Nhà mới yên vui
Thầy Trời Đại Nguyện, xuất gia trong gia đình cây Cúc Đại Đóa, là một người luôn mang tiếng cười vào trong từng câu chuyện đơn sơ, đậm chất của người miền Tây sông nước. Mùa thu vừa qua, thầy đã cùng các huynh đệ lên đường đến trung tâm Suối Tuệ, một tu viện mới của Làng Mai tại Verdelot ở ngoại ô thành phố Paris. Dưới đây là những cảm nhận của thầy về những ngày đầu đặt chân tới tu viện mới.
Tôi đã từng nghe ai đó hát về một nỗi nhớ, nỗi nhớ quê hương, nhớ hương vị quê nhà, nhớ những gì quen thuộc khi mà ở nơi xa đó không có những gì quen thuộc, thân thương đã xa rồi không còn tìm thấy. Ngày xưa khi nghe thì tôi chỉ nghe cho vui mà thôi, nhưng giờ đây tâm thức tôi đang gợi lại một cái gì đó để nhớ về, cũng như câu hát: rồi đi xa thấy nhớ…
Đã ba tháng trôi qua, kể từ ngày huynh đệ chúng tôi rời xóm Thượng chuyển đến trung tâm Suối Tuệ. Suối Tuệ là tên mà chúng tôi đã đặt cho tu viện mới của Làng Mai vùng ngoại ô Paris. Tiền thân Suối Tuệ là một tu viện thuộc dòng thánh Saint Augustin của các nữ tu Công giáo (ma sơ) ngày xưa. Sau hơn một trăm năm sinh hoạt, các sơ vì già yếu và không có người tiếp nối nên đã sang nhượng lại. Người chủ mới đã sửa sang lại một phần của các tòa nhà trong tu viện để làm nhà nghỉ mát với dịch vụ bán bánh crêpes vào cuối tuần. Như thế là từ ba tháng nay chúng tôi được diễm phúc khôi phục lại năng lượng tu tập và cầu nguyện với sự ra đời của tu viện Suối Tuệ – Làng Mai.
Xa xóm Thượng, mọi thứ giờ đây đều rất mới mẻ và lạ lẫm với huynh đệ chúng tôi. Tu viện mới không có đông quý thầy, quý sư cô như ở Làng, mà chỉ có 12 quý thầy và sư chú. Không còn được là “baby” và chăm sóc như xưa, giờ đây mỗi huynh đệ chúng tôi phải tự đứng trên đôi chân của mình, tập đi và tập gánh vác những công việc mà xưa giờ mình chưa từng đụng tới,… Rất nhiều và rất nhiều thứ mà chúng tôi phải trải nghiệm từ khó khăn đến hạnh phúc kể từ ngày xa đại chúng lớn.
Nhớ ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân đến đây, ai ai cũng háo hức, chờ đón để được nhìn thấy trực tiếp. Vì trước đó anh em chúng tôi chỉ được xem tu viện qua các tấm ảnh, cho nên trong tâm trí mọi người ai cũng có một hình dung riêng về tu viện Suối Tuệ.
Riêng tôi, vì được biết Suối Tuệ trước kia có nhà hàng bán bánh crêpes, nên tôi hình dung hẳn tu viện phải rất sang trọng và lộng lẫy giống với những nhà hàng mà khi xưa tôi đã từng đến.
Sau hơn một tiếng từ lúc rời khỏi Thiền đường Hơi Thở Nhẹ (chỗ ngủ tạm một đêm trước khi đến Suối Tuệ), chúng tôi đã đến được tu viện hằng mơ ước. Bề ngoài tu viện không quá sang trọng như tôi nghĩ, không màu mè, bóng loáng mà mang một nét đơn sơ, mộc mạc. Tôi tự nghĩ có lẽ người ta muốn giữ lại hình bóng của tu viện cũ. Vậy cũng hay!
Sau giây phút chào hỏi nhau, chúng tôi được người chủ nhà mời vào bên trong. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi mọi thứ dường như khác với những gì tôi tưởng tượng. Tôi chợt nhớ đến lời Sư Ông dạy: “Tưởng là một tri giác sai lầm”. À ha, ra là vậy, tôi hơi buồn cười vì những gì mình đã tưởng tượng về hình ảnh của tu viện trước đó… “Không sao, đơn sơ dễ tu tập”, tôi nghĩ.
Và rồi, chúng tôi có thời gian chút chút để chuẩn bị cơm trưa và ăn cùng chủ nhà. Sau bữa trưa đầy hạnh phúc nơi không gian đẹp và gần gũi với thiên nhiên, tôi được nghe sơ qua về lịch sử của tu viện, của phố Verdelot. Đó là những mẩu chuyện có thực và rất mầu nhiệm.
