Định đề 35

 

Mạt na có khuynh hướng tìm an ổn, lạc thú bền bỉ, không thấy được luật tiêu thụ có chừng mực, không thấy được mục đích và sự nguy hại của sự tìm cầu dục lạc, không thấy được sự thiết dụng của khổ đau, sự cần thiết của tuệ giác vô thường, vô ngã, tương tức, từ bi và truyền thông.

Manas has the tendency to seek for security and long lasting pleasure. It is ignorant of the law of moderation, the danger of pleasure seeking and the goodness of suffering. It does not see the necessity for insight into impermanance, non-self, inter-being, compassion and communication.

Mạt na phát sinh từ tàng thức

Nhờ thực tập niệm, định và tuệ, ý thức sẽ thấy được những cái Mạt na không thấy. Ý thức sẽ trao truyền xuống tàng thức tuệ giác đó. Trong tàng thức có một data base, trong đó những lề lối hành xử của thức được sắp đặt sẵn. Vì vậy cho dù không có thuyền trưởng thì chiếc thuyền vẫn có thể tự động lèo lái.

Mạt na là thức thứ bảy, được phát sinh từ thức thứ tám (tàng thức). Mạt na được làm bằng những nhu yếu tự tồn, tự bảo hộ, tự nuôi dưỡng, tự tiếp nối. Nhưng trong Mạt na không có đủ tuệ giác, không đại diện được những mầm tuệ giác có sẵn trong tàng thức. Mạt na có công năng và khuynh hướng bám víu tàng và coi tàng là vật sở hữu của nó, đó là cái ngã. Cũng như dây leo mọc ra một cánh tay và cánh tay đó quấn lại thân cây, Mạt na phát sinh từ tàng và trở lại quấn tàng. Mạt na có khuynh hướng tìm sự an ổn, tìm sự an thân, không muốn mệt, cho nên khuynh hướng làm biếng nằm trong Mạt na. Ví dụ như trời lạnh và có người bị tai nạn ở ngoài. Ý thức nói: “Trời ơi, tội nghiệp quá, mình phải chạy ra trong đêm lạnh để giúp người ta!”. Nhưng đó không phải là khuynh hướng tự nhiên của Mạt na, Mạt na nói: “Trời đang lạnh như vậy, mình đang nằm trong chăn ấm quá, đi ra ngoài làm gì cho mệt!”.

Mạt na có khuynh hướng đi tìm cầu khoái lạc

Mạt na có khuynh hướng đi tìm những lạc thú bền bỉ (long lasting pleasures), không thấy được luật tiêu thụ có chừng mực (law of moderation). Khi ăn thì nó ăn mà không cần biết phải ăn đến mức nào thì vừa đủ. Vì vậy trước khi ăn ta thực tập quán niệm để nhắc Mạt na ý thức về những tâm hành tiêu cực, trong đó có tâm hành không biết chừng mực. Mạt na thích đi tìm khoái lạc (pleasures seeking). Ý thức phải giúp Mạt na vì trong ý thức có niệm, định và tuệ.

Mạt na không thấy được sự nguy hại của sự tìm cầu dục lạc. Năng lượng tình dục là một phương tiện để thỏa mãn nhu yếu sâu sắc của con người, nhu yếu được tiếp nối trong tương lai chứ không phải là đi tìm lạc thú. Mục đích của hôn nhân là để có sự tiếp nối.

Trong văn hóa Á Đông, không có con là một sự bất hiếu. Bất hiếu hữu tam, nghĩa là bất hiếu có ba hình thức, trong đó hình thức bất hiếu đầu tiên là không có sự tiếp nối. Vô hậu vi đại, có nghĩa là không có sự tiếp nối là lỗi lớn nhất. Nếu ta nói sau này ta sẽ không nhận đệ tử, đó cũng là một sự bất hiếu. Trao truyền được tuệ giác mà ta đã nhận được từ thầy là có hiếu, nếu ta làm biếng, sợ mệt khi có đệ tử là bất hiếu. Cũng như cây kia làm ra những cánh hoa sặc sỡ không phải để chơi hay làm đẹp cuộc đời. Hoa nở trước hết là để lôi kéo ong bướm đến để giúp nó đậu trái. Vậy mà chàng thi sĩ lãng mạn kia cứ tưởng hoa nở vì mình.

