Định đề 24

 

Chỉ có thể hiểu luân hồi đúng mức theo đệ nhất nghĩa đế trong ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức.

We can only understand the real teaching of rebirth in the light of impermanence, nonself and interbeing.

Hai loại sự thật: tục đế và chân đế

Có hai loại sự thật: sự thật tương đối và sự thật đúng mức tức sự thật tuyệt đối. Sự thật tương đối là tục đế và sự thật tuyệt đối là thắng nghĩa đế hay đệ nhất nghĩa đế. Tục đế là sự thật tương đối, ví dụ như có sự bắt đầu, sự chung cục, có trên, có dưới, có trong, có ngoài, cha là cha, con là con, cha không thể là con, con không thể là cha. Sự thật tuyệt đối là thắng nghĩa đế, nghĩa là ý nghĩa, thắng là cao hơn, thắng nghĩa là nghĩa lý cao. Đó là sự thật đúng mức, có khi còn được gọi là đệ nhất nghĩa đế (paramārtha-satya). Nhìn người cha ta thấy được người con và nhìn người con ta thấy được người cha, cha và con không phải là hai thực tại riêng biệt. Con là sự tiếp nối của cha đứng về phương diện tương lai và cha là sự tiếp nối của con đứng về phương diện quá khứ, trong cha có con và trong con có cha. Sự thật này cao hơn, sâu hơn, nên gọi là thắng nghĩa đế.

Luân hồi là samsāra (rebirth), luân hồi có thể được hiểu theo tục đế hay thắng nghĩa đế. Phần lớn trong chúng ta (có thể là trên 90%) đều hiểu luân hồi theo tục đế. Chúng ta không có cái hiểu đúng mức về luân hồi, về tái sinh. Đạo Bụt cũng có thể được hiểu dưới hai góc độ: góc độ thâm sâu và góc độ bình dân. Đạo Bụt thâm sâu rất khác với đạo Bụt bình dân. Có cơ hội học được đạo Bụt thâm sâu (buddhisme profond) thì chúng ta sẽ hiểu được luân hồi một cách sâu sắc hơn, hiểu đúng mức chứ không phải hiểu một cách cạn cợt như đại đa số mọi người đã hiểu.

Hai quan niệm lưỡng nguyên về thân và tâm

Đại đa số mọi người thường có cái nhìn lưỡng nguyên về thân và tâm, họ nghĩ cái thân và cái tâm hoàn toàn khác biệt. Trong khi đó theo đệ nhất nghĩa đế thì thân và tâm là một khối.

Hiện nay trong lĩnh vực khoa học thần kinh não bộ, 98-99% các nhà khoa học vẫn tin rằng tâm là một sản phẩm của thân, ý thức là một sản phẩm của não bộ (consciousness is a property of the brain) mà không phải là một thực tại độc lập. Có hai quan niệm về thân và tâm:

  1. Não bộ (thân) là một thực tại (entity) và từ thực tại đó phát sinh ra tâm thức. Tâm thức đó là một cái gì phải dựa trên não bộ mà phát sinh, không có não bộ thì không có tâm. Đại đa số các nhà khoa học thần kinh não bộ đều tin rằng tâm thức của ta phát xuất từ não bộ, từ các thần kinh. Nhưng theo ánh sáng của đạo Bụt thì chừng nào còn nghĩ như vậy thì người ta còn có những khó khăn.

Nếu chúng ta bị điên loạn hay bị trầm cảm là vì có cái gì bất thường xảy ra trong não bộ, ví dụ như não bộ không có đủ những chất dẫn truyền thần kinh (neuro- transmitteur). Vì vậy muốn cho tâm được an không bị bệnh thì người ta phải chữa nơi não bộ thần kinh. Khuynh hướng đó cho rằng não bộ là cái gốc và người ta bị trầm cảm nặng là do có cái gì sai trong não bộ. Những chất dẫn truyền thần kinh không làm việc nên phải cho người bệnh uống thuốc, gọi là thuốc chống trầm cảm (anti-dépressant) để chế tác thêm những chất dẫn truyền thần kinh. Uống thuốc đó thì người bệnh có thuyên giảm, bớt khổ nhưng họ phải dùng thuốc chống trầm cảm suốt đời. Dùng thường thì quen thuốc nên người ta phải luôn tăng thêm liều lượng.