Sát na này rồi đến sát na khác, thời gian thay đổi và không gian cũng đổi thay, lại thêm một thông tin nữa là chúng tôi phải đợi vài hôm, khi đã xong phần ký kết giấy tờ thì chúng tôi mới được nhận tu viện. Còn bây giờ chúng tôi phải ở tạm chờ đến ngày ký giấy. Khi nghe thông tin này anh em chúng tôi có cùng cảm giác như mình đang bị thất thủ trước một trận chiến mà mình đang sẵn sàng vào cuộc! Tôi lại tự nhủ với lòng, không sao, chờ vài ngày thôi thì mọi thứ sẽ ổn định.
Dãy nhà có nhiều phòng và anh em chúng tôi bắt đầu chọn phòng để ở cùng nhau. Sau một đêm dài, ngày hôm sau, anh em vẫn tươi cười, tay bắt mặt mừng. Chuyện gì xảy ra? Không gì cả, chỉ là giây phút trân quý nhau. Buổi sáng ngồi chơi, tôi nghe kể đêm qua có một sư em phải cố chạy tìm tấm tọa cụ để xếp làm giường ngủ, vì phòng của sư em không có giường, mà nền nhà thì bằng gỗ nên về đêm hơi lạnh. Và đêm đó sư em đã nằm co lại như một đứa bé còn trong bụng mẹ. Tôi hỏi sao không bật sưởi, sư em bảo là phòng không có sưởi. Ra là vậy. May mắn cho tôi, phòng tôi có giường và có một cái sưởi di động sẵn trong phòng, chỉ có điều tiếng quạt sưởi kêu hơi to. Nhưng chắc vì khá mệt sau một quãng đường dài nên vừa nằm xuống là tôi đi vào giấc ngủ ngay.
Sau đó, cũng còn thời gian trước khi ký xong giấy tờ nên chúng tôi quyết định đi gom góp thêm đồ đạc cho nhu cầu sinh hoạt, vì lúc đó mọi thứ đều thiếu thốn đối với chúng tôi. Ngày chuyển lên đây chúng tôi chỉ mang đúng bảy cái tô, thêm vài cái muỗng, và chút vật dụng khác cho sinh hoạt hằng ngày. Ngồi ngẫm lại, tôi thấy vui vì nếp sống thiểu dục tri túc của huynh đệ.
Buổi sáng hôm ấy, huynh đệ chúng tôi khởi hành đến nhà anh Sơn (anh ruột của thầy Pháp Liệu). Chúng tôi đi hai xe và chia làm hai nhóm.
Nhóm một gồm thầy Quảng Tuấn và tôi có nhiệm vụ trèo lên mái nhà của anh Sơn để hạ ống khói và “tịch thu” cái lò sưởi đốt củi nặng gần 100 kg mang về cho thiền đường Suối Tuệ.
Nhóm hai gồm thầy Pháp Liệu, thầy Đại Giác, thầy Kiệt Thành, sư chú Đạo Phương lên xe thẳng tiến trung tâm Paris để nhận những vật phẩm bà con Phật tử cúng dường.
Đến tối, chúng tôi gặp lại nhau và cười hí hửng, vì giờ mình không lo nữa rồi, bà con cho mình nào là nệm, ly, chén,… và thêm nửa xe củi của anh Sơn để đốt lò sưởi.
Cứ thế, lâu lâu các cô chú cư sĩ vì biết mình còn thiếu thốn nên mỗi người mang tới một ít vật dụng để tặng cho tu viện.
Thế là cũng đến ngày chúng tôi nói lời chia tay với chủ nhà. Anh em lại bắt đầu vào công việc cần làm, từ sơn nhà, sửa cửa, lót thảm cho phòng, đến dọn sạch nhà hàng cũ để chuẩn bị sửa chữa thành thiền đường. Anh em chúng tôi sơn lại từng căn phòng để dành làm phòng ở cho quý thầy, nhà bếp cũng phải bố trí lại cho phù hợp với nếp sống tu viện.
Dù làm việc cả ngày, nhưng huynh đệ chúng tôi rất tinh tấn trong những giờ công phu. Mỗi ngày chúng tôi có hai thời công phu sáng tối, ăn cơm chung với nhau và thiền hành vào buổi trưa. Chúng tôi ý thức rất rõ là trong thời gian khó khăn này, thức ăn nuôi dưỡng huynh đệ nhất chính là thời gian cùng nhau tham dự thời khóa. Có thể vì ý thức rõ ràng đó, cùng với sự tinh tấn hết lòng mà chúng tôi đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn.
