Định đề 17

 

Diệu đế thứ ba có thể được gọi là lạc đế.

The third noble truth can be called the truth of happiness.

Thay vì gọi là diệt đế chúng ta gọi là lạc đế. Chúng ta có sự thật thứ nhất là khổ đế và sự thật thứ ba là lạc đế, tức là hạnh phúc. Chúng ta có sự thật thứ hai là tập đế, tức nguyên do đưa tới cái khổ và sự thật thứ tư là đạo đế, tức con đường đưa tới hạnh phúc. Ta có thẩm quyền gọi sự thật thứ ba là lạc đế vì trong kinh điển có những câu chứng minh điều đó, đầu tiên là bài kệ mà ai cũng thuộc:

Chư hành vô thường

Thị sinh diệt pháp.

Tất cả các hiện tượng đều là vô thường, chúng đều là những pháp có sinh và có diệt. (All formations are impermanent, they are phenomena subject to birth and death.)

Sinh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc

Nhưng khi cái sinh diệt đó diệt đi rồi, khi ta đã thoát khỏi cái sinh diệt rồi thì bình yên ấy (tịch diệt) gọi là hạnh phúc.

Chữ tịch diệt này vốn là diệt đế, là hạnh phúc cho nên diệt đế có thể được gọi là lạc đế. Câu kinh này là câu kinh mà tất cả các tông phái Phật giáo đều phải công nhận là do Bụt nói. Chữ lạc có nghĩa là hạnh phúc. Đó là theo tài liệu của Phật giáo Nguyên thỉ.

Hạnh phúc là sự vắng mặt của khổ đau

Theo Phật giáo Đại thừa, trong kinh Đại Niết Bàn, Niết bàn được diễn tả bằng bốn danh từ: thường, lạc, ngã và tịnh. Niết bàn là một cái gì không sinh diệt, không biến thiên, nên Niết bàn là thường. Niết bàn là niềm hạnh phúc lớn nên gọi là lạc. Trong Phật giáo Nguyên thỉ, Niết bàn được gọi là lạc, trong Phật giáo Đại thừa Niết bàn cũng được gọi là lạc, vậy thì tại sao chúng ta không có quyền gọi đế thứ ba là lạc đế? Chữ diệt (sự vắng mặt của khổ đau) có thể gây hiểu lầm, có thể cho người ta có cảm tưởng rằng diệt có nghĩa là không còn gì hết. Diệt ở đây là diệt khổ mà khi khổ diệt thì hạnh phúc sinh, cũng như khi vô minh diệt thì minh sinh. Khi vô minh không còn nữa thì minh có mặt, khi bóng tối không còn thì có ánh sáng. Thế hệ của quý vị có thể chữa lại mà không sợ sai, vì đây cũng là ý của Bụt: Sự thật thứ nhất là khổ đế, sự thật thứ ba là lạc đế. Sự thực này công nhận hạnh phúc là chuyện có thể có được. Đứng về phương diện tích môn thì có lạc đế đã đành, nhưng đứng về phương diện bản môn cũng có lạc đế.

Theo Phật giáo Đại thừa, bốn đặc tính của Niết bàn là thường, lạc, ngã, tịnh. Ngã là có chủ quyền, là có tự do. Ngã không phải là ātman mà là cái tự do lớn. Tịnh là sự trong sáng, không bị vô minh quấy động.

Trong hai truyền thống, Nguyên thỉ và Đại thừa, đều có những tư liệu và những chứng cớ để ta có thể gọi sự thật thứ ba là lạc đế. Nhưng chúng ta phải nên hiểu chữ lạc theo nghĩa đúng của nó. Lạc có nhiều tầng cấp, niềm vui và hạnh phúc có thể đi từ cạn tới sâu. Khi mới tu, hạnh phúc của chúng ta chỉ mới có trên bề mặt, tu càng giỏi thì hạnh phúc của ta càng ngày càng sâu sắc hơn. Nhưng dù cạn hay sâu thì đó cũng là hạnh phúc và hạnh phúc lớn nhất là Niết bàn, tức là sự vắng mặt của tất cả các phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến). Điều này cũng đồng nghĩa là hạnh phúc đang có mặt.