  1. Một bên là não bộ, tức vật chất (matière) và một bên là tâm thức, tức tâm. Não bộ và tâm thức độc lập nhau, vật chất là khác và tâm là khác. Tâm có thể tồn tại ngoài vật và vật có thể tồn tại ngoài tâm. Những người nghiên cứu về những hiện tượng đặc biệt nói rằng: Trong trường hợp những nguời bất tỉnh nhân sự thì hồn của họ xuất ra ngoài và quan sát. Nó thấy cái này, nghe cái kia.

Hồn đó có mắt, có tai, nó quán sát, nó thấy. Khi hồn nhập lại vào xác thì những người kia tỉnh dậy và kể lại như vậy.

Quan niệm này cũng là một quan niệm lưỡng nguyên (dualistic): Thân làm chuyện khác và tâm làm chuyện khác. Linh hồn có thể tồn tại ngoài thân của ta.

Một bên cho tâm là một sản phẩm của thân, một bên cho tâm là một hiện tượng độc lập với thân (separate entity). Cả hai bên đều có khuynh hướng lưỡng nguyên. Vấn đề thân tâm (body and mind) là một vấn đề rất lớn. Ngay hiện bây giờ vấn đề thân và tâm là một vấn đề căn bản chưa giải quyết được. Là thân thì không thể là tâm, mà là tâm thì không thể là thân.

Tín ngưỡng của những Phật tử không đi sâu được vào trong giáo lý thì có khuynh hướng đi theo quan điểm thứ hai tức là cho thân khác với tâm. Khi thân tan rã rồi thì tâm vẫn còn y nguyên, nó bay bỗng ở một nơi nào đó trên không gian, đợi có một bào thai để nhập vô và có sự liên tục. Đó gọi là luân hồi theo quan điểm bình dân của đa số những người không có cơ hội đi sâu vào trong đạo Bụt thâm sâu. Chúng ta là những người có thì giờ để tu học, chúng ta phải có cái thấy gần với sự thật hơn. Đó là cái thấy thắng nghĩa.

Vì vậy ta chỉ có thể hiểu được luân hồi trong ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức. Không thấy được vô thường, vô ngã và tương tức thì chúng ta chưa hiểu được luân hồi theo thắng nghĩa đế mà chỉ hiểu được luân hồi theo tục đế. Khi chúng ta phân biệt được hai quan niệm về luân hồi đang phổ biến hiện nay, thứ nhất là quan niệm tâm với thân là hai thực tại riêng biệt, thứ hai là quan niệm tâm là một sản phẩm của thân, thì câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Vậy thì cái thấy của đạo Bụt về thân và tâm là như thế nào? Muốn cung cấp cho người ta một câu trả lời, một lối thoát, một giải đáp thì ta phải nắm được giáo lý về vô thường, vô ngã và tương tức, phải có một ít kinh nghiệm về tự tính vô thường, vô ngã và tương tức. Ta sẽ thoát ra khỏi hai quan niệm lưỡng nguyên đó và vấn đề về thân và tâm mới có thể giải quyết được.

Tháng tám này chúng ta sẽ có một khóa tu về đề tài này, những nhà khoa học thần kinh não bộ sẽ đến tham dự và chúng ta sẽ đặt vấn đề một cách rõ ràng.

Hai tà kiến: đoạn kiến và thường kiến

Trong định đề 23 chúng ta đã học: Có thể nói tới con người như một dòng ngũ uẩn chuyển biến liên tục, liên hệ tương duyên và trao đổi với những dòng hiện tượng khác mà không thể nói tới con người như một cái ta biệt lập, bất biến và thường hằng. Định đề 23 rất sát với định đề 24. Có một sự tương tục (samtati), có một sự tiếp nối, ví dụ như có đám mây và có cơn mưa. Cơn mưa tiếp nối đám mây và có dòng sông tiếp nối cơn mưa, đó là một sự liên tục không đứt đoạn.

  1. Đoạn kiến

Từ một cái có (being) mà trở thành cái không có (non-being), cái thấy này gọi là đoạn kiến (annihilation). Theo đạo Phật đoạn kiến là một tà kiến (wrong view).

