Định đề 31

 

Báo thân gồm cả y lẫn chánh, cả cộng lẫn tự. Ta bà của chúng sinh là Tịnh độ của Bụt.

Retribution consists of both body-mind and enviroment, and is both individual and collective. This land is the Saha land for living beings but Pure land for Buddhas and Bodhisattvas.

Mới đọc qua định đề 31 chúng ta thấy giống như nó không dính líu tới định đề 30, nhưng thật ra định đề 30 có thể đi đôi với định đề 31.

Quả báo là ba nghiệp: thân, khẩu, ý

Thân có nghĩa là sự biểu hiện. Đạo Bụt nói tới quả báo tức những hoa trái ta gặt hái trong tương lai, những cái ta gieo trồng hôm nay sẽ thành hoa trái ta gặt hái trong tương lai. Cái ta gieo trồng hôm nay là ba nghiệp: ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Khi tư duy thì ta tạo ra ý nghiệp, nếu đó là chánh tư duy thì ta tạo nghiệp tốt, còn nếu đó là tà tư duy thì ta tạo nghiệp xấu. Chánh tư duy là sự tư duy trên nền tảng tuệ giác, không phân biệt. Ta thấy chủ thể và đối tượng nhận thức không phải là hai thực thể tách rời nhau. Thấy ngã là một thực thể tách rời khỏi pháp thì đó không phải là chánh tư duy. Chánh tư duy không dựa trên sự phân biệt giữa ngã và pháp, giữa chủ thể và đối tượng như hai sự vật tồn tại độc lập với nhau. Khi có được chánh kiến thì chánh tư duy luôn luôn đi đôi với hiểu và thương. Sự kỳ thị giữa ngã và pháp sẽ sinh ra những giận hờn, buồn tủi và sợ hãi. Chánh tư duy đi đôi với tuệ giác vô ngã, vô thường, không kỳ thị, tuệ giác của hiểu và thương. Phát ra một tư tưởng chánh tư duy là gieo trồng được một hạt giống tốt. Nói ra một lời căn cứ trên chánh kiến, không phân biệt kỳ thị, có tính cách hiểu và thương là một thiện nghiệp. Làm một hành động nương trên tuệ giác hiểu và thương là gieo trồng một hạt giống tốt. Gieo trồng hạt giống tốt liên tục trong đời sống hằng ngày thì quả báo của ta sẽ đẹp, ta sẽ có một sự tiếp nối đẹp. Không cần phải đợi đến khi thân này tan rã rồi thì ta mới có sự tiếp nối, chỉ trong vài ngày là đã có thể thấy ta đẹp hơn. Đó là báo thân.

Báo thân là sự biểu hiện của thức, bao gồm chủ thể và đối tượng

Báo thân không phải chỉ là chủ thể nhận thức mà cũng là đối tượng nhận thức. Nếu chủ thể nhận thức lành thì đối tượng nhận thức cũng đồng thời đẹp và lành. Khi ta buồn thì cảnh vật u ám, khi ta vui thì cảnh vật tươi ra dù là trời đang mưa. Báo thân là một quả báo (retribution). Ta đừng nên tưởng tượng có một thế giới khách quan để báo thân của ta đi vào. Nghĩ như vậy là nhị thủ, là kẹt vào cái chấp có ngã riêng biệt và pháp riêng biệt, có một cái ngã đi vào trong một thế giới và sống trong đó.

Báo thân là sự biểu hiện của thức mà thức bao gồm cả chủ thể và đối tượng, vì vậy cho nên báo thân bao gồm cả y báo và chánh báo. Khi tâm tư ta buồn thảm thì đi đâu ta cũng thấy cảnh vật buồn thảm. Thi sĩ Nguyễn Du có nói:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Cảnh và tâm dính vào nhau. Thức biểu hiện thành tâm và cảnh, tức là đối tượng của tâm. Tâm, cảnh biểu hiện đồng thời. Tâm và cảnh không tồn tại độc lập với nhau.