Chúng ta phải làm quen với ngôn từ của Phật giáo ngày xưa, thay vì nói hạnh phúc thì người ta nói là sự vắng mặt của khổ đau. Sự vắng mặt của khổ đau tức là hạnh phúc. Ví dụ như có một chàng thanh niên chưa biết làm toán, ta có thể nói: “Này em, em tới đây anh dạy toán cho em, anh trao truyền cho em kiến thức về toán!”. Đó là cách nói thông thường. Nhưng Phật giáo nói cách khác: “Này em, tới đây anh lấy sự ngu dốt về toán của em ra khỏi em!”. Sau khi lấy sự ngu dốt về toán ra thì người đó sẽ rất giỏi toán. Ngôn từ của Phật giáo ngày xưa là như vậy, thay vì nói hạnh phúc thì nói không có khổ đau.

Chết khát bên cạnh dòng sông

Những thương gia có tài và có may mắn thì dễ thành công trong sự nghiệp của họ. Ban đầu họ nghèo, nhưng nhờ những điều kiện nào đó mà họ liên tiếp thành công trong việc làm ăn. Họ càng ngày càng giàu, làm gì cũng thành công. Rất nhiều thương gia không được như vậy nhưng thỉnh thoảng có người được như vậy. Khi nói chuyện với những thương gia giàu có và thành công, ta khám phá ra một điều: Họ cảm thấy có một cái gì trống vắng ở trong họ. Tuy họ thành công và có rất nhiều tiền nhưng họ không thực sự cảm thấy hạnh phúc. Ta muốn sự thành công này, và khi may mắn có được nó rồi thì ta lại muốn có một sự thành công khác. Thương gia là như vậy, và ta cũng như vậy, không bao giờ thấy đủ. Ban đầu ta nghĩ một bằng cấp là cần thiết, nhưng khi có được bằng cấp rồi ta lại thấy chưa đủ, ta cần có công ăn việc làm. Có công ăn việc làm rồi, ta cần có nhà. Có nhà rồi, ta cần có xe hơi. Có xe hơi rồi, ta nghĩ phải có hai chiếc mới đủ. Thông thường là như vậy! Có những người muốn gì được đó, rất là lạ. Thành công việc này rồi thành công việc kia, rồi lại thành công nữa, nhưng họ cũng không bao giờ dừng lại được. Nếu so sánh với những người khác thì người ấy đã quá giàu có, nhưng trong họ vẫn còn một cái gì đó không bao giờ được thỏa mãn, giống như khi khát nước mà ta cứ ăn muối vậy. Càng ăn thì lại càng khát thêm. Điều đó chứng tỏ là trong mỗi chúng ta có một con ma luôn luôn đói, dù có nhiều thực phẩm đến mấy thì con ma đó cũng không no được. Đó là con ma đói (hungry ghost, esprit affamé) mà trong mỗi người chúng ta đều có. Không phải ta chỉ đói sự thành công thôi, ta còn đói hiểu, đói thương. Phần lớn chúng ta người nào cũng đói hiểu, đói thương. Được một người hiểu rồi cũng cảm thấy chưa đủ, được một người thương rồi cũng cảm thấy chưa đủ. Nhiều khi có người tặng cho ta hiểu và thương nhưng ta cũng không có khả năng tiếp nhận và ta cứ tiếp tục đói.

Trong kinh Bách Dụ có câu chuyện của một anh chàng khát nước gần chết. Anh đi tới một dòng sông, nhưng không chịu uống nước. Anh nói: “Nước nhiều như vậy làm sao tôi uống được!”. Và cuối cùng anh ta chết khát bên cạnh dòng sông.