Đâu có lẽ có chiều qua mà không có sáng nay

Đó là một câu thơ của Vũ Hoàng Chương. Những người đã đau khổ vì sự mất mát của người thương, nghĩ rằng: “Hôm qua người đó có đó, nắm tay mình đi, mà hôm nay người đó không có nữa”, họ đang bị kẹt vào đoạn kiến. Họ tin rằng cái “có” có thể trở thành cái “không”, họ bị kẹt vào cái thấy đoạn kiến. Đoạn 斷 là cắt đứt, trong chữ đoạn có chữ cân 斤 tức là cái rìu cắt đứt làm đôi. Đoạn kiến là một tà kiến.

  1. Thường kiến

Tà kiến thứ hai là thường kiến. Thường (eternalism) là còn mãi còn hoài. Sau khi chết anh vẫn còn giữ lại một linh hồn, đi tìm một cái xác mới nhập vô để tiếp tục. Cái thấy đó gọi là thường kiến.

Tuệ giác đạo Bụt: Vượt thoát đoạn kiến và thường kiến

Tuệ giác của đạo Bụt vượt thoát cả hai cái thấy thường kiến và đoạn kiến. Là một nhà khoa học thần kinh, muốn cho thật là khoa học thì ta phải chấp nhận sự thật đó. Ta phải thấy thường kiến không đúng với sự thật mà đoạn kiến cũng không đúng với sự thật. Sự thật vượt thoát hai cái thấy thường và đoạn. Đó không phải là giáo lý tuyên bố bởi một vị thần linh mà là kết quả của sự quán sát. Khoa học là quán sát và trắc nghiệm. Chúng ta có thể làm như các nhà khoa học, ta nhìn, trắc nghiệm và thấy: Tuy là có sự tương tục, có sự nối tiếp, nghĩa là không có đoạn, nhưng trong sự nối tiếp đó cũng không có cái gì bất biến vì nó chuyển biến từng giây từng phút. Hôm qua nó là đám mây, hôm nay nó là cơn mưa và ngày mai nó là dòng sông. Nó có sự liên tục nhưng nó không có tính đồng nhất, bất biến. Đó là vô thường. Vô thường là một chìa khóa giúp ta vượt thoát cái thấy thường kiến.

Nhưng vượt thoát thường kiến rồi, ta lại có thể rơi vào đoạn kiến. Tương tục là không có đoạn nhưng cũng không có thường, tương tục nhưng phải tương tức, tương tục trong ánh sáng của tương tức. Hai ý niệm tương tục và tương tức bổ sung cho nhau, nâng đỡ nhau, giúp cho ta không rơi vào một trong hai tà kiến thường và đoạn.

Theo quan niệm thông thường thì cái ta của mình đi trong thời gian theo con đường thẳng.

Trong suốt chặng đường này ta nghĩ ta cứ vẫn là ta, có thể thân xác ta thay đổi nhưng linh hồn ta vẫn là ta. Anh Nguyễn văn A vẫn là anh Nguyễn văn A và chị Trần thị B vẫn là chị Trần thị B. Đó gọi là thường kiến. Muốn thoát được thường kiến ta phải quán chiếu về vô thường, có sự thay đổi từng giây từng phút. Nhìn cho kỹ chúng ta thấy con người của anh Nguyễn văn X có năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Quán chiếu vào trong năm uẩn của anh Nguyễn văn X, vừa thân (sắc) vừa tâm (thọ, tưởng, hành, thức), chúng ta thấy tất cả đều vô thường biến chuyển. Chúng ta phải nhìn anh Nguyễn văn X như vậy. Anh Nguyễn văn X khi mới sinh rất khác với anh Nguyễn văn X lúc mười tuổi, khác về sắc mà cũng khác về thọ, tưởng, hành, thức. Chúng ta thấy tính vô thường của dòng tương tục và thoát được thường kiến.