Mạt na không thấy được sự nguy hại của sự tìm cầu dục lạc nên đi theo con đường tự dẫn, tự động. Phải có sự can thiệp của ý thức để thấy được sự nguy hại của dục.

Sự thiết dụng của khổ đau

Mạt na có khuynh hướng chạy trốn khổ đau. Nó đi tìm cầu khoái lạc, sự dễ dàng, sự an thân, nó không thấy được khổ đau là sự cần thiết. Chúng ta lớn lên được, học hỏi được là nhờ khổ đau. Chúng ta có bản lĩnh là nhờ đã từng trải qua khổ đau. Nếu không gặp những nghịch cảnh khổ đau thì ta không thể nào lớn lên được. Trong trường đời, khổ đau và nghịch cảnh rèn luyện cho ta trở thành một bậc đại trượng phu. Mạt na không thấy được điều đó, cứ chạy trốn khổ đau và đi tìm an ổn trong dục lạc.

Lúc còn là một thầy tu trẻ, tôi có làm bài thơ “Hãy nguyện cầu cho bóng tối thêm sâu hỡi ngàn sao lấp lánh”. Nếu bóng tối không sâu thì sao không hiện rõ, trời càng tối thì sao càng sáng. Trong ca dao Việt Nam có câu:

Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trông trời trông đất trông mây

Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm…

Câu hay nhất trong bài là Trông cho chân cứng đá mềm. Cái ta mong ước không phải là hoàn cảnh dễ dãi với ta mà là ta có đủ sức mạnh để đối phó với bất cứ hoàn cảnh nào. Trong bài thơ tôi viết:

Người lữ hành sáng hôm nay đang ngắm trời mây

Và thản nhiên cười trước sóng

Đã không nguyện cho trời yên bể lặng

Mà nguyện cầu cho chân cứng đá mềm

Người vượt biển không cầu cho trời yên bể lặng mà cầu cho mình có khả năng đối phó được với bão tố. Mạt na chỉ cầu được yên, nó không sẵn sàng dấn thân đi vào cuộc đời đau khổ như một vị Bồ tát.

“Thuyền về bến cũ” là một bài thơ khác tôi đã làm hồi đó. Có những chiếc thuyền mong ước trở về nằm nghỉ thanh bình trong bến xưa. Nhưng có những chiếc thuyền muốn đi ra biển cả đối phó với bão tố để cứu độ và giúp đời. Đó là tâm trí đại hạnh của các vị Bồ tát, không sợ khổ đau vì chính những khổ đau đó làm cho ta thành người. Mạt na không thấy được sự cần thiết của tuệ giác vô thường, vô ngã, tương tức, từ bi. Ta rất sợ vô thường và vô ngã. Tuy tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức làm cho ta mất đi cái cảm giác an ổn vì nó chống đối lại khuynh hướng đi tìm dục lạc bền bỉ của ta nhưng chính tuệ giác đó đem lại bình an và hạnh phúc chân thật cho ta sau này. Đó là sự can thiệp của tuệ giác vào trong đời sống.

Định đề 35 nói về ý và định đề 36 nói về ý thức. Ý thức đóng vai trò chính trong sự thực tập. Ý thức là người làm vườn còn tàng thức là khu vườn, người làm vườn giúp cho khu vườn hiến dâng những hoa trái ngọt ngào của sự thực tập. Chính ý thức thực hiện được niệm, định và tuệ, tức Tam vô lậu học. Niệm – định – tuệ là trái tim của sự thực tập giáo lý đạo Bụt.

Niệm là thắp sáng lên ý thức, làm sao để có sự tham dự của ý thức vào trong đời sống hàng ngày mà không để tàng thức tự dẫn, tự động đưa mình đi. Sống có niệm thì tự nhiên có định, ta không còn máy móc, tự dẫn, ta sống từng phút của đời sống hàng ngày với chánh niệm. Có niệm thì ta sống sâu sắc hơn, nghĩa là ta có định. Khi có niệm và sống sâu sắc hơn thì ta có tuệ. Chính tuệ giác vô thường, vô ngã, tương tức sẽ chuyển hóa được những mê mờ, những khổ đau và những tập khí xấu, như tập khí đi tìm sự an ổn. Ta có được tuệ giác chân thật giúp, ta không còn sợ hãi nữa vì Mạt na luôn luôn sợ hãi, nó tìm cách trốn chạy và thỏa mãn dục lạc.