Quý vị đang cười anh ấy phải không? Người gì mà dại quá đi, có bao nhiêu là nước như vậy mà lại để mình chết khát bên dòng sông. Sự thật là hầu hết chúng ta đều hành xử như vậy! Tại vì trong mỗi chúng ta đều có một con ma đói (ngạ quỷ) và con ma đói đó không bao giờ no được. Con ma đói trong ta cũng là nguyên nhân của sự khổ đau.

Nhiều người nghĩ rằng họ đau khổ vì họ thiếu cơm ăn, áo mặc, thuốc men, nhà cửa và tình yêu. Nhưng khi có được tất cả những thứ đó rồi họ vẫn đói như thường.

Quý vị nhìn lại xem mình có giống người ấy không? Ta là một con ma đói, không bao giờ ta cảm thấy no lòng và thỏa mãn được. Đó là một trong những nguyên do của khổ đau.

Hạnh phúc không đâu xa: Hiện pháp lạc trú

Chỉ còn bảy ngày nữa là đến Tết năm 2006. Năm mới là một cơ hội để chúng ta nhìn lại mình. Chúng ta đang đi trên con đường chạy tìm hạnh phúc, tìm cái gọi là “no đủ”. Chúng ta chạy như một con ma đói, chúng ta đi tìm hạnh phúc, đi tìm sự thật thứ ba nhưng chúng ta chỉ quanh quẩn trong sự thật thứ nhất. Chúng ta không bao giờ vượt ra được khỏi sự thật thứ nhất, vì chúng ta không thấy được nguyên do sâu sắc của khổ đau tức là thấy được sự thật thứ hai, thấy được con ma đói trong con người của mình. Cho dù hoàn cảnh có cung cấp cho ta bao nhiêu thực phẩm thì ta cũng vẫn thấy đói. Chỉ khi nào trái tim của chúng ta nhận được một giọt nước cam lồ của đức Thế Tôn thì lúc đó chúng ta mới hết đói. Dừng lại thì một giọt nước thôi cũng đủ làm mình no. Phần lớn chúng ta đều là người đang chết khát bên một dòng sông. Rất đáng tiếc!

Nếu giác ngộ được thì chúng ta lập tức hết đói. Chúng ta không cần phải đi tìm xa. Ta phải bắt đầu nói chuyện với con ma đói trong mình. Con ma ấy không bao giờ cảm thấy đầy đủ, dù ta có cho nó bao nhiêu thức ăn nó cũng không thấy thỏa mãn. Ví dụ chúng ta đi xa nhà hai, ba, sáu tháng, hay một năm. Chúng ta mong ước được trở về nhà. Ta ngồi trên tàu thủy, trên máy bay hay trên xe hơi giờ này sang giờ khác và chỉ ước mong được về đến nhà. Về đến nhà, ta nói: “Home, sweet home!” (Căn nhà thật ấm cúng làm sao!) và chúng ta mở cửa đi vào. Nhưng ngay khi đang ở trong nhà chúng ta vẫn không cảm thấy thỏa mãn, và thế là vài ngày sau ta lại muốn bỏ đi. Máu giang hồ réo gọi và ta lại muốn lên đường. Đó cũng là một con ma đói, ta không ngồi yên được, ta bị kéo theo. Khi đi rồi lại thấy nhớ nhà và muốn quay trở về, nhưng về rồi thì lại không thể ở yên, lại muốn ra đi. Chúng ta chưa tìm ra được quê hương đích thực (true home) của mình nên chúng ta cứ đói mãi. Chỉ khi nào con tim nóng hổi của chúng ta tiếp nhận được một giọt nước cam lồ thanh lương của đức Thế Tôn thì chúng ta mới bắt đầu thấy:

Mát lòng nhờ những giọt không

Bỗng đâu thuyền đã sang sông tới bờ

(Những giọt không – thơ Nhất Hạnh)

Hạnh phúc nằm ngay đó. Cái mà chúng ta gọi là Niết bàn, nằm ngay trong giây phút hiện tại, nếu có được một giọt nước thanh lương từ bi của đức Thế Tôn nhỏ vào trái tim ta thì chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc được liền lập tức.

