Định đề 39

 

Duyên, thọ, uẩn, xứ, giới, thức, v.v… có thể được trình bày dưới nhiều mô thức khác nhau. Các mô thức này không nhất thiết phải chống đối nhau.

Conditions, feelings, skandhas, āyatanas, dhātus, vijñānas, etc…can be represented in different models. These models do not necessarily oppose each others.

Những mô thức không có tính cách tuyệt đối

Duyên

Duyên là những điều kiện (conditions), chúng ta nghe nói có bốn duyên, sáu duyên, chín duyên, mười duyên, mười hai duyên hay hai mươi bốn duyên. Có nhiều cách thức trình bày các duyên và có những pháp số khác nhau. Học mười hai nhân duyên, chúng ta nghĩ phải là con số 12 mới đúng. Mười hai nhân duyên bắt đầu từ vô minh đến hành, danh sắc, v.v… và chúng ta không đồng ý khi nghe người khác nói có thể có 13 nhân duyên hoặc chỉ có 8 nhân duyên vì chúng ta đã quen với một mô thức.

Mười hai nhân duyên thật ra chỉ là một trong những mô thức trình bày. Nghiên cứu lại những kinh Nguyên thỉ, trong kinh có lúc Bụt nói sáu duyên, chín duyên và có khi Bụt nói mười duyên hay mười hai duyên. Trong sự trình bày nhân duyên có sự tinh luyện và phát triển, những con số và mô thức đưa ra không có tính cách tuyệt đối. Mô thức nào cũng đều đúng, nếu có khuynh hướng phân tích ta có thể làm thành 24 duyên. Có truyền thống Phật giáo đã phân tích thành 24 duyên. Vì vậy chúng ta đừng nên kẹt vào những con số. Chúng ta phải linh động, mềm dẻo để đừng bị kẹt vào giáo điều (dogma).

Thọ

Thọ là cảm thọ, gồm có cảm thọ khó chịu, cảm thọ dễ chịu và cảm thọ trung tính. Nhưng thỉnh thoảng Làng Mai có nói đến bốn thọ. Làng Mai thêm vào một cảm thọ vừa khó chịu vừa dễ chịu, ví dụ như khi ta đang bị nhức mỏi mà có người ấn vào (massage) thì ta có cảm thọ vừa đau vừa sướng. Trong kinh Nikaya có câu chuyện: Một thầy và một vị cư sĩ, cả hai đều học Phật giỏi, họ tranh chấp với nhau về vấn đề “có bao nhiêu thọ”. Một người cho là Bụt nói có ba thọ, người kia cho là Bụt nói có năm thọ. Hai người cãi nhau và không ai chịu nhường ai cả. Cuối cùng nội bộ đem lên cho Bụt xét xử, Bụt nói: Ba thọ hay năm thọ cũng được, tại sao lại phải cãi nhau như vậy? Kinh này được ghi chép lại trong Tam Tạng, chứng tỏ Bụt không bị kẹt vào con số 3 hay con số 5. Lại còn có con số năm thọ: đó là khổ, lạc, ưu, hỷ và xả.

Chúng ta phải học bài học này, ta đừng chia rẽ nhau, đừng lập ra những phân phái khác nhau để chống đối nhau chỉ vì lý do ta không đồng ý với nhau về mô thức trình bày.

Uẩn

Thường thì chúng ta nói có năm uẩn, nhưng ta có thể nói hai, ba hay bốn uẩn cũng được, tùy theo cách chúng ta phân tích. Khi nói danh sắc (nāma-rūpa), Bụt nói tới hai uẩn. Con người của ta có hai uẩn là danh (nāma) và sắc (rūpa) giống như psychosoma (psycho là tâm, soma là thân). Nhưng trong kinh Niệm Xứ Bụt chia ra làm bốn uẩn, tức bốn lĩnh vực quán niệm: niệm thân trong thân, niệm thọ trong thọ, niệm tâm trong tâm và niệm pháp trong pháp (pháp là đối tượng của tâm). So sánh với ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thì sắc thuộc về thân, thọ thuộc về cảm thọ, tưởng và hành thuộc về tâm. Vậy thì thức nằm ở đâu? Thức nằm dưới hành, thức là tâm vương còn hành là tâm sở, cũng như dòng sông là tâm vương và những giọt nước là tâm sở. Không có nước thì không có sông nên nói những giọt nước là đủ mà không cần nói tới dòng sông. Thức là nền tảng của sắc, thọ, tưởng, hành vì vậy chúng ta chỉ cần nói bốn uẩn là đủ mà không cần nói tới uẩn thứ năm.

Xứ và giới

Xứ và giới (āyatana) là những lĩnh vực của hiện hữu đứng về phương diện điều kiện mà nói. Chúng ta có 12 xứ: sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) và sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Do sự xúc chạm giữa sáu căn và sáu trần mà sinh ra sáu thức. Sáu căn, sáu trần và sáu thức làm thành 18 giới, tức là 18 lĩnh vực của hiện hữu. Tâm Kinh Bát Nhã nói: Không có 18 giới từ nhãn giới cho tới ý thức giới. Đó là mô thức 18 giới. Sau này, Phật giáo phát triển có nói tới thức thứ bảy, thức thứ tám và có khi nói tới thức thứ chín. Nếu nói tới thức thứ bảy thì phải nói tới 14 xứ hay 21 giới, nói tới thức thứ tám thì phải nói tới 16 xứ hay 24 giới. Vì vậy mô thức 18 giới chưa chắc là đúng, sau này chúng ta có mô thức 21 giới hoặc mô thức 24 giới. Trong truyền thống của chúng ta, có thức thứ bảy tức Mạt na và thứ thứ tám tức A lại da. Nhưng có truyền thống còn nói tới thức thứ chín Bạch tịnh thức (vimala) tức là có 27 giới. Đó là những mô thức sử dụng để giảng bày, là những phương tiện chứ không phải là sự thật khách quan của thực tại.

Các nhà khoa học bây giờ cũng làm theo phương cách đó. Họ đặt ra biết bao nhiêu là tên như phân tử, nguyên tử, điện tử, trung hòa tử, giới tử v.v… và đưa ra nhiều mô thức khác nhau về cái cực nhỏ cũng như cái cực lớn. Những tên gọi và những mô thức ấy do từ trong đầu của chúng ta mà ra nhiều hơn là do thực tại mà có.