Mỗi giây phút là tiếp nhận và hiến tặng

Quán sát kỹ, chúng ta thấy dòng tương tục đó cũng tương tức với những dòng tương tục khác. Sự biểu hiện của anh Nguyễn văn X là do vô số những yếu tố, những nhân duyên, trong đó có cha, có mẹ, có tổ tiên, có không khí, có đất, có nước, có thực phẩm, có giáo dục, v.v… Những nhân duyên hội tụ lại làm biểu hiện anh Nguyễn văn X. Nhìn bông hoa bằng con mắt của sự quán chiếu, ta thấy có những điều kiện hội tụ đi vào bông hoa như có đám mây, có cơn mưa, có ánh sáng mặt trời, có hạt giống, có đất đai, có người làm vườn… Có một chùm hội tụ của nhân duyên, của điều kiện. Nhìn bông hoa mà thấy được chùm nhân duyên hội tụ đó là bắt đầu thấy được sự thật. Nhìn bông hoa như một thực tại riêng biệt là chưa thấy được sự thật. Đó là những nhập kiện (inputs) mà trong giây phút nào của đời sống chúng ta cũng có. Trong bất cứ giây phút nào của đời sống chúng ta cũng thở, cũng tiếp nhận, tiếp nhận từ tăng thân, từ xã hội, từ cơm ăn, từ áo mặc, từ không khí thở. Luôn luôn có những nhập kiện đi vào ta và đồng thời cũng có những xuất kiện (outputs) từ ta đi ra. Không cần đợi tới khi lớn thì ta mới có thể hiến tặng được, mới tượng hình trong bụng mẹ ta đã có những xuất kiện. Trong mỗi giây phút của sự có mặt của bào thai, những nhập kiện như tình thương của mẹ, cơm của mẹ ăn, áo của mẹ mặc, những tư duy của mẹ, sự săn sóc của cha, tất cả đều đi vào trong bào thai. Và em bé cũng đã bắt đầu hiến tặng, mỗi khi nghĩ đến bào thai thì trong lòng người mẹ thấy cảm động, thương yêu. Tuy con mình chỉ mới bằng hạt đậu nhưng ta đã có thể nói chuyện với con: “Con ơi, mẹ biết con đã có mặt đó rồi, mẹ rất hạnh phúc”. Em bé cũng gây được niềm vui hoặc sự lo lắng cho cha: “Có đứa con rồi, bây giờ làm sao có đủ tiền để nuôi”. Đó là những xuất kiện. Tuy em bé mới nhỏ xíu nhưng đã bắt đầu có xuất kiện, tức là đã bắt đầu đóng góp cho cuộc đời. Có những thiếu phụ có niềm vui rất lớn khi biết mình mang thai, ngày nào cũng nói chuyện với đứa con tuy là nó chưa có tai, có mắt, có mũi, có ý.

Trong mỗi giây phút của dòng tương tục đều có sự tiếp nhận những nhập kiện và sự hiến tặng những xuất kiện. Nếu ta sống có hạnh phúc, có vững chãi, có thảnh thơi thì mỗi giây phút của đời ta là một giây phút có hiến tặng. Ta hiến tặng cho tăng thân, cho gia đình, cho xã hội những niềm vui và sự vững chãi thảnh thơi đó. Không có giây phút nào mà ta không hiến tặng. Nếu có đau khổ, lạc loài, giận hờn thì ta hiến tặng những cái tiêu cực ấy cho cuộc đời. Nếu sống thảnh thơi, an lạc, hạnh phúc thì tuy ta không làm gì nhưng ta cũng đang hiến tặng rất nhiều. Ví dụ như cái cây ngoài sân không có làm gì cả nhưng sự có mặt của nó rất cần thiết cho loài người, cho những loài khác và cho trái đất. Nếu cây đó sống mạnh khỏe thì sự có mặt của nó đóng góp rất nhiều. Dòng sông hay đám mây cũng vậy, sự có mặt của những dòng hiện tượng đó đều mang theo sự thu nhận những điều kiện và sự hiến tặng những điều kiện cho sự sống.

Khi nhìn vào một dòng liên tục ta phải thấy tính tương tức của nó, lúc đó ta mới thoát ra được cái thấy hữu ngã. Ngã kiến là tà kiến thứ ba. Dòng liên tục không hẳn chỉ đi theo con đường thẳng, nó còn đi theo con đường cong. Đường thẳng chỉ là một hướng, trong khi đó anh Nguyễn văn X đi theo rất nhiều đường. Bất cứ ai trong chúng ta cũng nghĩ là mình đi theo con đường thẳng, mình có quá khứ ở phía sau và tương lai ở trước mặt. Thật ra chúng ta đang đi về mọi phía, ta đang có những nhập kiện và những xuất kiện và đó là sự tiếp nối của chúng ta.

