Thuyền từ lướt sóng
(Sư cô Trăng Giác Ân người Singapore, xuất gia ngày 14 tháng 12 năm 2017, trong gia đình cây Bạch Dương tại Làng Mai, Pháp. Sư cô đang sống và tu học bình yên, hạnh phúc ở xóm Hạ. Trước đây, sư cô sống và làm việc tại Hawaii. Bài viết được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh.)
Tôi rời thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ bước ra bãi đậu xe có những cây bạch dương thẳng tắp. Mặt trăng đang tỏa ánh sáng dịu dàng, làm cả khu vườn như dát bạc.
Tôi thấy mình đang trở về một khu vườn khác đẫm ánh trăng, đó là một bến tàu với rất nhiều con thuyền đang đung đưa nhè nhẹ. Không khí ấm nồng mùi muối biển. Các sợi dây xích lặng lẽ va vào cột buồm tạo nên một bản hòa tấu êm dịu. Trong ánh sáng lờ mờ, hình dạng của chiếc thuyền buồm nhỏ – vốn từng là của tôi – dần hiện rõ.
Cách đây không lâu, tôi sống ở Hawaii. Là một nhà sinh vật học, phần lớn thời gian tôi sống ở ngoài trời. Tôi cũng là một người đam mê lái thuyền buồm nên hầu như lúc nào tôi cũng ở dưới nước, hoặc là ở trên mặt nước trong thời gian rảnh rỗi. Từ bờ biển nơi tôi ở nhìn ra là Thái Bình Dương mênh mông. Chỉ cần dong thuyền ra khơi khoảng mười phút là đã có thể thấy mình ở giữa những con sóng cuộn lừng lững rất nổi tiếng ở Hawaii.
Tôi đã gặp pháp môn Làng Mai trong khóa tu đầu tiên ở San Diego năm 2002, tại trường đại học California. Trong khóa tu đó, tôi đã được học cách thở trong chánh niệm và thực sự có mặt cho những cái đẹp xung quanh. Tôi nhớ mình đã từng đứng trên boong tàu, mắt uống trọn sắc màu của nắng đang nhảy múa trên mặt biển xanh, tôi nghe tiếng nước chảy dưới thân tàu, cảm được gió mát trên da và nắng ấm trên mặt. Bất kể tôi đi biển bao nhiêu lần, vẻ đẹp ấy không bao giờ suy giảm. Đó là nhờ khả năng có mặt trọn vẹn trong phút giây hiện tại. Phải chăng đó chính là hương vị của tâm ban đầu mà lần đầu tiên tôi được nếm?
Lướt thuyền buồm trên biển là một thú tiêu khiển đòi hỏi người chơi phải hoàn toàn có mặt. Gió, sóng và thuyền hòa với nhau trong một vũ điệu sôi động, không ngừng thay đổi. Một người lái thuyền giỏi là một người luôn biết những gì đang xảy ra. Rất nhiều người lái thuyền buồm và những người trượt sóng mà tôi quen biết hay đùa rằng có mặt trên biển trong những ngày Chủ nhật cũng giống như đi nhà thờ vậy. Đó là cách chúng tôi kết nối với đại dương, kết nối với một cái gì đó lớn hơn mình rất nhiều. Dần dần tôi học được rằng nếu lắng nghe sâu thì ta có thể nghe được tiếng đại dương trò chuyện. Đại dương dạy ta, cũng như nó đã từng dạy những người Hawaii cổ xưa cách vượt biển và theo hướng các vì sao để đi từ Polynesia đến Hawaii. Cách tôi lèo lái chiếc thuyền buồm của mình chẳng khác gì mấy với cách người xưa đã làm khi giương chiếc buồm đầu tiên trên biển. Biết bao thế hệ người lái thuyền buồm trước tôi đã quan sát độ cong và sự rập rờn của các cánh buồm trong khi họ điều khiển nó. Bài học quan trọng nhất không phải từ sách vở mà chỉ từ sự quan sát, lắng nghe rồi sau đó thử nghiệm những điều mà mình cảm thấy thích hợp.