Khoa học, giống như Phật học, đưa ra những mô thức để diễn tả về thực tại và những mô thức không hẳn là phải giống nhau. Biết được điều đó ta phải buông bỏ thái độ cuồng tín và cố chấp vào giáo điều mà các nhà khoa học đang kẹt vào. Mỗi năm họ đều khám phá và đặt tên cho những hạt mới, nhưng không có một mô thức nào được gọi là tuyệt đối cả.

Khoa học có nói tới một thức gọi là bình hành (sự thăng bằng), tiếng Pháp là équilibration, tiếng Anh là equilibrium. Chúng ta ít nói tới thức bình hành nhưng nó rất quan trọng, đó là cảm giác thăng bằng mà chúng ta có được. Ví dụ khi bị xoay như chong chóng, chúng ta không biết phương hướng, không biết ta đang ở đâu, đâu là phía trên và đâu là phía dưới. Khi ngồi yên lại thì ta thiết lập lại sự thăng bằng, ta ý thức được đây là phía trên, đây là phía dưới, đây là phía trước, đây là phía sau. Khoa học đã tìm ra một thức tương đương với cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm, đó là thức bình hành mà căn của nó nằm trong tiểu não ở phần trong của lỗ tai (oreille interne). Nếu không có thức bình hành thì ta sẽ không có cảm giác thăng bằng. Ngồi thiền ta có cảm giác rất thăng bằng, ta biết được đâu là trên và đâu là dưới, trước là gì và sau là gì. Không có cảm giác thăng bằng thì ta sẽ không có cảm giác yên tịnh, an lạc. Đó là một loại thức, mà có thức thì có xứ và giới, tức có đối tượng và chủ thể.

Sau này chúng ta có thể nói tới nhiều thức hơn là năm thức cảm giác (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) và bình hành thức là thức thứ sáu trước khi đi tới ý thức. Ý thức nằm ở dưới tất cả các thức cảm giác. Chúng ta không kẹt vào những con số và những giáo điều nên sau này trong khi hành đạo, chúng ta có thể đưa ra những mô thức mới hơn. Điều đó không có nghĩa là ta không trung kiên với truyền thống. Tinh thần của truyền thống là sự không cố chấp, là sự mềm dẻo, cởi mở, nhu nhuyến để có thể tìm ra những mô thức mới có thể diễn tả cái thấy mới một cách thích hợp hơn.

Đạo Phật có mục đích khác với khoa học, đạo Phật diễn tả để giúp cho sự tu học chứ không phải chỉ để thỏa mãn nhu yếu hiểu biết mà thôi. Đạo Phật chia các uẩn thành hai (danh, sắc) hay thành bốn (thân, thọ, tâm, pháp) hay thành năm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) không phải để chia chẻ mà chỉ để giúp cho người ta tu tập. Khi cần chia chẻ theo cách khác thì ta cứ tự do chia chẻ và phân tích mà đừng bị kẹt vào một cách thức cố định nào đó.

Tiếp nối sự nghiệp của Bụt

Kinh Quán Niệm Hơi Thở trong Nhật Tụng Thiền Môn có nói đến 16 hơi thở. Trong khi giảng dạy Làng Mai đã đề nghị đưa số hơi thở lên trên 20 mà không sợ không theo đúng truyền thống. Nếu ôn lại các hơi thở, quý vị sẽ thấy những hơi thở chúng ta đưa ra rất hay và chúng ta đã tiếp nối được công trình của Bụt. Bụt không bao giờ nói: “Ta đưa ra 16 hơi thở thì các người chỉ được thực tập 16 hơi thở thôi. Ai nói 17 hơi thở tức là phản lại ta!”. Chính Bụt cũng đã có sự phát triển trong quá trình giảng dạy của Ngài. Trước khi giảng 12 nhân duyên, Ngài đã giảng 8 hay 9 nhân duyên, nếu sống thêm vài năm nữa có thể Ngài sẽ giảng lên 14 nhân duyên. Kinh Quán Niệm Hơi Thở là kinh làm cho tôi có nhiều hạnh phúc nhất vì nó rất thực tế, rất khoa học. Chúng ta có thể khai thác kinh đó để áp dụng trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực y khoa trị liệu. Ta đã bắt đầu công việc khai thác đó bằng những khóa tu về kinh Quán Niệm Hơi Thở. Ta có khuynh hướng ấy và đã bắt đầu khai triển, mà không còn nằm trong khuôn khổ của 16 hơi thở. Con số 16 là để cho dễ nhớ (4 hơi thở về thân, 4 hơi thở về thọ, 4 hơi thở về tâm và 4 hơi thở về pháp). Ngày xưa người ta không có máy ghi âm, không có ipod, nếu Bụt nói nhiều con số quá sợ người ta không nhớ hết. Nhưng bây giờ ta không còn gặp phải vấn đề đó nữa, nên ta phải có can đảm, phải có cái nhìn phóng khoáng và tiếp nối sự nghiệp của đức Thế Tôn một cách thông minh.

Quán chiếu vô thường, vô dục, tịch diệt và buông bỏ

Học 16 phép quán niệm hơi thở ta thấy rõ Bụt chỉ dạy cho ta một cách rất khoa học từ thân tới thọ, tâm và pháp. Nhưng vì khả năng ghi chép chỉ được như vậy nên Bụt đã đưa ra mô thức 16. Hơi thở thứ 13 của kinh Quán Niệm Hơi Thở là quán chiếu về vô thường:

Thở vào tôi quán chiếu về vô thường

Câu này rất hay vì quán chiếu về vô thường là một chìa khóa để thấy được vô ngã. Vô thường và vô ngã không phải là hai, đứng về phương diện thời gian là vô thường còn đứng về phương diện không gian là vô ngã, mà thời gian thì không thể tách rời không gian. Nếu sự vật đã vô thường thì nó không duy trì được tính đồng nhất của nó, nó là vô ngã. Tôi bây giờ không còn là tôi của mấy phút trước đây vì vậy tôi không là tôi và người không phải là người. Vô thường đưa tới vô ngã. Theo lý luận đó thì hơi thở kế tiếp phải là hơi thở quán chiếu về vô ngã:

Thở vào tôi thấy tính vô ngã của vạn pháp

Khám phá tính chất vô ngã, ta thấy ta và cha ta không phải là hai thực thể khác biệt, ta chẳng qua chỉ là sự tiếp nối của cha ta, ta giận cha tức là ta giận chính ta. Như vậy ta đả phá được rất nhiều vô minh.

