Định đề 23

 

Có thể nói tới con người như một dòng ngũ uẩn liên tục luôn luôn chuyển biến liên hệ tương duyên và trao đổi với các dòng hiện tượng khác, mà không thể nói tới con người như một cái ta biệt lập, bất biến và thường hằng.

We can talk of man as a continuous and ever-changing stream of five aggregates. This stream is always flowing. It is in connection with and exchanges with other streams of phenomena. However we cannot speak of man as an unchanging and permanent separate self.

Định đề 23 nói về giáo lý vô ngã của đạo Bụt. Chúng ta đã học về con người của Bụt. Bụt có thân chúng sinh, thân ngoài thân, thân tiếp nối, thân pháp, thân tăng, thân pháp giới, thân pháp tính. Do đó chúng ta đã có được những điều kiện để hiểu định đề 23.

Nền tảng của giáo lý đạo Bụt là không có cái ngã, không có cái ta. Điều này là một điều rất khó chấp nhận, vì ai cũng có khuynh hướng tin rằng có một cái ta riêng biệt. Trong giáo lý đạo Bụt có ba pháp ấn, tức ba dấu ấn để chứng thực giáo pháp này đích thật là giáo pháp đạo Bụt. Đó là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Vô ngã là một trong ba dấu ấn quyết định giáo lý đó có phải đích thật là giáo lý đạo Bụt hay không? Giáo lý nào đi ngược lại với tuệ giác vô ngã thì giáo lý đó không phải là giáo lý đạo Bụt.

Trong định đề 23 chúng ta được học là có những dòng hiện tượng mà không có những thực thể bất biến. Dòng hiện tượng đó, tuy liên tục tiếp nối, nhưng luôn luôn biến chuyển. Vì luôn luôn biến chuyển nên không có cái gì thường tại, bất biến, còn hoài. Khi sử dụng những danh từ như tôi, anh, bác, chị, họ, v.v… thì chúng ta nghĩ tới những thực tại biệt lập, tới những cái ngã. Ta cần phải sử dụng những danh từ như tôi, anh, nó, v.v… trong khi suy nghĩ, nói năng. Nhưng là người giác ngộ thì ta không bị kẹt khi sử dụng những ý niệm đó. Ngược lại, những người không giác ngộ, khi sử dụng những đại danh từ đó thì lại bị kẹt vào ý niệm ngã.

Quán chiếu sâu sắc vào con người, chúng ta thấy có năm yếu tố gọi là năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Năm yếu tố đó phối hợp với nhau tuôn chảy như một dòng sông. Nó có sự liên tục, nhưng nó luôn luôn chuyển biến. Nhìn cho kỹ chúng ta thấy không có cái gì bất biến, thường tại trong năm uẩn. Chúng ta có thể nói: Năm uẩn là có thật, nhưng cái ngã, cái ta bất biến thường hằng thì không có thật. Điều này chúng ta cần phải có nhiều công phu quán chiếu mới tìm ra được.

Trong thế kỷ thứ 21, các nhà sinh học và thần kinh học đã đi tới được gần sát với chân lý vô ngã. Họ tìm thấy những yếu tố liên tục chuyển biến tiếp nối, nhưng họ không tìm thấy một cái ngã thường tại. Nếu các nhà tâm linh học và các nhà khoa học làm việc chung với nhau, nương vào nhau để khám phá thì sẽ có những kết quả rất hay.

Ba kiến chấp về ngã

Hồi thầy La Hầu La còn trẻ, chưa tới hai mươi tuổi, Bụt đã bắt đầu dạy cho thầy về giáo lý vô ngã. Bụt nói có ba kiến chấp:

  1. Ngã là uẩn

Uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức và ta cho năm uẩn đó là ngã. Ta nói thân thể tôi, cảm giác tôi, tri giác tôi, tâm hành tôi và nhận thức tôi là tôi, điều đó không đúng. Cho ngã là uẩn là một sai lầm.

  1. Ngã không phải là uẩn

Có quan niệm cho rằng ngã và uẩn là hai cái khác nhau, ngã nằm ngoài uẩn. Đó cũng là một sự sai lầm. Năm uẩn là của tôi mà không phải là tôi, tôi là cái nằm ngoài năm uẩn. Thân là thân của tôi, cảm thọ là cảm thọ của tôi, tri giác là tri giác của tôi, tâm hành là tâm hành của tôi và nhận thức là nhận thức của tôi. Trong khi kiến chấp đầu là: ta là uẩn thì kiến chấp thứ hai là: ta không phải là uẩn, nhưng ta là chủ sở hữu của uẩn, uẩn là vật sở hữu của ta.

