Định đề 20

 

Vị A la hán chân thật cũng là một vị Bồ tát và vị Bồ tát đích thực cũng là một vị A la hán.

A real Arahat is also a Bodhisattva and a real Bodhisattva is also an Arahat.

Câu này có thể làm cho nhiều người bị “sốc”. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ rằng A la hán là quả vị thấp nhất, sau đó thì đến quả vị Bồ tát, rồi đến quả vị Phật. Trong đầu chúng ta chia ra từng cấp bậc khác nhau, ta cho A la hán là tiểu thừa còn Bồ tát là đại thừa. Ta đã bị tiêm nhiễm những ý niệm đó từ hồi còn ấu thơ cho nên bây giờ ta phải tìm cách chỉnh lại.

A la hán là quả vị chung của hai truyền thống tiểu thừa và đại thừa.

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng quả vị A la hán là quả vị cao nhất trong Phật giáo tiểu thừa và những người tiểu thừa không thể nào đi lên khỏi quả vị đó. Sự thật thì A la hán là quả vị chung của hai truyền thống tiểu thừa và đại thừa. Chính đức Thế Tôn cũng được gọi là một vị A la hán. Chữ A la hán thường được dịch là ứng cúng, tức là xứng đáng để được cúng dường. Chữ A la hán có khi được dịch là bất sinh, tức không sinh trở lại nữa. Chữ bất sinh cũng có nghĩa là bất diệt, vì trong đạo Phật bất sinh tức là bất diệt. A la hán cũng được dịch là phá ác, tức là có khả năng diệt trừ được tất cả phiền não, khổ đau, si mê và vướng mắc. Có khi A la hán cũng được dịch là sát tặc, tức giết giặc, ở đây là giết giặc phiền não. Có những phiền não thuộc về mặt tình cảm (tư hoặc) và có những phiền não thuộc về mặt tri kiến (kiến hoặc). Vì diệt trừ được những phiền não nên vị A la hán chuyển hóa được khổ đau, trở thành giải thoát và xứng đáng được tôn kính và cúng dường. Đó là nghĩa của chữ Arahat.

Truyền thống đại thừa cũng sử dụng mười danh hiệu (thập hiệu chứng bồ đề), mà danh hiệu A la hán là một, để ca tụng đức Thế Tôn. Đó là danh hiệu Ứng cúng. Nam mô Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. A la hán là một trong mười hiệu của đức Như Lai:

Khể thủ thanh lương tọa

Quy đầu đại giác tôn

Thập hiệu chứng bồ đề

Nhất luân mãn nguyệt tướng.

A la hán là quả vị chung cho cả hai truyền thống. A la hán là một đức, là một trong mười vẻ đẹp của đức Thế Tôn, vì vậy cho nên đức Thế Tôn cũng là một vị A la hán.

Chúng ta cũng thường bị tiêm nhiễm tư tưởng cho rằng tiểu thừa là ích kỷ còn đại thừa là vị tha, tiểu thừa chỉ lo tu cho riêng mình còn đại thừa thì tu cho tất cả mọi người. Tinh thần ích kỷ đó không phải tiểu thừa, cũng không phải đại thừa, tinh thần đó không phải là Phật giáo vì bản chất của giáo lý đạo Bụt là vô ngã. Thực tập giáo lý vô ngã ta thấy không có ta cũng không có người, thì sẽ không có chuyện tu riêng cho mình hay tu chung cho người khác. Vấn đề ở đây là ta có thật sự thực tập vô ngã hay không? Nếu có thực tập vô ngã thật sự thì đó là Phật giáo rồi, không nhất thiết là phải tiểu thừa hay đại thừa.

Nhìn cho sâu sắc ta thấy khi ta đi một bước chân vững chãi, thảnh thơi, khi ta mỉm một nụ cười tha thứ thì bước chân và nụ cười đó có phải là cho riêng ta hay không? Ta bước cho cha, cho mẹ, cho tổ tiên, cho thế giới một bước chân an lành và cả thế giới cùng được nhờ. Một nụ cười tha thứ làm cho lòng ta nhẹ, ta được chuyển hóa, được trị liệu và cũng làm cho thế giới nhẹ đi, thế giới được chuyển hóa, được trị liệu. Bước chân đó, hơi thở đó, nụ cười đó không tiểu thừa cũng không đại thừa. Bất cứ điều gì tốt ta làm được cho ta là ta làm được cho cả thế giới. Bất cứ điều gì tốt ta làm được cho thế giới là làm được cho chính ta. Như vậy không còn có sự phân biệt, kỳ thị giữa đại và tiểu.