Nhưng trong kinh Quán Niệm Hơi Thở không có hơi thở quán chiếu về vô ngã mà có hơi thở quán chiếu về vô dục. Vô dục cũng là sự tiếp nối của vô thường. Nếu sự vật là vô thường mà ta cứ chạy theo nắm bắt nó thì ta khổ.

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì

Là vô thường thì sự vật sớm còn tối mất, không đáng để ta đem hết cả cuộc đời mà theo đuổi. Ta đang theo đuổi một bằng cấp, ta nghĩ ta phải mất 10 hay 15 năm mới đạt được nó, không có nó thì ta không thể có hạnh phúc và trong khi đeo đuổi nó thì ta khổ. Nhưng ta lại thấy những người không có bằng cấp mà tại sao họ lại rất hạnh phúc? Vì vậy quán chiếu vô thường có thể đi tới vô dục, không ham muốn những cái vô thường như pháo bông, như bọt nước, như cầu vồng. Ta thấy chúng đẹp nhưng ta không có ước muốn nắm bắt chúng vì ta biết chúng là vô thường. Ai mà đi nắm bắt một làn hương? Tuệ giác về vô thường đưa tới thái độ vô dục và cũng như đưa tới tuệ giác về vô ngã. Hơi thở thứ 14, thay vì là hơi thở quán chiếu về vô ngã, thì ở đây là hơi thở quán chiếu về vô dục. Đức Thế Tôn đã chọn vô dục, vô dục là tính cách không đáng chạy theo, không đáng tìm cầu của những đối tượng ái dục.

Ngày xưa mấy ông nho sĩ, tuy không tu Phật giáo, nhưng thỉnh thoảng cũng đạt tới cái thấy vô thường và vô dục. Một ông nho sĩ đã từng chạy theo một cô nàng và đã lên xuống quá nhiều vì cô đó. Ông làm ra hai câu hát và tới nhà hát nhờ một cô đào nương hát theo kiểu hát nói. Hai câu này chứng tỏ ông đã đạt tới cái thấy về vô thường và vô dục:

Vị gì một cánh bèo mây

Làm cho biển ái khi đầy khi vơi

Cánh bèo rất mong manh, nổi bập bềnh trên mặt nước và trôi chỗ này đến chỗ khác. Cô kia rất bất thường, cô lên xuống và làm cho ông cũng lên xuống, cô là một cánh bèo mây, cô là vô thường.

Hơi thở thứ 15 là:

Thở vào tôi quán chiếu về tịch diệt

Tịch diệt là chân tính không sinh, không diệt, không tới, không đi, không có, không không, không còn, không mất. Đó là bản thể của ta. Sóng có thì giờ, có cơ hội để quán chiếu và thấy được mình cũng là nước. Trong thế giới của sinh diệt, lên xuống, có không, còn mất, ta đau khổ như một đợt sóng; ta bị cuốn theo thế giới hiện tượng. Nhưng nhờ có duyên, ta tiếp xúc được với Phật pháp, với thầy, với tăng thân. Ta có cơ hội ngồi lại để thấy ta không phải chỉ là thế giới của hiện tượng, ta không chỉ sống trong thế giới của tích môn mà ta cũng đang ở trong bản môn. Nền tảng của ta là bản môn, khi tiếp xúc được với bản môn thì ta không còn đau khổ, lúc lên lúc xuống, khi vào khi ra, khi còn khi mất. Mục đích tối hậu của một kiếp người là đạt tới tịch diệt. Ngày xưa các tổ ở Việt Nam gọi đó là cái lặng lẽ, tức là không còn ngôn từ, không còn những ý niệm như có, không, sinh, diệt, còn, mất.

Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris còn giữ được một kinh gọi là kinh “Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng”, có bản dịch sang chữ nôm thực hiện vào khoảng thế kỷ 15-16. Tất cả những chữ “Phật” đều được dịch là chữ Bụt. Bản của trường Viễn Đông Bác Cổ được in lại vào đời chúa Trịnh và chữ lặng lẽ nói trên có nằm trong kinh này. Nhà học giả Tạ Trọng Hiệp làm việc nghiên cứu ở Paris đã xin vào sao chép một bản gửi về Việt Nam. Hiện nay có một học giả khác đã phiên âm ra chữ quốc ngữ và in lại tất cả. Chúng ta hiện đang có một bản ở đây. Theo bản này chúng ta biết:

  1. Lặng lẽ là chữ ngày xưa các tổ đã dùng để dịch chữ tịch diệt.
  2. Các chữ Phật đều được dịch là Bụt.

Điều này chứng tỏ rằng, dân tộc Việt Nam từ ngày xưa cho đến thế kỷ 17 vẫn dùng chữ Bụt. Ta mới bắt đầu dùng chữ Phật chỉ mấy trăm năm nay thôi. Ngày xưa cha mẹ được gọi là áng nạ, áng là cha, nạ là mẹ. Điều đặc biệt là trong nghi thức mở đầu buổi tụng kinh có xưng tụng danh hiệu của thánh mẫu Maya và di mẫu Gotama. Vì vậy việc Làng Mai lạy tôn giả ni trưởng Kiều Đàm Di cũng không phải là cách mạng lắm. Các tổ của ta đã từng lạy trước những người phụ nữ như Quan Âm Diệu Thiện, tức bà Chúa Ba đã dâng cánh tay làm thuốc cứu cha; như thánh mẫu Maya, người đã hạ sinh đức Thế Tôn; như di mẫu Kiều Đàm Di. Có thể nói Làng Mai rất là truyền thống.

Hơi thở thứ 16 là hơi thở quán chiếu về phóng khí, về buông bỏ. Buông bỏ những ý niệm làm cho ta kẹt như ý niệm về thọ mạng, những ý niệm mà trong kinh Kim Cương đã nói tới như ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.