Theo lời dạy của đức Thế Tôn thì tất cả đều mầu nhiệm. Thân ta mầu nhiệm, tâm ta mầu nhiệm, thế giới cũng mầu nhiệm. Ngay trong giây phút hiện tại, ngay bây giờ và ở đây chúng ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm đó. Chúng ta không cần đi tìm cái gì nữa hết. Ngưng lại sự đi tìm thì chúng ta mới thấy được nó, và nếu còn đi tìm là chưa thấy được nó. Nếu an trú được thì ta sẽ thấy được rằng tất cả những gì ta đang đi tìm có ngay trong giây phút hiện tại. Cho tới những cái gọi là vô sinh bất diệt, vô khứ vô lai hoặc Niết bàn cũng nằm ngay tại đó.

Một đợt sóng nhô lên rồi sụp xuống. Đợt sóng đi tìm nước, mà đi tìm bao giờ cho gặp? Nếu nó biết nó là nước rồi thì nó còn đi tìm làm gì nữa? Khi biết được bản chất của mình là vô sinh bất diệt, là Niết bàn, thì ta không còn đi tìm nữa. Ta chính là Niết bàn. Tất cả các pháp đứng về phương diện tích môn đều là hữu vi, nhưng đứng về phương diện bản môn đều là vô vi. Pháp môn thực tập của Làng Mai rất đơn sơ. Khi thở vào, ta thở vào như thế nào mà ta có thể dừng lại được, ta có thể cảm thấy ta đã về đã tới nhà của mình rồi. Hạnh phúc có thể đạt tới ngay trong giây phút đó, ngay trong hơi thở vào. Hơi thở vào là một nguồn hạnh phúc, là một cái gì rất vi diệu. Khi bước một bước chân mà ta thấy ta đã về đã tới thì bước chân đó đã làm cho ta thấy mãn ý rồi. Chỉ cần một bước thôi là ta đã đạt được hạnh phúc.

Có một thiếu phụ tên Laura bị bệnh, và người chồng tìm cách săn sóc. Hôm đó có một cú điện thoại của nhà thương cho biết rằng thứ hai tới cô khỏi phải vào nhà thương để khám lại tại vì bác sĩ biết không còn cách gì để trị cho cô nữa. Bác sĩ buông tay chịu thua. Hãy tưởng tượng mình là cô Laura. Nhận được thông điệp đó của nhà thương mình sẽ phản ứng thế nào? Cô Laura đã phản ứng thế này: “Đó, anh thấy không? Tôi sắp chết rồi.” (You know, I am dying!). Cô lâm vào tình trạng tâm lý hết sức tuyệt vọng. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau thì cô bất tỉnh và cô ở trong trạng thái bất tỉnh cho đến khi cô chết.

Có những người khác, cũng bệnh như cô, cũng nghe bác sĩ bảo chịu thua, họ lại hành xử rất khác. Như anh Chân Sinh ở Canada. Lần đầu tiên tôi ngồi uống trà với tăng thân Canada thì anh Chân Sinh ngồi bên tay phải của tôi. Các bạn cho biết bác sĩ nói trong mấy tuần lễ nữa Chân Sinh sẽ chết. Vì lý do đó nên các bạn mời anh Chân Sinh tới để anh có dịp ngồi uống trà với Thầy. Tôi xoay lại với anh và nói:

  • Chết thì chết chứ có sao đâu! Bây giờ mình hãy uống trà đi cho đàng hoàng. Ai mà không chết, chỉ có là người chết trước, kẻ chết sau thôi. Bây giờ mình đang có dịp uống trà thì mình hãy uống trà cho đàng hoàng, còn chuyện chết để lại giải quyết sau. Uống trà như thế nào để có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Có mặt bạn bè, có mặt thầy, có trà để uống trong tình huynh đệ, trời còn xanh, mây còn trắng, cây liễu còn rũ, chim hoàng oanh còn hót thì mình cứ uống trà, chuyện chết để đó giải quyết sau. Anh có thể uống một chén trà với chúng tôi không? Anh có khả năng thưởng thức được hương vị của chén trà này không?