Luân hồi trong từng giây từng phút

  1. Ý nghiệp

Ví dụ hồi 30 tuổi, ta đã chế tác ra một tư tưởng, tư tưởng đó có thể là chánh tư duy hay là tà tư duy, một tư tưởng hận thù hay một tư tưởng bao dung, tha thứ, thương yêu. Đó là một xuất kiện phát sinh ra từ một dòng liên tục mà ta nghĩ là ngã. Ngay khi tư tưởng đó được chế tác thì nó lên đường, lên đường không chỉ theo chiều thẳng mà còn theo những chiều khác vì tư tưởng của ta là một năng lượng và năng lượng đó thế nào cũng có ảnh hưởng đến thế giới, đến cuộc sống. Đứng về phương diện hành động, đó là một nghiệp nhân của ta, gọi là ý nghiệp. Mỗi ngày chúng ta phát ra không biết bao nhiêu là tư tưởng, đó là ý nghiệp của ta, ý nghiệp đó đi đường thẳng, đi đường vòng, đi khắp nơi. Ý nghiệp của ta là năng lượng, là sự tiếp nối của ta. Đó là luân hồi, là tái sinh. Không đợi tới lúc trăm tuổi mới có tái sinh. Chúng ta tái sinh trong từng giây từng phút trong đời sống hàng ngày. Khi làm một bài thơ hay viết một cuốn sách thì bài thơ hay cuốn sách đó là chất liệu của đời ta, nó tiếp tục ta, nó đưa ta đi luân hồi. Nếu bài thơ đó, cuốn sách đó đem lại niềm vui, hạnh phúc và tuệ giác thì đó là một sự tiếp nối rất tốt. Còn nếu bài thơ hay cuốn sách đó chứa đựng quá nhiều hận thù, khổ đau thì ta được tiếp nối dưới dạng của hận thù, khổ đau. Trong mỗi giây phút ta đều đi luân hồi chứ không phải đợi tới khi nằm xuống không còn biết gì nữa thì ta mới đi luân hồi. Luân hồi của ý nghiệp đang xảy ra từng giây từng phút và khi đã đi luân hồi rồi thì khó mà kéo lui trở lại.

Tư duy của ta là một năng lượng. Vật chất với năng lượng là một, không phải chỉ có vật chất sinh ra năng lượng mà năng lượng cũng có thể trở thành vật chất. Vật chất là năng lượng cô đọng lại rất đặc và năng lượng là vật chất pha loãng ra, vì vậy năng lượng và vật chất là một. Tư duy của ta là năng lượng chuyên tải sắc, thọ, tưởng, hành, thức của ta. Mỗi khi ta phát ra một tư duy thì tư duy đó là sự tiếp nối của ta. Ta phải chịu trách nhiệm về tư duy đó tại vì nó mang chữ ký của ta. Ta không chạy trốn nó được, đó là chính ta. Luân hồi là như vậy.

  1. Khẩu nghiệp

Một câu nói của ta có thể làm người khác chới với, khổ đau, tuyệt vọng, đi tự tử. Lời nói đó cũng là một năng lượng, một xuất kiện của ta. Đó là sự tiếp nối của ta, ta trở thành con dao giết người. Luân hồi như vậy thì buồn quá, cho nên ta chỉ nên nói những câu gây niềm tin, làm cho người hoan hỷ và hạnh phúc. Người tu chỉ nên nói những câu như vậy, đó gọi là chánh ngữ.

Ta đừng chế tác những tà tư duy, những tà ngữ, vì chúng gây đau khổ cho người khác và là sự tiếp nối rất xấu của ta. Khẩu nghiệp cũng là một năng lượng từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức của ta đi ra. Ta không muốn luân hồi xấu, ta muốn luân hồi thật đẹp.

  1. Thân nghiệp

Thân nghiệp là hành động của ta. Nếu ta giết chóc, đàn áp, hành hạ thì những hành động đó gây đau khổ cho ta và cho người khác. Đó là năng lượng tiếp tục đưa ta đi về tương lai, không những đi theo đường thẳng mà nó còn đi theo đường cong.

Phần lớn những đường mà ta tưởng là đường thẳng đều là đường cong. Tại vì chúng dài quá nên ta tưởng là thẳng, ví dụ như khi mình ngồi trên bãi biển ta tưởng mặt nước là một đường thẳng, thật ra nó là một đường cong. Ngồi trên máy bay ta tưởng ta đi theo đường thẳng nhưng thật ra ta bay theo đường cong. Nếu từ Paris mà đi theo đường thẳng thì sẽ không bao giờ tới được Los Angeles. Ta đừng tưởng rằng con đường thời gian là con đường thẳng. Nó là một con đường cong.