Trong khuôn khổ của 16 hơi thở chúng ta chỉ có bốn hơi thở về phương diện tưởng (tri giác), pháp (đối tượng của tri giác). Nhưng thật ra những hơi thở giúp ta đạt tới sự giải thoát giác ngộ có thể nhiều hơn con số 16, như hơi thở về vô ngã, về tương tức, về duyên sinh. Chính nhờ quán chiếu về duyên sinh mà người ta có thể thành Phật như các vị Độc giác Phật, các vị Bích chi Phật hay ngay cả chính đức Thế Tôn. Không có hơi thở về duyên sinh trong 16 hơi thở thì hơi thiếu, nhưng Bụt đã muốn dùng bốn hơi thở cho mỗi lĩnh vực của bốn lĩnh vực (4×4) cho người ta dễ nhớ. Là học trò thông minh của đức Thế Tôn ta phải giúp Ngài khai phá thêm những hơi thở quan trọng đưa tới sự giải phóng tâm thức của ta, trong đó có hơi thở về duyên sinh, vô ngã và tương tức.

Phật giáo có thể đi đôi với khoa học

Nhà Bác học Einstein nói rằng: Nếu sau này có một tôn giáo có thể đi đôi với khoa học thì tôi nghĩ rằng đó là Phật giáo. Chúng ta thấy trong Phật giáo có tinh thần khoa học. Tinh thần khoa học là tinh thần cởi mở, có khả năng buông bỏ những ý niệm và những kiến thức cũ để đạt tới chân trời mới của sự thật. Nhưng cũng có những nhà khoa học cố chấp. Những nhà khoa học nào có khả năng xả, buông bỏ nhiều nhất là những người có cơ hội khám phá nhiều nhất. Đó là phía của những nhà khoa học, còn những nhà Phật học thì sao? Có những nhà Phật học rất cố chấp, vì vậy cho nên không đi xa được. Những nhà Phật học không cố chấp khám phá được rất nhiều chiều sâu trong đạo Bụt bằng những kinh nghiệm tâm linh của mình. Giáo lý về phá chấp, không kẹt vào ngôn từ và ý niệm cho chúng ta thấy đạo Bụt có tinh thần khoa học và có thể đi đôi với khoa học.

Khoa học cũng đưa ra những mô thức để giải thích vũ trụ. Đạo Bụt cũng đưa ra những mô thức, nhưng không phải để giải thích vũ trụ mà để chúng ta nương vào đó mà tu tập. Đạo Bụt có thái độ mềm dẻo, không cố chấp nên không kẹt vào những mô thức của mình và luôn luôn sẵn sàng đưa ra những mô thức mới. Như vậy không có nghĩa là những mô thức cũ sai, đưa ra 12 nhân duyên không có nghĩa là 9 nhân duyên sai, nói năm uẩn không có nghĩa là bốn uẩn sai. Mỗi mô thức có sứ mạng của nó. Nhà khoa học cũng đưa ra những mô thức và những đề nghị. Sau này nếu trực giác đưa tới cái thấy sâu hơn thì ta sẵn sàng buông bỏ mô thức cũ để đưa ra một mô thức mới. Vì vậy chúng ta thấy có viễn tượng sau này các nhà Phật học sẽ làm việc chung với các nhà khoa học. Các nhà khoa học chỉ dùng trí phân tích của họ, nhưng người nào có khả năng sử dụng trực giác (intuition) thì người đó sẽ có cơ hội khám phá nhiều hơn. Trong đạo Bụt ta được khuyến khích nương vào trực giác nhiều hơn. Ta dùng giới, niệm, định để nuôi dưỡng trực giác, gọi là vô phân biệt trí (non- discrimination wisdom).

Ở Á châu người ta có cảm tưởng cái thấy, cái biết, cái thương nằm trong bụng chứ không nằm trong đầu. Ở Á châu người ta hay nói: Lòng của mình. Chữ lòng không có nghĩa là não, người ta rất ít dùng chữ não. Á châu dùng chữ tâm phúc, tâm là trái tim, phúc là cái bụng. Suy bụng ta ra bụng người có nghĩa là bụng của mình nghĩ như vậy nên mình tưởng người ta cũng nghĩ như vậy. Có khi tức quá ta nói: Để tôi mổ bụng ra cho quý vị biết tâm can của tôi là như thế đó. Đó là trực giác của người Á châu. Cái gì thân thiết nhất thì ta gọi là ruột rà, Tâm Kinh được gọi là Kinh Ruột. Khoa học hiện đại vừa khám phá ra ruột là bộ óc thứ hai của con người, có hàng chục triệu tế bào óc trong ruột. Ruột có khả năng chế tác ít nhất là 70-85% tế bào miễn nhiễm và ruột cũng chế tạo ra tới 30 chất gọi là dẫn truyền thần kinh (neuro transmitter). Những cảm nghĩ, những suy tư, những thương yêu, những quyết định của ta nằm trong bụng rất nhiều. Giữa hai bộ óc có sự liên hệ rất mật thiết. Các họa sĩ ngày xưa khi nói có Bụt trong tâm thì nghĩ ngay đến tâm ở trong bụng, vì vậy một họa sĩ đã vạch bụng lên và chỉ cho thấy có một đức Bụt ở bên trong. Chúng ta có một trực giác mà ta chưa chứng minh được, nhưng có thể sau này khoa học với những khám phá, những tìm hiểu sẽ chứng minh được trực giác ấy của mình. Những tuệ giác như “Tất cả là một, một là tất cả”, “Cái một được làm bằng cái tất cả, cái tất cả nằm trong cái một”, những cái thấy như “phương ngoại”, “kiếp ngoại”, “vượt thoát thời gian, vượt thoát không gian”, “Niết bàn”, v.v… đều là trực giác do trí vô phân biệt truyền tới, trong khi đó khoa học chỉ sử dụng trí phân biệt. Đạo Phật là một kho tàng trí tuệ đạt được nhờ trực giác (vô phân biệt trí). Sau này vô phân biệt trí sẽ làm việc với phân biệt trí để chứng minh rằng: Từ ngày xưa đạo Phật đã nắm được những cái mà khoa học bây giờ mới bắt đầu thấy. Có những cái rất khó hiểu, khó tin đã trở thành đối tượng của niềm tin của ta như:

Trong hạt bụi có vô số Bụt

Mỗi vị an trú chúng hội mình

Đức tin của con vẫn tràn đầy

Trong mỗi hạt bụi của pháp giới

Cái vô cùng lớn nằm trong cái vô cùng nhỏ. Vì vậy cái ta muốn tìm, ta không cần tìm trong thời gian và không gian xa xôi, ta có thể tìm ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Đó là những tuệ giác rất lớn trong đạo Bụt mà khoa học bây giờ bắt đầu cảm thấy. Khoa học lượng tử bây giờ giống như một nền triết học, bắt đầu gõ cửa bản thể để thấy được cái gọi là lặng lẽ, tức cái thế giới Niết bàn không sinh, không diệt, không này, không kia, vượt thoát thời gian và vượt thoát không gian.