Ngày qua ngày, mọi thứ đã đổi mới, đã dần đi vào quỹ đạo. Những ngày gian khổ, thiếu thốn cũng đã vơi bớt. Những ngày làm tất bật từ sáng sớm đến giờ cơm chiều cũng đã trôi qua. Những bữa cơm cũng đã đầy đủ hơn với nhiều nguồn thực phẩm đa dạng.
Nhớ những ngày đầu, trước khi rời xóm Thượng, Happy Farm và xóm Mới có tặng cho tu viện rất nhiều quả bầu và bí ngô. Tôi còn nhớ, anh em chúng tôi đã hội ý có nên mang theo nhiều bầu, bí như vậy không? Một phần vì chuyển xóm nên anh em đã mang theo nhiều đồ, mặt khác mình vẫn có thể mua thêm thực phẩm từ chợ, nên không nhất thiết phải mang nhiều như thế. Sau cùng, chúng tôi quyết định mang được bao nhiêu thì mang, dư thì để lại. May cho anh em đã mang theo một số lượng khá nhiều vì khi lên tới nơi mới biết là mua thực phẩm tươi khó như thế nào. Vì còn mới và chưa quen khu vực, nên thực phẩm mà chúng tôi cần để chế biến thức ăn không đủ, chủ yếu là chả và đậu hũ được cung cấp từ Thiền đường Hơi Thở Nhẹ và các vị cư sĩ. Nhưng rau củ tươi thì thiếu, cho nên cuối cùng những quả bầu và bí ấy đã trở thành nguồn thực phẩm tươi chính thức và quan trọng của chúng tôi. Tôi dám chắc không ai quên được, trong một tháng đầu tiên tại tu viện, món ăn chính không thể thiếu trong mỗi bữa cơm của huynh đệ chúng tôi: một là canh bầu, hai là canh bí mà thôi!
Giờ đây, tu viện Suối Tuệ đã và đang vững chãi trên con đường hoằng pháp. Chúng tôi có những người bạn cư sĩ đến ở trong tuần và đến sinh hoạt trong ngày quán niệm cuối tuần. Dù không nhiều như những trung tâm khác nhưng đó cũng là một niềm động viên và khích lệ cho huynh đệ chúng tôi. Tu viện mới mở cửa, nhưng cũng đã có các bạn thiền sinh quan tâm và biết đến.
Một lần, có một em trai người Úc đi du lịch châu Âu, trước khi bay về lại Úc, em có tìm cách đến ở và sinh hoạt với tu viện trong vài ngày cuối. Em chia sẻ là em chỉ mới biết Làng Mai qua bộ phim Walk With Me. Em tìm trên mạng và được biết Làng Mai mới mở một trung tâm gần Paris nên đã dành những ngày cuối đến với chúng tôi và cùng vui Giáng sinh.
Hình bóng xóm Thượng đã in sâu đậm nơi tâm trí anh em chúng tôi. Những ngày được thả mình trong vòng tay đại chúng, chỉ cần trôi theo dòng chảy trong những ngày quán niệm, trong những buổi pháp đàm, ngày tụng giới, giờ thiền hành, hay chỉ đơn giản là những buổi ăn cơm chung với đại chúng. Tất cả đều tự nhiên và dễ dàng.
Quả thật đi xa rồi mới thấy nhớ, mới thấy trân quý những giây phút đó. Huynh đệ chúng tôi giờ cũng thực tập, cũng sinh hoạt như những sinh hoạt tại xóm Thượng nhưng không đông như ngày ấy. Điều đó là lẽ đương nhiên, vì Suối Tuệ như một đứa con vừa mới chào đời, vẫn còn rất non trẻ.
Nhưng trong tự thân của huynh đệ chúng tôi, mỗi người đang thực sự cảm nhận rằng mình đang lớn lên. Dù chưa quen với những điều mới lạ, nhưng ý thức về trách nhiệm và mục đích của con đường dấn thân đang thể hiện rõ rệt trong mỗi chúng tôi. Chúng tôi đang cùng nhau mỉm cười để cùng lớn lên, chấp nhận nhau và lắng nghe nhau, cùng chia sẻ những khó khăn. Điều đó đã và đang là những thực tập, là động lực để chúng tôi tiếp bước trên con đường xây dựng và phụng sự của tự thân nói riêng và của cả tăng thân nói chung.
Cả đoàn chia tay quý thầy chùa Sơn Hạ trước khi lên đường đi Paris
Chân Trời Đại Nguyện