Về miền thảnh thơi
Thầy kính thương,
Mấy hôm nay, con dành thời gian để quán chiếu lời tâm sự từ một bạn trẻ người Ý, thuộc gia đình Wake Up mà con vừa chăm sóc trong khóa tu đầu năm mới. Trong buổi thiền trà chia tay, bạn ấy cảm động đến rơi lệ, nghẹn ngào chia sẻ: “Ngày mai tôi phải quay trở lại cuộc sống của thế giới ngoài kia, tôi chưa sẵn sàng và không muốn rời khỏi thế giới trong thiền viện này. Tôi đã sống ở đây một tuần, như sống ở một thế giới khác, nơi mà tôi được chấp nhận là chính tôi, nơi không có sự kỳ thị, không cần trang bị bất cứ rào chắn nào giữa con người với con người, nơi tôi cảm nhận bình an, tự tin, nhẹ nhàng và dễ dàng. Tôi tiếp xúc với sự sống sâu sắc trong từng ngày, từng giờ, từng bước chân và hơi thở. Nhưng thật lạ kỳ, chính tất cả chúng tôi đều bước vào đây từ thế giới đầy gai góc ngoài kia cơ mà! Chính chúng ta cùng nhau xây dựng thế giới lý tưởng trong tuần này, vậy điều gì tạo nên sự khác biệt giữa hai thế giới?”.
Con đã thỉnh một tiếng chuông chánh niệm cho cả gia đình pháp đàm cùng thở, để câu hỏi ấy được gieo sâu vào tàng thức của chúng con, của hai mươi người trẻ, tuổi từ 18 đến 35, đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, cùng đang đi tìm tương lai và sự nghiệp cho cuộc đời. Mỗi người sẽ tự tìm câu trả lời cho chính mình.
Trong tuần ấy, chúng con đã thiết lập các chương trình thiền tập làm mới tự thân, ngồi thiền và quán chiếu về ước muốn sâu sắc cho sự khởi đầu mới, lắng nghe nỗi lòng thầm kín bên trong, ôm ấp đứa trẻ tổn thương nội tâm bằng nhiều hình thức thực tập như thiền hành, thiền buông thư, thiền ăn, thiền viết thư và cả thiền ca cùng nhau bên ánh lửa.
Công trình quán chiếu cho con thấy rằng, sự khác biệt đó chính là ở phương pháp sống, cách sống hay có thể gọi là pháp môn tu học.
“Mười năm vườn xưa xanh tốt”
Mười năm trước, bước vào tuổi 28, thời điểm mùa xuân của tuổi trẻ, thời khắc cần khẳng định hướng đi vững chãi cho tương lai, con đã cho mình một cơ hội dừng lại, nhìn lại, tìm lại quá khứ, hiểu rõ hiện tại. Cũng như các bạn trẻ gia đình Wake Up hôm nay, con tặng mình một chuyến đi về nguồn tâm linh, trở lại bản tâm thanh tịnh để đặt cột mốc cho cuộc đời. Sau hơn một năm thực hành phương pháp sống mà Thầy và tăng thân đã hướng dẫn, con chính thức bước vào thế giới tự do từng ngày.
Mười năm thiền tập là mười năm tiếp nhận gia tài Thầy trao. Thứ quý giá nhất chính là sự tự do. Con giàu có về thời gian, về cơ hội để bắt đầu, để tiếp tục, để lớn lên trong bản lĩnh nhận thức về chính mình, về gia đình và về thế giới.
Con cũng như bao người trẻ khác, dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, gia đình huyết thống, trường học,… đã nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục đi con đường mà cha mẹ đã đi qua. Mười chín tuổi, con theo học chuyên ngành Xã hội học, hăng hái bước vào thế giới tri thức và thích thú góp tay vào công trình xây dựng phát triển xã hội.
Cùng lúc đó, con đang có một tình cảm trong sáng, sâu đậm suốt tám năm với mối tình đầu tuổi học trò. Ra trường, đi làm, khám phá sự thật cuộc sống và các mối quan hệ xã hội được xây dựng, con từ từ nghi ngờ giá trị đích thực của con đường mà cha mẹ, anh chị, thầy cô giáo và bạn bè đang đi. Dần dần, những hiện thực mà con được thấy, được nghe, được sống cùng, đã không thuyết phục được con. Con thấy trái tim mình muốn vươn tới một nếp sống thanh cao, đẹp đẽ và lý tưởng hơn.