Phải thay đổi mình trước

Khi có những đau khổ hay khó khăn ta đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác. Ta đau khổ là vì ta không tu, ta không thực tập hiểu và thương. Không phải tại người ta như vậy nên ta đau khổ, những người đổ lỗi cho người khác làm mình đau khổ là những người không tu. Ngồi đó đợi người ta thay đổi là chuyện không bao giờ có. Ta phải thay đổi mình trước, thay đổi bằng cách thực tập hiểu và thương. Người thế gian nghĩ hạnh phúc là có nhiều tiền bạc hay có nhiều quyền hành; nhưng là một người tu ta không nghĩ như vậy. Có nhiều tiền bạc, quyền hành có thể có rất nhiều đau khổ. Có hiểu và thương nhiều thì có hạnh phúc nhiều và không có đau khổ. Nếu ở đây mà ta không học được phương pháp làm lớn lên cái hiểu biết và cái thương yêu của ta thì ta ở đây chỉ vô ích. Ta chê người này, người khác; ta cho rằng sở dĩ ta không có được hạnh phúc là tại người này hay người kia. Ta ngồi ở đây đợi những người khác thay đổi cho ta có hạnh phúc trong khi ta không chịu làm công việc thay đổi chính mình.

Những đau khổ, những lề thói hành xử trong gia đình của ta ngày xưa, ta mang về đây và ta không chịu học hỏi để chuyển hóa. Sử dụng những tập khí đó để phán xét, chê bai, trách móc thì ta không thừa hưởng được sự có mặt của Làng Mai. Ta tới Làng Mai là để tu tập chứ không phải để chờ đợi người ta thay đổi cho ta có hạnh phúc. Ta tới đây để tu chứ không phải để đòi hỏi người này phải như thế này, người kia phải như thế kia. Tôi rất hạnh phúc khi thấy trong chúng có những người có tu, có hạnh phúc, có nụ cười, có chuyển hóa. Cũng có người chưa có hạnh phúc lắm vì họ tu còn dở. Ta cho họ cơ hội, thời gian và điều kiện, nhưng họ chưa biết sử dụng. Có những người về Làng Mai chỉ được năm, bảy ngày thôi mà họ rất hạnh phúc, đã chuyển hóa rất nhiều và đem sự chuyển hóa đó về cho gia đình. Nếu đã ở Làng Mai ba năm mà không chuyển hóa được là uổng cho ta và uổng cho Làng Mai.

Ta nhận được nhiều lá thư chia sẻ về sự chuyển hóa sau một thời gian thực tập tại Làng Mai. Một cô thiền sinh 25 tuổi ở xóm Mới viết một lá thư rất dài, nói về những khổ đau ngày xưa cô đã gánh chịu trong gia đình. Mẹ cô đã làm khổ cô, làm khổ ba cô và tự làm khổ mình như thế nào. Lúc còn nhỏ cô cứ nghĩ hạnh phúc là chuyện của ngày mai, sau khi mình thoát khỏi hoàn cảnh bây giờ. Lớn lên, đi học rồi đi làm, cô cũng có bạn trai, có chơi bời nhưng những đau khổ của cô vẫn không chuyển hóa được. Cô vẫn cảm thấy có sự trống rỗng trong lòng và không có khả năng xử lý được những đau khổ đó. Ngày xưa cô nghĩ sau này lớn lên mình sẽ thật sự có tự do. Bây giờ cô có thể đi chơi, có bạn trai nhưng cô vẫn không có khả năng hạnh phúc. Những giây phút chơi bời, đùa giỡn chỉ là để phủ lấp những niềm đau nỗi khổ trong lòng. Khi tới được Làng Mai cô bắt đầu thấy rằng hạnh phúc là có thể có được. Sự thực tập ở Làng Mai cho cô thấy sự sống đích thực có thể có được ngay bây giờ chứ không phải ở trong tương lai. Lần đầu tiên tiếp xúc với tăng thân cô thấy được tình thương, tình huynh đệ, tính tương tức, sự nâng đỡ lẫn nhau của những thành phần trong tăng thân, cái mà ngày xưa cô không bao giờ cảm thấy được trong gia đình. Cô đã tới Làng Mai nhiều lần. Cô đã bắt đầu giúp cho cha, cho mẹ, cho bạn bè. Sau một thời gian ở Làng Mai cô trở về với bạn bè ở vùng Bordeaux và thấy rất tội cho các bạn cô. Cô hy vọng với sự chuyển hóa của mình cô có thể giúp những người bạn thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của đau khổ.

Khi đọc được những lá thư như thế mình rất vui. Có những người thừa hưởng được sự thực tập ở Làng Mai, thừa hưởng được sự có mặt của tăng thân, của các thầy, các sư cô. Họ thấy rất rõ đây là con đường cho họ, đây là sự thật mỗi ngày: Đi ra đi vào, ngồi xuống, ăn cơm, lúc nào cũng có hạnh phúc, có năng lượng tập thể, có tình huynh đệ. Đây không phải là một hy vọng hay một niềm tin vào tương lai.

