì tự nhiên hết khổ.

Ta không thể giúp họ bằng cách đó. Ta phải ngồi lắng nghe người ấy để thấy cách họ nhìn cuộc đời như thế nào, để ta biết được cái thấy của họ như thế nào, thấy được họ sai lầm ở chỗ nào. Trước đó, trong khi nằm dưới đáy trầm cảm, họ có thể thấy như thế này: “Mình sẽ không bao giờ leo lên trở lại được, chắc không bao giờ mình có thể thoát ra khỏi trạng thái này”. Khi ở đáy trầm cảm họ tin rằng họ sẽ ở đó hoài, họ không có khả năng lên được. Đó là một cái thấy sai lầm. Ngày xưa họ đã từng ở dưới đáy và một ngày nào đó tự nhiên họ đã thoát lên được. Ta phải nói với họ:

  • Ông ơi, ông đừng nên nghĩ như vậy. Ông nhớ lại coi, ngày xưa ông đã từng rơi xuống và ông đã lên được trở lại mà! Cái thấy, cái tư duy rằng mình sẽ không bao giờ lên lại được không phù hợp với sự thật. Cái thấy đó là tà kiến, tư duy đó là tà tư duy.

Hầu hết chúng ta đều tin rằng cái thấy của mình là cái thấy đúng và tư duy của mình là tư duy đúng. Chúng ta đang kẹt vào cái thấy, kẹt vào tư duy của chúng ta và chúng ta quanh quẩn trong vòng buồn giận, tuyệt vọng, khổ đau bởi những tà kiến và tà tư duy. Muốn giúp họ thoát khỏi thì ta phải đi vào bằng cửa ngõ của chánh kiến và chánh tư duy. Ví dụ một người nọ thấy có một kẻ kia đang đe dọa mình và mình phải tìm cách đi trốn: “Chết rồi, chính người này sẽ hại mình, sẽ giết mình”. Đó là một cái thấy sai lạc, là tà kiến và từ tà kiến sinh ra sự sợ hãi: “Mình phải làm sao để trốn người này, hoặc là giết người này trước khi họ giết mình”. Đó là tà tư duy. Người đó có những phản ứng sợ hãi, trốn chạy và không dễ thương với người kia. Đó là trạng thái của bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần là do tà kiến và tà tư duy gây ra.

Chánh niệm là phương pháp thực tập căn bản

Là một người thực tập giỏi, là một nhà tâm lý trị liệu, ta phải làm thế nào để giúp đưa người đó ra khỏi tà kiến và tà tư duy của họ. Ta không chịu thua. Trong đạo Bụt chúng ta có phương pháp chánh niệm. Chánh niệm là nhận diện. Khi đi ta biết ta đang đi, ta không đi như người mộng du. Khi ăn cơm ta biết ta đang ăn cơm, không phải cái máy đang ăn cơm. Khi thở ta biết ta đang thở. Chánh niệm là ý thức được những gì xảy ra cho thân và tâm của mình.

Tôi xin hiến tặng cho quý vị một phương pháp thực tập rất căn bản mà người nào cũng có thể làm. Dù đã thực tập 10 năm hay 20 mươi năm rồi ta vẫn có thể thực tập được. Ta tới xóm Thượng Làng Mai và có một máy quay phim. Ta muốn ghi lại hình ảnh của xóm Thượng về cho gia đình hay bạn bè xem. Ta cầm máy đi quay. Tới cây bồ đề ta nói: “Đây là cây bồ đề xóm Thượng”. Nhìn kỹ ta thấy cây bồ đề không xanh lắm, tại vì đang là mùa Đông, lá rụng hết. Nhưng khi tới mùa Xuân thì cây bồ đề rất xanh. Nhìn sang bên kia, ta thấy thiền đường Chuyển Hóa. Thiền đường Chuyển Hóa tuy nhỏ nhưng rất đẹp. Ngày xưa, khi chưa có thiền đường Nước Tĩnh thì các thầy đều ngồi trong thiền đường Chuyển Hóa. Quay phim tới đâu ta chú giải tới đó. Khi đem cuốn băng về chiếu ra, người nhà xem tới đâu thì biết đó là cái gì ngay.