Chia tay bạn trai, viết thư xin nghỉ việc, xếp lại tất cả các mối quan hệ, đóng cửa nhà, trả lại tất cả danh phận và địa vị, con đã lên đường đi tìm cuộc sống mà mình mong muốn.
Thầy ơi, trăng cuối tháng vẫn còn sáng rực rỡ cho tới giờ thiền tọa sớm. Con bước từng bước thảnh thơi trên con đường ngang qua cụm bạch dương đến thiền đường Hội Ngàn Sao. Con đã làm ước hẹn mỗi ngày với ngôi sao Bắc Đẩu, ngôi sao Người Thợ Săn, sao Mai, sao Hỏa,… và cả bầu trời sao lung linh lấp lánh đang soi tỏ từng bước chân ý thức của con. Vì con có mặt đây, đích thực và vững chãi nên trăng sao cũng có mặt đó, rõ ràng và trong sáng cho con. Hàng tùng xanh mát, dãy đồi nhấp nhô tỏ lộ các đường cong chạy dài dưới ánh trăng, cánh đồng lúa mạch, ruộng nho thẳng tắp cùng núi rừng thiêng liêng hùng vĩ. Tiếp xúc với sự sống trong giây phút hiện tại một cách sâu sắc, con thấy mình có cơ hội hiểu thêm tâm ý mình cũng như sự vận hành của tâm thức trong hiện tại và quá khứ đã qua.
Đạo Bụt cho gia đình
Hạt giống muốn sống cuộc đời tập thể vốn dĩ con được thừa hưởng mạnh mẽ từ cha mẹ, người đã từng dùng nhiều thời gian của tuổi trẻ mình xây dựng đoàn thể. Trong ba người con của cha mẹ, con tiếp nhận hạt giống này mạnh hơn cả.
Hạt giống sẵn có ấy được gieo trồng trong môi trường thuận lợi của tăng thân, gặp được pháp môn chuyển hóa khổ đau và chế tác hạnh phúc đích thực. Con như cây non được ươm trồng trong mảnh vườn tốt, đủ nắng, đủ nước, đủ dưỡng chất cùng tiếng chim, cánh bướm và bầy ong siêng năng mỗi ngày.
Theo thông lệ gia đình huyết thống, Tết ta là thời gian con cháu đến thăm hoặc gọi điện, hỏi han và chúc sức khỏe ông bà, cô chú bác trong dòng họ. Điện thoại thăm họ hàng bên nội, chú Tư của con hỏi: “Dạo này cháu làm công việc gì? Sống thế nào đấy cháu?”. Gia đình con vốn chưa biết nhiều về đạo Bụt và đời sống xuất gia nên con phải dùng phương tiện câu chữ để chia sẻ về đời sống của một sư cô.
Cười rất tươi trong điện thoại, con thưa: “Con giống như là một cô giáo dạy kỹ năng sống cho các em bé tuổi từ 6 đến 12, giống như là chuyên gia tâm lý cho các em thiếu niên tuổi từ 13 đến 19, hoặc giống như là trợ lý ứng dụng giảng dạy về mặt tinh thần, giá trị sống cho thanh niên từ 18 đến 35 tuổi, là người hỗ trợ trong các chương trình đào tạo hạnh phúc đích thực, sức mạnh nội tâm cho người lớn từ 35 tuổi trở lên. Mỗi tuần, con nấu ăn một ngày, tuy nhiên có khi nấu cho cả mấy trăm người, nhà bếp được thiết kế với máy nướng, lò hấp và nồi rất to, chuyên dụng. Có ngày con được ra cuốc đất làm vườn, gieo hạt ở nông trại hữu cơ rộng lớn, thu hoạch cả xe rùa khoai tây, rau sạch,… Con được ăn chay, thức ăn hiền lành, tươi mới, sống hòa đồng với thiên nhiên cây cối, núi rừng, được thở không khí trong lành, sảng khoái mỗi ngày ạ!”. Mô tả đến như vậy thì các chú và các cô cười giòn tan, vui vẻ và bảo: “Thế là tốt lắm, cứ tiếp tục thế nhé cháu!”.