Lần đầu tiên cô thiền sinh cảm thấy được người ta lắng nghe và được người ta hiểu mình. Cô nói với ba cô là mùa hè cô sẽ về Làng Mai với ba. Ba cô rất mừng, ông không bao giờ tưởng tượng được chuyện đó có thể xảy ra, vì ngày xưa cô tuyệt đối chống đối với ba, cô không thể tìm sự an ủi, hạnh phúc và sự bình an nào mỗi khi nói chuyện hay nghĩ tới ba. Bây giờ cô đã nói chuyện được với ba cô. Đó là một thay đổi rất lớn.

Truyền thống dân chủ của Làng Mai

Trong các tu viện Cơ đốc giáo, các vị xuất gia sống theo ba nguyên tắc:

  • Sống nghèo (pauvreté), đạo Bụt gọi là an bần, tự nguyện sống đơn giản.
  • Phạm hạnh (chasteté hoặc chastity).
  • Vâng lời (obedience), không được cãi lại, người lớn nói sao thì phải nghe vậy, mẹ bề trên nói thì phải nghe theo mà không được đặt điều kiện.

Mùa đông năm 2004, chúng ta đã có ba tháng an cư tại tu viện Lộc Uyển. Chúng ta đã nghiên cứu giới luật của Phật giáo, Vinaya của Pháp Tạng Bộ, đồng thời chúng ta cũng nghiên cứu về giáo chế (code monastique) của dòng Benedictin và so sánh hai bên. Nếu quý vị muốn nghe thì có thể tìm những bài giảng đã được ghi lại trong băng đĩa.

Làng Mai được thừa hưởng truyền thống Tự tứ của đạo Bụt, thực tập lắng nghe và ái ngữ cho nên ta thực tập làm quyết định chung gọi là tác pháp yết ma. Tác pháp yết ma là lấy ý kiến và quyết định chung chứ không chỉ do vị viện trưởng hay vị trụ trì quyết định. Theo truyền thống đạo Bụt, những người thọ giới lớn được quyền tham dự tác pháp yết ma, những người chưa thọ giới lớn thì không được quyền có mặt. Những người thọ giới lớn là nòng cốt của tăng đoàn. Những người chưa thọ giới lớn, mới là sa di, sa di ni thì chưa có tư cách tham dự vào tác pháp yết ma. Nếu đã thọ giới lớn, dù chỉ mới thọ một ngày, cũng được tham dự vào tác pháp yết ma. Trước khi làm tác pháp yết ma chúng ta hỏi: “Quý vị đã tập họp đầy đủ chưa? Có sự hòa hợp trong đại chúng không? Những người chưa thọ giới lớn đã ra khỏi nơi này chưa?” rồi mới bắt đầu đưa ra lời tác bạch và hỏi ba lần. Nếu sau ba lần hỏi mà mọi người đều im lặng thì quyết định được chấp nhận. Từ 2.600 năm trước, trong đạo Bụt đã có dân chủ và các tu viện Phật giáo được điều hành trên thể chế dân chủ tác pháp yết ma.

Làng Mai duy trì tác pháp yết ma, trong buổi họp các vị tỳ kheo hoặc tỳ kheo ni quyết định tất cả. Làng Mai có Hội đồng giáo thọ gồm những vị đã được truyền đăng làm giáo thọ, những vị giáo thọ tập sự được tham dự các buổi họp của giáo thọ. Nhưng chúng ta nói rất rõ: Hội đồng giáo thọ không quyết định giùm cho Hội đồng tỳ kheo và tỳ kheo ni. Giáo thọ chỉ chuyên môn về chương trình tu học, những quyết định của Hội đồng giáo thọ phải được Hội đồng tỳ kheo, tỳ kheo ni chấp nhận thì mới có hiệu lực. Thầy và đại chúng luôn luôn nhắc rằng Hội đồng giáo thọ không đứng cao hơn Hội đồng tỳ kheo, tỳ kheo ni mà nằm trong Hội đồng tỳ kheo, tỳ kheo ni. Trong nếp sống xuất gia đó là pháp chế ngàn xưa từ thời Bụt. Làng Mai đã đi xa hơn, tuy các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni quyết định nhưng mình cũng cho các em sa di, sa di ni và các vị cư sĩ được quyền phát biểu trước đó. Các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni phải ngồi lắng nghe các em mình trước khi đi tới sự thực tập tác pháp yết ma. Đó là một tiến bộ rất lớn của Làng Mai. Trước đó sa di, sa di ni chỉ vâng theo (y giáo phụng hành). Tại Làng Mai các sa di, sa di ni được họp chung với nhau, nhiều khi được họp chung với các vị đã thọ giới lớn và được phát biểu cảm tưởng và ý kiến của mình.

Trong thể chế dân chủ của một nước, người được bầu làm dân biểu quốc hội được quyền bỏ phiếu trong quốc hội. Dân chúng có quyền phát biểu, tập họp, biểu tình, đưa ra đề nghị, nhưng người bỏ phiếu phải là dân biểu quốc hội. Thể chế đó tương đương như trong tu viện: những người thọ giới lớn được tác pháp yết ma nhưng các anh các chị thọ giới lớn cần ý kiến của các sadi, sadini, thức xoa. Là đàn em mình được khuyến khích giúp ý kiến cho các anh chị để họ có quyết định sát với nhu yếu của đại chúng. Vì vậy chúng ta có những buổi họp của sa di, sa di ni, những buổi họp của cư sĩ để nói lên cái thấy của mình. Căn cứ trên cái thấy đó các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni sẽ đi tới quyết định cho toàn chúng.

Sau khi làm xong bổn phận của mình tức nói lên ý của mình rồi thì mình phó thác cho Hội đồng tỳ kheo, tỳ kheo ni quyết định. Khi đã có quyết định thì mình phải tuân theo, mình không thể phản đối vì đó là thể chế dân chủ. Khi Hội đồng đã quyết định thì mình phải chấp nhận. Chính các thầy, các sư cô trong Hội đồng tỳ kheo, tỳ kheo ni, dù không đồng ý hoàn toàn, cũng phải chấp nhận huống hồ là sa di, sa di ni hay cư sĩ. Nhưng mình luôn luôn học hỏi được thêm trong quá trình thực tập. Mình có thể thấy được: quyết định kia nếu chưa đáp ứng được lại trái tim của mình một cách hoàn toàn, có lẽ mình phát biểu còn hơi vụng về, mình chưa thuyết phục được các anh, các chị. Đôi khi các anh, các chị chưa thấy rõ được vấn đề, một phần tại vì mình không truyền đạt được đầy đủ cái thấy của mình. Mình tự trách mình mà không trách các anh, các chị trong Hội đồng tỳ kheo, tỳ kheo ni. Mình nghĩ lần sau mình sẽ làm hay hơn và mình sẽ giúp các anh, các chị làm hay hơn.