Ngã kiến là một tà kiến

Thấy được vô thường là một cơ duyên để thấy được vô ngã. Ta thấy sự tiếp nối của ta xảy ra từng giây từng phút và sự tiếp nối của ta cũng là sự tiếp nối của những nhập kiện trong ta. Luôn luôn có sự đi vào và đi ra. Đây là một sự thật về cơ thể của ta. Những tế bào như tế bào thần kinh luôn luôn tiếp nhận và luôn luôn hiến tặng. Không phải chỉ là toàn cơ thể mà từng bộ phận của cơ thể cũng tuân theo qui luật đó: vô thường, vô ngã, luôn luôn tiếp nhận những nhập kiện và luôn luôn hiến tặng những xuất kiện. Nhưng nếu không có sự tu tập thì ta tiếp thu những điều kiện xấu, rồi ta hiến tặng ra những điều kiện xấu.

Trong định đề 23 chúng ta đã học là có những dòng tương tục, nhưng những dòng tương tục ấy vâng theo qui luật vô thường, vô ngã và chúng tương tức với những dòng tương tục khác. Đám mây, cơn mưa, dòng sông là những dòng tương tục. Chúng không phải chỉ có ngoài ta mà còn có trong ta. Nhìn cho kỹ ta thấy ta được làm bằng mây. Trong ta có tới 90% mây. Khi thấy được vô thường, vô ngã thì ta thấy được tương tức. Ta là đám mây, đám mây là ta. Ta tưởng ta là ta còn đám mây chỉ là đám mây. Điều dó không đúng! Thở ra một cái là ta thành đám mây vì trong hơi thở ra của ta có hơi nước. Ta phải tiếp xúc cho được sự thật về tương tức và khi thấy được sự thật về tương tức thì ta thấy được vô ngã.

Không có ngã nhưng vẫn có luân hồi, chính vì không có ngã nên mới có luân hồi. Khi chưa hiểu thì ta hỏi: “Nếu không có ngã thì cái gì đi luân hồi?”. Kỳ thật không có ngã vẫn có luân hồi, cũng như không cần có người tư duy vẫn có sự tư duy. Quán chiếu kỹ trong suốt quá trình liên tục đó ta không thấy một chủ thể nào bất biến thường tại. Luôn luôn có những nhập kiện và xuất kiện, chúng diễn tiến và biến chuyển, và ta thấy không cần có cái ngã mà vẫn có sự tiếp tục. Đám mây không cần có cái ngã mà vẫn là đám mây và vẫn luân hồi được để trở thành cơn mưa. Không có cái ngã cơn mưa vẫn trở thành dòng sông. Vì vậy ngã là một tà kiến lớn! Một nhà khoa học đích thực phải thấy được tự tánh vô thường, vô ngã, phải vượt thoát cái thấy thường và đoạn.

Các nhà khoa học vật lý đã tới rất gần với sự thật vô thường và vô ngã. Nghiên cứu về lượng tử và quang tử họ tiếp xúc được với tính vô thường và vô ngã của lượng tử và quang tử. Trong khi nghiên cứu, các nhà khoa học thần kinh não bộ đã thấy được các tế bào thần kinh chuyền tin tức cho nhau, làm những quyết định và hành xử, nhưng họ không thấy một ông chủ nào trong đó. Họ kết luận là toàn thể các tế bào thần kinh của ta cộng tác với nhau như một ban nhạc mà không cần một nhạc trưởng. Không có nhạc trưởng nhưng vẫn có nhạc và có sự hòa điệu.

Luân hồi cũng không cần có một cái ngã. Tất cả đều có sự tiếp nối, nếu không công nhận điều đó là ta rơi vào đoạn kiến. Ông bà cha mẹ ta vẫn còn đó dưới những hình dạng mới và ta có thể tiếp xúc được với họ. Ta không còn nghĩ ông bà cha mẹ đã thuộc về quá khứ. Cha mẹ, ông bà, tổ tiên vẫn có mặt đó, chỉ cần có con mắt tuệ là ta có thể thấy được cha mẹ ông bà trong những hiện hữu mới. Không thấy mây nhưng ta không buồn vì ta thấy được mây dưới dạng cơn mưa. Uống một ly nước trong, nhìn kỹ ta thấy ta đang uống mây. Không cần phải là thi sĩ mới uống được mây. Đây không phải là vấn đề mơ mộng. Ta đang thật sự uống mây vì mây và nước mưa ta đang uống không phải là hai cái khác nhau. Ông bà tổ tiên của ta cũng vậy. Ta đừng tưởng các vị thuộc về quá khứ. Các vị đang ở trong hiện tại và chỉ cần có mắt sáng là ta có thể tiếp xúc với ông bà tổ tiên của ta.