Một cách để ta có thể nhìn cuộc sống từ góc độ mới là lướt buồm đi rất xa trên biển cho đến khi không còn thấy được đất liền. Một chiếc tàu dù có lớn đến đâu, với tất cả các hành khách trên tàu, cũng trở thành một chấm nhỏ ở chân trời. Ta là ai? Ta thực sự là cái gì? Những câu hỏi này sẽ trở thành vô nghĩa khi tất cả những gì bạn cần làm là vượt qua từng con sóng một.
Chỉ một vài tuần trước khi xuất gia, tôi đã phải vượt qua một con sóng nghi ngờ rất lớn. Quyết định của tôi có đúng không? Tôi đang thực tập ở một nơi có thích hợp không? Truyền thống này có đúng cho tôi không? Tôi như đang bước vào một nơi vô định. Tôi đã bỏ nghề nghiệp, bỏ chiếc thuyền buồm yêu quý và ngôi nhà của mình lại phía sau để đi tìm kiếm một cái gì đó quý giá hơn, bền lâu hơn là những hạnh phúc đời thường ở một nơi tuyệt đẹp mà tôi từng sống. Có lẽ một lực kéo vô hình đã chi phối, thúc đẩy tôi đi tìm một thiên đường nội tâm đẹp tương đương như vậy. Trong khi cố gắng quyết định có nên xuất gia hay không, tôi đã cân nhắc thật rốt ráo bằng cách sử dụng tất cả trí năng của mình, thế nhưng tôi vẫn không thể quyết định được. Đang ở Làng Mai nhưng tôi cũng rất sẵn sàng khăn gói để ra đi bất cứ lúc nào.
Một sư cô biết tôi bị kẹt trong cái vòng luẩn quẩn nên trước khi đi hướng dẫn khóa tu dài một tháng, sư cô đã từ bi nói với tôi: “Hứa với chị là em sẽ vẫn còn ở đây khi chị trở lại”. Tất cả những gì tôi có thể đáp lại là im lặng lắc đầu. Quả thật tôi rất ngạc nhiên khi tăng thân vẫn chấp thuận cho tôi xuất gia. Có thể chính vì niềm tin này của tăng thân mà có một lúc nào đó, đột nhiên tôi nhận ra rằng ngọn gió cuộc đời đang thuận chiều đưa tôi về hướng xuất gia. Đó là một ngọn gió huyền bí đang thổi tôi vào một nơi vô định. Nhưng là một người lái thuyền buồm, tôi biết mình cần phải làm gì. Tôi trở về có mặt cho chiếc thuyền của mình, tôi biết gió đang thổi về hướng nào. Bất chợt tôi nhận thấy rõ nơi mình phải đến. Bỏ ra đi có nghĩa là tôi phải đi ngược gió, đó là lý do tại sao tâm tôi trở nên kiệt quệ. Tôi đã đi ngược lại dòng chảy của sự sống. Và tôi đã làm một quyết định. Kết cục thật đơn giản.
Tôi cùng một người bạn đã từng tham gia vào các cuộc đua của câu lạc bộ thuyền buồm trên chiếc thuyền của anh ấy, chiếc thuyền mà cả hai chúng tôi đều rất quen thuộc. Sau nhiều năm lướt sóng cùng với đội thuyền của câu lạc bộ, chúng tôi đã đạt được một kỹ năng cho phép chúng tôi đua thuyền hai, ba tiếng đồng hồ, và chỉ thua người về nhất một vài giây. Người bạn và tôi thường hỏi nhau: “Ở chỗ nào trong cuộc đua mình có thể làm ra hai giây đó nhỉ?”. Câu hỏi này đã khích lệ chúng tôi điều khiển chiếc thuyền buồm với sự chính xác tối đa có thể, luôn luôn tỉnh táo. Tôi, trong vai trò người cầm lái, phải chú ý đến từng sự thay đổi dù là nhỏ nhất của hướng gió. Trong khi đó, bạn tôi là người điều khiển buồm và giữ cho chiếc thuyền đi đúng hướng. Đại dương, gió, chiếc thuyền buồm và tôi đã hòa thành một, niềm vui thích tuyệt đỉnh của sự tập trung cao độ trong giây phút hiện tại! Khi chiếc thuyền buồm được điều khiển một cách khéo léo nhất, nó thực sự lướt đi trong một vũ điệu trên mặt nước. Chúng tôi đã thực sự tiết kiệm từng giây phút trong cuộc đua thuyền bằng cách có mặt đích thực trong từng khoảnh khắc.