Quốc hội có thể đưa ra vài đạo luật không vừa ý dân, nhưng vì họ là dân biểu, họ đã đưa ra quyết định thì ta phải chấp nhận. Ta phải vận động dư luận, ta phải viết thư cho vị dân biểu mà ta đã bầu lên, ta phải viết bài trên báo, ta phải đưa kiến nghị, ta phải đi biểu tình bất bạo động để đề đạt ý của mình lên Quốc hội xin xem xét lại. Có thể trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ có những quyết định hay hơn.

Tôi rất hài lòng về cách làm việc của Làng Mai. Nhìn quanh các tu viện, các trung tâm tu học Phật giáo trên thế giới, ngay cả Việt Nam, tôi thấy chưa có nơi nào làm được như vậy, chưa có nơi nào mà các sa di, sa di ni, các cư sĩ được lắng nghe như vậy. Các em được quyền nói nhưng với điều kiện là phải nói lễ phép, phải dùng ái ngữ, không được trách móc, lên án. Ta có tập quán bị cha mẹ đàn áp ngày xưa, ta không bao giờ được phát biểu, giờ đây có cơ hội nên ta có thể làm thái quá. Ngày xưa cha mẹ ta không lắng nghe ta như các anh tỳ kheo và các chị tỳ kheo ni. Họ đã được thực tập lắng nghe và họ lắng nghe như vậy là hay lắm rồi. Ta còn đòi hỏi, trách móc gì nữa? Ta đã nói ra được những gì ta muốn nói, nói một cách thật mềm mỏng, dễ thương, rõ ràng. Vấn đề là ta được nói, được phát biểu, nếu quyết định không hoàn toàn như ta muốn thì ta phải kiên nhẫn đợi đến kỳ sau. Đứng về phương diện nguyên tắc cũng như phương diện thực tế ta cũng làm như vậy. Ta có những buổi họp sa di, sa di ni, thức xoa ma na để ta có thể đề đạt ý kiến, ta có thể viết thư cho các anh, các chị, ta có thể viết thư cho thầy, thầy cũng đọc thư và lắng nghe ta. Nếu trong đại chúng có một vài anh chị hơi thủ cựu, hơi muốn sử dụng quyền hành của người lớn thì đó cũng là chuyện rất thường.

Nếu ngoài xã hội có đảng bảo thủ và đảng tiến bộ thì trong chùa cũng có đảng bảo thủ dù trong đảng đó chỉ có một hay hai người. Nhưng để đối phó với đảng bảo thủ ta có Hội đồng tỳ kheo, tỳ kheo ni quyết định theo đa số. Không phải vì một hay hai người đó mà ta chịu chết. Trong gia đình thì ba má muốn làm gì thì làm và mình phải chịu. Nhưng một hay hai người bảo thủ sẽ không làm gì được vì các vị tân tỳ kheo, tân tỳ kheo ni cũng có quyền tương đương với họ. Ta có bổn phận, có phương tiện để thực hiện tuệ giác, ước mong của ta. Tôi rất vui và rất hãnh diện vì chúng ta đã làm được như vậy. Tôi đã từng đi thăm những trung tâm tu học và nhiều tu viện khác, tôi tin rằng với cơ cấu, kinh nghiệm và tinh thần truyền thống của mình, nếu chấp hành nghiêm chỉnh thì hạnh phúc của mình sẽ rất lớn. Càng ngày chúng ta càng học hỏi được thêm, cái hiểu và thương của ta sẽ tiến bộ và hạnh phúc của ta sẽ rất lớn. Ta đừng theo tập khí của ngày xưa. Ta tới đây để tập nhận diện tập khí của ngày xưa. Tập khí đó đã có thể làm tan nát gia đình của ta, tại sao ta lại còn muốn đem nó vào trong chùa. Trách móc, lên án, nói lời không dễ thương, không có tình, không có nghĩa, đó có thể là tập khí của ta khi ta chưa đi xuất gia, bây giờ đi tu thì ta phải thay đổi.

Nhiều nhóm người Tây phương có ý định thành lập những trung tâm tu tập do người cư sĩ lãnh đạo. Đó là điều tôi rất mơ ước. Nếu tại các tu viện các vị xuất gia làm được thì tại các trung tâm tu học cho người cư sĩ, người cư sĩ cũng làm được. Nhiều nhóm người bên Mỹ, bên Âu châu đã đứng ra tổ chức được những trung tâm tu học. Họ cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. So với những khó khăn của họ thì những khó khăn của các thầy, các sư cô Làng Mai rất nhỏ. Hiện nay chúng ta có một số trung tâm do các vị cư sĩ điều động. Nếu quý vị không bằng lòng với cách thức của Làng Mai thì có thể đến các trung tâm đó để nếm thử xem người cư sĩ thực tập điều động trung tâm như thế nào. Nếu mà ta không biết thừa hưởng chế độ tự do thì ở đây cũng chỉ vô ích. Hạnh phúc của ta là do sự thực tập mà có. Ngồi đợi người khác phải thế này thế kia thì không bao giờ ta có được hạnh phúc. Tập khí lâu đời ngày xưa mà ta chưa chuyển hóa được thì đi đâu ta cũng không có hạnh phúc.

Tăng thân của ta vẫn còn khuyết điểm và chưa được toàn hảo. Nhưng vấn đề không phải là có một tăng thân toàn hảo, vấn đề là ta có thực tập hay không? Dù cho ta đang có nhiều khuyết điểm, nhưng nếu ta đang thực tập thì cái đó đã đủ cho ta có được hạnh phúc, đủ cho ta hãnh diện về tăng thân của mình. Câu hỏi ta phải đặt ra cho mình là ta có đang thực tập hay không, ta đang thực tập để hiểu và thương hay không hay ta chỉ ngồi đó mà trách người này, người kia?