Giẫm vào bản môn

Khi đi thiền hành một mình ta có thể đi chậm, mỗi bước chân của ta giẫm vào hiện tại, đồng thời cũng giẫm vào quá khứ và giẫm vào tương lai, vì hiện tại ôm được quá khứ và tương lai. Giẫm vào hiện tại cho thật sâu thì đồng thời cũng giẫm vào quá khứ và tương lai ngàn đời. Khi đi ta thấy tổ tiên đang còn sống, đang đi với ta và con cháu ta cũng đang đi với ta. Đi như vậy ta sống được trong bản môn. Ta có thể đi trong tích môn, nhưng nếu đi trong tích môn mà có nhiều năng lượng của chánh niệm và chánh định thì ta giẫm lên được bản môn. Chúng ta có bài kệ:

Đi chơi trong bản môn

Tay ta nắm tay người

Ngàn xưa và ngàn sau

Cùng về chung một lối

(As we enjoy walking in the ultimate dimension

The Buddha’s hand is in ours.

All the past and all the future

Join with the present on one path.)

Chữ “người” là chữ hay nhất trong bài kệ. Muốn nắm tay người nào thì ta chọn người đó, nhưng nắm tay người nào để đi cho thanh thản, cho hạnh phúc. Nghĩ cho kỹ thì nắm tay đức Thế Tôn là hay nhất vì đức Thế Tôn không có lên xuống và hay giận hờn như người yêu của ta. Ai cũng muốn nắm tay người yêu mà đi, nhưng đi như vậy rất mệt. Tuy đức Thế Tôn biểu hiện 2.600 năm về trước, nhưng nếu đi được trong bản môn thì giây phút nào ta cũng có thể nắm tay đức Thế Tôn mà đi. Theo kinh nghiệm của tôi thì nắm tay đức Thế Tôn đi là an toàn nhất. Ta phải chọn nắm tay ai khi đi thiền hành. Tôi đã tìm ra sự thật là nắm tay Bụt đi là khỏe nhất, là hạnh phúc nhất và Bụt luôn có mặt đó cho ta. Nếu ta tiếp xúc được với bản môn, nếu ta thấy quá khứ và tương lai nằm trong giây phút hiện tại thì mỗi bước chân làm cho ta sống được cái thiên thu. Nếu không thì ta chỉ sống được trong giây phút của tích môn.

Sự thực tập này rất mầu nhiệm. Có cơ duyên sống trong một thiền viện, ta có thì giờ đi thiền hành mà ta lại không hưởng thì rất uổng cho ta. Đi một bước ta tiếp xúc với hiện tại cho sâu sắc, rồi sâu hơn nữa ta tiếp xúc luôn với cả quá khứ và tương lai nằm trong hiện tại. Trong ánh sáng tương tức thì quá khứ cũng là hiện tại và hiện tại cũng là tương lai, vì vậy tiếp xúc với hiện tại trong giây phút này là tiếp xúc được với quá khứ và tương lai, tiếp xúc được với thời gian vô cùng và không gian vô biên. Ta có thể chọn lựa, muốn nắm tay ai thì nắm. Tuy ta đang đi trong hiện tại nhưng ta đi sâu cho đến nỗi tất cả quá khứ và tương lai đều tới với ta trong giây phút hiện tại. Sống như vậy mới thực sự là sống trong hiện tại. Nếu ta còn sợ hãi quá khứ và sợ hãi tương lai thì ta chưa thật sự sống trong giây phút hiện tại.

Bản chất của thực tại

Khoa học cũng như triết học đều muốn khám phá bản chất của thực tại. Khoa học cũng có tiếng nói đối với thời gian và không gian. Khoa học đã đi rất gần tới sư thật tương tức của thời gian và không gian. Thường thì chúng ta nghĩ thời gian là một thực tại riêng biệt và không gian là một thực tại riêng biệt.