Trong đời sống hàng ngày của ta cũng vậy. Khi đi ta biết: “A, mình đang đi”. Ta chú giải những gì đang xảy ra bằng tâm của mình: “Tôi đang đi từ cư xá Hồ Đào tới thiền đường Chuyển Hóa và bước chân của tôi cũng khá thảnh thơi, an lạc, hoặc là tôi đang đi đâu mà sao bước chân của tôi lại hấp tấp, vội vã như vậy?”. Ta biết những gì đang xảy ra. Ta đang cầm máy quay phim để thâu và ý thức được những gì ta đang thâu. Khi chải răng ta nói: “À, mình đang chải răng”. Ta đang hỏi ta: “Mình chải răng có hạnh phúc hay không, hay là mình đang hấp tấp, vội vã”. Ta hiểu được chuyện đó.

Máy thu hình như là những gì đang xảy ra trong cuộc đời của mình. Miệng mình và âm thanh đi theo máy thu hình như tâm và chánh niệm đi theo những gì đang xảy ra trong cuộc đời mình. Khi nâng ly trà lên uống ta nói: “À, mình đang nâng ly trà lên uống”. Nếu đang uống một cách vội vã hấp tấp ta biết ta đang uống một cách vội vã hấp tấp. Uống một cách thảnh thơi ta biết ta đang uống một cách thảnh thơi. Đó là nhận diện đơn thuần (simple recognition) và cũng là phép thực tập căn bản của Làng Mai. Phương pháp thực tập căn bản là biết những gì đang xảy ra, đang quay hình nào ta nói về hình đó liền, đừng để nó qua đi. Leo lên cầu thang để đi ngủ ta biết ta đang leo lên cầu thang. Nắm được tình trạng là phép thực tập căn bản. Khi có một nỗi buồn hay một cơn giận hiện ra, ta biết có một nỗi buồn hay một cơn giận đang dâng lên. Đó là nhận diện mà không cần phải lên án, trách móc.

Khi đang bệnh, ta nằm dưới đáy của trầm cảm. Lúc đó phải có người giúp ta. Người đó đứng bên ta hỏi:

  • Có phải anh đang bị trầm cảm không? Anh biết là anh đang đi không?
  • Có, tôi biết là tôi đang đi.
  • Anh biết là anh sắp ngồi xuống không?
  • Có, tôi biết là tôi sắp ngồi xuống.
  • Có phải anh đang có sự lo sợ không?
  • Có, tôi đang có sự lo sợ.
  • Có phải anh nghĩ là anh đang ở dưới hố trầm cảm và sẽ không bao giờ vượt thoát được không?
  • Tôi đang nghĩ như vậy.

Trước hết ta phải biết là ta đang thấy, đang nghĩ, đang cảm như vậy rồi sau đó ta mới biết thấy như vậy là sai, nghĩ như vậy là sai, cảm như vậy là sai. Cảm thọ (emotion, feeling) này là cảm thọ của sự sợ hãi, tuyệt vọng. Cùng với tư duy tiêu cực, cảm thọ này làm cho chứng bệnh của ta ngày càng nặng. Dù ta đã leo lên được khỏi hố trầm cảm rồi nhưng ta vẫn nơm nớp sợ hãi một ngày kia ta sẽ rơi xuống trở lại. Vì vậy dù đang ở trên bình diện không trầm cảm ta cũng phải thực tập nhận diện những cái thấy, những tư duy và những cảm thọ của mình để đừng bị chúng kéo đi. Nếu không thực tập thì tới một lúc nào đó ta sẽ đi xuống trở lại (relapse, rechute). Đối với những người đã từng bị trầm cảm nhiều lần thì dù cho đang không bị trầm cảm họ vẫn nơm nớp lo sợ. Phương pháp bảo đảm cho những người này không bao giờ rơi xuống lại hố trầm cảm nữa là phương pháp nhận diện đơn thuần. Ta nhận diện cái thấy, tư tưởng và cảm thọ của ta và đặt câu hỏi: Cái thấy đó phát sinh từ đâu? Đó có phải là một cái thấy đúng hay không? Những tư tưởng đen tối, tiêu cực này không phải từ không mà nảy sinh, nó nảy sinh ra từ những cái thấy rất tiêu cực, rất sai lạc. Những cảm giác sợ hãi, tuyệt vọng kia không phải từ không đâu mà phát sinh, nó phát sinh từ những cái thấy và tư duy sai lạc. Chúng ta có hai bước:

  • Bước thứ nhất là nhận diện, nhận diện những tư tưởng và cảm thọ của mình.
  • Bước thứ hai là thấy được gốc rễ của những tư tưởng và cảm thọ của mình biết được chúng phát sinh từ một cái thấy sai lạc.

Ví dụ một người bị bệnh thấy một người khác. Người khác đó là một người quen của mình. Nhưng tự nhiên mình phát sinh ra sự sợ hãi: “Mình sẽ chết vì người này đây!”. Trước hết ta phải nhận diện được cảm thọ đó: “À, mình vừa có một cảm tưởng như vậy!”. Và nhìn kỹ ta thấy cảm tưởng này phát sinh ra từ một cái thấy sai lạc. Người đó không phải như vậy mà ta nghĩ như vậy. Vì vậy khi có một cảm tưởng, ta phải biết đó chỉ là một cảm tưởng và cảm tưởng này không hẳn là sự thật, nó chỉ là một cảm tưởng thôi. Cái tư duy “mình sẽ chết vì người đó” chỉ là một tư duy thôi, không phải là sự thật. Nếu nhận diện và thấy được điều này thì người đó có một cơ hội để thấy được sự thật. Thấy được sự thật là có chánh kiến, và có chánh kiến thì có chánh tư duy. Có chánh kiến và chánh tư duy thì những cảm thọ dìm mình trong hố sâu không phát sinh ra được. Nếu người kia thực tập theo con đường đó thì sau này sẽ không bao giờ rơi xuống hố trầm cảm nữa. Đó là con đường Bát chánh đạo được áp dụng vào trong trường hợp của người bệnh tâm thần.

Trong kinh “Mũi tên thứ hai” (The second arrow), đức Thế Tôn có đưa ra ví dụ: Một người bị thương vì một mũi tên, đang bị đau nhức. Nếu một mũi tên thứ hai bay đến và bắn vào đúng chỗ bị thương ấy thì sự đau đớn sẽ tăng lên không phải gấp hai mà là gấp mười lần.

Ta đang có một sự đau nhức trong thân thể, bước thực tập đầu tiên là ta biết được có sự đau nhức và cái biết đó phải phù hợp với sự thật: Đây chỉ là một sự đau nhức tầm thường. Nhưng nếu ta lo lắng, tuyệt vọng hoặc giận hờn thì sự đau nhức sẽ tăng lên gấp mười lần. Đó là mũi tên thứ hai. Ta thường chết vì mũi tên thứ hai chứ không phải vì mũi tên thứ nhất. Bị trúng mũi tên thứ nhất sẽ không sao, nếu ta biết rõ về bản chất của mũi tên ấy và ta không để trúng thêm mũi tên thứ hai. Đây có thể chỉ là một cái đau nhức bình thường, nhưng nếu ta ngồi tưởng tượng: “Tôi sắp chết rồi, chắc là tôi phải bỏ vợ con, bỏ gia đình, bỏ mọi người, tôi sẽ chết ngày mai”, thì tư tưởng đó sẽ làm cho ta chết thật.