  1. Trong ngã có uẩn và trong uẩn có ngã

Kiến chấp thứ ba có nghĩa là: Ngã không phải là uẩn nhưng ngã cũng không phải khác uẩn. Trong ngã có uẩn và trong uẩn có ngã. Quan niệm thứ ba gọi là quan niệm tương tại, cái này nằm trong cái kia (residing in each other).

Thầy La Hầu La được dạy phải quán chiếu về ba quan niệm đó.

Vô thường là vô ngã

Tại Làng Mai chúng ta có một lối giải thích về vô ngã rất dễ hiểu. Chúng ta bắt đầu từ pháp ấn thứ nhất là vô thường, pháp ấn thứ hai là vô ngã. Khi chúng ta đã chấp nhận sự vật là vô thường thì theo lý luận logic, chúng ta cũng phải chấp nhận vô ngã. Hễ chấp nhận vô thường là phải chấp nhận vô ngã, vì đứng về phương diện thời gian nếu nó là vô thường thì về phương diện không gian nó phải là vô ngã. Nếu tất cả đều thay đổi hoài hoài thì có gì là bất biến thường hằng đâu? Vì vậy vô thường có nghĩa là vô ngã. Nếu ta đã chấp nhận rằng tất cả đều chuyển biến từng giây từng phút thì ta cũng phải chấp nhận không có gì còn hoài, còn mãi, trước sau như một. Vô thường, vô ngã là hai tên gọi của một thực tại, thực tại đó Duy biểu học gọi là hằngchuyển. Hằng tại vì nó có vẻ liên tục, nó có sự tiếp nối không đứt đoạn như một dòng sông. Dòng sông tuy là còn đó giống như là dòng sông mình đã thấy hôm qua, nhưng nhìn kỹ thì những giọt nước hôm nay đã là những giọt nước khác rồi. Người Tây phương có câu: “Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông.” Dòng sông có vẻ hằng nhưng đồng thời nó cũng là chuyển. Chuyển là thay đổi từng giây từng phút, vì vậy cho nên cái ngã, cái ta thường tại bất biến là một ảo tưởng (illusion).

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không có một dòng ngũ uẩn liên tục chuyển biến. Có một dòng ngũ uẩn và dòng ngũ uẩn đó là một môi trường liên tục (continuum) vì năm uẩn dính vào nhau, là nhau. Ta không thể tách rời năm uẩn ra. Cái này dựa vào cái kia để phát khởi và cái kia dựa vào cái này để phát khởi. Không có sắc thì không có thọ, không có tưởng, không có hành, không có thức. Không có thức thì không có sắc, không có thọ, không có hành, không có tưởng. Cũng như khối lượng (masse) và năng lượng (énergie) không thể tách rời nhau mà có, cái này là cái kia, nó là tương tức. Năm uẩn là một môi trường liên tục, ta không thể đặt cái này bên cạnh cái kia tách rời chúng ra được.

Không có ngã nhưng vẫn có luân hồi

Người không học, không tu tin rằng có một cái ta thường tại bất biến, khi ba tuổi mình có cái ta đó, đến ba mươi tuổi cái ta đó vẫn còn y nguyên, đến chín mươi tuổi vẫn là cái ta đó và đến khi chết thì cái ta đó có thể lên thiên đường hay xuống địa ngục. Hiểu luân hồi theo kiểu nông cạn thì cái ta đó là cái hồn. Sau khi thân chết rồi thì hồn bay đi và nhập vào một bào thai để có một cái hình hài khác. Như vậy, ý niệm về luân hồi, về tái sinh đó không chính thống, không liễu nghĩa tại vì nó căn cứ vào ý niệm về ngã, mà hễ còn căn cứ vào ý niệm về ngã thì không phải là giáo lý đạo Bụt.

Ta có thể nói về luân hồi, nhưng là luân hồi theo thắng nghĩa đế tức là luân hồi theo tinh thần vô thường, vô ngã và tương tức. Không có ngã vẫn có luân hồi.

Tương tục và tương tức

Có thể nói tới con người như một dòng ngũ uẩn liên tục luôn luôn chuyển biến liên hệ tương duyên và trao đổi với các dòng hiện tượng khác, mà không thể nói tới con người như một cái ta biệt lập, bất biến và thường hằng.