Hầu hết chúng ta đang bị kẹt vào ý niệm: Đây là ta và đây là hoàn cảnh của ta, đây là chủ thể và đây là đối tượng, đây là con người và đây là thế giới, đây là ngã và đây là hoàn cảnh của ngã. Thật ra, khi ta gieo trồng bằng ba nghiệp thân, khẩu, ý thì nghiệp nhân đưa thành nghiệp quả và nghiệp quả biểu hiện ra thành hai mặt là y báo và chánh báo. Vì vậy nhìn môi trường sống của ta, ta biết đó cũng chính là ta. (We are our environment.) Ví dụ trong một vùng nào đó trên trái đất, người ta đang sống với rất nhiều hận thù và nghi ngờ. Tâm thức hận thù và nghi ngờ biểu hiện ra trong môi trường nên đi đâu người ta cũng sợ và không có niềm tin, đi chợ cũng sợ, đi học cũng sợ vì bom có thể nổ bất cứ lúc nào. Tâm người như thế nào thì hoàn cảnh cũng như thế đó, vì tâm và cảnh đều là sự biểu hiện của chiều sâu tâm thức.

Ta rời những thành phố ồn ào tìm tới Làng Mai và ta có thể cùng có mặt, cùng ngồi yên với những thành phần khác của Tăng thân. Cái gì đã dẫn ta tới đây? Đó là cái muốn, cái tư duy của ta. Tâm ta muốn đi tìm sự thoát ly, sự thanh tịnh, an lạc, tìm thầy, tìm tăng thân. Ý tưởng đưa tới hành động, ta điện thoại hỏi địa chỉ, rồi ta mua vé xe lửa hay vé máy bay. Thân, khẩu, ý lành đưa ta tới hoàn cảnh lành, vì hoàn cảnh cũng là một sáng tạo phẩm của tâm ta. Làng Mai không phải là một thực tại có ngoài tâm ta. Làng Mai là một sáng tạo của tâm thức ta, vì ta có ý đó, có hành động đó nên bây giờ Làng Mai trở thành hoàn cảnh của ta. Con người và hoàn cảnh của con người đều là báo thân. Thân của ta không chỉ là chánh báo mà còn là y báo cho nên đám mây kia, sân cỏ kia cũng là ta.

Chánh kiến là nền tảng của chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp

Hoàn cảnh của ta chính là ta, là quả báo mà ta đã huân tập được bằng tư duy, ngôn ngữ và hành động, tức bằng ba nghiệp của ta. Giáo lý của đức Thế Tôn rất rõ ràng và đơn giản: Có một cái gọi là chánh kiến, tức cái thấy đúng, hay còn gọi là tuệ giác. Chánh kiến là cái thấy không phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, không nhị thủ, thấy được chủ thể và đối tượng đều là biểu hiện của tâm thức và cái mà ta gọi là ngã, là pháp đều là những giả danh. Trên cái thấy không phân biệt kỳ thị đó ta sẽ có chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp. Không có nền tảng chánh kiến thì tư duy là tà tư duy, lời nói là tà ngữ và hành động là tà nghiệp. Vì vậy chánh kiến là nền tảng của chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp và khi có chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp thì ta có sự tiếp nối tốt đẹp, sự tiếp nối được biểu hiện trên hai phương diện chánh báo và y báo.

Báo thân có cả cộng lẫn tự

Trong sự biểu hiện chúng ta thấy có cộng biểu và biệt biểu. Ví dụ chúng ta cùng sống tại Làng Mai, cùng thức dậy lúc năm giờ, cùng nghe chuông trong chánh niệm, cùng đi thiền hành trên một con đường, cùng ngồi trong một thiền đường. Làng Mai như một cái gì mang tính cách chung, một cộng biểu. Tuy nhiên, với cùng một môi trường tu tập, cũng tiếng chuông đó, cũng con đường đó, cũng thiền đường đó, nhưng mức độ tiếp nhận mỗi người mỗi khác, tùy theo tự do trong lòng mỗi người. Cũng con đường đó mà có người đi có hạnh phúc tới 80-90%, còn mình đi chỉ có hạnh phúc được 7-8%. Trong cộng có tự, trong cái chung có cái riêng. Con đường đó là cộng (collective) hay tự (individual)? Câu trả lời là nó vừa cộng vừa tự, trong cái cộng có cái tự và trong cái tự có cái cộng. Cộng và tự có trong nhau, không thể lấy ra khỏi nhau được.

Ví dụ hệ thần kinh của ta có tính cách riêng tư, đó là tự biểu. Khi lái xe ta sử dụng thần kinh thị giác của riêng ta, nhưng nếu lái xe lớn thì thần kinh thị giác của ta có liên hệ tới mạng sống của những người ngồi trong xe. Vì vậy thần kinh thị giác của ta không phải là vật sở hữu riêng của ta, nó không hoàn toàn tự biểu, nó còn có tính cộng biểu. Ta có những nỗi buồn khổ và ta nghĩ rằng nỗi buồn đó là của riêng ta, ta ôm lấy và ráng chịu đựng. Nhưng sự thật thì nỗi buồn khổ của ta cũng có ảnh hưởng tới mọi người. Cái nhìn của ta, bước chân của ta, cách ta đối xử… đều có ảnh hưởng tới cộng đồng. Ngược lại, nếu trong tăng thân có từ bi, có hiểu biết thì cách mọi người chấp nhận và đáp ứng lại cũng giúp cho ta nhận thức và chuyển đổi tình trạng của ta.

