Định đề 14

 

Niệm, định và tuệ tương dung, cả ba đều có công năng đưa tới hỷ, lạc và giải thoát.

Mindfulness, concentration and insight inter-are, interpenetrate. All three have the capacity to bring joy, happiness and liberation.

Nếu có người hỏi ta thực tập chánh niệm, chánh định để làm gì thì ta có thể nói ta thực tập để có hạnh phúc (hỷ lạc). Ngay trong khi thực tập thì ta đã có hỷ lạc chứ không phải là thực tập lâu năm rồi mới có hỷ lạc. Ví dụ khi đang đi ta ý thức được là ta đang còn sống, đang đi trên trái đất, đang tiếp xúc với trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở. Đó là niệm. Và khi có niệm thì ta có hạnh phúc, ta không còn đi như một người mộng du. Niệm có thể đưa tới hạnh phúc liền. Khi ta có ý thức về những tiêu cực đang xảy ra như ta đang bệnh hay thế giới đang bị chiến tranh, thì tuy niệm ấy không đưa tới hạnh phúc nhưng nó giúp ta ý thức được sự thật đang xảy ra để ta có thể sử dụng thì giờ và tâm lực mà chuyển hóa và tự giải thoát, giúp cho mình và cho người khác thoát ra khỏi tình trạng đó.

Chúng ta đã học: ly sinh hỷ, ly sinh lạc. Ly sinh hỷ lạc là niềm vui và hạnh phúc phát sinh ra nhờ khả năng buông bỏ. Chúng ta buông bỏ những sầu đau, vướng mắc, ganh tị. Chúng ta buông bỏ sự quên lãng, sự ôm đồm, sự chạy theo những gì không ích lợi. Sự buông bỏ đó đem lại hỷ lạc. Đó gọi là ly sinh hỷ, ly sinh lạc.

Chúng ta cũng đã học: niệm sinh hỷ và niệm sinh lạc, định sinh hỷ và định sinh lạc. Khi ngồi có niệm và có định thì ta ngồi có hạnh phúc. Khi đi có niệm, có định thì ta cũng có hạnh phúc. Khi ăn cơm hay rửa bát mà có niệm, có định thì ta có hạnh phúc. Bơi lội trong dòng sông mà có niệm, có định thì hạnh phúc được bơi trong dòng sông của ta rất lớn. Không có niệm, không có định thì ta không thật sự có mặt. Không thật sự có mặt thì ta không hưởng được những cái đẹp, cái tươi mát, những cái mầu nhiệm trong sự sống và ta không có hạnh phúc.

Có tuệ là có cái thấy, có sự hiểu biết. Có sự hiểu biết thì không còn bị kẹt vào những sự hiểu lầm, giận hờn, lo âu. Vì vậy tuệ cũng đưa tới hỷ, lạc và sự giải thoát.

Nếu được hỏi tại sao ta phải thực tập niệm-định-tuệ thì câu trả lời đơn giản nhất là thực tập niệm-định-tuệ sẽ đưa tới hạnh phúc liền cho ta. Lúc đầu hạnh phúc có thể còn nhỏ nhưng từ từ sẽ lớn lên và khi hạnh phúc lớn thì giải thoát cũng lớn. Trong niệm đã bắt đầu có định. Niệm càng được duy trì thì định càng lớn. Và khi niệm và định hùng hậu thì tuệ sẽ đến mau chóng. Tuệ cũng giúp cho duy trì niệm và định. Do đó ba loại năng lượng này nương nhau mà phát sinh và lớn lên. Đó là những loại năng lượng có thể chế tác niềm vui và xử lý khổ đau. Tu tập là để chế tác ba loại năng lượng này.