Như vậy, ta công nhận có sự liên tục, có sự tiếp nối; không những liên tục trong một giai đoạn mà liên tục hoài hoài. Ví dụ như đám mây biến thành mưa, giữa đám mây và cơn mưa có sự liên tục, không có đứt đoạn. Giữa cơn mưa và dòng sông có sự liên tục, giữa dòng sông và đám mây lại có sự liên tục. Ta công nhận quả quyết có sự liên tục, nhưng đồng thời ta cũng phải công nhận sự tương tức, có nghĩa là những dòng liên tục đó không tách biệt với nhau. Anh là một dòng liên tục, tôi là một dòng liên tục nhưng giữa tôi với anh có sự tương tức (inter- connectedness). Nếu ta nghĩ có sự liên tục mà không thấy được sự tương tức của những dòng liên tục thì ta vẫn có thể bị kẹt vào ý niệm về ngã.

Con người là một dòng liên tục, có sự liên tục từ khi sinh ra cho tới khi chết. Nhưng trong thời gian đó có sự trao đổi, có sự tương quan, tương duyên giữa những dòng liên tục với nhau. Trong sự sống, trong xã hội luôn luôn có những nhập kiện (input) và xuất kiện (output), vì vậy chỉ có những dòng liên tục tương quan, tương duyên, tương tức mà không có ngã. Đám mây cũng là dòng sông, dòng sông cũng là cơn mưa và sức nóng mặt trời có liên hệ tới đám mây, tới dòng sông. Có những dòng liên tục, nhưng những dòng liên tục này không đứng riêng, chúng tương quan, tương duyên và tương tức (inter-being). Vì vậy bản chất của định đề 23 là tương tục và tương tức.

Chúng ta phải hiểu nghĩa của luân hồi, của tái sinh trong ánh sáng của tương tục và tương tức thì mới phù hợp với giáo lý đạo Bụt.

Có tư tưởng nhưng không có người tư duy

Descartes nói “Tôi tư duy nên có tôi đây”, tức là có cái ta làm chủ thể cho tư duy. Nếu không có tôi thì ai tư duy? Sự kiện có tư duy xác nhận có cái ta, phải có người tư duy. Dưới ánh sáng quán chiếu của đạo Bụt thì tư duy là một tâm hành, gọi là tầm hay từ (vitarka). Tiếng Anh có thể dịch tầm là initial thinking, từ là applied thinking. Tư duy là một trong 51 tâm hành. Khi một tư tưởng phát hiện thì chủ thể và đối tượng của tư tưởng đó đồng thời phát hiện cùng một lần. Nó phát hiện trong một phần ngàn hay một phần triệu giây, rồi có những sát na tư tưởng khác tới tiếp nối. Nó cho ta có ảo giác là có một dòng tư tưởng thường hằng và có một chủ thể thường hằng. Ví dụ như lúc quay phim chúng ta chụp rất nhiều hình liên tiếp nhau, khi chiếu ra chúng ta thấy có sự liên tục, nhưng thật ra đó chỉ là nhiều hình ráp lại với nhau.

Nhìn cho kỹ chúng ta có thể nói: Có tư tưởng, nhưng không cần phải có người tư duy. (Il y a la pensée mais il n’y a pas de penseur.)

Chúng ta có Rodin, nhà điêu khắc tài tình, đã tạo tượng “Người tư duy” (Le penseur) rất đẹp. Có tư duy nhưng không cần phải có người tư duy, tư duy là một hiện tượng. Chúng ta quán chiếu để lấy đi cái ảo tưởng mình có về thực tại. Cũng như trong đêm đen, có một người cầm bó đuốc đang quay vòng tròn. Từ xa nhìn lại, ta có cảm tưởng là có một vòng lửa, nhưng thật ra chỉ có những đóm lửa liên tục với nhau. Đó là ảo tưởng thị giác.

Các tâm hành của ta như buồn, giận, lo lắng, tham đắm, v.v… biểu hiện liên tục và mỗi tâm hành có thể kéo dài trong mấy phút. Thật ra chỉ có những sát na tâm hành nối tiếp nhau mà thôi, cũng như phim ảnh có nhiều hình rất ngắn ráp lại với nhau cho ta có cảm tưởng là có một sự liên tục. Sự thật này đi ngược lại với khuynh hướng âm thầm chấp ngã câu sinh của mình. Khuynh hướng chấp ngã đã có từ khi ta sinh ra và càng ngày càng dày đặc hơn. Chỉ có quán chiếu hàng ngày, nhìn cho thật sâu thì mới thấy được rằng chỉ có những sát na hiện tượng liên tục phát hiện làm cho ta có cảm tưởng là có những dòng hiện tượng.