Nhưng theo tuyết tương đối của Einstein thì thời gian và không gian là một sự tiếp nối. Nhìn kỹ chúng ta thấy thời gian và không gian tương tức, trong thời gian có không gian và trong không gian có thời gian. Nói tới thời gian, không gian là nói tới vật thể, nói tới vật thể là nói tới năng lượng. Nói tới vật thể, năng lượng là nói tới tốc độ. Thời gian, không gian, vật thể, năng lượng và tốc độ được quán sát bởi tâm thức. Khi có tâm thức can thiệp vào thì tất cả hiện ra như những thực tại riêng biệt. Nhưng nhìn kỹ thì tất cả tương tức: thời gian, không gian, vật thể, năng lượng, tốc độ đều tương tức, ta không thể rứt cái này ra khỏi cái khác. Hiện nay khoa vũ trụ học cũng như khoa học vật lý nguyên tử tới rất gần với giáo lý tương tức. Có rất nhiều dữ kiện để chúng ta có thể chứng minh được sự thật tương tức. Thấy được tính tương tức rồi thì chúng ta trả lời rất dễ dàng những câu hỏi như câu hỏi: Thân và tâm là hai hay là một?

Trong khoa học vật lý lượng tử người ta nói: Có khi lượng tử biểu hiện như sóng và có khi biểu hiện như hạt. Đứng về phương diện khái niệm thì sóng rất khác với hạt. Vậy mà trong khi quán sát và trắc nghiệm ta thấy rõ là lượng tử có khi biểu hiện thành hạt, có khi biểu hiện thành sóng và cũng có khi nó biểu hiện đồng thời thành sóng và hạt.

Thân và tâm của chúng ta cũng vậy, chúng tương tức nhau. Nhìn thân thì thấy tâm, nhìn tâm thì thấy thân. Tại sao ta nói cái này sinh ra cái kia? Khoa học thần kinh bây giờ thấy được rằng bộ óc của chúng ta có tính dẻo (plasticity) và nhu nhuyến. Ta có thể huấn luyện, có thể dạy, có thể chuyển biến được não bộ của ta bằng cái thấy, bằng tư duy, bằng cái tâm của ta. Nếu não bộ có ảnh hưởng trên tâm thức thì tâm thức cũng có ảnh hưởng trên não bộ. Nếu thân có ảnh hưởng trên tâm thì tâm cũng có thể ảnh hưởng trở lại trên thân, tâm có thể trị liệu được thân.

Ta đừng nên nói cái này là vật sở hữu của cái kia. Thay vì nói tâm thức là một thuộc tính của não bộ thì ta có cái thấy sâu sắc hơn: cả não bộ và tâm thức có cùng một bản chất, có khi ta thấy nó là não bộ, có khi ta thấy nó là tâm thức. Hai cái nương nhau mà phát hiện. Ta không thể nói thời gian sinh ra không gian hay không gian sinh ra thời gian mà chúng nó nương vào nhau để sinh ra.

Ta chỉ có thể giải quyết vấn đề “thân và tâm” trên cơ bản tương tức. Người ta đã tìm ra sự thật là điện tử kia là sóng mà cũng là hạt. Sóng và hạt là hai mặt của một thực tại, vậy thì tại sao chúng ta không nói thân và tâm là hai mặt của một thực tại? Tại sao chúng ta còn tranh luận với nhau: Thân và tâm hai cái riêng biệt, cái này là chính còn cái kia là phụ.

Ta không thể nào hiểu được luân hồi một cách tận gốc theo đệ nhất nghĩa đế nếu ta không sử dụng tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức và nhìn luân hồi dưới ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức. Các nhà khoa học hiện nay có những giằng co, những bất đồng ý kiến về thân và tâm. Họ chỉ giải quyết được vấn đề khi họ biết sử dụng tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức. Họ phải sẵn sàng để có thể chấp nhận tuệ giác đó vì đó là kết quả của sự quán sát, chiêm nghiệm trong đạo Phật từ 2500 năm nay. Khoa học có thể lợi dụng tuệ giác đó để đi trên con đường khám phá, vượt thắng những tà kiến như thường kiến, đoạn kiến, ngã kiến và nhất là cái thấy lưỡng nguyên.