Giờ đây tôi sống ở Làng Mai, quanh tôi là nông trại, cây ăn trái và những vườn nho. Đôi khi có ai đó hỏi tôi có nhớ lái thuyền buồm không. Tôi có thể trả lời một cách trung thực là tôi nhớ đại dương da diết, nhớ mùi biển mặn, không khí ẩm nồng, nhớ mặt biển, một không gian mênh mông lúc nào cũng chuyển động. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy nhớ lái thuyền buồm. Tại sao? Tôi nghĩ là vì lúc ở trên thuyền tôi đã hoàn toàn có mặt (ngay cả khi tôi bị say sóng!). Vì đã hoàn toàn có mặt, nên có lẽ tôi không có gì để nhớ. Tôi có thể nhớ lại thật rõ ràng cái cảm giác và âm thanh của chiếc thuyền khi nó lướt đi trên mặt nước. Đối với tôi lúc này, như vậy là đã đủ đầy rồi.
Hồi đó, tôi thường nằm trên chiếc giường trong buồng lái và đi vào giấc ngủ trong khi vẫn nghe tiếng tôm quẫy nhẹ ngoài mạn thuyền. Còn bây giờ thì tôi lắng nghe tiếng cú kêu trong đêm, đôi khi tôi chạy ra khỏi giường với hy vọng nhìn thấy một con cú. Tháng 11 báo hiệu bọn cá voi di cư từ Alaska sẽ về đến Hawaii. Nhìn thấy con cá voi đầu tiên là một sự kiện mà ai cũng chờ đợi. Ở Làng, tôi mong ngóng những đàn ngỗng trời di cư vào mùa thu và mùa xuân, biết rằng chúng phải bay một hành trình dài để đến hoặc trở về từ những vùng nóng bức của châu Phi. Chừng nào những con cá voi và những con ngỗng trời còn di cư theo mùa thì tôi vẫn thấy thế giới còn vận hành một cách bình thường.
Là một nhà sinh vật học, tôi biết thiên nhiên thường biểu hiện một cách rất kỳ thú, khó đoán định. Tôi rất thích khi nhớ lại có lần tôi đang đi dọc theo bến tàu đến chỗ tắm công cộng, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một con cá ngựa ở dưới nước. Khi tôi kể cho một người bạn, một người đam mê môn lặn, bạn ấy nói: “Mình đã lặn dưới biển không biết bao nhiêu lần, vậy mà chưa bao giờ mình nhìn thấy một con cá ngựa. Còn cậu, cậu chỉ cần đi đến nhà tắm thôi mà đã nhìn thấy được!”. Tuệ giác có vẻ hơi tương tự với việc bắt gặp một con cá ngựa, bạn sẽ không bao giờ biết được khi nào thì nó xuất hiện. Vì vậy sự thực tập của tôi là luôn sẵn sàng để có mặt bất cứ khi nào nó đến.
Tôi đã thiết lập nên một mối liên hệ với đại dương, mối liên hệ này cũng rất thật như bất cứ mối liên hệ nào khác của tôi đối với một con người. Bởi vì đại dương trò chuyện với ta nếu ta lắng nghe thật sâu, và dạy cho ta nếu ta sẵn sàng học hỏi. Tôi chưa bao giờ thấy mình cô đơn khi ở trên biển. Tôi nhớ lại khóa tu mùa Hè vừa qua ở Làng Mai, có lần tôi mơ thấy núi và biển ở Hawaii. Tôi có thể nghe tiếng gọi của núi và biển nhưng lại thấy hơi sợ khi nghe tiếng gọi ấy bởi vì tôi không muốn mình có cảm giác nhớ nhà. Tuy vậy, một buổi chiều nọ, tôi đã dừng lại và lắng nghe. Tôi có thể nghe tiếng gọi dịu dàng của núi và biển, và tôi định trả lời: “Tôi chưa thể trở về đâu…”, nhưng rồi tôi lại nghe: “Chúng tôi vẫn đang có mặt với bạn đây, không có gì mất đi hết”.