Bây giờ ta nghiên cứu về tâm thức, về ý thức bằng cách nhìn vào não bộ. Mới đây một tạp chí khoa học có đăng một bài báo với đề tài “La science à la porte de la conscience” (Khoa học đứng ở ngưỡng cửa tâm thức) tức là khoa học sắp tìm ra, sắp mở được cánh cửa đi vào tâm thức. Người ta có những máy móc để đo, để chụp hình, để có thể nhận ra tâm thức. Cái ngây thơ của tựa đề này là nghĩ rằng: Ý thức là một chuyện khác và khoa học là một chuyện khác. Thật ra trong khoa học (la science) có ý thức (la conscience), nếu trong khoa học mà không có ý thức thì làm sao có khoa học. Vì vậy chúng ta đừng nghĩ rằng ý thức nằm ở ngoài khoa học. Khoa học đã có được những phương tiện, những dụng cụ để có thể hiểu được ý thức, và bây giờ khoa học chỉ cần mở toang cánh cửa để đi vào khám phá sâu hơn về tâm thức.

Trong khoa thần kinh não bộ, khi nghiên cứu những hoạt động của các tế bào óc người ta khám phá ra rằng: Có một sự cộng tác, có một sự giao lưu giữa các tế bào thần kinh để đưa tới những tâm hành như xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư hay giận. Tất cả các tế bào trong não bộ tới với nhau, trao đổi những dữ kiện với nhau để tạo thành một bản hòa tấu. Bản hòa tấu đó có thể là một tâm hành, nhưng nhìn kỹ thì không thấy có người nhạc trưởng đang điều khiển bản hòa tấu đó. Người ta khám phá ra được tính tương quan, tương duyên để làm biểu hiện ra một tâm hành. Cái thấy đó của các nhà khoa học rất gần với cái thấy của đạo Phật.

Đứng về phương diện ngôn ngữ học, nếu xét lại cách ta tư duy và nói năng thì chúng ta thấy sự ngây thơ của ta trong khi nhận thức sự vật. Chúng ta nói: Gió thổi! Nói như vậy rất là buồn cười, có một chủ thể là “gió” và một động tác là “thổi”. Quý vị hãy tưởng tượng nếu “gió không thổi” thì có gió không? Chúng ta nói: Mưa rơi! Nếu “mưa không rơi” thì có phải là mưa không? Khi ta nói: “Tôi biết mưa đang rơi!” thì trong đó có cái “tôi”, có cái ngã và cái cái ngã đó làm chủ thể cho cái “biết”, biết đối tượng là “mưa đang rơi”. Nói “mưa rơi” là rất buồn cười, “mưa” là đối tượng của “biết” và chủ thể của “biết” là “tôi”. Nếu muốn nói cho đúng thì chúng ta chỉ cần nói: “Mưa” là đủ vì trong “mưa” đã có cái “biết”. Không “biết” thì làm sao nói “mưa”. Nói “gió”, “giận”, “suy nghĩ” là đủ rồi, tại sao còn phải cần có chữ “tôi“?

Câu “Je pense donc je suis” ban đầu giống như một phương trình toán học, một lý luận sắc bén: Tôi suy nghĩ, vì vậy cho nên có tôi đây. Nhưng trong ánh sáng của sự quán chiếu thì chỉ có một tư duy, tư duy đó chỉ tồn tại trong một sát na và nó có thể được một sát na tư duy khác tới thay thế. Chúng ta có khuynh hướng đi tìm một chủ thể khi có một động tác xảy ra. Chúng ta nói “trời mưa”, nghĩa là phải có một tác giả (actor) là ông trời, phải có ông trời mới có mưa nhưng thật ra không cần ông trời mà vẫn có mưa.