“Người này chỉ tự lợi, chỉ lo tu cho mình thôi”, câu nói đó rất sai và khá nặng. Nếu người đó có tu thật thì có lợi cho chính bản thân người đó và có lợi cho cả thế giới. Nếu chỉ tu hình thức thôi thì không có lợi gì cho bản thân người đó và cũng không có lợi gì cho thế giới. Mẹ khỏe thì con khỏe, mà con khỏe thì mẹ khỏe. Vấn đề là có tu thật, có thảnh thơi, có an lạc hay không, chứ không phải là đại thừa hay tiểu thừa! Trong kinh “Tứ thập nhị chương” có một định nghĩa về A la hán. A la hán là một người:

  • Có khả năng phi hành, tức bay lên không gian.
  • Có thể biến hóa thành nhiều thân.
  • khoáng kiếp thọ mạng (thọ mạng vô cùng), tức có đời sống không thể kể bằng năm tháng.
  • Trú động thiên địa, tức hễ người đó ở đâu thì làm rung chuyển trời đất chỗ đó.

“Tứ thập nhị chương” là một kinh rất xưa. Theo định nghĩa trong kinh thì vị A la hán là một vị đại Bồ tát, một vị có khả năng biến hóa, có thể chuyển đổi được tình trạng, một người đang ở trong trạng thái bất sinh bất diệt, một người mà khi sự có mặt ở nơi nào thì làm rung động trời đất ở nơi đó. Đó là một con người lớn, một bậc thánh nhân lớn. Người đó ở đâu thì ở chỗ đó cây cối xanh hơn, nước sông trong hơn, con người có hạnh phúc hơn. Đức độ của người đó làm rung chuyển cả thế giới. A la hán giả năng phi hành, biến hóa, khoáng kiếp thọ mạng, trú động thiên địa.

Thiền tổ sáng lập thiền tông Việt Nam, thầy Tăng Hội, cũng có diễn tả một vị A la hán trong một đoạn văn như sau: Vị A la hán là một người có thể biến hóa rất mầu nhiệm, có thể có mặt ở nơi này và nơi khác cùng một lúc. Thọ mạng của một vị A la hán là vô cùng. Vị A la hán có mặt trong khoảng thời gian vô cùng và làm được không biết bao nhiêu việc để giúp mọi người và mọi loài.

Hình ảnh của một vị A la hán mà thầy Tăng Hội trình bày cũng là hình ảnh rất đẹp của một vị Bồ tát. Trong kinh “Lục độ tập” thầy Tăng Hội có viết một chương nói về sự thực tập thiền và chính trong đoạn này thầy đã diễn tả một vị A la hán bằng một hình ảnh rất đẹp, rất hùng vĩ, rất đại thừa, đó là hình ảnh của Bụt.

Chúng ta, ai cũng có ba khả năng gọi là tam đức và khi ba khả năng này phát triển tới mức cùng tột thì ta chứng nhập được Niết bàn tuyệt đối. Đức được dịch là khả năng (capacity). Tam đức là:

Đoạn đức

Đoạn là cắt đứt, vĩnh viễn xa lìa, vĩnh viễn buông bỏ. Điểm đặc sắc đầu tiên khi ta nghĩ tới một vị A la hán là khả năng buông bỏ, là khả năng sát tặc (giết giặc), phá ma. Khả năng thứ nhất là cắt đứt phiền não, gọi là đoạn đức.

Đức Thế Tôn là người có khả năng buông bỏ và cắt đứt phiền não, vì vậy nên Ngài có tự do lớn. Chúng ta là những người thực tập theo đức Thế Tôn, chúng ta hãy tự hỏi là ta đã cắt đứt được những gì? Ta đã cắt đứt được những vướng mắc nào, những dây mơ rễ má nào? Cắt đứt được càng nhiều thì hạnh phúc của ta càng lớn.

Có một lần, hồi đức Thế Tôn đang còn trẻ, Ngài đang đi hành đạo tại một xứ nọ. Một người phụ nữ rất giàu, rất có quyền thế thấy đức Thế Tôn đẹp quá đã đến cầu hôn Ngài. Bị từ chối, bà ta quá tự ái nên đã tìm mọi cách làm áp lực, tạo khó khăn để tăng đoàn không thể đi khất thực ở đó được nữa. Có lần về thăm nhà, Ngài thấy quê hương đang có nhiều vấn đề. Nhiều người nói: Đức Thế Tôn là một người tài ba xuất chúng, nếu Ngài chịu trở về làm vua thì thế nào đất nước cũng sẽ hưng thịnh và thoát khỏi được tình trạng khó khăn này. Uy tín của Ngài quá lớn, nếu làm vua thì Ngài sẽ giải quyết được những vấn đề lộn xộn đang xảy ra trong nước. Nhưng đức Thế Tôn đã từ chối, Ngài nói rằng với tư cách của một người tu, Ngài sẽ làm được nhiều việc hơn. Chúng ta thấy rõ ràng đức Thế Tôn một khi đã cắt đứt rồi thì không bao giờ còn dính lại nữa.

Nếu như người ta mời mình làm pháp chủ, làm tăng thống của giáo hội này hay giáo hội kia, làm bộ trưởng, làm tổng thống thì mình thấy mình có thể bị dính không? Người ta nói: “Ngài giỏi quá đi! Ngài có khả năng và uy tín rất lớn. Nếu Ngài đứng vào địa vị đó thì cũng chỉ vì chúng sinh thôi. Chúng tôi biết Ngài không vuớng mắc vào danh vọng và quyền hành.” Tới những lúc như thế thì ta mới biết là khả năng của ta đã cắt đứt được bao nhiêu. Đó gọi là đoạn đức.