Thầy ơi, con giới thiệu đạo Bụt cho gia đình con bằng cách như thế đó. Nếu nói rằng bây giờ con đã cạo sạch tóc, mặc áo nâu, làm sư cô, ở trong chùa mỗi ngày hai thời ngồi thiền tụng kinh gõ mõ, hoặc cúng bái… thì gia đình con sẽ không hiểu, sẽ khổ đau lắm. Bởi những tri giác sai lầm của người đời đã gắn nhãn không mấy đẹp đẽ lên cho những điều đó. Nếu không có cơ hội tự mình mắt thấy, tai nghe, chứng thực cuộc sống của con hiện tại vui vẻ, tự do như thế nào thì gia đình con sẽ không thể tin tưởng được.
Không, con không hề muốn!
Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có khi trong tâm con biểu hiện lên những cảnh cũ người xưa, kỷ niệm hồng thời vướng mắc với anh chàng tuổi 19. Đầu mùa an cư này, con quyết tâm chinh phục, tìm hiểu và quán chiếu để buông bỏ mối ràng buộc tâm ý này.
Con đến sư cô trụ trì để mượn sách Giải phẫu cơ thể học. Một mặt con học hỏi về sự vận hành sinh lý trong cơ thể con người để đủ hiểu biết mà thiết lập những bài thiền tập cho tự thân vào từng thời điểm thích hợp. Đó là về thân.
Mặt khác, về tâm, con tìm nghe các bài pháp thoại của Thầy trong Duy biểu học, pháp thoại dành riêng cho người xuất gia, phương pháp thay chốt, nhận diện đơn thuần,… Con viết tất cả những biểu hiện của tâm vướng mắc vào sổ công phu, thỉnh y chỉ sư đọc và chứng minh, hỗ trợ cho con. Con muốn đối diện với chính mình, con muốn bước lên một bước trong kinh nghiệm tu học để thực sự có tự do.
Con đặt câu hỏi cho chính mình: hạnh phúc của sự vướng mắc đó có bền vững không? Không, vì nó được xây dựng trên những đòi hỏi và điều kiện. Rồi con lại tự hỏi, nếu đánh đổi cuộc sống tự do của một sư cô với cuộc sống của một người vợ, suốt ngày trong nhà, nấu ăn, giặt giũ, nuôi dạy con cái và sống trong nhà cao cửa rộng đầy đủ tiện nghi thì mình có muốn không? Câu trả lời là không, không hề muốn.
Vậy đã rõ ràng rồi, hiện tại là cái mình thích, tâm ý vướng mắc chỉ là cái tập khí thất niệm và xao lãng mà thôi, là rác. Mỗi lần kỷ niệm cũ biểu hiện, con mỉm cười tự nhủ: “Thấy rồi, biết rồi, không làm được gì đâu nhé! Cùng nhau đi làm chuyện có ích cho tăng thân thôi, bạn vướng mắc à!” 🙂
Và con thực tập phương pháp thay chốt, để tâm ý được mở rộng và hướng thượng.
Con dùng thời gian để học nhiều điều mới và đóng góp cho tăng thân sức trẻ của mình. Con mời các bạn thiền sinh cùng làm bánh mì có nhiều loại hạt và nướng bằng lò củi. Con cũng tập làm đậu nành lên men cung cấp B12, thêm cho thực đơn ăn chay, thiết kế thời khóa học thêm tiếng Anh, học nấu món ăn mới, chơi với các bạn trẻ đến từ nhiều nước khác nhau để hiểu về văn hóa, lối sống châu Âu.
Tăng thân và đời sống xuất sĩ đã cho con cơ hội để quán chiếu và có được cái thấy nuôi dưỡng đời sống tự do của hiện tại. Tuệ giác và tập khí đều chịu luật vô thường, hiểu được điều đó, con càng trân quý những điều kiện hiện tại mà con được thừa hưởng từ Thầy, từ tăng thân và từ pháp môn tu học. Con thấy mình vừa nhỏ bé, vừa lớn lao khi ở trong lòng của đại chúng. Và con khao khát nương tựa vào tăng thân.
