Định đề 13

 

Cần hay tinh tấn cũng là giới, và vì vậy cũng là niệm.

Right diligence is also a precept and therefore is also mindfulness.

Cần, chúng ta dịch là sự siêng năng (diligence), cũng là một hình thức thực tập giới. Chúng ta có danh từ “Tứ chánh cần” hay danh từ “tinh tấn”. Cần là siêng năng, nhưng nếu ta không giải thích siêng năng như thế nào thì người ta không thực tập được. Dịch là effort (cố gắng) thì không nói lên được bản chất của tinh tấn, hay của cần.

Tứ chánh cần

Tứ chánh cần giải bày về sự thực tập siêng năng rất rõ ràng:

  1. Những xấu ác, những tiêu cực, những hạt giống không lành chưa phát hiện thì ta tìm cách ngăn ngừa không cho chúng phát hiện. Chúng ta ai cũng có hạt giống của thèm khát, ganh tị, giận hờn, tuyệt vọng. Biết mình có hạt giống đó, ta phải sống như thế nào để những hạt giống đó không bị tưới tẩm. Đó là chánh cần, không cho những hạt giống xấu có cơ hội để phát hiện. Đó cũng là giới. Khi đọc sách báo, nghe âm nhạc, lên mạng, xem TV hay ngâm thơ thì những bài nhạc, những bài thơ, những phim ảnh đó có thể tưới tẩm những hạt giống tiêu cực trong ta như thèm khát, bạo động, hận thù, ganh tị. Ta phải cẩn thận, ta không nên đọc những sách báo, nghe những bài nhạc hay coi những phim ảnh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực ấy. Đó là điểm thứ nhất của Tứ chánh cần.
  2. Nếu những hạt giống tiêu cực đã bị tưới tẩm và biểu hiện rồi thì ta phải làm cho chúng ngừng lại. Những hạt giống (chủng tử) đã hiện hành thì ta phải làm cho chúng ngưng hiện hành, và trở về với trạng thái chủng tử. Có phương pháp gọi là “thay chốt”: Ta tắt phim đó và mở phim khác, ta ngâm bài thơ khác hay không ngâm nữa. Khi giúp cho những hạt giống tốt phát khởi thì những hạt giống xấu ngưng phát khởi. Đó là phương pháp thứ hai của Tứ chánh cần.
  3. Những hạt giống tốt chưa biểu hiện ta phải cho chúng cơ hội biểu hiện. Ta chọn sống trong một môi trường mà các hạt giống tốt có cơ hội được tưới tẩm và biểu hiện. Tìm môi trường để sống là một vấn đề rất quan trọng. Môi trường nào mà trong đó hạt giống của hiểu biết, thương yêu, hạt giống của niềm vui, của từ bi được tưới tẩm là một môi trường tốt. Nếu ta chơi với những người bạn xấu, nghe họ nói và thấy họ làm những điều đang tưới tẩm hạt giống xấu nơi ta thì sẽ có hại cho ta. Ta phải chọn bạn mà chơi, đó là sự thực tập. Ta chơi với những người bạn mà lời nói hay việc làm của họ giúp tưới tẩm hạt giống tốt trong ta. Đó là ta tạo điều kiện cho những hạt giống tốt trong ta được biểu hiện. Môi trường tốt và bạn lành là mặt thứ ba của Tứ chánh cần.
  4. Nếu những hạt giống tốt đã được hiện hành rồi thì ta phải tìm cách để duy trì chúng trong trạng thái hiện hành ấy càng lâu càng tốt. Những hạt giống ấy đã từ chiều sâu tàng thức phát hiện trên vùng ý thức. Thực tập tùy niệm ta có thể duy trì chúng ở trong vùng ý thức. Trong thời gian chúng biểu hiện trên ý thức, những hạt giống ấy tiếp tục lớn lên dưới vùng tàng thức. Phương pháp này gọi là chuyển y, nghĩa là chuyển hóa tận nơi căn bản. Nhìn vào Tứ chánh cần, chúng ta thấy cần cũng là giới và cũng là niệm.

Tam tụ tịnh giới

Trong Luật tạng có ý niệm “Tam tụ tịnh giới”, nghĩa là ba nhóm giới:

  1. Nhiếp luật nghi giới (giữ gìn giới, luật và uy nghi)

Nhiếp luật nghi là nắm cho vững giới luật và uy nghi, đừng để mất đi. Sự thực tập giới luật và uy nghi gọi là nhiếp luật nghi.

  1. Nhiếp thiện pháp giới (làm những điều lành)

Nhiếp thiện pháp là nắm lấy và làm phát triển những cái tích cực. (Try to develop, try to do everything that is positive, good, nourishing and healing.)

Phát khởi lòng từ bi, mỉm một nụ cười thân thiện, giúp người khác bớt sầu khổ, đó cũng là trì giới, đó là nhiếp thiện pháp giới.

  1. Nhiêu ích hữu tình giới (làm lợi ích cho các loài hữu tình)

Hữu tình (sattva) là các loài chúng sinh, nhiêu ích là làm lợi ích. Bất cứ hành động hay lời nói nào có thể giúp ích cho mọi người và mọi loài (giúp cho họ được cơm ăn, áo mặc, thuốc men, được bảo hộ, không bị tai nạn, không bị chiến tranh) đều thuộc về hành động nhiêu ích hữu tình giới.

Ba nhóm này gọi là Tam tụ tịnh giới. Chúng ta thấy chúng cũng là niệm, cũng là cần, là sự siêng năng. Trong đạo Bụt, khi nói đến siêng năng, tinh tấn, cần mẫn thì chúng ta cần đưa ra những hành động cụ thể. Làm được những việc đó thì gọi là tinh tấn, gọi là siêng năng.

Tất cả sự hành trì đều là giới, là niệm

Chúng ta đã thấy được rằng tất cả những gì ta hành trì của ta đều là giới, là niệm. Ví dụ trước khi ăn, ta đọc Năm quán:

  1. Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời và công phu lao tác: Đây là niệm. Ta ý thức rằng thức ăn trong bát của ta là tặng phẩm của đất, trời, muôn loài và công phu lao tác. Ta biết bát cơm này từ đâu tới (lượng bỉ lai xứ). Đó là niệm. Mà hễ đã là niệm thì đó là giới. Không phát khởi chánh niệm như vậy khi ăn cơm là không trì giới. Nếu trong khi đọc câu ấy mà không thấy được cơm này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác là ta không có niệm. Không có niệm là không có giới thật sự.
  2. Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này: Đó cũng là niệm và cũng là giới. Khi ăn cơm nếu ta phóng tâm nghĩ đến những chuyện khác là ta không giữ giới vì ta không có niệm.
  3. Chỉ xin ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh: Có niệm như vậy ta sẽ không lấy những thức ăn không phù hợp với tạng phủ của mình.

Tất cả năm điều trong Ngũ quán đều là niệm và đồng thời cũng là giới. Vì vậy tất cả sự hành trì của chúng ta trong đời sống hàng ngày đều là sự biểu hiện của niệm và của giới.

Trong Bát chánh đạo cũng có chánh tinh tấn. Trong Ngũ căn, Ngũ lực cũng có tinh tấn (tín, tấn, niệm, định, huệ). Tấn là cần. Trong Ngũ lực không có chữ “giới”, nhưng cần thật ra đã là giới. Cần đã là giới, thì cần cũng là niệm. (Diligence is also a percept and therefore it is also mindfulness.)