Xin đại chúng hãy sử dụng cơ cấu tổ chức của mình để giải quyết mọi vấn đề. Các sa di, sa di ni, thức xoa ma na hãy ngồi họp với nhau về hạnh phúc và về sự tu tập của mình. Các vị cư sĩ cũng ngồi lại soi sáng cho nhau để nhìn lại sự tu tập và hạnh phúc của mình. Quý vị có thể nói ra với các thầy, các sư cô trong Hội đồng giáo thọ. Các thầy, các sư cô cũng có những buổi họp hạnh phúc với các sa di, sa di ni. Ta có đủ các pháp môn để làm hạnh phúc cho tăng thân, vấn đề là ta có chịu làm hay không. Nếu có tu tập thì sự nhẹ nhàng và cái an vui của mình có thể giúp được cho tăng thân trưởng thành một cách mau chóng. Nếu ta đau khổ, khó chịu thì không bao giờ ta đóng góp được vào công trình giúp tăng thân chuyển hóa.

Những sản phẩm Làng Mai hiến tặng cho Việt Nam

Các đức Thế Tôn, các bậc đạo sư đều có ước mong, có lý tưởng thành lập một tăng thân trong đó có hòa điệu, có tình huynh đệ để làm chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người và ngay cả cho vị đạo sư. Các vị Bụt, các vị Bồ tát, các vị tổ sư đều làm như vậy. Là người xuất gia hay người tại gia ta cũng rất muốn thành lập những tăng thân để làm chỗ nương tựa cho nhiều người. Nhưng thành lập như thế nào nếu ta không tu, không biết ái ngữ, không nhận diện được những tập khí của ta, ta để nó vung vãi ra làm khổ mình và những người chung quanh, và như thế ta không giúp gì được cho tăng thân.

Làng Mai cũng có chia sẻ với các chùa, các đạo tràng trong nước về 30 năm kinh nghiệm của Làng Mai trong việc xây dựng tăng thân. Tăng thân Làng Mai không phải là một tăng thân đơn văn hóa. Chúng ta đã tới từ những nền văn hóa rất khác nhau. Trong tăng thân Làng Mai có nhiều văn hóa khác nhau, từ cách ăn uống cho tới cách hành xử. Nhưng nói một cách tương đối, trong tăng thân Làng Mai có đủ tình huynh đệ, có đủ hạnh phúc để nuôi dưỡng thầy và tăng thân. Đó là một sự thành công. Ở Việt Nam chúng ta đã chia sẻ những kinh nghiệm rất cụ thể mà chúng ta đã có về việc xây dựng tăng thân. Những kinh nghiêm đó không phải là những lý thuyết ta có về công trình xây dựng tăng thân. So với mấy chục thiên uy nghi cũ thì 41 thiên uy nghi mới trong cuốn “Bước tới thảnh thơi” có thể nói là giàu có và đầy đủ hơn nhiều. Những thiên uy nghi mới có được không phải do sự nghiên cứu mà do sự cọ xát trong sống đời sống hàng ngày và những kinh nghiệm học hỏi trong tăng thân. Đó là những kinh nghiệm thật của mình để chia sẻ với tăng thân ở quê nhà.

Sám pháp địa xúc là một phép thực tập rất hay, nó rất phù hợp với tuổi trẻ, với thời đại mới. Sám pháp địa xúc cũng là một sản phẩm chúng ta hiến tặng cho các đạo tràng ở Việt Nam trong chuyến đi sắp tới.

Quyền uy tinh thần do sự hành trì mà có

Vấn đề không phải là ta có yếu kém hay không mà ở chỗ ta có đang thực tập để chuyển hóa những yếu kém đó hay không? Sự thực tập của ta phải được biểu lộ qua sự hành trì giới luật và uy nghi.

Là một sa di ta hành trì 10 giới sa di và có các pháp uy nghi sa di thì ta trở thành một sa di đích thực. Vị trí và quyền hạn của ta không nằm ở danh từ sa di mà nằm ở bản chất sa di. Giới và uy nghi rất quan trọng. Người xuất gia và người cư sĩ khác nhau ở chỗ đó. Người cư sĩ có thể giỏi hơn người xuất gia về phương diện học hỏi, nhưng nếu không thọ năm giới thì người cư sĩ vẫn không có chỗ đứng trong tăng thân. Những người thọ 14 giới có chỗ đứng khác, những người thọ giới sa di có chỗ đứng khác và những người thọ giới tỳ kheo có chỗ đứng khác. Không phải vì sự thọ giới mà vì sự hành trì giới nên ta có chỗ đứng khác nhau. Nếu thọ giới tỳ kheo mà ta không thực tập đúng, ta phạm giới thì ta cũng không có địa vị đó, ta bị biệt trú, không được dự tác pháp yết ma. Không phải danh từ tỳ kheo hay tỳ kheo ni cho ta một chỗ đứng mà chính sự hành trì giới luật cho ta chỗ đứng. Không phải người xuất gia có quyền hơn người tại gia, không phải người thọ 14 giới có quyền nhiều hơn người thọ năm giới. Đây là quyền uy tinh thần do sự hành trì mà có chứ không do các danh từ như Tiếp Hiện, sa di hay tỳ kheo mà có được. Chính sự hành trì giới và uy nghi cho ta một uy đức.

Có những người không xuất gia nhưng rất hạnh phúc, có khi họ còn hạnh phúc hơn cả những người xuất gia. Hạnh phúc của họ không phải nương vào hình thức xuất gia mà nương vào tăng thân tu tập mà có. Người xuất gia không thực tập, không an trú, không hạnh phúc với giới luật và uy nghi thì người đó không hạnh phúc bằng người tại gia. Có người tại gia hạnh phúc và người tại gia không hạnh phúc. Cũng vậy, có người xuất gia hạnh phúc và người xuất gia không hạnh phúc. Người xuất gia được khép vào trong kỷ luật, bị bắt buộc phải thực tập đàng hoàng vì vậy người xuất gia có lợi thế hơn là một khi đã đi thì đi luôn không thể quay lui trở lại. Chính nhờ bị khép vào quy củ mà ta có thể chuyển hóa các tập khí của ta được, người nào chịu được quy củ thì có tiến bộ, người nào chịu không được thì phải văng ra.