Chân Sinh đã uống trà và đã thấy trà ngon thật, đã thấy rằng có cơ hội cùng ngồi uống trà với Thầy, với các bạn trong tăng thân thật là một điều mầu nhiệm. Hôm đó Chân Sinh đã học được sự thực tập: Phải sống những giây phút còn lại của đời mình cho thật sâu sắc. Dù ta chỉ còn vài ba tuần lễ để sống thì ta vẫn có thể sống được những giây phút còn lại một cách sâu sắc, còn hơn là sống những tuần lễ còn lại trong tuyệt vọng, trong tâm trạng nổi loạn với cuộc đời. Chân Sinh biết mình không có thời gian nhiều để sống nên đã tiếp thu pháp môn đó một cách hết lòng, ngày đêm trân quý những giây phút còn lại của đời mình, tập sống theo phương pháp “hiện pháp lạc trú”, trân quý từng hơi thở, từng bước chân, từng tách trà, từng người bạn. Kết quả là Chân Sinh đã sống thêm được mười mấy năm nữa. Điều bác sĩ nói có thể đúng, nhưng tùy theo cách ta phản ứng mà sự việc xảy ra cho ta sẽ như thế này hay như thế kia. Sau buổi uống trà ấy Chân Sinh đã thọ Năm giới, rồi thọ Mười bốn giới và cái tên Chân Sinh được Thầy đặt cho anh khi anh thọ Mười bốn giới. Chân Sinh là sự sống đích thực. Sống không phải chỉ để cho có mặt mà sống thật sâu sắc.

Chúng ta không nằm trong trường hợp của cô Laura hay của anh Chân Sinh tại vì bác sĩ chưa có thông điệp nào cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng cùng một thân phận như Laura hay Chân Sinh. Một ngày nào đó có thể bác sĩ sẽ gọi điện thoại đến nói với ta như vậy. Chúng ta có nên ngồi đó chờ giờ phút bác sĩ gọi không hay là chúng ta nghe lời đức Thế Tôn sống cho đàng hoàng trong từng giây từng phút và đi tìm sự bình an và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại? Đó là một điều ta có thể làm được.

Có những lần ta phải ngồi trên máy bay rất lâu, tới mười mấy tiếng. Máy bay đầy người. Mỏi quá ta ước ao có chỗ để ta có thể ngả lưng xuống cho khỏe mà không được. Về tới nhà có giường, ta nằm thẳng lưng và thấy hạnh phúc quá chừng. Trong chuyến về Việt Nam vừa qua, các vị cư sĩ ở khách sạn còn các thầy và các sư cô thì ở chùa Bồ Đề. Mỗi phòng trong chùa có 12 hay 22 thầy và mỗi người chỉ được một không gian khoảng 1m x 2m. Ở Tây phương về nên các thầy các sư cô không quen, nhưng chỉ trong vài hôm thì họ thích ứng được. Đi ra ngoài suốt cả một ngày, khi trở về cái không gian 1m x 2m ấy thì họ cũng rất thoải mái, rất sung sướng, họ không đòi hỏi gì cả. Hạnh phúc thật đơn sơ. Có những đêm không ngủ được, tôi quán tưởng mình đang ở trên máy bay, đang ngồi bó gối rất mỏi và tự nhiên thấy được đang nằm thẳng trên giường thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Ta được buông xuôi hai tay hai chân và tập thở theo bài “Thở vào thở ra, là hoa tươi mát”. Ta thấy “hiện pháp lạc trú” là chuyện có thể thực tập được. Xin quý vị cứ nhớ, cái khoảng không gian 1m x 2m có nghĩa gì đâu? Nhưng khi đi một ngày dài về, được nằm xuống đó, thì hạnh phúc có thể rất lớn, và ta không đòi hỏi gì hơn. Cái đó đã đủ cho ta hạnh phúc nhiều rồi.