Chúng ta không phải là những cá thể biệt lập

Trước chuyến đi Việt Nam vào đầu năm 2005, có một trận hải chấn đã làm chết không biết bao nhiêu người, những người địa phương, những du khách tới từ Âu châu, Mỹ châu, những em bé, những người trẻ. Cả thế giới chấn động, ai cũng đau khổ, ai cũng kinh ngạc. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Thượng đế lại để cho một tai họa như vậy xảy ra? Nếu Thượng đế có lượng từ bi cao cả thì tại sao Thượng đế lại để cho sự kiện đó xảy ra? Trong số những người chết có ngư nhân, nhưng cũng có người đi du lịch, có những em bé rất nhỏ không biết tội tình gì mà phải chết. Không lẽ đó là sự trừng phạt của Thượng đế đối với những em bé đó? Nó mới từng ấy tuổi thì đã gây ra tội tình gì để bị chết một cách oan ức như vậy? Đó là câu hỏi các nhà thần học đã đặt ra. Một nhà thần học khá nổi tiếng bên Đức trả lời: “Chỉ có im lặng mới có thể trả lời được cho câu hỏi đó”. (1) Câu chuyện này thầy đã kể trong một bài pháp thoại trước. Hôm nay vì muốn làm sáng tỏ định đề 23, Thầy lại kể lại. Chúng tôi cứ để y nguyên bài giảng mà không cắt bớt.

Hôm đó tại Làng Mai có một bài pháp thoại bằng tiếng Việt. Tôi và quý vị ở Làng Mai đều bị chấn động bởi thảm kịch đó. Tôi không vừa ý với câu trả lời của nhà thần học kia. Tôi nói cái thấy của tôi trong bài pháp thoại, bài pháp thoại này đã được đăng trong Lá thư Làng Mai và được sư chị Chân Đức dịch ra tiếng Anh đăng trên tờ Mindfulness Bell và trên các tạp chí khác. Câu trả lời của tôi trong bài giảng hôm đó căn cứ trên tuệ giác vô ngã. Nếu kẹt vào ý niệm ngã thì ta không thể nào trả lời được câu hỏi đó. Ta chỉ trả lời được câu hỏi đó khi ta tiếp xúc được với bản tính tương tức của mọi loài.

Chúng ta không phải là những cá thể biệt lập mà nhân loại là một cơ thể. Tôi là tôi và anh là anh, nhưng kỳ thực tôi là anh và anh cũng là tôi. Khi hai người thương nhau thì họ bắt đầu thấy được sự thật đó. Họ đau khổ được với những đau khổ của người kia và họ hạnh phúc với những thành đạt, những hạnh phúc của người kia. Họ thấy giữa hai người có sự tương tức và cái bản ngã bị xóa nhòa không còn ranh giới nữa. Tình bè bạn, tình mẹ con cũng có thể giúp ta tiếp xúc được một phần nào với tính vô ngã.

Khi nhìn thấy nhân loại là cơ thể của ta thì người đó chết tức là ta chết, ta cũng đau khổ, nhiều khi còn đau khổ hơn người đó. Người chết đau khổ ít hơn là những người không chết. Khi thương nhau, nếu người đó chết tức là ta cũng chết, có thể là ta chết nhiều hơn, đau khổ nhiều hơn người đó nữa. Nhiều người trong chúng ta đã đau niềm đau đó, chúng ta có cảm giác là một phần của ta cũng chết trong trận hải chấn. Trong bài pháp thoại tôi đã nói: “Những người ở đó chết là mình cũng chết”. Đó là nhìn theo cái nhìn vô ngã, ta là họ và họ là ta, đó là tương tức. Và tôi nói thêm: “Mình đang còn sống tức là họ cũng đang còn sống. Mình phải sống cho xứng đáng, mình phải sống cho họ”. Họ chết tức là ta chết và ta đang còn sống tức là họ đang còn sống. Chúng ta là một chủng loại trên trái đất. Trong thế kỷ vừa qua và trong thế kỷ này chúng ta đã gây tàn hại rất nhiều cho nhau, cho trái đất, cho sinh môi khiến cho đất Mẹ phải quằn quại đau xót. Những tai nạn xảy ra có thể là những tiếng chuông chánh niệm báo hiệu cho chúng ta biết để ta nhìn lại. Ta phải biết kềm chế, phải biết thương nhau, phải biết bảo hộ trái đất và thân mạng của ta. Những đau khổ xảy ra cho con người trên trái đất đều là những tiếng chuông chánh niệm. Những người chết trong những tai nạn cũng chính là ta chết, nhưng nhờ ta còn sống nên những người đó cũng còn sống, ta thấy ta trong họ và họ trong ta.