Tự và cộng đi đôi với nhau, không thể có một cái hoàn toàn tự hay hoàn toàn cộng. Ví dụ chúng ta đốt lên một ngọn đèn. Đèn cầy tỏa chiếu ánh sáng chung quanh nó và đi càng xa thì ánh sáng càng lu mờ. Bây giờ chúng ta thắp lên cây đèn thứ hai. Chúng ta thấy cây đèn cầy phát ánh sáng ra ngoài nhưng cũng chiếu vào tự thân nó và chính nó hưởng ánh sáng của nó nhiều nhất. Cây đèn cầy thứ nhất tự soi sáng chính nó và soi sáng cây đèn cầy thứ hai. Khi chúng ta thắp lên cây đèn thứ hai thì cây đèn này cũng tự soi sáng mình và soi sáng cây đèn thứ nhất. Nhìn vào bất cứ điểm nào ở vùng giao thoa ta cũng thấy có cộng và có tự.

Tất cả đều do tâm

Duy biểu học cho chúng ta thấy trong tự có cộng và trong cộng có tự, không có gì hoàn toàn tự và không có gì hoàn toàn cộng, cho đến khi vượt thắng được hai ý niệm cộng và tự thì ta mới thấy được sự thật.

Trong định đề 31 có hai điều chúng ta cần phải học:

  1. Báo thân của ta được làm bằng tư duy, ngôn ngữ và hành động của ta.
  2. Chiếu theo tư duy, ngôn ngữ và hành động đó, nghiệp được biểu hiện ra thành y báo lẫn chánh báo, tức cả chủ thể lẫn nhận thức, cả chung lẫn riêng.

Đám cỏ kia không hoàn toàn chung, nó cũng có riêng; mặt trời kia tuy là của chung tất cả mọi người nhưng cách sử dụng mặt trời của mỗi người mỗi khác. Thiền đường hay tăng thân cũng vừa chung vừa riêng, và Ta bà của chúng sinh là Tịnh độ của Bụt. Khi tâm ta được giải phóng khỏi phiền não thì hoàn cảnh và nhận thức của ta phản chiếu được sự giải thoát, an lạc đó. Người buồn thấy cảnh vật cũng buồn, người tươi vui thấy cảnh vật cũng tươi vui.

Khi tâm ta là vọng tâm (deluded mind) thì đối tượng của vọng tâm là vọng cảnh (illusion). Khi vọng tâm được gạn lọc hết tà kiến và trở thành chân tâm thì chân như biểu hiện ra. Đối tượng của chân tâm là chân như, là Niết bàn. Chủ thể và đối tượng luôn luôn đi đôi với nhau, một cái vọng thì cái kia cũng vọng, một cái buồn thì bên kia cũng buồn, một cái vướng mắc thì cái kia cũng vướng mắc, một cái giải thoát thì cái kia cũng giải thoát. Y báo và chánh báo đi liền với nhau, không thể phân biệt được. Cái mà ta cho là Ta bà đầy khổ đau, ta muốn trốn chạy đi thì đức Thế Tôn lại thấy đó là Tịnh độ của Ngài. Tâm Ngài là tâm giải thoát nên đi đâu Ngài cũng thấy giải thoát. Ngài thích ở cõi Ta bà vì ở đây có chuyện cho Ngài làm, và niềm vui của Ngài là giúp được người. Ta bà hay Tịnh độ là tùy theo ta, cái thấy của đạo Bụt là cái thấy hiện pháp lạc trú, không từ bỏ cái hiện tại để đi tìm cái tương lai. Đạo Bụt thấy tất cả đều do tâm, nếu tâm trong sáng và hạnh phúc thì hoàn cảnh trở nên trong sáng và hạnh phúc. Khổ đau là những cơ hội để ta được nuôi lớn lòng từ bi và hạnh phúc của ta. Lòng từ bi và chí nguyện của ta cần được nuôi dưỡng, và Ta bà là chỗ lý tưởng để nuôi dưỡng lòng từ bi. Lòng từ bi càng lớn thì hạnh phúc càng lớn.