Định đề 4

 

Niết bàn là Niết bàn, không hữu dư y cũng không vô dư y.

Nirvāṇa is nirvāṇa. It does not need to be nirvāṇa with residue (sopādiśeṣa) or without residue (anūpādiśeṣa).

Có nhiều tông phái quan niệm rằng: Khi chứng được A la hán là tiếp xúc được với Niết bànrồi. Nhưng tại vì năm uẩn còn, chất liệu của sự sống (substratum) còn nên Niết bàn vẫn còn sự sót lại (residue), gọi là Niết bàn hữu dư y. Khi thân thể không còn nữa thì lúc đó mới thật đi vào Niết bàn, gọi là Niết bàn vô dư y. Quan niệm này đưa tới sự hiểu lầm về Niết bàn: Niết bàn là sự không có uẩn, không có xứ và không có giới, tức là không có gì hết, Niết bàn là hư không. Đó là một sự hiểu lầm rất lớn!

Tại Làng Mai, chúng ta đưa ra định đề: Niết bàn là sự vắng mặt của vô minh và phiền não mà không phải là sự vắng mặt của uẩn, xứ và giới. Đức Thế Tôn và các vị Bồ tát an trú trong Niết bàn tức không có vô minh và phiền não trong khi uẩn, xứ và giới vẫn còn. Uẩn, xứ, giới vẫn còn nhưng chúng không gây khổ đau tại vì ta không còn phiền não và vô minh. Không còn phiền não và vô minh thì không còn khổ đau. Uẩn, xứ và giới không phải là khổ đau. Có khổ đau hay không có khổ đau là tùy theo cách ta nhìn và sử dụng uẩn, xứ và giới. Còn vô minh thì ta sử dụng uẩn, xứ, giới một cách lầm lạc và ta có khổ đau. Không còn vô minh thì ta sử dụng uẩn, xứ, giới một cách tuyệt vời và làm hạnh phúc cho rất nhiều chúng sanh. Nếu không có uẩn, xứ, giới thì làm sao chúng ta độ đời, và giúp được cho chúng sanh? Vì vậy Niết bàn không phải là sự vắng mặt của uẩn, của xứ và của giới.

Chữ Niết bàn (Nirvāṇa) có thể tạo ra những hiểu lầm. Nirvāṇa hay Nibbāna có nghĩa là tịch diệt và tiếng Anh dịch là extinction. Extinction là sự tắt ngấm. Ví dụ như khi một ngọn lửa tắt đi thì ta không thấy nó nữa, giống như là Niết bàn từ có mà trở thành không. Nghĩ như vậy là sai tại vì Niết bàn không phải có cũng không phải không. Ta không thấy nó biểu hiện thì ta cho là “nó không có”. Nhưng ý niệm “không” đó không phù hợp với thực tại. Khi nó biểu hiện thì ta cho là “có”, ý niệm “có” cũng không phù hợp với thực tại. Sự thật vượt thoát có và không.

Khi giảng dạy về Niết bàn, trước hết chúng ta phải nói: Niết bàn là sự dập tắt của vô minh và của phiền não, chứ không phải là sự dập tắt của sự sống. Sự sống rất mầu nhiệm! Niết bàn chỉ là sự tắt ngấm của phiền não và vô minh. Khi phiền não và vô minh vắng mặt thì uẩn, xứ và giới trở nên rất mầu nhiệm. Trước đó chúng cũng mầu nhiệm nhưng tại ta có vô minh và phiền não nên ta không thấy được sự mầu nhiệm của chúng và ta cho đó là hệ lụy. Kinh Bảo Tích có nói tới câu chuyện: Một ông nọ lượm một hòn đất ném vào con chó. Con chó đau quá kêu ăng ẳng. Nó tức quá chạy theo hòn đất để sủa trả thù. Nó không biết rằng nguyên nhân của sự đau khổ của nó không phải là hòn đất mà là người chọi đất. Vì vậy nguyên nhân của đau khổ không phải là uẩn, xứ và giới mà là sự u mê của ta đối với uẩn, xứ và giới. Uẩn, xứ, giới là hòn đất và vô minh là người ném đất.

Các kinh Đại thừa, nhất là kinh Pháp Hoa, có nói: Các pháp mang tính sinh diệt, có không, thành hoại. Nhưng đó là tại vì ta nhìn chúng bằng con mắt của phàm phu nên ta cho rằng chúng là những pháp hữu vi. Nhìn cho kỹ thì tự tánh của các pháp là không sinh không diệt, không lên không xuống, không có không không. Bông cúc cũng như trái bí rợ đang an trú trong tự tánh Niết bàn của nó. Vì vậy các pháp hữu vi, nếu nhìn kỹ, đều là vô vi, tại vì nền tảng của chúng là vô vi, là không sinh không diệt. Ta có được giải thoát hay không là nhờ cái thấy này và ta không còn sợ hãi nữa. Ví dụ như đám mây. Nếu ta nhìn kỹ thì đám mây không sinh không diệt. Nó là sự tiếp nối của nước sông, nước hồ và sức nóng mặt trời. Nó không phải từ không mà trở thành có và nó cũng sẽ không phải từ có mà trở thành không. Nó sẽ trở thành tuyết, thành nước đá, thành mưa. Nhìn kỹ đám mây ta thấy tính không sinh không diệt của nó và đám mây đang an trú trong Niết bàn, an trú trong chân như của nó. Cũng như một đợt sóng, đợt sóng có lên có xuống, có cao có thấp, có có có không, có đợt sóng này đợt sóng khác. Chính cái thấy “có lên có xuống, có có có không, có cao có thấp” đó làm cho đợt sóng sợ hãi và đau khổ. Nếu nó biết được nó là nước, thì đi lên nó cũng vui sướng, đi xuống nó cũng vui sướng, nhỏ thì nó cũng vui sướng mà lớn thì nó cũng vui sướng. Biết được tự tánh của mình là nước rồi thì sóng chỉ có rong chơi thôi. Sóng là hữu vi, nhưng đồng thời cũng là vô vi. Sự giải thoát là ở chỗ chúng ta thấy được tự tánh của mình là vô sinh bất diệt, là Niết bàn.

Thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền thở để ôm ấp cơn giận thì bớt khổ rất nhiều, nhưng hạnh phúc lớn nhất của người thực tập là tiếp xúc được với tự tánh không sinh không diệt của mình. Phần thưởng lớn nhất cho người tu là thấy được pháp thân vô sinh bất diệt của mình.