Chín mươi ngày an cư năm 2018 vừa mới đi qua. Trong 90 ngày đó, tôi đã quyết định thực tập với Bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, xả (Brahma Vihara). Brahma Vihara còn được gọi là phạm trú. Trú là trú ngụ. Tôi muốn trú ngụ trong tình thương, từ bi, hỷ, xả càng nhiều càng tốt, muốn hành xử của tôi đến từ tấm lòng thương yêu. Trong lớp học dành cho sa di ni, chúng tôi được khuyến khích không chỉ nhận diện và chấp nhận những gì đang xảy ra trong tâm mà còn thực tập như lý tác ý (để ý tới những đối tượng có thể giúp ta đi về hướng chánh niệm, đi về hướng hiểu biết và thương yêu). Phần lớn sự thực tập của tôi là quán sát tâm mình, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng ta có thể đóng một vai trò chủ động hơn trong việc điều khiển suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tôi không cần phải chờ đợi chúng tự phát khởi. Vì vậy, tôi đã tập mời những hạt giống thương yêu và từ bi đi lên khi thực tập địa xúc hàng ngày. Còn nếu tâm tôi trống rỗng trong khi thiền hành thì tôi tập an trú trong thương yêu và từ ái. Tôi viết cách thực tập bốn tâm vô lượng ra rồi để trên bàn học để nhắc nhở mình mỗi tối trước khi đi ngủ. Bốn tâm này là những cái giếng chứa nước thương yêu và từ bi cung cấp nước uống cho tâm tôi. Tôi phát hiện ra rằng mình đang khát! Khu vườn tâm của tôi đang khô cằn và bụi bặm, vì vậy tôi đã uống thật thỏa lòng. Thực tập bốn tâm vô lượng còn có nghĩa là hiến tặng cho chính mình chất liệu của từ, bi, hỷ và xả, rồi sau đó dần mở rộng ra cho người khác ở chung quanh và cho cả thế giới. Những tâm này có thể mở rộng ra không giới hạn.
Tôi quyết định chỉ thực tập tâm vô lượng kế tiếp khi nào tôi thấy thật là “no đủ” và “mãn ý”, cũng như tôi chỉ nới rộng vòng tay kết nối thương yêu của mình khi nào cái vòng tay mà tôi đang kết nối đã “đầy đủ” và “mãn ý”. Vì vậy, tôi phải thú thật là trong 90 ngày an cư, tôi chỉ thực tập từ và bi – hai trong Bốn tâm vô lượng và chỉ mới thực tập cho chính bản thân mình, thỉnh thoảng mới mở rộng ra cho một vài người khác. Tôi cảm thấy mình chỉ vừa mới bắt đầu khởi hành cho một cuộc hải trình rất dài, và tôi vẫn còn có thể nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy trên bờ biển. Giờ đây tôi phát hiện ra rằng tuy những ngọn gió trong tâm đang có đó, nhưng tôi là một người lèo lái chiếc thuyền tâm, tôi có thể đóng một vai trò chủ động trong suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tôi cũng có thể quyết định mình sẽ đi theo ngôi sao định hướng nào.
Giờ đây tôi vẫn còn đang căng buồm lướt sóng. Biển vẫn còn tối, nhưng tôi có thể cảm được những chiếc thuyền của các sư anh, sư chị, sư em trong tăng thân đang ở gần bên. Chúng tôi là một đoàn thuyền buồm đang được cùng một ngọn gió đưa đi. Đây không phải là một cuộc đua thuyền, mà là một hành trình cùng nhau khám phá. Tôi cũng biết là nếu thuyền tôi bị rò rỉ, tôi luôn có thể kêu gọi sự trợ giúp từ các huynh đệ của mình. Hồn thiêng của đất đai và biển Hawaii vẫn cùng tôi lướt sóng. Cả ba mẹ, những người thân của tôi và vạn vật cũng vậy.
Chân Trăng Giác Ân