Trong bài thuyết pháp lần đó, tôi có nhắc tới thi sĩ Victor Hugo. Khi vừa mới mất đứa con gái cưng Léopoldine, ông đau xót quá nên đã trách trời trách đất. Ông nói: Con người mong manh như một cây sậy. Con người chỉ thấy được một phía của sự vật, còn phía kia thì bị che lấp bởi một màn bí ẩn và con người như đi trong đêm đen. Thượng đế, con đến đây, đem đến cho Ngài những mảnh vỡ của trái tim con. Chính Ngài đã đập vỡ trái tim con.

Je viens à vous, Seigneur, père auquel il faut croire;

Je vous porte, apaisé,

Les morceaux de ce coeur tout plein de votre gloire

Que vous avez brisé;

Je conviens que vous seul savez ce que vous faites,

Et que l‘homme n’est rien qu’un jonc qui tremble au vent;

Chỉ có Ngài mới biết được những gì Ngài đang làm, còn con người chẳng qua chỉ là một cây sậy yếu đuối, run rẩy trong gió.

L’homme subit le joug sans connaître les causes.

Con người phải đeo cái ách rất nặng mà không biết tại sao.

Tout ce qu’il voit est court, inutile et fuyant.

Tất cả những gì con người thấy đều là tạm bợ, vô thường, đều mong manh, chớp nhoáng.

Đó chỉ là niềm than trách mà không dám là một sự phản kháng. Tại sao một cô gái mới lớn, xinh đẹp, chưa làm nên tội tình gì mà trời lại bắt chết? Đó là câu hỏi giống như câu hỏi đã được đặt ra sau trận hải chấn. Sở dĩ người ta không tìm được câu trả lời là do họ không có được cái nhìn vô ngã. Nếu có tuệ giác vô ngã, nếu thấy rằng cái đau của người kia là cái đau của ta và lòng từ bi của ta phát khởi ra thì cũng làm cho người kia hết đau khổ.

Bài pháp thoại có tựa đề “Ôm lấy niềm đau sau trận hải chấn”. Nếu ta đau và lớn lên được thì niềm đau đó có ích lợi. Nếu ta học được bài học của khổ đau và sống cho đàng hoàng, ta biết thương yêu nhau, biết bảo vệ sự sống, bảo vệ trái đất thì những người kia cũng được thừa hưởng. Chết là cùng chết và sống là cùng sống, họ chết cho ta và ta sống cho họ, trong khi họ chết là ta chết và trong khi ta sống họ cũng được sống. Sở dĩ tôi nói được bài pháp thoại đó là vì trong đạo Bụt có tuệ giác vô ngã. Con của họ chết là con của ta chết, họ chết là ta chết. Con của ta sống là con của họ còn sống. Vì vậy ta phải sống cho họ, đó là nội dung của bài thuyết pháp hôm ấy.

Khi quán chiếu, tu tập trong đời sống hàng ngày, nhìn người thân của ta, đứa con của ta, người mẹ, người bạn của ta mà ta thấy được tính vô ngã, tính tương tức giữa ta và người đó thì ta sẽ không còn trách móc, hờn giận, trừng phạt nữa. Tuệ giác tương tức đem tới sự tha thứ, sự thương yêu và lòng từ bi. Tuệ giác vô ngã rất cần thiết. Đó là trí tuệ, là sự hiểu biết đưa tới thương yêu và từ bi. Vì vậy vô ngã không phải là một triết lý khô khan mà là sự thực tập quán chiếu. Nếu trong một đoàn thể mà chúng ta biết nhìn nhau bằng tuệ giác vô ngã, thấy được tính tương tức của nhau thì cái hiểu và cái thương có mặt, hạnh phúc sẽ lớn và ta có thể làm chỗ nương tựa cho rất nhiều người.

Hầu hết tất cả các câu hỏi về triết học, về cuộc sống, về khổ đau mà người ta đem tới hỏi đức Thế Tôn đều được Ngài trả lời căn cứ trên tuệ giác vô ngã. Muốn có tuệ giác vô ngã mà chỉ học hỏi trong kinh điển thôi thì chưa đủ, ta phải nhìn chung quanh ta, nhìn bản thân ta trong đời sống hàng ngày để thấy không có gì có thể sống biệt lập. Có những dòng liên tục luôn luôn chuyển biến và chúng tương tức, tương nhập với nhau. Thấy được như vậy thì ta có thể chuyển hóa được rất nhiều tâm hành tiêu cực đã làm cho ta đau khổ trong đời sống hàng ngày.