Là một người tu, ta phải tự đặt câu hỏi: “Có phải đích thực là mình đã cắt đứt được những ràng buộc rồi không?”. Đôi khi ngôi chùa của mình cũng là một sợi dây ràng buộc. Tự do, hạnh phúc của mình lớn hay không là tùy thuộc vào khả năng cắt đứt của mình. Cắt đứt càng nhiều thì hạnh phúc càng lớn. Trong tự thân chúng ta ai cũng có một vị A la hán. Công việc hằng ngày của vị A la hán đó là cắt đứt những ràng buộc, những ái nhiễm, những trông cầu thuộc về phạm vi danh lợi, những tiện nghi vật chất, v.v… và vị đó có đang làm việc ấy hay không thì mỗi một chúng ta phải tự biết lấy.

Ân đức

Đức thứ hai là ân đức. Ân là thương, thương được, giúp được, độ được. Chúng ta nói: Đức Thế Tôn là người đã mở rộng trái tim và thương được không biết bao nhiêu là người, bên nam Ngài cũng thương mà bên nữ Ngài cũng thương, người giàu Ngài cũng thương mà người nghèo Ngài cũng thương, giai cấp quyền quí Ngài cũng thương mà giai cấp hạ tiện Ngài cũng thương. Mở rộng lòng ra và thương được nhiều người, đó là khả năng thứ hai.

Là những người tu, chúng ta nên đặt câu hỏi là mình đã thương thêm được ai, đã tha thứ được cho ai hay là trái tim của mình vẫn còn nhỏ như một hạt đậu phộng? Chúng ta thương những người ân của mình, đó là chuyện thường, không cần phải tu mới làm được. Nhưng những người đã từng tạo cho ta nhiều khó khăn, những người đã làm ta điêu đứng mà ta thương được mới là hay. Chúng ta thương được cha, thương được mẹ chưa? Chúng ta thương được anh chị, bạn bè, thương được những người đang khổ chưa, hay là vì đang bị vướng vào hoàn cảnh của mình, chúng ta không có thì giờ lưu tâm tới họ. Tu là gì? Tu là để thương, để giúp cho người thoát khỏi vòng hệ lụy, khổ đau. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta đã thương được ai rồi? Thương và giúp được bao nhiêu người rồi? Đó là công hạnh độ sanh. Thương ở đây là thương bằng hành động, chấp nhận và giúp đỡ người đó ra khỏi được trạng huống khó khăn, tuyệt vọng của họ. Chúng ta biết nhìn người đó bằng con mắt từ bi, không trách móc, không hận thù. Mỗi ngày chúng ta thực tập mở rộng trái tim của mình ra hơn. Đó là đức thứ hai gọi là ân đức.

Trí đức

Khả năng thứ ba là trí đức. Trí đức là tuệ giác, là thấu hiểu được bản chất của vũ trụ, của sự vật, nhưng trước hết là khả năng hiểu được những khổ đau của chính mình và của người khác. Hiểu được thì chấp nhận được và thương yêu được.

Chúng ta muốn mở trái tim ra, nhưng làm sao mở được nếu ta không có trí tuệ? Hiểu đi đôi với thương. Hiểu được những khó khăn, những bức xúc, những tuyệt vọng và hệ lụy của người kia, chấp nhận được, thương được và giúp được người kia, đó là công trình thực tập của ta. Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Ngày hôm nay có khác ngày hôm qua không? Hôm nay ta có khả năng hiểu được hơn hôm qua không? Hay là chúng ta đứng dậm chân tại chỗ? Chúng ta thực tập, chúng ta tu tập như thế nào để càng ngày ba khả năng đó càng lớn lên. Ta nương vào tăng thân, vào giáo pháp, vào thầy để phát triển ba mặt đó của đời sống tâm linh. Ta phải luôn luôn đặt câu hỏi là ta đã buông bỏ được gì rồi, ta đã thương thêm được ai, ta đã hiểu thêm được ai? Đó là sự thành công của một đời người tu.

Có một vị Bồ tát đại biểu cho cái hiểu, đó là Bồ tát Văn Thù. Có một vị Bồ tát đại biểu cho cái thương, đó là Bồ tát Quan Âm. Có một vị A la hán mà cũng là một vị Bồ tát đại biểu cho khả năng cắt đứt và buông bỏ, đó là vị A la hán ở trong ta. Mười danh hiệu của đức Thế Tôn là mười khía cạnh, mười vẻ đẹp, mười khả năng mà chúng ta ca ngợi trong khi niệm Bụt. Ngày xưa trong thời đức Thế Tôn còn tại thế đã có pháp môn niệm Bụt, nhưng phải niệm Bụt như thế nào để có được một nội dung. Nội dung là mười danh hiệu trong đó có danh hiệu Ứng cúng, tức là xứng đáng để được tôn kính và cúng dường.