Khi đặt được anh chàng 19 tuổi ấy vào vị trí của sự buông bỏ và vô thường, tâm ý con được cởi trói và tuệ giác về tình thương không vướng mắc bắt đầu có mặt. Người ấy như là một vị Bồ tát đã đi qua cuộc đời con trong vòng tám năm, đã hiến tặng cho con một trải nghiệm của tình thương có điều kiện và tự do trong khuôn khổ.
Sáng tỏ nẻo về đường đi
Bài tập mà Thầy giao cho từ ngày còn là sa di ni, đến bây giờ con vẫn làm đều đặn, đó là bài tập tìm hiểu về cha, về mẹ, về ông bà tổ tiên huyết thống qua thiền viết thư. Ngày làm biếng là ngày con dành cho gia đình huyết thống. Từ khi xuất gia, con mới có nhiều thời gian để lắng nghe tâm sự của bà nội, để hiểu về tuổi trẻ của ông nội, về nghề nghiệp mà ông ngoại đã làm, về cách nuôi dạy con cháu của bà ngoại, v.v.
Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, vì lo bảo vệ vợ con, trong lúc chạy vào hầm trú ẩn không kịp mà ông ngoại của con đã qua đời ngay trước mắt của bà ngoại, mẹ và các dì, cậu. Người Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh không lâu nên thường có xu hướng che đậy quá khứ đau thương lại và dạy dỗ con cháu cố gắng vươn lên, tiến về phía trước… Gia đình con cũng vậy. Cho đến khi cuộc sống yên ổn, ngày tháng đủ lắng xuống thì con mới rủ rỉ xin mẹ kể chuyện về ông bà ngoại. Ông ngoại mất năm mẹ chỉ vừa tròn mười tuổi, mồ côi cha nên cuộc sống của mẹ đói kém, khó khăn. Khi mẹ nhắc lại chuyện đau buồn, con đã hết sức chánh niệm, đã thở thật yên để ôm ấp niềm đau cho mẹ, cho con, cho gia đình. Và cuối mỗi cuộc điện thoại về nhà, con thường tưới tẩm trở lại cái hiện tại hạnh phúc gia đình con đang có: cha mẹ con cái khỏe mạnh, vui tươi và sống hòa thuận bên nhau.
Có một bạn trẻ người Pháp hỏi con: “Vô ngã là gì?”. Con đã dùng kỷ niệm này để trả lời: “Ông ngoại của tôi đã chết dưới bom đạn từ thế hệ cha ông của bạn, và tôi đang ở đây cùng với bạn tu, học, chơi và làm việc trong tình huynh đệ, xây dựng tương lai tươi sáng và hiền lành chung với bạn. Nhờ vô thường mà chúng ta đang giúp tổ tiên của chúng ta xây dựng hiện tại và tương lai tốt hơn. Vì thiếu hiểu biết nên thiếu thương yêu. Bây giờ, chúng ta có phương pháp để hành trì thì tổ tiên của chúng ta ngày xưa chính là chúng ta bây giờ, sẽ không cần phải giết hại nhau để sống, mà có thể nắm tay nhau cùng tạo dựng sự sống bình an”.
Thầy ơi, con đang thai nghén cho bài kinh Chìu tập 2. Con đã có tư tưởng chủ đạo cho bài kinh rồi, khi nào chín, nó sẽ biểu hiện như bài kinh Chìu tập 1 mà con đã viết từ mấy năm trước. Kinh Chìu tập 2 này sẽ là công trình quán chiếu của nhiều năm mà con trải nghiệm nghiệm trong đời sống xuất gia giữa các sư cô. Con rất thích thú với ý tưởng về kinh Chìu trong sách Trái tim của Bụt.
Thầy ơi, còn nhiều điều con muốn viết cho Thầy, kể cho Thầy nghe lắm. Nhu yếu được viết thư cho Thầy như là điều gì rất hiển nhiên. Cũng như nhu yếu của các chị em con, sáng nào cũng thức dậy, thắp lên một ngọn nến, pha ấm trà nóng, thở thật yên và lắng lòng nghe pháp thoại của Thầy. Mỗi khi con để thân tâm mình được tiếp xúc với tuệ giác của Thầy là mỗi giây phút con thấy sáng tỏ đường đi nẻo về cho một cuộc sống tự do và hạnh phúc…
Kính thương và biết ơn Thầy.
Sư con của Thầy
Chân Trăng Chùa Xưa