Ta không phải đi tìm hạnh phúc ở đâu xa. Ta phải biết nhận diện được con ma đói trong con người mình, con ma đói ấy cứ đòi hỏi mãi mà không bao giờ thấy đủ. Trong đạo Phật có chữ “tri túc”, tri túc tiện túc là khi ta thấy đủ thì tự nhiên đủ. Các nhà doanh thương không biết thế nào là tri túc, thành công bao nhiêu cũng không thấy đủ. Không những các nhà doanh thương mà những nhà chính trị hay bất cứ ai cũng vậy. Ai mà không mong được thành công? Nhưng dù cho chúng ta có liên tiếp thành công đi nữa thì đứng về phương diện lợi và danh chúng ta vẫn còn là những con ma đói. Như vậy chúng ta không bao giờ có được hạnh phúc.

Nếu ta thực tập được pháp môn “hiện pháp lạc trú” của đức Thế Tôn, thấy rằng cuộc sống đầy những mầu nhiệm, nếu ta an trú được trong giây phút hiện tại, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống thì đời của chúng ta sẽ là một chuỗi những ngày vui. Đạo đế chính là phép thực tập “hiện pháp lạc trú” và trong khi thực tập đạo đế chúng ta đưa mình vào lạc đế, tức hạnh phúc, bây giờ và ở đây.

Làng Mai có truyền thống là mỗi năm chúng tôi viết nguyện ước của mình lên một tờ giấy. Trong buổi thiền hành cuối năm chúng tôi đốt lên một đống lửa và khi đi thiền hành tới đó mọi người quây quần quanh đống lửa, lấy tờ giấy có lời ước nguyện của mình bỏ vào đống lửa để cáo với tổ tiên, với đất trời, với vũ trụ những quyết định của mình cho năm mới. Hy vọng rằng nhân dịp cuối năm, quý vị có cơ hội quán chiếu về cuộc đời của mình, về quá khứ của mình. Trong quá khứ mình đã chạy tìm hạnh phúc như thế nào? Trong quá khứ mình đã đói như thế nào, mình chưa từng có cảm tưởng mình được no đủ. Trong năm mới 2006 mình sẽ có tiếp tục làm như vậy nữa không? Nếu tiếp tục làm như trong năm vừa rồi hay như trong năm nay thì mình cũng sẽ tiếp tục đói. Ta phải thấy được đạo đế và khi đã có con đường rồi thì ta đi thẳng được vào trong diệt đế, tức vào trong hạnh phúc. Chuyện đó không khó, chuyện đó ta có thể làm được.

Tôi làm được và nhiều vị trong chúng ta cũng làm được. Sống được một phút trong sự no đủ đó là ta biết mình có thể sống hoài như vậy. Ta thấy có sự mãn ý (fulfilment, plénitude) và sự có mặt của ta sẽ là một nguồn suối tươi mát, một nguồn cảm hứng cho những người khác.

Chúng ta hãy sử dụng những ngày cuối của năm 2005 để tìm cho mình một con đường, con đường đưa tới sự no đủ, con đường đem tới sự mãn ý. Con đường đó không phải là con đường chạy đi tìm cầu những thứ như danh vọng, lợi lộc, sắc dục, tiếng khen vì những thứ đó giống như muối, ta càng ăn thì càng khát. Chỉ có giọt nước thanh lương của đức Thế Tôn, trí tuệ, Niết bàn và sự dừng lại mới đem lại cho chúng ta sự no đủ để chúng ta đừng tiếp tục làm thân phận của một con ma đói như chúng ta đã từng làm bấy lâu nay.