Một ông nọ nghe bác sĩ bảo ông có ung thư yết hầu. Chuyện đã xảy ra cách đây độ chừng 70 năm. Vào thời đó tất cả bác sĩ đều tin rằng bị ung thư yết hầu là chỉ có chết thôi. Sau khi nghe bác sĩ nói mình bị ung thư yết hầu và có thể chết trong vòng hai tháng thì hai ngày sau ông đó chết. Niềm tuyệt vọng quá lớn, đó là mũi tên thứ hai. Sau khi ông chết người ta đem giải phẩu thì thấy ông không có ung thư yết hầu. Bác sĩ đã nói sai. Mũi tên thứ hai rất ghê gớm. Tình trạnh sức khỏe ông ta không có gì nhưng tại vì lo lắng, sầu khổ, sợ hãi và tuyệt vọng nên ông chết rất mau.

Là người tu hay là người tâm lý trị liệu, ta phải biết ngăn ngừa đừng để mũi tên thứ hai bay tới. Sở dĩ ta cứ bệnh lui bệnh tới, ta cứ sa vào hố trầm cảm, ta chán đời muốn chết là tại vì ta có tà tư duy. Mũi tên thứ hai có tên là tà tư duy, tà tư duy bắt nguồn từ tà kiến. Hầu hết chúng ta đau khổ là do tà kiến của ta chứ không phải do điều kiện ngoại tại. Trong tâm ta có những vùng quang đãng, có Tịnh độ, có Thiên đường, có Phật quốc, có rất nhiều nắng, nhiều hoa, nhiều không gian, nhiều trời xanh mây trắng nhưng chúng ta không bay lên tới được những vùng đó. Chúng ta bị giam hãm trong vòng buồn giận, trong vòng tà kiến, trong vòng tà tư duy và ta sống trong địa ngục trong khi thiên đường có sẵn bên tay trái và tay mặt của ta. Vì vậy con đường cứu khổ là con đường giúp người thoát khỏi tà kiến và tà tư duy.

Chiến tranh Iraq làm bao nhiêu người chết và bao nhiêu người khổ là do tà kiến và tà tư duy. Những bạo động, căm thù đang xảy ra khắp nơi đều do tà kiến và tà tư duy mà ra. Những xích mích rối loạn trong đời sống lứa đôi, giữa cha và con, giữa vợ và chồng đều bắt nguồn từ tà kiến và tà tư duy.

Chúng ta có thể nói rõ ràng và đơn giản là khổ đau phát sinh từ con đường tà đạo, bắt đầu bằng tà kiến và tà tư duy. Chỉ có con đường Bát chánh mới có thể cứu chúng ta ra khỏi khổ đau. Phương thuốc rất rõ ràng: Phải nhận diện tà tư duy là tà tư duy, đừng tưởng đó là chánh tư duy; phải nhận diện tà kiến là tà kiến, đừng tưởng nó là chánh kiến. Vì vậy chúng ta cần đến đức Thế Tôn, cần đến những người bạn tu, những vị huynh trưởng có khả năng giúp chúng ta thấy rằng chúng ta đang quanh quẩn trong vòng tà kiến, tà tư duy. Giúp được một người thoát ra khỏi vòng tà kiến và tà tư duy là chúng ta đã tặng cho họ cả một thiên đường, tặng cho họ sự sống. Đây là tất cả bí quyết của sự thành công trong sự thực tập. Đạo Phật mới của chúng ta là đạo Phật có khả năng giúp con người thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của tà kiến và tà tư duy. Con đường này rất khoa học. Chúng ta là những người nối tiếp đức Thế Tôn, chúng ta phải khơi mở con đường này để đưa thế giới thoát ra khỏi tình trạng hiểm nguy và khổ đau hiện tại. Chúng ta phải áp dụng cho được phương pháp này để tự mình thoát ra và giúp cho người khác cũng thoát ra được như mình. Đó gọi là con đường giải thoát, đây không phải là con đường trốn tránh khổ đau mà là con đường đối diện với khổ đau để chuyển hóa khổ đau, con đường Bát chánh đạo.